Duyên Nợ Của Tôi Với Đại Học Vạn Hạnh
G.S. Lâm Vĩnh-Thế
Nguyên Trưởng Ban Thư Viện Học
Phân Khoa Văn Học & Khoa Học Nhân Văn
Ðại Học Vạn Hạnh
Tháng 5 năm 1973, sau hai năm theo học ngành Thư Viện Học tại Ðại Học Syracuse, tiểu bang New York, Hoa Kỳ, tôi tốt nghiệp với văn bằng Master of Library Science (MLS) và lên đường về nước. Tôi không bao giờ ngờ cuộc đời của tôi sẽ gắn liền với Ðai Học Vạn Hạnh trong những năm sau đó.
Tháng 1 năm 1974, tại Ðại Hội Thường Niên của Hội Thư Viện Việt Nam, tôi được bầu vào chức vụ Chủ Tịch Ban Chấp Hành của Hội. Người được Ðại Hội bầu vào chức vụ Thủ Quỹ là chị Phạm Thị Lệ-Hương lúc đó phụ trách phần thế học của Thư Viện Ðại Học Vạn Hạnh, đồng thời là Phụ Tá Khoa Trưởng Phân Khoa Khoa Học Xã Hội của Ðại Học Vạn Hạnh. Chị Lệ-Hương là người đã tạo cơ hội cho tôi đến với Ðại Học Vạn Hạnh.
Tại phiên họp đầu tiên của Ban Chấp Hành Hội Thư Viện Việt Nam, vấn đề quan trọng nhất được đưa ra thảo luận là vấn đề trụ sở của Hội. Trước đó trong nhiều năm, trụ sở của Hội được đặt tại Thư Viện của Hội Việt-Mỹ, số 55 đường Mạc Ðĩnh Chi, Quận 1, Sài Gòn. Lý do là vì vị Chủ Tịch lúc đó, Bà Nguyễn Thị Cút Parker, là Thư Viện Trưởng của Thư Viện Hội Việt-Mỹ. Tân Ban Chấp Hành nhận thấy không nên tiếp tục duy trì trụ sở của Hội tại đây nữa. Vậy thì câu hỏi là bây giờ nên đặt trụ sở tại đâu? Chị Lệ-Hương đã đưa ra đề nghị là nên dời trụ sở về khuôn viên của Ðại Học Vạn Hạnh. Chị cũng tình nguyện đóng vai trò đại diện cho Ban Chấp Hành Hội để thương thảo với Ðại Học Vạn Hạnh về việc này. Và Chị đã thành công. Thượng Tọa Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh đã hoan hỉ đồng ý cho phép Hội Thư Viện Việt Nam được đặt trụ sở tại Văn phòng của Phân Khoa Khoa Học Xã Hội. Từ đó cho đến ngày 30-4-1975, Hội Thư Viện Việt Nam chính thức có trụ sở nằm trong khuôn viên của Ðai Học Vạn Hạnh, số 222 đường Trương Minh Giảng, Quận 3, Sài Gòn.
Trong nhiệm kỳ 1973-1974, sau khi xin được tài trợ từ Asia Foundation, Ban Chấp Hành Hội Thư Viện Việt Nam, gồm khá đông anh chị em đã tốt nghiệp MLS từ các trường Thư Viện Học của Hoa Kỳ, đã đề ra một chương trình làm việc rất tích cực để phát triển hội. Một trong những trọng điểm của chương trình này là tổ chức các khóa huấn luyện căn bản về thư viện học cho hội viên, một việc mà Hội chưa bao giờ làm trong quá khứ. Một lần nữa chúng tôi lại được sự ủng hộ đầy nhiệt tình của Thượng Toạ Viện Trường Viện Ðại Học Vạn Hạnh, thêm sự hỗ trợ của Thượng Toạ Thích Mãn Giác, Phó Viện Trưởng. Hội Thư Viện Việt Nam đã tổ chức được 2 khóa huấn luyện cho hội viên trong nhiệm kỳ này, ngay tại Thư Viện của trường. Các lễ mãn khóa được tổ chức long trọng tại Ðại Giảng Ðường 19 của Viện Ðại Học Vạn Hạnh, dưới sự đồng chủ tọa của vị Thứ Trưởng đặc trách Văn Hoá của Bộ Văn Hóa Giáo Dục. (Giáo sư Bùi Xuân Bào, Khóa 1; và Cụ Ðỗ Văn Rở, Khóa 2) và Thượng Tọa Viện Trưởng (Khóa 1) và Thượng Tọa Phó Viện Trưởng (Khóa 2).
