Mèo và Thỏ ở Úc Châu

Tiền Lạc Quan

Con mèo là dì con cọp”. Năm Quý Mão sắp đến, con thú biểu trưng cho chi Mão hay Mẹo là con mèo, nên phải viết vài điều về “dì” của nó.

Lại nói về năm âm lịch, người Tây phương nói chung và người Úc nói riêng, ngày nay đã hiểu biết khá nhiều về năm âm lịch của Đông phương. Nhưng dường như họ còn hiểu âm lịch Đông phương là lịch của Tàu. Mỗi đầu năm người Tây phương, cùng những quảng cáo thương mãi luôn nói đến năm mới âm lịch là “Chinese New Year”. Điều này không chính xác, đúng ra phải nói “Lunar New Year”, nghĩa là năm mới theo âm lịch tính theo chu kỳ của mặt trăng. Nhiều dân tộc Á Châu cũng dùng âm lịch như Việt Nam ta, chớ không riêng gì bên Tàu.

Lại nói riêng về năm Mão hay Mẹo, theo lịch ta thì con thú biểu trưng cho Chi Mão hay Mẹo là con mèo, gọi là năm Con Mèo. Còn theo Tàu thì con thú biểu trưng là con thỏ. Hầu hết người Tây phương biết về âm lịch và Chi Mão đều gọi năm Mão là năm Con Thỏ “Year of the Hare” hay “Year of the Rabbit” (hare là thỏ rừng, còn rabbit là thỏ nhà được nuôi). Họ đã quen thuộc với con thú biểu trưng cho chi Mão là con thỏ chớ ít người biết là con mèo.

Có lẽ mọi người đều quá quen thuộc với con mèo và con thỏ … Nhưng năm Mão, tôi cũng xin viết vài dòng sơ lược về các loài mèo và thỏ ở lục địa Úc Châu.

Sydney thuộc Tiểu Bang New South Wales (NSW) của Úc là thành phố đầu tiên mà người Âu Châu đến định cư vào Thế Kỷ thứ 18. Người Âu Châu thường thích nuôi chó mèo nên khi sang Úc định cư, họ đem theo những con thú này cùng với nhiều loài thú nuôi khác. Do vậy, người ta cho rằng địa điểm đầu tiên loài mèo được du nhập vào lục địa Úc Châu là Sydney.

Mèo và thỏ không phải là những loài thú có tự nhiên trên lục địa Úc Châu mà đã được du nhập từ hồi Thế Kỷ thứ 18.

Ở Úc Châu, mèo rừng (feral cat) và thỏ có mối liên hệ mật thiết vì hầu như con mồi chính của mèo rừng là thỏ.

1- Loài mèo ở Úc

Phân loại

      Lớp:                     Mammalia  – Thú Hữu Nhũ
      Bộ:                       Carnivora – Thú ăn thịt
      Bộ phụ
      (Phân bộ):            Feliformia – Dạng “Mèo”
      Họ:                       Felidae
      Giống:                  Felis
      Loài:                    Felis catus L.

Mô tả

Mèo có tên khoa học là Felis catus, bao gồm mèo nhà (domestic cat) và mèo rừng hay mèo sống hoang dã (feral cat).

Mèo rừng ở lục địa Úc Châu thật ra cũng là loại mèo nhà đã “thoát khỏi nhà”, ra ngoài rừng, rồi dần dần sinh sôi nẩy nở tràn lan …

Hình dáng và kích thước mèo rừng cũng tương tự như mèo nhà. Về cơ thể học, mèo rừng và mèo nhà không có những đặc điểm gì khác biệt.

Bộ lông mèo rừng thường không có nhiều màu sắc sặc sỡ, không đẹp như bộ lông mèo nhà. Thông thường bộ lông mèo rừng có màu xám hoặc nâu nhạt và có những vằn đen. Ở phần ngực, bụng và gần các bàn chân, lông có màu lợt hơn hoặc màu trắng. Sợi lông mèo rừng cũng thường ngắn hơn sợi lông mèo nhà nhiều.

