Cô Phan Ngọc Loan
Trần Quốc Hùng
(Nguồn: Giai Phẩm Xuân Mậu Tuất 2018 – Petrus Ký 1966-73 http://veque.com.free.fr/)
Chúng tôi theo học cô Loan môn Pháp Văn năm lớp Đệ Lục. Mỗi người trong chúng tôi may mắn được thầy cô dạy dỗ và để lại những dấu ấn mà có khi nó sâu đậm đến trọn đời của đứa học trò.
Với cô Loan, tôi nhớ mãi trong trí nhớ của mình hình tượng một người có nụ cười rất tươi, đôi mắt to long lanh và khuôn mặt sáng vằng vặc như trăng. So với tầm vóc của người phụ nữ Việt trung bình thì cô có dáng dấp không thấp bé, nhìn cô vừa đẹp vừa cao vừa có một sự thu hút nữ tính nhưng tôi còn cảm thấy gì đó nơi cô, hình như một sự bình an vô nhiễm, điều đó không phải dễ có được với chúng tôi một đám con trai thập thò rón rén hay hăm hở bước vào giai đoạn vị thành niên với đầy đủ ý tình…
Đầu niên học đệ lục Cô là một trong những người thầy cô làm cho tôi thảng thốt nếu không nói là kinh hoảng bàng hoàng! Không phải là vì tính khí hay cung cách dạy dỗ học trò chúng tôi, mà là phương pháp giảng dạy ngoại ngữ của cô… khác hẳn với cách của thầy Thẩm Túc giảng bài ở lớp đệ thất! Bước vào lớp cô dùng toàn Tiếng Pháp seulement để truyền thông với chúng tôi! Từ điểm danh cho tới lúc đứng dậy chào cô rời lớp… Chúng tôi ngớ ra như bầy chim vịt kêu chiều, rụng như như đào hoa y cựu tiếu …cuồng phong. Riêng tôi văng tuốt xuống mấy chục bậc hạng, vì cùng lúc môn Văn, cô Dung Trần cũng dạy diễn giảng và tụi học trò tự ghi chép lấy! Mang bảng khuyên điểm về nhà tôi bị té tát mọi điều vì nhìn vào thứ hạng học lực của tôi cha mẹ tôi xử theo hạnh kiểm của thằng con khó dạy. Cũng may, tôi gặp các anh lớn khoá trước nghe chúng tôi than van thì vui vẻ khuyên chúng tôi nên cố gắng vì là người đi trước các anh bảo cách cô dạy sẽ lợi ích cho mình về sau…
Mà thật vậy, tôi bắt đầu quen cách cô dạy, cật lực dùi mài tai mắt để nghe mà hiểu và học đáp lời, sách Pháp quanh tôi không có thì mò vào thư viện. Cũng nhờ vì cô mà có lần khi học bài lúc đầu ở nhà, mẹ tôi nghe tonation của tôi bết bát đến nỗi mà tôi có một dịp (một lần thôi, mẹ ơi) được mẹ tôi dạy đọc bài récitation ‘Le Boulanger’ của Jean Aicard… Que fais tu là, boulanger? – Je fais du pain, pour manger… Bài đó tôi được điểm của cô tốt nhất, và từ đó trong suốt thời gian năm đệ lục tôi mê học giờ Pháp Văn của cô.
Sau này tôi vào Sư Phạm theo số phận an bài, dù không ra dạy Pháp văn nhưng tôi luôn chịu ảnh hưởng giáo pháp của cô… và nơi cô tôi tìm thấy để học trò thương yêu không gì hơn bằng sự nhiệt tâm và tấm lòng thành. Tôi nhận ra điều ấy vì sau khi quen cách dạy của cô tôi mới biết cô rất thương yêu chăm sóc học trò, thời khoản duy nhất mà chúng tôi được nghe cô nói tiếng Việt là khi giờ học xong còn lại mấy phút trống trước khi ra về thì cô mới cho phép tụi tôi hít thở bằng tiếng Việt! Những lúc ấy cô cho chúng tôi thấy cô thương yêu học trò đến thế nào. Chả hiểu sao viết tới đây tôi là muốn nhớ tới cái hình ảnh bầy gà mẹ con, chúng tôi xúm xít quanh cô nghe cô kể những mẫu chuyện đời cho chúng tôi nghe… Giọng cô ngọt ngào như đường mía lau, giọng nói ấy tôi nghe thêm được một lần mới đây khi tìm được số máy để gọi thăm cô. Nay cô sống ở một thành phố nhỏ yên ả ở tiểu bang Illinois, cách phi trường O’Hare chừng một giờ lái xe. Cô vẫn còn minh mẫn, cuối tuần cô còn lái xe đến nhà thờ để giúp dạy tiếng Việt cho những đứa trẻ Việt Nam! Cô không nhớ ra tôi, điều đó tôi chẳng buồn chút nào.
