Gửi Đến Thầy Cô & Mái Trường Petrus Trương-Vĩnh-Ký

Nguyễn Thành Công

TrungHocPetrusKySaigon

“… Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương Thu và gió lạnh, Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp…..”, tiếng mưa rơi ngoài sân trường không làm át được  giọng trầm ấm miền Nam của thầy Hữu vang vang trong lúc chúng tôi cắm cúi chép lại bài Giảng Kim Văn “Tôi Đi Học” của Thanh Tịnh trên trang đầu của cuốn vở trắng tinh.  Đó là giờ học đầu tiên của tôi trong ngày khai giảng dưới mái trường Petrus Ký, lớp Đệ Thất 7 khi tôi với tâm trạng đầy lo âu, bỡ ngỡ, bước chân vào ngưỡng cửa Trung-Học vào năm 1966.  Từ một học sinh Tiểu Học, quần cụt,  cặp lủng lẳng treo bình mực tím được thăng cấp làm học sinh Trung Học, quần dài xanh, nẹp áo cài cây bút máy Pilot, tôi (và chắc các bạn cũng vậy) bước vào một đổi thay lớn trong cuộc đời với bạn mới, trường mới, Thầy Cô mới và các môn học cũng rất mới … Và từ đó, tôi cùng các bạn lớn dậy dưới mái trường P. Trương Vĩnh Ký cổ kính, trang nghiêm nhưng cũng biết bao gần gủi, thân thương…

Cùng với vận nước, những năm Trung Học của tôi & các bạn cũng là những năm quê hương đầy biến động, chiến tranh ngày càng trở nên khốc liệt.  Bước vào lứa tuổi “pre-teen” 11, 12 tôi cùng các bạn đồng lứa mỗi ngày cắp sách đến trường, dưới sự tận tình hướng dẫn của quý Thầy, Cô.   Như một cây xanh non, tôi đã may mắn có được sự vun trồng để trưởng thành trong bóng mát của ngôi trường P. Ký trong lúc bên ngoài cổng trường là không khí ngột ngạt, đầy xáo trộn và đời sống của mọi gia đình càng lúc càng bất ổn, khó khăn… Nhìn lại, trong bối cảnh với đồng lương thanh bạch của nghề “bán cháo phổi” (như thầy Bùi Trọng Chương thường nhắc đến), chắc mực sống gia đình của quý Thầy Cô trong những năm tháng đó cũng rất là eo hẹp.  Nghĩ đến điều này, tôi càng quý trọng bao công lao của quý Thầy Cô đã không để hoàn cảnh khó khăn riêng trong cuộc sống làm phai mờ lương tâm và thiên chức của nhà giáo, tận tụy, ân cần dìu dắt đám học trò suốt 7 năm học.

nguyen-quang-oanh
GS Nguyễn Q!uang Oánh

Tôi vẫn còn nhớ Cô Nguyễn-Thị-Thu-Hà, vị Giáo Sư dịu dàng, và đoan nghiêm đã dạy cho chúng tôi bài Công Dân Đệ Thất đầu tiên “Tu  thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.  Tôi nhớ đến Thầy Nguyễn Quang Oánh, giáo sư Sử Địa.  Trong lúc thầy sang sảng giảng cho chúng tôi Sử Việt thời lập quốc với văn minh Âu Lạc, trống đồng Ngọc Lữ, chúng tôi khều nhau vì một hình ảnh “lạ mắt” là Thầy trên mang áo quần thường phục, nhưng chân vẫn còn mang giầy lính Bốt Đờ Sô.  Sau này chúng tôi mới hiểu có những vị Thầy vừa thi hành bổn phận quân sự, vừa được biệt phái tiếp tục dạy hoc.  Nhờ vậy, tuy trong hoàn cảnh chiến tranh, nhu cầu giáo dục cho lũ trẻ chúng tôi không bị khiếm khuyết vì thiếu thầy.  Tôi cũng được học bài nhạc lý đầu đời từ Giáo Sư Nguyễn Hữu Ba, vị Thầy bao giờ đến lớp cũng chỉnh tề với bộ Âu Phục, xử dụng cây đàn vĩ cầm dạy chúng tôi ngôn ngữ của âm nhạc… Có khi cao hứng, thầy vừa kéo đàn vừa hát bài “Thu Khói Lửa” do chính thầy sáng tác, ghi lại giai đoạn Thầy trải qua trong một  mùa Thu Kháng Pháp “Nhớ tới ngày qua, vang trong rừng xa, dân Nam hò reo…”.  Tôi cũng có cơ may được Thầy tuyển vào nhóm Quốc Nhạc của trường.  Nhờ vậy, tôi cũng đã cảm nhận được tâm tình của người Việt cả ba miền từ bao thế hệ qua những bài dân ca, câu hò, điệu lý “… Yêu nhau cỡi áo í a cho nhau..”, hay “chim quyên quầy, ăn trái quây….chim thương rừng (là) chim thương núi nhớ non, người cách xa cội nguồn (ôi) có nỗi buồn nào hơn…”.   Với môn Hội Họa, tuy chỉ có một giờ mỗi tuần, tôi và các bạn đồng lớp cũng đã được vỡ lòng với những căn bản về sắc độ, vẽ phối trí… do thầy Trần Tứ Hải chỉ dạy. Có năm chúng tôi học đòi làm báo lớp, nhưng không có tiền để trang trải in ấn. Trong thời gian đó, Thầy Hải làm việc toàn thời gian ở Bộ Sắc Tộc, Thầy đã tận tình giúp đỡ bằng cách cho chúng tôi quay Roneo chui tại sở làm của Thầy…  Tôi vẫn còn nhớ đến Thầy, lúc đó vẫn còn rất trẻ, dong dỏng cao gầy, hiền và dể tính.  Mỗi lần Thầy phác họa một đường nét trên bảng đen, chúng tôi không hiểu sao Thầy có thể vẽ được những đường thẳng tắp, hay những đường cong bay bướm đến như vậy, và kháo nhau “chắc Thầy có nhiều hoa tay lắm!”.  Viết đến đây, tôi xin được thắp nén hương tưởng nhớ đến Thầy vì biết tin muộn màng là Thầy đã qua đời…  Những ý niệm vở lòng đầu tiên bao giờ cũng “lạ và khó” nhưng là bước đầu căn bản để tôi có được ngày hôm nay. Tôi xin nhớ ơn các Thầy, Cô còn lại của lớp đệ Thất như Thầy Nguyễn-Hoàng-Sang (Anh-Văn); Thầy Phạm-Hoài-Nam (gs Toán) đã giúp tụi em bước vào thế giới của ẩn số, phương trình, của điểm, đường, mặt phẳng; Thầy Lê Minh Thức (Lý Hóa) với phản ứng hóa học, bảng phân loại tuần hoàn…;  Thầy Vũ-Văn-Khắc (Vạn Vật) giúp chúng em làm quen với Địa Chất Học…

