Lycée Petrus Ký – những năm đầu, theo tài liệu nha Học Chánh Đông Dương
Lâm Thụy Phong phỏng dịch
Bài này được trích trong Chương 2 của quyển: La Cochinchine scolaire : L’enseignement dans le pays le plus évolué de l’union Indochinoise, 1931
Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam – http://sach.nlv.gov.vn/sach/cgi-bin/sach?a=d&d=NGFlRhOtuI1931.2.2.2&e=——-en-20–1–img-txIN——-
Hội Ái Hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc Châu chân thành cám ơn anh Võ Phi Hùng (PK 67-74) đã tìm gửi tặng và anh Lâm Thụy Phong (PK 64-71) đã bỏ công sức phỏng dịch sang Việt ngữ.
CHƯƠNG 2
CƠ SỞ GIÁO DỤC TRUNG HỌC ĐỆ NHỊ CẤP
o0o
GiÁO DỤC PHÁP-BẢN XỨ
Tại Nam Kỳ, giáo dục trung học đệ nhị cấp được giảng dạy tại năm ngôi trường. Ba trong số này nằm tại thủ đô: Trung học Petrus ký, Trường Sư Phạm, Trường Con Gái bản xứ. Hai trường khác tại tỉnh lỵ Mỹ Tho và Cần Thơ.
TRUNG HỌC PETRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ
Nằm ở ngoài bìa của Saigon và Chợ Lớn ( khu vực Chợ Quán ), trong khu đất nghĩa địa nổi tiếng, trường trung học của đất Nam kỳ được triển khai trong một không gian bao la đã được xây cất hay chưa có cấu trúc.
Nhìn từ trên cao, ngôi trường chỉ mới chiếm 1/4. Hàng rào mà chúng ta thấy chỉ là ranh giới tạm thời. Trường và các dãy phụ thuộc thật ra nằm trên một miếng đất 13 mẫu, hình thang, bao chung quanh bởi 4 con đường. Con đường chạy dài theo tổng thể của các khu đã xây, cắt xéo tấm hình, chính là ranh giới của hai thành phố: Saigon ( dưới, bên phải ) và Chợ Lớn ( phía trên , trái ).
Trong nhiều năm dài, bậc sơ học cao đẳng được giảng dạy tại trường Chasseloup -Laubat (Saigon ), là hỗn hợp hai khu học sinh bản xứ và học sinh châu Âu.
Số học sinh không ngừng gia tăng, ở cả hai quốc tịch, đã làm cho ngôi trường này không bao lâu không còn đủ chỗ. Việc mở rộng thêm trường Chasseloup -Laubat, giữa lòng thành phố, là điều không khả thi.
Năm 1922, chánh quyền quyết định xây dựng một cơ sở trường lớp mới, dành riêng cho giáo dục hỗn hợp.
Người ta đã chọn nơi kể trên, rất thuận lợi vì địa thế khuất nhưng không bị cô lập, trong một mảnh đất không sản suất , thường xuyên bị gió mùa thổi quét.
Những viên gạch đầu tiên được đặt vào năm 1925. Đến tháng 10 năm 1927, các dãy đã hoàn thành đón tiếp 4 đội nội trú. Năm 1928, toàn bộ học sinh bản xứ của trường Chasseloup-Laubat chuyển qua trường mới và từ nay tồn tại độc lập.
Được nâng lên trung học đệ nhị cấp, ngày 11 tháng 8 năm 1928, ngôi trường khu Chợ Quán mang tên Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898), để vinh danh học giả Nam Kỳ với bức tượng được dựng lên ở phía sau Nhà Thờ Đức Bà (Saigon ).
Trưởng thành trong thời Pháp chinh phục thuộc địa, Petrus Trương Vĩnh Ký với tư cách là chánh thông ngôn đã tháp tùng phái đoàn sứ giả của vua Tự Đức sang dự kiến với Napoleon 3 (1867). Sau đó Ông là cộng sự viên của Toàn Quyền Paul Bert. Ông có chân trong nhiều hội bác học Tây phương, viết hơn 75 tác phẩm bằng Pháp văn, Nho văn, Hán văn về đủ đề tài đa diện nhứt, văn chương, triết học, văn phạm, sử ký, khoa học tự nhiên và ngay cả y khoa.
Trong một bức thư gởi cho Stanislas Meunier, Petrus Ký bằng những ngôn từ sau đây để xác định, đề nghị công tác của Ông:
“Tôi chỉ có thể làm trung gian giữa hai dân tộc vừa mới gặp nhau tại Nam kỳ. Tôi chỉ có thể làm cho hai dân tộc này hiểu nhau và thương yêu nhau mà thôi. Tôi cũng không ngừng dịch tiếng Việt ra tiếng Pháp, và tiếng Pháp sang tiếng Việt, với niểm tin rằng đằng sau ngôn ngữ, sau những chữ và gần nhứt, giúp chúng tôi, nhập môn vào nền văn hóa đẹp đẽ của các ông”
Viết tiểu sử của Petrus Ký, Ông Jean Bouchot đã tóm tắt cuộc đời của nhà bác học uyên thâm như sau:
” Về phần chúng tôi, những người Pháp sinh sống trên đất nước mà chúng tôi hằng yêu mến này, cuộc đời của Petrus Ký là lời giảng dạy và là một thí dụ.
