Nhũ Hoa và Bịnh Tật
Bác sĩ Phan Giang Sang
(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG III – Y HỌC VÀ ĐỜI SỐNG 2016)
Từ tấm bé đến lúc già nua, người phụ nữ có gìn giữ kỹ lưỡng tới đâu, làm gì cũng có một lúc nào đó bị trở ngại, đau đớn về đôi vú của mình.
Vú là niềm hãnh diện của người phụ nữ, vì nó tượng trưng cho vẽ đẹp kiều diễm, kiêu sa… Nhưng nó cũng là niềm đau nỗi khổ, lo âu phiền muộn của phụ nữ, vì nó là cái nôi phát sinh ra rất nhiều bịnh tật, hạch, túi nước, nhiễm trùng và độc hại nhứt là bịnh ung thư vú. Chính vì vậy mỗi khi bị đau vú, tâm thần họ lại hoang mang, rối loạn, âu lo sợ hết đẹp, sợ bị chết chóc nầy nọ.
Vú rất huyền bí, nó luôn luôn thay đổi theo từng giai đoạn của cuộc đời người phụ nữ: từ lúc mới sanh, rồi thiếu nữ, tuyệt mỹ lúc dậy thì và sung mãn, rồi tới tàn phai theo năm tháng lúc tuổi già. Ðể đánh tan nỗi u buồn vớ vẩn, xin quý vị phải mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thực, tìm nguyên do chữa trị càng sớm, càng tốt, dễ có cơ hội hồi phục, vui sống tới tuổi già cùng con cháu.
Ðàn ông con trai cũng không tránh khỏi sự phiền tói nầy, tuy nhiên chỉ một phần nhỏ thôi. Ðàn ông chỉ bị ung thư vú có 1% của đàn bà mà thôi. Tuy nhiên nếu họ không được cảnh cáo, không nói ra họ sẽ không sợ. Sự thật, nó cũng là niềm đau nổi khổ của đấng nam nhi, bởi nó đưa tới ung thư vú, vú to như phụ nữ (gynaecomastia), cũng là dấu hiệu của ED, mà nguồn gốc là câu thề ‘Thà bỏ vợ chớ không bỏ rượu’. Còn mấy ông thề độc ‘Thà bỏ vợ chớ không bỏ hút thuốc’ cũng mắc quai câu nầy, vì nó gây ung thư vú, tuyến tiền liệt và làm nghẽn cò súng chớ không phải chơi. Ðó là cái giá mà quý vị nghiện rượu và thuốc lá phải trả! Muốn biết lý do xin đừng nôn nóng, hãy từ từ đọc hết bài nầy.
Chúng tôi xin lần lượt kể ra các bịnh về vú để tránh những sai lầm đáng tiếc.
Sơ lược cơ thể học của vú
Vú được cấu tạo bởi:

- Chừng 20 thùy tuyến sữa, ống dẫn sữa kết chùm lại tại núm vú. Núm vú được bao quanh bởi quầng vú. Nơi đây có nhiều sợi dây thần kinh cảm giác nên dễ bị kích thích khi chạm tới.
- Vú bắt đầu nẩy nở từ lúc 8 đến 13 tuổi là nhờ kích thích tố nữ oestrogen cùng kích thích tố tăng trưởng (ktt Growth hormon) trong lúc dậy thì. Chúng giúp tế bào gia tăng và progesterone cùng prolactin giúp tăng trưởng để thành đường ống dẫn sữa. Cuối cùng vú lớn lên có hình dạng tuyệt mỹ lúc 17-18 tuổi.
- Vú không có cơ thịt mà chỉ cấu tạo bởi mô mỡ và mô liên kết. Cho nên vú lớn hay nhỏ tùy vào lớp mỡ nhiều hay ít và oestrogen, kích thích tố tăng trưởng lúc dậy thì và tăng thêm lúc mang thai nhờ kích thích tố progesterone tiết chế từ lá nhau.
- Sau thời kỳ mãn kinh, vú nhỏ lại do thiếu các chất kích thích tố.
