II
ĐÔNG DƯƠNG THUỘC PHÁP
Tiền Vĩnh Lạc
Sau khi Pháp đánh chiếm 3 nước Việt, Miên, Lào vào khoảng giữa thế kỷ 19, họ gọi chung 3 nước này là “Đông Dương thuộc Pháp” (Indochine Française). Họ lại chia nước Việt Nam (lúc đó gọi là An Nam) làm ba “kỳ”, nên Đông Dương gồm có:
1- Bắc Kỳ (Tonkin) 116.000 km2
2- Trung Kỳ (An Nam) 147.000 km2
3- Nam Kỳ (Cochinchine) 72.000 km2
4- Cao Miên (Cambodge) 181.000 km2
5- Ai Lao (Laos) 236.800 km2
———–
Cọng chung : ………… 752.800 km2
(km2 : cây số vuông, bằng 100 mẫu Tây)
Thời đó dân số còn ít, toàn Đông Dương chỉ có 25 triệu dân, trong đó người Việt Nam (Bắc, Trung, Nam) có khoảng 20 triệu dân.
Dân số Á Châu tăng rất mau. Theo Từ điển Larousse của Pháp1, ta thấy:
Tên nước Số dân năm 1952 1998
Ai Lao 1.169.000 5.020.000
Cao Miên 3.748.000 10.530.000
Việt Nam (3 kỳ) 22.051.000 76.160.000
Trong số 5 nước Đông Dương thì Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, còn 4 nước kia là 4 nước đặt dưới sự “bảo hộ” của Pháp. Thuở đó, Trung Kỳ, Cao Miên, Ai Lao đều có vua và triều đình, nhưng trên thực tế tất cả quyền hành đều ở trong tay người Pháp.
Đứng đầu cai trị Đông Dương là Toàn Quyền Đông Dương (Gouverneur Général de l’Indochine). Nơi ở và làm việc của ông này là dinh Norodom, nay là hội trường Thống Nhất. “Norodom”, tiếng Kampuchia còn kêu là “Ang Voddey”. Ang Voddey (1835 – 1904) là ông vua Cao Miên đã ký hòa ước nhận sự bảo hộ của Pháp năm 1863. Ngay trước dinh Norodom là đại lộ Norodom, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa đổi tên là đại lộ Thống Nhất, và ngày nay là đại lộ Lê Duẫn, cố Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Dưới thời nhà Nguyễn, nơi đặt dinh Norodom chính là dinh quan Tổng Trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt. Khu vườn ở phía sau dinh, thuở đó người ta kêu là “Vườn Ông Thượng”, tức là vườn của Thượng Công Lê Văn Duyệt, nay là Vườn Tao Đàn.
Như vậy, từ thời nhà Nguyễn cho tới ngày 30-4-1975, dinh quan Tổng Trấn, kế đó là dinh Toàn Quyền Đông Dương, sau cùng là dinh Độc Lập, là nơi tượng trưng cho chủ quyền quốc gia. Ngày nay, nơi đây chỉ còn là một “Hội trường”, làm nơi hội họp, nơi cho du khách vào tham quan (có bán vé vô cửa), nơi tổ chức các hội chợ triển lãm, phía sau lại cho mướn mặt bằng làm tiệc cưới nữa! Thật là : “Tạo hóa gây chi cuộc hí trường …”
Dưới Toàn quyền Đông Dương là Thống Đốc Nam Kỳ, Thống Sứ Bắc Kỳ và 3 Khâm Sứ: Khâm Sứ Trung Kỳ, Khâm Sứ Ai Lao và Khâm Sứ Cao Miên. Thống Đốc Nam Kỳ (Gouverneur de Cochinchine), cũng như các Thống Sứ, Khâm Sứ (Résidents Supérieurs) đều là “Quan Lớn” của “Đại Pháp”.
Dinh Thống Đốc Nam Kỳ tọa lạc tại góc đường Lagrandière và Mac Mahon (nay là Lý Tự Trọng và Nam Kỳ Khởi Nghĩa) vẫn còn nguyên vẹn. Dưới trào Ngô Đình Diệm kêu là dinh Gia Long. Năm 1963 họ Ngô ở trong dinh này bị đảo chánh, chạy trốn trong Nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn rồi bị bắt, bị giết ngay sau đó. Ngày nay, tòa dinh thự này là Bảo Tàng Thành phố Hồ Chí Minh.
Dưới thời Pháp thuộc, dân mình khổ cực, lầm than, bị khinh rẻ, ức hiếp như thế nào, mấy con đọc sách, báo đã thấy. Tuy nhiên, vì người Pháp chiếm cứ Đông Dương, cho rằng Đông Dương là đất của họ, nên họ cũng mở mang, xây dựng đường sá, cầu cống, mở nhà thương, trường học, v.v… mục đích là để khai thác, trục lợi, nhưng không phải không đem đến cho các xứ Đông Dương một số ích lợi. Chuyện này ba sẽ nói tới sau, lại là chuyện dễ gây tranh cãi …
Dĩ nhiên, những việc người Pháp làm, đem lại “một số ích lợi cho các xứ Đông Dương” như ba nói, nếu không có Pháp thì các xứ Đông Dương cũng làm được theo đà tiến hóa chung của nhân loại, có thể nhiều lần tốt đẹp hơn nữa là khác. Nhưng ai làm thì nói người đó làm để tôn trọng sự thật. Vả lại, ở bất cứ thời nào, bất cứ ở đâu, không có chế độ nào hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu. Chỉ có xấu nhiều hay xấu ít mà thôi!
