Miệt Thứ Sơn Nam!

Đoàn Xuân Thu

(Nguồn: https://baotreonline.com/van-hoc/phiem/mie%cc%a3t-thu-son-nam.baotre)

Miệt Thứ là nơi chôn nhau cắt rún của ông Phạm Minh Tày (lục bộ viết trật chánh tả) tức nhà biên khảo Sơn Nam.

Ðại Nam Nhứt Thống Chí chép: Ðó là vùng Lâm Sác, vùng Thập Câu. Thập là mười. Câu là cái ngòi nước từ rừng U Minh Thượng chảy ra biển Rạch Giá.

Theo ông Huỳnh Tịnh Của trong Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị: “Miệt: xứ, miền, một dãy đất”. Miệt trên: vùng Biên Hòa, Gia Ðịnh, Bà Rịa. Miệt Cao Lãnh. Miệt Ðồng Tháp Mười. Miệt Xà Tón, Tri Tôn Thất Sơn, Châu Ðốc. Miệt Dưới: vùng Rạch Giá, Cà Mau.

Như Miệt ruộng, Miệt vườn là vùng đất gò, đất giồng, đất phù sa rất tốt cho cây cam, quýt… Làm vườn đỡ vất vả, dễ kiếm sống hơn làm ruộng.

Miệt vườn chúng ta có mấy chữ như: “Về vườn, bắp vườn, nhà vườn, gái vườn, công tử vườn, điếm vườn, dân chơi miệt vườn…”

Ông Sơn Nam có viết cuốn “Văn Minh Miệt Vườn, vùng đất ven sông Tiền, sông Hậu, thuộc Sa Ðéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ.

Miệt Thứ là tên một vùng đất đẻ ra những đứa con như Miệt Thứ Hai, đứa con thứ hai trong nhà tới Miệt thứ Mười Một.

Nhà Miệt Thứ lợp lá dừa nước. Nếu lựa lá tốt, lợp kỹ, tới 5 năm mới thay mái lá. Ðất kinh rạch, lung, bàu phải chống xuồng ba lá. Xuồng ba lá ghép bằng hai tấm ván be và một tấm ván đáy. Xuồng dùng để đi thăm câu, giăng lưới, đi tiệm, đi ăn đám giỗ quảy, đám cưới, thôi nôi đầy tháng! Không đi ăn đám thì đi nhậu chơi.

Miệt Thứ, có chợ Thứ Ba, Thứ Sáu, Thứ Bảy, Thứ Tám, Thứ Chín, Thứ Mười Một…ở ngã ba, ngã tư kinh, rạch. Như chợ nổi nhiều nơi khác, chợ nổi vùng Miệt Thứ, một cây sào ngắn, gọi là cây bẹo cắm trên mũi ghe, xuồng cho biết mình bán thứ gì?

Miệt Thứ là miệt rừng xa xôi, hiểm trở, đất thấp than bùn, nhiều muỗi mòng. Xa xôi cách trở quá, cho nên cô gái Miệt Vườn theo chồng về Miệt Thứ: “Ðêm đêm ra đứng hàng ba. Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn.”. Chớ thói thường thì: “Mẹ mong gả thiếp về vườn. Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh” Nhưng cái này lại tréo cẳng ngỗng, tréo ngoe. Em gái Miệt Vườn lại bị Tía ép lấy chồng về Miệt Thứ. “Sương khuya ướt đẫm giàn bầu. Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho qua?” Ngày mai bậu vu quy, bữa nay nhà nhóm họ. Bà con nhậu như điên; rượu rót tràn như suối! Qua gánh bao đôi nước; phồng rộp một bên vai, Củi chẻ bao nhiêu thước! Dằm sướt, rướm máu tay. Bậu như chim vào lồng; qua, bùa nghèo, dán trán? Vùng vẫy cũng vô phương! Bậu hót tiếng buồn thương; qua đành trơ mắt ngó. Rót ly rượu đắng cay; uống tràn đêm nỗi nhớ. Tình bậu, qua một thuở.Thôi hẹn bậu kiếp sau!

