Gặt thơ cuối năm

 Phan Văn Thạnh

 

1- Vẫy tay chào

gat tho cuoi nam 01ừ  nhỉ

đặt chân sang Chạp rồi

đọng lại trên xác lịch

ngày cuối tuần

tuần cuối tháng

tháng cuối năm

ta cuối đời

sực tỉnh

tràn ly bèo bọt

tỉnh – say

tống cựu – nghinh tân …

vẫy tay chào ngày mới !

 

2- Cởi trói

gat tho cuoi nam 02trả tự do cho mi

tóc tai thôi không sơn đen nữa

tháo thòng lọng treo cổ

tắt sóng cellphone

tịnh khẩu

dẹp tất giày

dép lê xỏ ngón

thú điền viên nào của riêng ai

ướp hương sói

đêm chờ quỳnh(*) hé nhụy

trăng sáng trời như nước

mộng cưỡi hạc vàng ,vút cõi tiên (**)

 (*)Hoa quỳnh tượng trưng cho “vẻ đẹp chung thủy” (loyal beauty) – hoa chỉ nở một lần rồi tàn tạ, cũng như tình đầu nguyên thủy và duy nhất dâng hiến cho người trăm năm.

(**)Thơ Nguyễn Trãi (1380-1442) – nguyên tác : Mộng sơn trung – “…Tạc dạ nguyệt minh thiên tự thủy/Mộng kỳ hoàng hạc thượng đàn tiên”.

 

3- Buông

gat tho cuoi nam 03đáo niên hạn

thoát xà lim  “án khổ”

chiếc ghế phù phiếm

cõi tạm có là gì đâu

ngày tám tiếng óc não rã bèng

guồng cứ xiết

thân phàm quay tít

thời hành tắc hành/thời chỉ tắc chỉ (*)

chạm điểm dừng

vui vẻ về thôi

vay trả – trả vay : tất toán rồi

không gì sướng bằng sáng mai hôm ấy

ẩn trong núi chẳng  vào triều yết (**)

chống gậy rong chơi – trời phương ngoại (***)

Buông !

PHAN VĂN THẠNH

(Saigon,2019)

(*) Kim chỉ nam hành động – biết tiến, biết thoái, biết dừng đúng lúc – tham quyền cố vị rước họa vào thân.

(**)Nguyên tác Sài Sơn Xuân Diếu của Phan Huy Ích (1751-1822)– – Trần Lê Văn dịch: Ngày ngắm cảnh Sài Sơn: “Ẩn trong núi chẳng vào triều yết/Chống gậy lên núi biếc du xuân/Đã qua sóng gió đường trần/Mới hay mây khói dưới chân non Hồng” .

(***) Trích “Phóng cuồng Ngâm”-uệ Trung Thượng Sĩ (1230-1291) “Trượng sách ưu du hề phương ngoại phương” – Chống gậy rong chơi ngoài thế gian – Phương ngoại (space ouside of space) – là không gian nằm ngoài không gian,vượt ra khỏi không gian thường của người đời – phương trời không có chuyện lên-xuống, ra-vào, tử-sinh, trong-ngoài, nhiều-một… (theo Thiền sư Nhất Hạnh – Thả một bè lau).