Nãy giờ nói chuyện lòng vòng, bây giờ ta hãy trở lại với tỉnh Gia Định và quận Gò Vắp.
Trước năm 1945, tỉnh Gia Định gồm có 4 quận: Gò Vắp, Nhà Bè (luôn cả Cần Giờ), Thủ Đức và Hóc Môn. Tỉnh lỵ là Gia Định, còn kêu là Bà Chiểu. Tòa Bố, nơi làm việc của Chánh Tham Biện, tức Chủ Tỉnh, tọa lạc ngay ở cuối đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay, đối diện với Lăng Ông Bà Chiểu (lăng của Thượng Công Lê Văn Duyệt, Tổng Trấn thành Gia Định).
Bên kia Cầu Bông là Sài Gòn, bên này cầu là Bà Chiểu, tức Gia Định. Con đường từ Cầu Bông tới Tòa Bố Gia Định là đường Hàng Bàng. Dân chúng kêu như vậy là do hai bên đường Tây nó trồng cây bàng. Hai bên là ao, ruộng, lơ thơ một vài cái nhà lá. Ở Bà Chiểu còn có đường Hàng Keo, đường Hàng Dừa, đường Hàng Sanh, v.v… dân chúng đặt tên tùy theo loại cây trồng ở hai bên. Đường Hàng Sanh, bây giờ là đường Bạch Đằng, chạy từ chợ Bà Chiểu cho tới giáp đường đi Lái Thiêu, gần ngã tư Hàng Sanh. Hồi xưa, đường Hàng Sanh còn vắng vẻ hơn đường Hàng Bàng nữa, qua khỏi chợ Bà Chiểu một đỗi thì hai bên chẳng có nhà cửa, phố xá chi cả. Chiều chiều dân chúng ở vùng chợ Bà Chiểu thường ra đường Hàng Sanh mà hóng mát. Cây sanh là loại cây có rễ phụ như cây da (ngoài Bắc kêu là cây đa), cây si. Cho nên phải viết “ngã tư Hàng Sanh” mới đúng. Viết “Hàng Xanh” như báo chí ngày nay là sai. Tuy nhiên, về mặt ngôn ngữ, nếu mọi người viết sai thì mình cũng phải viết sai như người ta; mình viết đúng thì người ta nói mình viết sai vậy:
“Thế sự đua nhau nói đúng sai
“Biết ai là đúng, biết ai sai? …
Còn quận Gò Vắp thuở đó cũng rộng hơn bây giờ nhiều. Quận có bao nhiêu làng thì ba không biết, ba chỉ nhớ một số làng như Thị Nghè, Bình Hòa, Đông Nhì, Phú Nhuận, Hanh Thông, Hanh Thông Tây, An Nhơn, An Hội, Tân Sơn Nhứt, …
Địa danh “Gò Vắp”, bây giờ người ta viết là “Gò Vấp”, là do quận lỵ đặt trên một cái gò cao có mọc nhiều cây vắp, cũng như các địa danh Gò Sao, Gò Dầu là những vùng đất cao có nhiều cây sao, cây dầu. Theo cuốn Cây Cỏ Miền Nam của Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ thì cây vắp tức là cây lim, tên khoa học là Mesua ferrea L., họ Guttiferea, cùng họ với cây bứa, cây măng cụt. Nay, ở Gò Vắp không còn một cây vắp nào hết.
Gò Vắp là vùng đất cao, nên đường xe lửa Sài Gòn – Biên Hòa khi đi qua địa phận Gò Vắp phải theo một con mương lớn đào qua gò cao, nếu không thì xe lửa không lên dốc nổi. Do đó mà ở Gò Vắp có hai Cầu Hang: Cầu Hang Trong (ở đường Phan Văn Trị ngày nay) và Cầu Hang Ngoài (ở gần chợ Gò Vắp) bắt ngang qua cái mương lớn đào cho xe lửa chạy đó. Học trò đi học về rất thích đứng lại trên Cầu Hang để coi xe lửa chun qua cầu.
Hồi đó, nông sản nổi tiếng của Gò Vắp là thuốc lá, thuốc rê Gò Vắp. Vùng trồng thuốc lá Gò Vắp gồm một phần làng An Nhơn và Xóm Thuốc của làng Hanh Thông Tây, trải dài qua tới làng An Hội. Ngày nay, địa danh “Xóm Thuốc” vẫn còn, có Nhà thờ Xóm Thuốc ở đường Quang Trung, nhưng không còn ai trồng cây thuốc lá nữa. Cũng như Xóm Thơm không còn trồng thơm, Xóm Gà không còn trại nuôi gà.