Rồi bậu đi: “Tới đây xứ, sở lạ lùng. Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê. Chèo ghe sợ sấu cắn chưn. Xuống sông sợ đỉa lên rừng sợ ma. Cà Mau khỉ khọt trên bưng. Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um.”

o O o

Miền Nam có nhiều người viết văn nổi tiếng như: Hồ Biểu Chánh (1885-1958); Vương Hồng Sển. (1902-1996); Nguyễn Hiến Lê (1912-1984); Bình Nguyên Lộc (1914-1987). Sơn Nam (1926-2008) là một trong số đó.

Từ: “Chiều chiều quạ nói với diều. Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm, ông nội của ông Sơn Nam đã đến lập nghiệp ở Miệt Thứ ven rừng U Minh Thượng, với người Việt, người Khmer và người Tiều.

Sau khi Hiệp định Geneve, ông Sơn Nam lên Sài Gòn kiếm sống. Nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914-1987) khuyên ông Sơn Nam là: “Nên viết về đất và người vùng châu thổ sông Cửu Long” mới có đề tài để viết dài dài; viết dài hơi mới sống chết được với nghề.

Nên sau tuyển tập truyện ngắn Hương Rừng Cà Mau nổi tiếng do nhà xuất bản Phú Sa của bạn ông là nhà văn Ngọc Linh in ấn, Sơn Nam thiên về biên khảo. Như vậy đời sáng tác của ông có thể chia ra làm hai: nhà văn Sơn Nam rồi nhà biên khảo Sơn Nam.

Sơn Nam có: “Văn minh miệt vườn, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Vạch một chân trời v.v.” Với gần 60 tác phẩm của ông đã xuất bản. Quả là một gia tài khá là đồ sộ.

Sơn Nam vẽ trước con đường mình sẽ đi, qua mấy câu thơ: “Phong sương mấy độ qua đường phố. Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê.” Phong sương nên Sơn Nam ăn mặc xuề xòa. Qua đường phố, ông thích đi bộ cho dễ la cà, hút thuốc, uống cà phê, có tiền nhuận bút kha khá thì ông nhâm nhi vài chai ‘la ve’ với bạn hữu. Gặp bè bạn, ông chỉ nói chuyện văn chương. Nghe ai đâm xuồng bể, nói chuyện gì khác ‘nhột nhột’, ông chỉ nói  “Ôi! Hơi đâu?”

Nhà văn Sơn Nam – nguồn internet

Văn tức là người. Ông chơi bạn giống như thầy phái viên báo Chim Trời và ông nông dân Tư Có trong Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư trong tập truyện ngắn Hương Rừng Cà Mau. Chuyện một phái viên nhà báo từ Sài Gòn xuống thu tiền một độc giả ở tận miền quê heo hút tuốt dưới Rạch Giá.

Vì xứ muỗi nhiều, sau khi ăn cơm chiều, chủ nhà vội giăng mùng, mời thầy phái viên chun vào trò chuyện cho vui. Thầy phái viên ngượng nghịu nhưng rồi cũng rón rén giở mí mùng chun lẹ vô vì sợ bị muỗi cắn. Muỗi cắn thì sanh bịnh sốt rét ai mà biết được?

Hai người cùng thuộc làu làu nhiều đoạn trong sách Quốc văn giáo khoa thư. Người này đọc: “Chốn quê hương đẹp hơn cả”, người kia đọc tiếp “Ai bảo chăn trâu là khổ”. Cả hai người xa lạ lại tâm đồng ý hợp như bạn chí thân tự thuở nào.

Sơn Nam sống giản dị, chẳng màng danh vọng cao sang không thích được xưng tụng. Ông sống thích ứng với hoàn cảnh để theo đuổi nghề văn: “Tới đâu thấy vịt cũng lùa. Thấy duyên cũng kết; thấy chùa cũng tu”. Ông chọn cái nghề văn dẫu nó nghèo như cái Miệt Thứ của ông: “Xứ mình nghèo quá, mình được đi học và mình phải làm cho người ta biết đến xứ mình như thế nào”.

Nhờ nhà biên khảo Sơn Nam mà bà con mình biết kha khá về Miền Tây thời khẩn hoang. Dẫu biết chưa đủ nhưng người tiếp nối công trình của Sơn Nam, hổng biết chừng nào mới xuất hiện. Giờ trong nước nghe đánh trống tưng bừng ỏm tỏi nhưng chỉ là đồ giả kim.