nguyen-tran-ngoc-thu
GS Nguyễn Trần Ngọc Thư

Những năm còn lại của chương trình Trung Học, tôi có cơ duyên được học tập với quý Thầy, Cô: Môn Quốc Văn – Cô Nguyễn Trần Ngọc Thư, Thầy Lê Văn Chương, Thầy Khiếu Đức Long, Thầy Tạ Ký; môn Công Dân – Thầy Nguyễn Bá Kim (trước đó là Giám Thị), Thầy Đỗ Văn Dzĩnh, Thầy Mạch Tứ Hải, Thầy Bùi Trọng Chương; môn Toán – Cô Lê Thị Khả, Thầy Nguyễn Thủy Hà, Thầy Võ Văn Vạn, Thầy Trang Ngọc Nhơn, Thầy Vũ Đình Lưu; môn Lý Hóa – Thầy Đặng Văn Hiền, Thầy Nguyễn Sỹ Thân; môn Anh Văn – Thầy Phạm Văn Ngôn, Thầy Vũ Văn Khắc, Cô Nguyễn Thị Liên (Đã mãn phần), Cô Lê Hồng Lạc, môn Vạn Vật -Thầy Tạ Khắc Khoa, Cô Nguyễn Ngọc Nhung, Thầy Nguyễn Ngọc Nam; môn Sử Địa – Thầy Dương Ngọc Sum, Cô Nguyễn Thị Sâm, Thầy Huỳnh Văn Quí, Thầy Đoàn Đình Bách, Cô Lâm Thị Dung, Thầy Lê Trọng Phỏng; môn Triết Học – Thầy Lê Thanh Liêm; môn Pháp Văn – Thầy Võ văn Dung, thầy Phạm Xuân Ái…

tan-van-chuongNgoài những Thầy Cô dạy dỗ cho tôi và các bạn về chữ nghĩa, tôi cũng nhớ đến quý Thầy chăm sóc về phương diện kỷ luật.  Mỗi ngày bước vào sân trường, tôi và các bạn rất e ngại phải đi ngang Thầy Cơ Giám Thị, tay cầm cuốn sổ, kiểm soát tóc tai, đồng phục của mỗi đứa.  Nếu bị phải lên trình diện “bề trên” là Thầy Tổng Giám Thị Tăng Văn Chương thì coi như là “tàn một đời trai”, ít nhất là “được” nghĩ mát ở nhà một ngày, mang “bản cáo trạng” về cho Cha Mẹ Ký tên, và sau đó cha mẹ phải vào xin phép mới được vào học, chưa kể tên bị ghi vào sổ đen…  một hình phạt khác mà chúng tôi ai cũng muốn né là bị đi “còong xin” (cấm túc), phải bị vào lớp “cải tạo” ngày cuối tuần, chép phạt, điểm xấu vào sổ học bạ, rầu ơi là rầu!… Còn nếu tái phạm nhiều lần, bị đuổi ra khỏi trường, tương lai, sự nghiệp coi như… đi đứt!  Chương trình Trung Học của tôi & các bạn tôi (1966-1973) rơi vào những năm chuyển biến về chế độ thi cử của Bộ Giáo Dục:  Chúng tôi không còn phải thi Trung Học Đệ I Cấp (cuối năm Đệ Tứ); năm tôi thi Tú Tài Bán (1972) là năm cuối, trước khi kỳ thi này được bãi bỏ vào năm 1973; năm chúng tôi thi Tú Tài Toàn (1973) lại là năm chót, trước khi bài thi đổi qua hình thức trắc nghiệm vào năm 1974,  Năm chúng tôi thi Tú Tài II, chỉ có môn Công Dân là được thử nghiệm với hình thức trắc nghiệm này.  Nhưng với qui chế thi cử nào, tỉ lệ học sinh P. Ký đậu ở những kỳ thi cũng như sau khi ra trường được tuyển vào Đại Học khá cao, có lẽ một phần nhờ ở truyền thống kỷ luật và chặt chẻ này chăng?

nguyen-thi-kha
Cô Nguyễn Thị Khả

Kỷ niệm với quý Thầy Cô mà đa số học sinh rất “khớp” khi bị chiếu cố mà tôi không thể quên là Cô Giáo Sư Toán Lê Thị Khả.  Học với cô Khả, chúng tôi phải có một cuốn tập (như là cẩm nang) ghi tất cả định nghĩa, định lý, định đề, hệ luận với mực đỏ để gạch dưới hoặc viết những điểm quan trọng. Khi “bị” kêu lên bảng chứng minh Toán, làm đến đâu, chúng tôi phải đọc vanh vách, không được sai một chữ những định lý, hệ luận… nếu không sẽ bị những hình phạt rất “đa dạng” và tùy nghi của cô mà tôi không thể viết hết ở đây mà chắc các bạn, ai có học với cô cũng được nếm qua… Lúc đó, thành thật mà nói, tôi và các bạn cho rằng, lối dạy Toán của Cô sao quá nhồi sọ và “oán” những giờ học của Cô lắm. Nhưng bây giờ, mỗi khi hướng dẫn Toán cho các con tôi, dầu không còn đi học đã lâu, tôi vẫn còn nhớ những định luật như in, và cũng nhắc nhở các con tôi phải có những phương pháp vững chắc, dựa trên các định lý, hệ luận cho từng bước của bài Toán chứng minh.  Phải chăng cái quả mà tôi truyền lại cho các con tôi là nhờ ở cái nhân “nhồi sọ” mà Cô Khả đã gieo cho chúng tôi?  Viết đến đây, em cũng xin được tưởng nhớ đến Cô khi biết Cô đã mãn phần tại quê nhà!

vo-van-dung
GS Võ Văn Dung

Vị Giáo Sư cao niên nhất mà tôi được học là Thầy Võ Văn Dung dạy Pháp Văn, sinh ngữ phụ, đệ II cấp.  Thầy phải mất cả giờ học đầu tiên để luyện phát âm cho cả lớp chỉ với 2 chữ  “Un” & “Une”.  Hai trạng từ này đánh vần sao giản dị nhưng ôi cha để đọc theo đúng kiểu của thầy Dung phải uốn lưỡi, nắn miệng, đọc trẹo cả quai hàm vì nếu đọc sai, Thầy bảo “Tụi bây đọc như Tây đảo Corse!”  Còn khi bị Thầy kêu đứng lên đọc một bài tập đọc, “tội nhân” khi đọc mỗi câu phải làm vanh vách phân tích mệnh đề (analyse grammatique) và phân tích từng chữ trong câu (part of speech). Mỗi khi trong lớp rắn mắt, phá phách, Thầy răn đe bằng cách kể một gia thoại “vàng son” của Thầy cho đám hậu sinh: “Ngày xưa, ta đã từng vò đầu thằng Sihanouk  sang du học ở Chasseloup Laubat (Trường Lê Quí Đôn sau này)…”.  Với số tuổi của Thầy, giờ chắc Thầy cũng đã không còn!

duong-ngoc-sum
GS Dương Ngọc Sum

Vị Giáo Sư Sử Địa rất là oai mà tôi và các bạn rất nể là Thầy Dương Ngoc Sum.  Giờ đầu tiên với Thầy, chúng tôi tưởng Thầy là “hung thần” với thân hình vạm vỡ, đeo cặp kiếng râm phi công như là Arnold Schwarzenegger trong phim “Terminator” thời ấy.  Học với Thầy, mới nhận ra, nếu học hành mà không… quậy, thì Thầy rất vui, có nhiều thanh niên tính mà rất gần gũi với các sinh hoạt thanh niên trong trường (thám du, cắm trại…).  Tôi nhớ khi Thầy dạy đến nước Pháp, Thầy nhắc đến rượu vang Bordeaux với nhiều … ngưỡng mộ khiến lũ trẻ cũng mơ mộng không biết lúc nào nếm được ly rượu vang của xứ nổi tiếng làm rượu này.  Giờ đã lâu tôi chưa có cơ duyên được gặp lại Thầy, nhưng qua tin tức, hình ảnh sinh hoạt của P. Ký tại hải ngoại, tôi rất mừng nhận ra Thầy vẫn khỏe mạnh, và rất tích cực làm chất keo sơn cho nhiều sinh hoạt đầy tình gắn bó và đoàn kết của các cựu học sinh và giáo sư P. Ký.

nguyen-thuy-ha
GS Nguyễn Thủy Hà

Nếu ở mỗi đình chùa có những vị bồ tát thị hiện làm ông hiền, ông dữ, thì bên cạnh những vị giáo sư khó khăn, nghiêm khắc cũng có những vị giáo sư rất là hiền như quí Thầy Cô Nguyễn Trần Ngọc Thư (Quốc Văn), cô Nguyễn Thị Liên (Anh Văn), Cô Nguyễn Ngọc Nhung (Vạn Vật), Thầy Võ Văn Vạn (Toán), Thầy Tạ Khắc Khoa (Vạn Vật)… Tôi xin ghi nhớ giáo sư Nguyễn Thủy Hà (Toán).  Nếu tôi nhớ không lầm là nhà Thầy ở vùng Trương Minh Giảng, Sài-Gòn.  Giờ biết tin Thầy mới vừa định cư tại Hoa-Kỳ, em xin được chúc mừng Thầy cùng gia đình và xin kính chúc Thầy Cô được dồi dào sức khỏe, sớm ổn định cùng nhiều an vui. Tôi còn nhớ đến một kỷ niệm về Cô Lê Hồng Lạc (Anh Văn). Giờ thi vấn đáp, học sinh phải rút thăm chọn bài Reading Comprehension trong cuốn “English for Today” để đọc và trả lời cô hỏi. Anh Đinh Hồng Liên, khi đến phiên, đã nheo mắt, bậm môi nặn những phiếu thi giống như chơi bài cào… Rồi Liên rơi vào tuổi bị Tổng Động Viên nên phải lên đường nhập ngũ vào năm lớp 11.  Ngày Liên trở về thăm trường trong bộ quân phục tân binh còn thẳng nếp, một trong những vị Giáo Sư mà Liên tìm đến thăm tận lớp là cô Lạc.  Trong giây phút hội ngộ đầy tình nghĩa cô trò,  Cô Lạc rất vui và cảm động, dường như Cô đã không còn chút nào để tâm về người học trò Đinh Hồng Liên nghịch ngợm rắn mắc ngày nào.  Tôi cũng được học với Thầy Phạm văn Ngôn (Anh-Văn), người Thầy rất linh hoạt và vui tính. Hình như nhà Thầy lúc đó ở trong khu Bàn Cờ Nguyễn Thiện Thuật. Tuy chưa có cơ duyên được hội ngộ cùng Thầy từ ngày rời trường, tôi rất mừng khi nhìn lại hình ảnh của Thầy, cũng với đôi mắt, nụ cười hóm hỉnh ngày nào, trong tập Cẩm Nang Petrus Ký, được anh Sơn chuyển cho tuần qua, và tôi thầm mong một ngày nào có dịp được gặp thăm Thầy…  Trong lúc bài viết còn đang dở dang, cũng từ anh Sơn, tôi được tin Thầy vừa vĩnh viễn ra đi vào ngày hôm qua (01/27/2010)!… Trong giây phút này, em xin có đôi giòng tiễn biệt đến Thầy, chân thành chia buồn đến Cô Ngôn cùng tang quyến, nguyện cầu Thầy được an nghĩ và sớm được siêu thăng về miền vĩnh phúc…

dang-van-hien
GS Đặng Văn Hiền

Khi tôi đến làm việc ở vùng Virginia (Washington, DC) vào khoảng hơn 20 năm trước, tôi có cơ duyên gặp lại hai vị Thầy cũ P. Ký.  Tôi được hội ngộ với Thầy Đặng Văn Hiền (Lý Hóa) trong những buổi họp mặt Chu-Văn-An, Trưng-Vương.  Tôi cũng gặp được Thầy Nguyễn Bá Kim (Công Dân) tại một trạm Metro.  Lúc đó dường như Thầy đang làm việc tại Thư Viện Quốc Gia (Library of Congress) và Thầy sống đơn độc, không có thân nhân ở hải ngoại.  Bẵng đi một dạo, tôi được tin Thầy chuyển qua vùng California.  Và tin buồn tiếp theo sau đó là là Thầy đã qua đời vì tai biến mạch máu não…

vu-dinh-luu
GS Vũ Đ!ình Lưu

Môn Toán, với hệ số 3, là môn then chốt cho hai kỳ thi Tú Tài Ban B, nắm phần quyết định học sinh được đậu hay rớt và quyết định cả một tương lai của học trò sau đó. Với lệnh Tổng Động Viên, áp lực thi cử lại còn đè nặng hơn lên đám học sinh đệ II cấp chúng tôi.  Chúng tôi rất may mắn được học Toán với thầy Vũ Đình Lưu vào năm lớp 12.  Lối dạy Toán của Thầy rất điềm tĩnh, có phương pháp và ngoạn mục, khiến giờ toán của Thầy là những giây phút đầy thử thách thích thú cho chúng tôi, thay vì phải ngấu nghiến nhồi nhét với những ý niệm về hình học giải tích, hàm số, lượng giác vốn khô khan và khó nuốt.

nguyen-sy-than
GS Nguyễn Sỹ Thân

Với môn Lý Hóa đệ II cấp, tôi có cơ hội được học với thầy Nguyễn Sỹ Thân.  Ngoài những giây phút bài vở, thỉnh thoảng chúng tôi cũng được Thầy chia xẻ vài mơ ước của Thầy là nếu một mai quê hương yên ổn, không còn chiến tranh, Thầy sẽ về quê tậu một khu vườn, trồng toàn chôm chôm và áp dụng kiến thức khoa học của Thầy để áp dụng kỹ thuật biến chế thực phẩm, khai thác kỹ nghệ chôm chôm đóng hộp, như trái vải, trái nhản đóng hộp do người Tàu sản xuất lúc bấy giờ.  Với chúng tôi, ý tưởng của Thầy rất là khai phá và thú vị vì lúc bấy giờ chôm chôm là đặc sản nông nghiệp miền Nam Việt-Nam và chôm chôm đóng hộp chưa từng được sản xuất trên thị trường.   Mãi về sau, tình cờ nhìn thấy lon chôm chôm sản xuất từ Thái Lan trong một tiệm thực phẩm Á Đông, tôi chợt nhớ đến mộng ước nhỏ bé của Thầy Nguyễn Sỹ Thân ngày nào… Giá mà quê hương mình ngày đó không chiến tranh… và ngay cả sau 35 năm không còn chiến tranh, những kiến thức kỹ thuật nếu có cơ hội được áp dụng một cách thực tiễn vào các tài nguyên phong phú có sẵn của xứ mình, thì quê hương mình bây giờ chắc sẽ phú cường hơn nhiều so với các quốc gia Á Đông láng giềng!…

