Ngộ Độc Chất Chì

Bác sĩ Phan Giang Sang

(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG III – Y HỌC VÀ ĐỜI SỐNG 2016)

Xin nhắc quý vị là chúng ta có thể bị ngộ độc các kim loại một cách vô tình mà không biết. Phần nhiều nó xẩy ra ở các nước đệ tam (chậm phát trỉển) hay các gia đình có nền tài chánh eo hẹp. Ðó là ngộ độc chất chì. Ngộ độc chất chì rất thông thường mà trầm lặng nhứt. Chính vì vậy mà người ta mắc phải mà không hay biết. Khi hay biết thì đã quá trể. Trẻ con bị nhiều nhứt.

Vào tháng 3 năm 2010, nhà cầm quyền tỉnh Tứ Xuyên đóng cửa nhà máy Zhongvi Alloy Co vì có 88 trẻ em trong 96 đứa bị ngộ độc chất chì.

Các nước nghèo bị ngộ độc đã đành, có nhiều nước giàu như Úc cũng bị ngộ độc nó mới lạ! Dân Úc bị ngộ độc không phải ít. Hiện ước lượng có 75.000 trẻ em mẫu giáo có nồng độ chất chì rất cao. Thật quá khủng khiếp! Ngoài ra còn một số chưa thử, nên không biết đích xác là bao nhiêu.

Thật ra rất khó mà biết được vì Úc giàu, ai nấy đều ăn uống không những đầy đủ, mà phải nói là quá dư thừa, sạch sẽ. Tại sao phải ăn chi cái thứ đó? Chúng ta có câu ngạn ngữ có nghèo thà chịu đói, cạp đất ăn chớ ăn cái thứ đó cho ngộ độc. Cặp tình nhân lưu luyến, thương yêu nhau không xa rời một bước, sống trong túp lều tranh với hai quả tim vàng, cạp đất ăn!

Úc ngộ độc vì nó quá giàu, sản xuất hạng nhứt trên thế giới là chì. Dân chúng không cạp đất mà máy cạp khoáng sản của nữ tỷ phú Gina Rinehart Han Cock, vô 2 triệu đô mỗi giờ! Khu khoáng sản chì nhiều nhứt là vùng Mt Isa, QLD. Cho nên dân chúng bị ngộ độc chất chì vì ăn uống nước và thực phẩm lắm chì, ngửi bụi bậm ô nhiễm chì mà không hay.

Theo bài báo của Neil Braeell thì NSW không có hầm mỏ chì nhưng cô giáo Elizabert O’Brien nghi ngờ khu nhà mình ở vùng nội thành phố Sydney, học sinh trong vùng nó ra làm sao đó. Các học sinh được khuyên cho xét nghiệm máu thì 14% có lượng chì trên 30qg/dl (10qgdl). Khu đất được thử thì thấy lượng chì là 6.000ppm, tức 20 lần nhiều hơn lượng an toàn.

Mỹ là đất nước giàu hơn Úc nữa lại bị ngộ độc chất chì mới chết! Ðầu tháng Hai 2016, Bộ Y Tế Úc cảnh báo các BS phải cẩn thận xét máu trẻ em và người lớn lượng chì để tránh bị ngộ độc.

Bên Mỹ, báo Time  ngày February 3.2016, có trình bài ‘Vòi nước độc’ The toxic tap. Thật ra là nước dẫn đi từ hồ Huron ở Detroit về không sao. Nhưng do thiếu tài chánh họ mới chuyển về sông Flint đã bỏ từ năm 2014. Chính vì vậy nước khi màu xanh da trời, khi xanh lá cây, lúc nâu, lúc vàng. Rồi lại có mùi hôi mới lạ. Dân chúng bị rụng tóc, lở ghẻ, viêm phổi, khạc ra đàm vàng.. . Trẻ em bị thiếu máu, làm kinh.. . Ngày 19 tháng Giêng, TT Obama phải can thiệp, và giải cứu cho 5 triệu để dùng lại nguồn nước từ hô ở Detroit.