- Ngoài ra còn có mạch máu, một hệ thống bạch huyết và dây thần kinh rất nhạy cảm.
- Vú nằm giữa da và xương sườn từ số 2 tới số 6. Nó được nâng cao và không xệ nhờ các dây chằng. Khi dây chằng nhão giãn, nó sẽ xệ làm mất đi vẽ thẩm mỹ sau khi sanh và nhứt là sau khi mãn kinh.
Trẻ sơ sinh
Nhiều trẻ sơ sinh, mới lọt lòng đã có đôi vú nẩy nở như lúc dậy thì. Có khi lại chảy ra giọt nước trắng đục như sữa. Ðây là việc rất thông thường. Sữa đó là sữa non (colestrum like fluid). Nó do ảnh hưởng kích thích tố của mẹ trong lúc mang thai, không có cái gì ghê gớm huyền hoặc dị đoan như một số người nghĩ bậy. Chỉ vài hôm nó sẽ dứt, và một thời gian ngắn vú cũng trở lại bình thường.
Thanh thiếu niên
Có khi trai gái gì cũng có nổi khối u một hay hai bên vú, có khi đau có khi không, là do trái chàm. Không có gì đáng sợ. Một thời gian là sẽ biến mất.
Nhiều khi vú to, có cô đi giải phẫu thâu lại, rất nguy hiểm vì làm hư các tuyến sữa, gây trở ngại về sau khi cho con bú.
Nếu vú nhỏ mà đi độn cho to cũng phải coi chừng, đẹp đâu không thấy về sau dễ bị ung thư.
Vú nhỏ không nẩy nở do không có bắp thịt ngực hay bị giải phẫu lúc nhỏ làm hư, buồng trứng không hoạt động, bị hội chứng Turner’s: nhỏ con, cổ ngắn. Nên nhờ Bs gia đình hướng dẫn.
Sau tuổi dậy thì
Có cô cảm thấy nặng ngực hay đau lúc hành kinh. Nếu không có hạch gì hết, thì để vậy nó sẽ hết. Chỉ nên đắp khăn nóng, thoa dầu evening primrose. Nếu có một hay nhiều hạch mềm, hơi cứng và di chuyển theo đường vú. Ðó là bướu sợi lành tính,tuy không nguy hại nhưng cũng phải nhờ Bs gia đình kiểm tra và nếu cần thử nhiều thứ khác cho an toàn.
Các ông có vú tự nhiên to lên là do lạm dụng thuốc và rượu:
- Uống rượu như hũ chìm lâu năm.
- Thuốc bổ không biết nguồn gốc, thuốc kích thích tố tăng năng sinh lực và phấn chấn.
- Dùng thuốc đau bao tử Tagamet lâu năm…
- Ung thư vú
Sau khi sanh
Nếu sản phụ than đau ở nách hay dưới vú? Phải kiểm soát:
- Có thể đây là những vú nhỏ từ nách xuống tới bụng theo đường vú lúc phôi thai.
- Ðau do sữa căng, có khi sữa chảy ra, vì nó hoạt động như vú thường. Ðắp khăn nóng, không nên uống Panadol, vì nó sẽ làm ngưng mất sữa cho con bú, trừ khi không muốn cho con bú sữa mẹ.
Ðau vú (Mastalgia)
Vú đau có thể xẩy ra bất cứ lúc nào trong đời người phụ nữ, tùy theo tuổi tác, kinh kỳ. Ðau vú được phân chia ra nhiều loại. Có khoảng 77% phụ nữ bị đau vú trong đời sống và 40-50% được gởi tới BS chuyên khoa điều trị.
Vú đau được chia thành hai nhóm:
1. Ðau vú theo chu kỳ kinh nguyệt
Có 2/3 phụ nữ than đau vú trước khi hành kinh. Phần nhiều phụ nữ vào tuổi 20-36.
- Ðây là cơn đau ở phần trên hai bên vú.
- Nhiều khi chỉ luôn luôn có một bên thôi
- Có khi nó chạy dài theo cánh tay.