Giáo Sư Bùi Xuân Bào, Thứ Trưởng Đặc Trách Văn Hóa, Bộ Văn Hóa Gíáo Dục, Đọc Diển Văn Trong Buổi Lễ Bế Giảng Khóa Huấn Luyện – Giảng Đường 19, Viện Đại Học Vạn Hạnh
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, Viện Trưởng Viện Đại Học Sài Gòn, Trao Chứng Chỉ Tốt Nghiệp Khóa Huấn Luyện – Giảng Đường 19, Viện Đại Học Vạn Hạnh
Tiệc Trà Sau Lễ Bế Giảng Khóa Huấn Luyện – Câu Lạc Bộ, Đại Học Vạn Hạnh
Ðiều đáng mừng cho các học viên của những khoá huấn luyện chuyên môn này là một số nhân viên thư viện của Viện Ðại Học Vạn Hạnh đã được Viện tăng lương sau khi đã nộp chứng chỉ tốt nghiệp do Hội Thư Viện Việt Nam cấp. Một trọng điểm khác của chương trình làm việc nhiệm kỳ 1973-1974 là tổ chức một Ðại Hội bất thường vào Hè 1974 để thông qua Bản Ðiều Lệ mới cho Hội Thư Viện Việt Nam hầu phản ảnh được đường hướng mới của Hội. Do những cố gắng cải thiện tối đa dịch vụ của Hội đối với hội viên (xuất bản Thư Viện Tập San hàng quý, các Bản Tin hàng tháng giữa các số Tập San, tổ chức các khóa huấn luyện miễn phí cho hội viên, cập nhật danh sách hội viên trên toàn quốc, truy thu niên liễm để tăng cường cho quỹ của Hội, v.v..), lần đầu tiên trong lịch sử 15 năm của Hội, gần 200 hội viên đã về Sài Gòn họp Ðại Hội bất thường này (tất cả hội viên về dự Ðại Hội đều được cấp chi phí di chuyển và ẩm thực; riêng các hội viên là giáo sư hay giáo viên của các trường Trung và Tiểu học trên toàn quốc đều được Hội vận động để Nha Trung học và Nha Tiểu học cấp lộ-trình-thư để được hưởng phụ-cấp vãng phản, giống như họ được hưởng khi đi làm Giám Thị, Giám Khảo các kỳ thi Trung Học Ðệ Nhất Cấp hay Tú Tài). Viện Ðại Học Vạn Hạnh một lần nữa lại cho phép Hội Thư Viện Việt Nam được sử dụng Ðại Giảng Ðường 19 để tổ chức Ðại HộI bất thường này. Và Ðại HộI đã thành công rực rỡ.
