Y Công Đại Úy

Captovan Tô Văn Cấp

Một buổi sáng, khi bước vào văn phòng, tôi thấy trên bàn làm việc có miếng carton cuộn thành hình ống tam giác, ghi mấy chữ viết tay: “Y Công Đại Úy…”, bất giác tôi mỉm cười, chắc chú thặng số nào có tính khôi hài, thấy trên bàn làm việc của Bác Sĩ Thế, Bác Sĩ Tường có bảng đồng ghi tên: “Y Sĩ Thiếu Tá, Y Sĩ Đại Úy” nên cũng tặng tôi cái bảng tên kèm theo nghiệp vụ “Y Công” cho văn phòng của Trưởng Khối Thặng Số Thương Bệnh Binh có dính dáng đến tí ngành y, cái ngành mà ai cũng nể vì.

Ở bệnh viện, người quan trọng nhất, được vị nể nhất, có quyền nhất là bác sĩ, rồi tới y tá, cuối cùng là y công. Bác sĩ, y tá giúp cho bệnh nhân hồi phục theo chuyên môn dày công học hành, còn y công là không cần học gì cả mà vẫn làm được tất cả mọi công việc mà bệnh nhân nhà thương cần tới, không có y công thì bệnh viện sẽ gặp nhiều trở ngại. Y công đổ rác, quét nhà, lau toa-lét, cơm nước? Do đó y công cũng có thế lực ghê lắm.

Xóm Hòa Hưng tôi có anh Thang làm y công ở bệnh viện Nhi Đồng Saigon, anh rất trọng ngành y, nhà anh có hai sinh viên y khoa tạm trú “free” cho tới ngày thành BS, đó là Nguyễn Tấn Tờn, Vương Gia N…, cả xóm nể phục anh, nhưng điều quan trọng là anh rất có “thế lực” đối với các nhân viên bệnh viện, từ anh gác cổng tới ông thầy thuốc.

Ai cũng biết cái khó khăn khi có con bị bệnh phải vào nhà thương thí Nhi Đồng, nhưng xóm tôi, nếu có cháu bé nào cần cấp cứu, nhập viện là anh Thang lo cho dễ dàng nên dân trong xóm gọi đùa anh là “ông bác sĩ”, tức lớn hơn bác sĩ. Do vậy tôi rất vui khi được anh em tặng cho cái danh “y công”. Y công có nhân viên và văn phòng mới hách.

Gọi là “văn phòng” cho sang chứ nó chỉ chiếm một góc nhỏ trong nhà vòm bằng tôn nằm bên trái phía trong cổng bệnh viện, dùng làm nơi tạm trú cho toán canh gác an ninh. Vật dụng “văn phòng” thặng số  gồm 1 cái bàn, 3 cái ghế, hàng phế thải của Mỹ do Thượng Sĩ Tuyết, thường vụ, xin của Trung Úy Trần Đình Thêm bên Trung Tâm.

Tôi không học ngành y, nhưng được làm ở bệnh viện vì tôi bị thương. Tôi bị trọng thương ở trận kinh Cán Gáo (Chương Thiện) ngày 19/6/69, dưới quyền chỉ huy của Trâu Điên Trưởng Nguyễn Xuân Phúc. Tôi được chuyển về bệnh viện Phan Thanh Giản Cần Thơ sơ cứu rồi được Bác Sĩ Hạnh chuyển về bệnh viện Lê Hữu Sanh (Thị Nghè). Sau hơn 1 năm điều trị thì tôi nhận được giấy ra hội đồng y khoa để phân loại.

Tôi hơi lo nên dò hỏi Thượng Sĩ Y Tá Nguyễn Văn Kha và Đại Úy Bác Sĩ Trần Công Hiệp-hai lương y trực tiếp săn sóc hằng ngày cho tôi, thì hai vị tiên đoán với thương tích gãy xương chân tay, tai nghễnh ngãng thì có thể “được” phân loại hai vĩnh viễn, sẽ “được” về Trung Tâm Quản Trị Trung Ương (TTQTTU) ở đường Tô Hiến Thành (Hòa  Hưng) chờ giải ngũ.

