ĐỒNG NAI VĂN TẬP
Lời giới thiệu

Võ Phi Hùng

Tôi được biết đến tờ nguyệt san Đồng Nai Văn Tập (ĐNVT) khi đọc qua bài viết “Trương Vĩnh Ký và 100 năm Báo chí Việt Nam” của nhà học giả Thuần Phong.  Ông giới thiệu đến tờ Thông Loại Khoá Trình của cụ Trương Vĩnh Ký, và bài được đăng trên ĐNVT số 3, tháng Giêng năm 1966.  Bài viết này được phổ biến trên một trang Blog ở trong nước, nhưng lại thiếu mất một trang.  Tôi có biên thư thăm hỏi, nhưng người ta không trả lời.  Nhờ vậy, tôi mới bỏ công đi tìm và may mắn mượn qua thư viện Đại học Cornell và đọc được tờ báo có nhiều màu sắc, vị ngọt và hương thơm của xứ Bưởi này.  Các số ĐNVT ở Cornell chỉ có bản gốc từ số 1 – 8  (1965-1966) với mỗi tập 148 trang, khổ giấy 20cm và đã được đóng thành tập với bìa cứng, nên chụp lại mệt hơn trên flatbed scanner so với microfilm của những tờ nhật báo đã làm trước đây.  Những số sau từ 16 – 22 của năm 1968 chỉ có 32 trang và chưa đóng thành tập. Vì lý do này, nên không mượn được về nhà mà phải đọc qua tại thư viện.  Sau khi mượn xong thì lại biết thêm là những số còn thiếu, từ số 7 đến 15 (năm 1967), lại đang nằm ở thư viện Harvard Yenching, thế là sẽ có thêm việc đi mượn tiếp để chụp lại cho thành nguyên bộ.

Tờ nguyệt san ĐNVT số đầu tiên ra mắt vào tháng 11 năm1965, do nhóm Đồng Nai xuất bản và ông An Cư – giảng viên trường đại học Sư phạm và Văn khoa Cần Thơ làm chủ nhiệm và chủ bút. Ông An Cư qua các trang báo giới thiệu tác phẩm của ông sắp được ĐNVT xuất bản,  người giỏi Hán văn khi đã phiên dịch các bài thơ từ chữ Hán trong Ức trai thi tập của Nguyễn Trải và Trung quốc Triết học Sử của Phùng Hữu Lan sang chữ quốc ngữ.  Những số báo 1 – 8 có nhiều bài biên khảo về văn học, xã hội, giáo dục do nhiều vị đã nổi danh trong giới khảo cứu và văn đàn đóng góp như Vương Hồng Sển, Thuần Phong Ngô Văn Phát, Lê Ngọc Trụ, Mai Thọ Truyền, Nguyễn Văn Y, Tuần Lý Huỳnh Khắc Dụng, Trần Văn Quế, Sơn Nam, Long Điền và vài người trẻ hơn như An Cư, Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Ngọc Huy, Lê Duy Tâm, Phạm Long Điền, v.v…

Chủ trương của tờ ĐNVT được ghi trên đầu mỗi tờ bìa là “phát huy văn hoá dân tộc”, và qua bài “Thỏ thẻ tâm tình” cùa ban biên tập trong ĐNVT số 5 thì lập trường của tờ báo được đề cập đến như sau:

“Đồng Nai, tên sao nôm na quê kịch mà sao thân thiết quý yêu!  Trên chỗ nước mặn đồng chua, âm thanh khêu gợi một chi chi thiêng liêng cao cả, như tiếng Rạch Gầm nhắc nhở chiến công oanh liệt của Quang Trung, như tiếng Đồng Tháp mở rộng cõi lòng về dĩ vãng kháng chiến hồi thế kỷ trước.  Đồng Nai, con sông lịch sử, con sông phì nhiêu, đã chở phù sa từ trên cao nguyên bồi thành đồng ruộng và đã tiếp đón bao nhiêu lớp buồm cánh dơi từ ngoài biển vào …

Vậy, trước hết, Đồng Nai Văn Tập là biểu tượng của chữ hiếu của những đứa con miền nước mặn đồng chua, đồng thời cũng biểu lộ lòng trung của những công dân Lục Tỉnh.

