Chuyện dân chủ Phi Châu

Lê Văn Truyển

Vào đề.

Tôi sống nhiều năm ở châu Phi (Afrique), vùng dưới Sahara. Lần đầu tiên đến Port Gentil bên Gabon là tháng mười một 1986, lần cuối cùng đi công tác ở Nam Phi là tháng ba năm 2013, tổng cộng gần 27 năm nên Afrqiue tôi biết khá nhiều về dân tình, đời sống cũng như phong tục. Người ta thường nói Afrique với một giọng khinh bỉ, khi bạn hiểu biết nhiều về người dân, bạn sẽ thấy khác đi. Thực sự thì tôi sống tại chỗ cùng với gia đình chỉ có hai nơi, ba năm ở Luanda, Cộng Hòa Angola và ba năm ở Douala, Cộng Hòa Cameroun, những nơi khác thì chỉ đi công tác nhiếu lần, dài lắm là một tháng, ngắn nhất là một ngày. Nhờ đó mà tôi hiểu hơn khi đi qua những nước lân cận. Nói như một người bạn viết nhiều sách về Afrique : Với Phi Châu, bạn chỉ có hai thái độ, bạn yêu hay bạn ghét, thế thôi. Tôi thuộc dạng đầu, tôi thương những xứ nghèo và những người da đen. Kinh nghiệm Afrique của tôi không thể tóm gọm trong một bài, mà phải một quyển sách. Ở đây tôi chỉ giới thiệu một kinh nghiệm sống rất nhỏ thời gia đình tôi sống tại Angola năm 1992.

o0o

Tôi đến công tác tại thủ đô Luanda lần đầu tiên đi từ thành phố nhỏ Pointe Noire, Congo. Từ trực thăng nhìn xuống, bên dưới phong cảnh giống như miền Trung nước Việt. Những đọt chuối còm cõi, những thân cây bàng đại thụ chơ chõng giữa những cách đồng đen đũi khô cháy, xa xa có những đám khói người ta làm rẫy, tôi thấy có chút thương cảm trong lòng. Hôm ấy là ngày chủ nhật, trời trong xanh với những cụm mây trắng tưởng chừng như cầm được trong tay, trời đang mùa Cacimbo nên lành lạnh. Luanda thuộc quốc gia Angola, thời gian tôi đến là năm 1988, vẫn còn đang nội chiến giữa chính phủ Dos Santos theo XHCN có lính Cuba giúp và thủ lãnh đối lập đảng UNITA do Jonas Savimbi, có hậu thuẩn của Mỹ và có cơ sở nằm trên đất Nam Phi, lúc đó vẫn còn theo chế độ kỳ thị aprtheid người da đen.

Thành phố Luanda từ trên cao nhìn xuống trông như thành phố Nice bên Pháp. Bên phải là biển xanh ngát, bên dưới là bờ biển với những hàng dừa trải bóng rất thơ mộng, bên trái là những tòa cao ốc cả chục từng theo kiến trúc Bồ Đáo Nha. Xa xa là một ghềnh đá dài chạy xa ra ngoài biển, với vài quán hàng trông rất thanh lịch. Mới nhìn tưởng như mình đang bay trên thủ đô Lisbonne của xứ Bồ.

Nhưng khi đáp xuống phi đạo rồi ra đến ngoài, bạn mới thấy « vỡ mộng thiên đường ».

Gần cuối phi đạo, xác những máy bay dân sự nằm đây đó vì thiếu tiền bảo trì, có chiếc không còn cánh, có chiếc thiếu bánh xe, phòng lái mưa nắng làm rỉ xét tất cả. Ra đến ngoài, những cao ốc không sơn phết từ nhiều năm đen trủi, những cái ban công xưa kia nhìn ra biển bây giờ trở thành đống sắt, người ta phơi quần áo trên đó trông như treo cờ Liên hiệp Quốc, đủ màu đủ dạng. Những cao ốc ít người dám lên bằng thang máy vì điện có thể cúp giữa chừng, thay vào đó gần như mỗi hộ đều có một máy phát điện nho nhỏ để ban đêm làm đèn. Dạo ấy tôi cũng vỏ vẻ muốn chụp hình, nhưng ở đây lệnh cấm rất nghiêm nhặt, tôi chỉ dám bấm vài « bô » trên bãi biển. Một người đồng nghiệp từ xa đến không biết, đưa máy lên chưa kịp bấm, công an kín đã chụp lấy tay và tịch thu máy của anh ta.