Nếu đúng như thế, tôi sẽ “bị” xuất Binh Chủng, phải về TTQTTƯ chờ giải ngũ thì buồn quá! Tôi than với Huỳnh Văn Phú, Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến, Phú tưởng tôi buồn vì thất nghiệp nên bạn ta an ủi:

-Mày đừng lo, tao sẽ nói với anh tao-Huỳnh Văn Mạnh, một VIP ở kho xăng Nhà Bè, tìm cho mày một chân “security”, một job ngon lương cao hơn lương đại úy nhiều.

Nghe bạn nhiệt tình giúp đỡ lúc sa cơ nên tôi nhận lời liền, không cần suy nghĩ:

-OK, mày nói với anh Mạnh giúp tao.

-Yên chí đi, anh ấy mới nói với tao cần một vài cựu quân nhân làm security.

 Lương cao, làm việc tại kho xăng Nhà Bè, (Saigon) không phải đi đánh giặc là niềm ước mong của nhiều người. Nhưng khi nghĩ tới lúc bị xa anh em, xa đồng đội đã từng sống chết, thay quân phục rằn ri bằng bộ đồ công nhân khiến tôi cảm thấy tủi thân và tiếc thương đời lính quá! Anh Cả của tôi-người nuôi tôi từ nhỏ, cũng không vui khi biết tương lai của tôi sẽ chỉ là một công nhân gác cổng, nên anh khuyên tôi cần suy nghĩ cho kỹ. Anh tôi luôn hãnh diện với bà con xóm làng có thằng em là lính TQLC.

Tôi còn độc thân, dạng cù lần, chưa cần job ngon, mà luôn ước ao được gắn bó với TQLC chỉ vì cái hào hùng. Nếu bị buộc phải cởi áo rằn ri thì còn chi là mộng ước ban đầu. Mộng  ban đầu của tôi là khi tôi gia nhập trường Võ Bị, tôi đã mang theo cái mũ xanh. Rồi tới ngày tốt nghiệp (11/1964), tôi phải tranh đua với 300 tên đồng khóa cùng dơ cao tay tình nguyện về Binh Chủng TQLC khi hai vị Đại Úy TQLC Đỗ Kỳ và Phạm Văn Chung đến trường Võ Bị tuyển mộ. Tôi “ăn gian”, độn giấy vào gót giầy cho thêm chiều cao, thế là  tôi là 1 trong 30 tên được chọn về TQLC. Ước nguyện ban đầu là như thế, rồi áo trận đã nhiều lần thấm máu, máu tôi, máu anh em mà nay bị cởi ra để thay bằng cái áo công nhân thì tủi thân biết là chừng nào! Nghĩ vậy tôi phải đi tìm cứu nhân độ thế. Tôi đi gặp anh Nguyễn Xuân Phúc nói lý do và than sẽ bị xuất Binh Chủng, anh cười bảo:

 -Tưởng xin huy chương, cấp bậc thì khó chứ muốn ở lại thì dễ, để tao lo.

Thế rồi mấy ngày sau anh gọi tôi đến gặp anh, tôi giật mình thấy Lạng Sơn ở đó, khi nghe tôi trình bày, Lạng Sơn mỉm cười:

-Chú muốn ở lại Binh Chủng thì dễ thôi, cứ nghỉ dựỡng bệnh đi, chừng nào xuất viện, muốn  làm chỗ nào thì nói.

“Muốn làm chỗ nào thì nói”: Biết rằng lời hứa của Lạng Sơn là “chắc như bắp”, liệu sức mình, tùy khả năng tôi sẽ nói sau khi xuất viện. Tôi vội báo tin vui ngay cho Huỳnh Văn Phúc thì Phú nói:

-Anh Mạnh mới nhắn cho tao bảo mày đi nhận việc, tao chưa kịp cho mày hay.

Tôi cám ơn Anh Mạnh thì Anh không vui, bảo:

 -Hai thằng mày lôi thôi quá, cả đống người xếp hàng nạp đơn xin việc…

Tiếc thật đấy chứ, thời điểm 1970, lương security gấp ba lương đại úy, nhưng “gác cổng” không có những điều mà tôi hằng mong ước:

-“Ngày gia nhập Trường Võ Bị, tôi đã xin anh rể Nguyễn Duy Xướng TĐ.1/TQLC cái mũ xanh để mang theo”.