Tuy nhiên cũng khó xác định một con mèo là mèo rừng hay mèo nhà nếu chỉ nhìn qua hình dáng bề ngoài hoặc kích thước của nó.

Kích thước:

– Mèo đực nặng trung bình từ 3,8kg đến 6,2kg, chiều dài thân mình từ 448mm đến 617mm và chiều dài đuôi từ 235mm đến 335mm.

– Mèo cái nhỏ con hơn, nặng từ 2,5kg đến 4,4kg, chiều dài thân mình từ 380mm đến 555mm và chiều dài đuôi từ 230mm đến 316mm.

Môi trường sinh sống

Mèo rừng hay mèo sống hoang dã có thể sinh sống ở nhiều môi trường khác nhau, từ những sa mạc khô cằn, những vùng đồi núi, cho đến những rừng mưa nhiệt đới. Nhưng chúng thường thích sinh sống ở những rừng thưa hoặc những đồng cỏ khô ráo.

Mèo rừng có khả năng sống còn trong những điều kiện khô hạn nhờ chúng không cần uống nước thường xuyên. Lượng nước trong cơ thể con mồi đã đủ đáp ứng nhu cầu nước của cơ thể mèo.

Cũng như loài cọp, mèo rừng có lối sống đơn độc. Giang sơn của một con mèo trưởng thành tùy thuộc phần lớn vào số lượng thực phẩm (con mồi) trong vùng có phong phú hay không. Khi đã chiếm cứ một vùng đất, một con mèo rừng thường lưu lại đó trong nhiều năm. Một cuộc khảo sát vùng rừng thuộc phía tây Tiểu Bang New South Wales cho thấy mèo rừng đực có thể chiếm cứ một vùng rộng đến 280 mẫu tây (ha), trong khi vùng chiếm cứ của mèo cái nhỏ hơn, chỉ khoảng 150 mẫu tây.

Cũng như loài cọp, mèo rừng cũng đánh dấu khu vực chúng chiếm cứ bằng mùi hương đặc trưng của từng con mèo. Mùi hương đặc trưng này phát xuất từ một số dịch chất được tiết ra từ những hạch nằm quanh vùng hậu môn của mèo.

Sinh sản

Thời kỳ sinh sản của mèo rừng tại Úc Châu thường từ tháng Chín đến tháng Ba dương lịch. Mỗi năm chúng có thể sinh sản hai lứa, mỗi lứa có từ 2 đến 7 mèo con, nhưng thông thường mỗi lứa có từ 3 đến 5 con. Tuổi trưởng thành sinh dục của mèo đực khoảng từ 12 đến 14 tháng tuổi, trong khi tuổi trưởng thành sinh dục của mèo cái có thể sớm hơn, khoảng từ 10 đến 12 tháng, và chúng có khả năng sinh sản ngay trong năm đầu khi đã trưởng thành sinh dục. Thời gian thụ thai ở mèo rừng khoảng 9 tuần. Sau khi sinh, mèo con được cho bú khoảng từ 10 đến 12 tuần. Mèo con sống chung với mèo mẹ đến khoảng từ 5 đến 7 tháng tuổi thì tách rời khỏi mẹ và sống đời sống đơn độc.

Săn mồi và sự phát triển dân số của mèo rừng

Mèo thuộc Bộ Thú ăn thịt (Carnivora). Mèo rừng săn bắt mồi vào ban đêm, cả ngày chúng nghỉ trong các hang thỏ, các bộng cây hoặc những nơi ẩn náo tương tự. Mèo rừng có thể săn bắt tất cả các loài động vật, từ động vật không xương sống, đến những loài lưỡng thế, bò sát, cá, chim, … đến những động vật hữu nhũ. Chúng có thể săn bắt những con mồi ở dưới đất hoặc có thể leo cây để săn bắt những động vật trên cây. Mèo rừng thường săn bắt những con mồi còn sống, phần nhiều là những loài thú có kích thước nhỏ. Nhưng cũng có những lúc con mồi sống khan hiếm, không đủ đáp ứng nhu cầu, thì mèo rừng cũng có thể tìm những xác thú rừng, có khi đã thối rữa để ăn.

