Đồng Tháp Mười Qua Mấy Vần Ca Dao
Bác sĩ Phan Giang Sang
(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG III – Y HỌC VÀ ĐỜI SỐNG 2016)

Đồng Tháp Mười hay Cao Lãnh là vùng đất trũng của đồng bằng Sông Cửu Long. Về phương diện địa lý Ðồng Tháp Mười có diện tích 679,000 hecta, trải rộng trên bốn tỉnh Long An, Tiền Giang, Kiến Phong (Cao Lãnh) và Sa Ðéc, trong đó tỉnh Long An chiếm gần phân nửa. Sau 1975 Kiến Phong và Sa Ðéc được gộp lại thành tỉnh Đồng Tháp. Ðồng Tháp cùng các tỉnh Miền Tây được chúa Nguyễn khai phá vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII.
Là vùng đất trũng nên hàng năm Ðồng Tháp Mười bị ngập khoảng 4,5 tháng, khi mặt nước sông Cửu Long từ thượng nguồn đổ về. Cũng như Biển Hồ Tonlé Sap, Ðồng Tháp Mười là một hồ chứa nước thiên nhiên cho nên khi đến mùa nước nổi, nước dâng cao từ từ rồi rút ra biển, không tạo ra cảnh ngập lụt thình lình và gây thiệt hại cho dân.
Dưới thời Pháp thuộc, Ðồng Tháp Mười được bao phủ bởi các cây lác dài nên người Pháp gọi là Ðồng Tháp Mười là Ðầm Cỏ Lác ‘Plaine Des Joncs’. Ngoài ra vì ngập nước quanh năm, Ðồng Tháp Mười còn có cái tên khác là ‘La plaine inondée’-Ðầm lầy nước đọng.
Vì điều kiện thiên nhiên nên vấn đề lưu thông khó khăn do đó Ðồng Tháp Mười được coi như vùng hẻo lánh xa xôi, hoang dã, đầy thú dữ, rắn, rùa, muỗi mòng, cách trở với các vùng lân cận, nghèo nàn, đời sống khó khăn. Để đi lại cư dân Ðồng Tháp Mười phải dùng xuồng chèo lướt trên ngọn lúa mà đi. Cũng vì thế mà Ðồng Tháp Mười là nơi có rất ít dân cư sinh sống, bù lại đây là nơi trú ẩn lý tưởng của nghĩa quân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong buổi ban đầu, các vùng đầm lầy, nước ngập ở Ðồng Tháp Mười được gọi chung là ‘bưng biền’ ám chỉ nơi ‘khỉ ho cò gáy’ ít người biết đến. Sau này hai chữ ‘bưng biền’ gắn liền với hai chữ ‘kháng chiến’, đi bưng là đi gia nhập nghĩa quân chống Tây cứu nước. Nhiều gia đình có người nhà tham gia kháng chiến chống Pháp, khi người quen hay chính quyền địa phương hỏi, người nhà sợ không dám nói đi bưng, chỉ nói đi làm ăn đâu xa miệt Cao Lãnh Ðồng Tháp gì đó?
Rất có nhiều giả thuyết về cái tên Ðồng Tháp Mười, nhưng chưa có giả thuyết nào có thể chứng minh chính xác nguồn gốc về cái tên Ðồng Tháp Mười. Có giả thuyết:
- Nơi đây có cái tháp 10 từng của nền văn hóa ốc Eo? Ðiều nầy không vững, vì không tìm thấy cái tháp đó ở đâu cả.
- Người ta nghĩ tới tháp thứ 10 vì năm 1932, Ông Parmentier tìm thấy tảng đá có chữ Phạn ghi tên tháp thứ 10?
- Theo nhà văn Sơn Nam trong Đồng Tháp Mười xa xưa thì tên ĐTM tự nó là một ẩn số mà từ xưa tới nay chưa ai giải đáp một cách thỏa đáng.
- Tháp của Khờ mer dựng lên làm trạm xá?