Khoảng 2 tuần sau khi tôi gặp Anh Phúc và Lạng Sơn thì tôi nhận được giấy gọi trình diện BTL/P1 & TQT (15 Lê Thánh Tôn). Tay chống nạng, chân thấp chân cao, tôi leo mấy chục bậc thang lên lầu ba mệt bở hơi tai thì được quý vị trưởng phòng cho biết tôi đã có nhiệm vụ mới: “Đại Đội Trưởng ĐĐ Tổng Hành Dinh”!

Tá hỏa tam tinh, tôi rất sợ đến Bộ Tư Lệnh, sợ từ ông xếp an ninh cổng Kiều Công Tuyết, sợ cái “motel” QC 202 của chúa ngục Trần Ngọc Toàn, tôi vội vàng thanh minh:

-Thưa tôi còn nghỉ dưỡng bệnh tại gia, chờ tái khám mà.

Tôi đưa giấy tờ bệnh viện, họ vừa xem vừa ngó cặp nạng tôi kẹp nách, chân tay bó bột, rồi gật gù bảo tôi ngồi chờ, một lúc sau tôi được ra về như không có chuyện gì xảy ra. Thế là tôi tiếp tục nghỉ tại gia, chờ tái khám cho tới khi cắt bột và là “thặng số thương bệnh binh” BV Lê Hữu Sanh.

Thời gian này (1969-71), thặng số TBB đông lắm, gồm thành phần chờ đợi trả về đơn vị cũ, phần chờ phân loại, chờ thuyên chuyển về TTQTTU. Tùy theo hồ sơ bệnh lý, mỗi cá nhân được cấp giấy phép ngày, phép tuần, phép tháng, hết phép, “đến hẹn lại lên”, trở lại bệnh viện để gia hạn hay cấp giấy phép mới, hoặc nhận giấy thuyên chuyển.

Mỗi buổi sáng đoàn quân “chân thật, chân giả, ba chân, bốn cẳng” ra vào bệnh viện khá đông nên trật tự không được ổn lắm. Cũng thời gian này, khắp Saigòn xẩy ra phong trào “TPB cắm dùi” do TPB Nguyễn Rô (?) đều têu, chỗ nào có đất trống là “cắm dùi”. Hai bên lề đường trong thành phố đều có lều dựng lên với khẩu hiệu: “Người cày có ruộng thì TPB cần nhà”. Vùng Thị Nghè đã thấy thấp thoáng có bóng dáng rằn ri. Nghe thiên hạ xầm xì rằng việc này do hai ông “chủ tịch*” NVT & NCK chơi nhau.

Vì những lý do trên nên thượng cấp chỉ định tôi, tên to đầu nhất trong đám què cụt làm Trưởng Khối Thặng Số Thương Bệnh Binh, để kiểm soát, ký  giấy phép và duy trì tật tự, nhất là canh chừng TPB cắm dùi.

Tôi vui vẻ nhận nhiệm vụ Trưởng Khối, làm việc như một nhân viên bệnh viện, quyền lợi là được đi chung xe jeep với BS Trần Công Hiệp, nếu cần.

Một buổi sáng, tiếng chuông điện thoại réo có vẻ bực dọc gắt gỏng từ Bộ Tư Lệnh gọi qua “văn phòng” Trưởng khối TS/TBB, tôi bốc máy:

-Tô Văn Cấp Trưởng Khối Thặng Số tôi nghe.

-Ông làm cái gì mà để lính của ông đang cắm dùi ở chợ Thị Nghè kia kìa, ra dẹp ngay, không thì tôi cạo đầu…

Mới sáng sớm, lòng không dạ trống mà bị ực một ly cối café đen không đường khiến tôi muốn bịnh thêm! Tôi biết ngài là ai và ngài dọa cạo đầu ai? Cạo ai cũng được, mất vài nắm tóc thì ăn thua gì so với “chân thật, chân giả”, nhưng phải tuân lệnh.

Tôi mượn xe jeep của BS Hiệp chạy ra chợ Thị Nghè, không có ai, nhưng tại ngã tư xa lộ Hàng Xanh thì TPB “liên quân” với gậy gộc cây que, lá dừa nước, bìa carton sẵn sàng dựng chòi. Thấp thoáng trong đó có vài TBB/TQLC, trông thấy tôi, anh em vẫy tay…

Đúng là thủ phạm khiến tôi bị uống café đắng đây rồi. Tôi chân thấp chân cao chống ba-toong đến, chưa kịp mở miệng trách thì đã nghe giọng thân mật:

-Ông thầy đứng đây, tụi em dựng cho một cái nhà, vật dụng có đầy đủ rồi.