Một khi bị ngộ độc chì, nó sẽ gây ảnh hưởng trầm trọng tới não bộ, tâm linh, tri thức, thận, máu huyết và thể xác. Chúng ta thử tìm nguyên do mà tránh cho con trẻ, để chúng có đời sống khỏe mạnh bình thường.

Tại sao bị ngộ độc chất chì?

 Chì là kim loại rất nặng, không thấy ngoài thị trường. Nhưng nó được sử dụng rất nhiều trong đời sống hằng ngày, cho nên dầu muốn, dầu không chúng ta cũng sờ mó tới nó mà không hay biết.

Ðồ gia dụng

Chì rất nhiều trong kỹ nghệ, đồ biến chế, đồ gia dụng. Muốn bị ngộ độc phải nuốt chì vào bụng. Mà làm sao có chì để nuốt nó?

Chì thường thấy như: cầu chì, dây điện, cục chì dây câu cá, chì lót cửa sổ, nóc nhà, ống nước, bình thủy, bình điện, đồ gốm sơn màu, màu sơn. Vách ván sơn màu trước 1966, khi cạo, chà, mài làm rớt bụi xuống thảm, dọn dẹp, lau chùi không sạch, người lớn nhứt là trẻ con ngồi chơi, bò tứ tung, tay chân lấm bụi rồi bốc đồ ăn nên trúng độc.

Khói củi đun bằng ván có sơn, khói nhà cháy bay có chứa chất chì, vô tình ngửi phải vào phổi. Trẻ con người bản xứ nghiện ngửi xăng để rồi ngộ độc nó mà không hay. Tại sao?

Ðể tăng octane cho mạnh, chì được pha vào xăng dầu. Chúng ta vô tình ngửi chì qua khói xe hơi, nhứt là xe gắn máy, máy nổ hằng ngày mà không hay. Nhiều nhứt là nhà ở các góc ngả tư, có đèn xanh đèn đỏ chớp sướng mắt, xe đậu rồi rồ máy chạy, phà khói đen sì cuồn cuộn  bay, khét nghẹt làm khó thở. Rồ máy xe trong nhà garage kín cũng có thể chết vì ngộ độc. Bên Nhựt tuổi trẻ ưa tự tử tập thể bằng cách nầy không ít.

Nhiều người, nhứt là mấy ông thợ ‘handy man’ không có học trường lớp, bài bản ưa liệng đồ phế thải bừa bãi ngoài vườn rau,cây trái như tưới nước, đồ vật có chứa chì như nước rửa cọ dầu sơn ngấm vào đất, mấy cục pin ngoài vườn, làm rau cải, trái cây chứa chì mà không biết. Tuyệt đối không được đổ, tưới như vậy là tội phạm đó quý vị.

Chì trong bụi đất vùng Mt Isa ở QLD, vùng Port Pirie ở SA rất cao. Trung tâm kỹ nghệ vùng hầm mỏ, các lò luyện kim loại, nhứt là lò luyện chì, trẻ con chạy chơi, dính lấm bụi chì hoặc ngửi bụi chì, bị ngộ độc mà không hay.

Công nhân thợ hàn oxy, thợ thiếc, thợ sơn, quần áo tay chân lấm  bụi chì, không thay, không tắm rửa mang nó về nhà dễ bị ngộ độc. Họ bị ngộ độc không nói làm chi, nhưng vô tình về nhà ôm vợ con hun, lây cho họ mà không biết mới đau. Thật là nguy hiểm.

Riêng các ông thợ mộc, thơ xây cất có tật ngậm đinh trước khi đóng, vừa tiện lợi, lại làm cho đinh đóng không vẹo, có thể ngộ độc chất chì làm răng cửa đen sì.

Nhà cửa cũ xưa, ống nước thường làm bằng chì phải thay đổi ngay, để tránh nguy hiểm. Nhà cây, vách ván như ở QLD, sơn cũ có nồng độ chì cao phải cạo và sơn lại. Ðồ chơi trẻ con nhập từ Trung Quốc có chứa rất nhiều chì, vì được phết sơn màu rẻ tiền. Tuyệt đối không mua đồ chơi của TQ! Không để con trẻ bị ngộ độc.

