Cuối thập niên 70 và những năm đầu thập niên 80 đi đến đâu tôi cũng nghe người ta bàn bạc chuyện vượt biên, vượt biển. Người ta còn nói “cây cột đèn mà biết đi nó cũng bỏ xứ đi rồi” .. Cái tuổi của tôi lúc đó là cái tuổi “bị đăng lính” nên ba má cũng cố gắng tìm cách cho tôi đi xa. Sau ba lần đi đường Rạch-Giá không thành, và nhờ sự giúp đỡ chân tình và hết lòng của cậu Hai dưới Bạc-Liêu, tôi cũng được đi chuyến này qua đường Cà-Mau.
May nhờ ơn trên chuyến đi đến được bến bờ bình an, sau những cơn “sóng gió” đến đau lòng ..
36 năm dâu biển trôi nhanh, tóc tôi giờ đã có nhiều sợi bạc, ngồi lại viết những dòng này, có nhiều chi tiết đã không còn nhớ rõ nhưng tôi đã hết sức cố gắng để ghi lại “một phần đời” của mình để mai này có bị “lãng trí” vẫn còn có cái để mà đọc, mà nhớ ..

Bài viết xin được chia làm 3 phần ..


Phần 3: Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng (*)

Vưu Văn Tâm (PK 1974-81)

FB_IMG_1509050027970
Tấm hình kỹ niệm tàu vượt biên của Vưu Văn Tâm được một phóng viên người Úc chụp từ tàu Cap Anamur.

“Cá Lớn” buông xuôi theo chiều gió và số phận mấy chục người trên ghe cũng đành phó mặc cho trời. Đi hết một ngày, hầu hết mọi người trên ghe đều bị say sóng, mặt mày xanh lè như tàu lá chuối, ói mửa la liệt, nằm bẹp trên sàn ghe .. Giữa biển cả mênh mông, một chiếc ghe bé nhỏ trôi lênh đênh vô cùng tội nghiệp. Trong cơn mơ màng giữa hai bờ sống chết, tôi chỉ thấy trời và nước, không một bóng cây và chim muông cũng tản mạn nơi nao rồi ..

“Thuyền trôi xa về đâu ai biết
Thuyền có về ghé bến tự do
Trời cao xanh hay trời oan nghiệt
Trời có buồn hay trời chỉ làm ngơ ..” (**)

Trời càng về khuya, hình như không còn ai còn sức để cử động nữa. Nhìn qua ngó lại chỉ còn hai người gầy ốm nhất là anh Thanh và anh bác sĩ Xuân còn được chút sức lực để tát nước .. Ôi, đêm giữa trùng dương mênh mông sao dài như vô tận ..

Mấy chục mạng người được đón ánh bình minh trên biển trong một hoàn cảnh vô cùng nghiệt ngả. Biển trời ban mai thanh vắng và sóng gợn lăn tăn, không xa lắm tôi thấy một khoảng sương mù dày đặc ..

co tin vui 01Khi màn sương tan đi thì xuất hiện trước mặt tôi  là một chiếc tàu đánh cá của người Thái Lan. Ui, chẳng lẽ gió đưa sóng đẩy mình lạc vào đất Thái ? Trước lúc khởi hành, các anh chị đã tính toán kỹ lưỡng đường đi nước bước theo hướng Mã-Lai mà ! Thì ra .. “người tính, ta tính, mọi việc không qua trời tính” ..

Một tên người Thái nhảy xuống ghe, xem máy móc rồi ra dấu phải nộp tiền thì nó mới chịu cứu. Từ trên tàu Thái, họ quăng xuống một chiếc giỏ đan đệm và ai nấy cũng móc hầu bao cho vào cái giỏ ấy. Chúng dùng một sợi dây thừng thật to để nối chiếc ghe với chiếc tàu của chúng. Sau đó chúng lần lượt di chuyển phụ nữ và trẻ em lên chiếc tàu lớn. Có một số các anh vì nóng lòng vợ con cũng đu lên boong tàu tụi Thái. Chiếc tàu lớn đi trước và kéo theo chiếc ghe bé xíu. Trên ghe chỉ còn lại đàn ông và thanh niên ..