Chỉ cần 4 cây cọc, 4 cây gác ngang, che lên đó vài tấm lá dừa, vài miếng carton làm vách là xong một cái lều. Biết anh em có lòng tốt chứ không có ý dùng tôi làm bia… vả lại tôi chưa có nhà “tôi”, chỉ có một trái tim nên chưa cần một “túp lều tranh” nên nói:

-Cám ơn các em, anh còn độc thân, chưa cần lều, cái cần là mong cái đầu không bị cạo trọc, anh vừa bị VIP đòi cạo đầu! Vậy  các chú làm ơn thay quân phục rằn ri bằng quần áo dân sự, hoặc núp vào đám đông “liên quân” để không bị phát giác.

Anh em thương tình nghe lời nên không có gì đáng tiếc xảy ra và tôi vẫn còn tóc để che đầu cho tới khi BV Lê Hữu Sanh chuyển xuống Rừng Cấm Thủ Đức.

Trong Sư Đoàn, chức vụ Trưởng Khối là to lắm đấy, thí dụ như Trưởng Khối Chính Trị bao gồm Phòng Tâm Lý Chiến, Phòng Chính Huấn, Phòng Xã Hội v.v.. như vậy tôi là “Trưởng Khối”, bự hơn trưởng phòng nên có văn phòng, có 1 bàn 3 ghế, 1 điện thoại, còn di chuyển, nếu cần vì công vụ thì dùng chung xe jeep với bác sĩ Trần Công Hiệp.

Khi BV Lê Hữu Sanh chuyển xuống Rừng Cấm thì nhà cửa khang trang, tiện nghi, cái gì cũng mới, đất cũng mới nên mới… nắng bụi, mưa xình. Mà “nhân công” thì nhiều, ngồi chơi không có nước mà xơi thì nói chi đến cơm nguội nên tôi thưa với BS Thế, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Quân Y:

-Thưa BS. Hiện nay bệnh viện ở xa Thị Nghè và Thủ Đức nên anh em thặng số (TS) lưu lại bệnh viện khá đông, mà không có chút gì trám vào dạ trống nên tôi đề nghị với BS vài điều để “nhất cử tam tứ tiện”:

1. BS gửi văn thư đến các tiểu đoàn yêu cầu chuyển hàng Quân Tiếp Vụ của anh em TS về đây cho họ để họ có chút cháo, đó là quyền lợi của họ.

2. Nhận thấy khẩu phần ăn của các bệnh binh đang nằm BV khá dư thừa nên có thể “du di” cho anh em thặng số chút đỉnh cho bớt đói. Ngược lại tôi sẽ nhờ anh em phủ xanh sân bệnh viện bằng cách…

Anh Thế vui vẻ nhận lời, OK mọi chuyện, chỉ một thời gian sau, hàng Quân Tiếp Vụ chuyển về cho anh em, họ có thể trao đổi, thương lượng để có chút “lương” thực. Rồi vào những buổi chiều, những thặng số xa nhà thì lưu lại BV, qua đêm trong căn nhà vòm, cùng nhau quây quần bên thau cơm “du di” từ BV. Đời lính chiến đã khổ, đời Thặng Số còn khổ hơn, sự thật là vậy, những cấp chỉ huy thích đi trên mây, đâu có thấy cảnh này!

Tôi hỏi Thượng Sĩ Tuyết, Thường vu:

-Anh em vững dạ không?

-Tàm tạm ông thầy.

-Bác Sĩ Thế nhờ anh em “phủ xanh” sân bệnh viện, liệu có làm được không?

-Phủ thế nào?

-Thế này, thế này…

-Dễ dàng, anh em càng vui, thay vì ngồi đánh cờ tướng chống đói, chực cơm.

TQLC Tụt Quần Làm Cỏ.

