Cái tát
Lê Văn Truyển
(Nguồn: Giai Phẩm Xuân Hội ngộ 2013 “Vui tình bằng hữu” – Petrus Ký 1966-73 http://veque.com.free.fr/)
Mười lăm tuổi. Tuổi của cô đơn . Cái cô đơn bỗng dưng đè xập xuống làm tôi nghẹt thở. Có lúc tôi thừ người như không muốn làm gì. Tôi không thấy ai chung quanh, tôi như người mộng mị. Tôi biết mình đổi khác, sáng thức dậy thấy uể oải, nhìn xuống quần có dấu vết của một cái gì khang khác mà không biết. Tôi chán sách, tôi chán học, tôi thích đi lang thang. Mùa hè lớp chín buồn như những cơn mưa dầm dề. Mới hè năm ngoái, tôi còn là một học trò ngoan. Năm nay trái lại. Tôi đi tìm sách đọc về tuổi 16, những cuốn sách dấm dẳng không trả lời được câu hỏi của mình . Những truyện mà người mẹ trưởng giả mặc áo dài, gọi con và xưng bằng mẹ. Mẹ tôi quanh năm áo cánh, gọi mày xưng tao, khi nào bà âu yếm thì bảo « thằng khỉ gió ».
Lớp chín vừa rồi cũng là một năm biến động, mùa xuân bắt đầu bằng khói lửa ngay trong thành phố. Nhà cháy kéo khói lên tới trời, đứng góc nào của thành phố cũng thấy. Chiến tranh không còn dành cho thôn quê. Đêm ngủ có đại pháo làm nền, có 122 bay vào xóm. Là anh lớn của mấy lớp chiều, trong đó có thằng em tôi. Chúng tôi trông đường bệ, nhưng ra khỏi cổng trường thấy mình tí hon bên cạnh các anh các chị Khoa Học qua lại phất phơ trước trường. Dạo ấy sinh viên còn hiếm, cả xóm tôi không mấy người lên đại học, phần lớn dừng lại ở bậc trung học rồi đi lính hay ra bán chợ trời.
Tôi ở trong một xóm nhỏ gần trung tâm thành phố. Thực ra nhà tôi ở mướn trên một căn gác nhỏ có thêm một nửa cái gác xép nóng như hun người những ngày nắng và rộn ràng như thác đổ những ngày mưa. Nhưng chính cái gác ấy gây cho tôi những ấn tượng đầu đời của kiếp lãng du. Ở đó tôi đã làm những bài thơ đầu tiên, những nốt nhạc dang dở không bao giờ chép ra hay những bức tranh mầu nước không bao giờ giữ lại.
Mười lăm tuổi xuống đường chống chiến tranh tràn qua xứ chùa Tháp. Tôi điên cuồng chạy trong khói lựu đạn cay không biết để làm gì, nhưng phải đập phá cái gì cho hả dạ. Lúc anh Tổng Thư Ký vào trường tựu họp và tuyên bố bãi khóa, tôi thấy anh oai phong lẫm liệt như một chiến tướng chỉ huy. Hình ảnh anh Tổng Thư Ký ngồi trên chiếc xe Honda hạ tay như hạ cờ cho tấn công thành ám ảnh tôi nhiều năm sau đó. Công An vây lấy anh, chúng tôi chạy vào vây quanh, như một phản xạ tự nhiên. Chống chiến tranh, chống cáp duồn. Những chữ nghe mới lạ và người lớn. Thôi rồi những trò rượt nhau trên sân trưòng với bạn bè. Những bạn bè sau này biệt tăm không biết về đâu. Tôi tử thủ trong trường cho đến tối mịt mới về, dĩ nhiên là với lý do « kẹt trong trường tại mấy thằng lười không chịu học mà chỉ muốn bãi khóa».
