Chương XII.
Lá Thư Petrus Key Là Một Lá Thư Cố Tình Mạo Danh Petrus Ký
Trước nhất, theo người viết, lá thư Petrus Key là một lá thư cố tình mạo danh Petrus Ký, chứ không phải do một người Việt nào khác có cái tên Petrus Key đã viết vào năm 1859 để cầu khẩn quân Pháp. Nói cách khác, đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa một người Việt có tên Petrus Key và ông Petrus Ký, mà là người viết lá thư Petrus Key đã cố tình chọn cái tên Petrus Key cho lá thư của mình. Chẳng những vậy, tác giả lá thư Petrus Key chắc chắn đã có trong tay lá thư Penang của Petrus Ký khi phóng bút viết thư, và đó là lý do tại sao lại có cái tên Petrus Key, chứ không phải là một cái tên Petrus Mít hay Paulus Xoài nào khác.
Tại sao người viết lại cho rằng đây là một lá thư mạo danh Petrus Ký? Đó là vì sau khi đọc và nghiên cứu lá thư Penang được viết ngay trước đó vài tháng bởi chính Petrus Ký, người viết nhận thấy rằng giữa hai lá thư, Petrus Key và Penang, có một mối quan hệ mật thiết. Đến mức có thể thấy rõ rằng tác giả lá thư Petrus Key đã có lá thư Penang trong tay, và dựa theo lá thư đó, để viết một lá thư khác và ký tên là Petrus Key.
Mối quan hệ mật thiết đó giữa hai lá thư Petrus Key và Penang có thể được chứng tỏ qua những điểm giống nhau như sau:
A. Những Điểm Giống Nhau Trong Hai Lá Thư
1. Thuật Lại Cuộc Bắt Đạo Của Nhà Nguyễn
Để nhắc lại, Petrus Trương Vĩnh Ký là một nhân vật có thật; một giáo dân người Nam Kỳ và là một cựu chủng sinh mới từ Penang về Việt Nam vào cuối năm 1858. Nhân vật đó vừa mới trốn thoát khỏi một cuộc săn lùng của nhà Nguyễn và đã viết một lá thư bằng tiếng Latin cho các bạn học ở Penang vào ngày 4 tháng 2 năm 1859.
Trong lá thư Penang, người thanh niên Petrus Ký kể lại những sự đàn áp bắt đạo của nhà Nguyễn đang diễn ra như thế nào ở xứ Nam Kỳ, nhất là ở khu Sài Gòn – Gia Định, nơi ông đang lánh nạn.
Và vài tháng sau lá thư Penang, lá thư Petrus Key xuất hiện. Nó được viết bởi một người tự xưng là đại diện cho các giáo dân An Nam để kêu gọi quân Pháp hãy tấn công quân nhà Nguyễn và giải phóng các giáo dân. Trong thư, tác giả Petrus Key cũng tự xưng là một người giáo dân, và đã thuật lại với rất nhiều chi tiết việc nhà Nguyễn đang đàn áp các giáo dân ở khu vực Sài Gòn – Gia Định như thế nào.
Tóm lại, cả hai lá thư đều có vẻ do một người giáo dân Nam Kỳ viết, và có cùng một mục đích chung là thuật lại cuộc đàn áp bắt đạo của nhà Nguyễn.
2. Dùng Những Điển Tích Trong Thánh Kinh
Trong lá thư Penang, Petrus Ký cho thấy là một người rất ngoan đạo. Ông dẫn ra rất nhiều điển tích trong Thánh Kinh với những câu văn bằng tiếng Latin là thứ tiếng mà ông dùng trong trường học ở Penang.
Trong lá thư Petrus Key, sự dẫn chứng Thánh Kinh này cũng hiện diện khắp nơi, nhất là về những anh hùng Do Thái trong Thánh Kinh như Sam-sông (Samson,) Môi-se (Moses) và Gio-Duệ (Joshua) .
Như đã nhắc đến ở Phần 2, trong lá thư Penang, Petrus Ký đã dẫn giải Thánh Kinh để cho thấy ý Chúa là vô địch. Trong khi đó, Petrus Key lại dẫn Thánh Kinh để nói về những anh hùng đã dùng vũ lực để giải thoát cho những người Do Thái, và dùng chúng như những tấm gương cho các sĩ quan Pháp. Mặc dù có hai ý tưởng khác nhau, nhưng cả hai tác giả đều tỏ ra rất thông thạo về những điển tích trong Thánh Kinh, và đã dùng chúng rất nhiều trong thư của mình.
3. Dùng Các Biểu Hiệu JMJ và AMDG
Trong lá thư Penang, Petrus Ký đã dùng các chữ tắt JMJ (Jesus Mary Joseph) và AMDG (Ad Majorem Dei Gloriam) ngay trên đầu thư. Đây là những biểu hiệu tôn giáo được ảnh hưởng bởi người sáng lập ra Dòng Tên là Ignatius Loyola.
