Làm sao mà quên được

Hai Phai N.T.V

Đem sức thanh tân chống mọi Suy Tàn
Học sinh làm sáng đời dân Việt Nam


(Học Sinh Hành Khúc – Hùng Lân)

Thân tặng các bạn đồng môn Lươn Phơi Khô 50

Tôi thi đậu vào trường Lycée Petrus Ký năm 1950. Phải nói rằng đó là một hân hạnh hết sức lớn của tôi, vì tôi nghĩ rằng tôi đã vào được một nhà trường có uy tín vào bậc cao nhứt ở miền Nam thời bấy giờ, nhờ thành tích đã đào tạo ra nhiều tài năng trong mọi lĩnh vực văn võ của xã hội. Không riêng tôi mà tôi tin rằng mọi anh em khác cũng nghĩ như vậy. Mỗi học sinh thi đậu vào trường đã phải cố gắng hết sức mình để vượt qua bao nhiêu học sinh khác và khi ra trường – dù không thành đạt bằng các bạn đồng môn khác – cũng không bao giờ quên giữ gìn thanh danh của ngôi trường mang tên một nhà bác học vĩ đại của miền Nam.

Nhưng hãy khoan ! Xin cho tôi lùi lại một bước. Tôi muốn nhắc lại toàn cảnh bức tranh ngày xưa, những điều kiện trong đó tôi (và có lẽ nhiều bạn khác ?) đã sinh hoạt và học tập. Gia đình tôi hồi cư sau một thời gian “ chạy giặc “, suốt thời gian đó sinh hoạt hằng ngày chỉ là vui chơi ban ngày – đóng tuồng hát bội, chia phe đánh giặc, tát cá, bẩy chim và hái trộm trái cây, đào trộm khoai củ ban đêm. Trở về thành, thời gian đầu anh em tôi cũng chưa được đi học. Cha mẹ còn bận ổn định sinh kế dành dụm tiền bạc trước khi cho con trở lại trường. Thiếu những sinh hoạt tiêu khiển như ở quê, chúng tôi “ quấn quít “ theo sách vỡ: sách “ thiếu nhi chiến đấu “ (theo kiểu La Jeunesse Héroique của Pháp về thời gian kháng chiến chống Đức Quốc Xã) mà tôi còn nhớ vài tựa như “Mây trôi về Bắc”,“Em không về nửa chị ơi”, “Xin đắp mặt em một mảnh lụa hồng”, sách “Anh hùng nghĩa hiệp” kiểu hiệp liệt Hoàn Ngọc Ẩn, Bách xi ma, biết thay hình đổi dạng, lái xe xì gà chạy 100 Km/ giờ trong Thành phố, chuyên cướp của nhà giàu (có hẹn giờ đúng từng phút) để cứu giúp người nghèo (không thấy học lúc nào). Cao cấp hơn thì có tiểu thuyết chiến đấu loại Vó ngựa Biên Thùy, Nữa bồ xương khô, Bộ áo Cà sa Nhuộm Máu…….. của các tác giả nổi tiếng Thẩm thể Hà, Vũ Anh Khanh… Trong khi đó, thi tuyển (concours d’admission) vào trường trung học công rất khó, có thể nói mỗi thí sinh muốn đậu phải “ chiến thắng “ cả chục người khác. Hoàn cảnh như thế (khỏi “ khoe “!) Nếu tôi đậu được, ấy mới là chuyện lạ cho nên… tôi rớt kỳ thi tuyển năm 1949.

Ba má tôi không muốn tôi mất thời gian nên cho tôi vào học lớp première année ở trường tư thục Huỳnh Khương Ninh (Da Kao) là một trường kỳ cựu và uy tín cùng với trường Lê Bà Cang. Tôi rất mừng vì được học Việt văn với thầy Việt Quang là một trong các tác giả rất nổi tiếng trong các loại sách thiếu nhi nói ở trên.Tuy nhi ên, mới học được một tháng thì Ba má tôi gặp thầy cũ dạy tôi ở tiểu học. Thầy khuyên nên để tôi luyện thi vào trường công, tuy có mất một năm nhưng bảo đảm cho việc học nhiều năm sau này. Theo lời khuyên của thầy, tôi trở về học lớp Tiếp Liên (cours des certifiés) ở trường Marc Ferrando (Gia Định).

