VIII.

HAI HÀNG LỤY NHỎ

Tiền Vĩnh Lạc

Qua câu chuyện của bà Bảy bán trầu cau với bà Ba bán cá, chúng ta thấy cách ăn mặc của dân mình đã thay đổi khá nhiều trong vòng sáu bảy mươi năm.

Con gái miền Nam có tiếng là thùy mị, đoan trang, ăn mặc kín đáo, nhứt là ở các làng quê như làng An Nhơn thuở đó. Ở nhà, mấy cô bận “áo túi”, loại áo tay ngắn, có túi. Phần nhiều bận quần vải đen kêu là “vải săn đầm”. Ra đường, mấy cô bận “quần lãnh nhưn tôm thịt” và áo bà ba bằng vải trắng, thường là “vải xe lửa” là vải trắng ở đầu cây có in hình một cái đầu máy xe lửa. Sang hơn thì bận áo bà ba may bằng hàng trắng kêu là “xá xị”. Mấy cô ít bận áo bà ba màu, trừ mấy em gái nhỏ. Bên trong áo bà ba là áo túi, kín đáo. Ít người xài “xú-chiên” mà bà Ba bán cá kêu là “vú giả” đó!

Lãnh là một thứ hàng dệt bằng tơ tằm, nhuộm đen, rồi đặt lên mặt đá mài thật láng, lấy “dùi đục” đập cho láng bóng. Làng An Nhơn chính là nơi gia công, sản xuất loại lãnh này. Lưng quần lãnh rộng tới bảy tám phân, may bằng hàng màu sặc sỡ: xanh đọt chuối, kiếng sen, hường, hoặc vàng cam như vỏ tôm luộc, bởi đó mà có tên “quần lãnh nhưn tôm thịt”. Dây lưng lại may bằng hàng màu khác hơn màu lưng quần. Có câu hát đưa em sau đây:

          “Bậu đừng nhí nhảnh quần lãnh lưng hường
          “Giơ tay đánh bậu đoạn trường dạ anh.

Chỉ khi nào đi đám cưới, hay “đi Sài Gòn”, mấy cô mới bận áo dài màu, trơn hoặc có bông thanh nhã, không quá lòe loẹt như bây giờ. Áo dài luôn luôn bận chồng lên áo túi bên trong, không bao giờ để lộ bên hông, không cho mấy chàng con trai biết mình “da phấn” hay “da bánh ít”. Dưới chưn, mấy cô mang guốc sơn. Nắng mưa gì cũng che nón lá, ít khi che dù. Đó là nói mấy cô gái bình dân. Còn mấy cô “thiên kim tiểu thơ”, tức là con gái nhà giàu mới bận quần hàng trắng, đi giày thêu cườm, che dù đầm hoặc đội khăn “sạt” (chale), xức dầu thơm hiệu “Bourgeois”, “Coty”, thơm phức, chớ không xức dầu dừa, dầu bông lài như mấy cô gái bình dân. Cho nên mới có câu “Con gái nhà giàu như tàu chuối hột”.

Còn đám con trai ăn bận đơn giản hơn nhiều. Trong làng, hơn 90% thanh niên là nông dân hoặc “làm mướn” nghĩa là ai mướn làm gì cũng làm: móc mương, đắp bờ, lợp nhà, bửa củi, hái cau, … Ở nhà, mấy cậu bận quần cụt, ở trần. Trời lạnh thì bận thêm cái áo bà ba đàn ông. Quần áo đàn ông thường may bằng vải săn đầm đen, hoặc vải xe lửa trắng. Ra đường, xỏ thêm cái quần dài đen hay trắng, quần thường chớ không phải “quần tây”. Đa số đi chưn không, để đầu trần. Một vài anh đi guốc vông đã là sang rồi. Mặt mày bảnh bao vậy chớ phần đông không biết chữ. Đám thanh niên con nhà khá giả, được ăn học, “biết tiếng Tây” (thuở đó hễ có đi học là biết tiếng Tây) thì ăn bận tươm tất hơn: áo bà ba vải xe lửa hoặc vải “bô-bơ-lin” (popeline) trắng tinh, hồ, ủi thẳng nếp, mang guốc vông, đội nón cối trắng hiệu “Con Gà”. Đó là mấy cậu học sinh trường Petrus Ký hoặc tư thục Lê Bá Cang. Cả làng An Nhơn chỉ có vài cậu như vậy thôi. Một vài thanh niên đã học xong lớp Nhứt (Cours Supérieur), đậu bằng Sơ Học Yếu Lược (Certificat d’Études Primaires Complémentaires Indochinoises) ra đi làm việc, thì bận “đồ tây”: quần tây dài, áo sơ mi luôn luôn bỏ vô quần, mang giày “Bata” hoặc giày “xăn-đan” (sandales: dép có quai hậu). Cậu nào sắm được một cái đồng hồ đeo tay là sang hết cỡ!

