Có nơi nào như đất ấy không ?
Lê Văn Truyển (PK 1966-73)
Những hoàn cảnh của người trẻ tuổi đọc trong báo Xuân 2020 làm người ta suy nghĩ. Chỉ trong từng ấy trang mà có những bốn phận đời tơi tả.
Cậu Mạnh trong « Ba của tôi » của Đoàn Hùng Sơn có một cuộc đời sống gió, từ cảnh được cưng chiều như trứng nước nhảy qua cảnh phải đi làm việc ở lò bánh mì lúc chỉ mười hai tuổi, mười ba tuổi một mình ôm xác mẹ không biết phải làm sao, sống nhờ ai cô đơn ngay trong cảnh khốn cùng. Tôi không hiểu các bạn đọc đến những giòng chữ này nghĩ gì, nhưng riêng tôi, tôi xúc động đến run người. Nếu ngày mười ba tuổi mà tôi phải đối diện với một hoàn cảnh tương tự, không biết tôi phải làm sao, cũng may cho cậu Mạnh có « quới nhân phù trợ » giúp cậu ra khỏi đường cùng. Chính những nghiệt cảnh như vậy làm con người phấn đấu hơn, khôn ra, phải biết « ma mãnh » để tiếp tục kiếp sống con người. Mười lăm tuổi lâm vào đường « chính trị » mặc dầu không muốn thế, ôi cái thời muốn sống cũng không sống được, thời của những ý thức hệ, những chiêu bài. Chỉ vì hăng say làm ăn để sống mà trở thành « Việt gian ». Những tay giầu có lợi dụng thế lực với Pháp trở thành việt-gian thì người ta còn hiểu, một anh bán rượu mười lăm tuổi mà thành Việt-gian thì khó hiểu vô cùng. Tôi cũng có biết một hoàn cảnh tương tự như vậy, một người anh họ trẻ tuổi chỉ vì muốn giúp gia đình cuối cùng cũng có một số phận bi đát, anh lấy thuốc bên vùng tề (vùng Pháp chiếm đóng) bán cho Việt Minh, Pháp nhắm mắt làm ngơ nhưng đổi lại anh phải kể lại những gì anh thấy bên vùng Việt Minh chiếm đóng cho phòng nhì của Pháp. Sau hiệp định Genève anh về quê đưa gia đình về Hải Phòng để vào Nam thì bị bắt, anh chết trong tù ít lâu sau đó với một bọng giẻ trong mồm. Mỗi người một số phần. Sơn kể lại bằng một giọng văn tỉnh táo, không thù hận hay chỉ trích, anh nói tưng tưng nhưng người đọc thấy buồn buồn.
(Cầu Hiền Lương (cái tên hiền hậu là thế !) bắt ngang sông Bến Hải nhìn từ huyện Di Linh miền Bắc sang bên kia bờ thuộc huyện Gio Linh phía miền Nam)
Đến phiên bạn Đinh Tấn Sơn thì câu chuyện trở thành bi thảm với cái chết của bạn Phan Trí Dũng. Có hai kích chiều trong câu chuyện, thời buổi chiến tranh và bản tính homosexualité của Dũng, mặc dù Sơn không nói thẳng ra. Xã hội châu Á không đến nỗi đào thải người đồng tính nhưng sự khắc nghiệt có trong tinh thần cư xử, lại nữa giữa các người trẻ với nhau, sự đồng tính không được tôn trọng. Chúng ta không có văn hóa « tôn trọng », thấy chuyện gì « bất bình thường » là nói huỵch toẹt ra, không thấy ngượng và chẳng ai giải thích cho chúng ta tính tình đó không được tốt. Về chuyện đó tôi thấy người Tây phương họ tế nhị hơn. Ở một xã hội khác Dũng không đến nổi phải tự hủy đời mình bằng một phương pháp kinh khủng đến thế. Đi trình diện để đem tất cả cái « mặc cảm » của mình ra cùng trình diện, anh chịu không thấu. Ai đã đến trại Châu Văn Tiếp nơi trình diện nhập ngũ mới thấy cái xô bồ của lính, hằng ngàn người trai trẻ đến đó với tâm trạng nửa như hăng say nửa như ngần ngại. Ăn cơm nhà bàn, vệ sinh trên sàn nước bằng xi-măng, ngủ tập thể giường tầng. Trưa chủ nhật được phép cho ra, những người lính có gia đình đến thăm trải chiếu trên khu đất đằng sau trại ngồi ăn uống chuyện vãn đến chiều, những người không có thân nhân đi lòng vòng rồi vào trại sớm. Tôi không thấy cảnh « gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân », chỉ thấy những chị em ta buổi chiều theo gió qua lại phất phơ, tìm chỗ có « bông cỏ may, vùng tình yêu lắm bẩy nhân gian» cùng với người lính buồn ngồi tâm sự. Những người như Dũng không thể nào quen được với đời sống đó. Chiến tranh đã giết anh theo một cách khác, anh sẽ không bao giờ vào danh sách nạn nhân của cuộc chiến này, nhưng chính anh thực sự là nạn nhân của nó. Sơn nói lên tình bạn của mình, của NQ Bảo với Phan Trí Dũng một cách tế nhị, năm bảy năm ngồi trên băng ghế ngôi trường Petrus Ký có những kỷ niệm êm đềm nhưng cũng có những cơn ác mộng như lời bạn kể.
