Thú Vật Nhà Và Bịnh Tật (Zoonosis)

Bác sĩ Phan Giang Sang

(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG III – Y HỌC VÀ ĐỜI SỐNG 2016)

Từ ngàn xưa, từ Ðông sang Tây, giàu nghèo gì cũng thích nuôi thú vật nhà chơi cho vui như chó, mèo, cá kiểng, chim muông, gà vịt, thỏ, chuột bạch, ngựa, cả thú vật hoang dã. Gần đây, heo cũng được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên nhiều nhứt vẫn là chó với mèo. Chúng là những sinh động vật xinh đẹp dễ thương, dễ ưa thích. Người người đều nâng niu nó một cách trìu mến như con cái, nhứt là người không con, người già cô đơn hiu quạnh, trẻ thơ và trẻ con mắc bịnh tự kỹ cần có chúng, để vui chơi như đôi bạn, tâm giao đỡ buồn.

Nhưng có nhiều người nuôi thú vật như biểu tượng của sự giàu sang phú quý, làm chảnh, khoe khoang hàng xóm ta đây đài các, sang trọng. Nhiều khi họ không ngại xách lồng chim lộng lẫy đi chơi, ôm ẳm chó mèo, dắt chó dạo phố, bãi biển, công viên vân vân. 

Nhiều khi nuôi thú cũng là cách trang trí, thư giãn và phong thủy. Những hồ, ao với đàn cá koi đủ màu sắc đẹp đẽ, hòn non bộ, chậu cá lia thia Tàu đem lại cảnh thanh nhàn, trầm lặng làm lòng người ngắm cũng nhẹ nhàng thanh thản như những con cá lửng lờ bơi đi bơi lội thật là thanh nhàn…

Bãi biển Nice xinh đẹp nổi tiếng trên thế giới, nhưng nếu mải mê dạo mát ngắm cảnh, ngắm người đẹp, ngớ ngẩn dễ rơi vào bẫy ‘cẩu mìn’ như chơi. Pháp có xe tối tân chuyên lo tẩy sạch ngay. Trái lại, tại nhiều nước như Brazil, thấy nghèo, nhưng lại có công viên dành cho chó đi dạo. Tại Úc ngoài việc chích ngừa, đóng thuế, nếu nuôi chó lớn mà không có sân rộng để nó chạy rong, hay không dẫn nó đi chơi cũng bị thưa, bị phạt. Mà đi chơi lỡ nó làm bậy không hốt cũng bị phạt, vì có đặt sẳn bao nylon miễn phí để làm vệ sinh.

Chúng cũng là nguồn gốc bịnh tật cho con người.

Ngày nay việc chăn nuôi thú vật trở thành kỹ nghệ bạc tỉ. Tiền mua thức ăn hằng năm cho mỗi con chó cở $1,056 và mèo cở $602. Ðó là chưa kể, khi quý vị đi du lịch một hay hai tuần, phải gởi chó ở Hotel cũng cở $500-$1,000 chớ phải chơi. Chó mèo có bệnh viện thú y, trung tâm săn sóc và thẩm mỹ như con người. Thú vật được bảo vệ bởi hiệp hội bảo vệ thú vật RSPCA.

Bên Mỹ nơi gọi là The call of the Idyllwild San Jacinto Mountain, Living Free animal Santuary, nằm trên ngọn đồi cao trên 3.000m mà xung quanh lại là sỏi đá trơ trọc như sa mạc. Ông trời lại tạo ra một vùng mát mẻ tươi tốt, cây cỏ xanh um, với cây thông vi vút tuyệt vời có nhà cửa, lại không có người ở, vì nơi đây là thánh địa linh thiêng của thổ dân Mỹ, mà không ai được quyền sát hại ai cả. Vì vậy mà nơi đây mèo chó hoang hay chủ bỏ được mang về săn sóc chăm nuôi, chớ không giết hại.