Theo lời các anh chị kể lại, tên thuyền trưởng tàu Thái Lan còn rất trẻ và trên cổ có đeo một sợi dây chuyền vàng với cái tượng Phật thật to. Y hỏi chị Huệ về chuyến đi và cho thằng bé 3 tuổi con của chị một nắm kẹo. Mọi người trên boong tàu cũng được dùng một bữa ăn trưa với cơm và cá hấp. Đa số các chị khi vừa thấy tàu Thái Lan đều dùng dầu nhớt bôi đen mặt mũi và tay chân mình, cố tình làm cho xấu, cho biến dạng. Nhưng đặc biệt có một chị còn rất trẻ – tên Ng. – khá mập mạp nhưng gương mặt cũng xinh xinh. Chị vừa đặt chân lên tàu Thái là ngỏ ý xin xà-bông và xin được .. đi tắm. Hỏng lẽ chị muốn làm “áp trại phu nhân” (?) .. Sau này tôi nghe nói chị được định cư bên Úc.

co tin vui 02Đám đàn ông và thanh niên còn lại trên ghe cũng được hưởng chút ơn “mưa móc”. Từ trên tàu Thái, họ quăng xuống ghe một nồi cơm trắng tinh và một rổ cá nục thật to. Những con cá hấp còn tươi xanh với con mắt trong veo được xếp ngoan ngoãn cùng với lớp muối hột được rắc lên trên. Dưới ánh nắng ban trưa những hạt muối long lanh như những hạt kim cương. Trong lúc mọi người cắm cúi ăn uống sau mấy ngày đói khát, tôi thấy từ trên tàu Thái có một tên ở trần, râu ria xồm xoàm, mặt mày bặm trợn, trong tay cầm một con dao phai. Y nhìn về hướng ghe và ra dấu sẽ cắt đứt sợi dây thừng .. Trời ơi, tôi nghĩ có lẽ đây là bữa ăn cuối cùng để .. tiễn vong (!?)

Anh Bình nghẹn ngào hỏi tôi “sao mày hỏng ăn, nữa chết đi thành con ma chết thèm đó” .. Tôi nói “trước sau gì cũng chết, không ăn cơm của kẻ thù”. Lúc đó trong thâm tâm tôi đã nghĩ “vậy là xong, mình tới số rồi!”

Lát sau lại xuất hiện thêm một chiếc tàu nữa của tụi Thái. Chiếc tàu này bề thế hơn chiếc trước rất nhiều. Trời đất bắt đầu nổi cơn giông. Những ngọn sóng thật cao làm chiếc ghe nhỏ xíu va chạm thật mạnh vào một trong hai chiếc tàu Thái. Mũi ghe đã bắt đầu rạn nứt, nước biển tràn vào đến mắc cá.

co tin vui 03Từ xa khơi một chiếc tàu thật to xuất hiện và rõ dần, rõ dần .. Từ trên chiếc tàu đó phát ra những câu nói bằng tiếng mẹ .. “chúng tôi là tàu Tây Đức đi cứu người vượt biên” .. Bên phía tàu Tây Đức đòi hỏi phía Thái Lan phải trả lại hết người Việt Nam trở về chiếc ghe cũ, nếu không thì họ sẽ dùng vũ lực. Sau một hồi giằng co, cuối cùng tụi Thái cũng chịu trao trả lại tất cả những người vượt biển và trước khi ra đi chúng cũng húc một cú thật ngoạn mục vào chiếc ghe bé nhỏ kia. Chiếc ghe sông rạch nhỏ xíu vốn dĩ đã tội nghiệp .. nay lại càng thê thảm hơn.

co tin vui 04Từ trên tàu Tây Đức các thủy thủ người Phi Luật Tân cột hai đầu ghe vào chiếc tàu lớn, rồi họ bắt đầu di chuyển mọi người lên trên. Những ai còn sức thì sẽ tự leo lên với những chiếc thang thắt bằng dây thừng được thả từ trên cao xuống sát sườn tàu. Phụ nữ và trẻ em được câu lên bằng những cái thúng cũng được thắt từ những sợi dây thừng to bản.