Sau đó một năm, tôi đậu thi tuyển vào Lycée Petrus Ký là vào năm 1950. Ngày đầu tiên đi học trường mới, tôi vừa vui vừa hồi hộp vì tôi được đi xe đạp, lại là xe mới, mới toanh ! Trước đó, suốt thời gian học tiểu học, tôi đi bộ. Quần xà lỏn đen, áo bà ba trắng, đi chân đất, buổi trưa nắng có thể bấm ngón chân cái cho in dấu lên nhựa đường. May mắn thì có thể được các ông đánh xe bò cho để ké cặp táp lên xe, còn người thì vịn theo xe cho…. đở mệt! Đừng trông mong gì ở mấy ông đánh xe thổ mộ. Không cho đâu, mà đứa nào ngoan cố vịn theo xe dám ăn roi lắm!

Bây giờ tôi đã có xe đạp, một chiếc xe hiệu Avion mà tôi chắc ít người biết. Xe sơn màu xanh (trời), bảng hiệu (marque) có hình chiếc máy bay cất cánh, vè nhôm, yên cao su màu nâu lợt, bánh trắng, căm sáng (tất nhiên khi còn mới). Xe có đủ hai thắng trước và sau, có cả chuông gắn trên ghiđông, bóp kêu reng reng Y phục tôi cũng tươm tất hơn trước, quần sọt áo sơ mi trắng, dép sandal. Còn cái nón cối nữa chớ ! Những ngày đầu tiên, Má tôi không dám để tôi đạp xe một mình từ nhà ở Thị Nghè đến trường, nhất là buổi chiều từ trường trở về. Cho nên mỗi trưa bà phải đạp xe từ hãng – ở gần chợ Bến Thành – về dẫn tôi đi học, rồi mỗi chiều lại đạp xe từ hãng đến trường, “dắt “ tôi trở về. Kỷ như vậy mà vẫn có chuyện. Đường đông xe, học trò, công nhân, công chức… làm sao mà đi song song hoài được ? Có một lần mẹ bị vướng phải chậm lại, con vượt lên trên, chưa quen dùng thắng, bèn len vào giữa hai người đàng trước đang chuyện trò rôm rã. Má tới trông thấy, hốt hoảng la lên: “Con đừng chen giửa người ta chớ“ May quá, hai người kia phản ứng kịp, giạt ra hai bên, chừa đường cho “ thằng nhỏ “ vượt lên vô sự nhưng vừa điếng hồn vừa “quê “ !

Kỷ niệm của tôi như vậy, bạn thấy có “ ngang tầm “ với kỷ niệm của nhà văn Thanh Tịnh “.. Một buổi mai đầy sương thu và giá lạnh, mẹ tôi đi nắm tay tôi dắt đi trên còn đường dài và hẹp“ không ?Má tôi kèm tôi như vậy hơn tuần lễ, cho đến khi chắc chắn là tôi đi một mình được bà mới “buông “ tôi ra.

Hết năm học đầu, gia đình nhận xét rằng trình độ và tiếp thu của tôi về các môn thì tạm được, trừ Pháp văn. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với học trình của tôi về sau, vì Pháp văn chẵng những là môn học chánh mà còn là ngôn ngữ chuyên chở nội dung mọi môn học trong chương trình, kể cả các môn nhiệm ý là thể dục và âm nhạc. Do đó, anh trai tôi được giao nhiệm vụ trau dồi cho tôi về môn này. Trong thời gian nghỉ hè, anh lập thời khóa biểu cho tôi, hàng tuần ôn tập về grammaire, dictée, lecture expliquée và récitation. Ngoài ra, anh còn tìm mua cho tôi đọc một số sách song ngữ Việt – Pháp, thí dụ như quyễn les Légendes Des Terres Sereines của tác giả Phạm Duy Khiêm. Nhờ công lao của ảnh mà cũng nhờ sự chia tay của tôi với tiểu thuyết Việt Ngữ nữa – gia đình tạm yên lòng về tôi bắt đầu năm deuxième année. Sở dĩ tôi cà kê dê ngỗng về cái vụ rèn luyện Pháp văn này là vì tôi muốn nhắc nhở đôi dòng về bài văn mà tôi chắc ai trong chúng ta cũng biết: Bài La Rentrée des Classes của tác già Anatole France. Anh tôi cũng dùng bài này để bắt đầu dượt cho tôi, lần lượt làm giảng văn, rồi chánh tả, rồi học thuộc lòng. Anh nhấn mạnh cho tôi một chủ đề văn phạm là Sujet multiple. Chắc bạn còn nhớ: “ Je vais vous dire ce queme rappellent… le ciel agité, les premiers diners à la lampe et les feuilles qui jaunissent… “ Nhờ đó mà tôi thuộc lòng được đoạn văn này.