Bên Anh có cô Louise Harris 31tuổi, chi ra 160,000 USA dollars để mua sắm đồ cho 3 con chó cưng. Tại Việt Nam, muốn gia nhập vào Hiệp hội chó Quốc tế, năm 2009, những kẻ giàu sang dư thừa tiền của lại tổ chức Hiệp hội chó Quốc tế rình rang đáng nể. Trong khi đó có rất nhiều em bé với đôi chân nhỏ bé, tấm thân gầy yếu, thiếu ăn, thiếu mặc cả thiếu học, chạy lang thang bán từng tấm giấy số kiếm ăn.

Chó ngồi xe sang
TT Nga Putin ôm con koala

Còn ở Úc, chúng ta đừng mơ tưởng chồng chúa vợ tôi của nền văn hóa bốn ngàn năm văn hiến, mà phải hiểu cái thân phận bọt bèo: nhứt thú, nhì trẻ con, tam phụ nữ, còn bọn mày râu thì tệhơn cây cỏ. Nếu gây thương tích cho súc vật tội còn nặng hơn là cho con người! Mấy năm trước, có bà nọ chết, để di chúc tặng hết tài sản 2 triệu, không phải là cho hội từ thiện cứu nhân độ thế, mà tặng hết cho mấy con mèo cưng của bà.

Tháng Hai 2014, cả nước Úc rộ lên biểu tình chống Tây Úc (WA), giết con cá mập dài 4m đã táp nuốt một tay lướt sống! Cá mập nuốt người được, còn người giết cá không được!

Thú vật nhà có lợi

Theo y khoa và khoa xã hội học thì thú vật nhà cũng đem đến nhiều điều lợi ích cho sức khỏe. Sự hiện diện của chúng làm cho đời sống bớt tẻ nhạt và cô đơn. Ði đâu về, con chó, con mèo chạy tới kêu meo meo, chó vẩy đuôi mừng rỡ, nhào vào lòng, hun hít, vuốt ve mớ lông mềm mại rất ư trìu mến! Gia chủ vui thích, đời sống tâm linh cũng phấn chấn, vui tươi. Mọi mệt nhọc trong ngày, mọi phiền não cũng tan biến. Chúng đem lại cho chúng ta sự thư giãn, để lấy lại tinh thần, hầu có sức lực để ngày mai tiếp tục làm việc, kiếm tiền nuôi gia đình.

Tiếng kêu, tiếng sủa của chó mèo làm tan biến sự yên lặng tẻ nhạt của nhà vắng bóng trẻ thơ, đời cô đơn thiếu bóng giai nhân. Ngồi ôm chó, mèo tâm sự, bộc lộ sự trìu mến. Trẻ con người già, thất tình, cô đơn chiếc bóng, người bịnh tâm thần, trầm cảm, mất trí cần phải có chó mèo để thư giãn. Bởi vì họ cảm thấy có bổn phận phải chăm sóc nuôi nấng chúng cho tốt, để họ còn có ai để vui đùa, để chuyện trò, giải khuây. Mất chúng họ sẽ buồn, sẽ bị bịnh nặng thêm vì mất đi nguồn cảm thông, không có ai để bày tỏ nỗi niềm tâm sự. Vậy thú vật rất ư cần thiết cho họ. Chúng là nguồn an ủi, là niềm tin, như cái phao để họ nắm lấy và cố sống.

Còn đây là câu chuyện của một ông lão nghiện ma túy. Có người bạn kể hồi nhỏ, ông nội anh thương và thích anh ta vì anh xoáy thuốc quá thiện nghệ làm ông ta hít vô phê quá. Mỗi khi ông nằm xuống giường gỗ hút là có con chuột bạch bò ra nằm kế bên. Ông hít một hơi rồi phà khói cuồn cuộn bay, mang theo mùi hương thanh thoảng một cách rất ư là sảng khoái. Khi ông lim dim thả hồn theo mây khói, bay về cõi tiên nâu, thì con bạch thử cũng say sưa nằm chổng cẳng, lim dim đôi mắt to, như thả hồn theo ông. Cũng vì vậy mà ông rất thích thú và mến yêu con chuột cỏn con nầy.