Chắc cũng nên nói một chút về Angola. Angola nằm ở bên dưới đường xích đạo Phi châu, diện tích khoảng 1 triệu 300 ngàn cây số vuông, tức gần bốn lần nhiều hơn nước Việt, hai lần hơn nước Pháp. Giàu khoáng sản, dầu thô và kim cương là hai nguồn thu khổng lồ, ngoài ra còn đất đai phì nhiêu, các mỏ tung ten, vàng bạc và đá quý chưa khai thác, rừng chiếm hơn ba phần tư đất đai, đúng là rừng vàng biển bạc. Khí hậu miền nam thuộc diện ôn đới, miền bắc nhiệt đới nhờ đó mà tất cả cây trái có thể mọc được, tuy nhiên chiến tranh đã làm cho đất bỏ hoang !  Thời tôi đến nghe nói chỉ có 8 triệu dân, bây giờ là 31 triệu, quá ít cho một quốc gia với diện tích ấy.

Cuộc chiến giải phóng Angola chống quân đội xứ Bồ kéo dài mười lăm năm do ba đảng MPLA, FNLA và UNITA lãnh đạo, cầm đầu MPLA là Agostinho Néto, FLNA Holden Roberto và UNITA Jonas Savimbi lãnh đạo. Cuộc chiến đẫm máu người da đen dẫn đến tuyên ngôn độc lập năm 1975, sau đó đảng MPLA giành chiến thắng. Tổng thống lúc tôi đến là Dos Santos, hậu thân của chính phủ Agostinho Neto khi ông ta chết đi, Agostinho không những là nhà chính trị, ông ta còn là nhà thơ viết bằng tiếng Bồ. Dos Santos học ở Nga về, lên nắm chính quyền khi rất trẻ, khoảng 40 tuổi lúc đó. Dĩ nhiên là UNITA không chấp nhận, Jonas Savimbi tiếp tục cuộc chiến chống Dos Santos dai dẳng từ sau 1975 cho đến năm 2002 khi Savimbi bị giết, thực ra con cờ Savimbi lúc đó bị thí bởi các cường quốc đứng đàng sau vì ông ta trở thành chướng ngại cho việc phát triển kinh tế vùng vịnh Afrique. Cuộc chiến tranh nội chiến ấy gọi là cuộc chiến dầu thô chống lại kim cương, hay vàng đen chống vàng trắng ! Cần nói một điều là ở Angola, và đặc biệt là Luanda, có rất nhiều người da trắng ở đây, nhất là người Bồ, họ ở đó từ bao nhiêu đời và quyết định ở lại Angola sau khi độc lập năm 1975. Một lượng lớn người lai Bồ rất đông đảo, rất giống như người Ba Tây (Brésil), da hồng quân, mắt hạt dẻ, tướng cao dong dỏng trông rất đẹp. Trong các công sở số người Bồ làm việc ở đây rất nhiều, số người lai Bồ cũng đông lắm.

Sau chuyến công tác năm ấy, năm năm sau, 1990, hãng cử tôi đến làm việc ở đây cùng với gia đình, năm ấy tôi vừa 35 tuổi, Thùy 29, Thùy Lam 6 và Lâm mới 1 tuổi. Đó là lần đầu tiên tôi đi làm việc bên ngoài nước Pháp, một cuộc phiêu du đối với cả gia đình, chúng tôi cân nhắc mọi điều và sau cùng quyết định đi. Vả lại, trong một hãng như hãng tôi đang làm, Afrique là một cuộc thử đá thử vàng !

Người Bồ Đào Nha cai trị đất này từ thế kỷ thứ mười lăm, gần năm trăm năm thuộc địa nhưng những dấu tích văn hóa Bồ tương đối ít, ngoại trừ tiếng Bồ trở thành ngôn ngữ chung cho cả nước. Nếu có nhiều giống dân (ethnies) hợp thành và mặc dầu có sự kỳ thị lẫn nhau, người Angola tương đối hòa hợp nhờ nói chung tiếng Bồ, ngoài ra còn vài ngôn ngữ địa phương như Umbundu và Kimbundu.