Thuộc thì thuộc, mà có nhiều chi tiết mình đâu có để ý, đâu có hiểu hết. Đọc “Les premiers diners à la lampe” rồi đến “les premiers jours d’octobre “ thì cứ đọc và cứ thuộc như vậy thôi, chớ không hề băn khoăn hai “cái đó” “ăn nhậu” gì với nhau. Mãi đến khi có dịp sống ở nơi có đủ Xuân, hạ, thu, đông nhận thấy cuối tháng chín, chín giờ “ tối “ mà nắng còn nhuộm vàng hoe các ngọn cây cao, rồi bước sang tháng Mười mới năm giờ chiều mà ăn cơm đã phải thắp đèn, bây giớ mới “ngộ” ra được ờ hén! Khoảng vài năm trước đây, tôi được đọc bài viết của một nhà văn thuộc hạng “chiếu trên”, trong đó ông nhắc lại đoạn văn vừa kể với chi tiết ; lá rơi từng chiếc trên vai các pho tượng “trần truồng” (được cẩn thận đối chiếu với nguyên văn “des statues toutes nues…” Tôi hết hồn, liền lục tìm quyền Le Livre de mon Ami rà lại. May quá, tôi thở phào nhẹ nhỏm ~ Đã tưởng rằng tối hôm đó tôi sẽ phải đánh răng, chải đầu cho kỷ để đi vào chiêm bao gặp A. France tiên sinh mà trách nhẹ ông một câu “Ông ơi, ông ! Quí hóa gì hai chữ đó mà ông dùng chi, để khổ cho tụi cháu vậy ông?”

Thôi, sa đà như vậy đã quá xa rồi, Bây giờ xin trở lại trường ta.
Bắt chước “ Je vais vous dire…” (?) Tôi cũng sẽ nhắc lại kỷ niệm của vài việc lớn nhỏ xãy ra trong thời gian này mà tôi còn giữ được trong cái ký ức đã bắt đầu chập chờn của tôi. Bạn thấy chổ nào không đúng, xin làm ơn “Ê” giùm tôi một tiếng.

