Gặp lại bạn 6/1 – 9/1 (PK 1974-81)
Nguyễn Thúc Linh 6/1 – C1 (PK 1974-81)
(Nguồn: Kỷ Yếu PKLHP 1974-81 Kỷ Niệm 40 Năm 1981-2021)
Hai tuần trước Tết Đinh Hợi 2007, tui và bà xã cụ bị đi Sài Gòn. Vé máy bay mua trước ba bốn tháng cho nó rẻ. Chương trình kỳ này gồm ăn đám cưới cậu em vợ, ăn tân gia người cháu vợ, ăn tất niên với anh em 6/1 – 9/1 pklhp, rồi ăn Tết. Toàn là “ăn” không, thiệt quá đã.
Gần tới ngày đi thì đám cưới huỡn, vì cô dâu chú rể mắc cãi lộn. Nhưng không sao, vẫn còn ba chỗ “ăn”. Lên đường.
Đáng lẽ ra, tui phải rủ Lê Minh Tân và Ngô Bá Định, nhưng mấy chả có con nhỏ, chắc là không đi được, phần tui sợ “nói trước bước hổng qua”, nên nín thinh. Xin lỗi Tân và Định.
Phải nói vui nhứt là gặp lại các bạn 6/1-9/1 . Họp mặt kỳ này tại nhà Đức Hương. Vũ Hữu Đức có chỉ đường cẩn thận, nhưng tui cũng quờ quạng đi lạc tuốt xuống nghĩa địa Bình Hưng Hoà. Trời tím sẫm hoàng hôn, nghĩa địa nhỏ, các ngôi mộ cũ, khiêm tốn nép sát lề đường. Sài Gòn, thời đất quý hơn vàng, nghĩa địa này còn được bao lâu ?
Gió chiều xuân xô nhẹ ngọn cỏ, mát. Sợ đứng một hồi “ở đây âm khí nặng nề, bóng chiều đã ngã, dặm về còn xa (Kiều)” (coi chừng gặp ma !), tui móc di động gọi Đức, hên quá có tiếng nó “Alô Đức đây !”. Thiệt mừng.
Nhà của “ông Nghè” Đức khang trang, lịch sự, kiểu biệt thự nhỏ ở Sài Gòn, có sân để chậu cảnh (và để bàn nhậu). Bà chủ nhà Hương, niềm nở, hiếu khách.
Một lát, Hiệp và các bạn kéo tới. Thiệt là vui. Tự nhiên vui .Trần Hữu Hiệp nói chuyện hay và cười thiệt giòn, trong, sảng khoái. Nghe giọng cười Trần Hữu Hiệp là muốn cười theo. Các kỳ họp mặt đều có Hiệp góp sức tổ chức, kêu réo anh em. Cao Xuân Thi, Cao Minh Trí, Lê Văn Bảy, v.v… dù được kêu réo, nhưng không tới được. Gần Tết, ai cũng bận. Các bạn gần như đều nhận ra nhau. Dầu có người 30 năm không gặp. Hình như số năm tháng của cuộc đời, số thành công hay thất bại của mỗi người không có ý nghĩa gì ở đây. Tụi tui như sống lại thời thơ ấu 12, 13 tuổi ; tự nhiên, thân tình.
Nguyễn Văn Hiển không thay đổi gì mấy ngoài hàm ria, vui tánh, bộc trực. Hồi đó trong đám quậy thường có tui với nó. Trần Quang Hiếu Thuận thấy hiền và ít nói hơn nhưng vẫn còn đẹp trai hơn Tây lai. Lê Hoàng Minh thì hơi già, nhưng chững chạc, làm ông chủ thì mau già. Tuy vậy vẫn thấy trẻ hơn Nguyễn Quốc Thắng. Phan Anh Khanh và Huỳnh Quang Phúc đi chung xe tới. Hai tay này ở gần nhà nhau. Tui nhìn không ra Huỳnh Quang Phúc. Phúc bây giờ cao ráo, đen hơn, đẹp trai hơn, nói năng hoạt bát và nhớ nhiều chuyện xưa. Anh Thông (Lê Đức Thông) thì không thay đổi mảy may, chậm rãi , ôn tồn như một người anh. Trần Kim Hảo hình như không thấy lớn, vẫn sôi nổi, chan hòa cùng anh em. Nguyễn Thanh Nhựt đạo mạo hơn xưa, làm ông hiệu trưởng thì mau đạo mạo. Hàng Thanh Dân tuy phát tướng nhưng mặc đồ đúng mốt lịch sự như đại gia . Nhờ Dân, tui mới biết nhạc Trịnh Công Sơn. Nguyễn Văn Thuận ốm cũng hơi già. Huỳnh Trung Thuận cũng có mặt. Tui cũng xém chút nhận không ra, nhưng nhờ nụ cười. Đặng Thoại Thành nói chuyện vui, nhắc Đỗ Đình Tuấn. Nguyễn Thanh Lâm cao hơn xưa nhiều, cao bằng Vũ Hữu Đức.
Năm nay gặp được cả 3 Thuận, chắc sẽ thuận lợi suốt năm. Anh em nhậu bia 333, như để nhắc nhở 33 năm tình bạn (TH Hiệp). Có điều ngộ là các nhậu sĩ bây giờ lâu lâu cùng đứng nghiêm chỉnh, tay cầm cốc bia, miệng hô đồng thanh “Một, Hai , Ba, Dô!”. Rồi cùng uống một lượt. Thiệt xôm tụ. Hổng riêng gì các bạn tui mà hình như đều trời như vậy. Tui bỏ nhậu đã lâu nên hơi lạc hậu. Tui nghĩ bậy bạ (xin các nhậu sĩ dạy thêm), chắc là rượu bây giờ khó uống. Không khó vì sợ xỉn, mà khó vì sợ bà xã rầy. Nên phải hô để lấy thêm can đảm!
Đêm khuya, tiệc tan, không có ai quá say. Hình như Sài Gòn không có cảnh quá say như xưa. Có tiến bộ.
Chia tay, anh em chúc nhau và nhắc “Lần sau về, nhớ phải rủ Lê Minh Tân và Ngô Bá Định, nghen”