Lên đến nơi, tôi mới biết đây là chiếc tàu thiện nguyện được quyên góp từ những tổ chức từ thiện tại Tây Đức và những nước tự do, cũng như từ những người dân Tây Đức và người dân các nước Tây Âu giàu lòng nhân ái. Tàu ra khơi được khoảng hai năm và đã cứu vớt được rất nhiều người Việt Nam trên đường vượt biển tìm tự do. Tên chiếc tàu là Cap Anamur.

Mấy chục người mới đến được chiêu đãi bằng nước trà ấm pha đường và 1 lát bánh mì sandwich cắt làm đôi kẹp thịt nguội (Jambon).
Trước khi cứu chiếc ghe chúng tôi, tàu cũng đã cứu vớt trong đợt ra khơi này được 6 chiếc ghe vượt biển khác. Sau khi điểm danh, số người trong ghe lên đến .. 95 người. Thành ra có đến hơn 40 người .. “khách lạ” ! Chị Huệ và gia đình đã dự trù chuyến đi này khoảng 45 đến 50 người thôi. Có lẽ những người “khách lạ” do công an bến bãi “gửi gắm” và những người dẫn đường “mồi chài” để kiếm thêm ..

Chiếc ghe cũng được vớt lên để bà con nhận lại hành lý còn sót lại của mình. Trước khi thủy táng chiếc ghe theo luật hàng hải quốc tế, anh thiện nguyện viên trên tàu cũng hỏi chị Huệ có còn vàng bạc hay của cả cất giấu trong ghe không ..

co tin vui 05Sau đó họ đục thủng chiếc tàu và thả từ từ xuống biển. Trên boong tàu ngập kín người và người. Mấy trăm cặp mắt đều hướng theo chiếc ghe nhỏ bé của mình từ từ chìm xuống .. Ôi, con “Cá Lớn” đã đưa chúng tôi đến đây, hơn 40 tiếng đồng hồ vượt đại dương, đi tìm cái sống trong cái chết, biết bao gian truân, biết bao ngậm ngùi. Giờ đây mình phải nói lời chia tay với nó. Từ nay nó sẽ thôi đưa rước khách sang sông, nó đã làm tròn sứ mạng thiêng liêng của mình. Tiễn nó ra đi .. trong lòng mọi người, trong lòng tôi hình như đang có chút gì rơi vỡ, mắt tôi cay cay ..

Hôm đó cũng là đêm rằm Trung Thu, đến chiều tối mọi người cũng được hưởng cái tết trung thu trong bầu không khí ấm cúng, ấm áp tình người. Tết Trung Thu trên một con tàu nhân đạo. Mỗi người được phát cho một chén chè đậu đen, tuy chỉ có vài ba hạt đậu nhưng sao nghe ngọt bùi đến từng khúc ruột ..

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Lời cầu kinh vừa có người nghe
Trái tim ơi, đất trời lồng lộng
Chờ đêm đêm biển hát tình ca
Siết tay nhau cúi đầu gạt lệ
Tạ ơn Trên .. Người vẫn thương người .. (**)

Càng về khuya, gió đêm càng se lạnh .. Đứng trên boong tàu với các anh, cùng chia nhau điếu thuốc, tôi thấy ánh trăng đêm rằm tháng tám hình như sáng hơn, trong xanh hơn và cuộc đời mỗi người trên tàu từ đây đã được lật sang một trang mới.

