Cuối thập niên 70 và những năm đầu thập niên 80 đi đến đâu tôi cũng nghe người ta bàn bạc chuyện vượt biên, vượt biển. Người ta còn nói “cây cột đèn mà biết đi nó cũng bỏ xứ đi rồi” .. Cái tuổi của tôi lúc đó là cái tuổi “bị đăng lính” nên ba má cũng cố gắng tìm cách cho tôi đi xa. Sau ba lần đi đường Rạch-Giá không thành, và nhờ sự giúp đỡ chân tình và hết lòng của cậu Hai dưới Bạc-Liêu, tôi cũng được đi chuyến này qua đường Cà-Mau.
May nhờ ơn trên chuyến đi đến được bến bờ bình an, sau những cơn “sóng gió” đến đau lòng ..
36 năm dâu biển trôi nhanh, tóc tôi giờ đã có nhiều sợi bạc, ngồi lại viết những dòng này, có nhiều chi tiết đã không còn nhớ rõ nhưng tôi đã hết sức cố gắng để ghi lại “một phần đời” của mình để mai này có bị “lãng trí” vẫn còn có cái để mà đọc, mà nhớ ..

Bài viết xin được chia làm 3 phần ..


Phần 2: “Cá Nhỏ” – “Cá Lớn”

Vưu Văn Tâm (PK 1974-81)

ca nho ca lon 01Anh dẫn đường gửi hai chị em tôi tại nhà anh chị Bảy. Anh chị còn rất trẻ và mới sanh được đứa con gái đầu lòng. Nhà anh chị cũng rộng rãi, mát mẻ. Bắc ngang sau nhà là một con sông nhỏ. Những sinh hoạt nấu nướng, tắm giặt hay vệ sinh của người dân đều nhờ vào khúc sông này. Nhà nào cũng kê một miếng ván hơi rộng bề ngang một chút và chồm ra mé sông khoảng hơn một thước để tiện cho việc sinh hoạt. Nếu đợi đến chiều tối để tắm rửa thì vô cùng đơn giản cho tôi. Nhưng mỗi khi phải giải quyết “cái chuyện kia” thì ngại quá, ghe xuồng lúc nào cũng có thể đi ngang và .. nhìn thấy rõ nét. Trời ơi, những lúc như vậy tôi hỏng biết phải “cất” cái mặt vào đâu cho bớt xấu hổ.

Có lần giữa đêm khuya bị xét nhà, chị Bảy phải vội vả chèo xuồng đưa hai chị em gửi sang nhà khác. Vào nhà lạ, người ta “tiếng chì tiếng bấc” cũng khó ở lắm. Dù giữa đêm khuya hay ban ngày tôi cũng nghe người ta hay nói “chứa tụi nó như chứa mìn trong nhà” hay là “có chuyện gì thì cả nhà lãnh đủ” ..

Vài hôm sau, có người đón hai chị em đến chỗ tập trung là một nhà bảo sanh tư nhân sát sân bay Cà-Mau. Nơi đó, tôi cũng thấy được nhiều người cùng hoàn cảnh chờ đợi như mình.

Vùng này người ta gọi những chiếc ghe di chuyển từng chặn đưa người đi vượt biển là “Cá Nhỏ”, chứ không như ở Rạch-Giá, Gò-Công gọi là “Taxi”. Nơi chúng tôi đến là một cái cù-lao bao quanh là sông nước. Tôi nghe được nhiều tiếng nói xôn xao và thấy được khá nhiều bóng người lô nhô nơi đó để đợi chờ đến giờ xuống “Cá Lớn”.

ca nho ca lon 02Ngày còn đi học, tôi thường thấy trong sách vở cũng như nghe thầy cô nói “rừng U Minh muỗi  kêu như sáo thổi, đĩa lội tựa bánh canh” .. Đĩa vắc thì chưa kịp thấy, nhưng bầy muỗi đói đêm đó đã tha hồ “làm thịt” mình rồi. Sáng ra, nhìn thấy trong quần áo mình vô số xác muỗi đã chết và trong người đầy những vết máu còn đỏ như son. Mặc dù hôm đó tôi đã cẩn thận cài nút áo lên tận cổ và cổ tay, cổ chân đã được buộc kín mit với bốn sợi dây thun mang theo trong túi. Không chỉ ban đêm mà ban ngày chúng cũng “làm tình làm tội” tôi và cũng không dễ dàng “tha bỗng” cho những người chung quanh mình.

Xế trưa một chút, có một người đàn ông trung niên, trắng trẻo, mập mạp mặc chiếc áo khoác màu rêu có bốn cái túi thiệt to trước ngực đến gần và đưa cho tui một đòn bánh tét còn hơi ấm và dài chừng 13 cm. Anh cười và nói “ăn đi em” .. Tôi không thấy đói nên cất cái bánh vào trong cái túi “dết” mang bên người và nói thầm “để dành khi xuống ghe lớn có cái mà ăn”.