le-trong-phong
GS Lê Trọng Phỏng

Lên đệ II cấp, tầm nhìn của chúng tôi được mở rộng với Thế Giới Sử do Thầy Lê Trọng Phỏng hướng dẫn.  Với giọng nói trầm ấm vừa đủ nghe, chậm rãi nhưng đầy thu hút, Thầy giảng cho chúng tôi những chuyển biến lịch sử trên thế giới như giai đoạn Liệt Cường Xâu Xé Trung Hoa hay hai kỳ Thế Chiến…  Với đôi mắt của Thầy khi long lanh, khi quắc sáng qua từng chi tiết, tôi có thể cảm nhận được một cách gián tiếp từ bài học của xứ người, hoàn cảnh của đất nước mình, một quốc gia nhược tiểu triền miên bị xâu xé bởi chủ nghĩa, áp lực kinh tế và chính trị từ những thế lực siêu cường…

bui-trong-chuong
GS Bùi Trọng Chương

Vào hai năm cuối của chương trình Trung Học, tôi được học môn Công Dân với Giáo Sư Bùi-Trọng-Chương. Từ những lớp Công Dân (Đức Dục) trước đó có mục đích hướng dẫn học sinh trong việc “tu thân” và liên đới bổn phận đối với nhân quần, xã hội, chương trình Công Dân của hai lớp 11 và 12 đã cho chúng tôi khái niệm căn bản về các thể chế chính trị và các cơ cấu kinh tế trên thế giới.  Dường như Thầy Chương là người duy nhất đảm nhận giảng dạy lớp Công Dân của hai năm học này tại trường P. Ký, do vậy, hầu hết học sinh P. Ký học đến lớp 12 đều là học trò của Thầy.  Thầy Bùi Trong Chương là một trong những vị giáo sư lâu đời nhất của trường, kể từ lúc trường P. Ký mới từ chương trình Pháp chuyển qua chương trình Viêt, và từ đó, những đóng góp về giáo dục, tuy khiêm cung nhưng vô cùng phong phú của Thầy đã gắn liền với sự lớn mạnh của ngôi trường.   Vì vậy, nhiều vị giáo sư đương nhiệm, kể cả những vị Hiệu Trưởng của trường P. Ký cũng từng là học trò của Thầy.  Chúng tôi cũng được Thầy kể cho nghe xuất xứ của vết lõm trên má (tựa như má lúm đồng tiền) bức tượng đồng đen của nhà Bác Học Trương Vĩnh Ký đặt giữa sân trường là do vết đạn lạc trong trận giao tranh giữa quân đội Bình Xuyên và của quân đội Thủ Tướng Ngô Đình Diệm trong khuôn viên của trường trong lúc Thầy đang dạy học.  Thầy cũng cho biết Thầy Ưng Thiều là tác giả hai câu đối bằng chữ Nôm hai bên cổng trường “Khổng Mạnh Cương Thường Tu Khắc Cốt, Tây Âu Khoa Học Yếu Minh Tâm” để nêu cao tinh thần cầu học và lý tưởng giáo dục khai phóng của nhà Bác Học Trương Vĩnh Ký làm gương sáng cho hậu thế về sau.  Và cũng vì uy tín mô phạm cũng như kiến thức của Thầy, Thầy là một trong những giáo sư trụ cột được Bộ Giáo Dục mời soạn chương trình Công Dân Trung Học, kể cả hai năm chót bậc Trung Học.  Với dáng người mảnh khảnh, phong cách giảng dạy điềm đạm, dàn bài rõ rệt, khúc chiết, Thầy đã hướng dẫn chúng tôi lãnh hội được những ý niệm căn bản một cách dễ dàng với những đề tài học vốn tưởng là phức tạp, mơ hồ.   Nhìn lại chương trình giáo dục 7 năm Trung Học miền Nam vào lúc đó, tuy trong bối cảnh chiến tranh, chúng tôi được may mắn là không bị nhồi sọ bởi những bài học chính trị một chiều, nặng tính tuyên truyền, nhưng ngược lại chúng tôi cũng không có được môn học nào giúp cho chúng tôi hiểu được những diễn tiến cận đại, những nguyên nhân trung thực đưa đến cuộc chiến của hai miền Nam Bắc, hay một ý thức căn bản nào để làm hành trang cho những người công dân lớn lên như chúng tôi lúc đó thi hành bổn phận đối với đất nước. Tôi ngầm ghi ơn những căn bản mà tôi may mắn được học hỏi từ Thầy Bùi Trong Chương để tự tìm hiểu về cuộc chiến trên đất nước mình, và tương quan giữa số phận không may của dân tộc mình trong cơn lốc tranh chấp của chế độ và chủ nghĩa.