- Cơn đau dịu lại và dứt khi kinh kỳ xuất hiện.
2. Ðau vú không liên quan tới kinh kỳ
Phần đông là phụ nữ trên 41 tuổi.
- Ðau một bên hay hai bên vú
- Ðau ở phần trên và dưới giữa ngực
Thông thường nó liên quan tới bịnh tật như:
Túi nước cysts hay bướu u sơ tuyến (fibroadenoma), bướu lành.
3. Ðau không do vú
- Ðau ở vú nhưng do tim phổi,
- Ðau thành ngực từ túi mật,
- Ðau ngay một chỗ thôi giống như đau sụm xương sườn (Tietze’s syndrome).
- Ðau cơ-xương (musculokeletal pain)
- Nếu nghi ngờ nên cho thử thai.
Dầu cho nguyên do nào đi nữa cũng không được coi thường, phải nhờ Bs hướng dẫn phòng ngừa và theo dõi để tránh ung thư vú.
Thử nghiệm
Trước hết phải khám thật kỹ, tìm hiểu về kinh kỳ, mãn kinh, thuốc men, tiền sử gia đình,Siêu âm, mammogram, sinh thiết FNB (fine needle biopsy).
Ðiều trị
Tạm thử:
- Nhiều khi đau vú do áo nịch quá chật. Phải dùng áo nịch không siết, cho thoải mái.
- Dùng thuốc chống đau như paracetamol vài hôm, nếu không hết uống thêm thuốc chống đau Nsaids, Nurofen…
- Thiền
- Thể dục và ăn kiêng, nhứt là ít dầu mỡ.
- Caffeine: Kiêng cữ coffee
- Thử dùng dầu evening Prinrose, mỡ cá, vitamin B6 pyridoxine
Thuốc dùng
- Danazol 200mg một ngày cho đau vú.
- Tamoxifen thuốc nầy dùng trị ung thư vú, cũng trị được đau vú. Tốt nhứt đừng dùng vì quá nhiều biến chứng không tốt.
- Bromocriptine. Ðây là loại thuốc thường dùng cho các bà mẹ cai sữa cho con bú, vú căng đau. Uống vài tháng sẽ khỏi. Công dụng của nó cũng giống như paracetamol nhưng có biến chứng nhức đầu chóng mặt, nôn ói.
Vú bị nhiễm trùng (mastitis)
Vú bị nhiễm trùng rất thông thường. Muốn biết vú bị nhiễm trùng, người phụ nữ phải nhận ra 4 điều quan trọng như: Ðau, sốt, đỏ và hơi cứng. Ngoài ra còn có: nhức đầu, run, khó chịu và đau mình mẩy.
Vú bị nhiễm trùng có thể cấp tính và nhẹ.
Cấp tính: Có chừng 20 % các bà mẹ cho con bú sữa mẹ bị bịnh nầy. Phần nhiều nó thường xẩy ra vào tuần thứ 2 hay thứ 3 có khi tới tuần thứ 7 sau khi sanh và nhiều nhứt lúc có đứa con đầu lòng. Nên nhớ là nhiều khi không cho con bú cũng có thể bị nhiễm trùng nữa.
Triệu chứng:
Ðau sưng, sốt và đỏ.
Ngoài ra còn có hơi cứng lúc ban đầu sau mềm: ung nhọt mủ.
Ðiều trị
Ðiều trị bằng trụ sinh, vì phần nhiều nó do trùng staphylococcus aureus.
Vắt sữa cho con bú cho cẩn thận.
Phải rạch cho mủ ra. Nếu da bên ngoài chết, mụt nhọt sẽ bể ra. Nếu có thể lấy mủ cho thử nghiệm.
Nếu bịnh nhân không cho con bú, phải thêm metrinodazole.
Nếu vú có lỗ rò nhiều lỗ ăn thông, chảy mủ tới lui hoài, Phải cắt nạo, để hở cho tới khi lành.
Nguy hiểm
Nếu bị nhiễm trùng để lâu không trị sẽ biến thành abscess.