Ở lục địa Úc Châu, hầu như mèo rừng săn bắt thỏ, là con mồi chính. Hang của loại thỏ nhà cũng là chỗ cư ngụ thích hợp cho mèo. Do đó sự sinh sôi nẩy nở lan tràn của loài thỏ đã được người Âu Châu du nhập vào Úc từ Thế Kỷ thứ 18 cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự sinh sôi nẩy nở nhanh chóng và lan tràn rộng rãi của loài mèo trên toàn bộ lục địa Úc Châu. Năm 2008, người ta ước lượng số mèo rừng có thể lên đến khoảng 12 triệu con trên toàn nước Úc. Riêng Tiểu Bang New South Wales có đến khoảng 400,000 con!

Ở lục địa Úc Châu, mèo không có những thiên địch, tuy mèo con có thể bị chó rừng (dingo), chồn và một loài chim ưng (Wedgetail Eagle) săn bắt, nên dân số mèo rừng không được quân bình và cứ gia tăng không giới hạn.

Có giả thuyết cho rằng mèo được nuôi trong nhà khi bị lạc, sống hoang dã có thể trở thành mèo rừng, làm tăng dân số mèo rừng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng mèo rừng đã từ lâu sinh sống cách xa hẳn cộng đồng loài người, do vậy dân số mèo rừng không gia tăng theo một số ít mèo nhà bị thất lạc hằng năm.

Sự tác hại của mèo rừng đối với động vật có tự nhiên trên lục địa Úc Châu

Con mồi chính của mèo rừng là thỏ, nhưng khi số lượng thỏ giảm sút, mèo cũng có thể săn bắt những con mồi khác, trong đó có những loài chim và động vật hữu nhũ có tự nhiên trên lục địa. Tuy mèo rừng và mèo nuôi trong nhà cùng thuộc loài mèo (Felis catus) nhưng người ta ghi nhận rằng mèo rừng là tác nhân chính làm giảm dân số động vật có tự nhiên ở Úc, nhất là các loài chim và động vật hữu nhũ, trong đó có nhiều loài chim và thú hiếm đang bị hiểm họa tuyệt chủng, thí dụ như những loài chuột túi Brush-Tailed Bettong (nay chỉ còn hiện diện trên 1% diện tích lục địa), Eastern Barred Bandicoot, Bilby, v.v…

Người ta ước lượng mèo rừng đã giết hại hơn 100 loài chim, 50 loài thú hữu nhũ và 50 loài bò sát có tự nhiên trên lục địa Úc Châu. Nếu số mèo rừng ở Úc Châu khoảng 10 đến 12 triệu con, trung bình hằng ngày mỗi con mèo đã giết hại khoảng 3 con thú, tính ra mỗi năm mèo rừng đã giết hại đến 12 tỷ con thú có tự nhiên tại Úc!

Vì vậy có nhiều đề nghị cần phải tiêu diệt loài mèo (kể cả mèo nhà) trên toàn Úc Châu để ngăn chận đà giảm sút dân số những loài động vật có tự nhiên trên lục địa, nhất là những loài đang bị hiểm họa tuyệt chủng.

Tuy vậy, người ta nhận thấy không thể nào tiêu diệt được hết loài mèo trên toàn lục địa Úc Châu. Vấn đề chính là cần phải kiểm soát dân số mèo, nhất là mèo nuôi trong nhà, như phải áp dụng những biện pháp ngăn ngừa sự sinh sản của mèo và ngăn chận mèo nhà giao phối với mèo rừng, …

Loài mèo đã được du nhập vào lục địa Úc Châu như thế nào?