mach-tu-hai
GS Mạch Tứ Hải

Những học hỏi mà tôi có được với quý Thầy Cô dưới mái trường P. Ký không phải chỉ giới hạn giữa luật lệ tôn nghiêm ngăn cách sư đệ, của sách vở, bảng đen, phấn trắng, mà còn là những kỷ niệm sâu đậm qua những sinh hoạt học đường.  Người Thầy hướng dẫn và rất gần gũi với chúng tôi trong những sinh hoạt xã hội là giáo sư Công Dân Mạch Tứ Hải. Tôi không thể nào quên những lần công tác ở Cô Nhi Viện Long Thành, ở những cuộc cứu trợ đồng bào nạn nhân thiên tai, ở trại tạm cư đồng bào tị nạn sau những trận giao tranh vùng ven đô, hay những lần ủy lạo chiến sĩ ở những tiền đồn heo hút…  Nhờ ở những cơ hội may mắn này, những góc nhìn của tôi về quê hương, về đồng bào mình đã vượt ra khỏi giới hạn của vòng đai của đô thành tuy không xa là bao, nhưng cũng đủ hiểu vẫn còn nhiều lớp người kém may mắn hơn người dân thị thành phồn hoa nhiều lắm.   Rồi đêm đêm nhìn những đóm hỏa châu hay nghe tiếng súng nơi xa vọng về, tôi mới nhận thức được ai đang phải đối diện với chiến tranh, đang phải chiến đấu để tôi và các bạn yên ổn cắp sách đến trường.  Tôi nhớ mãi giây phút sau một ngày công tác trở về lại thành phố, dưới ánh nắng chiều, thoảng mùi hương đồng ruộng vùng ngoại ô, ngồi đằng sau chiếc GMC, Thầy và chúng tôi cất tiếng hát to với tất cả niềm hăng say tuổi trẻ toát ra từ lồng ngực:  “Từ Nam Quan Cà Mau, từ non cao rừng sâu, gặp nhau do non nước xây cầu…”, hay “… Cùng đi lay Trường Sơn, cùng đi xoay Hoành Sơn, cùng đi biến ruộng hoang ra lúa thơm…”, với niềm tin vào tinh thần quật cường của giống nòi “… Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người, làm người ngang tàng, phải chọn làm người dân Nam…”, “Đường Việt-Nam, ôi vô cùng vô tận, đường ngang tàng, ngoài biển Đông, giữa Trường Sơn…” và mặc cho mọi tị hiềm, ly tán của thế hệ đi trước, hay một thế hệ theo sau bơ vơ, mất niềm tin, vẫn còn những lời ca kêu gọi “… Đường Việt-Nam mời những bước chân rời, sát nhau lại vì đường vẫn còn dài…”.  Nếu không có cơ hội tham dự những sinh hoạt xã hội và được nuôi dưỡng tinh thần qua những bài “đông ca” (nhạc cộng đồng) này, có lẽ nhạc Việt Nam quen thuộc với tôi lúc đó chỉ là những “Ca Khúc Da Vàng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay những “Bài Ca Không Tên” của Nhạc Sĩ Vũ Thành An trong những quán café dưới ánh đèn mờ ảo ở mỗi góc đường thành phố…  Sau cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968, chiến tranh leo thang cao độ, lệnh Tổng Động Viên được ban hành: các học sinh bị quá tuổi (trên 18 tuổi để hoàn tất chương trình Trung-Học) phải xếp bút nghiên, lên đường nhập ngũ.  Nhiều người bạn đồng lớp của tôi lúc đó cũng nằm trong hoàn cảnh này.  Tôi nhớ những ngày sau đó, sân trường vắng ngắt, vì không còn ai có lòng dạ nào nghĩ đến chuyện học hành.  Vào giờ học Công Dân với Thầy Mạch Tứ Hải, chỉ còn có Thầy và vỏn vẹn vài ba học trò, trong đó có vài người bạn đến để từ giã trước khi lên đường nhập ngũ.  Thầy không còn ở trên bục giảng nữa mà cùng ngồi dưới sàn nhà quây quần với chúng tôi, vừa gẫy đàn vừa hát bài “Trả lại em yêu” để hát tặng những đứa học trò sắp sửa lên đường “… Trả lại em yêu, con đường học trò… Anh sẽ ra đi về miền thương nhớ, anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về! ….”

Nhớ đến giây phút này, tôi tự hỏi, sau thế hệ cha anh, thế hệ của sinh viên, học sinh, giáo chức trẻ tuổi  miền Nam và kể cả thế hệ “Sinh Bắc Tử Nam” từ miền Bắc đã hàng hàng lớp lớp hy sinh vào lò lửa chiến tranh…  Giờ thì quê hương đã ngưng tiếng súng từ 35 năm qua, nhưng đến bao giờ dân tộc mình mới thực sự được “Độc Lập”, và đồng bào mình có quyền tự chủ với vận mệnh của mình và đất nước mình?