Sau gần một năm làm việc tích cực với các thành quả nêu trên đã được diễn ra trong môi trường đại học, Ban Chấp Hành Hội Thư Viện Việt Nam rất tán thành đường hướng giáo dục của Ðại Học Vạn Hạnh là ”một đường hướng giáo dục toàn diện, xây dựng trọn vẹn Hạnh Ðức, Tấm Ðức và Tuệ Ðức con người đúng như châm ngôn của Viện là ‘Duy Tuệ Thị Nghiệp’, nghĩa là tất cả mọi sự hoạt động (Nghiệp) tại Viện Ðại Học Vạn Hạnh này là nhắm đến xây dựng kiến thức và trí tuệ cho sinh viên” (Chỉ Nam Phân Khoa Khoa Học Xã Hội, Ðại Học Vạn Hạnh, 1973-74, tr. 21). Hội Thư Viện Việt Nam đề ra một kế hoạch mới vô cùng táo bạo: tổ chức Ban Thư Viện Học ở cấp đại học, để đào tạo Quản thủ thư viện chuyên nghiệp với văn bằng Cử Nhân Thư Viện Học, một việc chưa từng có tại Việt Nam Cộng Hòa. Một dự án chi tiết về chương trình đào tạo Cử Nhân Thư Viện Học được soạn thảo rất công phu và trình lên Hội Ðồng Khoa của Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, Viện Ðại Học Vạn Hạnh. Cá nhân tôi được Ban Chấp Hành đề cử làm công tác này. Tại một phiên họp của Hội Ðồng Khoa, dưới sự chủ tọa của GS Ðoàn Viết Hoạt, Phụ Tá Viện Trưởng đặc trách Học Vụ, GS Khoa Trưởng Nguyễn Ðăng Thục, GS Phó Khoa Trưởng Lê Văn Hoà, tôi đã trình bày dự án này với đầy đủ các tiết mục như: lý do, chương trình học, nhân sự phụ trách giảng huấn, sĩ số có thể có được, tính khả thi của dự án, v.v.. Hội Ðồng Khoa đã chấp thuận dự án và Ban Thư Viện Học cấp đại học đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa đã được khai sinh tại Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn của Viện Ðại Học Vạn Hạnh và bản thân tôi được Hội Ðồng Viện chính thức cử nhiệm Trưởng Ban đầu tiên của Ban Thư Viện Học này.
Ban Thư Viện Học của Viện Ðại Học Vạn Hạnh khai giảng khóa học đầu tiên vào tháng 9 năm 1974. Thành phần giảng huấn đầu tiên của Ban Thư Viện Học của Viện Ðại Học Vạn Hạnh gồm toàn các vị tốt nghiệp MLS từ các trường Thư Viện Học của Hoa Kỳ như sau:
GS Lâm Vĩnh Thế, MLS, Syracuse University, Syracuse, New York, Thư Viện Trưởng Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn;
GS Nguyễn Ứng Long, MLS, Peabody College, Nashville, Tennessee, đương kim Giám Ðốc Nha Văn Khố;
GS Phạm Thị Lệ-Hương, MLS, Kansas State Teachers’ College, Emporia, Kansas, Phụ Tá Khoa Trưởng Phân Khoa Khoa Học Xã Hội, kiêm Phụ Tá Thư Viện Trưởng đặc trách Thư Viện Thế Học, Viện Ðại Học Vạn Hạnh;
GS Lê Ngọc Oánh, MLS, Kansas State Teachers’ College, Emporia, Kansas, Chuyên Viên Thư Viện, Nha Trung Học, Bộ Văn Hóa Giáo Dục;
GS Tống Văn Diệu, MLS, Peabody College, Nashville, Tennessee, Chuyên Viên Về Dịch Vụ Tham Khảo, Thư Viện Quốc Gia.
Thành phần sinh viên bao gồm phần lớn là sinh viên đã học xong hai năm đầu tại các phân khoa của Viện Ðại Học Vạn Hạnh cũng như các hội viên Hội Thư Viện Việt Nam đã tốt nghiệp các khóa huấn luyện của Hội và đã xong hai chứng chỉ đại học. Một đặc điểm nữa là rất khác với truyền thống khai thác thương mại đối với các giảng văn ở các Phân Khoa của Viện Ðại Học Saigon, tại Ðại Học Vạn Hạnh, các giảng viên Ban Thư Viện Học, sau khi hoàn tất bài giảng hàng tuần, luôn luôn giao bài giảng cho Ban Tu Thư Viện Ðại Học Vạn Hạnh ấn hành và phân phối với giá vốn cho sinh viên ngay, một bản cũng được các giảng viên cung cấp cho Thư Viện Vạn Hạnh để vào Sưu Tập Dành Riêng (Reserve) để giúp cho sinh viên có tài liệu để ôn tập trước khi dự kỳ thi cuối khoá. Giảng văn cũng đã được đóng thành tập và nộp cho Văn phòng Phân Khoa, và GS Khoa Trưởng Nguyễn Ðăng Thục đã rất ngạc nhiên và hài lòng với phong cách giảng dạy tích cực của các giảng viên Ban Thư Viện Học. Rất tiếc do biến cố 30-4-1975, Ban Thư Viện Học của Viện Ðại Học Vạn Hạnh đã không hoàn thành được chương trình huấn luyện mong muốn. Xin xem chi tiết về Chương Trình của Ban Thư Viện Học Niên Khóa 1974-1975 ở Phụ Ðính cuối bài viết này.