Đó là nói về cách ăn mặc của thanh niên nam, nữ thời đó.

Người lớn cũng ăn mặc tương tợ như vậy thôi. Đàn ông, nhiều người còn bới đầu tóc, hút thuốc rê, dĩ nhiên là thuốc Gò Vắp. Làm ruộng, làm mướn thì bận quần cụt, áo bà ba vải đen hay ở trần. Đi công chuyện thì mới bận đủ bộ bà ba, đen hoặc trắng. Có guốc thì mang guốc, không có thì đi chưn không, có ai nói gì đâu. Người khá giả thì bận đồ tây khi ra đường. Mấy ông làng (Ban Hội Tề) khi ra Công Sở hay khi xuống đình để hội họp, cúng kiếng, thì áo dài, khăn đóng, đi giày bố “Bata”, hoặc giày “hàm ếch” da láng. Cách trang pḥục này rất nghiêm chỉnh, giữ đúng truyền thống Việt Nam, nên được dân làng rất kính trọng.

Riêng mấy thầy làm việc ở Ngân Hàng Đông Dương,  Nhà Dây Thép (tức Bưu Điện), Sở Trường Tiền (Sở Công Chánh), v.v… thì ăn mặc sang trọng như Tây. Đi làm mỗi ngày, mà cũng thắt “cà-ra-oách” (cravate), áo “vết” (veste), mang giày da có đóng sắt dưới đế, đi nghe “cộp cộp”, oai thấu trời! Biết đâu vô sở có khi bị Tây nó xài xể, khinh thường? Mấy thầy đi xe điện thì ngồi hạng nhứt, trả giá gấp đôi. Chiều về, trên tay cầm một tờ nhựt trình La Dépêche tiếng Tây, hoặc tờ Điễn Tín tiếng Việt, dân quê ngó thấy, nể quá chừng.

Ông nội mấy con biết Pháp ngữ, Anh ngữ, Hoa ngữ. Ông có thể viết chữ Nho, đọc Tứ Thư, Ngũ Kinh, nói nhiều tiếng địa phương Trung Quốc như Quảng Đông, Triều Châu, Phước Kiến, … Nhưng ông không có cái bằng cấp nào hết. Hồi ông nội mấy con còn nhỏ thì ông cố mấy con làm Bang Trưởng Quảng Đông ở Gò Vắp, mướn thầy về dạy cho ông nội mấy con.

Ông nội mấy con làm thủ quỹ cho hãng dầu SOCONY (ESSO ngày nay) tiền lương mỗi tháng 210 đồng bạc Đông Dương, chạy bảy đồng bạc mỗi ngày. Hồi đó giá trứng vịt là một xu/trứng. Với một ngày lương, ông nội mấy con có thể mua 700 trứng. Trong lúc đó một người làm mướn nhổ cỏ hay đắp mương mỗi ngày chỉ được 30 xu tiền công.

Nhơn đây, tính thử coi từ năm 1934 tới năm 2004 vật giá đã lên bao nhiêu lần. Lấy đơn vị “trứng vịt” làm chuẩn: năm 1934 một trứng vịt giá 1 xu. Một đồng bạc Đông Dương có 100 xu.

Từ năm 1934 tới năm 1954 không có đổi tiền. Thời Pháp, cơ quan phát hành giấy bạc là Banque de l’Indochine (Ngân Hàng Đông Dương), trên tờ giấy bạc có in câu “Payable en espèces au porteur”, nghĩa là người cầm tờ giấy bạc này có thể đem tới ngân hàng để đổi lấy đồng bạc bằng bạc thiệt nặng 27 gờ-ram. Khoảng năm 1950, Pháp lập Viện Phát Hành chung cho năm xứ Đông Dương. Tới thời Đệ Nhứt Cộng Hòa Việt Nam, dưới trào Ngô Đình Diệm, Ngân Hàng Đông Dương mới đổi tên thành Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam và phát hành tiền Việt Nam riêng.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, nhà cầm quyền đổi tiền lần thứ nhứt, cứ 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa đổi được 1 đồng “tiền Giải Phóng”, tức là tiền của Chánh Phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (Các tỉnh từ Thừa Thiên – Huế trở lên thì 1.000 đồng Việt Nam Cộng Hòa đổi được 3 đồng “tiền Giải Phóng”).

Lần đổi tiền thứ hai, tháng 5 năm 1978, cứ 80 xu tiền miền Nam đổi được 1 đồng tiền thống nhứt. Vậy 1 đồng tiền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bằng 500 x 0.80 = 400 đồng tiền Việt Nam Cộng Hòa, cũng bằng 400 đồng đồng bạc Đông Dương trước đó.