Tuổi mười lăm chính thức đến vào mùa hè năm ấy. Mưới sáu tuổi ta, bà nói tôi lớn. Mẹ thôi không còn mắng tôi như trước và từ vài năm nay tôi không con bị những cái tát nổ đom đóm mắt của Bố tôi vì những tội không đáng tội, chỉ vì đầu óc ông lúc nào cũng ằng ặc những lo lắng cho miếng cơm manh áo. Đêm sinh nhật, tôi mua ổ bánh mì lên từng gác xép nhìn về phía có ánh đèn nơi có những tiếng hát dập dìu của một ban nhạc da vàng hát cho những anh lính Mỹ xa nhà. Những bài hát mới như The House of the Rising Sun, Sealed With a Kiss. Tôi say sưa nghe những tiếng bass trầm trầm, tiếng lead guitar văng vẳng trong đêm rồi đầu óc đi giang hồ mải miết tưởng mình ở đâu đó trên một xứ nào xa lạ. Tôi nhớ mãi đêm sinh nhật ấy cho đến bây giờ, cái sinh nhật duy nhất trong đời mà tôi làm với thật lòng mình. Sinh Nhật cô đơn.
Mùa hè đến với những cơn mưa rào, ầm ỉ nhưng mau tạnh. Lá đổ suốt con đường tôi đi học thêm anh văn vào buổi chiều, dẫm lên tưởng như chàng lãng tử giang hồ không chỗ dừng chân. Đó là những ngày cô đơn nhưng hạnh phúc, hay đúng hơn hạnh phúc vì được cô đơn. Tôi như con sâu nhỏ nằm trong kén không thấy ai và cũng chẳng muốn ai thấy mình.
Cũng là thời những bài thơ của Trần Dạ Từ ám ảnh tôi.
Em mười sáu tuổi trăng mười sáu,
Áo lụa phơi buồn sân gió xưa.
Những « em mười sáu tuổi » tôi chưa từng quen nhưng tưởng như là thân lắm. Một chiều mưa qua Trưng Vương thoáng thấy một tà áo dài tựa dưới gốc cây. Một buổi sáng qua Nguyễn Bá Tòng chợt một ánh mắt đen tuyền ngước lên như khựng lại. Những gương mặt ấy, ánh mắt ấy tràn ngập nhiều đêm mộng mị làm đầu óc bỗng như mơ hồ, như đang đi trên mây.
Tôi vẫn ngoan ngoãn làm bổn phận của con trai lớn trong nhà. Tôi không biết mắc cở khi ngồi trước nhà rửa chén hay giặt quần áo mấy đứa em. Buổi tối khi hàng xóm bắt đầu đóng cửa đi ngủ, tôi kéo cuộn dây ống nước ra phông ten đầu xóm đong đầy mấy cái lu lớn trong nhà, hai hay ba bận một tuần. Những hôm trời đẹp, trăng soi trên xóm nhỏ, tiếng nhạc từ nhà ai vọng ra nghe buồn não ruột. Những tối trời mưa tầm tả, xóm vắng teo, lủi thủi kéo dây nước về nhà, những hạt mưa lạnh rơi trên mặt làm tôi tinh táo.
Cứ thế mùa hè qua, tôi mang tâm trạng ấy mở cửa bước vào lớp mười B2.
Năm nay học lớp sáng, cảm thấy mình gia nhập một đội ngũ các đàn anh lớn. Buổi tựu trường cũng khá bọt bèo. Lớp cũ của tôi đã pha trộn quá nửa với lớp Chín 4. Những gương mặt không xa lạ vì đã chia nhau một hành lang bốn năm trời. Lớp này cũng hay chơi đùa với lớp kia, tuy vậy vẫn có khuynh hướng bảo thủ, các bạn vẫn chơi theo nhóm nhỏ kéo nhau từ lớp chín lên.
1970 tổng trưởng kinh tế Âu Trường Thanh cho nhập cảnh tự do xe máy Nhật. Đường phố bắt đầu kẹt cứng vì xe động cơ hai bánh. Đi về quẹt ngón tay vào mủi thấy đen xì. Những tin tức hằng ngày xe lính Mỹ chẹt chết người như cơm bữa. Bạn bè đã có đứa có xe Honda. Honda là nói chung chung, dĩ nhiên là có đứa có Suzuki, PC50, Honda SS, Honda Dame, Kawasaki, tóm lại đó là những cái xe rất chiến và rất đắt.