Một hôm hút phê quá, say thuốc, hồn phách phiêu lưu, bay theo mây khói, ông lăn ra ngủ, đè bẹp con chuột lúc nào mà không hay. Tỉnh giấc mơ thần tiên dậy, ông ôm nó, buồn bã, hối tiếc vô cùng. Ngồi trầm ngâm một hồi, ông tức giận, hối hận đã gây cái chết cho con chuột tri kỷ, rồi lấy ống thẩu đập bể bàn đèn, làm ống thẩu cũng gẫy luôn… và từ đây, ông không còn bạn tri kỷ nằm cạnh ông mỗi khi ông hút, như Bá Nha đãđập gẫy đờn vì không còn bạn hiền Tử Kỳcùng chung thưởng thức.

Ðèn hút á phiện xưa 
Hai ông đang phê thả hồn theo tiên nữ 

Cũng như đôi tri kỷ thời xưa, cái hay ở chỗ là từ đó ông tự động dứt bỏ hút á phiện luôn và chí thú mần ăn buôn bán.

Chó là đôi bạn tâm giao, tâm phúc, dẫn đường, là tai mắt của người mù lòa. Chó còn được huấn luyện để cấp cứu, tìm nạn nhân, tìm kẻ phi pháp, tìm vũ khí, tìm thuốc phi pháp. Chính nó được dùng để tìm bắt Sadam Hussein trước đây, y như trong phim … Inspector Rex.

(Quý vị cứ nhìn coi BS Bình trong hình nầy, ông tươi vui, thích thú, triều mến ôm con sư tử cái con một cách hồn nhiên, nhưng ông đâu có biết rồi ngày nào đó nó lớn lên, nó sẽ, nó sẽ vồ ông? Nếu không chết cũng trầy vi trốc vẫy!)

Chó được dùng trong khoa học như trong thí nghiệm phản xạ chảy nước miếng của nhà sinh lý học Ivan Pavlov. Chó Laika Nga được phóng lên không gian thí nghiệm lần đầu tiên (11/3/1957), trước khi con người được phóng đi.

Nói tới chó Việt Nam nổi tiếng khôn, tài giỏi chỉ có chó Phú Quốc, từng được chúa Nguyễn Ánh, khi bôn tẩu nơi nầy phong cho chức Thần khuyển Ðại Tướng quân.

Trong thiên văn, nó cũng có phần danh dự và được tôn trọng cho nên có chòm sao tên là thiên cẩu.

Còn doanh trại chăn nuôi trừu của Úc rất lớn, để xuất cảng thịt, lông cùng trừu sống, nhưng nhân công ít, hiếm, mắc lại hay đình công, nên chó được huấn luyện để chăn cừu rất chuyên nghiệp. Có nhiều nơi chó được dựng tượng đài để mọi người tưởng nhớ công ơn, mà chiêm ngưỡng.

Thú vật nhà có lợi cho sức khỏe (Zootherapy)?

Sự hiện diện của chúng cũng giúp cải tiến sức khỏe của bịnh nhân.

Xưa kia trước Ðệ nhị Thế chiến, tại xứ Gambia, Cha Albert Schweitzer (14/01/1875- 04/09/1965)…  được chuyển đến vùng Lambarené, xứ Gabon, vùng sỏi đá nghèo khổ, chỉ có người nghèo đói, bịnh tật nhất là  bịnh cùi. Ðể cứu chữa cho họ một cách hữu hiệu, Cha phải về Pháp học y khoa (1913), rồi trở lại lập doanh trại, thật ra là lều tranh để trị bịnh. Họ đến từ mọi nơi và mang theo một hành trang là bộ đồ rách, với gia sản yêu quý nhứt đời là những con chim, con chó, con mèo, gà vịt và vân vân…

Nhưng than ôi! Tuy có kiến thức y học tân tiến, mà không tiền, không thuốc men, không dụng cụ, cái gì cũng không, nhưng ông không chịu bó tay. Ông chỉ đành trị bịnh bằng chanh và bưởi trồng quanh trại, với tấm lòng cao cả, yêu thương tận tụy chăm sóc họ và nhứt là đêm đêm đàn những bản thánh kinh, ca những bản thánh ca linh thiêng mầu nhiệm. Âm thanh êm dịu, huyền bí đã được hồng ân thiên chúa, ban cho phép lạ nhiệm mầu, giúp họ hết bịnh mới kỳ lạ, khoa học không thể giải thích được!

