Kỷ niệm mái trường xưa

Đoàn Hùng Sơn

(Nguồn: Giai Phẩm Xuân 2012 “Nối tình bằng hữu” – Petrus Ký 1966-73 http://veque.com.free.fr/)

Ngày ấy tôi bị rớt trong kỳ thi vào trường Petrus Ký mà không cảm thấy buồn gì cả, vì hiển nhiên là mình quá ham chơi, học lực trung bình. Thằng bạn học còn phán cho tôi một câu chắc nịt : “mày mà đậu là tao cùi ! “.

Ba tôi bắt tôi phải đi học lớp Tiếp liên ở trường tư thục Hồng Đức để thi đậu cho bằng được vào trường công, vì nhà tôi lúc đó vừa nghèo lại đông con .

Hằng ngày tôi đón xe buýt đi học, vì ba phải đi làm công cho tiệm hình từ sáng cho đến tối, còn mẹ thì bận rộn với gánh hàng cơm bán trong xóm. Đi xe buýt vài lần quen đường là tôi bắt đầu đi bộđể dành tiền ăn vặt, và cứ sáng sớm mát mẻ là thường hay chạy đua với xe để đến trường sớm. Trường có thầy Chính Tế dạy Toán rất nổi danh. Phần đông học trò qua tay thầy đào luyện đều cứng cỏi về Toán. Tất cả đều nhờ vào cây “thiết bảng” của thầy.

Đó là một thanh gỗ dài cỡ 4 tấc, dầy cỡ gần 2 phân, được đánh verni nâu bóng, rất nặng ,mà cứmỗi lần đầu giờ là thầy đều gõ mạnh xuống bàn cảnh báo cho những ai không chịu làm đủ các bài tập thầy cho về nhà.Vậy mà cái tật ham chơi cũng đã làm tôi phải trình diện lên bàn thầy lãnh hình phạt. Lần đó đang khi xòe tay ra , thấy thanh gỗ vụt xuống tự nhiên tôi quá sợ hãi rụt nhanh tay lại ngay, và thế là thầy bị mất đà. Tức giận thầy tăng hình phạt lên gấp đôi.

Thế là cả hai bàn tay nhỏ bé bị mỗi bên một cú đau đền thấu trời xanh, muốn rụng rời các ngón ra , khiến tôi nước mắt chảy dài. Suốt buổi đó tôi không cầm được cây viết vì bàn tay đau nhức, nóng bỏng. Vậy là phải mượn tập của bạn vềđể chép lại các bài tập.

Ấy thế mà lại cải tạo được con người lười biếng của mình !

Từ một đứa sợ toán, dốt toán, tôi trở nên rất nhuần nhuyễn các loại bài tập toán ( vì mình không thông minh lắm nên không dám tự nhận là giỏi), và rất siêng năng học tập các môn khác. Đến kỳ thi, riêng môn toán là tôi khi làm xong đã chắc chắn mình sẽ đạt điểm cao, cho nên tôi chờ đợi kết quả thi tuyển từng ngày, khác hẳn cái thái độ thờ ơ của năm trước.

Ngày mong đợi đã đến, ba đạp xe chở tôi đến trường Petrus Ký và … tôi đã đậu : hạng 17. Sung sướng quá ! Vinh hạnh quá ! Tôi cứ ngước mắt lên cao nhìn mãi tên của mình được viết bằng phấn trắng trên tấm bảng đen được treo tít trên cao ở ô cửa chính của hành lang chính diện. Phải công nhận ai đó đã viết chữ rất đẹp, trình bày thật hài hòa cái danh sách trúng tuyển đó trên tấm bảng đen !

Về nhà, việc đầu tiên là ba tôi tìm mua cuốn sách vỡ lòng học tiếng Pháp để chị tôi dạy cho tôi chút ít chuẩn bị cho năm học mới. Tôi rất phấn khởi, hăng hái học tập, vì được biết rằng mình sẽ được chút ít tiền học bổng nhờ đậu vào được ở thứ hạng cao.