Loài mèo không phải là một loài thú có tự nhiên (native fauna) trên lục địa Úc Châu. Người ta cho rằng mèo đã được người Âu Châu đem vào Úc khi họ sang định cư vào Thế Kỷ thứ 18.

Có nhiều nghiên cứu để tìm hiểu xem loài mèo đã được du nhập vào lục địa Úc Châu như thế nào. Những nghiên cứu đã đưa ra hai giả thuyết:

1- Loài mèo đã được du nhập vào Úc trước khi người Âu Châu đến định cư, tức trước khoảng thời gian 1788 đến 1886.

2- Loài mèo có mặt tại Úc do những người Âu Châu sang định cư mang vào trong khoảng hai năm 1788 – 1789. Theo đó điểm du nhập đầu tiên là Sydney thuộc Tiểu Bang New South Wales.

Để tìm hiểu vấn đề này, người ta dựa vào nhiều tài liệu lịch sử, thí dụ như những nhật ký hành trình của những nhà thám hiểm Úc Châu trong những thế kỷ qua. Trong bài nghiên cứu về nguồn gốc và sự lan tràn của loài mèo trên lục địa Úc Châu, ông Ian Abbott nhận định:

– Không có tài liệu lịch sử nào ghi nhận sự hiện diện của loài mèo trên lục địa Úc Châu trước khi người Âu Châu sang định cư vào năm 1788.

– Những nhật ký hành trình của những nhà thám hiểm trong thời gian 1788 – 1883 không có ghi nhận sự hiện diện của loài mèo khi họ tiến hành những cuộc thám hiểm sâu trong lục địa, ngoài những vùng định cư của người Âu Châu.

– Không phải Sydney là địa điểm du nhập duy nhất của loài mèo vào lục địa Úc Châu, mà loài mèo đã sinh sôi nẩy nở và lan tràn từ nhiều địa điểm du nhập rải rác dọc các vùng duyên hải của lục địa trong khoảng thời gian 1824 – 1886.

– Đến năm 1890 thì hầu như loài mèo đã có mặt trên toàn bộ Châu Úc.

2- Thỏ rừng và thỏ nhà ở Úc

Phân loại:


      Lớp:                     Mammalia  – Thú Hữu Nhũ
      Bộ:                       Lagomorpha
      Họ:                       Leporidae
      Giống: Lepus – Thỏ rừng (Hare)
      Giống: Oryctolagus – Thỏ nhà (Rabbit)
      Loài:

Ở lục địa Úc Châu có các loài:

Thỏ rừng: Lepus capensis L.,tên đồng nghĩa: Lepus europaeus L.

Sau này người ta dùng hai tên khoa học này để phân biệt hai loài thỏ có nguồn gốc khác nhau: Lepus europaeus chỉ loài thỏ có nguồn gốc từ Âu Châu, còn Lepus capensis chỉ loài thỏ có nguồn gốc từ Phi Châu.

Thỏ nhà: Oryctolagus cuniculus L.

Tuy gọi là “thỏ nhà” vì cùng loài với những giống thỏ được nuôi, nhưng ở Úc Châu loài thỏ này đã sống hoang dã và đã lan tràn gần khắp lục địa … Có tài liệu cho rằng loài thỏ nhà sống hoang dã tại Úc thuộc loài phụ Oryctolagus cuniculus cuniculus.

 Mô tả

Tuy hình dáng bề ngoài tương tự nhau vì cùng thuộc Họ Leporidae, thỏ rừng và thỏ nhà thuộc hai Giống (Genus) khác nhau nên có những đặc điểm và cách sinh sống rất khác nhau.

Kích thước:

Thỏ rừng có kích thước to và nặng hơn thỏ nhà, hai vành tai cũng dài hơn và ở đầu vành tai có màu đen.