Hồi tưởng lại các sự việc đã xảy ra cách đây gần 50 năm, tôi vẫn tưởng như mới tuần rồi hay tháng trước. Tôi nhớ rõ từng khuôn mặt bạn bè, những kỷ niệm vui buồn nơi văn phòng Hội Thư Viện Việt Nam trong khuôn viên Viện Ðại Học Vạn Hạnh, những buổi lễ tốt nghiệp các khóa huấn luyện luôn luôn có sự hiện diện của Thượng Tọa Viện Trưởng hay Thượng Tọa Phó Viện Trưởng, các buổi tiệc trà tiếp tân sau lễ mãn khóa trong Câu Lạc Bộ của Viện, v.v. Trên hết, tôi không thể quên được một điều vô cùng quan trọng. Ðó là việc nhìn xa trông rộng cũng như chủ trương phục vụ Văn Hóa vô vụ lợi của nhị vị Thượng Tọa Viện Trưởng và Phó Viện Trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh, của GS Phụ Tá Viện Trưởng Ðặc Trách Học Vụ, đã giúp Hội Thư Viện Việt Nam làm được một việc mà Bộ Văn Hóa Giáo Dục cũng như Viện Ðại Học Sài Gòn đã không làm được: đưa môn Thư Viện Học vào giảng dạy lần đầu tiên ở cấp đại học tại Việt Nam Cộng Hòa.
Ngày 5 tháng 4 năm 2023
Hamilton, Ontario, CANADA
GS Lâm Vĩnh-Thế hiện đã nghỉ hưu từ năm 2006, và đã được Viện Ðại Học Saskatchewan, Canada, ban tặng danh hiệu Librarian Emeritus.
Phụ Ðính
Viện Ðại Học Vạn Hạnh
Phân Khoa Văn Học & Khoa Học Nhân Văn
Giới Thiệu Chương Trình Thư Viện Học
Niên Khóa 1974-1975
Do GS Lâm Vĩnh-Thế, MS (Thư Viện Học) Syracuse University, Syracuse, New York, Hoa Kỳ, Giảng Viên ngành Thư Viện Học, Ðại Học Sư Phạm Saigon, điều khiển
I. Chương trình Cử Nhân Thư Viện Học: Áp dụng từ đầu Niên Khoá 1974-75:
1. Ðối Tượng: dành cho các sinh viên đã học xong và đậu năm thứ Hai tại các Phân Khoa của Viện Ðại Học Vạn Hạnh, và các Phân Khoa đại Học khác.
2. Mục Tiêu: đào tạo các quản thủ thư viện chuyên nghiệp và cung ứng những kiến thức căn bản để chuẩn bị cho việc theo học các chương trình Cao học hay Tiến sĩ về Thư Viện Học tại ngoại quốc sau này.
3. Ðiêu Kiện Ghi Danh Vào Năm Thứ Ba Ban Thư Viện Học:
a) Cho các sinh viên dự định lấy 2 văn bằng Cử Nhân. Cử Nhân Thư Viện Học và một Cử Nhân khác:
 - Phải hoàn tất chương trình ấn định cho năm thứ Nhất và năm thứ Hai các Phân Khoa Ðại Học gốc
– Tiếp tục ghi danh học năm thứ Ba tại Phân Khoa gốc.
– Ghi danh học 26 học phần căn bản chuyên môn dành cho năm thứ Ba Ban Thư Viện Học.
b) Cho các sinh viên dự định lấy 1 văn bằng Cử Nhân Thư Viện Học duy nhất:
– Phải hoàn tất chương trình ấn định cho năm thứ Hai các Phân Khoa Ðại Học gốc.
– Ghi danh học 26 học phần căn bản chuyên môn Thư Viện Học, và 12 học phần nhiệm ý được ấn định trong chương trình năm thứ Ba, Ban Thư Viện Học.
c) Cho các sinh viên đã có văn bằng Cử Nhân thuộc các Ðại Học: Chỉ phải ghi danh học 26 học phần căn bản chuyên môn Thư Viện Học được ấn định trong chương trình năm thứ Ba, Ban Thư Viện Học
4. Thành Phần Giáo Sư: Gồm toàn giáo sư trẻ, nhiệt thành, đã tốt nghiệp ngành Thư Viện Học tại ngoại quốc với văn bằng Master về Thư Viện Học, phụ trách công việc giảng huấn theo phương pháp mới đang được áp dụng tại nước ngoài.