Sau này khi lên Đệ Nhị cấp, học lớp B2, trong cuộc chuyện trò bè bạn, tôi mới biết là người đạt thủ khoa năm ấy là Võ Đức Nhẫn, và chúng tôi cùng gợi lại cái cảm giác vui sướng khi ký nhận lấy số tiền học bổng ở cái phòng nằm sâu khuất sau dãy văn phòng mặt tiền.

Ngày nhập học đã đến. Trưa hôm ấy, tôi dặn ba đạp xe chở đến trường thật sớm. Tôi đứng thật sát cánh cửa trường, dưới cái nắng chói chan, kiểm tra lại cái nón kết đội chặc trên đầu, giày sandal gài quai cẩn thận dưới chân, tay nắm chặc cạc táp, hồi hộp chuẩn bị. Chuông vừa reo, cánh cửa vừa mở, tôi mở hết tốc lực ba chân bốn cẳng chạy một mạch vào trường mà không nhìn ai cả, trong tâm trí đã xác định là phải dành cho được bàn đầu, ngay ở chính giữa, để học được thật tốt. Ấy vậy mà vẫn có đứa vào ngồi được bàn đầu trước mình. Bọn này nhanh thật !.

Lớp học đầu tiên của tôi ở ngôi trường Petrus Ký này thật là ấn tượng.

Ghế bàn là một dãy dài sòng sọc, đi thành bậc thang từ thấp lên cao, mà nhìn vào cứ thấy y như là khán đài, với các bậc thang ở hai bên vách để học sinh bước lên và đi vào ra các dãy bàn.

Ngay giờ ra chơi giữa tiết học, tôi liền lách ra ngoài bàn, chạy lên các bậc thang để lên trên cao cuối lớp, nhìn coi phía dưới là có gì !.

Sau đó tôi vào ngồi thửở bàn cuối lớp để tìm thấy cảm giác lạ với tầm nhìn từ trên cao ! Quả thật là một môi trường mới mẻ hoàn toàn.!

Cô giáo chủ nhiệm lớp là cô Yến, dạy Quốc Văn, có cặp kiếng cận trí thức,mái tóc suôn dài đen tuyền trên nền da trắng tuyệt đẹp, làm tôi vô cùng ngưỡng mộ. Cô nhìn quanh lớp và chọn ngay ra một anh chàng chững chạc, lớn nhất đám làm trưởng lớp. Đó là Phan Hạnh. Sau này tôi mới biết là vì tuổi thật là 1952 nên Phan Hạnh trông lớn hơn chúng tôi là phải !

Nhiều thầy cô cũng để lại nhiều kỷ niệm trong lòng tôi.

Gây nỗi lo lắng, hồi hộp nhiều nhất cho học sinh chúng tôi có lẽ là cô Thiên Hương, dạy sử địa, mà các bạn thường gọi là bà ” Thiên Lôi”. Cái cú xé tập và quăng thẳng tay qua cửa sổ của cô thật là nhớ đời !. Mỗi lần cô giở sổ điểm danh, bọn học sinh chúng tôi hồi hộp theo dõi theo đường đi của đầu ngọn bút của cô, và khi nó rà đến vùng gần cuối, tức là phạm vi có tên mình, tôi muốn nín thở. Có một lần làm tôi nhớ mãi. Tôi bị kêu lên trả bài sử, khi đến đoạn thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ (Ankara), tự nhiên tôi quên, chỉ nhớ âm đầu “an” rồi ấp úng, và nhìn xuống dưới thấy nét miệng làm dấu của các bạn, tôi nói luôn là “ăn ca na”, làm cả lớp và cô cũng bật cười. Có lẽ vì thế tôi thoát nạn là không bị xé tập ! Thầy dạy mà quá già như thầy Thử dạy môn Toán cũng đã làm cho tôi mất hứng thú khi vào các tiết học của thầy. Nhìn thầy cầm cục phấn run run viết trên bảng các công thức và nói giọng yếu ớt là tôi thấy tội nghiệp quá!