Bịnh nhân có thể do độn ngực, tiểu đường, đau thấp khớp rheumatoid arthritis, dùng steroid hay hút thuốc quá nặng.
Hạch vú/bướu lành
Hạch vú lành, nhỏ có, lớn có ở một bên hay bên vú. Chúng nằm trong vú, hay chạy, nên gọi là ‘bướu chuột’ (breast mouse). Chúng được nhận diện bởi chụp hình vú (mammogram) hay siêu âm. Nếu nó kết hợp bằng tế bào liên kết thì gọi là sợi fibrosis, còn bằng ống và túi li ti thì gọi là adenoma. Nếu cả hai thì gọi là fibroadenoma.
- Bướu lành fibroadenoma lớn rất chậm. Không gấp mổ ở các thiếu nữ.
- Ở Phi Châu các thiếu nữ hay bị lớn một bên vú, ngoài da có nhiều tĩnh mạch, cần mổ lấy ra: Ðây là giant fibroadenoma.
- Ở người già thì lớn rất nhanh (soft fibroadenoma), nên mổ lấy ra thử nhiệm để tránh bị ung thư.
Núm vú
Bịnh của núm vú:
- Núm vú nứt nẻ lúc cho con bú phải trị bằng trụ sinh, nếu không sẽ làm độc, abscess.
- Núm vú chảy máu, nước vàng, xanh hay nâu….phải nhờ Bs khám xét kỹ lưỡng. Cho thử nghiệm, siêu âm. Nếu chút ít không sao, nếu nhiềuquá coi chừng ung thư.
Núm vú lở loét giống như eczema như lại phát tán nhanh của ung thư Paget. Nặng thì đau nhức, chảy nước, ngứa, rát. Bịnh nầy rất hiếm, chỉ có 1 % của ung thư vú. Phải nhờ Bs chuyên khoa đều trị.
Ung thư vú
Ung thư vú chiếm 20% tổng số tử vong của phụ nữ. Bịnh nầy có nhiều ở Mỹ hơn các nước Á châu như Nhựt Bổn và Ðài Loan tới 5 lần. Cứ 100 phụ nữ thì có 27 người mắc bịnh. Năm 2005 có 200 ngàn người mắc bịnh và 43 ngàn chết vì nó.
Theo sức khỏe và phúc lợi Úc nó đứng hàng đầu. Năm 2006, có 13 ngàn người mắc bịnh nầy; Victoria có tỷ lệ cao nhất. Cứ 14 người phụ nữ có 1 người phải chịu đau khổ vì nó và số tử vong là 20.7%.
Nhưng ngày nay khoa học tân tiến giúp tìm dò và xác định chính xác hơn, nhanh hơn, trị liệu hữu hiệu hơn nên tỷ lệ sống quá 5 năm lên từ 71 tới 86%.
Ung thư vú có hai loại:
- Ung thư ống dẫn sữa chiếm 90% và
- Ung thư tuyến vú và mô liên kết chiếm 10%
Tại sao bị ung thư vú
Ung thư vú thường do nhiều rủi ro:
A. Những rủi ro gây ra gồm có:
- Tuổi tác từ 30-80, nhiều nhứt từ 45-65. Rất hiếm dưới 35 và nhiều nhứt là trên 60.
- Có thể do di truyền, di tính. Nếu mẹ hay chị trong gia đình bị ung thư vú thì con, chị hay em gái có nhiều nguy cơ bị bịnh.
- Tiền sử có ung thư một bên vú hay nơi nào khác.
- Ðột biến gene của vú thay đổi nếu không có tiền sử gia đình.
B. Những nguy cơ đưa tới ung thư vú
- Ảnh hưởng kích thích tố nữ: Có kinh sớm trước 12 tuổi hay mãn kinh trể sau 50.
- Lối sống văn minh ngày nay làm cho phụ nữ lập gia đình trể, muốn có con trể trên 30 tuổi nên vú chịu ảnh hưởng của kích thích tố một thời gian lâu dài hơn xưa.