Để tránh vấn đề với các đồng nghiệp vì tội thiên kiến sắc tộc này đối với sắc tộc kia, tôi chỉ học sơ sơ hai thứ tiếng địa phương nhưng phải học tiếng Bồ để sống hằng ngày, còn liên lạc với các cơ quan nhà nước thì đã có tiếng Anh. Nhờ học tiếng Bồ mà tôi mới biết cách phát âm tiếng Việt của mình có nhiều điểm giống tiếng Bồ, chứ không giống tiếng Pháp như nhiều người đã tưởng. Các linh mục giòng tên (les jésuites) Bồ Đào Nha như Francisco de Pina đã đến Việt Nam mình trước ông Alexandre de Rhode. Chẳng hạn cách đọc các âm u, e hay cách gọi các ngày thứ hai đến thứ sáu theo thứ tự ngày chứ không theo cách gọi các thiên thể như trong tiếng Pháp hay tiếng Anh.

Luanda

Vậy mà đời sống ở Luanda cuối cùng rất vui chứ không đáng sợ như mọi người vẫn tưởng. Chúng tôi có những tiện nghi trong nhà như ở Pháp, con cái đi học trong trường Pháp mà cô giáo là những người Pháp sống ở đây hoặc là vợ những nhân viên trong hãng như tôi. Cuối tuần ra biển cắm trại, tắm biển hay chơi trợt nước vì ở đây ai cũng sắm thuyền. Phần lớn các biệt thự đẹp và tiện nghi là do các ông to bà lớn Angola và người Âu châu ở, có bảo vệ trông ngày đêm. Về chuyện ăn uống thì hãng có máy bay chuyên chở đồ ăn từ Pháp sang hai lần một tuần, mùa nào thức nấy. Chuyện Afrique còn dài, tôi sẽ nói những lần sau, ở đây tôi muốn chia sẻ với các bạn kỷ niệm năm 1992, chuyện bầu cử Afrique !

Tuy là cuộc nội chiến kéo dài hơn mười lăm năm nhưng chiến tranh chỉ ở những thành phố xa xăm hay bên ngoài Luanda. Chưa bao giờ tôi nghe tiếng súng nổ hay tiếng máy bay bay ầm ầm trên trời, ban đêm có giới nghiêm nhưng chúng tôi vẫn đi ăn nhà này nhà nọ, chỉ cần đưa thẻ tùy thân cảnh sát cho qua ngay, lâu dần họ cũng biết mình, vẫy tay chào rồi cho đi thằng.

Chuyện trở thành rắc rối khi họ muốn chơi trò chơi dân chủ.

Hiệp định Lisbonnenăm 1990 quyết định một cuộc đình chiến để tổ chức tổng tuyển cử năm 1992 dưới sự kiểm soát của Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát BẦU Cử, bao gồm các nước Âu Châu và khối Đông Âu. Viễn ảnh hòa bình trên toàn cõi Angola làm mọi người hồ hởi. Nhà nhà treo cờ bên ngoài, nhà thì cờ MPLA của chính phủ Dos Santos (chính phủ kiểm soát vùng tôi đang sống), nhà thì cờ UNITA của ông Savimbi, bên cựu phiến loạn. Đi một vòng thành phố, cảnh thanh bình làm mọi người phấn khởi. Trên TV các dân biểu chia nhau nói, nhờ có học tiếng Bồ tôi cũng hiểu lõm bỏm mỗi bên chủ trương hòa bình, thịnh vượng. Những ông lính từ rừng sâu cũng vào thành, vì vấn đề an ninh họ xin mang theo súng đạn vào. Nhà tôi ở cũng không quá xa chỗ họ ở, chỉ cách  nhau vài con đường, buổi tối đi làm ra thấy những người lính ngồi gác bên những lô cốt chắc chắn bằng bao cát, chuyện chưa bao giờ từng thấy trước đây.

Ba tháng tranh cử vừa dài vừa ngắn. Trong hãng tôi ông TGĐ đã từng đưa ra hai lệnh cấm, một là không nói chuyện chính trị với nhân viên, hai là không được đụng đến kim cương bán ngoài phố hay thuồn ra bởi nhân viên. Chuyện kiêm cương thì tuân thủ được (tuy vậy cũng có vài phu nhân tham quá cầm không được, chuyện phanh phui ra, các đấng phu quân chỉ có hai mươi bốn tiếng để làm vali quần áo ra phi trường), nhưng chuyện chính trị thì khó kìm, nhất là chung quanh có những người rất hồ hởi về dân chủ, cả đời họ chưa từng được cầm lá phiếu bỏ cho người mình quan tâm. Tôi cũng nằm trong loại đó.

