Con chó và con cầy

Tiền Lạc Quan

(Nguồn: Đại học Khoa Học Sài gòn – Xuân Mậu Tuất 2018)

Ta thường nghe các bợm nhậu gọi con chó là “Nai đồng quê” hoặc là “con cầy”. Như “hạ cờ Tây” là nói lái chữ “cầy tơ”, “Hạ cờ Tây”, tức là “hạ cầy tơ”. Sau 1975, thiếu gạo, thiếu ăn, có người làm thơ tiếu lâm có hai câu đối:

     “Thuở trước thừa tiền chê phở Bắc
     Ngày nay thiếu gạo thích cờ Tây”

(Quên tên tác giả và không nhớ được hết bài thơ)

“Thích cờ Tây” tức là thích cầy tơ, ý nói buồn đời chỉ thích nhậu mà thôi cho qua ngày tháng, không nhất thiết là phải nhậu thịt chó, hễ con gì nhúc nhích là có thể làm mồi nhấm nháp tất!

Lại còn có tiếng lóng chỉ món thịt chó là “mộc tồn”. Đây là một lối chơi chữ dùng tiếng Hán Việt kết hợp với nói lái: “mộc” nghĩa là cây, “tồn” nghĩa là còn, “cây còn” nói lái lại là “con cầy”.

Có lẽ “cầy” là tiếng địa phương, ở một số vùng nào đó người ta gọi con chó là con cầy?  Lại có thành ngữ “Run như cầy sấy”, có người giải thích là con chó bị ướt, lạnh nên run thân mình để cho khô. Nghĩa rộng so sánh người vì sợ quá nên run cầm cập.

Năm con chó, “méo mó nghề nghiệp” Động Vật Học: Thật ra con cầy không phải là con chó. Tuy cùng thuộc Lớp Thú Hữu Nhũ (Mammalia), Bộ Thú Ăn Thịt (Carnivora), chó và cầy thuộc hai Phân Bộ (Bộ Phụ) và hai Họ động vật khác nhau, do vậy chúng có những đặc tính động vật học và sinh học khác biệt nhau.

     – Chó thuộc Phân Bộ Dạng Chó (Caniformia hay Canoidea) và thuộc Họ Chó (Canidae)
     – Cầy thuộc Phân Bộ Dạng Mèo (Feliformia hay Feloidea) và thuộc Họ Cầy (Viverridae)

Một số đặc tính Động Vật Học của hai Phân Bộ Caniformia và Feliformia

  •  Hình dáng:

– Các loài thú Caniformia có mõm dài, móng vuốt không thể co rụt vào được (non-retractile claws). Hầu hết đi bằng gan bàn chân (plantigrade), ngoại trừ những loài thú thuộc Họ Chó (Canidae), gồm chó nhà, chó sói, chồn cáo, đi bằng các đầu ngón chân (digitigrade).

– Các loài thú Feliformia có mõm ngắn hơn, móng vuốt có thể co rụt vào (retractile claws), các loại thú này đi bằng các đầu ngón chân (digitigrade), chứ không bằng gan bàn chân.

  • Bộ phận sinh dục

– So với chiều dài cơ thể, xương dương vật (os priapi, baculum – số nhiều: bacula) của các loài thú thuộc Caniformia dài hơn xương dương vật của các loài thú Feliformia.

Xương dương vật có chức năng đảm bảo cho sự giao phối của các loài thú hiệu quả hơn, như giúp cho thời gian giao phối dài hơn, do đó đảm bảo cho sự thụ tinh được chắc chắn hơn, … Xương dương vật được hình thành và phát triển từ khoảng 145 triệu năm đến 95 triệu năm về trước. Ngày nay, xương dương vật chỉ có ở một số loài thú thuộc Phân Thứ Lớp Thú Hữu Nhũ Có Nhau Thai (Infraclass Placentalia). Ở loài người và ở một số loài thú thuộc Bộ Linh Trưởng (Primate) xương dương vật đã bị thoái hóa qua quá trình tiến hóa.

Xương dương vật chó sói “Giant Dire Wolf” Canis dirus

(Phân Bộ Dạng Chó Caniformia)

http://qvcproject.blogspot.com.au/2012/06/

– Các loài thú Caniformia không có các tuyến bulbourethral glands (tuyến hành hay niệu quả) và vesicula seminalis (tuyến tinh dịch), còn các loài thú Feliformia thì có các tuyến này.

  • Túi bao thính giác: các khoang xương bao gồm tai giữa và tai trong (Auditory bullae)

– Túi bao thính giác ở các loài thú Caniformia chỉ có một khoang (single-chambered) hoặc khoang này không hoàn toàn được ngăn làm hai (partly divided), cấu tạo bởi một xương (tympanic bone).

– Còn ở các loài thú Feliformia, cấu tạo túi bao thính giác gồm 2 khoang (double-chambered) do 2 xương (tympanic & endotympanic bones) kết nối bằng một vách ngăn (septum).

  • Cấu tạo bộ răng, thức ăn và tập quán săn mồi

– Tuy là loài thú ăn thịt, các răng nhai thịt của một số loài thú Caniformia không được chuyên hóa rõ ràng để chuyên ăn thịt (carnassial teeth: răng tiền hàm thứ tư ở hàm trên và răng hàm thứ nhất hàm dưới – PM4/m1). Những thú này ăn tạp nhiều hơn (omnivorous) và có tập quán săn mồi theo kiểu cơ hội (opportunistic feeding).

– Hàm răng các loài thú Feliformia rất phát triển, các răng nhai thịt được chuyên hóa rõ ràng để chuyên ăn thịt (răng tiền hàm thứ ba ở hàm trên và răng hàm thứ nhất hàm dưới – PM3/m1). Những loài thú Feliformia có tập quán săn mồi kiểu mai phục (rình mồi rồi tấn công bắt mồi).

  • Môi trường sống

– Các loài thú Caniformia chủ yếu sống trên mặt đất (non-arboreal), chỉ có một số loài sống trên cây (arboreal).

– Nhiều loài Feliformia chủ yếu sống trên cây (arboreal), nhiều loài khác vừa sống trên cây vừa sống trên mặt đất (semi-arboreal).