Tới tháng 9 năm 1985 lại đổi tiền lần thứ ba, 10 đồng tiền cũ lấy 1 đồng tiền mới, là tiền năm 2004 đang còn xài đây. Như vậy, 1 đồng tiền năm 2004 bằng 4.000 đồng bạc Đông Dương. Giá một trứng vịt năm 2004 là 1.000 đồng, quy ra bạc Đông Dương là: 1.000 x 4.000 = 4.000.000 đồng, hay 400.000.000 xu (Bốn trăm triệu xu). Kết luận: từ năm 1934 đến năm 2004, giá trứng vịt đã tăng bốn trăm triệu lần!

Dĩ nhiên, vật giá lên thì tiền lương cũng có lên, cho nên mình mới còn sống tới ngày nay.

Một vài giá cả năm 1934:

          – Trứng vịt       1 xu/trứng          
          – Hủ tíu             2 xu/tô          
          – Mì                   3 xu/tô(có thêm một con tôm chiên!)          
          – Xôi                  1 xu/gói (lớn hơn gói 1.000 đồng bây giờ)          
          – Hớt tóc          . Người lớn: 10 xu    . Trẻ em: 5 xu          
          – Gạo thường   …..  xu/kg          
          – Vàng y           …… đồng/lượng 37,5 gờ-ram          
          – ….          
          – ….          
          – ….          
          – ….          
          – ….          
          – ….

(Phần chừa trống ở trên, độc giả nào còn nhớ, xin thêm vô ít món để làm tài liệu)

Trở lại chuyện ăn mặc. Đàn bà, con gái miền Nam thích bận áo bà ba, vừa gọn, vừa đẹp trang nhã. Phụ nữ miền Bắc thích mặc áo tứ thân, đi chợ hay đi hội hè cũng vậy. Ai cũng biết câu ca dao:

          “Yêu nhau cởi áo cho nhau
          “Về nhà mẹ hỏi, – ‘Qua cầu gió bay!’

Con gái gì mà hư quá!

Nhưng bà mẹ thì tế nhị hơn. Thay vì giận dữ, tra gạn: “Mầy cho thằng nào? Hở?”, bà mẹ miền Bắc dỗ dành:

          “Gió bay cầu thấp? cầu cao?
          “Gió bay cầu nào, con nói mẹ hay?

Yêu nhau, con gái miền Bắc dám tặng cho người yêu cái áo đang mặc, bạo thật. Còn con trai tặng lại người yêu món gì? Có mấy câu ca dao xuất xứ miền Bắc làm chứng:

          “Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím
          “Em đi lấy chồng, trả yếm lại cho anh!

Anh này bần! Hồi yêu nhau, em tặng anh cả chiếc áo tứ thân. Bây giờ mình không có duyên nợ với nhau, em đi lấy chồng, em có đòi áo lại đâu? Suy nghĩ như vậy rồi, cô nàng trả lời:

          “Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh
          “Yếm em, em mặc. Nào phải yếm của anh mà anh đòi?

Nhất định em không trả! Mà anh đòi cái yếm lại để làm gì kia chứ?

Con trai, con gái miền Nam dè dặt hơn. Cô gái có gan lắm thì tặng cho người mình thương một cái khăn mu-xoa (mouchoir), tự tay thêu chùm bông với hai con bươm bướm, dưới một con thêu chữ N, dưới con kia thêu chữ K, vì cô nàng tên Nở, anh chàng tên Khéo!

Con trai rán để dành tiền mua cho cô gái một chai dầu thơm. Chú chàng này khôn lắm. Được dầu thơm, thế nào cô nàng cũng xức lên tóc. Khi gặp nhau ở chỗ vắng, thế nào chú chàng cũng đòi hun lên tóc cô nàng, để coi có thơm không!

Nhưng, ở đời có mấy khi mối tình đầu được toại nguyện:

          “Ầu ơ, ví dầu …
          “Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc?
          “Dốc nào dốc bằng dốc Nam Vang?
          “Nghe tiếng anh than, hai hàng lụy nhỏ
          “Còn chút mẹ già, biết bỏ cho ai?

Thật tội nghiệp, hai người thương nhau hết sức. Nhưng cô gái còn mẹ già. Mẹ góa con côi sống với nhau từ hồi người mẹ còn rất trẻ, ở vậy nuôi con. Bây giờ con lớn, phải có đôi bạn. Nếu con về nhà chồng thì mẹ già ai lo cơm nước, thuốc thang khi đau ốm? Cho nên nghe tiếng anh than mà hai hàng lụy nhỏ là vì vậy. Mà anh chàng than làm sao? Chàng than: “Qua thương em lắm, nếu không cưới được em, chắc qua sống không nổi!”

Nói vậy chớ thiếu gì cặp thương nhau mà không lấy được nhau, có thấy ai chết đâu!