Hiếu với quê mẹ, vì chúng tôi yêu quê mẹ; trung với quê cha vì chúng tôi biết quê cha.  Người nào tài ba thông thái nhứt ở Âu Mỹ cũng không biết nước Việt Nam bằng người Việt Nam; hơn nữa, về sau thì không biết ra sao, chớ cho đến bây giờ, vì hình thể đặc biệt của đất nước thân yêu của chúng ta và vì hoàn cảnh chánh trị đặc biệt đau thương của trên tám mươi năm đô hộ của nước Pháp, chưa thấy có người nào sanh trưởng ở miền đồng chua nước mặn Lục Tỉnh, mặc dầu đã cố gắng rất nhiều, tỏ ra hiểu biết một cách thấu triệt các văn nhơn thi sĩ ở sông Nhị núi Nùng, thì trái lại dĩ nhiên người lớn lên ở đất “nghìn năm văn vật” không tài nào biết miệt Đồng Nai bằng người Lục Tỉnh.”

Xin giới thiệu đoản văn đầu trích trong hai bài khảo cứu, tiêu biểu cho các bài nói thẳng không vòng vo với báo ĐNVT.  Bài thứ nhứt trong ĐNVT số 5 “Một đoạn dĩ vãng Kịch nghệ Miền Nam từ Hát Bội đến Thoại Kịch” cuả Thuần Phong Ngô Văn Phát – ngay từ đầu bài với giọng văn sắc bén tác giả đã đặt vấn đề đối thoại văn hoá với ông Trần Thanh Hiệp.  Không rõ là sau bài báo này, đã có một cuộc bút chiến nào diễn ra và có hoà giải được hay không giữa hai người, hay lâm vào cảnh bế tắc như giữa cụ Phan Khôi và nhà học giả Phạm Quỳnh của thập niên 1930.

“Thấy nhan đề trên đây, ông Trần Thanh Hiêp đố khỏi phát la lên: “Cái xứ phèn này cũng có kịch nghệ và cũng có dĩ vãng kịch nghệ nữa à?” Nhà văn hoá đó, không biết”đã được mấy tuổi văn hoá và đã xây dựng sự nghiệp văn hoá bằng những lâu đài nào, nổi doá như vậy cũng có lý, nếu nói hùa theo ông, vì ông ta đã nói tại Câu lạc bộ Văn hoá của ông Phạm Xuân Thái tại đường Tự do ở Saigon, một buổi chiều nọ dưới thời nhà Ngô: “Miền Nam không có dĩ vãng văn hoá!”.  Người ta tiếc rằng ông văn hoá nhà ta từ đất “nghìn năm văn vật”di cư vào đây không có định nghĩa tiếng dĩ vãng và cũng không hạn định dĩ vãng là bao nhiêu năm.  Thời hạn từ 1954 đến 1963 có thể nói là một dĩ vãng của khối di cư không?  Người Mỹ mới lập quốc từ hồi 1787 có dĩ vãng không?  Gần ta hơn nữa, người Úc mới khai mõ vàng, từ 1853, có dĩ vãng không?  Và cái đất phèn miền Nam nầy có dĩ vãng không, khi cho đến nay, người ta mới biết lịch sử sơ lược của nó từ Mạc Cữu (1655 – 1735) đến giờ, trong lúc tổ phụ ta đã có mặt ở trên bãi phù sa Cửu Long từ trước đó.”

Tiếp theo là phần mở đầu của cụ Vương Hồng Sển viết về “Tìm hiểu Bá Đa Lộc” trong tập số 6.  Người đọc không phải phì cười vì đề tài khô khan, nhưng theo lối viết văn kiểu kể chuyện cà kê lại khôi hài ý nhị làm đề tài nhẹ nhàng, thu hút người ta hơn.

“Ngày nay khảo duyệt lại tiểu sử Bá Đa Lộc, và lấy bình tâm mà xét, sao khiến tôi thương cho ông quá.  Tôi thương nhứt là ông biết nước mắm Hòn như tôi, ông nói tiếng Việt rành và thông chữ Hán giỏi hơn tôi nhiều, ông có để lại hai bộ bản thảo tự vị mà ông Taberd dọn lại và in lại năm 1838 làm quyển: Nam Việt Dương hiệp tự vị (Dictionarium Anamitico-Latinum) và Latinh Nam Việt tự vị (Dictionarium Latino-Anamiticum) ngày nay đã liệt vào hàng sách lạ và hiếm có.  Thứ nhứt tôi thương và cảm động là khi chết, ông trối chôn ông trong bộ “habits cochinchinois”, tôi không biết dịch danh từ nầy ra tiếng Việt thế nào cho ổn thoả, vì habits là y phục đại lễ của triều đình hay tiểu phục đồ mát y nam thưở đó hay bộ lễ phục nhà tu Da tô cắt may trong vải lụa nội hoá?  Nội danh từ “cochinchinois”cũng làm tôi bối rối, vì tôi biết thưở ấy ngoài kia gọi Đàng Ngoài là “Cochinchine”, còn trong nầy là “Đàng Trong””, là “La Basse Cochinchine”, vậy chớ áo quần kia cắt may theo kiểu mốt Đàng nào?  Không biết thì thôi, biết là khổ vậy.”