Niềm tin là viên thuốc nhiệm mầu vậy!

Nhờ lòng quả cảm, đem hết tâm huyết chăm sóc, chịu đựng bao gian lao khổ cực, để chữa trị những người khốn cùng một cách tận tình, mà ông được tặng giải Nobel Hòa Bình 1952.

Cũng vì vậy mà ngày nay, có nhiều bịnh viện nhứt là viện dưỡng lão và viện cuối đời (hospice care/ respite, braeside) cho bịnh nhân mang thú vật vào nuôi trong khung viên viện, như ở Canada. Ở Sydney cũng có một viện cuối đời như vậy gần nhà thương St Vincent Hospital.

Trước tiên người ta nhận thấy áp huyết của người nuôi chó được cải thiện dần dần, còn người không có chó không được hạ. Tuy nhiên khoa học không giải thích được hiện tượng này. Nhớ lại trước đây, khi con chó của TT Bill Clinton mắc bịnh, cả nhà tổng thống cũng buồn lây. Như vậy giữa chủ và thú vật có sự linh cảm làm họ vui buồn lẫn lộn với nhau.

Tại Anh, Mỹ, Ðức, Úc… đều công nhận thú vật nhà, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tâm thần. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tim ở Mỹ, không phải chó làm họ khỏe, bớt bị nguy hiểm, mà có thể vì nuôi chó nên họ phải săn sóc, chơi giởn, dắt dẫn đi tới lui, đi bộ. Nhờ vậy, họ vận động nhiều hơn, sức khỏe được cải thiện, họ hồi phục nhanh hơn, tốt hơn sau khi mổ tim. Còn người không có chó, không vận động, máu huyết lưu thông kém hơn, nên hồi phục chậm hơn, đời sống họ ngắn ngủi hơn.

Theo Bác sĩ Cherniack, nhà lão khoa của Ðại học Y khoa Miami thì chó làm cho con bịnh năng hoạt động thể lực, giúp cải thiện hệ tim mạch được tốt thêm. Họ ít chết hơn nhóm bịnh nhân không có nuôi chó.

Trái lại có một số người, sức khỏe không cải thiện được vì chó không thích hợp cho họ. Họ bị dị ứng với lông chó vân vân … Nói đúng ra cái gì cũng có cái lợi và cái hại của nó, tùy theo trường hợp của từng cá nhân.

Sau khi làm lụng mệt nhọc, ngồi ngắm mấy con cá lia thia Tàu đỏ, trắng vàng lơ lửng lội tới lội lui trong chậu, bồn trong nhà cũng hứng thú vui lên, làm tan biến bao nổi vất vã cuộc sống buồn,ưu phiền.

Ta thử ngồi lặng lẽ, trầm ngâm ngắm ao cá koi hụp lặn, chậm rải hồn nhiên lội cũng hay hay kỳ thú, cũng đem lại bao niềm thư giãn. Chính vì vậy mà mấy cụ nhà ta thích làm hòn non bộ, tìm sự an nhàn, tĩnh dưỡng hay thiền trong tuổi già.

Thú vật và bịnh tật (zoonosis)

Chó

Chó rất khôn, rất trung thành, dễ thương dễ mến, nó biết giữ nhà, bảo vệ gia chủ, cứu người, dẫn đường lối cho người mù, và vân vân… Tóm lại, chó rất hữu ích. Tuy nhiên chó cũng gây lắm phiền phức, hay cắn người ngoài cả gia chủ, nó còn lây truyền nhiều bịnh tật, tác hại sức khỏe của con người.

Muốn tránh phiền phức, nên đem chích ngừa chó dại, nhứt là thiến cho nó hiền lành.