Thỏ rừng:

– Con đực nặng trung bình từ 3,2kg đến 4,7kg, chiều dài thân mình từ 520mm đến 630mm và chiều dài đuôi từ 70mm đến 90mm.

– Con cái nặng hơn, từ 3,4kg đến 5kg, chiều dài thân mình và chiều dài đuôi cũng tương đương con đực.

Thỏ nhà:

– Con đực nặng từ 0,98kg đến 2,21kg, chiều dài thân mình từ 356mm đến 424mm.

– Con cái nặng từ 0,96kg đến 2,42kg, chiều dài thân mình từ 356mm đến 409mm.

Môi trường sinh sống

Môi trường sinh sống của hai loại thỏ rừng và thỏ nhà tương tự như nhau. Chúng đều ăn cỏ và sinh sống trên những đồng cỏ, chúng có thể lan tràn đến những khu rừng thưa, những thung lũng có nhiều cỏ ở vùng đồi núi và có khi xâm nhập những nông trại gây thiệt hại cho mùa màng.

Về cách sinh sống thì thỏ rừng sống đơn độc và không đào hang như thỏ nhà. Suốt ngày chúng ẩn náo ở những “form” là những hố lõm trên mặt đất, trên đồng cỏ, những chỗ đất lõm sau những lùm cỏ hay hốc đá, … Trong khi thỏ nhà có đời sống quần thể, chúng đào hang có nhiều ngõ ngách chằng chịt (gọi là “burrow”) ở những “warren”, là những vùng đất có nhiều hang thỏ thuộc giống này.

Một điều đặc biệt rất thú vị ở thỏ nhà là có giai đoạn “ăn lại phân” (coprophagy) trong quá trình tiêu hóa: thỏ nuốt lại những cục phân của nó trực tiếp từ hậu môn. Trong quá trình tiêu hóa, những cục phân đặc biệt này được hình thành từ sự lên men thức ăn do một số vi khuẩn đường ruột ở đoạn cuối ruột già. Những cục phân này chứa nhiều thức ăn chưa được tiêu hóa hoàn toàn và nhất là có nhiều sinh tố thuộc nhóm B.

Sinh sản

Thỏ rừng:

Thỏ rừng sinh sản quanh năm, tuy nhiên mùa sinh sản chính là từ tháng Tám đến tháng Hai dương lịch. Thông thường những “chàng thỏ cua các nàng thỏ” và những trận “đánh lộn” ác liệt giữa các “chàng thỏ” để “giành gái” rất thường xảy ra.

Trong những điều kiện thuận lợi, thỏ rừng có thể sinh từ 5 đến 6 lứa mỗi năm, mỗi lứa có từ 2 đến 5 thỏ con. Sau thời gian thụ thai khoảng 42 ngày, thỏ rừng sinh con trong những “form” như đã nói ở trên. Khác với thỏ nhà, thỏ rừng mới sinh đã mở mắt và đã có bộ lông đầy đủ. Thỏ rừng con bắt đầu thôi bú khi chỉ mới được 4 tuần.

Thỏ nhà:

Ở Úc Châu, mùa sinh sản của thỏ nhà từ khoảng cuối tháng 7 đến cuối tháng Giêng dương lịch. Trong mùa sinh sản, thỏ nhà kết lại thành từng bầy gồm từ 1 đến 3 con đực và từ 1 đến 7 con cái. Mỗi bầy được “lãnh đạo” bởi một cặp thỏ (một con đực và một con cái) mạnh mẽ và năng nổ nhất trong bầy hầu bảo vệ khu vực sinh sản của chúng. Khi hết mùa sinh sản thì những bầy thỏ này tự động giải tán.

