“Dinh Sáng tạo” – tại sao không?

Phúc Tiến (PK 1973)

(nguồn: http://nguoidothi.net.vn/dinh-sang-tao-tai-sao-khong-14625.html ngày 01/08/2018)


Dinh sang tao 01
Khu phố nơi hiện diện Dinh Thượng Thơ có nhiều công trình xưa và không gian di sản. Ảnh: Qúy Hòa

Đêm giao thừa Tết Tây 2017, trên đại lộ Nguyễn Huệ xuất hiện một không gian lộng lẫy và huyền ảo: mặt tiền tòa nhà UBND TP.HCM trở thành màn hình khổng lồ trình diễn nhiều hình ảnh mùa xuân rộn ràng, tươi vui. Khoác chiếc áo ánh sáng diệu kỳ, bằng công nghệ chiếu sáng laser 3D, dinh thự này càng xứng đáng là tòa lâu đài – kiến trúc châu Âu cổ điển quý hiếm giữa một trung tâm thành phố đang bị vây kín bởi rừng nhà cao tầng bọc kính thô kệch.

Tòa nhà đẹp lạ lùng – sang năm chạm cột mốc sinh nhật 110 năm – vào ngày thường chỉ là nơi hội họp, làm việc. Xem ra những tòa nhà công cộng nếu chỉ sử dụng làm trụ sở hành chính không thôi thì chưa cống hiến hết cho dân những vẻ đẹp và công năng tuyệt vời của nó. Hiện giờ, nhiều kiến trúc di sản ở Việt Nam đang trong tình trạng mai một hoặc nếu may mắn còn sót lại và được tôn vinh thi thoảng, đều nằm trong tình trạng sử dụng đơn điệu hay lãng phí đáng tiếc.

Tòa thị chính cho… dân chơi

Có dịp đến Vienna – thủ đô Áo, nơi có nhiều bảo tàng cổ kính, kiến trúc làm tôi nhớ mãi lại là tòa thị chính. Được xây dựng năm 1872, tòa thị chính Thành Vienna là một lâu đài nguy nga nhìn ra bốn mặt phố, với tháp chuông đồng hồ theo kiểu Gothic – biểu tượng thường thấy ở châu Âu. Bước vào sảnh tòa nhà, người ta gặp ngay một quầy hướng dẫn du lịch và souvenir thành phố. Khách được mời tham quan rộng rãi nhiều khu vực bên trong, kể cả phòng họp lớn của Hội đồng thành phố, ngoại trừ một số hành lang dẫn qua các phòng làm việc.

Trong tòa nhà, có hẳn một khu trưng bày hình ảnh, họa đồ lịch sử xây dựng và sinh hoạt của tòa thị chính. Một món quà bất ngờ cho du khách là bên trong tòa nhà có một khu vườn – sân trời, gọi là Arkaden Hof, rộng hơn 2.800m2. Viền chung quanh vườn là hành lang có những chiếc vòm cong duyên dáng theo kiểu Venice.

Dinh sang tao 02
Tháp đồng hồ (ảnh trên) và khu vườn tượng trong tòa thị chính Vienna – Áo.

Dinh sang tao 03

Cả ngôi vườn và các hành lang không phải là nơi để các công chức ra chơi thể thao hay uống bia giải lao. Ngược lại, đó là nơi trưng bày các công trình điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt, cả xa xưa và hiện đại. Dạo bước tại đây, du khách có cảm giác đang lạc bước vào một bảo tàng mỹ thuật và lịch sử ngoài trời đầy thánh thiện, chứ không phải một công sở bận rộn. Bước qua vườn, đến cửa tháp đồng hồ, du khách sẽ thấy quảng trường tòa thị chính trải rộng.

Tại đây vào mùa đông, một phần quảng trường ngay trước cửa tòa nhà trở thành sân trượt tuyết cho trẻ em. Mùa Noel, quảng trường là nơi dựng chợ Giáng sinh tấp nập, một dạng chợ tết của châu Âu. Tòa thị chính Vienna còn là nơi diễn ra các hội nghị, hội thảo, hòa nhạc. Đặc biệt, người dân có thể đặt một phòng khánh tiết tại đây với nội thất như kiểu hoàng gia (Stone Hall 2) làm tiệc cưới gia đình.