(*) tên bài hát của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng
(**) trích dẫn ca khúc “Lời kinh đêm” của nhạc sĩ Việt Dzũng phổ nhạc theo lời thơ của thi sĩ Mán Thuận

21.09. 2017

Vưu Văn Tâm (PK 1974-81)


Rupert Neudeck Đại ân nhân của người Việt tỵ nạn tại Đức

By Minh Khuê – June 29, 2016

(nguồn: http://baotreonline.com/rupert-neudeck-da%CC%A3i-nhan-cu%CC%89a-nguoi-vie%CC%A3t-ty-na%CC%A3n-ta%CC%A3i-duc/)

Lời Giới Thiệu: “Vừa qua cộng đồng người Việt tại Đức đã thương tiếc tiễn đưa một vị ân nhân người Đức có công ơn đã cứu vớt hơn 11,000 thuyền nhân Việt Nam trong thập niên 70-80. Hầu hết những người Việt hải ngoại tại Đức xưa kia bỏ nước ra đi, vượt biên hay bảo lãnh, đều mang ơn sâu đậm đối với ông. Đây là bài viết của tôi về ông Tiến sĩ Rupert Neudeck, cựu chủ tịch Cap Anamur, nhằm nêu danh vị đại ân nhân này trong cộng đồng Việt Nam ngoài Đức Quốc. Bài viết  cũng nhằm mục đích cổ vũ việc góp quỹ cho hội từ thiện do vị đại ân nhân này sáng lập.” (Dr. Xuan Khoi LE DDS)

Trẻ (Báo Trẻ online) nhận được thư và bài của Dr. Xuan Khoi LE DDS, ký tên Minh Khuê gửi tới từ Luân Đôn, anh (sinh năm 1973)  là một người được bảo lãnh theo diện đoàn tụ gia đình, tới Đức năm 1990, tốt nghiệp ngành Nha Khoa Đức, tu nghiệp, làm việc và sống tại London.

“Con tàu đã được nhiều người tị nạn Việt Nam xem như một biểu tượng của sự tái sinh, những người dường như đã tuyệt vọng với cuộc sống từ lâu. Sau khi có rất nhiều tàu khác đã lờ bỏ đi qua thì đột nhiên xuất hiện một con tàu  bắt loa phóng thanh tiếng Việt: ‘Đây là tàu của Cộng hòa Liên bang Đức, một chiếc tàu đặc biệt dành cho bạn và để cứu bạn’. Điều này vẫn còn là một khoảnh khắc khó tin cho hàng ngàn người vượt biển”.

Dr. Rupert Neudeck
Dr. Rupert Neudeck

Tiến sĩ Rupert Neudeck (SN 14/05/1939), được biết đến với nhiều việc làm nhân đạo trên toàn thế giới, đặc biệt cứu vớt hơn 11,000 thuyền nhân Việt Nam (Boat People) trong thập niên 70-80, vừa qua đời ở tuổi 77 trong một ca phẫu thuật tim ngày 31/05/2016.

Sinh ra tại thành phố Danzig (nay Gdansk, Ba Lan) ông sống cùng gia đình tại Danzig-Langfuhr (nay Wrzeszcz) cho đến 1945, khi phần lớn những người di dân Đức đều bị trục xuất về nước. Gia đình Neudeck đã may mắn thoát khỏi tay tử thần khi bỏ lỡ chuyến tàu di dân định mệnh Wilhelm Gustloff, con tàu mà ngay sau đó đã bị một tàu ngầm của Liên Xô đánh chììm gây tổn thất lớn về nhân mạng. Sau đó gia đình ông đã thành công chạy trốn và định cư tại Hagen, Tây Đức. Cuộc sống di tản và tị nạn cùng gia đình đã để lại nhiều dấu ấn trong thời thơ ấu của cậu bé Rupert.

Khi còn trẻ, ông đã theo học và tốt nghiệp về triết học, thần học và văn học Đức. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ năm 1972 ông chính thức làm việc trong ngành truyền thông và báo chí với vai trò là phóng viên, nhà báo và biên tập viên.