Tuổi trưởng thành sinh dục của thỏ, cả con đực và con cái, từ 3 đến 4 tháng tuổi. Thời gian thụ thai là 30 ngày. Từ 1 đến 2 ngày trước khi sinh, thỏ mẹ đào một hang nhỏ và dùng cỏ và lông thú để lót ổ cho thỏ sơ sinh. Khác với thỏ rừng, thỏ nhà khi mới sinh trần trụi, không có lông và chưa mở mắt. Mười ngày sau khi sinh, thỏ con mới mở mắt và sau 21 ngày thỏ con mới ra khỏi hang.

Mỗi năm, thỏ nhà có thể sinh sản được nhiều lứa thỏ con tùy theo điều kiện môi trường sống. Trong những môi trường khô hạn, thỏ có thể sinh từ 1 đến 2 lứa thỏ con hằng năm. Trong những điều kiện thuận lợi hơn, thỏ có thể sinh được hơn 5 lứa thỏ con mỗi năm. Số thỏ con trong mỗi lứa cũng thay đổi tùy theo mùa, tùy theo tuổi của thỏ mẹ, và cũng tùy theo loại thức ăn của thỏ mẹ, nhưng trung bình từ 4 đến 5 thỏ con. Trung bình hằng năm, một con thỏ cái có thể sinh ít nhất từ 11 đến 25 thỏ con hay hơn nữa trong những môi trường thuận lợi.

Tuổi thọ trung bình ở thỏ nhà từ 8 đến 12 năm, nhưng trong các bầy thỏ ở Úc thường những con thỏ từ 2 đến 3 năm tuổi chiếm đa số. Tử suất thỏ nhà sống hoang dã rất cao: có đến 80% thỏ con chết sớm trước khi được tròn 3 tháng tuổi. Tử suất giảm dần khi thỏ trưởng thành hơn. Có nhiều nguyên nhân gây tử suất cao ở thỏ, trong đó hai nguyên nhân chính là thỏ bị chồn và mèo rừng săn bắt và bị nhiễm bệnh myxomatosis, bệnh do một loại siêu vi trùng gây khối ung thư trong mô các niêm mạc. Bệnh myxomatosis nay đã lan tràn trong những bầy thỏ nhà sống hoang dã ở Úc. Thỏ nhà còn bị nhiều chứng bệnh do nhiều loài động vật ký sinh như bọ chét, mạt, giun sán và những loài nguyên sinh động vật sống ký sinh trong đường ruột thuộc Bộ Coccidia, gây bệnh cầu trùng (Coccidiosis), một bệnh đường ruột ở nhiều loài thú.

Sự du nhập của thỏ vào lục địa Úc Châu

Loài thỏ rừng ở Úc Châu có tên tiếng Anh là Brown hare, đầu tiên được du nhập từ Âu Châu vào Tiểu Bang Tasmania khoảng đầu năm 1837.

Người Âu Châu mang các loài thỏ vào Úc để dùng vào thú chơi thể thao săn bắn vì lục địa Úc Châu vốn không có thỏ. Lợi dụng khả năng sinh sản nhanh chóng và tốc độ chạy rất nhanh (50km/giờ trên một quãng ngắn) của thỏ rừng, người ta dùng loài thỏ này trong môn thể thao săn thỏ, gọi là “coursing”: xua chó săn (greyhound, một giống chó to nhưng gầy, chạy rất nhanh) đuổi theo con thỏ để tiêu khiển. Vì có tính cách dã man nên ngày nay ở Úc môn chơi này đã bị cấm.

Từ khi được du nhập vào Úc, thỏ sinh sôi nẩy nở rất nhanh chóng và lan tràn đến những đồng cỏ thiên nhiên và những rừng thưa, rồi đến những vùng đất nông nghiệp và ngay cả những khu đô thị thuộc các Tiểu Bang New South Wales, Victoria, Nam Úc và những vùng thuộc miền đông nam Tiểu Bang Queensland. Chúng sinh sôi nẩy nở nhanh chóng đến nỗi vào năm 1930, trở thành một thứ dịch gây nhiều thiệt hại cho mùa màng ở những vùng phía bắc và phía tây Tiểu Bang Victoria. Vào năm đó, người ta huy động những tay súng thuộc những câu lạc bộ bắn súng để bảo vệ những nông trường, những đồn điền và những vườn ương cây. Trong thời kỳ đó, chỉ trong một buổi sáng, các tay súng đã bắn giết được hàng trăm, đôi khi đến hàng ngàn con thỏ rừng đến quấy phá.