- Có thể do dùng thuốc ngừa thai hay dùng kích thích tố thay thế lâu năm trên 5 năm.
- Hiện nay, các nhà nghiên cứu nhận thấy ai mà có nhiều nốt ruồi sẽ dễ bị ung thư vú.
- Xạ trị ung thư nơi nào trước.
- Nhà ở gần cột điện hay dưới đường dây điện cao thế.
- Rượu và thuốc lá cũng làm gia tăng ung thư vú.
- Phì mập. Thực phẩm dự một phần không nhỏ: đồ ăn có nhiều dầu mỡ. Theo các tài liệu nghiên cứu cho thấy người Nhật ở Nhật, ăn rau cải đậu hủ và rất ít dầu mỡ. Trái lại người Nhật ở Mỹ ăn dầu mỡ rất nhiều. Chính vì vậy mà tỷ lệ ung thư vú của họ cao hơn người Nhật ở quê nhà.
- Thực phẩm thiếu chất selenium để xúc tác men seleno glutathione peroxidase (CPx-1)
- Những ai có những nguy hại trên, cần phải được kiểm tra kỹ và theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm, sẽ trị hết luôn.
- Những di dân từ các nước có một tỷ lệ ung thư rất thấp, sau khi sinh sống trên đất Úc trở nên có một tỷ lệ ung thư vú cao gần bằng người Úc. Thí dụ: Người Ý và Nam Tư có tỷ lệ là từ 5 tới 10 ở xứ họ, sang Úc nó tăng lên tới 17 cho 100.000 người.
- Gần dây người ta nhận thấy những người nhàn rổi không năng động, không thể thao, thể dục dễ bị ung thư. Nghèo khổ, tay làm hàm nhai, đầu tắc mặt tối lại may mắn ít bị ung thư vú hơn người giàu sang.
Ai phát hiện ra bịnh ung thư vú
- Trên 90% của bịnh ung thư vú phát hiện được bởi chính bịnh nhân, chớ không phải BS. Phải tự ngắm, tự khám ngực mình coi có gì thay đổi không? Hình
- Trong tương lai gần sẽ có đồ dụng cụ (sensor) rất nhạy bén và chính xác tới 92.1% để dò tìm UTV nhờ sự thay đổi nhiệt độ rất nhỏ, do mạch máu nuôi khối u UT. Ðó là chiếc yếm thông minh (Smart bras)
- Tìm thấy những hạch nhỏ nơi vú hoặc ở nách, cổ.
- Núm vú có chảy nước, lở loét, đỏ, lệch một bên, vú lệch một bên, vú rút lên trên, vú to hơn bên kia không. Trong vú có hạch cưng cứng không đau, nách bên vú đó có hạch không.
- Da vú dầy lên trông giống như vỏ trái cam.
Bệnh nhân có thể than đau lưng, xương, đừng nghĩ là họ đau bịnh loãng xương (osteoporosis). Nếu đau xương cộng với xuống cân phải nghĩ ngay tới bịnh ung thư lan tràn đi nơi khác. Nó có thể lan tới gan, xương, phổi…
Làm sao tìm ra bịnh ung thư vú? Ðây là cách dò tìm UTV:
Muốn biết đúng là bịnh ung thư vú, cần phải làm thử nghiệm sau:
1. Quang tuyến vú (mammography).
- Chụp hình vú có thể phát hiện được ung thư 2 năm trước khi tay sờ được cục bướu nhỏ.
- Chụp hình vú cũng có thể phát hiện các bướu ở bịnh nhân phì mập, mà tay không phát hiện được
- Tuy nhiên cũng có thể sai, cần xác định lại bằng phương pháp khác.


- Cứ mỗi 2 năm, phụ nữ trên 27 tuổi có thể chụp quang tuyến vú một lần.
- Khoa quang tuyến mới phát hiện MRI có thể nhận dạng ung thư vú sớm nhứt cho ai có gia đình có bịnh sử ung thư vú.