Dr. Rupert Neudeck 04
Rupert cùng vợ Christel Neudeck

Do bị thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng thuyền nhân Việt Nam từ giữa thập niên 70, Rupert cùng vợ Christel Neudeck, nhà văn Heinrich Böll (đoạt giải Nobel văn học năm 1972) và một số bạn thành lập “Ủy ban một con tàu cho Việt Nam” nhằm phát động phong trào cứu trợ những người vượt biên bằng đường biển sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975. Năm 1979 Ủy ban đã thuê một tàu thương mại (thường được dùng để chở hàng) nhằm mục đích cứu cấp các thuyền nhân trong khu vực Đông Nam Á. Sự việc đó cũng dẫn đến việc hình thành tổ chức “Cap Anamur”, một đoàn thể thiện nguyện thường trực.

Theo số liệu của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn từ năm 1977 đến năm 1995 đã có khoãng 800,000 người dân Việt rời bỏ quê hương an toàn đến các trại tị nạn ở các nước láng giềng. Họ là những người may mắn được cứu vớt và sống sót. Nhưng có hàng trăm ngàn người không may mắn đã không bao giờ đến được bến bờ (ước tính là khoảng 500,000 người). Theo lời nhận xét của ông Neudeck, việc phải rời xa quê hương và đổi mặt với muôn vàn nguy hiểm trên đại dương bằng những chiếc ghe nhỏ nhoi quá tải, có thể bị nhận chìm bởi các cơn bão hay bị tấn công bởi hải tặc là một cuộc khủng hoảng nhân đạo mà họ “không thể đứng nhìn và bỏ qua”. Từ năm 1979 đến 1987, Rupert Neudeck và Ủy ban Cap Anamur đã được ghi nhận cứu vớt hơn 11,000 thuyền nhân trên biển và cung cấp hỗ trợ y tế, lương thực cho ít nhất 35,000 người vượt biển khác. Đại đa số những thuyền nhân được Cap Anumur cứu vớt đã được trực tiếp đưa sang tị nạn ở Đức Quốc.

Do luật di dân nhập cảnh ngày càng trở nên khó khăn trên toàn thế giới, đôi khi tổ chức của ông lại phải đấu tranh để vượt qua các rào cản pháp lý của các nước sở tại để dành quyền tị nạn cho những người Việt được thuyền cứu vớt.

“Chúng ta không được nhút nhát vì sự ngây thơ của mình, chúng ta không được sợ hãi vì không phải là một chuyên gia, chúng ta không cần trước hết phải tham khảo nghiên cứu đang lúc người ta chết đuối rồi sau đó mới cứu họ. Tôi đã rất ngây thơ khi bắt đầu công việc này. Đôi khi chúng ta phải trở nên bất hợp pháp để thực hiện được những điều tuyệt vời trên thế giới ”.

Dr. Rupert Neudeck 02
Rupert Neudeck, người sáng lập của tổ chức cứu trợ của Cap Anamur – photo EPA / Schiller

Sau khi hoàn thành sứ mạng cứu vớt thuyền nhân trên Biển Đông, Neudeck vẫn duy trì công việc nhân đạo cứu trợ những người di tản và tị nạn khắp nơi trên toàn thế giới điển hình như tại Eritrea (Phi Châu), Bosnia (Đông-Nam Châu Âu), Afghanistan (Nam Á) v.v.. Năm 1979, cùng với vợ  Christel và nhà văn Heinrich Böll, ông thành lập “Cap Anamur – Hội Bác Sĩ Cấp Cứu Đức e.V.”, một tổ chức chăm lo các dịch vụ y tế và giáo dục tại Châu Phi, Châu Á và một phần Châu Âu.

Ông cũng là người cho ra đời tổ chức liên tôn giáo “Grünhelme” (Green Helmets), một nhóm gồm các chuyên gia, kỷ thuật viên và thợ chuyên môn với nhiệm vụ tái dựng lại các cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm cả các trường học và cơ sở y tế trong các khu vực bị tàn phá do chiến tranh. Ông cũng đã tham gia vào các công việc làm nhân đạo tại Palestine và Israel, và gần đây nhất là giúp đỡ và hỗ trợ cho người tị nạn Syria.