Dinh sang tao 04
Sân trước tòa thị chính Philadelphia là sân trượt tuyệt công công vào mùa Đông (ảnh trên). Chung quanh tòa thị chính các công trình cổ đều được gắn bảng đồng , hướng dẩn chi tiết.

Dinh sang tao 05

Một tòa thị chính như vậy, thực sự là lâu đài của dân, nơi dân có thể sử dụng cho nhiều việc thư giãn, sáng tạo chứ không phải chỉ là “công đường” của quan chức! Đó là nơi người dân và du khách ra vào, thưởng ngoạn chứ không phải là “thư phòng” kín cổng cao tường. Các tòa thị chính Âu – Mỹ mà tôi có dịp tham quan, như ở London, Paris hay Philadelphia, San Francisco, đều mang dáng vẻ thân thiện và mở cửa phục vụ dân với nhiều loại hình phong phú tương tự.

Tại Singapore, gần đây, tòa thị chính xưa hợp cùng tòa nhà đồ sộ nhiều năm liền làm trụ sở tòa án, cả hai là kiến trúc Ăng lê thời Victoria, đã được hợp nhất và cải biến làm National Gallery. Hai tòa nhà ấy đầy ắp những tranh tượng quý giá thu thập từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Người dân Singapore khi vào đây, cũng như vào tất cả các bảo tàng khác ở nước này, đều được miễn phí!

Không gian di sản cũng là không gian sáng tạo!

Những tháng vừa qua, dự án phá bỏ tòa nhà xưa 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1 TP.HCM (“Dinh Thượng thơ”) để xây mới phần mở rộng trụ sở UBND TP.HCM đã gây rất nhiều ngạc nhiên và buồn đau. Ông Lê Thái Hỷ – nguyên giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông, đơn vị đang đóng tại phần lớn tòa nhà này, là một cựu công chức đầu ngành sớm có kiến nghị dừng lại dự án trên.

Dinh sang tao 06

Dinh sang tao 07
Tòa nhà xưa 59-61 Lý Tự Trọng, quận 1 TP.HCM (còn gọi là “Dinh Thượng thơ”), hiện diện giữa Sài Gòn đã hơn 130 năm. Ảnh: Qúy Hòa

Trong một cuộc gặp mới đây với người viết, ông Lê Thái Hỷ – người từng tham gia xây dựng đề án “Thành phố thông minh”, cho rằng sáng tạo là đặc tính lớn nhất cần có ở các thành phố này. Theo ông, “Thành phố thông minh” phải có nhiều không gian nuôi dưỡng, kích thích ý tưởng sáng tạo. Đó không chỉ là trường học, viện nghiên cứu, khu công nghiệp mà còn là vườn hoa, bảo tàng, nhà hát và kể cả công sở. Bản thân công chức cũng phải là công dân sáng tạo, người ủng hộ và tham gia cải tiến, cải cách công việc hành chính không ngừng. Công sở phải trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ của những người muốn tạo ra cái mới thúc đẩy tiến bộ xã hội chứ không phải là “tháp ngà” – nơi ban hành những quyết định xa rời cuộc sống!

Vì những lẽ trên, ông Hỷ đề nghị lãnh đạo thành phố không chỉ rút bỏ dự án xóa đi tòa nhà “Dinh Thượng thơ” mà còn cần nghĩ đến việc biến nơi này thành không gian sáng tạo. Theo ông, sau khi trùng tu tòa nhà, nơi đây không nên tiếp tục dùng làm công sở xét duyệt giấy tờ. Chính quyền thành phố có thể giao tòa nhà cho Hội Sử học, Hội Kiến trúc sư dùng làm nơi triển lãm, trưng bày, hội thảo các vấn đề lịch sử, kiến trúc, quy hoạch. Người dân và giới chuyên môn coi đây là một địa chỉ lui tới để ngắm nhìn lịch sử Sài Gòn xưa, trao đổi các ý tưởng chăm chút giữ gìn và phát huy di sản, xây dựng thành phố hay đẹp trong tương lai.

