Tản Mạn 60 Năm Làm Y Sĩ Úc-Việt
Bác sĩ Phan Giang Sang
(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG III – Y HỌC VÀ ĐỜI SỐNG 2016)

Thắm thoát đã sáu muơi năm trôi qua như giấc mơ, từ ngày nào tôi mới vào Y khoa cho tới tốt nghiệp Y Khoa tại Ðại Học Nha Y Dược Sàigòn vào tháng 12/1965 và đã trình Luận án Tiến sĩ Y khoa ngày 22/2/1966. Sau đó, tôi nhậm chức Bác sĩ điều trị và phục vụ tại nhiệm sở đầu tiên, là Bịnh Viện Dân y Biên Hòa.
Trong thời gian đó, trên bầu trời Miền Nam mấy hôm liền, sáng sớm nào cũng có sao chổi mọc. Chỉ cần ngồi trong xe chạy từ Sàigòn đến Biên Hòa cũng thấy. Dân chúng hiếu kỳ ùa nhau ra xa lộ Biên Hòa mới xây, xem vệt sao chổi, rồi bàn tán điềm không lành, nào là vận mạng đất nước sẽ có chiến tranh điêu tàn tới nơi, và vân vân.
Miền Nam đang sống trong thanh bình, tự do dân chủ sau Hiệp Ðịnh Genève ngày 20/7/54, bỗng Bắc Việt dựng lên Mặt trận Giải phóng Miền Nam năm 1960, để xâm chiếm Miền Nam, gây cảnh nội chiến tương tàn, nhà tan cửa nát, người dân vô tội bị thương vong, chết chóc oan uổng, con lìa cha mẹ, vợ lìa chồng thật thảm thương vô cùng.
Ðể ngăn cản, Quân đội Mỹ được mời tới giúp đỡ. Họ không ngại gian nan khổ cực, rời mái ấm gia đình ở một xứ sở được gọi là thiên đường của Thế giới Tự do, để đến Việt Nam chịu gian nguy, đóng quân tạm thời, trong các rừng cao su nóng bức rất thảm thương. Ðể ủy lạo họ, Phó Tổng thống Mỹ Hubert Humphrey, thời TT Johnson, tới thăm binh sĩ vào tháng Ba 1966, nhân tiện không kèn không trống ghé thăm Bịnh viện Biên Hòa, Bác sĩ Thọ, Trưởng Ty đi công tác, tôi và Dược sĩ Tô Kim Châu, không biết tiếng Anh, lại hân hạnh tiếp rước phái đoàn, cũng may được Phó Tổng thống hứa giúp đỡ tân trang bịnh viện này.
Vì chiến sự ngày càng sôi động lên, Y sĩ Trung úy hiện dịch Lê Hữu Sanh, bạn học cùng lớp, hy sinh tại Khe Sanh làm chúng tôi rúng động, lo sợ cho số phận tương lai đầy hiểm trở. Thế rồi chúng tôi được lịnh trưng tập, nhập ngũ với cấp bực Y sĩ Trung úy. Chúng tôi vào Quân trường Võ khoa Thủ Ðức tháng 5/1966. Chúng tôi học tập khóa huấn luyện quân sự cơ bản ngắn hạn ba tháng. Tại đây, chúng tôi cũng thưởng thức chút mùi đồi ‘Tăng Nhơn Phú’, như các khoá sinh khác, trước khi phải xả thân vào trận chiến ngày càng ác liệt hơn.
Từ đây, đời tôi luôn luôn gắn liền với những bước thăng trầm của đất nước, trôi nổi như lục bình, trôi đây đó theo sóng nước Cửu Long Giang, khắp nơi vùng đồng bằng ngập lúa xanh tươi, phì nhiêu Miền Nam. Tôi nhận đơn vị đầu tiên là Trung Ðoàn 16/Sư Đoàn 9 Bộ Binh, đóng tại tỉnh nhà, Long Hồ, Vĩnh Long rồi chuyển qua Cao Lãnh, Sa Đéc vào tháng 9/1966.