Bắt đầu bằng năm đầu tiên. Nhiều người lầm tưởng rằng “dân Petrus Ký” là dân phe cánh. Thực ra, trong anh em mình có người xuất thân từ hoàn cảnh rất thương tâm. Người thì mồ côi, ở quê đi chăn trâu, nhờ bà con thương tình đem về thành cho đi học, nhưng phải làm việc nhà để trả nợ. Người thì không có nhà, cả gia đình sống cạnh đường xe lửa, trên đầu che bằng tôn, vừng vách bằng mấy cái tủ, Người thì gia đình sống trong nhà cửa tăm tối, ẩm thấp, dưới gầm cầu, sát bờ sông, cho nên không phải ai cũng trẻ tuổi vô tư. Tuổi tác cũng chênh lệch nhau. Trong khi có bạn sinh năm 1938 thì có bạn lại sanh năm 1934, mà đó là tuổi khai lại, chớ tuổi thật là 1932. Như vậy, bước vào năm thứ nhất mà tuổi đã là 18, để hiểu là đã nghĩ đến việc “ bồ bịch”. Chuyện xãy ra ở lớp Première Année B, giờ Pháp văn của thầy Bảo. Vào lớp đã khá lâu,  có thể đã đến mười lăm phút, Thầy đang hỏi bài thì một anh mới vào, xin lỗi thầy, trình giấy vào lớp rồi rón rén về chổ, trên tay đang như đang dấu vật gì. Thầy kêu lại, bảo đưa ra coi, hóa ra là một gói quà gói thật đẹp. Thầy đòi tịch thu, Ảnh kêu lên: “Chết em, thầy !” Cả lớp cười ồ, Thì ra là anh chàng đi học trể vì bận mua quà đi gặp “đào” chiều thứ bảy. Hèn chi mà ăn bận quần áo trắng lấp, ủi thẳng băng. Lại thoang thoảng mùi dầu thơm ! Chuyện sau này cũng xãy ra ở lớp B, nhưng vào năm quatrième année, giờ Sử địa của thầy Toản.Chắc bạn còn nhớ là thầy Toản rất nghiêm nghị, ít đùa giởn, mà cười cũng chỉ nửa miệng ! Hôm đó gần Noel, trời khá lạnh anh em nói chuyện thở khói ra miệng như con thần mã của Phù Đổng Thiên Vương. Mọi người vừa vào lớp, ngồi chưa yên chổ. Anh Ái, còn quen không khí vui vẻ ngoài sân, xoa tay này lên tay kia miệng cười cười: “Les frottements produisent de la chaleur”. Bổng nghe tiếng thầy: “Vous rigolez dans la classe, vous? Consigne !” Nụ cười  trên môi anh Ái bổng “nghe những tàn phai “. Thầy nghiêm khắc như vậy mà anh em đồn nhau rằng về sau anh em đi các hội đồng thì gặp thầy, thầy lại “ cưng “ lắm. Đặc biệt thầy lại hay kể chuyện tiếu lâm. Thiên hạ đồn rằng có một chuyện thầy kể trong hội đồng giám khảo (trong lúc giám khảo đang chấm bài) như vậy: Một ma nữ đi vào một khu rừng giữa đêm khuya để làm bắt đàn ông về làm “áp trại phu quân” Đêm không trăng sao, trong rừng sâu không đèn đóm, nó phải dùng tay rờ đầu để nhận xét. Đến một chổ, bổng nó ngừng lại và nói lầm thầm: “Thằng này là thầy chùa, đầu trọc lóc không một sợi tóc. Ủa, mà nó bị ai chém đến nỗi đầu nứt ra từ đàng trước tới đàng sau ? Mà sao mủi nó dài… quá vậy, dài như mủi Cyrano de Bergerac ?”Thì ra nó đụng một thầy pha kia đang chổng đầu xuống đất, thân thể trần truồng vì tu luyện lâu ngày, quần áo mục nát hết” Quý vị giám khảo nam cười cái rần, các cô thì đỏ mặt, bỏ đi ra cửa… đứng nghe tiếp.

Một vị khác ta cũng không thể nào quên là thầy Cang. Hình ảnh khó quên của thầy là bụng bự, mặt đỏ, ống bíp dắt lưng, nói chuyện văng nước miếng tới bàn đầu,thích bắt vẽ dessins géométriques tô màu lòe loẹt, càng lòe loẹt càng ăn… điểm. Thầy ban phát điểm 20 và điểm 00 thật hào phóng. “ Zéro ou vingt, cà c’est plus simple” Thầy ít khi nói tiếng Việt, mà khi thầy nói là có cười chết bỏ. Chuyện sau đây xãy ra nhân một lần trả lại bài thi lục cá nguyệt. Thường thì thầy xếp hạng sẵn, gọi trả bài từ điểm cao xuống điểm thấp. Hôm đó vừa bắt đầu thì thầy gọi “H.C. Phước” Anh Phước đứng lên, ngơ ngác, không dám tin tai mình. thầy nói tiếp “Dernier”. Tồi vừa cười hề hề, thầy nói tiếp (bằng tiếng Việt) “Bài chia ra, nặn bài coi nút, Thấy bông đầu khoái, vùa. Hổng dè xổ ra bù. Xệ trả tiền lại”.
Cũng cái kiểu đó, một lần thầy hỏi vấn đáp bên Gia Long, cho điểm nhỏ xíu, mấy cô học trò khóc cả đám, đâu có biết là sau đó thầy cho thêm “cây gậy” ở đằng trước.