Trong anh Các mà tôi kể thì lại khác. Anh là nạn nhân của bất đồng tôn giáo lồng trong khung cảnh chiến tranh, hoàn cảnh gia đình giầu nghèo, thế lực và thường dân, nạn nhân của những tin tưởng dị đoan. Tình yêu bị cản trở, mỗi người một đường và nếu không có cuộc ngừng chiến, chắc hai anh chị cũng không thể gặp lại nhau và sống cho nhau. Nhưng rồi cuộc chiến tàn chưa phải là hạnh phúc, cuộc hạnh ngộ rồi cũng tan nát với bốn năm đi học tập của anh Các và cái chết bi thảm trên biển của chị Thoa. Số phận của họ như số phận của ngàn vạn người khác, yêu đương, chia lìa, tù tội và rồi cái chết chung qui cũng chỉ vì cuộc chiến tương tàn.
Đến phiên « Nó » thì sự « đoạn trường » đã đi đến điểm cùng cực. Huỳnh Thanh Tân chỉ kể mà không bày tỏ tất cả các cảm giác của nhân vật Nó (là chính anh ta) sống trong vùng sôi đậu mà đa phần theo bên Giải Phóng miền Nam. Làm thế nào mà chiến tranh lại cuốn hút một đứa trẻ vừa qua tuổi 15 hay đúng hơn cái gì đã thúc đẩy cậu bé chơi trò người lớn, có súng đạn, có bạn có thù ? Không khí hồ hởi những ngày đầu Mậu Thân, những sự ràng buộc tình cảm bạn bè cùng xóm, hay lý tưởng cách mạng ? Trong Tiểu Thuyết Vô Đề của nhà văn miền Bắc, Dương Thu Hương, người thiếu nữ đã cầm súng vào Nam thời đánh Mỹ, tôi lấy một câu nói của một nhân vật trong truyện : « Chúng ta đã ra đi vì lý tưởng. Nhưng đó là những ý nghĩ năm mười bảy tuổi. Vào lứa tuổi năm mươi, nó chỉ là những ý nghĩ mốc meo. Lý tưởng đó đơn giản là bánh thánh phát cho lũ trẻ vị thành niên ». Nếu có những cậu bé như « Nó » thì cũng có những cậu bé làm việc bên phía Cộng Hòa, học ở Petrus Ký, sau mỗi cuộc xuống sân biểu tình của đám học sinh, thế nào ngày hôm sau cũng có vài gương mặt quen biến mất. Bạn là thù và thù cũng là bạn. Nếu « Nó » vào bưng trót lọt thì chưa chắc đã có chuyện này, « Nó » có thể đã « xanh cỏ hay đỏ ngực » lâu rồi, âu cũng là vận mệnh. Thời buổi nhập nhằng. Riêng tôi, tôi cảm phục các bạn, dù bất cứ lý do gì các bạn làm việc cho bên này hay bên kia, các bạn đã có can đảm đi tận cùng con đường lý tưởng của mình. Lý tưởng đó đúng hay sai, hay hay dở, bây giờ có thể đã trở thành những ý tưởng mốc meo, đó là chuyện về sau, nhưng ít nhất các bạn đã làm.
Có đất nào như đất ấy không ? Chỉ trong một tập san mà có tới bốn bài viết về thân phận người trẻ tuổi, mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, tôi thấy thương cho thân phận chúng mình trong một quốc gia có chiến tranh.
(Vài ý nghĩ nhân ngày sắp tết sau khi đọc lại các bài trong số Xuân năm Tý 2020).
Truyển1/2021
Nếu các bạn muốn đọc lại các bài này trong Giai Phẩm Xuân Canh Tý 2020 của nhóm Petrus Trương Vĩnh Ký niên khóa 1966-73, xin bấm vào đây
https://drive.google.com/file/d/1YV9p4u2SlbIasSoZpqG2tMcMEuVHdwVS/view?usp=sharing