Tham dự vài trận đánh bộ, đổ bộ từ tàu đổ bộ, từ trực thăng nhảy xuống, lội qua sông, rạch theo binh lính để cứu thương ngoài mặt trận, chứng kiến những trận chiến oai hùng giữa cái chết và cái sống của chiến binh anh dũng VNCH. Trong chiến trận, người chiến sĩ chỉ có một con đường là phải dũng cảm chiến đấu, để thắng, để bảo vệ mạng sống, vì dầu mình không nổ súng, nhưng viên đạn vô tình cũng giết mình. Cho nên họ phải chiến đấu kiên cường, với lòng nhiệt huyết, để bảo vệ quê hương và tồn tại.
Họ oai hùng, dũng cảm chiến đấu không than gian khổ, vì dùng súng Garant M1 từ thời Thế chiến thứ hai, vừa nặng lại bắn từng phát, đánh với đối phương dùng súng liên thanh, ngắn gọn và nhẹ. Hơn nữa, mình ở ngoài trời sáng, họ trong bóng tối, lùm bụi. Cái thiệt thòi là mình như mục tiêu cho họ ngắm bắn! Mãi về sau, QLVNCH mới được trang bị súng M16 như Quân đội Mỹ.
Tôi phải theo sát binh sĩ, để băng bó vết thương và vết thương lòng, để họ vững lòng an tâm mà chiến đấu, bảo vệ quê hương. Có nhiều trận, chúng tôi phải chịu đói khát, ngủ bờ, ngủ bụi, ngoài mưa, gió, sương lạnh, vì trận chiến kéo dài suốt mấy ngày đêm. Có gì ăn nấy, có lần được mấy em quân y cho ăn chuối non nướng trui khét nghẹt, vừa chát lại vừa cứng còng, không có nước cốt dừa mà ngon ngọt, đậm đà tình nghĩa huynh đệ chi binh, mà đây cũng là hương vị quê hương vườn cây trái, cam, quít, ổi, mận da người Cái Tàu Hạ, nhứt là gái đẹp Nha Mân, Vĩnh Long (vào thời đó) của tôi không bao giờ quên được.
Ðể đuổi địch chúng tôi phải lội qua những cánh đồng lúa ngập nước, thỉnh thoảng có những hoa bông súng xinh xắn, trồi lên mặt nước, khoe cánh hồng thơ dại, ngây thơ như không hề biết có ác chiến dữ dội đang xảy ra, như chào mừng chiến sĩ liều thân bảo vệ đất nước tự do, dân chủ, để dân chúng an cư lạc nghiệp. Ðây là trận chiến hết sức oanh liệt với chiến thắng oai hùng.
Trận chiến ở vùng Thất Sơn cho tôi cảm nghĩ tốt về vùng bảy núi huyền bí này. Nó đẹp thiệt, nhưng lại cự kỳ nguy hiểm. Trong trận đánh nơi đây, lúc bộ binh đang tiến quân, tôi mãi thơ ngây, mê say đắm, ngắm cảnh đồi núi Cô Tô tuyệt đẹp, xinh xắn nho nhỏ như cô thôn nữ đang độ xuân thì, bỗng có tiếng súng từ trong hang ‘cắc bùm’ bắn ra, làm tan mộng đẹp. Phải cùng mọi binh sĩ nhảy xuống ruộng ngập lụt né tránh, kế đến súng bắn liên hồi, đạn rơi lủm chủm xung quanh mình, vì đang mùa nước nổi. Binh sĩ bắn trả lại dữ dội một hồi lâu.
Phi cơ chiến đấu được gọi tới, lượn qua lượn lại dội bom Napalm, lửa khói bay trắng xóa như pháo bông, bao trùm ngọn núi, như đốt cháy hết, nhưng không, núi vẫn còn trơ trơ. Kế đến xe thiết giáp càn vào bắn, bộ binh trong xe tuôn ra chạy sát chân núi. Súng từ trong bắn ra, nổ liên tục, một lúc lâu sau im lặng rợn người. Nhưng vì trời sắp tối, bộ binh phải rút quân ra về, lại bị bắn liên hồi một trận như mưa nữa. Vậy mà tất cả binh sĩ đều bình an vô sự, như cảnh phim ciné tuyệt vời mà tôi chưa từng thấy bao giờ!
Còn nhiều trận khác ghê gớm như: Ðất đỏ Láng Thé, Vĩnh Bình, Vũng Liêm là ổ Việt Cộng gộc, Rạch Giá, Hà Tiên… Nhiều lần đoàn xe đang di chuyển, bị giựt mìn, lúc thì phía trước, lúc thì phía sau đoàn, phải xuống xe chạy cứu thương, và chuyển thương binh về Quân Y viện chữa trị kịp thời.