Chính phủ có chương trình chụp hình vú miễn phí cho phụ nữ từ 50 tới 70 tuổi, mỗi hai năm. Hiện nay có trường phái cho chụp trên 70-80.
Trong tương lai sẽ có loại quang tuyến mới 3D, chụp rõ hơn, hay hơn.
2. Siêu âm vú.
Siêu âm có cái lợi trong trường họp nghi ngờ. Siêu âm phát hiện các túi hay hơn chụp hình vú. Nhớ khi siêu âm ngực, không nên tắm bằng xà bông thơm, thoa dầu thơm,có thể làm hình sẽ mờ tưởng là bị bịnh?
3. Mô bịnh học (histopathology)
Rút nước ở núm vú chảy ra đem đi thí nghiệm. Có thể lấy kim đâm (fine needle biopsy FNB) vô túi nước (cyst) hay bướu, rút nước hay tế bào ra rồi xét nghiệm.
4. Sinh thiết.
Sinh thiết là chính xác hơn hết. Có làm gì đi nữa cũng không bằng mổ lấy cục bướu đem đi thử nghiệm.
Trong tương lai sẽ sử dụng Herceptin, DNA và genetic “map” tìm bịnh, BRCA-1.
Ðiều trị bịnh ung thư vú
Ngày nay việc điều trị ung thư vú rất dễ dàng và có nhiều kết quả hơn xưa.
Ðiều trị ung thư vú bằng nhiều phương pháp:
A. Giải phẫu:
- Chỉ mổ lấy hạch ra thôi.Cắt một phần vú.
- Mổ trọn vú và một phần bắp thịt ngực.
- Mổ trọn vú và hạch trong nách mà không cắt bắp thịt ngực.
- Giải phẫu tái tạo vú.
B. Xạ trị
Dùng quang tuyến phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư.
C. Hóa trị
Thuốc: Melphalan, Fluorouracil.
- Tamoxifen: thuốc chống lại kích thích tố nữ (antioestrogen)
- Herceptin (Trastuzumab) Ðược dùng trong thời kỳ chót, nay được sử dụng sớm có nhiều kết quả hơn. Theo Giáo sư Ian Olver, thuốc có thể làm giảm phân nửa số bịnh nhân tái phát. Cũng có thể dùng sau khi dùng hóa trị. Tuy nhiên nó có thể gây tác hại cho tim, suy tim. Như vậy phải cẩn thận theo dõi để tránh suy tim nếu có.

- Có thể dùng thuốc mới PARP-inhibitors để giảm tế bào hư hại bởi bịnh ung thư.
- Theo Giáo sư Liz Lobb có thể dùng thuốc mới PRAP-inhibitor để giảm tế bào hư hại bởi bịnh UT
- Hy vọng năm tới sẽ cho ra loại thuốc mới rất hữu hiệu nghiệm mà chỉ tác hại tới tế bào ung thư thôi. Thuốc nầy được Viện ung thư Duke phát minh với tên là T-DMI, Adcetris.
D. Hỗn hợp:
- Giải phẫu với xạ tuyến.
- Giải phẫu với hóa trị Tamoxifen.
- Ðối với bịnh nhân trẻ và quan tâm tới vóc dáng người phụ nữ, giải phẫu tái tạo có thể tạo cho họ có bộ ngực cân đối như xưa.
Nếu sau 5 năm:
- Bịnh không tái phát kể như hết
- Bịnh chưa lan vào hạch: 75% sống quá 5 năm
- Bịnh lan vào hạch: 50%
- Nếu phát tán rồi, rất khó được 5 năm
E. Kim lạnh chích ung thư vú
Ðây là loại kim lạnh để trị ung thư mà không cần giải phẫu hay xạ trị cùng hoá trị, vừa tốn kém mất thời gian. Kim chỉ chích vào khối u, hơi lạnh sẽ diệt tế bào ung thư. Phương pháp nầy rất thích hợp cho UTV (Dec. 2012).
Muốn phòng ngừa bịnh ung thư vú phải:
- Nên có con sớm và nhớ cho con bú sữa mẹ.