Có giả thuyết cho rằng ngày xưa, cánh đồng của vùng ÐồngTháp trước kia thuộc một vương quốc giàu có truyền đến 10 đời, mỗi quốc vương xây cho mình một cái tháp làm nơi an nghỉ cuối cùng, và ngôi tháp thứ mười là do quốc vương đời thứ 10 xây và cũng là ngôi tháp cuối cùng. Từ đó vùng đất đầm lầy này có tên gọi là Ðồng Tháp Mười.
Một giả thuyết khác là tháp canh thứ 10 (tính từ Ba Sao vào Gò Tháp) của nghĩa quân của Thiên Hộ Dương dựng nhằm canh những cuộc tiến quân của Pháp từ Cần Lố đánh vào!
Trong những ngày quân hành lặn lội qua quận Thanh Bình, Hồng Ngự, Mộc Hóa mà thật tình tôi cũng không thấy cái tháp nào cả. Có chăng chỉ cái tháp của Thiếu Tá Đặng Như Tuyết, Trung Đoàn phó Trung Đoàn 16, Sư Đoàn 9 Bộ Binh. Trước đó ông làm Quận trưởng Cao Lãnh, vì là nghĩa tử của cố TT Ngô Đình Diệm.
Trước đây người ta chỉ biết vậy thôi, vì Cao Lãnh được nói nhiều và được ghi lại qua mấy vần ca dao. ÐTM có vẻ cho thấy đầm lầy nước đọng, hoang dã, đầy thú dữ, rắn, rùa, muỗi mòng, nghèo nàn, khó sinh sống, buồn rũ rượi.
‘Ðồng Tháp Mười mênh mông trời nước một màu,
Nhóc nhen kêu rộ bắt sầu ruột gan.‘
(Ca dao)
Ðồng Tháp Mười qua các vần ca dao
Tháp Mười nổi tiếng là xứ bông súng, bông sen đầy đồng và nhứt là đoàn nhạn trắng. Con gái Đồng Tháp Mười rất tự hào, và tự hào mình là hoa sen Đồng Tháp.
‘Muốn ăn bông súng cá kho,
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm.‘
ÐTM là vùng đầm lầy, ngập lụt quanh năm, rắn, rùa, dã thú cũng nhiều, muỗi mòng cũng không ít, nên đời sống rất khó khăn, nghèo nàn, ít ai chịu ở đây. Ðể biết sự khổ cực của người dân, bởi thời tiết, đất đai cùng thú dữ, mà họ phải khắc phục thiên nhiên, phấn đấu với dã thú khi lập nghiệp nơi đây. Xin đọc bài ca dân gian nầy:
‘Bảy trăm ngàn mẫu đất
Xẻo chia bốn tỉnh miền đông
Khắng khít biên thùy Chùa Tháp
Nằm bên cánh trái Cửu Long
Ðồng Tháp Mười, Ðồng Tháp Mười,
Mênh mông, bát ngát đồng sậy lên hoang
Mùa nắng đất khô cỏ cháy
Mùa mưa nước ngập tràn lan
Cò trắng ngàn năm bay chẳng dứt,
Chân trời bốn phía rộng thênh thang’
Ao đầm nước đọng khắp nơi: Rắn độc như rắn hổ mây rất nhiều, chim, cá, sấu, rùa cũng không ít.

Đất thì cằn cỗi, đầy phèn khó mà làm vườn, làm ruộng rẫy. Cho nên có câu như vầy.
‘Tháp mười sinh nghiệp phèn chua
Hổ mây, cá sấu thi đua vẫy vùng.‘
‘Cỏ mọc thành tinh
Rắn đồng biết gáy’
Vì rắn to lớn nên người đời thêu dệt bao chuyện thần thoại về người anh hùng chém cặp mãng xà ngày xưa.