Một lời giảng dạy, bởi vì chúng ta thấy nơi người dân Nam kỳ nầy, tài năng có thể sánh ngang hàng với những nhà bác học vang danh nhứt của chúng ta, trong các ngành khoa học cao siêu và đa dạng. Petrus Ký cho chúng ta thấy học thức uyên thâm và một tài năng, minh mẫn trong suy xét, lý luận hợp tình, những điều không thường gặp nơi các nhà tự biện của Á châu.
Là nhà chánh trị và ngoại giao, chúng tôi đã tháp tùng Ông trong công tác, và để ngưỡng mộ nhiệt tâm của Ông trong nhiệm vụ. Bởi Ông được giáo dục bằng văn hóa Pháp, theo học các Dòng Tu, Petrus Ký viết và nói 15 sinh ngữ và tử ngữ của Tây phương. Ông đã viết 11 quyển, hầu hết về Viễn Á.
Trong gia đình, Petrus Ký luôn luôn săn sóc các con Ông, lo lắng giáo dục cũng như lo toan các trỡ ngại trong cuộc sống của chúng. Khi về hưu, Ông có thể thực hiện những chuyện tốt nhứt của đời Ông. Nhưng định mạng đã không quyết định như thế.
Như Ông đã nói ” Ông là trung gian bất di giữa hai quốc gía và hai chủng tộc “. Và vai trò trung gian đã đẩy Ông vào con đường mà Ông không muốn đi theo một chút nào cả.
Vì bổn phận, Petrus Ký phải cộng tác cho chúng ta, trong khi Ông có thể thoải mái trong căn nhà nhỏ của Ông ở Chợ Quán, bên bờ Rạch, dưới bóng mát của cây to, nói chuyện về các chủ đề mà Ông yêu thích. Thí dụ: xả thân, hy sinh cho tha nhân, từ chối tư lợi, kiên trì, tận tụy …. không phài quan tâm đến phản ứng cao đẹp, thanh tao ít hay nhiều của quần chúng, hay bất cần để tâm đến những lời thị phi “.
Người ta đồng thuận rằng, người chủ xứng danh nhứt của ngôi trường trung học Saigon-Chợ Quán chỉ có thể là người thợ giỏi trong hợp tác giữa hai dân tộc đến gần nhau do tình cờ của Lịch Sử, khuôn mặt nhà bác học đẹp đẽ này phục vụ và yêu thương, bằng cùng một tình yêu, đất nước của Ông và nước Pháp.
Họa đồ kiến trúc của trường trung học Petrus Ký được vẽ bởi kiến trúc sư Hebrard, danh tiếng thiết kế đô thị, bởi sự tân kỳ và bởi tầm vĩ đại của mô hình, cũng như sự hài hòa cùng địa thế.
Trường gồm ba phần phân biệt rõ ràng, gọi theo thứ tự như sau: khu học tập, khu nội trú, khu giải trí và thể thao.
Khu học tập hình bốn cạnh, theo lối chánh đi vào với hai cánh chìa ra là các phòng hành chánh ( cực hữu của các dãy nhìn từ trên không ). 24 phòng học trên hai dãy lầu, bao bọc sân danh dự. Cuối là các phòng chuyên môn: hội họa, sử địa hình ê-ke. Dưới cái tháp thứ nhì là giảng đường và các phòng thực tập.
Khu nội trú bao gồm, phòng ăn tập thể (600 chỗ), các nhà bếp và khu phụ (phía sau các phòng học)và, 5 biệt thự (phân nửa trái của không ảnh – biệt thự thứ năm còn phải xây, nó sẽ chiếm chỗ phía trái của tháp nước thứ hai ).
Nằm ở các góc và trung tâm của sân vuông, các biệt thự vừa kể trên được bao bọc bởi các sân chơi dành cho học trò của nhiều khu khác nhau ( sân vuông ,60m cạnh, với những cây cột đèn mang phông-tên dưới chân ).
Các biệt thự chia ra làm hai phần đối xứng, cách nhau bởi một cầu thang nằm giữa. Mỗi phân nửa, từng trệt, là phòng học- Trên mỗi từng, phòng ngủ tập thể 25 chỗ với lavabos, phòng tắm và phòng vệ sinh. Sau khi công trình hoàn tất, trung học Petrus Ký sẽ thâu nhận được 500 nội trú.
Liên kết nhau bởi những hành lang có mái che, các dãy kiến trúc này sẽ được nối nhau bằng những lối đi lớn có che, giúp cho sự đi lại dễ dàng dưới mưa hay dưới nắng, là hai bất tiện chánh trong các quốc gia nhiệt đới. Và đồng thời, cũng là nơi tạm trú khi giông bão.