khieu-duc-long
GS Khiếu Đức Long

Mãi cho đến bây giờ, trong khi làm việc phải viết một bài phúc trình hay giúp các con tôi viết một bài luận văn bằng Anh Ngữ, tôi không khỏi nhớ đến Thầy Khiếu Đức Long và thầm mong được cám ơn Thầy với muôn vàn kính mến.  Thầy đã hướng dẫn chúng tôi khi làm văn phải cấu trúc một dàn bài chi tiết để có được bố cục chặt chẻ, ý tưởng mạch lạc trước khi viết thành bài văn với đầy đủ câu cú, vì theo Thầy, dàn bài cũng ví như nền móng và sườn nhà, nền và sườn vững vàng thì nhà mới không dễ lung lay, gẫy đổ. Thầy cũng đã sửa cho chúng tôi thói quen nhầm lẫn chánh tả trong việc dùng chữ “i” hay chữ “y” trong tiếng Việt (thí dụ “tùy hỉ” chứ không phải “tùy hỷ”).  Tôi và các bạn có cơ duyên được học với giáo sư Quốc-Văn Khiếu-Đức-Long trong ba năm học liên tiếp: Lớp 9, 10 và 11.  Trong ba niên khóa này, với sự giảng dạy của Thầy, chúng tôi có được một cảm nhận phong phú về văn chương và văn hóa Việt-Nam trãi dài từ Lục Văn Tiên của Cụ Đồ Chiểu bằng tiếng Nôm, có tính ước lệ, khuôn mẫu  ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa đến Thơ Mới  bằng tiếng Quốc Ngữ, phóng khoáng, lãng mạng ảnh hưởng luồng gió Tây Phương trong buổi giao thời, kể cả áng văn tuyệt tác “Đoạn Trường Tân Thanh của Thi Hào Nguyễn Du, những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn, hay những bài nghị luận bằng chữ Quốc Ngữ của Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh…  Với tất cả tâm hồn và kiến thức, Thầy Long đã cho chúng tôi những giờ học thật lôi cuốn, giúp chúng tôi có được cảm nhận sâu xa những hay, đẹp trong những áng văn xuôi lẫn vần, và nhận thức được thơ văn ở vào thời đại nào cũng phản ảnh và tương quan với lịch sử, hoàn cảnh xã hội của đất nước lúc bấy giờ.  Có lần, giảng về thể thơ hát nói, cô đầu, Thầy ngồi vắt vẻo trên bàn gỗ, tay vỗ nhịp bên cạnh bàn, ngâm nga “Hồng hồng tuyết tuyết!  Mới ngày nào chửa biết cái chi chi – Mười lăm năm thấm thoát có ra gì?  – Ngoảnh mặt lại đến kỳ tơ liễu…”  Khi giảng về “Đoạn Trường Tân Thanh”, Thầy “xuất thần” và giảng hay quá, đến độ đám học trò chúng tôi hỏi nhau không biết khi viết tác phẩm này, văn hào Tố Như có ý viết hay như Thầy Long dẫn giải không?  Khi giảng về những bài thơ của cụ Nguyễn Công Trứ, Thầy đã “họa” lên bảng các chữ “Xuất” , “Xử” (“… Xưa nay xuất xử thường hai lối…”) hay “kinh tế” (“… phải hăm hở ra tài kinh tế…”) bằng tiếng Hán, giúp tôi hiểu ý nghĩa những chữ này qua phép chiết tự trong chữ Hán, để từ đó cảm nhận thấu đáo quan niệm sống của người xưa.  Điều mà Thầy Long trao truyền cho chúng tôi, ngoài phương diện văn chương, nghệ thuật, là cảm nhận sâu sắc về thái độ sống cao đẹp và tích cực của tiền nhân như “Kẻ Sĩ”, “Chí Làm Trai” với “Tang bồng hồ thỉ Nam Nhi trái” của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ thể hiện qua những vần thơ của ông, cũng như vai trò của người viết văn trong lý tưởng “Văn dĩ tải đạo”.

Trong những năm học Quốc Văn với thầy, Thầy ít khi la rầy chúng tôi (có lẽ vì Thầy thường gọi chúng tôi là “các anh”, nhắc nhở là chúng tôi đã “lớn” nên chúng tôi không dám nhăng nhít chăng?).  Tôi chỉ nhớ có lần, dường như cả lớp quá đà, nói chuyện trong lớp như cái chợ, không nghe Thầy đang giảng bài trước bảng đen.  Chợt Thầy ngừng giảng, cả lớp cũng nhận ra dấu hiệu bất thường nên im thin thít.  Thầy buông phấn chậm rãi nói “Nãy giờ vào lớp tôi chưa được ngồi, các anh được ngồi thoải mái, nhưng các anh không muốn nghe giảng bài, chắc các anh chỉ muốn nghe đọc “văn tế”.  Vậy các anh không cần học, hãy lắng tai mà nghe đây!”   Thế là trong lớp hơn 50 “cô hồn sống” phải đau khổ nghe Thầy “tế” bằng lời nói nghe tuy nhẹ nhàng nhưng thấm thía còn đau hơn roi vọt liên tục đến hết giờ học… Từ đó, cả lớp không còn quậy trong giờ của Thầy vì không ai dám nghe văn tế lần thứ hai… Mãi đến khoảng ba năm trước, tình cờ biết tin Thầy Cô đã định cư ở Mộng Lệ An (cũng nhờ Thầy, tôi mới biết tên tiếng Việt của thành phố Montréal, Canada), tôi gọi điện thoại kính thăm Thầy Cô.  Tôi rất mừng khi nhận ra, bên kia đường giây điện thoại, Thầy vẫn mạnh khỏe, giọng nói của Thầy vẫn linh hoạt như ngày trước.  Điều tôi rất ngạc nhiên là Thầy nhận ra tôi và nhớ đến những người học trò cũ P. Ký sau hơn 30 năm không gặp, và Thầy cười sảng khoái, đầy hỉ xả khi nghe tôi nhắc đến kỷ niệm “văn tế” ngày nào.  Sau này tôi còn được biết, ngay sau khi định cư ở Montréal từ năm 1991, Thầy đã không ngưng nghỉ tiếp tục với thiên chức nhà giáo, giảng dạy các lớp học tiếng Việt cho trẻ em ở nơi này, và cống hiến kiến thức phong phú của Thầy trong những chương trình gìn giữ và phát huy văn hóa Việt Nam tại Hải Ngọai.  Một cống hiến quý báu khác của Thầy là 2 tập sách sưu khảo về Văn Hóa Việt Nam phát hành tại Hải Ngoai (Luận Về Nền Văn Hóa Tổng Hợp của Dân Tộc Việt Nam).  Từ lúc Thầy biên soạn cho đến lúc bộ sách được xuất bản là cả một chặng đường dài đầy gian lao từ trong nước ra đến Hải Ngoại.  Tập I (Từ thời lập quốc đến hết giai đoạn Bắc Thuộc) và tập II (Tiếp nhận Văn hóa Tây Phương cho đến sau 1975).  Tập I được xuất bản vào năm 1993, và tập II vào năm 2000.  Cả hai tập sách đã phổ biến hết từ lâu. Tôi có cơ duyên đọc được Tập II của bộ sách sưu khảo này và cảm nhận được biết bao tâm huyết và công lao của Thầy trải dài trên từng trang sách như ngày nào được nghe Thầy sang sảng giảng bài trước bảng đen, phấn trắng.  Điều tha thiết để Thầy cống hiến di sản này, theo lời ngỏ, là tuy có biết bao tài liệu về Việt Nam ở xứ người, tuy nhiên “họ có đôi mắt của nhà khoa học đấy, nhưng không thể có trái tim Việt Nam” và đối tượng của công trình này là “giới trẻ VN ở ngoài cũng như ở trong nước”.  Tuy tôi và các bạn không ai muốn nhìn nhận là mình đã quá tuổi xuân, nhưng chắc chắn mình không còn “trẻ” nữa, vậy mà tầm nhìn của tôi được mở rộng rất nhiều qua Tập sách của Thầy, nhất là giai đoạn quê hương VN trong cuộc chiến Quốc Cộng (1954-1975) và những năm sau biến cố 30 tháng Tư, 1975.  Tôi thầm mong, một ngày nào, bộ sách sưu khảo của Thầy, sẽ hiện diện trong mỗi thư viện tại các trường học khắp nơi có người Việt sinh sống trong lẫn ngoài nước, để thế hệ con cháu mình khi chúng muốn tìm hiểu về đất nước cha ông của mình, có thêm một góc nhìn đứng đắn, trung thực với “trái tim VN”….

Trong một email viết cho tôi, Thầy chia xẻ một cố gắng tiếp nối của Thầy:  “Thầy cũng hi vọng sẽ gặp đủ thuận duyên để bộ sách của thầy được tái bản và phổ biến rộng rãi hơn nữa, tức là gặp được những người đồng tâm, đồng cảm hầu di sản tinh thần của tiền nhân ta đã đổ bao tâm huyết mới xây dựng nên được khỏi bị lãng quên, bỏ phí, nhất là ở hải ngoại này.”  (Thơ viết ngày 19 tháng 09, 2008)

Các anh cựu học sinh P. Ký và học sinh của Thầy Khiếu Đức Long thân mến, chúng ta hãy thể hiện tinh thần cám ơn Thầy qua hành động cụ thể là hãy trợ duyên và hợp duyên để niềm thiết tha của Thầy trong việc tái bản và phổ biến rộng rãi bộ sách của Thầy thành sự thực nhé!

Bảy năm Trung Học có thể là một giai đoạn ngắn so với khoảng thời gian 44 năm kể từ ngày đầu tiên tôi bước vào ngưỡng cửa P. Ký, nhưng ký ức về quý Thầy, Cô trong tôi vẫn không phai mờ và không thể nào viết hết trên giấy.   Cũng như những gì mà tôi có cơ duyên lĩnh hội được ở quý Thầy, Cô trong khoảng thời gian này đã cho tôi nhiều ảnh hưởng sâu đậm và là hành trang trong cuộc sống của tôi từ lúc rời khỏi mái trường thân yêu cho đến mãi sau này…  Cùng với bao đổi thay của đất nước, 37 năm từ khi tôi rời quê hương và xa mái trường thân yêu, có quí Thầy Cô còn sống đạm bạc ở quê nhà, có Thầy Cô tái lập đời sống mới tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, có những Thầy Cô đã vĩnh viễn ra đi…  Em xin chân thành tri ân đến tất cả Thầy Cô, những người chỉ dẫn em không những trong phương diện sách vở, kiến thức mà còn là những tấm gương sáng, giúp chúng em có được những hướng đi trong cuộc sống, để em mới có được ngày hôm nay. 

Nguyễn Thành Công

Học Sinh P. Trương Vĩnh Ký

1966-1970:  Thất7 – Tứ7

1970-1973:  10B6 – 12B6