Vì đâu nên nỗi !
Vưu Văn Tâm
Mùa xuân mai không nở hoa
Hè sang ve không hát ca ..
Đó là những câu hát mở đầu một nhạc phẩm trong cuốn băng “Nhạc Trẻ Quốc Dũng” từ hơn bốn thập kỷ trước, thuở tôi mới ngập ngừng bước vào ngưỡng cửa trung học. Ngày ấy, lứa tuổi thơ ngây nào biết được cái buồn lo của người lớn, của các anh học lớp trên khi đứng trước hoàn cảnh đất nước chiến tranh, giặc giã lan tràn. Năm cuối cùng của bậc trung học, các anh giã từ trường lớp, chia tay bạn bè và xa mãi những kỷ niệm buồn vui của lứa tuổi học trò để khoác áo chinh nhân, lên đường bảo vệ non sông. Chốn sa trường bao gian lao nguy hiểm, thành ra, còn gặp được nhau giây phút này, chia tay nhau lần này cũng có thể là lần sau cuối.
Thời gian vật đổi sao dời, mấy mươi năm vội vã phôi pha, thằng bé mười một, mười hai tuổi đã âm thầm bước qua bên kia triền dốc cuộc đời, mái tóc xanh đã bạc phai quá nửa, và những lưu luyến ngày xưa chỉ còn là kỷ niệm bây giờ. Ở một nơi chốn cách xa quê nhà vạn dặm, bốn mùa hờ hững trôi qua, chỉ còn ghi lại trong cái ký ức chợt nhớ chợt quên những bước chân đời lặng lẽ. Năm nay, mùa xuân lại về, nhưng hoa cỏ chưa kịp thắm xanh mà bệnh dịch từ nơi xa đã tràn đến. Mùa xuân lặng lẽ đến rợn người, không chỉ nơi này mà trên toàn cõi địa cầu khi lệnh “lockdown” và “stay home” được ban hành. Những dãy phố mua sắm tập nập người qua, kẻ lại đã thành những con phố chết, những khu thương mại sầm uất im lìm khép nép sau cánh cửa khóa chặt. Phố xá thưa vắng tưởng chừng như đang có chiến tranh dù xa gần không ai nghe thấy đạn bom hay tiếng súng nổ.
Xuân qua, hè đến. Lệnh giới nghiêm được xóa bỏ, sinh hoạt xã hội từng bước được nới lỏng. Những con phố thuôn dài bắt đầu rộn vang tiếng chân người, tiếng cười, tiếng nói. Quán xá và các cửa tiệm được “reopened” sau một mùa xuân nghỉ ngơi bất đắc dĩ.
Nhưng đó chỉ là mặt “nổi” ! Người qua, kẻ lại dù nhộn nhịp nhưng vẫn e ngại và nghi kỵ nhìn nhau qua những chiếc khẩu trang đủ màu, đủ sắc. Họ giữ khoảng cách nhất định để tránh lây lan. Đại dịch đã khiến cho nền kinh tế nước nhà tê liệt đến không thể ngoi đầu hay trở mình. Các hãng xưởng, các hiệu buôn lớn nhỏ cắt giảm tối đa số lượng nhân công cần thiết. Rất nhiều nơi đã và đang đứng bên bờ vực thẳm, phải đóng cửa vì phá sản. Những chuyến xe lửa liên tỉnh, những đường bay trong nước hay Âu Châu dù đã được kết nối nhưng không thể báo tin buổi bình minh rạng rỡ sau giấc ngủ dài lắm ác mộng. Nhà ga, phi trường còn trống rỗng so với những mùa hè nhộn nhịp trước đây. Những toa tàu tốc hành nằm im một chỗ, những cánh bay uể oải soải dài trên sân phi đạo ngập nắng. Ai nấy đều còn e dè, lo lắng trước những chuyến đi xa, giữa lúc đại dịch vẫn chưa đến đỉnh điểm, thuốc chủng ngừa vẫn chưa tìm thấy.
Bên Châu Mỹ xa xôi và tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, đại dịch cúm tàu vẫn đang hoành hành và đe dọa cuộc sống vốn dĩ an bình của mọi người, mọi giới.
Biết bao giờ mới hết dịch vật ? Bao giờ mới khỏi ưu tư vì chiếc khẩu trang “mỏ dơi” xấu xí mỗi khi bước ra khỏi cửa nhà ? Bao giờ cuộc sống mới trở lại như trước đây ? Bao giờ những tình thân mới được gặp nhau trong những vòng tay ôm thắm thiết ? Những câu hỏi từ trong suy nghĩ cũng như trên môi người dân lành nghe bi thương đến tội nghiệp ! Cuộc sống đang yên lành bỗng sớm chiều hóa thiên tai ! Vì đâu nên nỗi !
Ngọn gió chiều thổi qua những con lộ loanh quanh như bàn cờ, nắng hoàng hôn còn vương trên vai áo, lòng bỗng chợt se buồn vì tâm tư xáo trộn và cảnh vật đã đổi thay. Mọi người sẽ chung tay đẩy lùi đại dịch và sẽ ghi nhớ đời đời những ngày tháng khủng khiếp này. Kẻ gieo gió sẽ sớm gặt bão, đó là định luật của đất trời. Sau này chắc sẽ không còn ai ham chơi với quỷ, bọn chúng làm thứ gì cũng giả, chỉ có “virus” là thật, là “made in China” !
14.07.2020