Các bà các cô chưng diện bảnh bao cũng phải coi chừng, vì dùng nhầm mỹ phẩm nhái, rẻ không tốt, có chứa chất chì. Theo Bộ Y Tế Úc báo hiệu, ngay cả thuốc dân tộc hay Ðông y cũng có chứa rất nhiều chì, vì cây thuốc được gặt hái ngoài thiên nhiên không có kiểm chứng.

Tại sao con nít bị nhiều hơn người lớn? Thường thường trẻ con hay thiếu chất sắt; mà hể thiếu chất sắt thì chúng hay ăn bậy (pica, xin xem bài Bé Tony, TT PGS I, tr:154), bạ gì cũng bỏ vào miệng ăn. Không có giấy, thì cạy vách ván, liếm, ăn sơn mới lạ kỳ. Trẻ con thiếu chất Zinc và Calcium cũng sẽ bị nặng hơn trẻ bình thường.

Ngoài ra trẻ con hấp thụ độc tố chì nhiều hơn người lớn.

 Ngộ độc chất chì có triệu chứng gì?

Khi người lớn bị ngộ độc chất chì khó biết hơn trẻ con, vì lúc nào chúng cũng ăn nhiều bởi chưa có ý thức vệ sinh, việc hấp thụ cũng nhanh hơn, nặng hơn. Phần nhiều người ngộ độc tùy theo lượng chì cao thấp, mà cũng có khi cao vẫn không có triệu chứng. Người mắc bịnh thường than có:

  1. Triệu chứng thông thường là đường ruột:
    • Bịnh nhân than đau bụng, nôn ói, ói mửa.
    • Có khi lại tiêu chảy hoặc bón.
    • Không thèm ăn.
    • Miệng có vị kim khí.
  2. Thận
    • Thận suy, chất urea trong máu gia tăng.
    • Bị bịnh thống phong (gout)
  3. Triệu chứng thần kinh:  trẻ con >70ygdl, người lớn >100ygdl. Cơ năng yếu kém
    • Đau khớp và cơ bắp.
    • Tay run rẫy, chữ viết không đẹp.
    • Mất cảm giác.
    • Động kinh, phù não, bệnh não.
    • Giảm IQ, khiếm tật về trí năng, phát âm không rõ, cà giựt khó nghe, cử chỉ kỳ lạ và học hành kém cỏi, không phát triển.
  4. Máu huyết
    • Thiếu chất sắt
    • Sự tạo huyết bị rối loạn, hoại huyết, thiếu máu, hồng cầu có lỏm.
  5. Nội tuyến
    • Chậm lớn do giảm kích thích tố tăng trưởng
    • Thiếu sinh tố D chính vì vậy mà thiếu Calcium
  6. Nó làm cho con người già đi và sớm mắt bị cườm đá, lảng tai, mất thăng bằng. sinh lý yếu kém, xương loãng. Thử nghiệm  không được trên>5yg/dl.. 
  7. Máu: FBC, đo lượng chì trung bình , 
  8. Nước tiểu: lượng chì.
  9. XR: xương có dấu chì tích tựu.

Ðiều trị và phòng ngừa

Phòng ngừa

                   A child will eat peck of dirt before he dies.

                   (Trẻ con ăn  nhiều đồ dơ bẩn trước khi chết)

                   Grandma Stapleton

Như vậy muốn tránh bịnh tật, ngộ độc thì phải tránh không để bị lấm bụi chì bằng cách:

Vì chất chì luân lưu trong người tới 25 ngày mới hết, nên nó tích tựu càng nhiều nếu không tránh xa nguồn bụi chì. Muốn vậy phải:

  • Rửa tay chân, nếu có thể tắm gội sau khi làm việc xong.
  • Mặc đồ công nhân khi làm việc, nhớ cổi thay đồ trước khi về nhà.
  • Không nên cho chó mèo lên giường ngủ.
  • Đừng dùng sơn xấu, nhứt là yêu cầu mấy ông thợ sơn, thợ sửa nhà cửa đừng tạt, đổ nước rửa cọ sơn vô vườn rau…
  • Muốn biết đất vườn rau có chì hay không phải gọi cho thử đất trước khi trồng rau cải.
  • Trái cây cũng nên ngâm, rửa, gọt vỏ trước khi dùng.
  • Thay, bỏ thảm lấm sơn…
  • Trẻ con bị thiếu chất sắt phải được cho uống thuốc bổ có chất sắt để tránh sự hấp thụ chất chì độc hại.