Bịnh chó dại (rabie)

Bịnh chó dại là bịnh gây ra do siêu vi RNA, họ rhabdoviridae. Nó sống trong trung khu thần kinh chó, mèo, dơi vân vân… Chó dại chạy rong ngoài đường, miệng mồm chảy nước dãi, gặp chó hay người là cắn loạn xạ. Nước dãi có chứa siêu vi sẽ theo hệ thần kinh ngoại biên chạy lên trung khu thần kinh, não bộ. Chúng phải chờ một thời gian dài không có triệu chứng, để sanh sôi nẩy nở cho có một số siêu vi đầy đủ, mới gây bịnh và lây truyền bịnh. Bịnh nhân có thể chết sau một thời gian ủ bịnh từ 10 ngày tới 1 năm.

Nên nhớ, Úc không có bịnh chó dại, nhưng các nước vùng Á Ðông như VN, Mã Lai, Indonesia và vân vân có rất nhiều. Du lịch tới các nước đó, phải coi chừng, đừng để bị chó cắn.

Mấy chục năm trước có một thuyền nhân bé nhỏ phát bịnh viêm màng não chết một cách quái lạ ở Brisbane, nên bịnh viện gởi đi thí nghiệm thêm, mới phát hiện là bịnh chó dại. (Xin nhắc lại là ở Úc rất hãnh diện, vì nơi đây hoàn toàn không có bịnh chó dại) Nếu bị chó dại cắn trên mặt, nạn nhân có thể chết trong 35 ngày, chân 52 ngày.

Xin quý vị nào về VN phải coi chừng, đừng để bị chó cắn rất nguy hiểm. Vì theo  GS Nguyễn Trân Hiển, Viện trưởng ViệnVệ sinh Dịch tể Trung ương cho biết, hiện nay nhiều tỉnh thành có tình trạng chó hoang dại tấn công con ngườì (13/9/13). Có 26 người chết vì chó dại. Vậy, nếu bị chó dại cắn nên đến Viện Pasteur chích ngừa ngay, còn không sẽ nguy tới tánh mạng. Nên nhớ bịnh chó dại chỉ có chích ngừa mới cứu được mạng sống.

Triệu chứng

Trong thời gian lên cơn, bịnh nhân cảm thấy

  1. đau đớn,
  2. tâm thần bất ổn,
  3. co thắt cổ họng, thanh quản (Larynx), vì nước miếng sẽ làm nghẹt thở, chết ngợp, cho nên họ rất sợ nước. (Cho nên muốn định bịnh chỉ thử đưa ly nước là họ sợ lắm. Thật sự tôi chưa có cơ hội thấy bịnh dại).

 Trị liệu và phòng ngừa

Thuốc chủng ngừa được hai nhà bác học Pháp, ông Louis Pasteur và đệ tử -Bác sĩ Emile Roux phát minh năm 1885. Người bịnh đầu tiên được chữa trị thành công là bé Joseph Meister (1876-1940), vào ngày 6/7/1885.

 Nhưng có chút đau buồn và thương tâm là mẹ em chết về bịnh chó dại! Bởi vì lòng mẹ bao la, thương yêu con trẻ, nóng lòng, nên bà xả thân cứu con bằng cách nút máu ra phun. Chẳng may, máu có chứa siêu vi làm bà mang bịnh chết thê thảm mà không hay biết!

Vậy nên  

  1. Rửa vết thương cho thật kỹ,
  2. Không nên nút hay hút máu bằng miệng kiểu phim chưởng như trên.
  3. Chích Immunoglobilin và chích ngừa bịnh chó dại. Nếu không, một khi bịnh phát ra, vô phương cứu chữa như mẹ bé Joseph.

Bù chét chó và rận chó

Rận sẽ lây sang người, cắn làm da bị nổi mận đỏ, ngứa ngáy, nhiễm trùng. Còn bù chét chó bám chặt vào da, mà đút vòi hút máu no say, làm da sưng đau, nhiễm trùng.

Muốn trị, không được nắm giựt ra, vì làm như vậy sẽ gẫy cây kim làm vi trùng sẽ lan ra, bịnh sẽ nặng thêm. Phải nhờ bác sĩ cắt chút da lấy trọn con bù chét, và nạo thịt ô nhiễm cùng uống trụ sinh (Xin xem TT PGS 2 bài con Tick tr 205)

Mèo

Nói tới mèo là tôi nhớ tới câu chuyện lý thú sau đây.