Thầy Tước dạy luôn hai môn Lý Hóa và Vạn Vật, thì chắc ai cũng phải nhìn nhận là một người thầy hầu như không có khuyết điểm. thầy bao gồm mọi đức tính về chuyên môn cũng như nhân bản. Còn nhớ, kỳ thi bằng Thành Chung (Diplome) năm 1954, thầy gặp một tốp học trò ngoài sân Trường sau giờ thi môn Lý Hóa. Sau khi hỏi thăm, biết ai cũng làm bài được, thầy nói “Tưởng bài vậy mà tụi bây còn làm hổng được nữa chớ ! “ mặt thầy rạng rỡ, giọng thầy tự tin, rõ ràng giữa thầy và trò có một  niềm thông cảm sâu đậm.

Một thầy “ gây nhiều tranh cải “ là thầy Giao, đẹp trai (hồi đó chưa có “ngũ hổ tướng” nên chưa có thầy Lê Xuân Khoa để so sánh). Bản thân dạy Pháp văn mà lúc nào có dịp thầy cũng khuyến khích học trò học Anh văn. thầy thường nói “Thế giới bây giờ ai cũng học tiếng Anh, mình không học làm sao theo kịp người ta “ Phải công  nhận là thầy sáng suốt. Nhắc tới thầy Giao, không thể không nhắc tới “ Parti Anti-graviste “ ở lớp A gồm Thuận – Thành – Rũng.. những khi thầy đang dạy ở đàng trước thì ở dưới thể nào bạn Thuận cũng nương theo đề tài mà “cảm tác” nên những dòng thật dí dỏm một cách rất xuất sắc. Về sau, gần tới lúc “ Trời đất nỗi cơn gió bụi “, thầy tốt nghiệp bằng PH,D tại đại học Berkeley về môn tâm lý (Psychology), thầy về khai trương Ban tâm lý tại trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn và dạy được vài năm.

Thầy Chương, dạy Vạn Vật (về sau thầy về làm Giám đốc Nha Quốc gia Địa dư ở Đà Lạt) lưu lại trong ký ức tôi hình ảnh một người thầy vui tính, thích đùa. Khi giảng bài, thầy thường nhấn mạnh: “ Phải vậy hơn bây ? Mà phải vậy hôn chớ ?!” Khi nói tới chữ “Anus”, thầy nói “Lổ đít thì nói lổ đít chứ hậu môn hậu môn cái gì ? thầy Giao nghe được lại bảo : “Ổng nói thì nói vậy, chớ như vậy sao phải”.Một lần, ở lớp Troisième Année, bắt gặp một bạn ngáp dài, thầy “ứng khẩu” ra bài Tứ tuyệt:
Ngáp dài, ngáp mãi, ngáp liên miên,
Ngáp tới, ngáp lui, ngáp liền liền.
Ngáp từ trống đánh, giờ còn ngáp
Ngáp dài, ngáp mãi, ngáp liên miên.


Người thầy dạy Pháp văn ở lớp Đệ tứ niên A và B cũng là một thầy ta không thể quên. thầy Delagoutte mập mạp, vui tánh, cũng là một mẫu mực về lòng tận tâm. Thầy đặc biệt chú trọng văn phạm và chánh tả. Sửa bài tập văn phạm hay giảng văn, thầy đòi học trò phải lần lượt giải mỗi người một câu, sau đó thầy mới nêu lên lời giải của thầy. Như vậy thầy luôn giữ được sự chú ý, cũng như khuyến khích sự cố gắng của từng người.

Bây giờ ta bàn tới các thầy ở các lớp cuối. Ông “hiện tượng” nhứt là thầy Dufeie, dạy Sử Địa. Mũi cao, mặt xương, nhìn nghiêng thầy gợi nhớ đến tướng De Gaulle. Mà thiệt thầy luôn luôn chê Mỹ. Thậm chí, thầy có nói đại ý cả nước Mỹ chỉ có 4-5 hiệu phó mát trong lúc có những làng ở Pháp sản xuất đến bốn mươi hiệu ! Ngoại trừ một vài chuyện nho nhỏ như vậy, còn thì ai cũng phải công nhận bài giảng của thầy được soạn rất công phu và chi tiết và được cập nhật kỷ lưỡng. Thầy cũng là người đã gợi ý cho học sinh suy nghĩ về đề tài: Tại sao cách mạng 1789 lại nổ ra ở Pháp trong lúc những tư tưởng chỉ đạo đã phổ biến ở Anh nhiều năm trước đó ?” Có một chuyện đặc biệt là kỳ thi Bac II năm 1957,thì sinh của L.P.K. đi thi ai trong thí sinh cũng có nữa trang giấy pelure mang chữ ký của thầy, nội dung trình bày vì số các ngày nghỉ học quá nhiều nên học sinh đã chỉ “Survolé le programme”. Vì thế đề nghị quý vị giám khảo chỉ hỏi bài Sử Địa cuối chương trình “au niveau des plans résumes”. Không biết có giám khảo nào thông cảm như vậy không ?