Buổi sáng vừa vào đến phòng làm việc, cô thư ký đem văn thư lên đã có một xấp truyền đon tranh cử của cả hai bên, được xếp cẩn thận trong phong bì dưới nhiều tên khác nhau, phần lớn là tên các hãng xưởng chứ không hề có tên các đảng phái tranh cử. Tôi hỏi Paula :

-Ai đưa cho cô các bức thư này ?

-Tôi thấy thư thì xếp vào chứ không biết là ai.

-Lần sau cô kiểm trước và đừng đưa thư này lên cho tôi. Tôi nghiêm mặt nói.

-Nhưng anh phải biết là Angola đang sống những giây phút lịch sử, anh không biết là chúng tôi đã cố gắng bao nhiêu năm nay để có ngày hôm nay sao. Ngay cả anh không muốn bàn chuyện này, anh cũng nên đọc để biết người Angola nói gì, nghĩ gì chứ. Anh ở đây vài năm, cũng đủ dài để biết chuyện sinh hoạt chính trị ở đây. Thôi, lần sau tôi sẽ bỏ vào một bao thư lớn, đánh dấu lên đó, anh muốn đọc thì anh đọc, không đọc thì tôi cho vào máy nghiến.

Tôi thấy cũng có lý nên không nói thêm. Paula là người Angola da trắng gốc Bồ, cha mẹ cô qua đây lập nghiệp từ nhiều thế hệ, cô sinh ra ở Lubango và ở đó từ khi vừa mới sinh ra, chỉ khi lên học ở Luanda cô mới ở lại đây tìm việc. Cô tốt nghiệp nha sĩ nhưng việc làm không mang đủ lợi tức bằng nghề thư ký, vừa có lương vừa có thẻ lương thực của hãng, một ưu thế mà bên ngoài không có.

Tôi ngồi thừ ra suy nghĩ rồi hỏi :

-Cô có biết cô sẽ bầu cho ai chưa ?

-Chắc cho chính phủ hiện thời. Ít nhất với ông Dos Santos tôi vẫn được sống bình thường, với chính phủ phản loạn (ý cô muốn nói Savimbi) có cái gì đó bất thường. Tôi chưa chắc là họ muốn hòa bình vì họ ít người hơn, vả lại họ đòi hỏi nhiều thứ quá, nào là phải chia lại ruộng đất nhà cửa, phải đuổi những người da trắng đi, toàn chuyện trên trời dưới đất.

Paula ra cửa, một nhân viên khác chạy vào. Louzolo người thành phố Huambo miền Nam, đưa cho tôi tờ giấy phép xin nghỉ buổi sáng để đi phát truyền đơn cho chính phủ Dos Santos. Anh ta gốc nông dân, mười lăm tuổi mới được cắp sách đến trường nhưng nhờ học lực giỏi được đưa qua Cộng Hòa Nam Tư tu nghiệp, trở về làm chuyên viên kỹ thuật.

-Em lo quá anh ơi, phải đi để đốc thúc mọi người đi bầu, bầu cho ai là chuyện nhỏ, nhưng phải đi bầu để quyết định đời sống của mình, cho gia đình mình nữa chứ. Em xin nghỉ sáng nay, chiều và tối nay em sẽ làm cho kịp chuyện anh giao tối hôm qua.

Đành phải để cho anh ta đi, chưa kịp nhìn xuống trang báo cáo, Quiala đi vào :

-Tôi biết anh không được bàn chuyện chính trị nhưng tôi cứ nói, cuộc bầu cử này đối lực không cân xứng ; Savimbi vào đây cô thế một mình, muốn đi làm diễn văn cũng không được giúp đỡ, dân chúng nhiều người theo giúp cũng chỉ đứng xa xa nhìn vì sợ. Trong hãng này thôi, đa số là theo Dos Santos, họ quen được chính phủ cưng chiều, nhưng họ đâu thấy đó là một chính phủ thối nát.

Quiala người gốc Congo bên kia biên giới, gia đình sang sinh sống gần Cabinda rồi qua lập nghiệp ở Luanda. Quiala học ở Luanda xong sang học thêm bằng tiến sĩ tại đai học Bruxelles ở Bỉ, mới về nước được chừng hai năm nay.