Và trong lá thư Petrus Key, những ký hiệu này cũng hiện diện ở ngay trên đầu lá thư.
Điều cần nói ở đây là Petrus Ký đã dùng những ký hiệu rất tôn giáo này trong một lá thư bằng tiếng Latin gởi cho các bạn học ở Đại chủng viện Penang. Cách dùng này thích đáng với trường hợp một người đang tu để trở thành linh mục như Petrus Ký viết gởi cho những bạn đồng tu cùng trường.
Nhưng khi chính những biểu hiệu tôn giáo này cũng được dùng trong lá thư Petrus Key, thì đây là một điều kỳ lạ. Vì người nhận lá thư Petrus Key là những sĩ quan hải quân Pháp, không phải những chủng sinh ngoan đạo. Trong số những sĩ quan đó, thậm chí còn có những người theo đạo Tin Lành như Jauréguiberry. Do đó, đây có vẻ là một cách dùng không thích hợp.
Nhưng chính những ký hiệu này đã được dùng trong đầu thư Petrus Key, cũng giống như trong lá thư Penang. Vì vậy, đây là một điểm giống nhau rất đặc biệt và không hợp lý, theo lẽ thường tình.
Nhưng nếu ta đặt giả thuyết là tác giả lá thư Petrus Key đã có trong tay lá thư Penang, và muốn bắt chước y như hình thức của lá thư Penang, thì việc dùng những biểu hiệu này trong lá thư Petrus Key lại trở nên hợp lý hơn, và giải thích tạo sao chúng có mặt trong lá thư Petrus Key.
4. Mối Liên Hệ Giữa Key và Kéy
Sau cùng, mối liên hệ đặc biệt và quan trọng hơn cả giữa hai lá thư chính là cái tên Petrus Key trong lá thư Petrus Key và cái ký hiệu Pet. Kéy trong lá thư Penang. Chính mối quan hệ quá gần gũi giữa hai chữ đặc biệt này đã cho thấy rõ ràng có sự mạo danh Petrus Ký với lá thư Petrus Key.
Như ta đã biết, trong lá thư Penang viết vào ngày 4 tháng 2 năm 1859, Petrus Ký đã hai lần viết ra một ký hiệu đặc biệt trong thư: Pet. Kéy. Ký hiệu này xuất hiện ở đầu thư và cuối thư. Nó không phải là một chữ ký, vì ở cuối thư Petrus Ký có ký trọn tên họ mình. Nhưng nó rõ ràng là một ký hiệu đặc biệt của Petrus Ký. Trong chương trên, người viết bài này đã đoán rằng đó là cách Petrus Ký cho biết cách đọc tên ông cho đúng theo tiếng Latin, hoặc là một biệt danh của ông ở trường Penang. Nhưng dù là gì đi nữa, thì ký hiệu này cũng đã được dùng như một cách để viết tên thật của ông là Petrus Ký.
Và vài tháng sau khi lá thư này được gởi đi, thì lá thư Petrus Key ra đời. Ngoài những điểm giống với lá thư Penang như đã kể trên, lá thư này lại được ký với một cái tên rất giống như ký hiệu Pet. Kéy trong lá thư Penang. Đó là Petrus Key.
Chẳng những giống nhau, hai chữ “Kéy” và “Key” còn đặc biệt ở chỗ cả hai đều không phải là tiếng Việt. Như ta đã biết, trong chữ Quốc Ngữ hoàn toàn không có vần “ey”. Và do đó, đương nhiên là không người Việt nào có tên Kéy hay Key. Cho nên, cơ hội một người Việt nào đó có cái tên đặc biệt là Petrus Key, và viết một lá thư có nội dung giống như lá thư Penang của Petrus Ký, là không có. Nói cách khác, sự giống nhau giữa hai cái tên cùng không phải tiếng Việt cho thấy đây rõ ràng là một sự trùng hợp do cố ý, chứ không phải ngẫu nhiên mà ra.
B. Cố Tình Mạo Danh Một Giáo Dân Nam Kỳ – Petrus Ký
Kế đến, theo người viết, tác giả lá thư Petrus Key đã cố tình mạo danh một nhân vật có thật lúc đó là Petrus Ký để viết một lá thư kêu gọi quân Pháp hãy tấn công quân Nguyễn ở Sài Gòn nhằm giải thoát cho các giáo dân ở đó.