- Tất cả phụ nữ phải tự khám ngực mình, có gì nghi ngờ phải đến BS gia đình khám xét, xác nhận và cho chụp hình ngực. Hầu hết ung thư vú đều được phát hiện bởi bịnh nhân chớ không phải BS.
- Trên 40% ung thư vú được phát hiện sớm nhờ lâm sàng và chụp hình vú (Mammogram). Nếu cần phải siêu âm vú (Ultra sound)
- Tất cả phụ nữ từ 20-50 tuổi có thể cứ 2 năm chụp một lần. Tuy nhiên phụ nữ nào có nguy cơ ung thư, sẽ được chăm sóc và chụp sớm hơn, tùy theo từng trường hợp.
- Tài liệu của Hội đồng Ung thư vú NSW (6/2008) đưa ra, cho thấy từ năm 2001-2003, vì HRT (Hormon replacement Therapy) giảm đi phân nửa, bịnh UTV giảm đi rõ rệt. Theo Giáo sư Rod Barber thì nếu cữ được HRP thì cữ, còn không thì nên xài loại thật nhẹ, trong một thời gian ngắn…..
- Thuốc Tamoxifen cũng có thể dùng để ngừa bịnh nầy cho người có nguy cơ mắc bịnh.
- Feroma: Sau khi mãn kinh buồng trứng ngưng không hoạt động, không tiết ra oestrogen. Tuy nhiên oestrogen có thể tiết ra qua men aromatase phân hoá từ androgen. Feroma chận đường không cho biến cải androgen thành oestrogen.
- Thuốc Evista (Raloxifene) để ngừa loãng xương cũng dùng được. Theo Giáo sư Boyages thì không biết thực sự nó ngừa hay chỉ làm chậm tiến trình ung thư vú.
Nếu người bịnh còn trẻ và muốn có con, phải đợi sau khi hết bịnh 2 năm.
Việc giáo dục phụ nữ cần phát động nhiều hơn nữa qua truyền thông, để người dân hiểu biết thêm tai hại và nên nhớ là UTV có thể phòng ngừa được.
Ước mong quý vị ý thức được sự nguy hại của bịnh UTV mà lo phòng ngừa:
- Thấy có gì khác lạ, nghi ngờ, cứ đến BS gia đình xin hỏi ý kiến: đừng loay hoay tìm chị hai chị ba hỏi, phí thì giờ, rất tai hại.
- Nên ăn kiêng, tránh dầu mỡ, cữ rượu chè hút sách mà nên ăn rau cải, trái cây có anti-oxidants, chất flavinoids. Uống thêm sinh tố BDEC, selenium ..
- Tránh phì mập bằng cách thường xuyên tập thể thao, thể dục, đi bộ, tai chi.
- Theo sự nghiên cứu của Eva Lee, Ðại học California, thì trong tương lai có thể ngừa UTV bằng thuốc Milespritone, Ru 486, thuốc dùng để trục thai. Bà cho chuột uống thuốc kháng progesterone, Mileprestone thì chuột già 1 tuổi có gene BRCA-1 cũng không mắc bịnh ung thư. Hy vọng ngày nào đó thuốc được sử dụng cho dân chúng để khỏi lo âu sợ mắc bịnh hiểm nghèo nầy.
Nếu Herceptin không công hiệu, phải dùng đến Tykerb, phối hợp với Xeloka, kết quả rất tốt.
Tài liệu đọc thêm
- Breast cancer in the young patient, Dr Katrina Moore, The Royal North Shore Hosp. St 2 Leonard, NSW. MO 15/9/06, p25.
- Breast cancer prevention not reaching those at highest risk. MO
- Breast cancer: reflexion on its etiology, Surgeon Mr John Fitzherbert, Complementary Medicine May/June 2006 p 43-48
- Breast cancer and menopause, Dr Amanda Vincent, MO 4 May 2012, p29
- Benign breast disease, Dr Noami Menday Lee, Breast clinician and Endocrine centre, Newcastle,1 april 16, Australian Doctor p 19-24