Thầy Rehm dạy Lý thì đặc biệt chú trọng tới đơn vị và hệ thống đơn vị. Phải chính xác khi gọi tên các đơn vị, không có kilo mà phải nói Kilogramme, không có Kilometre heure mà phải là Kilomètre à l’heure (Km/h) đơn vị nào ký hiệu chữ thường, đơn vị nào ký hiệu chữ hoa. Phải viết “ deux ampères: là 2A chớ không phải 2a, “Cinq watts“ là 5W, chó không phải 5w, mà cũng không phải 5ws. Thầy cũng dặn phải luôn luôn cẫn thận khi nhận định đúng/sai. Phải nằm lòng câu : “Cela dépend”. Hỏi – Nước tinh chất sôi ở 100 độ, Đúng hay sai ?
– Đúng
– Không, phải nói “Cái đó tùy”
– Tùy cái gì ?
– Tùy độ C hay độ F
Lại hỏi nước sôi ở 1000C đúng hay không ?
– Đúng
– Không. Cái đó tùy
– Tùy cái gì ?
– Tùy áp suất….

Thật khó mà quên vẻ mặt hịch hạc của thầy khi thầy tự giới thiệu “Petit professeur, petite voiture” Cùng với chiếc xe Citroen 2CV, chiếc xe lịch sự nhất thế giới, gặp ai cũng gật đầu chào hai ba lần. Thầy trẻ nhất trong số các thầy người Pháp (Pháp sư ?) Có lẻ là thầy Béguier, dạy Triết. thầy ốm cao thật là hiền, có lẻ phải nói là dịu dàng. thầy tâm sự: Ở bên Pháp, chỉ cần nhìn vào mắt các học sinh là đủ biết họ hiểu hay không. Ở Việt Nam, phải hỏi, mà cũng không biết được. Hỏi “Hiểu không?” không thấy trả lời. Hỏi “không hiểu hả ?” cũng không ai thất trả lời. Lại hỏi “Ai  hiểu?“ cũng im re luôn. Một lần ở lớp Philo thầy trả lại bài luận Triết, thầy đang thao thao phê bình (có lẻ hơi hăng say ?) bổng thấy một chị đang khóc ngon ngọt. Vậy là phải dừng lại, xin lỗi, an ủi…

Để tôi kể chuyện này, bạn nghe đừng cười… Mà cười cũng không sao, bởi vì “Thuỡ ấy tôi có hiểu gì.” Thầy dạy phần Logique trong chương trình Triết, đến bài “Các môn học”. Thầy đặt câu hỏi: “Nam sinh và nữ sinh, ai thông minh hơn ?” Tất nhiên đâu có ai trả lời. Thầy nhìn quanh quất chỉ ngay tôi. Tôi đứng lên. Lúng túng biết trả lời sao ? Thầy chờ đợi, cả lớp cũng chờ đợi. Im re ! Quýnh quá, tôi trả lời đại: “Nam sinh thông minh hơn !” – “Tại sao ?” Lở trớn tôi “ theo lao” luôn: “ Bởi vì đông nam sinh học toán hơn là nữ sinh”. Bầu không khí yên lặng bổng nổ lên như sấm sét. Chị Tâm Anh ngồi bàn đầu bổng quay xuống cười cười, mắt chị sáng rỡ như thầm hỏi “Tâm Anh mà kém thông minh sao ?”. Tôi “quê” không để đâu cho hết ! Đã bảo “làm  người có dại mới nên khôn” mà. Giữa hai học trình đệ nhứt và đệ nhị cấp của tôi đã xãy ra một sự kiện mà sau này càng nghĩ tới càng thấy là độc đáo (unique en son genre). Nếu bảo là “ vô tiền khoáng hậu “ trong lịch sử vùng Sàigòn – Chợ Lớn cũng chưa chắc là cường điệu.