Hồi nào đến giờ đi học tôi đi bộ. Từ nhà đến trường khoảng hơn ba mươi phút. Trời nắng hay mưa, sáng hay chiều, tôi cuốc con đường dài tội nghiệp năm này qua tháng nọ. Sự đi bộ đã vào thân và trở thành một môn thể thao kinh niên. Tôi có thể đi từ trung tâm Saigòn vào đến Phú Thọ hay ngược qua Khánh Hội mà không biết chùn chân.
Con đường đi học ngang qua trại Ủy Hội Quốc tế Đình Chiến, cái tên nực cười đó vẫn giữ nguyên cho đến ngày tôi đi khỏi xứ. Chiến tranh vẫn nhộn nhịp bên ngoài nhưng con đường trong Ủy Hội rợp nắng bởi hai hàng me là một chốn yên bình của tôi. Con đường xanh mướt hai mùa mưa nắng, có những mái nhà lấp loáng sau những hàng rào dâm bụt đỏ ối. Mùa giáng sinh, ngôi nhà thờ mở cửa cho xem hang đá có chúa Hài Đồng và bà Maria. Mọi thứ có vẻ tây phương lắm. Buổi sáng tinh mơ nắng nhẹ phất phơ trên hàng me. Buổi chiều nắng lấp lánh trên đường long lanh hắt vào mắt những cô gái đi học về. Và những chiều mưa dẫm bưóc trên những lá me bầm dập có một chút gì buồn buồn. Con đường Ủy Hội chỉ là một khúc nhưng gây nhiều ấn tượng. Trước khi bước vào đây phải qua nhà thờ Huyện Sĩ và con đường rầy hỏa xa nay đã bị lấp đi. Những vần thơ học trò đã nở ra ở đây và lần lượt rơi vào xọt rác vì quá tệ.
Năm nay tôi được đóng tiền ghi danh Trung Tâm Văn Hóa Pháp. Bố hỏi tôi tiếng Pháp cần hay toán lý hóa cần. Tôi nói mấy môn khoa học học lấy ở nhà được, tiếng Pháp thì không. Lại đi bộ đến Văn Hóa Pháp. Nhưng con đường qua trung tâm thành phố ồn ào vui vẻ hơn. Qua khỏi Tòa Đô Chánh là Givral. Gần Giáng Sinh, Givral trưng bày bánh kem trông thấy phát thèm, không ăn trông thôi cũng đẹp mắt. Lần đầu tiên tôi thấy buche Noel, một khúc bánh trông như que củi lò sưởi trát đầy kem, có ông già Noel tí hon đeo thúng quà lủng lẳng sau lưng. Có một cái gì xa lạ nhưng hấp dẫn, như khám phá ra một nền văn minh mới.
Khác với Petrus Ký chỉ có con trai, TT Văn Hóa Pháp là nơi có thập đại chúng sinh. Con gái trường việt trường tây tấp nập. Đến để học cũng có, để chơi cũng có nhưng chắc nhiều hơn. Áo dài hay đồ đầm, hippy hay đơn giản, tha hồ mà ngắm. Tôi thì bốn mùa quần xanh áo trắng. Những chiếc quần bắt đầu ngắn, để lòi những cái nút đen ra vì lớn mau hơn quần biết giản. Tôi đi học thủ cặp trước quần, ngắm các cô qua lại mà không dám làm quen. Mùa hippy đã lan tràn khắp nơi. Những cánh hoa xanh đỏ đã được khắc trên xe gắn máy. Áo trắng bó sát người và cổ loe đã thấy khắp nơi. Qua rạp hát Rex mà hoa cả mắt. Những cô và cậu sánh đôi hay đèo nhau qua lại không thấy gì có vẻ chiến tranh quanh đây cả.