Từ đó, mỗi sáng Thượng Sĩ Quốc Thường Vụ TĐQY cấp cho Thượng Sĩ Tuyết (TS) 1 xe GMC và nhiều cuốc xẻng. TH/Sĩ Tuyết tuyển mộ những thặng số còn “đủ bộ” tương đối khỏe theo GMC ra khu vực Rừng Cấm, Cò Mi, bãi tập chiến thuật, lựa những vạt cỏ xanh mịn, xắn từng miếng vuông vức 20x20cm, chất lên GMC mang về sân đất bệnh viện.

Anh em TS thì chỉ có một bộ quân phục (có ai cấp phát đâu) nên khi cuốc cỏ anh em phải tụt quần ra, cất đi, giữ gìn cẩn thận, xong việc mới mặc vào.

Một buổi sáng trong lúc anh em đang tụt… thì xe jeep Th/Tá Huỳnh Văn Phú, Trưởng Phòng Tâm Lý Chiến đi ngang, thấy tôi, ông ta dừng lại hỏi thăm, tôi diễn tả… Trưởng Phòng bèn xuất khẩu làm một bài thơ, nhưng khi viết ra đây tôi không thể ghi hết toàn bài, vì sợ đọc giả MX cười văng miểng nên tôi chỉ xin ghi lại câu đầu mà thôi:

TQLC Tụt Quần Làm Cỏ.

Xe GMC chở cỏ từ rừng Cò Mi vào sân bệnh viện thì đã có toán “trực chiến”, xuống cỏ trải đều phủ kín những khoảng sân đất đỏ theo sơ đồ tôi đả vẽ sẵn. Tôi gióng hướng, giăng dây đóng cọc sao cho sân bệnh viện có vẻ là một công viên ghế đá với hoa lá cành đề chiều chiều thương binh ra ngoài hóng gió. Cái khó là làm sao cho mặt sân cỏ bằng phẳng như xe “hủ lô” cán đường?

Cùng tắc biến, biến tắc thông, tôi tìm được thùng phuy (200 lít), đem bỏ đá vào rồi bịt lại, cho thùng phuy lăn trên mặt cỏ sau khi đã tưới nước cho mền ra. Mỗi bên có hai chú thặng số đẩy tới đẩy lui cái thùng phuy, một chú đứng ngoài chỉ huy, họ vui vẻ cười đùa tự diễu: “5 thằng lúc-lắc một thằng”.

Công việc trông khá khôi hài, nhưng “có công lúc lắc, cỏ này phẳng phiu”, dần dần toàn bộ sân bệnh viện đất đỏ được phủ kín lớp cỏ tương đối bằng phẳng. Cỏ thì bỏ đâu cũng sống nên chỉ vài tuần sau là một màu xanh “cỏ non mát mắt” phủ khắp nhà thương.

Có cỏ mà thiếu những chậu hoa đỏ vàng xanh tím thì như giai nhân thiếu son môi, nhân lúc Bác Sĩ Thế đứng ngắm sân cỏ gật gù khen, tôi vẽ chuyện ngay:

-Ở góc tường gần dãy nhà tiền chế, có một đống kẽm gai cuộn, ông thày cho tôi vài cuộn để đem đổi lấy mấy chậu kiểng để trang trí sân bệnh viện cho mát mắt.

-Những cuộn kẽm gai đó để gài thêm vào hàng rào phòng thủ, nhưng em có thể lấy in ít chừng chục cuộn thì được.

Dân nhà vườn vùng Thủ Đức Lái Thiêu họ rất chuộng những cuộn kẽm gai này, tôi giao cho Thượng Sĩ Tuyết nhiệm vụ đổi kẽm gai lấy hoa, rồi một số anh em thặng số vùng Lái Thiêu, Bình Dương vấn kế:

-Ông thày cho em đi phép 1 tuần, em sẽ mang về 1 chậu kiểng.

Thông thường, mỗi buổi sáng, thư ký “văn phòng” trình tôi ký một xấp giấy phép từ 1 tới 7 ngày cho anh em thặng số, tôi chả cần biết lý do. Anh em TS/TBB có vắng mặt vài ngày thì “làm gì nhau”, không lẽ VIP cứ hù “cạo đầu”? TBB cạo lông, lóc da, xẻ thịt, cưa xương, cắt ruột thì xá chi vài sợi tóc. Cái khó là mấy ông QC làm khó anh em nên mới cần giấy phép. Nay anh em xin đi 7 ngày rồi mang về 1 chậu hoa, chẳng thiệt hại ai, trái lại “nhất cử tam tứ tiện”, bệnh viện đẹp thêm thì ngu gì mà không ký!