Thích nhất là các thời điểm giáp Tết, lúc các trường giao lưu chào bán báo xuân. Tôi thích những ngày nào có các trường nữ đến bán. Lúc ấy, ngồi trong lớp chờ mong giây phút nhìn các nàng xuất hiện giới thiệu báo, rồi đợi đến giờ chơi là ùa ngay xuống sân, tiến ngay đến các bàn bán báo có các nàng đang đứng mà xem mặt thêm lần nữa.

Khi thằng con trai kế của tôi thi vào cấp ba (2005), nó thi đậu cả hai trường là trường Phổ Thông năng khiếu và lớp chuyên ở trường Lê Hồng Phong (Petrus Ký). Nó nói với tôi rằng cả trường cấp 2 nó học chỉ có mình nó vinh dự là đậu ở trường năng khiếu, mà học ở đó còn được học bổng, nhưng tôi đã bắt nó phải chọn học ở LHP, với chỉ một lý lẽ duy nhất rằng đó là trường Petrus Ký mà hồi xưa ba nó đã theo học. Ngày họp Hội Phụ Huynh học sinh lớp lần đấu tiên, tôi đến sớm và đi rảo khắp các phỏng học, trên lầu và dưới đất để nhìn và nhớ lại các kỷ niệm xưa. Tất cả cũng còn như xưa, cả những viên gạch lót nền !

Nơi tôi đứng lâu nhứt chính là cái lớp học đầu tiên, nơi đã gây ấn tượng nhiều nhất cho tôi. Rồi sau đó tôi xuống sân trường, Vẫn là bốn cây phượng vĩ cổ thụ ở bốn góc, nhưng có khác là các khoảnh sân có lát gạch vĩa hè thay cho cỏ lưa thưa mọc trên đất như hồi xưa.

Như thế này thì thấy bằng phẳng và sạch sẽ hơn. Cô chủ nhiệm lớp đã đề nghị tôi làm Hội trưởng Hội PHHS lớp và tôi đã nhận lời ngay, dù có phân vân là mình không biết có đủ khả năng để cán đáng công việc hay không ? Thôi kệ, cứ được gắn bó với trường là đã tốt rồi ! Cứ vậy mà tôi lại được bầu là Hội trưởng liên tục cho đến khi con tôi ra trường.

Nhờ những lần họp với ban Giám Hiệu, với Hiệu trưởng, tôi đã có dịp vào ra đủ các phòng của khu hành chánh, là nơi mà học sinh khi xưa chúng tôi không được phép vào. Tôi có một nỗi niềm mà tôi chờ đợi mãi rồi cũng có dịp được giãi tỏa.

Sau thời gian dò hỏi, một hôm tôi tìm được người phục vụ có thâm niên làm việc từ trước 1975 đến giờ, để hỏi ông ta về bức tượng bằng đồng của cụ Petrus Ký hiện ở đâu, sau khi người ta thay nó bằng tượng bán thân Lê Hồng Phong ở vị trí cũ giữa sân trường. Ông ta dẫn tôi đi vào phòng Truyền Thống của trường, rồi đến cuối phòng, mở cửa phòng nhà kho, tôi thấy lại bức tượng đồng nằm ở một góc, bị bao quanh bởi bao đồ lạp xạp pa nô, tranh ảnh, … Tôi vẹt đám đồ lỉnh kỉnh ra, đưa cả hai tay sờ lên bức tượng, chạm vào nó mà lòng hồi tưởng lại những khoảnh khắc cùng các bạn năm xưa chụp hình dưới bức tượng đồng này. Lần đó nhờ chiếc máy ảnh của Phan Thanh Minh đem vào mà các bạn và tôi mới có được những bức ảnh lưu niệm quý giá của thời học sinh Petrus Ký.!

Thế là tôi đã mãn nguyện rồi. Tôi đã tìm lại được kỷ niệm xưa.

Mãi cho đến năm này, chúng ta ở khắp mọi nơi đã tìm lại được với nhau, trao đổi tâm tình với nhau để cuộc sồng chúng mình được phong phú khởi sắc lên sau một quảng dài của cuộc đời mưu sinh vất vả.

Dường như chúng ta có trẻ lại nhân dịp xuân Nhâm Thìn này đấy .