Khi tôi nói: “chắc cô không nhớ ra em đâu vì em không phải là đứa thông minh hay học xuất sắc trong môn cô dạy” thì cô bảo tôi không phải vì thế mà vì cô có tuổi đã cao cô không còn được trí nhớ ngày xưa!
Cô bảo tôi khi nào có qua Mỹ nếu có đi Chicago thì ghé thăm cô. Tôi thành thật không dám hứa. Nhưng tôi vui vì biết cô vẫn khoẻ để còn với chúng ta.
Tôi chỉ tiếc năm đệ lục chưa được nửa niên học đã phải tức tưởi kết thúc, quá ngắn ngủi để tôi còn học them được nơi cô…
Trực giác khiến tôi quay về tìm cô năm tôi đậu xong Tú tài 1, ngõ ý xin cô giúp tôi, cô vui vẻ hăng hái đi với tôi vào trường để xin cho tôi chuyển lớp… để sau này năm 12 ai cũng ngạc nhiên khi tôi bỗng dưng lại đổi sang B1. Rồi chúng bạn tìm cách tự giải thích. Còn tôi dù sang B1 nhưng vẫn quấn quít với các bạn tiếp tục làm báo cho lớp B2 (và mãi đến bây giờ!)…Thực ra tôi rất thích được học Toán với thầy Trần Thành Minh (thầy cùng hai thầy Nguyễn Thanh Lương và Nguyễn Minh Dân vào gánh Toán lớp 11B2 chúng tôi vì thầy Trần Văn Thử mất trong lúc thầy đang dạy chúng tôi mới có mấy tháng đầu niên khoá!) và tôi nghe rằng thầy Cam Duy Lễ ra đề thi Toán Tú tài II.
Chỉ có điều, ý trời khiến thầy Cam Duy Lễ (anh của Phạm Chí Tâm không biết các bạn còn nhớ?) – năm ấy thầy không dạy B1 được như dự kiến phân công của nhà trường! (Tụi tôi chưa bao giờ được học thầy nhưng hình ảnh và giọng nói của thầy Lễ tôi vẫn nhớ mỗi khi vào lớp phát bằng khen hạnh kiểm ngay từ lớp đệ thất). Năm đó, thầy Trần Thành Minh vừa gánh chức Giám học, vừa dạy chúng tôi, vừa xây sân Đa dụng thể thao, vừa thực hiện quyển Kỷ yếu cho nhà trường và bao nhiêu thứ nữa! Lớp 12B1 tôi học cứ đến giờ Toán là làm phiền thầy cô (như thầy Nguyễn Xuân Hoàng) các lớp chung quanh, gần như thường xuyên vì thầy Minh quá bận!
Còn phần thời giờ tự học của tôi mà thầy cô nghĩ là tôi sẽ tự lo thì tôi hiến tất cả cho đam mê để ngợi ca rung cảm của thời xôn xao mới lớn!
Nhiều khi tôi nghĩ (dù tôi không bao giờ muốn nói hai chữ phải chi) nếu cô đừng chìu tôi, có lẽ tôi chẳng là tôi bây giờ! Nói thế không phải tôi trách phận than thân gì. Lũ chúng tôi hối hả tựa bầy lòng ròng cuốn ùa theo mương lạch, về sông cái rồi tràn oà vào biển lớn, đứa mất đứa còn… Nhờ có mái trường ấy, nơi mà tôi cũng như các bạn may mắn được các thầy cô dạy dỗ bằng cả tấm lòng, để tôi còn được đến bây giờ cùng san sẻ những ngày tháng cuối mà chúng ta còn lại với nhau.
Cô Loan là một trong những người mà tình nghĩa sư sinh tôi mãi khắc ghi trong tâm khảm…
Trần Quốc Hùng