Giáng Sinh! Mùa của yêu thương!
đoàn xuân thu
Hôm mùng Một, tháng Chạp, năm 2016, tại Tòa Bạch Ốc, thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ, Tổng thống Barack Obama đã cử hành Lễ thắp sáng cây Giáng Sinh quốc gia lần thứ 94, (the 94th annual National Christmas Tree Lighting Ceremony) và là lần thứ tám, lần cuối cùng, trước khi chấm dứt hai nhiệm kỳ làm Tổng thống Mỹ!
Barack Obama đã hợp ca bài ‘Jingle Bells’ cùng các ca sĩ nổi tiếng của Mỹ
“Jingle bells, jingle bells/ Jingle all the way/ Oh, what fun it is to ride/ In a one horse open sleigh…”
Là chúng ta biết mùa Giáng Sinh đã gần kề! Mùa của yêu thương và chia sẻ giữa những người tương đối đủ ăn đủ mặc với những kẻ cùng khốn hơn mình!
***
Mùa vui! Nhưng Cộng đồng người Việt ở Úc Châu nầy đây, nhứt là bà con buôn bán nhỏ tại Footscray lại gặp chuyện buồn!
Chẳng qua là hồi 6 giờ 30 sáng, thứ Ba, ngày 13, tháng Chạp, năm 2016, lửa đã bùng lên, thiêu rụi toàn bộ ‘Little Saigon Market’, của người Việt mình tại Footscray, ngoại ô về phía Tây của thủ phủ Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc Châu.
Cháy lớn! Hơn 70 lính cứu hỏa đã tham gia vào việc dập tắt ngọn lửa. Khói bốc cao lên trời! Những con đường xung quanh thương xá bị phong tỏa; vì lính cứu hỏa e rằng những bức tường sẽ đổ sập.
Hiện trường vụ cháy từ trên trực thăng trông xuống giống như là một bãi chiến trường.
Cư dân xung quanh khu chợ được khuyến cáo là nên đóng tất cả các cửa, tắt hết máy điều hòa không khí và ở trong nhà.
Nguyên nhân vụ cháy là do chập điện. Chỉ có chút may mắn là không có ai bị chết hay bị thương; nhưng thiệt hại vô cùng lớn. Đánh giá sơ khởi bước đầu là lên tới 12 triệu Úc Kim.
Khoảng 25 cơ sở buôn bán nhỏ: gồm tiệm ăn, tiệm bánh bánh mì, tiệm thịt quay, tiệm thuốc tây, tiệm hớt tóc… và một khu chợ bán thực phẩm, rau cải, cá thịt, đa phần là của người Việt bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Mùa Giáng Sinh, Tết Tây và Tết Việt Nam sắp đến, là mùa mua bán bận rộn nhứt trong năm; nên bao nhiêu vốn liếng bà con tiểu thương mình đã bỏ hết ra để nhập hàng về; trong phút chốc biến trở thành tro bụi! Nhiều bà con không có mua bảo hiểm hàng hóa nên mất tất cả! Cả trăm người làm công bị mất việc! Hỏi làm sao mà không xót?!
Thương xá Little Saigon chắc chắn sẽ được xây dựng lại; nhưng chí ít là phải mất cả năm trời!
Thật là một mùa Giáng Sinh rất không may cho những tiểu thương, khi Tết đã gần kề!
Không chỉ riêng bà con người Việt mình là nạn nhân mà trẻ em người Úc và các sắc tộc cơ nhỡ khác cũng chịu cùng chung số phận!
Trên lầu hai của thương xá Little Saigon là văn phòng và kho đồ của Tổ chức thiện nguyện Les Twentyman, chuyên giúp đỡ thanh thiếu niên vùng Tây Melbourne cũng hoàn toàn bị cháy rụi.
Hơn 8000 sách giáo khoa, quần áo, giày dép để giúp các em lang thang bỏ học được trở lại trường và những món quà dự trù cho những trẻ không nhà mùa Giáng Sinh nầy không còn nữa!
Quý hóa thay! Trong tinh thần chia sẻ mùa Giáng Sinh, người Úc đã dang tay ra, lá lành đùm lá rách, của ít lòng nhiều, để giúp đỡ tổ chức thiện nguyện nầy.
Báo, đài Úc loan tin về vụ cháy và phát đi lời kêu gọi chung tay thì chỉ trong 24 tiếng đồng hồ đầu tiên đã có hơn 300 ngàn đô được dân Úc hiến tặng.