Niên khoá 1954 – 1955, nổ ra một cuộc giao tranh giữa lực lượng Nhảy Dù của chánh phủ và lực lượng Công an Xung phong của phe Bình Xuyên đóng bản doanh trong khuôn viên trường Lycée Petrus Ký. Hậu quả là trường phải đóng cửa một thời gian. khu vực tiếp cận với trường là vùng Bàn Cờ và Nancy bị thiệt hại vật chất nặng nề. Anh em chúng ta, trước cảnh khổ hiển hiện của đồng bào ruột thịt, đã tự phát đứng lên kêu gọi nhau và liên kết với trường Gia Long (có bao giờ có Petrus Ký mà không có Gia Long đâu ?) lập ra Ủy ban cứu trợ Petrus Ký – Gia Long để cứu giúp đồng bào nạn nhân.

Không tiền bạc, của cải, thậm chí phương tiện chuyên chở cũng không, bạn bè phải đèo nhau bằng xe đạp, mà dám “ nhảy ra” làm công tác xã hội ! Với lòng trắc ẩn và tính hồn nhiên, anh em không e dè điều tiếng, không nề hà xuyên  tạc hoặc nghi kỵ, tự góp tiền túi, xin tiền nhà để  mua giấy, vải, kẻ Banderole, bảng hiệu, mượn chổ Đình Chùa làm trụ sở, rồi đi xin xỏ, quyên góp từ tư gia đến tiệm quán, chợ búa, để được từng bịch gạo, từng chai nước mắm, từng mớ quần áo cũ, rồi mướn xe xích lô, xe ba bánh, phân công nhau đạp, đẩy, chở đi chia cho các gia đình nạn nhân để sửa chữa. Cực mà vui ! Chị Tâm Anh về sau học ĐHSP. Ban Lý Hóa, tốt nghiệp đi dạy một thời gian rồi chị bổng  đi tu, làm ma sơ. Không biết vì sao.  Càng vui hơn khi thấy được tán thưởng và hưởng ứng. Lần lần có người khác đến tiếp tay, từ những cá nhân riêng lẻ rồi đến các đoàn thể, các đoàn hướng đạo sinh, học sinh các trường khác, từ các trường tư thục như Kiến Thiết, Huỳnh Khương Ninh, Việt Nam Học Đường, Huỳnh Thị Ngà, Lê Bá Cang… Đến các “ trường Tây “ như Chasseloup Laubat, Marie Curie… Công tác kéo dài khoảng một tháng rồi nghỉ, nhường chổ cho các tổ chức chánh thức có danh chánh ngôn thuận và hiệu quả cao hơn. Sau đó sẵn “khí thế”, anh em mình chuyển lực lượng sang tổ chức một đêm nhạc hội “cây nhà lá vườn” gây quỹ yểm trợ hiệu đoàn. Dịp này, tôi được bầu làm phụ tá cho anh Trưởng ban Nguyễn Thanh Liêm (người sau này làm giáo sư rồi Hiệu trưởng của Trường và cuối cùng là phụ tá Bộ trưởng Giáo dục thời Đệ nhị Cộng Hòa) Nhờ đó tôi quen được chị Phan Huệ Chi (thủ quỹ) về sau đi tu nghiệp và ở luôn bên Mỹ – anh Nguyễn Văn Thiện (về sau có lúc làm hiệu trưởng Trần Khai Nguyên, đường Nguyễn Tri Phương, Chợ Lớn) – anh Hồ Văn Trai (về sau làm Thanh tra nha Tư Thục) anh Huỳnh Quang Thiệu (về sau làm Gs, Việt Lym, chuyên giải đề thi toán Tú Tài đăng báo) v..v. Nhờ quỹ gây được từ đêm nhạc hội, Hiệu đoàn trường in được huy hiệu L.K.P. Mầu thứ nhứt hình thể hơi bầu bầu, nền xanh dương, mẫu thứ hai và thứ ba mới đổi sang hình vuông vuông và nền màu xanh lục. Nếu cứ mãi quanh quẫn ở hai lớp A và B thì tôi đâu có dịp biết “Trời cao đất rộng”. Nhờ lân la xung quanh mà tôi được thấy quanh mình biết bao anh tài mà tên tuổi còn mãi mãi lưu truyền trong “tàng kinh các” của Trường. Bạn trách tôi đã nói dỡ mà còn nói dai ! Vậy là nghỉ nhé !