Cá nhân Rupert Neudeck là một người rất giản dị, bình dân, thân thiện, nhưng đôi khi rất cương quyết. Những lời nói của ông rất chân thật và rõ ràng, thường làm xúc động lương tâm của nhiều người trên thế giới:

“Hành động đó là một điều hoàn toàn tự nhiên đối với tôi. Tôi biết, lúc đó tôi không có khả năng thay đổi được điều gì. Nhưng chúng tôi phải cố gắng làm điều gì khác để ít nhất có thể giảm bớt sự chết chóc hàng loạt, sự chết chìm hàng loạt trên vùng biển Đông”.

Việc làm nhân đạo của Rupert Neudeck đã thay đổi và ảnh hưởng lớn tới cuộc đời của rất nhiều người. Trong cuộc bình chọn tại Đức ông đã được tuyên bố là “một trong 100 người có ảnh hưởng lớn nhất”. Đối với nhiều người ông là một vị anh hùng. Phản ứng về sự ra đi của ông, người đứng đầu chính phủ Đức, bà Thủ tướng Angela Merkel nhận xét: “Ông là một tấm gương đích thực của lòng nhân đạo thực tiễn… Ông luôn coi nhiệm vụ của mình là phải đóng góp thiết thực nhằm giảm bớt sự đau khổ”.

Trong thánh lễ cầu hồn và tưởng niệm ông Rupert Neudeck được tổ chức vào sáng thứ Ba, ngày 14 Tháng Sáu năm 2016 tại Köln (Cologne), với khoảng hơn 2000 người tham dự, trong đó có rất nhiều thuyền nhân trước kia và thân nhân được bảo lãnh theo diện đoàn tụ, cùng bạn bè, đồng nghiệp và các chính khách nổi tiếng của Đức, Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki đã ca ngợi người đồng sáng lập của tổ chức từ thiện Cap Anamur và Grünhelme là một “người che chở bảo vệ cuộc sống con người, kiên định và cương quyết”. Mặc dù ở tuổi 77 sự ra đi của ông Neudeck có vẻ như chỉ là sự chấm dứt của một quãng đời vì ông còn tính thực hiện nhiều và rất nhiều dự án trong tương lai và “sứ mạng của ông dường như vẫn chưa chấm dứt”.

Ngày nay, tại thành phố Troisdorf, cộng đồng người Việt tại Đức cũng đã quyên góp dựng lên một tấm bia tri ân tổ chức Cap Anamur, tiến sĩ Rupert Neudeck cùng tưởng niệm các thuyền nhân đã bỏ mình trên biển. Ngày 12 tháng 9 năm 2009, một tượng đài khác bằng đồng với bia tri ân Cap Annamur và người dân Đức đã được cộng đồng người Việt tại Đức dựng nên tại bến cảng thành phố Hamburg, nơi con tàu đầu tiên ra khơi để cứu vớt thuyền nhân Việt Nam.

Dr. Rupert Neudeck 03
Cộng đồng người Việt đặt vòng hoa kính viếng ông Rupert Neudeck – photo dpa

“thật rõ ràng là chúng tôi không thể thiếu các đội quân và  vũ khí để có thể điều khiển thế sự“ – Dr. Rupert Neudeck

Minh Khuê, London 15/06/2016


Cap Anamur – Những hình ảnh đáng ghi nhớ


Cap Anamur


NGUYỆN CẦU – Chương Trình CAP ANAMUR – Nhạc Võ Tá Hân – Thơ Bảo Nguyên


Rupert Neudeck Died Funeral|German journalist and humanitarian|


Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng -Trầm Tử Thiêng -Khánh Ly


Xem lại phần 1: Mai tôi xa Sài-Gòn

Xem lại phần 2: “Cá nhỏ” – “Cá lớn”