Mấy tháng tranh cử trôi qua nhanh chóng, ngày bầu cử rơi vào một ngày chủ nhật, dân chúng sẽ đi bỏ phiếu trong vòng hai ngày, kết quả bầu cử sẽ được công bố ba ngày sau, ngày thứ năm hay trễ nhất là ngày thứ bảy. Dĩ nhiên là các công sở sẽ đóng cửa cho dân có thì giờ đi bầu.

Từ hai tháng trước Minh Thùy và hai con đã về nghỉ hè tại Pháp. Vì ở nam bán cầu, từ tháng bảy trở đi trời thường âm u, biển lạnh, nhiệt độ trong ngày có khi xuống dưới hai mươi độ C. Ra đường thấy người bản xứ co ro trong các áo len đủ màu, những người buôn gánh bán bưng đốt chút lửa cho ấm và họ thường về nhà trước khi trời tối. Các cư dân người Pháp nhận được lệnh từ tòa đại sứ Pháp phải ở nhà không ra ngoài hai ngày bầu cử. Tôi ở nhà chán nên đánh xe ra sở ngồi làm việc cho thì giờ qua mau, buổi trưa sang Guest House bên cạnh (hôtel của hãng dành cho khách đi công tác ở vì các hotels trong thành phố rất kém chất lượng, lắm khi không có cả nước để tắm) ăn cơm khỏi nấu rồi mua chút ít đồ về nhà cho buổi tối. Trên một vài con đường tôi đi ngang qua, người dân đứng xếp hàng dài, không chen lấn, không ai mang áo Dos Santos hay Savimbi đi bầu, không cờ quạt của bên này hay bên kia, họ tôn trọng luật lệ ngừng tranh cử từ tối thứ sáu, họ lặng lẽ chờ đến phiên mình được vào. Tôi thấy một hai người đứng trước cửa, sau mới biết họ in vào bàn tay một cái dấu ấn giữ được vài ngày vì có nhiều người không có giấy tờ hoặc chỉ là giấy tay, ghi ngày tháng năm sinh và nơi sinh. Một nền dân chủ non nớt phôi thai.

Hai ngày trôi qua một cách bình thường.

Sáng thứ ba mọi người đi làm trở lại, trời mưa tầm tả, sét đánh tan nát trụ điện trước sở tôi làm. Trời tối đen, không ánh sáng giống như ngày tận thế – Luanda ít mưa nhưng khi đã mưa thì vần vũ kinh hồn, gió đập phần phật, những khu đất đỏ trên cao ùn ùn đổ xuống chặn lấp những con đường lớn. Ngay cả con đường độc đạo dẫn ra bãi Corimba cũng bị cắt làm nhiều khúc, phải hai ba ngày sau đó mới trở lại bình thường – Ai cũng uể oải làm việc, từ nhân viên địa phương cho đến expats (expats là chữ tắt của expatriés tức những người ngoại quốc vào làm việc trong một quốc gia). Mọi người chờ đợi ngày thứ năm sắp đến, TV không nói câu nào cả, ra phố đi qua các nhà của bên Savimbi, những người lính canh gác im lìm nhìn xe cộ đi qua. Không khí trong thành phố trở nên ngột ngạt. Thứ bảy cũng chưa có tin tức gì về kết quả, người đại diện của Savimbi lên TV bắt đầu gắt gỏng, dân chúng lo lắng không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Trên TV các quan sát viên quốc tế tìm cách giảng hòa nhưng không xong, tin tức các cuộc nói chuyện cho thấy bên Savimbi nhất định cho rằng có gian lận, mặc dù Ủy Hội Kiểm Soát Bầu Cử đã không tìm ra bằng chứng gian lận đại trào. Lúc này là lúc các tin đồn được dịp tung ra với tất cả những chi tiết kinh khủng nhất. Paula mặt lo lắng chạy lên nói với tôi:

-Bên « ta » thắng 54%, bên « địch » 46% nhưng Savimbi không chịu thua. Savimbi trốn khỏi Luanda và đang điều động phiến quân gần Caxito, cách Luanda khoảng ba mươi cây số và dọa sẽ làm cỏ thành phố bắng đại pháo.