5. Phương tiện học tập: Thư viện Ðại Học Vạn Hạnh có một sưu tập đầy đủ và các sách thuộc ngành Thư Viện Học do Ban Giảng Huấn tuyển chọn. Sinh viên sẽ được thực tập ngay tại Thư Viện Ðại Học Vạn Hạnh do các giáo sư trong Ban Giảng Huấn hướng dẫn.
Sinh viên sẽ được hướng dẫn đi quan sát các thư viện tiêu biểu trong đô thành Saigon.
6. Nội Dung Chương Trình: Chương trình được soạn thảo theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.
a) Các môn chuyên nghiệp:
– Tổ Chức Và Ðiều Hành Thư Viện: Giới thiệu các yếu tố cấu thành cùng những hoạt động hay dịch vụ của thư viện.
– Tổng Kê và Phân Loại I: Nghiên cứu các nguyên tắc căn bản về tổng kê, thiết lập tiêu đề đề mục và phân loại sách.
– Tuyển Chọn Tài Liệu: Các nguyên tắc căn bản trong việc tuyển chọn sách báo, tài liệu thư viện, thị trường xuất bản sách báo. Ấn định các chính sách, tiêu chuẩn trong việc tuyển chọn.
– Lịch Sử Thư Viện: Khảo sát sự phát triển của thư viện từ thời thượng cổ đến hiện đại. Tìm hiểu về tiến trình phát triển của quyển sách trong cơ cấu và diễn trình truyền thông của xã hội hiện đại.
– Tổng Kê và Phân Loại II: Tổng kê các tài liệu không phải là sách, đặc biệt chú trọng tới báo chí. Các vấn đề phát triển về kỹ thuật trong địa hạt này.
– Tham Khảo Tổng Quát: Tuyển chọn, sử dụng và lượng giá các nguồn tài liệu căn bản và các nguyên tắc chỉ đạo về các dịch vụ tham khảo.
– Anh ngữ I và II: Học chuyên biệt về những danh từ chuyên môn thư viện. Dùng phương pháp nghiên cứu đặc thù trong lãnh vực thư viện học để giúp sinh viên phong phú hoá khả năng Anh ngữ để sử dụng những tài liệu ngoại ngữ.
– Tham Khảo Chuyên Biệt Về Khoa Học Xã Hội: Nghiên cứu, lượng giá và sử dụng các nguồn tài liệu trong các lãnh vực của Khoa Học Xã Hội như là Xã Hội Học, Kinh Tế Học, Chính Trị Học, Ðịa Lý, Giáo Dục, v.v…
– Tham Khảo Chuyên Biệt Về Khoa Học Nhân Văn: Nghiên cứu, lượng giá và sử dụng các nguồn tài liệu trong các lãnh vực của Khoa Học Nhân Văn như Triết học, Tôn giáo, Văn chương, nghệ thuật, v.v…
– Nguồn Tài Liệu Thư Viện Ðại Học: Nghiên cứu, lượng giá các sách, báo, tài liệu để thiết lập một sưu tập cho một thư viện đại học.
– Nguồn Tài Liệu Thư Viện Trung Học: Nghiên cứu, lượng giá các sách, báo, học liệu trong thư viện liên quan đến việc tăng trưởng và phát triển của thiếu niên, và đáp ứng nhu cầu của các môn học trong chương trình trung học và các hoạt động ngoài chương trình.
– Sách Báo Nhi Ðồng: Nghiên cứu và lượng giá các tài liệu cần thiết cho thiếu nhi liên hệ đến nhu cầu, khuynh hướng ham chuộng và khả năng đọc sách của các nhi đồng.
– Công Tác Khảo Cứu Và Trình Bày Luận Văn: Giới thiệu các phương pháp thích ứng trong việc khai thác có hệ thống các tài liệu và dữ kiện để khảo sát một vấn đề. Chú trọng đến cách đề nghị một dự án khảo cứu và các hình thức soạn thảo cùng trình bày một luận văn.