Muốn trị bịnh:

Phương pháp chánh là giải độc kim loại bằng desferrioxamine vàD-penicillamine, EDTA, BAL khi nào độ chì trên 45mcg/dl. Nó sẽ thâu nhận một ion của kim loại rồi sa thải ra ngoài.

Có trường phái mới ở Hoa Kỳ là cho ngay thuốc giải độc chớ không chờ tới nặng.

Ở Úc thì cho rằng tránh xa nguồn cung cấp độc chất chì là quan trọng. Điều nầy được chứng minh một cách hùng hồn từ ngày giảm độ chì trong xăng (2002), bịnh ngộ độc chất chì giảm rõ rệt.

Việc điều trị cũng phải song song với việc cho uống thuốc có chất sắt.

Nếu chì tích tựu trong ruột phải giải phẩu. Thí vụ trẻ con nuốt con xí ngầu quá 2 tuần mà không tiêu ra.

 Vì sức khỏe và nhứt là trí thông minh con trẻ, xin quý vị phải ngăn ngừa, đừng để con trẻ bị ngộ độc chất chì. Các sản phụ cũng phải tránh đừng để bị ngộ độc nó rất tai hại cho con trẻ. Tốt nhứt là tránh ăn rau cải cây trái tươi tốt của TQ, nhứt là trái cây khô ngon ngọt của TQ hiện nay tràn đầy ở các tiệm tạp hóa.

Ở Việt Nam hay dùng nồi, gà mên lủng, đem đi cho mấy ông thợ thiếc hàn chì lại, càng bị nguy hại vì ngộ độc chất chì. Thau nồi, ca uống nước làm bằng kim loại có pha chì, được sơn phết màu mè đẹp đẽ, nhưng khi bị mớp, tróc màu lòi chì ra dễ gây ngộ độc.

 Ngày nay trên thế giới, người ta không dùng lon thiếc đựng thực phẩm nữa, vì nó được hàn bằng lớp chì, Ðồ ăn đựng trong hủ, keo chai hay plastic, bằng kim loại vô hại được cuốn ép sát chớ không có chì.

Các keo có nắp thiếc sét phải bỏ, đừng rửa để đựng đồ ăn.

 Ðồ chơi sơn màu của Trung Quốc sản xuất có chất chì gây ngộ độc cho trẻ con, đừng mua cho con trẻ chơi.

Hâm đồ ăn bằng microwave phải cẩn thận không nên xài chén bát của TQ hay đồ có nhiều màu mè bông hoa, hình ảnh mà chỉ dùng loại trơn, màu trắng. Phần nhiều màu sơn rẻ tiền có pha chì, nên khi nấu sẽ bốc ra gây độc hại cho sức khỏe. 

Rồi đây, vụ bâuxít vùng Cao nguyên cũng sẽ gây tai biến cho dân trong vùng.

Cách điều trị giống như trên.

Theo tài liu:         

  1. Prof. Michael Mira, Clinical Prof, University of Sydney, Lead toxicity, MO 10 Aug 2001, p 38.
  2. Dr Ginni Mansberg report, Dreaded lead, Mo 11Feb.2005, p19
  3. Richard M. Stapleton Lead poisoning, Plumbism, Lead intoxication
  4. Richard M. Stapleton, Lead is a silent Hazard
  5. Neil Bramwell. Don’t ignore ‘Lead Pandemic’. MO, p14-15, 16 july 201
  6. Y tế Úc vừa khẩn thông báo phòng ngừa ngộ độc chất chì ngày Feb 2016 cho tất cả Bs. Time Feb 3. 2016 The toxic tap.