Louzolo thì nói khác đi :

-Bên « mình » thắng 80% (cái này mới Afrique bởi thắng 51% thì không được ai phục cả), Savimbi kẹt rồi vì tất cả các cửa ngỏ đã bị chặn lại từ sau bầu cử. Quân đội về trấn chung quanh thủ đô, nếu Savimbi không chấp nhận bầu cử hắn sẽ bị lôi thôi ngay !

Quiala lại khác hơn :

-Bên « mình » (có nghĩa là bên Savimbi đấy) thắng 75%, ở Luanda thì thua một chút nhưng trên toàn quốc thì Savimbi thắng lớn. Dos Santos kiếm cách phá bầu cử và hăm dọa Savimbi nhưng ông ta đâu có dại, ngay ngày bầu cử ông ta đã theo Ủy Hội Quốc Tế về Huambo rồi, ở đây chỉ còn hai ông tướng mà mình thấy trên TV thôi. Lực lượng bên ngoài đông lắm, có thể làm cỏ thành phố nếu muốn.

Cả trăm tin đồn khác nhau, « em biết tin ai bây giờ ? »

Buổi tối đi làm về tôi thường ghé vào Guest House để ăn cơm tối nhưng Thùy bảo về nhà sớm ăn cơm ở nhà cho an toàn. Ban giám đốc và nhân viên thường liên lạc với nhau bằng walky-talky, một loại radio mật mà mỗi người phải giữ bên cạnh mình lúc này. Tất cả gia đình được lệnh ở lại Pháp, chỉ những ai không có con mới có thể qua trở lại nhưng phần lớn mọi người đều chờ. Buổi tối đi làm về nhìn quanh căn nhà mênh mông không một bóng người, tiếng máy chạy điện kêu ròn rã buồn vô hạn.

Buổi sáng thứ hai tuần sau đó  cô Paula đem văn thư lên nói với tôi :

-Tôi định xin nghỉ việc và sang Bồ Đào Nha học thêm ngành Orthodontie (kiềng răng cho trẻ em) mất vài năm, trước là để học sau là để tránh tình trạng chiến tranh nếu có xảy ra. Chắc tôi sẽ đi vào cuối năm nay. Thực tình tôi cũng không muốn đi đâu, nhưng nhìn quốc gia này, tôi không thấy tương lai cho mình mà cho cả thế hệ con tôi sau này khi lấy chồng.

-Trong tình trạng hiện tại thì cô nên đi, tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra nay mai, chờ đến cuối năm thì hơi lâu, đã có nhiều người trong hãng mình có hai hộ chiếu, Angola và Bồ Đào Nha, họ đã rục rịch đi rồi. Cô suy nghĩ đi, ra bên ngoài có cái hay mà cũng có cái dở, tôi nói thế vì tôi đang sống tình trạng đó.

-Tôi biết chứ, tôi có thể đi được từ lâu rồi mà tôi không muốn đi, tôi sinh ra ở đây, ông bà tôi đã chết cho đất nước này, tôi vẫn có cảm giác đây là quê hương của mình, nhưng bây giờ tôi trở thành người ngoại quốc, một người da trắng trong một xứ da đen.

Cả tuần sau đó cũng không có chuyện gì xảy ra. Đêm thứ mười lăm khoảng một giờ sáng tôi đang ngủ thì một tiếng ầm nổ ra tưởng như bom đang nổ cạnh nhà. Tôi choàng dậy nhảy xuống nhà nhìn ra ngoài, mọi sự vẫn yên lặng, riêng tiếng nổ vẫn bùng lên, lúc lớn lúc nhỏ. Tôi nghĩ chắc hai bên « đụng nhau » rồi ; tiếng radio riêng của hãng kêu gọi chúng tôi ai ở yên chỗ đó, không được ra đường, đó chỉ là tiếng nổ của kho đạn, hiện thời chưa biết gì thêm. Lại đi làm buổi sáng, Quiala vào gặp tôi, vẻ mặt lo sợ :

-Chắc tôi phải biến mất một thời gian, vì nếu có đánh nhau, mọi người biết tôi theo bên Savimbi chắc tôi không toàn thân. Tối nay có chuyến máy bay đi Gabon, tôi đã xin được vé đi, anh ở lại bình yên. Sao mà dân chủ khó quá thế, dân chủ bằng lá phiếu chứ sao lại bằng súng đạn, lại giết người khác chính kiến với mình.