Về việc tiêu diệt và kiểm soát dân số thỏ tại Úc

Tuy thức ăn chính là cỏ nhưng thỏ có thể xâm nhập những nông trại để đào bới những rau củ, phá hại các thứ ngũ cốc. Ở những vườn nho và vườn cây ăn trái, chúng gặm nhấm vỏ cây làm hư hại những cây trồng và gây nhiều thiệt hại cho ngành nông nghiệp. Người ta ước tính hằng năm ngành nông nghiệp Úc đã thất thoát hơn 115 triệu Úc kim do sự phá hoại của thỏ.

Thỏ cũng gây tác hại cho môi trường thiên nhiên, làm thay đổi cấu trúc thảm thực vật tự nhiên của Úc Châu. Chúng gặm nhấm vỏ cây và đào bới rễ cây để ăn, làm chết những cây này và làm xói mòn đất đai, nhất là trong những mùa khô hạn, vì vỏ và rễ các loại cây cung cấp lượng nước cần thiết cho cơ thể thỏ.

Vì sự sinh sôi nẩy nở nhanh chóng và sự tác hại của thỏ đối với môi trường thiên nhiên của Úc, cũng như gây thiệt hại đáng kể cho nông nghiệp, nên cần loại trừ thỏ trên toàn lục địa Úc Châu, hoặc ít ra kiểm soát dân số của thỏ.

Người ta kiểm soát dân số thỏ nhà bằng nhiều phương cách: làm hàng rào cản, bắn giết bớt, đặt bẫy, nhử mồi có tẩm thuốc độc, … và phương pháp sinh học, như cho nhiễm bệnh myxomatosis và những bệnh của thỏ như bệnh RHD hay RCD (Rabbit Haemorrhagic Disease / Rabbit Calivirus Disease).

Siêu vi trùng bệnh myxomatosis không tấn công thỏ rừng, hơn nữa rất khó nhử thỏ rừng bằng những mồi có tẩm thuốc độc, do đó phương cách chủ yếu để kiểm soát dân số thỏ rừng là chỉ có cách bắn giết bớt, nhưng phương cách này chỉ hữu hiệu ở những vùng nông thôn.

Một số tài liệu tham khảo chính

1. Abott, Ian (2002). Origin and spread of the cat, Felix catus, on mainland Australia, with a discussion of the magnitude of its early impact on native fauna.

2. Wildlife Research, 2002, 29, 51-74

3. Department of Environment and Conservation NSW (1997). Pest Management in NSW National Parks – Rabbits Fact Sheet

4. Readler, John (1997). Australian proposal would wipe wild cats from continent – World News Story Page. CNN Sydney, Australia

http://edition.cnn.com/WORLD/9703/14/aussie.cats/

5. Strahan, Ronald Ed. (1983). Complete Book of Australian Mammals – The Natural Photographic Index of Australian Wildlife. The Australian Museum. Angus & Robertson Publishers

Other Websites:

– Feral Cats

http://www.coffsharbour.nsw.gov.au/html/3607-feral-cats.asp

NSW Environment Climate Change & Water

– Feral cats

http://environment.nsw.gov.au/pestsweeds/FeralCats.htm

– Background information on feral cats

http://environment.nsw.gov.au/pestsweeds/BackgroundInformationOnFeralCats.htm

– The threat of feral cats

http://www.environment.nsw.gov.au/pestsweeds/TheThreatOfFeralCats.htm

– Hares & Rabbits

http://en.wikipedia.org/wiki/Rabbit

http://en.wikipedia.org/wiki/Hare