Các từng đều có mái che chạy dài. Trên và dưới có cửa sổ, các lỗ thông khí với những hình trang trí bằng sứ xanh diệp lục, tạo tương phản thoải mái với ngói hồng, duy trì luồng không khí thường trực trong các lớp và phòng ngủ.
Trường trung học Petrus Ký chưa hoàn tất. Phần thứ ba của công trình, khu giải trí và thể thao chỉ mới khởi sự. Trên 5 hay 6 mẫu đất ngoài các dãy đã xây, sẽ được thiết lập sân tennis, phòng tập thể dục, một hồ bơi, các đường thi đấu điền kinh, một vườn thí nghiệm. Bốn góc là nhà Hiệu Trưởng, nhà của Thủ Quĩ Kế Toán và phòng y tế, biệt thự dành cho các giáo sư dạy kèm người Âu và các nhà của các giám thị Việt Nam. Toàn bộ khu vực bao bọc bởi bằng một rào cỏ, các bụi cây, khoảnh đất nở hoa, có tàng che của các cây đẹp, rải rác đó đây vài nấm mộ rêu phong được bảo trì tươm tất, trong phong thái cổ xưa ý nhị.
Mặc dầu có thể thêm những chi tiết trang trí khác để nâng thêm giá trị, nhưng người ta e ngại sẽ làm nặng nề cảnh quan thái quá. Những nét phát họa lớn vừa kể trên đủ để cho thấy trường trung học Chợ Quán là một kiệt tác kiến trúc về trường lớp, xứng đáng được đề nghị như thí điểm cho nhiều cơ sở giáo dục khác ( xem thiết kế bằng gỗ các phần đã xây dựng xong trong Triển Lãm).
o0o
Trường trung học Petrus Ký không có bậc tiểu học. Chương trình giảng dạy từ sơ học cao đẳng cho tới đệ nhị cấp, bậc hai và bậc ba của giáo dục phổ thông Đông Dương.
Bốn năm của hệ sơ học cao đẳng với cái bằng cùng tên là cánh cửa dẫn đến hầu như mọi nghề tự do trong xứ. Số thí sinh xin nhập học vượt thật xa số chỗ có thể nhận, học sinh được nhận theo học phải qua thi tuyển như tại các trường sơ học cao đẳng khác, với trình độ có chứng chỉ sơ học.
Thí sinh được nhận có khả năng theo học chương trình hoàn toàn bằng Pháp ngữ ( học sinh trúng tuyển có trả học phí: khoảng 100 chỗ mỗi năm, học bổng: 35, bán -học -bổng: 35 ). Sau kỳ thi tuyển vào trường là các kỳ thi tuyển lên lớp hàng năm.
Sau cấp sơ học cao đẳng kế tiếp là đệ nhị cấp kéo dài 3 năm ( lớp đệ nhị, đệ nhứt, và lớp triết học -toán của chương trình Pháp).
Theo đuổi học hành bởi một tinh hoa, nền giáo dục đệ nhị cấp kết hợp hài hòa những kiến thức khoa học và văn chương, văn hóa Tây phương và văn hóa xưa của Á châu ( ngôn ngữ và văn chương A Nam Mít, chữ Hán, sử địa, triết học, tôn giáo, nghệ thuật Ấn Độ, Trung Hoa và Đông Dương, đồ đệ).
Trường trung học Petrus Ký, cũng như các Trung học Pháp, được điều hành bởi một Hiệu Trưởng, phụ tá bởi một Giám Học, một Tổng Giám Thị, một Kế Toán-Thủ Quĩ. Bằng cấp của ban giảng huấn: thạc sĩ, tiến sĩ, cử nhân, chứng chỉ năng khiếu sư phạm.
Trường có tổng cộng 20 giáo sư người Pháp và 7 giáo sư Việt Nam. Ban giám thị gồm 2 người Pháp và 18 giáo viên người bản xứ.
Tháng 5 năm 1930, tổng số học sinh của trường chia ra như sau :
-Sơ cấp cao đẳng: 603
-Đệ nhị cấp: 54
-Nội trú: 321
-Bán trú: 108
-Ngoại trú: 228
-Học sinh đóng học phí: 408
-Học bổng: 249
Trường chưa đạt mức phát triển toàn phần. Sau khi hoàn tất, nó có thể nhận hơn 1000 học sinh, với 500 nội trú.
Tựu trường tháng 9 năm 1930, số học sinh đạt đến 686, với 96 học sinh đệ nhị cấp .
Trường trung học Petrus Ký đã nhận được nhiều lời ca ngợi từ nhiều giới chức đã đến thăm viếng. Trong 2, 3 năm sau, khi các kiến trúc sau cùng hoàn thành, nó sẽ là ngôi trường kiểu mẫu.
Ban học vụ công lập Đông Dương và chánh quyền địa phương Nam kỳ có thể hãnh diện đã hoàn thành cho tuổi trẻ bản xứ một ngôi nhà giáo dục tân tiến và hạnh phúc.