Tôi nghĩ đến cuộc tranh cử mấy tháng nay, hai bên đều « chường » mặt ra vì nghĩ rằng « dân chủ tự do », phen này có nhiều người mất mạng vì trò « la chasse aux sorcières » (đi bắt phù thủy, từ này có từ thời trung cổ khi nhà thờ đi bắt những người thờ phượng ma quỷ để đưa lên giàn hỏa thiêu). Tôi đi họp với BGĐ, cuộc họp lung tung vì không ai đồng ý với ai, người đòi về Pháp, người nói ở lại, người muốn di tản bằng thuyền qua các xứ lân cận như Gabon, Cameroun. Cuối cùng ông GĐ quyết định, mọi người tự nguyện, ai muốn đi ai muốn ở lại phải cho biết trong ngày để còn lo máy bay, riêng một số người buộc phải ở lại để điều hành, trong đó có hai ông bác sĩ và hai ông y tá. Tan họp tôi về gọi điện nói với Minh Thùy, « anh không về được vì thuộc dạng bị huy động ».

Những đụng chạm lẻ tẻ tiếp tục, lúc trên đường phố, lúc ở sân nhà ga.

Những dấu hiệu như thế chỉ làm tăng thêm cường độ áp lực cho một cuộc xung đột lớn sẽ xảy ra. Chiều thứ sáu sau đó tôi đi làm ra, thành phố vắng tanh, ai cũng ở trong nhà, đường phố có cái êm ả kỳ lạ. Những ngày trong tuần lúc nào cũng đầy xe và người đi lại, kẹt xe ở ngã sáu Malanga là chuyện thường, muốn về tắt phải qua đại lộ Kinaxixe cũng ầm ầm như thế, thế mà hôm nay sao lại thế này ? Tôi về nhà mở tủ lấy thức ăn cho người gác gian ăn, lại để thêm một số đồ hộp dặn anh ta giữ lấy nếu có chuyện gì xảy ra, kẹt không về được thì có thứ mà ăn, xong tôi đến chung cư Palanca, một cao ốc với nhiều căn hộ cho các gia đình expats ở và nơi đó cũng là nơi đặt bản doanh cho « Ceullule de Crise » (tạm dịch là Ban Điều Hành Khủng Hoảng).

Để đối phó với những tình trạng chính trị bất ngờ, hãng đã dự trù một Cellule de Crise, một tổ chức bên ngoài tổ chức hành chánh chính thức của hãng, chỉ những người trong cuộc mới biết. Mỗi thành viên đã được huấn luyện theo kỷ cương quân đội, ai làm chuyện người nấy trong trường hợp có khủng hoảng, chẳng hạn các tổ trưởng phải liên lạc với các tổ viên mỗi ba giờ, ghi lại tất cả các dữ kiện, điểm danh từng người rồi báo cáo cho điều hoạt viên để báo cáo về Pháp hay cho tòa đại sứ, ban viễn thông phải báo cáo tình trạng máy móc, ban giao thông phải báo cáo vị trí xe cộ, tàu bè, máy bay trực thăng, tình trạng phi trường phòng khi di tản, ban liên lạc làm việc với các hãng bạn để nếu cần thì hành động chung, … Tóm lại, một tổ chức rất tinh vi và được huấn luyện đều đặn phòng khi hữu sự. Cả vật lực và nhân sự đều có backup, người thay người là vậy.

Sáng sớm ngày hôm sau, thứ bảy nhằm lễ Các Thánh, trời vừa mờ sáng súng bắt đầu bùng nổ mạnh, cả thành phố đồng loạt ầm lên tiếng súng, tiếng AK giòn giả, tiếng bazoka, tiếng đại bác làm rung chuyển các cửa kính trong nhà. Trên radio riêng, tiếng ông GĐ yêu cầu mọi người phải bình tĩnh, ai ở đâu ở yên đó. Tiếng súng không ngơi và từ từ đến gần nơi tôi ở. Nhiều đám khói nổi lên đây đó, màu đen rợp đất trời. Ngay sát bên là một dãy chung cư cho người bản xứ, đằng sau dãy nhà này là những căn nhà lụp xụp từ đó phát ra những tràng liên thanh và tiếng la ó của hằng trăm có thể là hằng ngàn đàn bà con nít. Chung cư đã khóa kỹ bên dưới, tôi thấy có lính « phe ta » đóng dưới đường nên cũng yên tâm. Về đêm tiếng súng ngơi một chút nhưng vẫn nghe thấy ình ình trong thành phố. Tôi nghe đài phát thanh Bồ Đào Nha, một chiếc máy bay Brazil cất cánh giữa màng súng đạn đem theo gần hai trăm người. Đài Pháp chỉ nói vài câu, CNN cũng không đá động đến biến cố ở một xứ Afrique xa xăm hẻo lánh này. Sáng ngày thứ hai, lại tiếp tục như hôm trước, tôi nhận được vài tin tức từ trên gửi xuống và phát đi cho các đồng nghiệp để họ an tâm. Súng vẫn nổ cả ngày không có vẻ gì bớt. Mọi người có vẻ lo lắng, vài anh say sỉn chửi bới trên radio nhưng bị giật lại ngay, phần lớn đi xuống phòng thể thao tập dợt cho bớt căng thẳng. Qua ngày thứ ba vẫn thế, mọi người lo lắng không biết sẽ còn kéo dài bao lâu, có người bắt đầu rơi vào trầm cảm. May quá, buổi chiều ngày thứ ba chỉ còn lẻ tẻ rồi im hơi. Ba ngày dài như địa ngục, đầy những tin đồn, đi ra đi vào như ngồi trong rọ. Chúng tôi xuống siêu thị bên dưới bê đồ ăn thức nhấm lên, một anh « đầu bếp » đứng ra lo nấu nướng mừng « hòa bình » trở lại. Ông GĐ đến thăm họp tất cả mọi người để thông tin rằng đã ngưng bắn nhưng mọi người phải ở yên trong nhà cho nhà chức trách « thu dọn » chiến trường. Ông không nói bên này hay bên kia thắng vì chính ông, ông cũng không có quyền bàn về chính trị, nhưng chúng tôi ai cũng hiểu là bên Savimbi đã bị quét sạch khỏi thành phố, và cũng có thể cùng những người đi theo họ.

Buổi sáng thứ sáu sau đó mới được ra khỏi nhà đến sở, trời mưa vần vũ, đi xe qua những ngôi nhà xiêu vẹo vì chiến cuộc, những bức tường đổ nát, những đống rác vất bừa bãi, tôi nghĩ đến những người dân vô tội chơi trò chơi dân chủ đã bị thí bởi lực lượng hai bên. Tôi đã thấy cảnh ngộ này bên Gabon hay Congo, nhưng có lẽ đây là nơi tệ hại nhất. Các tin đồn cũng loạn lên, người nói có hơn ba ngàn người chết, người nói mười ngàn. Tôi lo nhất cho những người theo Savimbi và những thù oán cá nhân, hay sắc tộc cũng bị loại trừ nhân dịp này. Quiala không trở về làm việc, một năm sau tôi gặp lại anh ta trong một dịp đi công tác tại Port Harcourt bên Nigeria, hóa ra anh ta được điều về đây tránh loạn tạm thời.

Vài tháng sau đó tôi xong nhiệm kỳ làm việc ở Luanda và trở về Pháp. Trước khi về hai ngày tôi lái xe trên đại lộ Kinaxixe, một người chạy xe gắn máy húc vào sau xe tôi ngã lăn ra, tôi biết anh ta chỉ đụng nhẹ thôi, lỗi tại anh ta trăm phần, nhưng anh ta nhất định nằm ăn vạ. Tôi vừa xuống xe chưa kịp nói gì thì đã có cả chục người đến bao vây chung quanh có vẻ như bênh vực « nạn nhân », giữa lúc đó Paula ở đâu hiện ra như một thiên thần, cô bảo tôi cứ lên xe để cô giải quyết cho, quả thật mọi người để yên cho tôi đi.

Hôm tôi tổ chức buổi lễ từ giã các đồng nghiệp, Paula cũng đến, tôi cám ơn cô về chuyện cô đã giải quyết cho tôi hôm nọ. Cô nói cô quyết định không đi Lisbonne nữa nhưng cô sẽ từ chức hãng tôi để hành nghề nha sĩ,  rồi chúng tôi nói lan man qua chuyện bầu cử, nhất là hậu bầu cử, cô cười nói với tôi :

-Anh có về Pháp anh cũng học được một kinh nghiệm. Dân chủ có súng kiểu này chỉ có bên Afrique !

Lê Văn Truyển

Xuân Tân Sửu