Hoàng hôn đã xuống và trong lòng tôi lại nôn nao lo sợ, không biết mình còn phải lưu lại cánh rừng này bao lâu nữa .. Bầy muỗi đói lại tha hồ “rút rỉa” máu tươi như đêm hôm trước ..

Và giờ G đã đến, mọi người vội vả chạy ra hướng biển .. Trong màn đêm dày đặc, tôi nghe rầm rập những bước chân chạy thật nhanh và từng nhóm người túa ra đông đúc không thể tưởng tượng được .. “Cá Lớn” đưa mọi người ra khơi qua cửa biển Ông Trang ..

ca nho ca lon 03“Cá Lớn” là chiếc ghe dài khoảng 12, 13 mét. “Cá Lớn” quá tải nên hành lý của khá nhiều người phải đành chấp nhận quăng xuống biển.
Chị Huệ đã “mua” hết 6 trạm kiểm soát để chuyến đi được hanh thông, dễ dàng. Vậy mà chỉ chừng mười phút sau đã nghe tiếng súng nổ và tiếng người rượt theo. Đó là nhóm công an trong “xẻo” muốn kiếm chác .. “Ghe đi vượt biên hả, dừng lại .. Ai là chủ ghe” .. Chị Huệ đứng lên năn nỉ “mấy anh làm ơn cho tụi tui đi. Mấy chục người này mà bị bắt lại, phải tù tội khổ lắm, mấy anh cũng đâu có lợi lộc gì” .. Rồi chị kêu gọi mọi người trên ghe nếu có tiền, có vàng hay trang sức thì gom lại để cho tụi công an .. Chị đưa cho chúng một chiếc nón lá đầy ắp tiền, vàng rồi mới được phép đi tiếp .. Ra ngoài khơi xa, một nhóm công an biên phòng cũng rượt đuổi, nhưng may mắn thay .. “Cá Lớn” đã bỏ lại bọn chúng một khoảng thật xa ..

Anh tài công tên Thắng đã biến đi từ lúc nào không ai hay biết. Thì ra lúc nghe tiếng súng nổ, anh sợ quá đã nhảy xuống nước và bơi ngược vào bờ. Chị Huệ lo lắng và phải nhờ anh Đinh Công Thành giữ nhiệm vụ lái tàu .. Trước khi đi, anh Thành được giao nhiệm vụ coi la-bàn .. Anh Thắng là người duy nhất rành rẽ đường đi nước bước nơi vùng nước mặn này ..

ca nho ca lon 04“Cá Lớn” bị mắc cạn. Có lẽ bùn đất đã bám vào máy tàu và cuốn theo luôn cái “buggi” đi mất rồi .. Máy tàu bị hư và mấy anh chị bèn cho chiếc máy phụ hoạt động. Ra đến gần hải phận quốc tế (anh Thành cho biết như vậy) cái máy phụ trở chứng không chạy nữa. Mọi người bối rối, cả tàu xôn xao. Chị Huệ hỏi mọi người “bây giờ máy đã hư, khó mà đi tiếp tục, nguy hiểm quá, mình nên đi tiếp hay quay trở lại ?”.. Ai nấy cũng đồng ý đi tiếp, vì nếu quay lại, chỉ có nước vào tù và tiền bạc, nhà cửa cũng không còn nữa .. Mấy anh lớn phụ giúp căng cái mền mang theo để làm buồm .. Chị Huệ đưa bó nhang to cho chú Từ Minh Đạt, người lớn tuổi nhất trên ghe. Bó nhang này của cậu Hai đưa cho chị trước ngày khởi hành. Chị cũng nói “bà con cô bác, ai có đạo nào thì cứ cầu nguyện theo đạo của mình” .. Trời đang quang đãng bỗng dưng tối sầm lại. Hình như đất trời sắp nổi cơn giông … Trên đầu mình, tôi thấy có đến 3 hay 4 cái bóng đen lướt qua thật nhanh và nước biển bắn tung tóe lên mặt mũi mọi người. Vị mặn của nước biển còn đọng trên môi, trên má. Ai nấy cũng mừng và cho là điềm lành vì có “Cá Ông” xuất hiện (?)

“Cá Lớn” lại tiếp tục lộng gió ra khơi trong một niềm hy vọng nhỏ nhoi của mấy mươi người vượt biển ..

18.09.2017

LỜI KINH ĐÊM Việt Dzũng

 

Xem lại phần 1: Mai tôi xa Sài-Gòn

Xem tiếp phần 3: “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng”