Thi Cử Cần Ăn Uống Ra Sao
Bác sĩ Phan Giang Sang
(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG III – Y HỌC VÀ ĐỜI SỐNG 2016)

Thi cử là điều quan trọng, sinh tử trong đời người học trò. Thi cử là thử thách tài năng, hiểu biết học lực, và là sự thành tựu của nhiều năm đèn sách. Nó là kết quả của biết bao nhiêu tâm lực, bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu nghị lực và kiên nhẫn mong đợi cái ngày trọng đại này. Tương lai vinh quang xán lạn hay lu mờ tan theo mây khói, cũng nằm trong kỳ thi. Ðời học trò may mắn hay không cũng nằm trong ngày thi mà thôi.
Chuyên cần
Ai đi thi lại chẳng muốn đậu. Mà muốn đậu thì cần phải chuyên cần, chăm chú lo học hành. Ai cũng phải công nhận là ở đây, học sinh nào chuyên cần ắt sẽ đậu vào đại học theo ý muốn. Cứ lo cố gắng học hành, ‘Có công mài sắt có ngày nên kim’ là vậy. Làm gì thì làm, nhớ học bài, ôn bài, làm bài tập, cùng bạn bè ôn bài, ‘Văn ôn võ luyện’, kiểm tra trao đổi dễ nhớ hơn học một mình ở nhà.
Thư giãn
Nói vậy chớ cũng nên giải khuây, lâu lâu nghỉ một chút cho thư giãn vận động gân cốt, cho máu lưu thông, nhứt là đầu óc cho thư giãn, rồi một hồi mới trở học lại. Còn chăm chú từ sáng đến tối, quên ăn, quên nghỉ, trí óc mỏi mệt học hành không vô, quên đầu quên đuôi thì mệt đấy.
Nhớ đừng có quá căng thẳng (stress), sợ sệt thái quá, cứ coi như thi thường trong lớp. Vì nhiều quá căng thẳng sẽ rối trí, lính quính lộn cái này qua cái nọ thì hỏng chắc.
Run rẩy, sợ sệt
Nhớ đừng có quá lo âu sợ sệt (phobia).Trước đám đông hay vào ngày thi thường hay run sợ (agoraphobia), hay nhức đầu đau bụng, nhứt là hay đi vệ sinh. Phải tập bình tĩnh, coi như thi thử trong lớp, coi như không có chuyện gì to tát, để đừng lo sợ. Nếu không vượt qua được cần phải nhờ nhà tâm lý học dẫn giải, hay bác sĩ tâm thần hướng dẫn, tập luyện cho quen đi. Tuy nhiên không nên uống thuốc tâm thần để trấn tĩnh, có khi nó làm buồn ngủ thi không được. Kẹt lắm ăn miếng chocolate nếu không bị dị ứng để trấn tĩnh, một chút cũng không đủ làm lên đường, làm mập đâu. Thử làm vậy coi, vì những bịnh nhân trầm cảm, lo âu thái quá, ăn nó vô cảm thấy đỡ, an tâm.
Thời xưa khi thi đỗ để bảng hổ đề danh, được cử ra làm quan. Ðậu để được vinh qui bái tổ, lại còn hân hạnh được ‘võng anh đi trước võng nàng theo sau’, cho bỏ công những năm đèn sách khổ nhọc là vậy.
Ở Úc đến sáu tuổi học sinh ôm cập, được cha mẹ đưa đến trường nhập học rồi cứ lên lớp hoài. Hết bậc tiểu học, tự nhiên lên trung học, cho đến lớp 12 mới có cuộc thi ra trường: Thi HSC (High School Certificate). Tùy theo điểm mà chọn môn học ở các Ðại học hay trường Cao đẳng để học nghề.
Còn hồi nhỏ ở quê nhà, chúng tôi phải trải qua một chuổi dài dài cuộc thi đầy thử thách khó khăn. Nào là thi bằng tiểu học, thi tuyển vào trung học, rồi thi bằng Trung học đệ nhất cấp, đậu mới được thi tuyển vào lớp đệ tam. Năm sau lên đệ nhị, thi Tú tài 1, đậu mới được vào lớp đệ nhất để thi Tú tài 2. Vẫn chưa xong, còn phải dự tuyển vào chuyên ngành Ðại học vân vân.. . Như vậy thật là khổ cực cho đời học sinh và sinh viên phải thi cử triền miên. Cho nên chúng tôi luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng để đi thi với tâm niệm phải thành công rực rỡ.
Nhiều khi không phải thử thách thôi mà như tranh đấu tài cao thấp dành giựt mới được đậu vào trường tuyển. Chưa hết phải chen lấn ngoi lên, đậu thật cao mới có học bổng, nếu không, tiền đâu ăn học, vì phải xa nhà, tỉnh nầy sang tỉnh khác. Nhiều khi hết lớp đệ tứ phải qua Trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ hay Nguyễn Ðình Chiểu ở Mỹ Tho. Còn không thì thi vô Trường Petrus Trương Vĩnh Ký, Gia Long ở Sài Gòn, còn hao tài tốn của nhiều hơn nữa, nếu không phải dân Sài Gòn.
Phụ huynh
Các bậc phụ huynh nên chú ý con trẻ nhiều thêm, không được khinh thường, lơ là, mặc kệ chúng, mà phải chăm sóc từ miếng cơm, manh áo cả giấc ngủ mới được. Cũng phải dòm ngó coi chúng có cần gì không, chúng có lo học thi hay không? Ðừng để chúng chỉ ‘chat’ với nhau, không học hành gì hết, thì làm sao đậu được.
Cha mẹ cũng không nên la rầy, ép con phải chọn ngành này ngành nọ, để chúng tự lựa chọn con đường tương lai của đời chúng. Cha mẹ chỉ hướng dẫn thôi. Nhứt là chúng ôm cặp mà có vào trường không, hay trốn lang thang đi phố ngắm quần áo, chưng diện.. . Nhiều khi cha mẹ chở con đến trường chờ chúng vào cổng trường mà còn chưa chắc chúng có vào lớp hay không.
Ðừng nghĩ là mình chỉ cần bỏ tiền ra mướn thầy dạy kèm là đủ, bổn phận làm cha mẹ sức hơi đâu mà lo. Ngày xưa khác, bây giờ khác. Làm ăn, đi đâu cũng nên nghĩ tới con chăm chỉ thi cử.
Muốn con cái chăm lo ăn học hành, phận làm cha mẹ cũng phải tránh gây phiền phức, rắc rối, cãi cọ, gây gổ ồn ào chuyện gia đình lủng củng, ghen tương để con cái yên thân, đem hết tâm trí chăm lo học tập, trong tình thương yêu, của mái nhà êm ấm nồng nàn. Những chuyện làm chúng đau lòng, lo âu sẽ mất bình tĩnh, sẽ bị phân tâm mất chú ý vào việc học.
Ngoài việc phải hy sinh, không ngại khó nhọc, khổ cực, ngày chí tối lo tảo tần ngược xuôi kiếm tiền cho con ăn học. Họ chỉ mong đợi ngày con mình thành đạt là mãn nguyện rồi. Họ sẽ hãnh diện với bà con xóm làng.
Muốn vậy họ phải chịu khó thăm hỏi con cái lúc đi học hay trở về nhà. Cũng phải theo dõi học bạ, học trình, giấy tờ từ nhà trường gởi về. Không phải chỉ bỏ tiền mướn thầy dạy kèm là đủ. Chúng cần sự chăm sốc và tình thương của cha mẹ.
Ăn học
Ông bà mình có khuyên dạy, con cái phải lo:‘ăn học’
‘Ăn vóc học hay’
‘Có thực mới vực được đạo’
Nói tóm lại là muốn học, muốn thi cử, muốn làm gì cũng phải được ăn uống đầy đủ, mới có năng lượng để làm được việc, thì mới mong thành công rực rỡ. Phải theo dõi coi chúng có ăn uống đầy đủ buổi ăn sáng không, trước khi đi học hay đi thi. Ðừng để chúng bị thiếu sinh tố thời gian lâu dài, mất sức lực ốm o học bài không vô, thua kém bạn bè. Nhứt là omega-3 và omega-6 rất quan trọng trong sự nẩy nở hệ thần kinh, trí tụê.
Vậy muốn con cái thành công vẻ vang, ngoài tài năng trí thông minh, cần cù học tập, còn phải được nuôi dưỡng như thế nào nữa. Vì ăn uống không cẩn thận cũng làm hỏng cuộc thi cử chớ phải chơi. Xin đừng ỷ y khinh thường. Ông cha bà mẹ phải săn sóc các thí sinh cho cẩn thận. Nhớ không nên nghĩ tới câu ‘trời sanh voi, sanh cỏ’ rồi cho ăn uống miễn sao cho nó no, ngon hay không, bổ hay không, sao cũng được là không đúng. Bởi vì dầu có tài năng là thiên phú, nhưng nếu không may, lỡ chúng bị đau yếu trước hay trong ngày thi thì làm sao thi cử được?
Hay trong ngày thi, chúng lỡ bị ‘tào tháo rượt’ thì làm sao ngồi yên ổn, bình tĩnh làm bài thi cho xuất sắc? Chính vì vậy cha mẹ phải chăm sóc đồ ăn thức uống cho kỹ lưỡng, bảo quản cho tốt. Tốt nhứt là đồ ăn mới nấu. Không được ăn đồ cũ, nhứt là vào mùa hè, trời nóng đồ ăn nguội, cũ mau hư, ăn vào dễ bị trúng thực.
Có ăn uống đầy đủ mới có sức làm việc, học hành thi cử. Không no, bụng đói không có calories để đốt, phân hoá ra sức lực, cơ thể không có năng lượng, năng lực làm việc, học hành chữ nghĩa không vô, không hiểu. Nhiều khi đói quá, bụng cồn cào khó chịu, dễ bị xỉu. Có nhiều cô sĩ tử xỉu trong trường thi HSC. Cũng may là ở Úc được cho thi lại, nhưng rất ư là phiền phức chớ không phải dễ. Nên bỏ tật cắm đầu cắm cổ cố lo học, quên ăn, quên ngủ để trang bị hình ảnh gầy yếu của một sĩ tử như ở Việt Nam!
Vậy ăn gì đây?
Học sinh đi thi cử là ở tuổi đang lớn, nẩy nở cần calories, vậy phải ăn uống đầy đủ mới học bài được. Xin đề nghị:
Ăn sáng:
Buổi sáng không có thì giờ để nấu nướng, nên ăn thanh đạm, nhanh gọn để đi học, đi thi. Ðồ ăn có chứa nhiều chất xơ, dễ tiêu, dễ đi cầu không bón, tốt cho sức khỏe, ngừa được ung thư đại tràng.
Xin thử đề nghị buổi ăn thanh đạm như sau:
- Ngũ cốc, loại muesli, các loại hột. Trái cây khô như nho khô, apricot, prune khô trộn với sữa, chuối, apple.
- Uống nước cam tươi. Yogurt ít mỡ.
- Trái đào, trái cây khô với muesli, chuối trộn với mật ong, sữa, nước cam, apple, strawberry. Yogurt
- Porridge với mật ong, yogurt. Ăn thêm chuối, strawberry, apple,
- nước cam tươi.
- Hai lát bánh mì ngũ cốc nướng. Jam, mật ong, vegemite. Ham / chả lụa / trứng gà chiên, mấy lát tomatoes, dưa leo vài cộng rau thơm,
- Hoặc là: Cơm, cá / thịt / chả lụa, dưa leo, tomatoes, chuối cam, kiwi, avovado, nước cam tươi, sữa.
- Cơm hột gà chiên/bacon/chả lụa, tomatoes. Chuối, cam, strawberry, avocado, sữa, nước cam tươi.
Uống: sữa, hay các loại nước trái cây xay, tùy theo sở thích. Trà xanh, cacao (Milo) và coffee dành cho học sinh lớn tuổi.
Nếu uống được trà/café/milo/cacao thì uống. Mấy thứ này rất tốt vì nó giúp cho tinh thần tĩnh táo, trí não sáng suốt, nhanh nhẹn giúp hiểu rõ đề thi, làm bài mau lẹ. Vì:
- Café: caffeine kích thích hệ thần kinh làm tĩnh táo, dễ tập trung tinh thần, làm việc hăng say, không buồn ngủ. Học bài dễ nhớ rất tốt, đi thi cũng tốt.
- Trà: có chứa chất theophylline, coffeine giúp tinh thần tĩnh táo, sảng khoái, trí óc sáng suốt, học mau vô, không buồn ngủ để ôn bài rất tốt.
- Chocolate: có chứa theobromine, cannabinoids ngăn chận sự tan rã của anandamide, tiền thân của serotonin, tryptophan. Nó đem lại sự an bình tâm hồn, bình tĩnh không stress, nhưng tâm trí nhanh nhẹn.
- Mocha: đây là café có pha với chocolate cho thơm ngon ngọt, hương vị rất dễ thương. Hai chất này điều tốt cả.
Trưa: Trong khi chờ đợi vào thi buổi chiều, nên ăn nhẹ: Nhẹ nhứt là dĩa trái cây, rau đậu. Một trái táo/ hồng/ đào/ cam/chuối. Hai lát bánh mì ngũ cốc ham/chả lụa, rau spinach, rau húng quế, tomatoes, một chút muối/muối tiêu.
Rau cải, hạt đậu. Tomatoes và avocado. Bánh mì chả lụa, tomatoes, vài lát hành, rau thơm, một chút muối/muôi tiêu. Trái chuối. Cũng đừng quên uống tách trà, hay ly café, hay ly nước trái cây hay lon coke vân vân
Ăn tối: Buổi cơm tối là buổi cơm gia đình, ăn hơi khá một chút, hơi thịnh soạn. Nó tùy theo từng gia đình người Nam, Trung, Bắc, Tàu, Cambochia… tùy theo hoàn cảnh tài chánh vân vân…không thể nào biết hết được. Nhưng nhớ ít dầu mỡ.
Ăn dặm tối: Từng ở nội trú chung với sinh viên Úc, tôi nhận thấy buổi tối, khoảng 10-10 giờ 30 đêm, chúng nghỉ giải lao, ngồi nhâm nhi tách café, ăn miếng sandwich nướng trét jame hay peanut better, cam, apple, trò chuyện thi cử, rồi trở lại tụng cho tới 1-2 giờ sáng.
Tuy nhiên cha mẹ phải lo nghĩ cho con cái, đừng để chúng bị bất trắc xẩy ra trong lúc thi cử. Muốn vậy phải:
- Kiêng cữ không cho ăn cháo, nhứt là cháo lòng ngày trước và trong ngày thi. Tại sao vì ăn cháo dễ làm mắc tiểu, phải đi cầu mất thì giờ lúc dự thi. Cháo lòng thường gây đau bụng, nếu không đi tiểu cũng đi cầu làm mất rất nhiều thời giờ. Mà thi có câu hỏi trắc nghiệm, phải nhanh, mặc dầu chỉ có quẹt đen thôi.
- Kiêng cữ không cho ăn mắm kho, mắm sống. Mắm kho, mắm chưng dễ gây trúng thực, nhiều rau dễ bị đau bụng, trúng thực tiêu chảy, thi không được suông sẻ.
- Ăn đồ nguội lạnh nhứt là vào mùa hè. Đồ ăn cũ dễ bị hư làm đau bụng, có thể bị tiêu chảy do trúng thực.