Tôi ước sao được có một cái xe như chúng bạn. Hơn nửa lớp đi xe, lèo tèo vài đứa đi xe đạp hoặc đi bộ như tôi. Cái xe không phải là phương tiện chuyên chở nửa, mà là món trang sức cần thiết của đám choai choai như chúng tôi lúc bấy giờ. Ngay cả những đứa ở cách xa trường chỉ dăm ba phút cũng đi xe. Tôi bắt đầu nói xa nói gần nhưng Bố Mẹ tôi làm lờ. Đại khái, nếu có xe thì con đã đưa Mẹ về chợ sớm hơn rồi. Hay, trời mưa quá, đi học ướt hết cả đầu. Không biết cái vô lý của mình là đi xe mà không mặc áo mưa che đầu cũng ướt như thường. Những cái oái oăm đó lúc đầu Bố tôi không để ý nhiều, nhưng ông bắt đầu át đi. Lo học đi, có xe cũng chỉ đi chơi thôi chứ học hành gì. Rồi ông kê danh sách những ông bạn có con đi xe bị tai nạn, bị đánh giật xe, hay đâm ra chơi bời lêu lổng, tối ngày đàn đúm. Thật sự ra nếu nhìn kỹ lại trong nhà, có nhiều ưu tiên khác hơn là cái xe. Nhà không có TV đã đành, cũng không có nổi cái tủ lạnh để khỏi phải đi chợ mỗi ngày. Nhưng trong óc tôi lúc đó , cái xe quan trọng hơn hết thảy. Để đi ra đường không phải rụt rè trưóc những lô xe rần rật chạy quanh mình. Để có thể ít nhất bằng được các cô đi xe. Và nhất là cái xe làm mình tự tin hơn khi phải đi …tán ghệ (mặc dầu chỉ là dự tính hoang tưởng lúc bấy giờ thôi). Tôi chống chế, gần như nằng nặc cho bằng được.
Lúc ấy Mẹ tôi mới mướn đuợc một sập vải trên lề đường Lê Lợi, công việc hanh thông hơn. Đỡ cho Mẹ là khỏi phải sáng sớm lên Chợ lớn bán hàng đến tối mịt mới về. Bây giờ, buổi tối tôi ra chợ dọn hàng cho Mẹ, xếp từng xấp vải vào thùng rồi chờ đẩy vào Bộ Công Chánh gần nơi đó để cất qua đêm. Nhiều khi còn sớm, tôi ghé qua bến tàu ngồi xem thủy triều lên. Gió rầm rập trên đầu, chim lượn từ những mái nhà ven sông rồi đảo xuống bắt cá. Những lúc được ngồi yên lặng như vậy, mặc kệ nhân sinh chung quanh, tôi thấy mình như thoát khỏi thành phố này để đi đến một chốn nào, xa lắm.
Mẹ buôn bán khá hơn, chuyện đòi mua xe của tôi nhờ vậy có nhiều khả năng thực hiện được, nhưng nếu không quyết liệt thì sẽ không có. Tôi tăng vận tốc đòi và bắt đầu lầm lì hay mặt nặng mặt nhẹ. Tôi vẫn làm bổn phận của mình, nhưng như là một người đi làm mà lãng công chứ chưa phải đình công, nhưng không còn vui vẻ như trước nữa.
Gần Tết, các bạn đua nhau đi xem phim hay vào Thảo cầm viên chơi, tôi cũng đi theo. Ngồi sau bạn đèo đi cũng vui, nhưng ước gì mình có cái xe của riêng mình nhỉ. Buổi trưa hôm đó đi về, Bố tôi nói tao thấy mày ngồi ở góc đường Lê Thánh Tôn (vì ông làm ở Tòa Đô chánh) với đám bạn. Tôi nói, hôm nay trống hai giờ sau nên đi theo bạn chơi. Đi xe với chúng nó cũng cẩn thận, tao đẻ mày ra nguyên vẹn thì đừng để tai nạn xe sứt mẻ cả đầu mình. Tôi nói đâu phải ai đi xe cũng có tai nạn hết đâu, mình không có xe thì nói như vậy chứ cả nước họ đều có xe có ai có việc gì đâu. Trưa nóng đập trên mái tôn, cuộc đấu khẩu tiếp tục tăng cường độ. Cả hai cha con cùng đứng gần cái bàn nước. Chỉ biết có một lúc, ông giận lên chắc vì tôi lên giọng. Bốp một cái, một cái tát nên thân phóng ra, đập thẳng vào mặt tôi như trời giáng. Cả tôi cùng ông đều khựng lại rồi ông bỏ ra hàng hiên đứng. Cả ngày hôm ấy hai cha con tránh đụng mặt nhau.