Chẳng bao lâu sau, những chậu mai vàng, mai tứ quý, cau kiểng đứng rải rác khắp sân nhà thương, BS Trưởng Bệnh Viện, BS TĐT/TĐQY tủm tỉm cười, tôi thầm nghĩ:

-TPB chúng tôi đâu phải lính phế thải!

Khi sân bệnh viện trông có vẻ là công viên rồi thì tôi lại thấy thiếu ghế đá, tôi mách nước cho BS Thế:

-Cái vụ thiếu ghế đá mài trong công viên bệnh viện để cho anh em TBB ngồi hóng mát thì Ông Thày nhắc phôn nói với  CHT Trung Tâm Huấn Luyện, rồi Tr/Tá Nguyễn Đức Ân chỉ thị cho ông Trần Đình Thêm  là có ngay, bi nhiêu cũng có, ông Thêm xây hồ tắm cho tân binh học bơi lội thì xá gì ghế đá ngồi cho TBB.

Thế là tạm xong việc của một y công.

Thời gian làm y-công, tôi còn độc thân, cũng chẳng một mảnh tình vắt vai, không phương tiện di chuyển, lại chân thấp chân cao, nhà thì xa nên tôi ở lại bệnh viện luôn. Ban ngày chân giầy chân dép, chống ba-toong, chỉ tay năm ngón cho anh em thặng số lặc cỏ. Chiều chiều tôi đi tán dóc với mấy thương binh, lúc này Trâu về đây nhiều lắm!

Tôi cũng thường theo chân ông Thày Đông Vân Nguyễn Văn Dõng xem ông săn sóc thương binh, nhất là những anh em bị thương cột sống, nằm liệt tại chỗ khiến lưng lở loét. Có chừng gần 10 anh em trong tình trạng tương tự. Ông Thày Dõng còn là chuyên viên chỉnh hình, sửa sắc đẹp cho anh em nào sứt môi nên mỗi khi thấy ông Dõng đến là anh em cười.

Ngoài việc săn sóc TBB , thày Dõng còn có thú chơi máy bay, trong phòng Thày có tất cả mọi loại phi cơ do thày ráp lấy, trực thăng phản lực đều có cả, nhưng hình như thiếu máy bay bà già.

Đôi khi tối buồn, tôi ghé phòng bác sĩ trực xem các thày xoa bài “tổng thùng soọc màn”, trong đó con chim (mã tước) tượng trưng cho nhất sách (soọc) nên dân chơi gọi là xoa mạc chược (mã tước), còn dân ấm ớ thì gọi là xoa bài chim, ngắn gọn là “xoa chim”.

Được sống cùng anh em TBB, tôi có dịp so sánh mới thấy: Đời lính chiến đã khổ, đời thương binh con khổ hơn, nhất là những anh em “được” tặng thêm chữ “phế”- thương phế binh. Nhưng có lẽ đời sống của anh em đã xuống tận cùng bằng số rồi nên anh em không còn thấy khổ mà vẫn lạc quan, vẫn cười vui mỗi khi có thiên thần “áo trắng” xuất hiện. Y tá, y sĩ, bác sĩ là thiên thần áo trắng của thương bệnh binh.

Cám ơn quý thầy, quý anh em y tá đã săn sóc thương binh TVC như người thân trong nhà. Cám ơn các “cộng sự viên” khối Thặng Số/TBB đã cùng tôi đem lại màu xanh mát mẻ cho BV Lê Hữu Sanh.

Đến nay (2020), tôi vẫn nhớ kỷ niệm vui khi anh em cho tôi làm y-công, nhớ nhiều tên anh em, nhưng chắc đã có nhiều anh em TPB, nhiều anh em thặng số đã về “trên ấy” rồi. Thế cũng tốt, trước sau cũng tới, còn hơn vất vưởng mà thiếu chân đứng, không tay cầm chén cơm nguội, trừng mắt nhìn đời mà có thấy gì đâu!

Mùa ôn dịch VC-virus china.

CA 13/5/2020