Một hôm có vị nọ khoảng  40-45 tuổi, rất e dè, lúng túng vào khám bịnh khu Hoa liễu. Vị GS hỏi anh tới để khám bịnh gì? Ông ta trả lời

Dạ muốn khám cái mục nầy.

Mục nầy là mục nào, ở chỗ nào chớ?

Dạ ở chỗ nầy. Ông lấy tay nửa muốn vén quần nửa lại thôi.

Mở ra coi mới biết mà cho thuốc.

Một hột xoài to nằm ngay háng phải.

Ông có chơi bời gì hông mà sao vầy nè?

Ông ta bối rối, măt đỏ ửng, miệng chối lia lịa: không, tôi hoàn toàn không có, tôi là người tu hành từ nhỏ chí lớn, tôi làm việc ở nhà thờ (thầy là trưởng ban mục vụ trong nhà thờ mà). Tôi chưa bao giờ biết tới mấy chuyện bậy bạ đó.

Vậy thầy có ngủ với ai không?

Thản nhiên thầy trả lời có.

Ngủ với ai? Có vẻ bực bội thầy trả lời:

Có. Ngủ với con mèo của tôi chớ ai? Rồi ông thêm:

Tôi nhớ lại, hôm đó tôi lỡ giựt mình, đá nó, nó quào chân tôi, nè còn dấu nè.

Ðúng rồi, vị GS la lên.

Ðây là bịnh mèo quào (cat scratch hay maladie de la grift du chat). Kế tiếp ông giải thích, trong móng con mèo có một loại vi trùng Borderella gây ra nhiễm, nó chạy lên hạch ở háng. Hạch bị viêm sưng to đầy mủ. Chữa trị bằng kháng sinh, nhưng phải rạch và rữa hạch cho sạch, rồi băng bó vết thương.

Muốn phòng ngừa, nên cắt móng mèo để khỏi bị quào. Nếu bị thương cần nhờ BS chữa trị, rữa vết thương bằng thuốc khử trùng.

Toxoplasmose (chó, mèo)

Chó mèo đi tiêu bừa bãi, phân chúng có chứa vi khuẩn toxoplasmose: mèo (toxoplasma gondii) và chó (toxoplasma cara canis). Vi khuẩn lan truyền qua người gây viêm gan do toxoplasmose không nguy hại như HBV, HCV nhưng cũng làm yếu sức. Phải được theo dõi chức năng của gan luôn. Nó cũng có thể lên mắt hay các cơ quan khác.

Chó mèo cũng là niềm đau nỗi khổ của nhiều bịnh nhân, vì ngứa ngáy, di ứng với lông của chúng.

Chim muôn

Cúm gia cầm (Bird flu: Chim muôn là nguồn gốc của cúm gà)

Cúm gia cầm lây truyền từ chim muôn hoang dã, bay từ muôn phương, ngàn dặm gieo bịnh khắp nơi như cúm gà (bird flu H5N1 / H7N9…). Xin xem riêng những bài nầy trong TT PGS 1 và 2. Các loại cúm này từng giết hại nhiều người và là nổi lo sợ cho cả thế giới. Muốn tránh cần phải chích ngừa và gìn giữ vệ sinh.

Phế viêm do chim (Ornithosis, psittacosis).

Bịnh gây ra do siêu vi ornithosis, psittacosis từ chim muông mà các nhà say mê chim thường nuôi chơi hay đá độ, hay quý vị có lòng bác ái, thương chim bồ câu (ornithosis), chim két, cockatoo (Psittacosis), nên thường hay lấy bánh mì, cơm thừa cho chúng ăn. Cuối cùng, vô tình chính mình bị lây hại.

Bịnh gây ho nóng sốt, trị không hết vì chúng ta thường hay cho trụ sinh không hạp với loại nầy, vì siêu vi nầy giống chlamydia. Muốn trị hữu hiệu cần hỏi bịnh nhân có nuôi chim, nhứt là có chim, chim bồ câu chết không, trước khi cho kháng sinh.

