VĨNH BIỆT THẦY, GIÁO SƯ ĐẶNG ĐÌNH ÁNG

Trần Thạnh

Dù đã biết trước cuộc sống của một con người không có được cái vô cùng của toán học, thật bàng hoàng khi nghe tin từ người đàn anh khả kính, Tiến sĩ  Nguyễn Xuân Xanh, rằng Giáo sư Đặng Đình Áng sắp sửa ra đi. Vậy là người Thầy của đại đa số những người làm toán ở Sài-gòn trong những thập niên cuối của thế kỷ trước sắp vĩnh viễn đi vào cõi vô cùng của nhân sinh và tri thức.

Công ơn của Thầy đối với cá nhân tôi, tôi đã một lần ghi xuống trong tập Kỷ Yếu “Trong Ngần Bóng Gương” năm 2006. Có lẽ còn lâu lắm các thế hệ sinh viên Việt Nam mới có được một người thầy với một khối óc uyên bác và con tim nhân hậu như thế. Thầy là một trong những người đã đặt nền tảng toán học cho miền Nam Việt Nam, không chỉ với kiến thức sâu rộng, mà còn với con tim yêu thương luôn lo toan cho sự phát triển của các thế hệ học trò.

Đối với Thầy, điều quan trọng trong cuộc sống luôn luôn là công việc, là toán học, ngay cả trong những năm tháng cuối đời, khi Thầy sống trong một thế giới mông lung, với căn bệnh hiểm nghèo. Tôi viết điều này, bởi năm 2014, lần cuối tôi viếng thăm Thầy, suốt buổi Thầy chỉ lặp đi lặp lại một câu hỏi “Anh hiện công tác ở đâu?”. Dù trong cơn mê, đối với Thầy dường như chỉ có công việc là điều Thầy quan tâm.

Như một linh cảm báo trước, mới cách đây không lâu khi đang làm việc tại Mathematisches Forschungsinstitut Oberwolfach (MFO, Viện Nghiên Cứu Toán ở Oberwolfach, Đức quốc), một điều gì đó thôi thúc tôi đi tìm bút tích của Thầy, vì tôi biết Thầy đã đến viện này một lần vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Những lần trước đến làm việc ở đây, tôi chưa hề có ý định đó. Sau nhiều đêm tìm kiếm trong thư viện của MFO tôi tìm được bút tích của Thầy ghi lại trong quyển sách tóm tắt các bài thuyết trình hội nghị ở đây. Thầy đã tham dự hội nghị về phương trình vi phân (Gewoehnliche Differentialgleichungen) tại đây từ ngày 26.03.1989  đến ngày 01.04.1989. Nhìn lại nét chữ quen thuộc rất đặc trưng của Thầy, trong đêm khuya vắng, trong tôi ngập tràn cảm xúc. Ký ức về những năm tháng còn học hỏi dưới sự dìu dắt của Thầy chợt trở về.

Thầy ra đi, nhưng di sản tinh thần Thầy để lại sẽ được các lớp học trò nhiều thế hệ gìn giữ và phát huy, để nền toán học Việt Nam có một chỗ đứng xứng đáng trên diễn đàn toán học thế giới.

Sydney 28 tháng 8 năm 2020

Trần Thạnh


Đôi dòng về Giáo Sư Đặng Đình Áng:

  • Sinh năm 1926 tại Hà Đông cũ, cháu 7 đời của cụ Đặng Đình Tướng, một danh hiền thời Hậu Lê. Anh ruột của ông là nhà thơ Đặng Đình Hưng (cha của nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn), một trong những thành viên của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.
  • Tự học để thi Tú Tài I ở Hà Nội và Tú Tài II ở Sài Gòn.
  • Sang Mỹ du học năm 1953 tại Đại học Kansas theo học bổng Fullbright. Tốt nghiệp kỹ sư hàng không năm 1955.
  • Nhận bằng Tiến sĩ Toán tại Học viện Kỹ Thuật California (CalTech) năm 1958. Giảng dạy tại đây hai năm.
  •  Năm 1960 trở về Việt Nam, được bổ nhiệm làm Giáo Sư Trưởng Ban Toán tại Đại Học Khoa Học Sài Gòn lúc mới 34 tuổi. Ông giữ chức vụ này đến năm 1975.
  • Ông là người đã hiện đại hoá chương trình dạy toán ở miền Nam, đưa những môn toán hiện đại vào chương trình đào tạo Cử Nhân và Cao học, cải tổ cách thi “thách đố” cũ của các giáo sư Pháp.
  • Năm 1980 ông được phong danh hiệu Giáo sư trong đợt phong giáo sư đầu tiên sau năm 1975.
  • Nghiên cứu và thỉnh giảng tại nhiều trường đại học nổi tiếng: Hoa Kỳ: CalTech, UCLA, Đại học Utah; Anh: Đại học Cambridge; Pháp: Đại học Paris XIII, École Polytechnique, Paris, Đại học Orléans;  Nhật: Đại học Tokyo; Đức: Free University of Berlin; Ý: Instituto per le Appliczion del Calcolo; Ba Lan: Trung tâm Toán học Stefan Banach; v.v.
  • Ông qua đời ngày 28 tháng 8 năm 2020 tại Sài Gòn, hưởng thọ 95 tuổi.