Mạc Cần Dưng!

Đoàn Xuân Thu

Ðâu tháng rồi, bên Huê Kỳ có một độc giả, hơi lí lắc, viết thư vào Tòa soạn cắc cớ đưa ra một đề nghị rất dễ thương: “Tờ báo tên ‘Trẻ’ nhưng sao em thấy toàn mấy ông già? Thôi đổi thành báo ‘Già’ đi mấy chị, mấy anh! Hi hi?”

Hổng biết ông hoặc bà bạn văn nào trong Tòa soạn trả lời nghe cũng có lý: “Những người hoạt động trong giới văn nghệ sĩ không có tuổi bạn ạ!”

Ðúng vậy! Mần văn đâu sá gì tuổi tác. Tuổi tác là để ăn thôi nôi, ăn sinh nhựt, ăn đáo tuế. Hoặc lúc đi cưới vợ hay đi lấy chồng. Lúc đó, dù muốn dù không, mình cũng phải sùy cái thông tin riêng tư tuổi con gì của mình ra. Nhờ cái mu rùa, ông thầy bói mới biết thằng nam với con nữ nầy có ăn đời ở kiếp với nhau hay nửa đường đứt gánh hay không?

o O o

Mà đã mần văn ắt phải có bạn văn. Như mình đi học là phải có bạn học vậy. Chỉ có cái khác, bạn học thường cùng tuổi; bạn văn già cũng có; trẻ cũng có luôn. Tuổi tác không thành vấn đề. Chơi được là mình chơi mút chỉ cà tha, chìm xuồng tại bến hè!

Nói nào ngay, dù sanh đẻ ở Miền Tây đất điền, cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi nhưng nhà tui lại không có được một cục đất chọi chim. Chẳng qua vì có được dăm ba chữ dằn túi, đậu cái bằng Thành chung,‘đít lôm’, tức bằng ‘Ðút rơm trâu ăn mê’, Tía tui làm công chức. Mà mấy ông nội làm sếp của Tía tui cũng ác nhơn lắm. Mấy chả lạm quyền muốn làm gì thì làm. Không thèm cạn suy, tường nghĩ, rốt ráo trước sau. Coi sự vụ lệnh thuyên chuyển có làm ảnh hưởng đến cuộc sống của vợ con thuộc cấp hay không?

Cứ hai năm, Tía tui lên một trật là phải đổi đi chỗ khác. Má tui phải tha đám con đông cỡ một tiểu đội lính làng, lang thang thất thểu chạy theo. Cuộc sống cứ rày đây mai đó, gạo chợ nước sông; nên nhỏ lớn tui làm dân chợ.  Chính vì vậy, nói tới vùng quê xôi đậu trong chiến tranh, ngày quốc gia; đêm Việt cộng là tui bù trất.

May mắn thay, tui quen được anh Mạc Cần Dưng, dân chốn bưng biền. Tên Cần Dưng là do ảnh sanh đẻ tại Mặc Cần Dưng (giờ xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, cách Long Xuyên gần 17 cây số trên quốc lộ số 91 đường đi Châu Ðốc.)

Tui nói: “Tên anh nghe ngộ quá!” Thì ảnh nói:  “Thiếu gì đứa cọp dê kiểu Tía Má tui đặt tên con. Ông nhạc sĩ họ Trần, sanh quán Quảng Nam, thì ổng lấy tên Trần Quảng Nam.  Ông nhà thơ cha sanh mẹ đẻ trên sông Thu Bồn thì lấy tên Thu Bồn. Vì thế mới có câu: “Thu Ba khen ngợi Thu Bồn. Thu Bồn khoái quá sờ… vai Thu Ba”. Tui chưa gặp ông Bùi Giáng lần nào để hỏi phải ông làm hai câu thơ tiếu lâm nầy không? Nếu gặp, chắc ông Bùi Giáng sẽ trả lời là: “Vì bực bội, tức tối, bức bối Ba mươi tháng Tư, nữ sĩ Thu Ba bợ đít nhà thơ CS Thu Bồn, nên làm thơ chửi cho đã tức. Chửi nhưng cũng rét, sợ lôi thôi cò bót với Việt cộng, vô đi, ra ‘băng ca’; nên nói do tao làm là huề trất! He he!

Mạc Cần Dưng. Họ Mạc chớ không phải Mặc. Chỉ thiên nổ rân trời, ảnh kêu Tổng binh Ðại đô đốc Mạc Thiên Tích trấn nhậm đất Hà Tiên là ông cố tổ. Ông cố tổ của ảnh bị nhà Tây Sơn của Nguyễn Huệ truy nã ráo riết phải chạy tuốt qua Bangkok, Thái Lan trốn. Bà cố tổ của ảnh chạy sút đầu tóc mượn mà rượt theo không kịp. Bả đành trôi dạt về đất Mặc Cần Dưng, vùng Long Xuyên, khai hoang, khẩn đất làm ruộng rồi thành người cố cựu ở đây luôn

Trải qua 5, 6 đời chung đụng với người Việt và người Khmer nên máu Triều Châu trong dòng họ của ảnh dần dần cũng nhạt phai đi. Tuy vậy, máu mua bán mần ăn của dòng họ Tàu Triều Châu lưu lạc tha hương cũng còn luân lưu trong huyết quản; nên ông Nội ảnh lập ra lò nung gạch bằng trấu.

