Hoa Học Trò
Vưu Văn Tâm
1. Bây giờ còn nhớ hay không
Khi gốc phượng già trổ những bông hoa đỏ rực như màu máu con tim, đám học trò đang bồn chồn chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm và cũng nôn nao khi mùa hè sắp đến. Năm học sắp hết, nghĩa là phải chia tay nhau với chín mươi ngày xa cách. Nhưng kỳ nghỉ hè này cũng là năm cuối cùng của bậc trung học nên với Phượng và Hoàng, ngày gặp lại có lẽ còn xa xôi hun hút. Rồi đây, mỗi đứa sẽ chọn cho mình một hướng đi trên con đường trước mặt.
Mỗi ngày gặp nhau ở lớp, trong giờ chơi nơi sân trường loang nắng cộng thêm mỗi buổi chiều tối đạp xe ngang nhà nàng, dù chỉ ngắm được mái tóc cột cheo leo, ngó thấy gương mặt xinh xắn hay được nhìn vào đôi mắt u buồn ấy cũng đủ cho Hoàng thấy ấm áp cõi lòng. Tình yêu đôi lứa cứ lớn dần theo ngày tháng, điệp tàn rồi điệp nở, gốc phượng già trước cổng vẫn bâng khuâng khi ve gọi tiếng hè sang. Sân trường ngày ấy với ngàn hoa nắng lao xao đã khắc ghi biết bao kỷ niệm tình thơ.
Chiến cuộc lan vào thủ đô, đất nước đổi chủ, phố phường cũng thay tên. Gia đình Phượng bị bắt lên vùng “kinh tế mới”, chốn khỉ ho cò gáy và xa luôn ánh đèn đêm nơi phố thị. Tình yêu đôi trẻ vẫn được vun bồi dù khoảng cách địa lý xa xôi và đường đi trắc trở. Ngó gương mặt cô nữ sinh thị thành, hoa khôi của dãy hành lang năm nào giờ lấm lem bùn đất mà Hoàng bồi hồi, xót dạ. Gia cảnh của Hoàng cũng không khá giả gì hơn, mẹ cha phải bươn chải từng ngày để lo cho đàn con đang tuổi lớn. Một cuộc đổi đời đã làm đổi thay tất cả !
Chịu không nổi nơi sơn lam chướng khí, cả nhà Phượng về lại Sài-Gòn và chuẩn bị cho một chuyến ra khơi. Nào ai biết được số phần ít may nhiều rủi, sóng to biển lớn khiến không ai còn biết được tung tích cả trăm người trên chuyến hải hành một đêm thiếu ánh trăng sao.
Mấy chục năm sau, Hoàng cũng rời xa nơi chôn nhau cắt rún và chọn một nơi lạnh lẽo, xa xôi làm chốn dung thân. Ngày tháng thoi đưa, chàng thanh niên rắn rỏi năm nào đã là ông lão bảy mươi. Mấy mươi năm vật đổi sao dời, biển cả hóa nương dâu, Hoàng vẫn bền lòng đi tìm Phượng và nuôi hy vọng từ một ánh nến lẻ loi. Dù gương mặt già nua héo úa và những sợi tóc bạc lưa thưa nhưng mối tình đầu vẫn sắt son theo ngày tháng. Phượng ơi, em đã phiêu dạt về phương trời nào và bây giờ biết có còn nhớ nhau không ?
2. Hoa học trò
Ảnh hưởng từ những câu thơ của lớp đàn anh là thi sĩ Nguyễn Tố
“Nàng rằng hoa rụng mình ơi
Nhặt cho đầy giỏ, rồi chơi vợ chồng
Thế mà khi tới loan phòng
Thì ai .. tôi có là chồng nàng đâu”
thi sĩ Nhất Tuấn đã lần bước theo sau, sáng tác nhiều bài thơ và được nhiều thế học trò yêu thích. “Hoa học trò” là một bài thơ hay và khá nổi tiếng trong tập thơ “Chuyện chúng mình” của thi sĩ Nhất Tuấn được phát hành vào thập niên sáu mươi tại Sài-Gòn.
Tuổi học trò và màu áo trắng là một kỷ niệm đẹp tuyệt vời, là hành trang vào đời của lứa tuổi mới lớn với nhiều mộng mơ, hoài bão. Với mối đồng cảm sâu xa, nhạc sĩ Anh Bằng đã phổ những lời thơ trong sáng ấy thành bài hát cùng tên, được mọi giới yêu thích dù đang sống trong nước hay tha phương lưu lạc nơi một bến trời xa. Điệp ngữ “bây giờ còn nhớ hay không” khiến cho người nghe thấy lòng dạ xuyến xao và nao nao nhớ về trường xưa lớp cũ, tiếc thương một thời hoa mộng đã chấp cánh bay xa.


Xin mời đọc lại dưới đây những vầng thơ học trò của thi sĩ Nhất Tuấn ..
Hoa học trò
(Nhất Tuấn)
Bây giờ còn nhớ hay không
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa
Ngây thơ em rủ anh ra
Bảo mình nhặt phượng về nhà chơi chung
Bây giờ còn nhớ hay không
Anh đem cánh phượng bôi hồng má em
– “Để cho em đẹp như Tiên!”
Em không chịu, sợ phải lên trên trời
– “Lên trời hai đứa đôi nơi
Thôi em chỉ muốn làm người trần gian”
Hôm nay phượng nở huy hoàng
Nhưng từ hai đứa lỡ làng duyên nhau
Rưng rưng phượng đỏ trên đầu
Tìm em, anh biết tìm đâu bây giờ
Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa
Gửi vào đây một bài thơ cuối cùng
Bây giờ còn nhớ hay không
Đến người em nhận làm chồng .. mà thôi !
TV, 05.09.2022