Đã vậy, sinh mạng con người cũng bị đe dọa bởi bịnh tật, nhứt là bịnh sốt rét, bởi nước ao tù là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi nẩy nở. Ở đây tối đến là phải chung vô mùng mà cũng còn bị muỗi đốt, vì để tay sát mé mùng. (Muốn biết rõ xin đọc quyển Bảy ngày đêm trong Đồng Tháp Mười của nhà văn Nguyễn Hiến Lê). ĐTM là vùng đầm lầy nước đọng, đầy rẫy đỉa. Không phải là đỉa nhỏ, đây là loại đỉa to lớn đeo mấy con trâu nên gọi là đỉa trâu.
‘Muỗi kêu như sáo thổi
Ðỉa lội tợ bánh canh’
Ðặc sản Ðồng Tháp
Giờ thử xem coi Đồng Tháp Mười có cây trái, chim muông nổi tiếng như quít, xoài, thuốc lá, cá, gà đá độ… nhứt là chim nhạn:
‘Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân’
Có ông tướng cổ cò, râu kẽm, mắt lộ như gà đá độ, lúc làm thủ tướng hay cho đệ tử xuống tận vùng nầy tìm mua gà nòi thiệt chiến, có đôi chân cứng, cựa sắc bén, nhứt là vẩy hường tâm, ủa lộn rồi vì vẩy nầy không oai vệ, chỉ có đá nồi nước sôi thôi. Bởi vì hường tâm mà nói lái lại là hầm tương. Ha ha ha!
Tuy là đầm lầy, nhưng Cao Lãnh lại có những vùng đất cao gọi là giồng, vườn cây trái sum sê như:
‘Ai về Cao Lãnh quê ta,
Xoài thơm, quít ngọt đậm đà tình quê.‘
‘Muốn ăn xoài cát thơm ngon,
Thì về Tân Thuận, Hoài An quê mình.‘
Xưa kia, Nha Mân là quận của tỉnh Sa Ðéc, nhưng dưới thời Ðệ Nhứt Cộng Hòa, nó lại thuộc tỉnh Vĩnh Long. Nơi đây, có một thứ trái nõn nà, ngăm ngăm, bóng láng xinh xắn phát thèm là mận da người Nha Mân.
‘Bắp nào to bằng bắp Hồng Ngự
Cá nào bự bằng cá Cờ Ðen.‘
‘Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn cồng,
Về sông ăn cá về đồng ăn cua.‘
Có đến Cao Lãnh mới tin là tôm cá đầy đồng, nhứt là cá rô, nó lội lễnh nghễnh thấy mà mê. Con nào con nấy mập ú ù u, chiên dầm nước mắm tỏi ớt ăn ngon đáo để, có bông điên điển luộc còn tuyệt nữa. Tại sao nó mập là vì lúa chín vàng, ngập lụt không ai gặt, nó phóng lên táp, ăn no nê.
Hột lúa rơi rớt tự nó mọc lên và trồi cao theo mực nước phù sa. Cho nên người ta mới gọi là ruộng ma. Lúa trời. Không một mảnh đất làm ruộng thì tha hồ mà gặt lấy mà ăn, đâu cần làm ruộng chi cho mệt thân. Chỉ cần trồng hoa mầu, thuốc lá tự túc. Sống đời sống an nhàn thảnh thơi.
Ðây là đặc tánh miền Nam, được thiên nhiên ưu đãi. Cho nên đời sống người dân cũng dễ dãi, khách đến nhà là mời ăn cơm thật tình, không thắc mắc, chỉ thêm có cái chén đôi đủa thôi.
‘Ai ơi về miệt Tháp Mười,
Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn.‘
‘Tháp Mừời cò bay thẳng cánh,
Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm.‘
Các đặc sản nổi tiếng là bánh phòng tôm Sa Giang; cây kiểng Tân Quí Ðông thường thấy ở chợ hoa đường Nguyễn Huệ vào ngày Tết. Cá nhiều cho nên có câu:
Chim trời cá nước, ai bắt được thời ăn.
Thường thường người ta nói nem Thủ Ðức, Vũng Liêm chớ đâu có ai nói nem Lai Vung, ấy vậy nó lại ngon kỳ cục. Nên trước khi qua bắc Vàm Cống cũng phải mua xâu nem về Long Xuyên.