Chính “Dinh Thượng thơ” hợp cùng “Dinh Gia Long” (Bảo tàng Thành phố), Thư viện Khoa học Tổng hợp, Tòa án thành phố, trụ sở UBND thành phố và hai vườn hoa nhỏ (công viên Chi Lăng và công viên trước “Dinh Gia Long”) sẽ làm hai con đường đầy cây xanh – Lý Tự Trọng và Lê Thánh Tôn – trở thành một khu phố di sản độc đáo. Khu phố ấy cũng là khu phố sáng tạo, bởi di sản lịch sử vừa là thành quả của sáng tạo đã có, vừa là nguyên liệu cho sáng tạo sắp đến!

Ông Lê Thái Hỷ còn cho rằng để tạo nên những không gian sáng tạo như thế, cần xóa đi cách làm cũ là chỉ đơn thuần sử dụng các cơ quan nhà nước. Theo ông, hoàn toàn có thể “xã hội hóa”, mời gọi các tổ chức phi chính phủ, các đơn vị tư nhân và cá nhân tham gia các dự án giữ gìn và tôn vinh di sản một cách minh bạch và hiệu quả. Tôi tin rằng, mặc dù về hưu, ông Hỷ vẫn sẽ tiếp tục dành thời gian và công sức cho những kiến nghị hữu ích và có thể chấp bút cho những đề án mới mẻ và thiết thực ấy.

Trong đó, với đề án sử dụng mới “Dinh Thượng thơ”, người viết xin gọi trân trọng là xây dựng “Dinh Sáng tạo”! Và không chỉ một “Dinh Sáng tạo”, “Phố Sáng tạo” ở thành phố này, đất nước này mà còn nhiều nữa những công trình thiết kế, quy hoạch, bảo tồn lấy lại niềm tin yêu vào quá khứ hay đẹp để xây đắp hiện tại và tương lai vững bền.

Toàn xã hội hãy cố gắng giữ lại bằng được, giữ gìn tốt và đem thêm sức sống mới cho các tòa nhà xưa đẹp đang làm dinh thự công quyền, tòa án, bảo tàng hay các khu phố chợ cổ kính, các đền đài, thành quách lịch sử thông qua nhiều nội dung hoạt động kích thích ý tưởng nhân ái và nhân sinh.

Dinh sang tao 08

Dinh sang tao 09

Dinh sang tao 10
Bên trong “Dinh Thượng thơ” hiện tại, nơi có thể trùng tu, làm mới thành không gian sáng tạo.

Sinh viên và các bạn trẻ mong muốn khởi nghiệp có thể tìm thấy sự trợ giúp ý tưởng, địa điểm bàn thảo các dự án kinh doanh, kể cả các dự án tôn vinh và làm cho di sản sinh lợi. Các tỷ phú, giới kinh doanh, nhà thiết kế, nhà xây dựng cần coi đây là điểm đến của đồng tiền thông minh, đồng tiền nhân văn. Các chính khách và công chức không thể không quý trọng công trình di sản của các thế hệ trước, coi giữ gìn và phát huy di sản là một mục tiêu không thể thiếu trong sự nghiệp phục vụ người dân.

Thực tế cho thấy nhiều nước công nghiệp xa gần, sau khi trả giá đắt cho việc làm mất mát hay hư hỏng các cảnh quan và kiến trúc đặc sắc, đã bằng nhiều cách phục hồi, nâng niu và làm cho các di sản sinh lợi ra tiền và các giá trị cao thượng. Giờ đây, yêu quý di sản, biết sử dụng hiệu quả di sản được coi là một trong những thành phần, một thước đo tiêu chuẩn quốc tế cho những “thành phố thông minh” và quốc gia văn minh, dân chủ, giàu mạnh! Lại thêm một việc, chúng ta không thể tách khỏi chiều hướng đi lên chung của nhân loại.

Bài và ảnh: Phúc Tiến