Vì như ta đã biết, trước lá thư Petrus Key vài tháng, ông Petrus Ký đã viết lá thư Penang bằng tiếng Latin cho các bạn ông. Petrus Ký là một nhân vật có thật, một giáo dân Nam Kỳ có thật, việc ông đang bị nhà Nguyễn săn lùng là việc có thật, những nỗi khổ sở ông phải chịu đựng là có thật, và ông có khả năng dùng tiếng ngoại quốc là có thật. Do đó, một lá thư ký tên ông sẽ làm cho lá thư và những điều mà nó diễn tả có vẻ … có thật!
Hay nói cách khác, một lá thư bằng tiếng Pháp được viết bởi chính một người giáo dân Nam Kỳ để diễn tả những nỗi khổ sở mà họ phải chịu dưới ách nhà Nguyễn – để kêu gọi quân Pháp hãy tiến đánh nhà Nguyễn và cứu họ, để xưng tụng quân đội Pháp như những vị cứu tinh duy nhất – chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tốt hơn là nếu lá thư được viết bởi một người nào khác, ít nhất là trong sự suy nghĩ của tác giả lá thư Petrus Key. Và do đó, tác giả lá thư Petrus Key đã dùng ngay cái tên của một giáo dân Nam Kỳ là Petrus Ký, người mà trước đó vài tháng đã viết một lá thư dài bằng tiếng Latin với nội dung tương tự, để diễn tả cuộc bắt đạo của nhà Nguyễn ở Sài Gòn.
Ngoài ra, một bằng chứng khác cho sự cố tình mạo danh một giáo dân bản xứ Nam Kỳ là cách tác giả lá thư Petrus Key đã giả vờ ngây ngô, đến độ không biết cả những điều sơ đẳng nhất trong việc viết thư.
Có lẽ bất cứ người nào cũng phải nhìn nhận rằng lá thư Petrus Key rất kỳ dị và có vẻ giả tạo. Nó không giống như bất cứ một lá thư bình thường nào khác. Bởi khi viết thư, điều sơ đẳng nhất là tác giả phải viết rõ ràng họ tên mình trong thư, cũng như họ tên, chức tước của người nhận. Và phải có địa chỉ hoặc nơi chốn lá thư được viết, được gởi đi, cũng như nơi chốn lá thư được nhận. Cuối cùng, có lẽ còn sơ đẳng hơn nữa, bất cứ lá thư nào cũng phải có ngày tháng.
Nhưng đằng này, lá thư Petrus Key lại hoàn toàn không có những thứ sơ đẳng đó. Trong khi rõ ràng là tác giả lá thư có một trình độ văn chương và học vấn rất cao. Nếu như tác giả đã theo đúng kiểu cách viết thư lịch sự của người Pháp thời bấy giờ, tự xưng mình là “très humble et inutile serviteur” và gọi người nhận là “votre excellence”, “très honorables officiers”, thì không lý gì tác giả lại quên đi những điều sơ đẳng nhất của cách viết thư.
Do đó, ta chỉ có thể kết luận rằng tác giả lá thư Petrus Key đã cố tình bỏ qua những điều sơ đẳng trên. Và có vẻ như là tác giả đã cố tình làm vậy để cho thích hợp với việc người viết thư là một người bản xứ Nam Kỳ ngây thơ, không biết cách viết thư.
Nhưng tác giả lá thư Petrus Key lại không dấu được sự giả mạo của mình. Nếu như lá thư cố tình bỏ sót những điều sơ đẳng, thì câu văn và cách hành văn lại quá trau chuốt, quá điêu luyện. Thêm nữa, ngoài cách hành văn lưu loát, lá thư Petrus Key còn có một bố cục rất vững chắc: từ phần nhập đề tự giới thiệu mình, đến phần diễn tả nỗi khổ sở các giáo dân phải gánh chịu, đến việc kêu gọi các sĩ quan Pháp hãy cứu giúp, đến việc giải thích tại sao họ sẽ thắng lợi với tình hình quân An Nam, và cuối cùng là ca ngợi những hành động cứu giúp đó. Với một người có trình độ viết văn như vậy, thật khó tin rằng người đó lại có thể quên hay bỏ sót những yếu tố như ngày tháng, tên họ, trong thư.
Do đó, sự mạo danh Petrus Ký này rõ ràng không phải vì Petrus Ký là một nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng, lại càng không phải vì lý do muốn hãm hại Petrus Ký, bởi Petrus Ký lúc đó chỉ là một thanh niên vừa 21 tuổi đầu. Mà dụng ý của tác giả lá thư Petrus Key chỉ là muốn giả mạo một giáo dân Nam Kỳ mà thôi, và vì Petrus Ký chính là một giáo dân có thật, nên tên ông đã được chọn.
Bởi, có lẽ theo sự suy nghĩ của tác giả lá thư Petrus Key, thì lời kêu gọi từ một người giáo dân bản xứ như Petrus Ký là một lý do chính đáng và nhân đạo cho sự can thiệp của quân đội Pháp, hơn là nếu lá thư được viết bởi những giáo sĩ, là những người có thể không được ưa thích lắm bởi những sĩ quan chỉ huy Pháp lúc bấy giờ.