Anh hỏi: “Chú mầy có nghe câu thành ngữ: Chắc Cà Ðao, Mặc Cần Dưng, Cùm tay bự hơn cùm chưn!’ không? Thậm xưng cũng có một phần thôi. Chớ cùm tay (cườm tay) của dân Chắc Cà Ðao và Mặc Cần Dưng bự thiệt. Bự là vì mấy em chuyển đất sét làm gạch mộc. Xếp gạch mộc vào lò nung. Dỡ gạch chín từ lò chuyển ra bãi chứa. Chuyển gạch từ bãi chứa ra bờ kinh, gánh xuống ghe chở đi bán. Tất cả đều phải dùng hai tay bưng bê. Chạy tới chạy lui bằng động cơ một ‘bloc’, chạy hộc gạch, chạy xịt ống khói, chạy bằng… cơm!

Chính vì cùm tay của em bự như cùm chưn nên mình phải cẩn thận. Dê, ve vãn mà em hứ cái cốc thì mình phải xê ra, đi dê em khác. Mấy thằng ‘cu’ khác tính nhào vô mà bị mình xà quần ngáng chân làm em ế, hổng ai dê thì em sẽ quạu. Với cùm tay của lực sĩ cử tạ thế vận hội Tokyo đó, em nựng nhè nhẹ vô gò má mình một cái thì thôi rồi Lượm ơi! Nghe cái bốp thấy ba bốn ông Trời. Thấy bà nội cũng đội chuối khô.

Mặc Cần Dưng – nguồn Youtube

o O o

Mặc Cần Dưng, Chắc Cà Ðao! Nghĩa gì? Chưa ai biết. Vì mấy ông biên khảo địa phương chí còn mắc bận ỏm tỏi cãi nhau. Ông rành chữ Pháp thì lục sách Tây. Ông rành chữ Hán thì lục sách Tàu. Trong khi địa danh do người Miên đặt thì mấy ông không chịu đi hỏi mấy ông ‘Lục cả’?

Con gái xứ nầy lai Miên một chút, lai Tàu một chút, nên em nào em nấy đẹp não nùng. Em có tâm hồn ăn uống đầy dầu mỡ. Sáng bánh bao, chiều há cảo của người Tàu. Em có tâm hồn ca vũ nhạc. Múa lâm thôn, hát dù kê của người Miên. Và tâm hồn em ướt đẫm ca dao của xứ sở quê mình. “Em là gái Chắc Cà Ðao. Xa anh nhớ quá như dao cắt lòng”.

Cái xứ đa chủng tộc, đa văn hóa, đa văn minh như vậy mà nghe nói tui sanh quán Mặc Cần Dưng là tụi nó trề môi khi dễ. Chê Mặc Cần Dưng, Chắc Cà Ðao là cái xứ quê mùa!

Thế kỷ hai mươi mốt rồi mà còn phân biệt vùng miền. Ðâu phải cứ ở Hà Nội, đất Tràng An, ở Huế, đất Thần kinh, ở Sài Gòn, Hòn ngọc Viễn Ðông mới là văn minh. Còn ở nơi khỉ ho cò gáy, chó ăn đá, gà ăn muối, hoặc trong rừng rú bưng biền là thô kệch, ngu dốt hết ráo hay sao?

Văn minh không phải là những tòa nhà chọc trời cao ngất. Văn minh là điệu đời; sống điệu nghĩa với nhau.

Anh Mạc Cần Dưng không thích tờ Phong Hóa của Tự lực Văn đoàn ngoài Bắc, vẽ biếm họa Lý Toét và Xã Xệ.

Lý Toét, gầy đét và cao lênh khênh ham ăn, hóc uống, nghiện rượu. Xã Xệ béo phệ, lùn tịt, đầu trọc lốc, còn duy một cọng tóc quăn xoắn tít trên đỉnh đầu.

Mấy ông ỷ mình có ăn học chút đỉnh; rồi vin vào việc dùng văn chương, báo chí vận động cải tạo xã hội bằng cách ngạo những thói hư tật xấu của người nhà quê. Người nhà quê cũng có biết bao nhiêu là tánh tốt!

Trong Nam thì ông Bảy Bá tức soạn giả Viễn Châu sáng tác bài vọng cổ ‘Tư Ếch đi Sài Gòn’ để ngạo cái ngờ nghệch của dân ruộng vườn rẫy bái lần đầu lên chốn thị thành.

Anh Mạc Cần Dưng nói: “Ỷ mình có chữ (chưa đầy lá mít) mà ngạo người không được may mắn học hành như mình (vì chánh sách ngu dân của thực dân Pháp) là mình hỗn ẩu!”

“Tui hãnh diện xưng mình là người nhà quê. Nếu ai đem người nhà quê ra mà ngạo là tui giận lắm nhe. Có mời tui uống Mao Ðài, ăn khô lân, chả phụng tui cũng không thèm.

Xa xứ đã quá lâu; tui chỉ mong ngày nào không còn Cộng sản. Tui sẽ về lại Chắc Cà Ðao, về lại Mặc Cần Dưng. Về quê cắm câu, bắt con nhái bầu. Về nơi cuống nhau ba vùi trong quê đất. Con sống tha hương có lúc phải trở về.

Về sau 50 năm xa xứ. Vật đã đổi; sao đã dời. Thương hải biến vi tang điền. Quê cũ là đâu? “Hướng lên Châu Ðốc nửa chừng cầu cao. Dưới kia là Chắc Cà Ðao; cách tám cây số không sao lạc đường”.

Đoàn Xuân Thu