- Vậy phải làm gì? Tốt nhứt là đồ ăn mới nấu, còn nóng, ít dầu mỡ để tránh nặng bụng, khó tiêu.
- Nên cho ăn đồ ăn có carrot để sáng mắt, mà cũng để hơi bón không bị tiêu chảy lúc thi.
- Cũng nên ăn đủ thứ hạt đậu mỗi ngày một nắm tay. Nhứt là hạt walnut có nhiều omega-3, kế là pecan, giúp nhiều cho trí thông minh. Nhiều năng lượng thì có hột hạnh nhân (almond), macademia, óc chó (walnut), pecan, hazelnut, hột thông (pine nut). Còn vitamin E trong hột hạnh nhân, hazelnut, hột thông…
- Nên cho ăn nhiều đồ biển nhứt là cá salmon; nếu thấy mắc, cho ăn cá mòi, cá sardine hay rong biển nếu ăn chay, walnut, pecan, trái lựu…
- Nếu uống được café thì uống còn không thì uống ly chocolate, cacao ấm, hay tách trà xanh. Tại sao vì các thứ này giúp cho không buồn ngủ, cho tĩnh trí sáng suốt. Nhờ vậy có thể học thêm cho tới khuya. Các loại nước này giúp tập trung tinh thần, để hết tâm thần suy nghĩ làm bài, đối đáp nhanh nhẹn khi vào vấn đáp hay phỏng vấn tìm việc. Các diễn giả phải uống tách café, hay chocolate thì nhanh nhẹn, tài hùng biện gia tăng khi lên diễn đàn.
Kiêng cữ
Ở thời đại này không nên dị đoan kiêng cữ nầy nọ rất khó coi, con trẻ không thích. Muốn tìm hiểu xin nhắc lại là:
- Học trò không được ăn hột vịt lộn, hột vịt ung vì sợ đi thi làm bài không được lãnh zero tròn vo như quả trứng gà, trứng vịt thúi. Người Hoa dị đoan cữ không cho học trò ăn trứng gà luộc màu đỏ, trong nghi lễ cúng đầy tháng, thôi nôi, vì không phải sợ ngu, mà sợ mất hên.
- Họ cũng cần phải cữ ăn kẹo vì sợ bị zero ăn kẹo.
- Cữ chun dưới sào phơi quần áo vì cho sẽ ngu đần, thật ra là sợ mất hên.
- Không được tắm gội dưới dòng sông có phụ nữ tắm, nhứt là phụ nữ có thai vì sợ bị ô uế và xui xẻo, mà người Hoa cho là ‘xúi quẩy’ tức mất hên không đậu. Ở Úc không sợ cảnh này vì tắm bồn hay vòi bông sen.
- Tuyệt đối không nên uống rượu, dầu là rượu bổ, vì nó làm say, ngủ quên, sáng thức dậy trể, đầu óc còn ngầy ngật, không tập trung tinh thần được, để khỏi đọc sai đề thi, làm bài không trúng. Ði trễ, cửa trường đóng không được vào trường thi. Lỡ mất cơ hội thi đậu.
- Riêng sĩ tử Việt Nam được các bà mẹ thường cho con mình ăn chè đậu, để cầu con mình thi đậu.
- Thi cử là nhờ vào tài năng, hiểu biết trí thông minh chớ không phải ăn chè đậu, là đậu đâu. Cách thức tập quán cổ truyền này quá xưa, đầy mê tín, dị đoan nên bỏ, nó không giúp gì cho cuộc thi. Chỉ làm cho thí sinh phì mập thôi.
Nên:
- Nên ăn chút carrot để cho hơi bón một chút trước và trong ngày thi cho đừng bị tiêu chảy.
- Nên uống thuốc bổ hỗn hợp nhiều vitamin mỗi ngày,
- Uống 1 viên fish oil, omega-3 1000mcg.
- Ăn uống đầy đủ đừng quá nhiều nặng bụng.
- Ăn nhiều rau cải tươi, uống nước trái cây tươi và đủ loại chớ không thuần túy một loại, dễ bị khiếm loại dinh dưỡng nào đó rất khó biết và khó chữa.
- Trong khi đi thi cử, cũng nên mang theo muesli bar, chocolate và hộp nước trái cây, để khi cần dùng cho đỡ khát và đủ sức mà thi. Bởi ở Úc các thứ đó không có cấm, tuy nhiên phải để trên bàn chớ đừng móc túi ra, giám thị tưởng làm bậy, thì nguy hiểm.
Ngủ
Trước ngày thi cần thư giãn, tỉnh dưỡng ngủ sớm, ngủ đầy đủ 7-8 tiếng, để sáng ra tĩnh trí, tươi vui, tâm thần sáng suốt. Nên nhớ nếu nhà xa, đừng thức trể, bắt trể hay trật chuyến xe bus, xe lửa, xe tram làm căng thẳng, hỏng cuộc thi.
Phải vặn đồng hồ đánh thức hay nhờ người nhà đánh thức cho đúng giờ.
Nhớ ăn sáng như trên, chớ không nên nhịn đói đi thi.
Ði chùa/nhà thờ, xem bói, cầu thần linh
Còn dẫn con đi chùa chiền lễ bái cũng được nhưng phải nghĩ cúng là một chuyện, thi cử là thử thách tài năng, hiểu biết chớ không phải nhờ cúng dường cho nhiều vô ích…Có mê tín dịđoan, thì cũng phải vừa vừa mức độ nào thôi. Mọi việc là do sự cố công học hành, chuyên cần mới là việc chánh, mới có thành tựu tốt đẹp, đem lại niềm vui, nở mặt nở mày cho gia đình. Cha mẹ ông bà được hãnh diện, nở mặt với xóm làng. Còn cúng cho nhiều, ỷ lại vào thần thánh giúp đỡ, có đi chùa, đi nhà thờ mà không lo học tập chuyên cần hết sức mình, thì cũng hỏng.
Có kẻ đi xem bói, xem vận hên cho con đi thi, nhờ thầy cúng cũng là làm bậy bạ, mất tiền vô ích. Ðể tiền lo kiếm thầy hay, dạy giỏi cho con nó học thêm còn tốt hơn, còn may ra đậu cao.
HUYỀN THOẠI THẦN ÐỒNG
Ngày xưa, có cậu bé 10 tuổi, ham chơi, không chăm học bị ông bố tiến sĩ răn dạy bằng cách phạt làm thơ. Cậu ta cũng không vừa. Cậu làm bài thơ như sau:
‘Rắn đầu biếng học’
‘Chẳng phải liu điu cũng giống nhà
Rắn đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen lời lếu láo
Lằn lưng chẳng khỏi vệt năm ba
Từ nay Châu Lỗ xin siêng học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.‘
Mỗi câu trong bài thơ này có chứa tên một con rắn. Và bài này đã được đưa vào văn học sử Việt Nam. Cậu bé đó là Bảng Nhãn Lê Quý Ðôn. Ông là nhà hùng biện, được vua cho đi sứ sang Tàu đối đáp nhiều lần.
Và đây là bài ca ‘Ngày thi’ của nhạc sĩ Ðỗ Kim Bảng, nói lên nổi lòng hồ hởi trước ngày thi, và tâm trạng vui buồn của sĩ tử sau ngày thi:
‘Hôm nay: ngày thi
Bao nhiêu người đi
Xe! Rộn rịp
Lớp! tràn người
Niềm vui vấn vương
Thi ơi là thi
Sinh ‘mi’ làm chi!
Bay, nghẹn ngào
Bám, ồn ào
Buồn vui vì ‘mi’
Ðây, bao bộ mặt cười ra nước mắt
than câu: ‘Học tài thi phận’
Ðây, bao tiếng cười đắc chí
khoe rằng:
‘Phen này tao trượt thì ai đậu cho’
Hôm nay còn thi
Mai kia còn thi
Ôi! Ðời đời
Khóc cùng cười
Hòa theo mùa thi’
Ngày thi nó trọng đại, nó gây bao nhiêu sầu muộn cho những người từng baophen vào ra trường thi như chúng tôi lúc nhỏ ở quê nhà. Cho nên ngày xưa ông bà ta nghĩ ra nhiều điều rất là huyền hoặc, tin cái này cái nọ, nó vô lý vô cớ ép buộc chúng ta phải tuân theo.
Số mạng
Thi cử cũng có hên xui tùy theo số mạng. Có nhiều người học tài thi phận, tài năng xuất chúng mà không may mắn cũng trợt vỏ chuối như thường. Người nổi danh nhứt trong lịch sử thi cử phải kể là thi sĩ Trần Tế Xương, thường gọi là: Tú Xương tức ông chỉ có bằng tú tài mà thôi. Ông đã từng thất bại tới tám lần, mặc dầu rất tài giỏi. Ông cố gắng nhoi lên tìm chút công danh cho vợ con, cũng hoài công. Ông biết hết, cho nên ông tự trào:
‘Một việc văn chương thôi cũng nhảm
Trăm năm thân thế có ra gì?’
Văn thơ trào phúng của ông rất thâm cao, khi châm chích kẻ khác một cách độc đáo. Trong các bài tự trào có bài:
Phú hỏng khoa Canh Tí (1900)
‘Ðau quá đòn hằn;
Rát hơn lửa bỏng.
Hỗ bút hỗ nghiên;
Tủi lều tủi chõng.
Nghĩ đến chữ ‘lương nhân đắc ý’thêm nỗi thẹn thùng;
Ngẳm đến câu ‘quyển thổ trùng lai’ nói ra ngập ngọng.
Thế mới biết học tài thi phận, miệng đàn bà con trẻ nói vậy mà thiêng;
Nào ai ngờ chữ tốt văn hay, tài bãng nhãn thám hoa lỡ ra cũng hỏng.‘
Hãy đọc bài thơ này sẽ hiểu rõ cái phóng túng, không kềm được lòng háo thắng, kiêu căng, ngạo mạng, đưa tới hỏng thi:
Ði thi
‘Tấp tểnh người đi tớ cũng đi,
Cũng lều cũng chõng cũng vào thi.
Tiển chân cô mất hai đồng chẳn,
Sờ bụng, thấy không một chữ gì!
Lộc nước còn mong thêm giải ngạch
Phúc nhà nay được sạch trường qui
Ba kỳ trọn vẹn thêm kỳ nữa
Ú ớ u ơ ngọn bút chì.‘
Ông ta thi rớt cũng phải vì vợ thì tảo tần buôn gánh bán bưng, nuôi bầy con nhóc, còn phải chạy tiền cho ông ăn nhậu, hát ả đào, vô tích sự, hư thân. Mỗi lần đi thi thì chìa tay nhận tiền vợ mới là lạ chớ! Thế mà đi thi thì tuy có chút chữ nghĩa, trường qui thì không thuộc, vì thế dầu bài có hay đến đâu, cho đả tài văn chương thi phú, nhưng phạm huý, phạm qui cũng hỏng. (Trường qui là nguyên tắc thi cử. Húy là tên vua và mấy bà hoàng hậu, bài thi phải tránh viết những tên này, nếu không sẽ phạm húy thi hỏng ngay. Có lẽ vì thế mà chợ Vĩnh Long thì gọi chợ Vãng Long, vì Vĩnh là dòng tộc đời thứ sáu vua nhà Nguyễn: Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh, Bảo… Ngày nay ở Việt Nam cũng còn có cảnh đau lòng là tàu lạ đâm vào tàu đánh cá của ngư dân ta! Tàu lạ là tàu ma à? Tại sao lại không nêu hẳn là tàu Trung Quốc?).
Ông đã làm cho bà vợ đáng thương mơ ước ngày vinh qui bái tổ của chồng!
Ðồng tiền
‘Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi
Chồng tôi cởi ngựa vinh quy
Hai bên có lính hầu đi dọn đàng (đường)
Tôi ra đón dưới gốc bàng
Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem.‘
Còn đây dân Nam Bộ nói về tâm trạng đau buồn của thí sinh hỏng kỳ thi cũng không kém:
‘Có anh thi rớt trở về
Bà con đón hỏi nhiều bề khó khăn
Sầu riêng anh chẳng muốn ăn,
Bòn bon tố nữ anh quăng cùng đường!‘
Ca dao
Mỗi lần hoa phượng vỹ rực rỡ nở đỏ sân trường báo hiệu mùa bãi trường đến, nó nói lên nổi vui buồn chia tay nhau, chia tay thầy cô với biết bao nhiêu kỹ niệm, lưu bút, quà lưu niệm, vui buồn đời học trò nghỉ bãi trường. Nhiều khi nó như buổi biệt ly vì sang năm không có còn gặp lại bạn cũ, thầy cô hay nghỉ học vì lý do nào đó như chuyển trường, vào quân ngũ.
Nhưng mùa hoa phượng nở cũng nhắc nhở mùa thi đã đến, nó đem lại bao niềm vui buồn cho đời sĩ tử: Màu đỏ tươi thắm trên cành như đem lại tin vui, thành công, chiến thắng sắp tới cho kẻ đậu, vui cười thỏa chí đời học sinh.
Còn người buồn ruột héo đến chết đi thôi như cánh phượng héo tàn phai trên sân trường vắng. Và cũng là mùa tự tử của các thí sinh thi hỏng! Và cũng là mùa mà các bác sĩ phải lo cấp cứu các học sinh lỡ trợt vỏ chuối hay Bùi Kiệm! (Bùi Kiệm là tên anh chàng học dở, thi rớt, lại tán gái giỏi, trong Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Ðình Chiểu. Bùi Kiệm đồng nghĩa với thi rớt/ bay/ trợt /đạp vỏ chuối, trợt vỏ dưa)

Riêng ở Úc, ba mươi mấy năm qua, chúng tôi thật tình mà nói, không hề gặp cảnh tự tử vì hỏng thi như ở quê nhà. Ðây là cái may, vì hỏng khoa nầy thì vầy (bầy) lại khoa khác. Biết đâu không vào ÐH vào Trường Cao Ðẳng rồi từ từ bò lên ÐH, có sao đâu, chỉ chậm trể vài năm thôi. Tôi nhận thấy thời đại này sinh viên đổi môn như chong chóng, học xong hay chưa xong, họ đổi nghề theo môn khác, phải không các cô cậu tú tương lai? Vội vàng làm chi mà tự tử mất mạng cho uổng. Ðời sinh viên là thời gian vui sướng nhứt trong đời, nó còn dài mà!
Nghề nào cũng được, cũng tốt, cũng quý cả. Không phải nghề đem lại niềm danh dự, mà chính con người mới đem lại danh dự cho nghề nào đó.Cha mẹ không nên ép con học, lựa đúng ngành mình chọn mới được.
Bên Tàu có bà mẹ độc ác bắt con chọn học theo ý bà, không được cãi. Nếu cãi bà, sẽ bị trừng phạt, la rầy dữ lắm ai cũng phải sợ. Úc có viết bài báo và cho bà là đàn bà dữ như cọp cái ‘Tigeress mum’.
Còn bên Mỹ có bà mẹ Việt ép buộc con phải học để làm BS cho bà. Vì chịu không nỗi thống khổ, buồn bực bà mẹ không hiểu lòng mình, em tự tử luôn, Thế là bà mất luôn đứa con yêu quý! Có phải đau lòng không?
Pháp có câu:
‘Ce n’est pas le métier qui honore l’home,
mais c’est l’home qui honore son métier’