Từ chợ Gò Vắp đi An Nhơn chỉ có hai đường: đường xe điện (hồi đó thường kêu là “xe điễn”) và con đường làng tráng nhựa bắt đầu từ trường học “École Primaire Complémentaire de Govap” (Trường Tiểu Học Bổ Túc Gò Vắp) đi lên An Nhơn, rồi đi tiếp lên chợ Cây Xoài, Bà Điểm “Mười tám thôn vườn trầu”, Hóc Môn. Con đường này nay chỉ còn lại hai đoạn, một đoạn mang tên đường Nguyễn Du chạy tới đường Phan Văn Trị bây giờ là hết (hồi đó chưa có đường Phan Văn Trị, nhưng có đường trải đá xanh, chưa tráng nhựa, đi từ Bến Cát tới Hanh Thông Tây). Còn một đoạn bắt đầu từ khúc quanh chỗ chùa Chưởng Huệ bây giờ đi lên Chợ An Nhơn, rồi đi tiếp lên chợ Cây Xoài, v.v… Như vậy đường đi của con đường làng này ngày nay đã khác xưa quá nhiều. Hồi ba đi học trường Tiểu Học Bổ Túc Gò Vắp, mỗi ngày ba ôm cặp đi bộ từ nhà tới trường mất đúng ba mươi phút, khoảng 2 cây số. Trưa, ăn cơm “căn-tin” của trường ở lại nghỉ tại trường để chiều học tiếp. Chiều lại ôm cặp đi bộ về tà tà, vừa đi vừa nói chuyện với mấy đứa bạn học.
Nhà ông nội mấy con ở ngay sau Chùa Ông, thờ Quan Thánh Đế Quân, còn kêu tắt là Quan Công, tức Quan Vân Trường. Chùa Ông bây giờ là chùa Trung Nghĩa, thờ Phật và thờ Ông. Nhà cách đường khoảng 30m, ra đường quẹo mặt, đi qua Chùa Ông, qua nhà ông Năm Ngàn đánh xe thổ mộ, qua miếng đất trống sâu bên trong có vườn xoài của ông Xếp (không biết ông Xếp nào, ba chỉ nghe tiếng mà không biết mặt), rồi tới nhà ông Phán … Đi tiếp một đỗi nữa thì qua Cầu Hố – một cái cầu nhỏ bắc qua một con suối cạn, bên trái có mả “Ông Lớn” (về sau ba mới biết đó là mộ của ông Diệp Văn Cương) và một vườn cao su. Đi tới nữa thì qua Nhà thờ An Nhơn, một cái nhà thờ nhỏ xíu (nay không còn) rồi tới trường Cô Giáo Huấn là một trường tiểu học tư thục, chỉ có ba lớp, học trò đông nhứt là đám con nít học vỡ lòng chữ Quốc ngữ. Đi tiếp thì tới ngã ba đường Hàng Điệp, một con đường có trải đá xanh lởm chởm vì chưa tráng nhựa, bên đường có trồng những cây điệp cổ thụ, nay không còn. Đi một đỗi nữa thì tới một khoảng đất trống lớn, bên trái không có nhà cửa, cây cối chi hết, bên mặt có một cái đồn đất lớn đắp cao lên, chung quanh có hào sâu, do người Pháp làm không biết từ năm nào, bỏ hoang, trẻ em chăn bò hay xuống đó chơi, ở dưới còn một cây súng cà-nông bự lắm! Nghe nói cái đồn này xây theo kiểu Vauban (một Thống Chế Pháp sống vào thế kỷ 17), bây giờ không còn dấu vết, không rõ do quân đội Pháp phá bỏ sau năm 1945, hay do quân đội Việt Nam Cộng Hòa phá sau năm 1955, hoặc do bộ đội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam san bằng sau năm 1975? Thật uổng quá, vì cái đồn này là một di tích lịch sử có giá trị.
Qua khỏi đồn thì tới một ngã ba, quẹo trái là đi xuống Bến Cát. Nhà bà cô Bảy, em ruột của ông nội mấy con, ở tại Bến Cát, nay cũng không còn. Bên đường đi xuống Bến Cát có một cái mả kêu là “mả một mẹ chín con”. Nghe nói chỗ này có ma dữ lắm, chiều tối không ai dám đi qua đó. “Dữ” đây không phải là dữ dằn, mà có nghĩa là “rất nhiều”; thí dụ như nói: “Thằng Ba nó thương con nhỏ đó dữ lắm!” vậy. Tới ngã ba, không đi Bến Cát thì ba đi tiếp một đoạn nữa là tới trường.
Chuyện ba đi học sẽ nói sau. Bây giờ nói tiếp chuyện làng An Nhơn.
————————
1 Larousse, 1998 Le Petit Larousse Illustré, Larousse – Bordas, Paris