– Phân Tích Cơ Cấu Áp Dụng Trong Thư Viện: Giới thiệu các hoạch định cơ cấu và các nhiệm vụ. Chú trọng đến sự phân tích, phác họa và thực hiện các thư viện với các hệ thống tài liệu.
– Hội Thảo Về Chiều Hướng Hiện Tại Trong Ngành Thư Viện: Nghiên cứu các khuynh hướng xã hội, văn hoá và kỹ thuật có ảnh hưởng đến mục tiêu, trách nhiệm và sự điều hành thư viện trong nước và trên thế giới. Tìm hiểu những khả năng tiếp nhận, những khuynh hướng đó tại Việt Nam.
– Ấn Phẩm Công: Nghiên cứu về cách tuyển chọn, tổ chức và sử dụng các ấn phẩm của các tổ chức quốc tế, các chính quyền quốc gia và địa phương. Cách thức lưu trữ và khai thác văn khố.
– Sinh Ngữ III và IV: Hội thảo bằng Anh ngữ về các vấn đề chuyên môn thư viện học, đặc biệt về các chiều hướng hiện đại.
b) Các Môn Nhiệm Ý: Gồm trong các lãnh vực sau đây:
– Triết Học, Tâm Lý Học, Ngữ Học, Văn Chương, Sử Ðịa, v.v… để làm phong phú thêm kiến thức tổng quát cho các sinh viên Ban Thư Viện Học.
7. Tương Lai Sinh Viên: Sinh viên tốt nghiệp Cử Nhân Thư Viện Học:
– Có đủ khả năng về tham khảo, sưu tầm để đi sâu vào lãnh vực khảo cứu hay để chuẩn bị các dữ kiện cho các luận án tương lai.
– Có đủ khả năng để phục vụ trong các thư viện như Thư Viện Quốc Gia, các thư viện Ðại Học và Khảo Cứu, các thư viện Trung, Tiểu Học, các thư viện Chuyên Môn như thư viện của các ngân hàng, các xí nghiệp công, tư, các cơ sở báo chí, xuất bản, v.v…
– Có đầy đủ kiến thức để đi xa hơn về các ngành khảo cổ, văn khố và thư viện.
– Có đầy đủ kiến thức cùng khả năng để xin hưởng một học bổng xuất ngoại du học về Ban Cao Học và Tiến sĩ Thư Viện Học.
II. Chương Trình Nhiệm Ý: Áp dụng từ đầu Niên Khoá 1975-76:
1. Ðối tượng: Dành riêng cho sinh viên năm thứ Tư và Ban Cao Học Ðại Học Vạn Hạnh.
2. Mục Tiêu: Hỗ trợ cho công tác tham khảo nghiên cứu và trình bày một luận án.
3. Ðiều Kiện Ghi Danh: Là sinh viên năm thứ Tư hay sinh viên Ban Cao học thuộc các Phân Khoa Ðại Học Vạn Hạnh.
4. Nội Dung Chương Trình: Gồm ba môn nhiệm ý:
– Tham Khảo Chuyên Biệt Về Khoa Học Xã Hội.
– Tham Khảo Chuyên Biệt Về Khoa Học Nhân Văn
– Công Tác Khảo Cứu và Trình Bày một luận án.
(Xem chương trình chi tiết trong học trình Cử Nhân)
III. Chương Trình Huấn Luyện Căn Bản Thư Viện Học: Áp dụng từ đầu năm 1975:
1. Ðối Tượng: Mở cho công chúng
2. Mục Tiêu:
– Ðể có một kiến thức căn bản về Thư Viện Học
– Ðể trở thành một nhân viên phụ tá chuyên môn tại thư viện
– Ðể chuẩn bị theo học Ngành Cử Nhân Thư Viện Học sau này.
3. Ðiều Kiện Ghi Danh: Có Bằng Tú Tài II hoặc tương đương.
Mọi chi tiết khác: xin hỏi tại Văn Phòng Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, Viện Ðại Học Vạn Hạnh: 222 Trương Minh Giảng, Saigon 3.
Ðiện thoại: 25946/94876, máy phụ 28.