C. Nhưng tại sao lại là Key mà không phải là Kéy?
Nhưng, một câu hỏi rất hợp lý có thể được đặt ra là nếu đã cố tình mạo danh Petrus Ký, thì tại sao tác giả lá thư Petrus Key lại không viết đúng như trong lá thư Penang là Pet. Kéy mà lại viết ra thành Petrus Key?
Theo người viết, có thể có ba lý do cho sự thay đổi từ Kéy ra Key như đã thấy: Thứ nhất, có thể đó là do lỗi kỹ thuật hay sơ ý; thứ hai, có thể do tác giả lá thư Petrus Key không chấp nhận cách viết này; và thứ ba, có thể do tác giả lá thư Petrus Key nghĩ rằng cách sửa tên như vậy sẽ dễ đọc hơn cho những người nhận được lá thư, và làm cho lá thư dễ được tiếp nhận hơn.
Người viết xin đưa ra một thí dụ có thật để giải thích cho ba lý do này:
Như đã bàn đến bên trên, trong chuyến đi sang Pháp trong phái bộ của Pháp cùng với phái đoàn Phan Thanh Giản năm 1863, Petrus Ký thành bạn và là thầy dạy tiếng Việt cho trưởng phái đoàn Pháp là Henri Rieunier. Ông có viết tặng cho Rieunier tên của ông viết bằng cả chữ Hán và chữ Quốc Ngữ. Trong phần chữ Quốc Ngữ, ông viết tên ông là “trương vĩnh Kéy“.
Thế nhưng, trong danh sách của những người An Nam trong phái bộ Pháp năm 1863, thì tên ông lại được in ra là “Petrus Key”. Cũng như tên của trưởng phái đoàn Việt là Phan Thanh Giản bị viết ra thành “Phan-Thanh-Giang”.
Như vậy, nếu khi viết cho Rieunier, ông Petrus Ký viết tên ông rõ ràng là “Kéy”, mà trong danh sách do người Pháp làm, và có thể do chính Rieunier đã kiểm soát, tên ông lại biến thành “Key”, mất đi dấu sắc, thì ta phải đặt câu hỏi là phải chăng đó là một lỗi kỹ thuật, cũng giống như tác giả lá thư Petrus Key đã vô tình nhầm Kéy thành Key chăng?
Hoặc không phải là quên, nhưng có thể do tác giả lá thư Petrus Key là người Pháp và không chấp nhận được dấu sắc bỏ trên chữ e. Vì theo cách đọc tiếng Pháp, chữ Kéy sẽ được đọc thành “Kêy”. Do đó, tác giả lá thư đã tự tiện bỏ dấu sắc trên chữ e, và biến “Kéy” thành “Key”?
Hoặc có thể vì tác giả lá thư Petrus Key nghĩ rằng cách viết tên như vậy (Key) sẽ làm cho người đọc và nhận thư, là những người Pháp, dễ chấp nhận hơn là cách viết “Kéy”?
Người viết bài này rất tiếc là không có một câu trả lời chính xác cho lý do tại sao chữ “Kéy” trong lá thư Penang lại biến thành “Key” trong lá thư Petrus Key. Nhưng câu trả lời có lẽ sẽ trở nên rõ ràng hơn trong những chương sau, khi ta biết rõ hơn những nhóm người nào có khả năng nhiều nhất là tác giả thật sự của lá thư Petrus Key.
Để tóm lại, trong chương XII, người viết nghĩ rằng tác giả lá thư Petrus Key đã dựa vào lá thư Penang để tạo ra lá thư Petrus Key, và đã dựa vào một nhân vật có thật là Petrus Ký để tạo ra một nhân vật có cái tên đặc biệt là Petrus Key.
Bởi, như đã nêu trên, rõ ràng là có một sự liên hệ mật thiết giữa hai lá thư Penang và Petrus Key. Trong hai lá thư có rất nhiều điểm giống nhau khiến cho một người bình thường không để ý sẽ dễ dàng cho rằng có thể tác giả của hai lá thư chỉ là một người.
Nhưng không phải tác giả lá thư Petrus Key đã mạo danh Petrus Ký với mục đích hãm hại Petrus Ký. Mà lý do là vì tác giả lá thư Petrus Key đã có trong tay lá thư Penang của Petrus Ký, vì tác giả lá thư Petrus Key cho rằng việc dùng tên của một giáo dân bản xứ có thật để viết lá thư trên là hữu hiệu hơn cho việc giải thoát các giáo dân, nên người đó đã dùng cái tên Petrus Key, như ta đã thấy.