‘Lai Vung là xứ lạ lùng
Nem chua mà ngọt, thơm nồng mà say.‘
Mỹ nhân Cao Lãnh
Gái ÐTM nước động phè chua, vậy mà da dẻ mặn mà rất hấp dẫn, đẹp nhứt miền Nam. Không tin, hãy lắng nghe mấy vần ca dao nhẹ nhàng sau:
‘Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh,
Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân.‘
‘Anh đi anh nhớ Tháp Mười,
Nhớ xoài Cao Lãnh, nhớ người Nha Mân.’
Như vậy đủ cho ta thấy xoài Cao Lãnh thơm ngon tới mực nào. Nhưng gái Nha Mân của Sa Đéc nó mới đẹp làm sao. Sở dĩ Nha Mân có nhiều gái đẹp là vì xưa kia lúc bị Tây Sơn, Nguyễn Huệ rượt đuổi chạy vào Nam, chúa Nguyễn Ánh từng lẩn trốn nơi nầy, nên mang theo cung phi mỹ nữ. Sau họ ở lại đây lập nghiệp, nên mới có nhiều người đẹp là vậy chăng (?)
‘ -Đèn nào cao bằng đèn Sa Đéc’
Gái nào đẹp bằng gái Nha Mân.’
‘-Anh thả ghe câu lên xuống mấy lần,
Thương em đứt ruột, nhưng tới gần lại run.’
Giờ đây Lai Vung cũng thuộc Đòng Tháp Mười:
‘Nem Lai Vung vừi chua vừa ngọt,
Quít Lai Vung vỏ đỏ, ruột hồng.’
Kháng chiến chống Tây
Không phải ÐTM nổi tiếng chỉ có bấy nhiêu thôi. Nó vang danh chính vì nó là cái nôi kháng chiến chống thực dân Pháp, hà hiếp bóc lột dân ta bằng đủ thứ thuế.
Mặc dầu không được trang bị súng đạn, mà chỉ có gộc gậy và một ý chí quật khởi, tấm lòng yêu nước, yêu tự do, dân chủ họ đã đem lại những chiến công hiển hách. Tây phải nể!
‘Chiều chiều gió giục mây vần
Nhớ Ông Ðốc Tổng Binh Kiều đánh Tây.‘
Ngày xưa, nghĩa quân đánh Tây với cả tấm lòng yêu nước cao độ, họ thà chết chớ không chịu nhục. Họ hy sinh thân xác để bảo vệ tổ quốc lâm nguy, mà không luyến tiếc, để con cháu sống tự do, an cư lạc nghiệp.
Thật ra đây là cuộc chiến không tương xứng, bởi Tây và lính lê dương (lính đánh thuê) dùng súng còn nghĩa quân cầm tầm vông, gươm dáo, cả mã tấu. Thế mà họ cũng giết được giặc Tây.
Ngay cả Thiên Hộ Dương với đôi bàn tay không cũng đánh Tây bỏ chạy, không còn manh giáp. Nghe như huyền thoại. Chắc quý vị không tin, xin thưa:
‘Tháp Mười đồng ruộng bao la,
Tây vô Ðồng Tháp làm ma không đầu!‘
Chắc quý vị thắc mắc, làm thế nào mà ông giết được giặc Tây trang bị đầy đủ súng ống đây? Thật ra không có gì khó. Ông biết hễ Tây đi ruồng bố, thường tìm kiếm, moi móc mọi nơi, nhứt là các lu nước đậy nắp. Ông bỏ tổ ong vò vẽ vô lu. Khi Tây mở nắp, ong bay ra, đánh lung tung làm Tây ôm đầu chạy trối chết cũng không khỏi. Nên bị giết sạch. Cho nên chúng rất sợ hãi ÐTM là vậy.
‘Ai về Ðồng Tháp mà coi
Mồ Ông Thiên Hộ trăng soi lạnh lùng‘
Và đây mới rõ hào khí đấu tranh vì lòng dân phẫn nộ với bọn a dua, theoTây cướp của, bắt dân nộp thuế:
‘Có chồng đi lính nghĩa binh,
Dầu nghèo, dầu cực vẫn thương mình ai ơi !