Lao phổi chim (avian TB),

Có người bị bịnh phổi dai dẳng lâu ngày tháng, dầu có điều trị mà không hết bịnh, có thể do lao phổi vi trùng lao của chim muông. Tuy nhiên vi trùng nầy ít nguy hiểm hơn TB.

Ngoài ra còn có các loại cúm khác như: cúm heo (swine flu), cúm ngựa.

Heo Bò

 Sán heo bò thường lây truyền cho con người bịnh độc hại làm ốm o gầy mòn. Loài sán sơ mít vì mình nó nối với nhau bằng những sợi giống như sơ mít. Nó có thể dài tới 8-9 thước. Cái đầu của nó nhỏ và thật cứng gọi là scolex, dùng để bám chặt vào thành ruột, tha hồ mà hút chất bổ cho no nê.

Sán bò gọi là taenia sagitana, còn sán heo lại là taenia solium.

Bò còn lây truyền bịnh lao, bịnh chết người như bịnh bò điên, nó giống như bịnh Creutzfeld Jacob disease. Xin xem bài của BS Liêu Vĩnh Bình trong YH&ÐS

Dê, cừu và bò còn lây cho ta bịnh brucellosis do vi trùng brucella, qua đường tiêu hóa vào ruột rồi lan ra nơi khác.

Nó gây ra

  • Nóng sốt, đau nhức mình mẩy, nhức đầu, làm lầm tưởng cảm cúm.
  • Nó có thể chạy lên trung khu thần kinh hay tim làm chết người.
  • Phụ nữ mang thai có thể bị sẩy thai hay dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

Khỉ

Khỉ được nuôi chơi và dùng trong phong thủy để trừ tà ma, nhưng nó cũng rất là nguy hiểm. Phần nhiều bịnh chết người từ thập niên 1980’s đó là bịnh HIV/AIDS do khỉ mặt xanh truyền lây sang con người. Vào ngày 15/8/ 2014 đã có 1100 người Liberia đã chết thảm thương vì siêu vi Ebola lây truyền từ con khỉ, con vượn của Phi Châu. Thật đáng khíếp sợ. Hiện nay dịch bịnh Ebola làm rúng động toàn cầu vì không có thuốc chữa và thuốc chích ngừa. Thuốc Z Mapp của Canada còn trong vòng thí nghiệm.

Người Việt chúng ta rất say mê câu cá. Nhiều khi phải lội xuống nước đứng mới thả câu được. Chẳng may vùng nầy có nhiều con chằng bè, loại chim vịt to bự hùng cứ nơi nầy. Khi về nhà thấy đau ngứa ống chân, phải coi chừng bị loại sâu lyme nó chui vô lỗ chân lông.

Phải đến bác sĩ xin chữa trị, nếu không rất nguy hiểm.

Ước mong quý vị nuôi thú vật nhà làm kiểng, giữ nhà, thư giản hay vì một lý do gì, cũng cần phải săn sóc chúng cho sạch sẻ, chích ngừa đầy đủ đừng để chúng phóng uế bừa bãi, làm ô uế mà còn lây bịnh tật như Samonella, Escheria Coli, Campho bacter. Thường xuyên tẩy uế chỗ chúng ở. Có vậy chúng mới khỏe mạnh và gia chủ cũng vui lây, cũng khỏe mạnh mà chơi với chúng.

Riêng các quý vị thương yêu, thương hại sợ chim chóc đói, chạy mua bánh mì cũ về sáng ngồi bẻ ra và rải cho chúng ăn, không ngờ chúng là mầm móng bịnh tật chết người. Bản thân quý vị là người yếu đuối dễ bị lây nhiễm, có thể chết. Xin đừng tự mang họa vào thân.

Bồn cá kiểng rất dơ, đừng dùng tay không rữa, hay kê miệng hút nước ra.

Xin nhớ rữa tay sau khi chơi với thú vật, chó mèo và trước khi cầm đồ ăn thức uống. Chúc quý vị an vui với mấy con thú cưng của mình.