Nhưng cho tôi nhắc hết chuyện này nữa.  Chắc anh em mình còn nhớ, khóa của tụi mình ban đầu được biết là khóa cuối cùng dùng Pháp ngữ. Sang năm sau sẽ bắt đầu chương trình Việt từ lớp đệ thất. Tuy nhiên sau lớp mình vẫn còn một lớp nửa, học song song với chương trình Việt. Trong đó ta có thể kể các “minh tinh” như Bùi Văn Chi, Nguyễn Thông Minh, Lê Phát Giàu, Lê Bá Tuân, Nguyễn Văn Truyền….Năm 1954-55, khi “promo” tụi mình học lớp Seconde ở dãy bên trái thì vẫn còn những lớp Quatrième année học ở tầng dưới dãy bên phải, ở đó thấp thoáng những bóng hồng, là mấy “thị” bên Gia Long chuyển qua vì bên đó không có lớp. (gọi “bóng hồng” nhưng họ mặc áo trắng không hà. “ thần dân” của cô Emilia Vo Thành mà !). “Thời” của anh em mình, học sinh còn ngoan hiền, cho nên ai nấy chỉ dám ở bên này nhìn qua bên kia, để chiêm ngưỡng vậy thôi. Thoảng hoặc có “lở ” chạm mặt ai trên galerie d’honneur thì cũng ráng nghiêm trang né qua nhường đường. Tuy chưa 61 đến nổi bắt chước Lục Vân Tiên: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra – Nàng là phận gái, ta là phận trai”, nhưng chưa có ai dám gây ra “tao ngộ chiến”. Giờ về, vẫn thong thả nhường “mấy chị” ra trước. Hai là chờ đi sau để “Em tan trường về, Anh theo Ngọ về” ờ hén, dám lắm à.! Còn tôi thì sao hả ? Cũng vậy thôi, đâu có gì đâu. Còn nếu hôm nào đi cùng ai đó trên một con đường, thì cũng chỉ là tình cờ thôi “Gặp một bữa đã nghe mừng một bữa”, chứ còn xe đạp, dẩu là xe đạp Avion đi nữa -Cũng làm sao mà “đua” với xe Vélo Solex được cha ! May ra thì chỉ theo xa xa mà ngắm vành nón nghiêng nghiêng và tà áo lụa Hà Đông” tung bay trong “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát “. Nói thật nghen, mấy cái kỷ niệm này, nếu tình cờ xuất hiện trong trí bạn với lời thơ Jacques Prévert viết thêm cho ca khúc Les Feuilles mortes: “Oh, je voudrais tant que tu te souviennes des jours heureux où nous étions unis En ce temps – là, la vie était plus belle…” Hoặc nếu bạn lại vào một khoảnh vườn có hoa phượng nở rộ và tiếng ve kêu râm ran thì, tôi bảo đảm, chết là cái chắc ! Đã hứa rồi thì phải thôi. Bây giờ bạn cùng tôi ta hãy cùng nhau hát bài Tạm Biệt “ Giờ đây anh em chúng ta cùng nhau hát bài bùi ngùi chia cách. Cách xa nhưng ta hằng mong. Rồi đây có ngày ta còn gặp nhau”. Không thuộc cũng không sao. Cứ hát “Ò E con ma đánh đu, Tarzan nhảy dù,Zoro bắn súng, Bắn ngay… ” để dứt khoát) chấm dứt bài này, được viết vào “năm tuổi học trò L.P.K.” của tôi (của tụi mình !) được tròn “sáu bó” nói theo kiểu Hoàng Hải Thủy.

Canh Dần niên 2010

Hai Phai NTV. (Nguyễn Thanh Vân (LPK 50-57))

Anh Võ Đình Ái
Thầy Trần Cảnh Hảo