Buổi trưa trời nắng chang chang, khi ông lấy xe đạp đi làm, ngồi trên gác tôi thấy ông đặt chân trên bàn đạp, guơng mặt khắc khổ nhăn lên để lấy trớn đẩy chiếc xe đi.
Buổi chiều hôm đó có người bạn rủ tôi qua đại học Khoa Học để xem một anh sinh viên mới từ « chuồng cọp» ra. Buổi họp diễn ra trong một giảng đường nhỏ. Anh nằm trên một cái băng ca quay mặt về phía chúng tôi. Giọng anh nhỏ nhưng đanh thép, anh kể những gì anh chịu trong tù và thế nào là chuồng cọp. Sự lý tưởng của anh làm mọi người yên lặng lắng nghe, vài ký giả báo đối lập đặt anh nhiều câu hỏi, câu nào anh cũng trả lời bằng nhiệt tình tâm huyết của mình. Anh nói anh từ miền Trung vào học, anh không làm chính trị, anh chỉ muốn công bằng xã hội và hòa bình. Lúc ra khỏi trường thì trời đã bắt đầu tối, ánh sáng còn quyến luyến một chút trên những hàng cây cao đường Hồng Thập Tự, trong đầu tôi dấy lên vài câu hỏi về quê hương, về thân phận.
Gần Tết Mẹ làm việc trễ hơn thường lệ. Hàng vải lúc này chạy vì các cô các cậu chịu khó theo mốt mới ăn mặc nhiều hơn. Có những tiệm may đo buổi sáng, giao hàng buổi chiều cho kịp giờ các cô đi nhẩy. Chung quanh tôi rầm rộ một thành phố ham sống, quay cuồng. Buổi tối hai Mẹ con cùng về. Qua sở Hỏa xa, ở đó có những người ở quê tránh chiến tranh lên ngồi bán từng bó rau, cọng hành kiếm sống. Mẹ tôi ghé vào mặc cả mua vài món đưa tôi cầm cho bà. Mẹ nói, sao mày dại quá vậy con, đua đòi chúng bạn làm gì cho Bố mày giận lên ông ấy đánh cho nên thân. Mà cái xe bao nhiêu tiền thế con. Mắt tôi lúc đó chắc sáng lên. Xe mới thì trăm tám, hai trăm ngàn gì đó, còn xe cũ chỉ khoảng trăm hai thôi. Bà không nói gì, chắc trăm hai vẫn còn đắt lắm. Hai ngày sau tôi đang ngồi đọc báo, Bố tôi cầm một gói giấy báo trao cho tôi, này cầm lấy mà mua xe. Tôi còn đang ngạc nhiên thì ông cười với tôi. Không phải hoàn toàn một nụ cười, mà là một nụ cười bằng mắt, chỉ khi nào lòng vui lắm ông mới biểu lộ bằng cách ấy. Tôi lí nhí nói mà không biết mình nói gì. Ông đi làm, tôi mở gói giấy ra, đủ một trăm hai chục ngàn.
Tôi bắt đầu đi kiếm xe, một trăm hai chục ngàn chắc mua được một cái xe Honda dame năm mươi phân khối chạy đã ba năm. Tôi hỏi thăm chỗ này chỗ nọ để xem giá cả. Nhưng trong lòng tôi bắt đầu nao núng. Có nên mua xe không trong lúc này ? Tôi phân vân, buổi tối đi với Mẹ về, tôi tránh con mắt bà nhìn tôi. Tôi có nói với Mẹ là có xe sẽ đỡ mệt hơn, sẽ có nhiều thì giờ để học hơn. Tôi biết tôi nói giối, trong lòng tôi lúc này không phải là vấn đề học, mà là chơi thôi. Mặc dù lúc đó tôi cũng chẳng có nhiều áo quần gì để đi chơi. Mẹ cho cái quần tây đi cắt, được một bộ vía để thỉnh thoảng đi chơi, nhưng tôi cũng ít khi mặc.