Tổ chức thiện nguyện Les Twentyman sẽ có khả năng để tiếp tục phát quà, quần áo, đồ chơi cho những trẻ không nhà và đãi các em một bữa ăn truyền thống Giáng Sinh vào trưa ngày 25 tháng Chạp, dự trù có tới 400 trẻ tới dự.
***
Thưa bất cứ ở đâu trên thế giới nầy đều có người từ tâm giống như nước Úc đấy thôi! Chớ tui không dám mèo khen mèo dài đuôi! Lưu lạc giang hồ tấp vào nước Úc, kẹt lại, rồi cái gì của mình là tốt là hay còn của người ta là dỡ ẹt.
Mở miệng ra: nước Úc là ‘number one’ còn các nước khác là ‘number ten’!
(Nếu lỡ có nghĩ như vậy thì để bụng đi; đừng có nói ra… Coi chừng bị bà con la đó!)
Như bên Mỹ nè, trừ tỉ phú Donald Trump ra, thì còn biết bao là người dẫu nghèo hơn Trump nhiều…nhưng cũng tốt đó chớ!

Chẳng hạn như John Lunceford, một quân nhân Mỹ đã giải ngũ, về lái xe bus cho học khu thuộc trường the Kennewick School District ở tiểu bang Washington, Hoa Kỳ được 3 năm!
Một sáng lái xe đi từng trạm để đón và trả khách thì John thấy một đứa trẻ học trò nhỏ đang đứng run lẩy bẩy chờ xe bus.
John mở cửa xe, thấy lệ trào ra khóe mắt của thằng bé. Tay và lổ tai của thằng nhỏ ửng đỏ lên vì Trời bên ngoài xe rất lạnh!
John tháo đôi găng tay của mình rồi tự tay mang vào cho cháu; vì tay nó cóng hết trơn hết trụi rồi!
Sau khi cho đứa học trò xuống tại trường, John lái xe thẳng ra tiệm,mua mười cái nón trùm đầu và mười đôi găng tay, màu đen cho con trai và màu hồng cho con gái.
Xong, John quay trở lại trường để tìm thằng nhỏ. Nhân viên trong trường dẫn Johnxuống thư viện, nơi thằng bé đang học với cả lớp.
John đã đưa cho thằng bé một cái nón và đôi găng tay!
John nói: “Tôi đã được đám cháu gọi là ông! Thì làm sao tôi có thể nào làm ngơ khi trông thấy bất cứ đứa học trò nghèo nào, mặc không đủ ấm, run lẩy bẩy trong mùa Đông buốt giá khi phải đứng chờ ngoài Trời để chờ xe tôi đến đón, đưa đi học!
***
John ơi! Người dân Mỹ, tui chắc, đang rất cần nhiều người như John đó.
Mà họ cũng cần ông Santa Claus trong câu chuyện tui sẽ kể sau đây biết bao! !

Ngày Lễ Giáng Sinh, là ngày ông Schmitt Matzen, với thân hình đồ sộ, nặng hơn 100 kí lô và có bộ râu dài trắng như cước làm Santa Claus!
Santa Claus nầy rất được cư dân và trẻ con vùng Knoxville yêu thích hàng cả chục năm nay!
Nhiều tuần lễ trước đây, nghĩa là còn khá lâu mới tới Giáng Sinh, ông Santa Claus nầy bất ngờ nhận được một cú gọi từ một nữ y tá của bịnh viện khu vực. Cô ấy nói rằng: “Có một bé trai 5 tuổi, là một bịnh nhân đang sống những ngày cuối đời, rất muốn gặp Santa Claus!”
Schmitt, trong bộ quần áo hóa trang thành Santa Claus, tức tốc đến bịnh viện chỉ trong vòng 15 phút.
Và câu chuyện, sau đó, được thuật lại trên một tờ báo địa phương, làm ai đọc cũng phải rơi nước mắt!
Đứa bé nói với Santa Claus: “Bác sĩ nói rằng cháu sẽ chết! Sao bác sĩ không cho cháu biết cháu sẽ chết lúc nào và sau đó cháu sẽ đi về đâu?”
Santa Claus nói: “Cháu hãy làm dùm ta điều nầy nhé!”
Cháu bé trả lời: “Được!”
“Khi cháu lên Thiên Đường, cháu hãy giới thiệu với họ rằng: “Cháu là con tuần lộc giỏi nhứt của Santa thì ta chắc rằng Thiên Đường sẽ rộng cửa đón cháu vào!”
Đứa bé lại hỏi: “Họ sẽ cho cháu vào phải không?” Santa Claus trả lời: “Chắc chắn vậy rồi!”
“Cháu muốn ngồi dậy! Santa hãy giúp cháu!”
Tôi choàng tay quanh thân cháu. Trước khi tôi có thể nói thêm điều gì nữa thì cháu bé đã trút hơi thở cuối cùng trong chính tay tôi!
Tôi cứ để vậy cho đến khi cha mẹ cháu nhận ra là cháu đã ‘đi’ rồi!
Tôi rời bịnh viện mà nước mắt rơi lã chã suốt cả đường về.
Suốt ba ngày trời, tôi thu mình lại, không thiết đến chuyện gì nữa cả. Phải mất đến cả tuần lễ, tôi mới có thể không nghĩ về chuyện đau lòng ấy!
Tim tôi đà tan vỡ, tôi không thể nào nhập vai làm Santa Claus nữa đâu!
Tôi nhớ vô cùng bộ quần áo trắng đỏ, tôi mặc lúc mùa Giáng Sinh về! Tôi nhớ vô cùng những tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ!
Nên sau khi suy nghĩ kỹ lại, tôi quyết định rằng mình không thể nào bỏ cuộc!”
***
Như vậy ý nghĩa đích thực là mùa Giáng Sinh là hi sinh, là sẻ chia cho tha nhân mà không cần điều kiện gì hết cả.
Thấy ai cơ hàn, đói rét, là xót thương, chìa tay ra giúp đỡ! Chớ không nhứt thiết phải là giàu sang mới có lòng từ thiện.
Có câu chuyện ngụ ngôn, hằng kể,về mùa Giáng Sinh như thế nầy:
Corine là một bé gái mồ côi cha lẫn mẹ. Hậu quả là em đã sống một cuộc đời khổn khổ. Không có gì để mà ăn! May mắn lắm chỉ có được vài mẫu bánh mì mà kẻ từ tâm thương xót cho, để em khỏi bị chết đói.
Em không có một mái nhà, không có tới một chiếc giường để ngã lưng mỗi lúc đêm về.
Dù bị cả thế giới lãng quên, quay lưng lại nhưng em không hề tuyệt vọng !
Vì em tin một ngày nào đó Thượng Đế sẽ để ý đến và giúp em ra khỏi cảnh khốn cùng .
Một hôm, em quyết định rời làng lên thị trấn.
Đi một đỗi chưa xa, em đã thấy một cụ già ngồi ăn xin bên vệ đường.
Ông lão đói rách nầy thì thào: “Ôi! Đứa con gái của ta! Hãy cho lão già nầy cái gì để ăn đi. Lão đói lắm!”
Corine không ngần ngừ, cho ông lão nốt những mẫu bánh mì mà em mang theo để ăn dọc đường.
Đi thêm một đỗi đường nữa, khi gác chuông nhà thờ làng em đà khuất dạng, em gặp một bé trai chỉ mặc một bộ quần áo phong phanh giữa Trời tuyết đổ!
“Chị có thể cho em cái gì để trùm đầu không? Trời rét quá!”
Corine cảm thương người cùng cảnh ngộ, bèn lột chiếc mũ trùm đầu của mình trao cho thằng bé!
Xa hơn, phía bìa rừng, Corine lại gặp một bé gái khác. Em run lẩy bẩy trong bộ quần áo đã rách tả tơi.
Corine không ngần ngại cởi chiếc váy và cái áo khoác của mình trao cho đứa bé gái đáng thương đó!
Huyền diệu thay! Khi Corine không còn gì để ăn và cũng không còn gì để mặc trong mùa Đông rét mướt, gió căm căm, tuyết rơi trắng xóa như thế nầy thì bất ngờ trên Trời, những ngôi sao lấp lánh sa xuống như bông tuyết, bao phủ khắp người em.
Corine thấy thân thể mình được bao trùm bởi quần áo, chiếc mũ trùm đầu lấp lánh kim tuyến. Tất cả đều đẹp hơn những thứ mà em đã cho đi.
Từ đấy, Corine trở nên giàu có, không còn phải lo đến cái ăn, cái mặc như những ngày xưa khốn khó!
Là một câu chuyện ngụ ngôn nên dĩ nhiên mình thường nghĩ rất là “phi hiện thực”. Là không có thiệt!
Nhưng bà con ơi! Thượng Đế rất công bằng, sẽ thưởng công xứng đáng cho những người dưới thế có lòng từ tâm!
Những tấm lòng vàng, hiện thực, có thiệt, vẫn đã và đang ở quanh ta và ngay chính lòng ta, trong đời thường đó thôi!
Merry Christmas!
đoàn xuân thu.
melbourne