Lãy chồng cái lũ báo đời
Chuyên nghề bán nước phá đời hại dân.‘
‘Năm nay trời bão mất mùa,
Khi trời hạn hán, khi mưa dầm dầm.
Khi thời bão gió ầm ầm,
Ruộng nương thóc lúa, mười phần được ba.
Lấy gì nạp thuế nữa mà,
Lấy gì đóng góp cho nha, cho làng‘
Chạy trời không khỏi, cũng phải trở về quê:
‘Cần Thơ là cảnh,
Cao Lãnh là quê
Anh đi khỏi xứ Tào Khê
Thoát vòng lao lý đâu dè gặp em.‘
Gái miền Nam hiền hòa, chất phác, quanh năm chỉ biết cặm cụi lo cho chồng con thôi. Thế mà lúc đến Cao Lãnh tháng 8/1966, có ông thầy thuốc Bắc nói cho tôi biết câu sau đây:
‘Ai về Ðồng Tháp mà coi,
Con gái Ðồng Tháp cầm roi dạy chồng!‘
Trời ơi! Nghe qua phát ớn xương sống, phát kinh hồn vía, co giò ba chân bốn cẳng chạy cho mau. Ðàn bà con gái gì mà dữ còn hơn chằng tinh, ai mà dám cưới?
Thật ra hai câu nầy không có nghĩa ‘vũ phụ’. Nó nói lên tâm nguyện của người phụ nữ miền Nam hy sinh cho chồng con và gia đình, quốc gia đại sự. Họ không ngần ngại khuyên lơn chồng gia nhập nghĩa quân đánh Tây cứu nước, chống cường hào ác bá a dua theo ngoại xâm, bóc lột dân, cướp của, chiếm đất, hãm hại dân, hại nước, chống sưu cao thuế nặng. Ðộc hại nhứt là thuế thân. Người dân phải đóng thuế như trâu bò!
Năm 1945, miền Nam được gọi là Nam Bộ Kháng chiến, nhưng đến ngày 16/9/46, HCM giải tán Ðảng CS, và đặt ÐTM thành khu 8, kháng chiến chống Pháp. Người quốc gia, trí thức yêu nước không rõ trắng đen, cuốn nóp vào bưng theo Việt Minh.
Sau Hiệp Ðịnh Genève ngày 20/7/54, ÐTM là khu tập kết của Việt Minh.
Dầu sao đi nữa, ÐTM cũng là cái nôi kháng chiến chống cường hào ác bá, hối mại quyền thế, tình tiền, chiếm nhà, đất, cướp của dân lành, bán cho ngoại bang, hại nước. Họ là bè lũ phản quốc theo ngoại bang.
Xin hồn thiêng của các bà mẹ hãy về phù hộ, nung chí khí kiên cường, lòng yêu nước muôn thuở của các bà, truyền dạy cho con cháu cái tinh thần cao cả của các bà: chống bọn cướp của, cướp nhà đất và chống ngoại xâm cho dân nhờ.
‘Phấn son tô điểm sơn hà
Làm cho nở mặt đàn bà nước Nam’
Ca dao
Hãy vùng lên coi đi nào người phụ nữ Việt Nam!
Trong khi vắng bóng, ông bà còn để lại cho đời câu ca dao này hãy nhớ nằm lòng:
‘Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan!’

Sách đọc thêm
- Trần Văn Miêng: Cao Lãnh & Ðồng Tháp, Quê hương tôi. NCVH Ðồng Nai & Cửu Long, số 4 năm 2010, tr121.
- Lưu Khôn: Cao Lãnh vào những năm 45-46. NCVH Ðồng Nai Cửu Long, số 5 nằm 2011, tr 192-
- Phan Giang Sang: Phiếm về ca dao tục ngữ Miền Nam: Tuyển Tập PGS I, tr 342
- Phan Giang Sang: Phiếm về ca dao phụ nữ ba miền. Tuyển Tập PGS II, tr 272