Tết năm ấy hai bà chị của tôi mở hàng bán trà ngoài chợ Sài-gòn. Gọi là « hàng» thì hơi quá đáng, nó là một chỗ nằm ngay ngoài đường giữa chợ, không bàn không ghế, mà chỉ là một khoanh đất trong đó phải gói ghém cho gọn gàng, để hàng họ, và những vật dụng cần thiết như chai nước, cái cà mên cơm để ăn trưa, hộp bánh bít-quy làm chỗ để tiền lẻ thối lại cho khách hàng. Chợ Tết lúc ấy chiếm hết bùng binh Quách thị Trang, cả ngày ra rả nhạc Hoàng Thi Thơ do cô ca sĩ hàng hiệu Thanh Lan hát, lại thêm khô cá thiều và kem Hynos, nghe nhức cả đầu. Hai bà chị dưới cái nón xùm xụp chống lại ánh mặt trời khắc nghiệt, ngồi cả ngày như thế. Trà Ban mê thuộc được người ta giao sĩ và bán ra lẻ. Bà chị lớn học luật còn bà thứ nhì đang lên đệ nhị, năm tới đi thi. Trà bán một tuần trước khi Tết, bán hết số trà giao thì cũng được ăn cái Tết dư giả nhưng không gọi là nhiều. Buổi tối từ hàng Mẹ ra tôi ghé thăm hai chị. Hàng bán được, hai chị cũng khấp khởi mừng. Buổi tối hôm hăm chín, đông người mua quá chị đếm tiền không xuể, thay vì trả lại người ta mấy bó giấy năm chục chị đưa họ bó năm trăm, bao nhiêu tiền lời công khó cả tuần bỏ biển. Chiều ba mươi tôi ra dẹp hàng, chị cả buồn buồn nói với tôi, thôi tiền đi thay người hả em. Chị tự an ủi chị mà như đang an ủi tôi. Tôi cười nói, ừ thì đi thay tiền. Chị định kỳ này lời chục ngàn cho em mua xe. Tôi nghe thấy nao nao.
Không có chiều nào buồn như chợ chiều ba mươi. Mọi hàng quán đã dẹp, ngổn ngang đây đó thùng mủng tơi tả khắp nơi. Trên nền chợ, vẫn còn nhiều hàng quán như chị tôi chưa dẹp xong. Ngay bên cạnh là một anh chị từ miền Trung vào, bạn hàng của chị. Người thanh niên là sinh viên khoa kiến trúc, mặt mày trí thức, đeo kính cận, giúp bà chị đẩy xe bán nước ra về. Năm nay anh chị ăn Tết ở đâu ? Không có tiền về em ơi, mà có về bây giờ cũng trễ rồi, về trển thì đâu có buôn bán gì được mấy ngày Tết, chị cười cười nói, thôi thì hai anh em ăn Tết với nhau. Nhìn người thanh niên đẩy xe trong chiều tà, lòng tôi buồn vô tả. Chiều nay tôi còn một mái ấm gia đình để trở về. Còn mấy người này ra sao ? Và củng còn cả trăm mảnh hồn như vậy chứ đâu phải chỉ có hai chị em nhà này đâu ?
Đêm Giao thừa năm đó tôi ý thức rằng mình đã lớn. Tôi ngồi chờ cây hương rỉ rả cháy và lòng vui như nhận được phong lì xì mới. Tôi đã quyết định rồi, tôi phải cố gắng xem lại sự học bê bối của mình trong năm tới, và sáng mai đây sẽ đưa trả lại gói giấy báo cho Bố tôi như món quà đầu năm cho Bố Mẹ.
Lê Văn Truyển