Vì thời cuộc, chỉ sau hai năm đóng góp nhiều bài biên khảo đặc sắc, ông An Cư phải giới hạn lại các trang báo và số bài biên khảo.   Trong bài “Vài lời ngỏ cùng bạn đọc” với ĐNVT số 16, ta thấy đây như là bài viết chia tay với bạn đọc:

“Vụ biến động Tết Mậu Thân còn làm xáo trộn trong một thời gian dài nếp sống hằng ngày và lề lối tư tưởng của mọi từng lớp nhân dân.  Từ thành thị đến thôn quê hẻo lánh nhứt, nọi người, không chừa ai, đều bị bắt buộc vùi đầu tư lự, suy tính để đối phó với thời cuộc từng giây từng phút.  Người ta vừa không có thời giờ nhứt là không còn lòng dạ nào, ngồi yên tra cứu những bài nóì về chánh tả coi tiếng “sác””trong từ ngữ “rừng sác”viết t hay c, hoặc nữa ngồi đọc những bài khảo cứu tà tà khô khan không dính líu gì đến đại cuộc của quốc gia.  Nhóm nguyệt san Đồng Nai Văn Tập duyệt lại toàn bộ chủ trương để phù hợp với hiện tình của đất nước và để phục vụ Bạn Đọc một cách thiết thực hơn.

Kể từ quyển 16 nầy, Đồng Nai Văn Tập, TẠM THỜI trong vài số báo, không ra 148 trang, mà mỗi số chỉ có 32 trang.  Mỗi số sẽ không có nhiều bài.  Mỗi số sẽ đặt một vấn đề “nóng hổi”về thời cuộc liên quan đến bản thân của các Bạn Đọc, của các từng lớp nhân dân.”

Rất tiếc là việc rút ngắn các trang báo ĐNVT không chỉ khời sự từ số 16 và tạm thời trong vài số, mà còn kéo dài luôn cho đến số 22 và có lẽ đây là số sau cùng.  Ngoại trừ bài khảo luận “Về quê tìm cổ tích” của  Sơn Nam hay “Một lối viết tiểu thuyết” của Hồ Đắc Thắng, các bài khác lại chuyển hướng sang các mẫu chuyện thời sự, bàn luận về chánh trị theo quan điểm riêng của mình!

Muốn đọc ĐNVT,  xin mời vào trang Blog của nhà văn Trần Hoài Thư:

Dưới đây là bảng liệt kê tiêu biểu của vài bài viết biên khảo, phê bình trên Đồng Nai Văn Tập:

SốTháng/NămTựa bàiTác giả
111-1965Một nhà thơ trẻ Miền Nam: HỒN THU THẢONguyễn Văn Y
111-1965Bến Tre qua văn chương bình dânNguyễn Duy
212-1965Tổ quốc trường caSĩ Chí
212-1965Ngày tang Yên BáyĐằng Phương
212-1965Nhà thơ ẩn danh TRẦN MINH ĐỨC (1865-1945)An Cư sưu tầm
31-1966Những định luật căn bản của nền dân chủ hiện đạiNguyễn Văn Bông
31-1966Non nước Bà RịaPhạm long Điền
31-1966Nhơn châu kỳ 100 năm báo chí: Tạp chí đầu tiênThuần Phong
42, 3-1966Câu chuyện lịch sửTrần văn Quế
42, 3-1966Truy điệu một nhà văn kháng chiến: cụ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872)Thuần Phong
42, 3-1966Hướng xuống của văn nghệ hôm nayBùi hoàng Thư
54-1966Khảo cứu về nguyên nhơn hiện tượng chậm họcBS Nguyễn minh Tân
54-1966Một đoạn dĩ vảng kịch nghệ Việt Nam: từ Hát Bội đến Thoại kịchThuần Phong
66-1966Một nho sĩ miền Nam: cụ Lê Lương TriNguyễn văn Y
66-1966Tài liệu sử về Saigon – Nhắc chuyện xưaTuần Lý Huỳnh Khắc Dụng
66-1966Tinh thần tiếng ViệtLê Ngọc Trụ
66-1966Bài thơ Điếu mộ Đạm TiênTạ Quang Phát
77-1966Câu chuyện bắt quàng từ tác phẩm của cụ Đồ Chiểu đến tác phẩm “Ró Mận”Vương hồng Sển
89,10-1966Đại học Văn khoa Việt NamBữu Cầm
89,10-1966Một bài sử Việt quan trọng:  Ranh giới Việt NamLê Ngọc Trụ

Võ phi Hùng, 1-3-2023