Trong lúc dừng quân ở Cầu Kè, không có việc làm, mà cũng không muốn ngồi chơi xơi nước, tôi kêu bà con cô bác trong vùng, có bịnh tật đến để khám bịnh. Thấy phần nhiều họ bị ho, cảm mạo, đau lưng, nhức tay chân do gian lao công việc đồng áng cực khỗ, mà không tiền chạy chữa thuốc thang, tôi về Vĩnh Long mua thuốc ho, vitamin C chích cho họ ngoài trời, lấy mả đá làm bàn, trải đồ nghề ra khám bịnh. Bất thần Thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng đến thanh tra mặt trận, ghé thăm và khen công tác dân vận này có ý nghĩa thân thiện, gây cảm tình gần dân rất tốt. Về sau mới có công tác dân sự vụ của các bịnh viện vào cuối tuần.
Năm sau, tôi được chuyển về Sư Ðoàn 7, đóng tại Mỹ Tho (3/1967). Nơi đây tưởng yên thân, thật ra không yên chút nào, vì ngày đêm cũng bị VC pháo kích vào thành phố, đạn rơi trúng dây diện xẹt lửa như pháo bông…Có lần đương chơi tennis bị pháo kích, vì sân banh cạnh Tòa Hành chánh, lại kế Bộ Chỉ huy Sư Ðoàn 7, phải chạy về để lo cấp cứu. Họ bắn phá gây bất ổn, giết hại dân lành, vô tội, không thương tiếc. Tối phải ngủ dưới gầm giường trên có lót bao cát. Có lúc đương bị pháo kích cũng phải đội nón sắt chạy đi cứu thương binh chuyển đến.
Ngay ngày 30 Tết Mậu Thân, tôi được nghỉ phép về Sàigòn để đưa bà xã đang chuyển bụng vào nhà thương Grall. Tôi lại bị lên cơn sốt, run rẩy, nên kêu taxi đưa vào Bịnh viện Sàigòn vì gần nhà ở đường Ðề Thám. Bịnh viện Polyclinic ở đường Lê Lợi, lại chuyển tôi về Quân Y Viện Cộng Hòa và được xét nghiệm là bị não sốt rét rừng, cho nên mê sảng không hay biết gì hết. Có lẽ tôi mắc bịnh trong trận Thất Sơn, vì đóng quân ở Tri Tôn.
Ðến khuya tiếng súng ầm ĩ đánh thức, tôi mới ráng lếch ra ngoài xem súng nổ đạn bay tứ tung xung quanh vì gần Phi trường Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Tết là ngày thiêng liêng của dân tộc ta, hơn nữa đã có giao ước ngưng bắn, sao lại nổ súng cưỡng chiếm Miền Nam tự do? Ðúng là VC bội ước, xé Hiệp định Genève 1954 mà chúng đã ký kết, không tôn trọng lời hứa, tấn công lén lúc khi dân quân ta vui đùa mừng Xuân Mậu Thân. Thật là gian xảo, không chút anh hùng!
Cũng may là QLVNCH anh dũng phản công chiếm lại, nhờ đó Sài gòn trở lại thanh bình. Qua Mùng Ba Tết, bớt bịnh, trong lòng không an tâm vì vợ con và chiến sự, tôi lại xin theo xe cứu thương về thăm gia đình, lo cho vợ đi sanh ở nhà thương Grall.
Sài gòn đã ổn định trở lại, nhưng còn giới nghiêm. Hôm sau mới vào nhà thương thăm con. Lại có lịnh quân nhân phải trình diện về quân ngũ. Thế là tôi đành ngậm ngùi đi ngay vào Cục Quân Y chờ máy bay đưa về Mỹ Tho làm việc, dự các trận đánh ở Bến Tre, Cái Bè, Mộc Hóa, Gò Công.
Tôi cảm thấy có lỗi với ba má, vì là lần đâu tiên tôi vắng nhà vào dịp Tết, không cúng giao thừa được, chắc ba má tôi hiểu cho. Nhưng khi ra bịnh viện tôi lại đau buồn vì nhà tôi nằm cạnh Toà Hành chánh Vĩnh Long, bị sập tan vì nơi đây là bãi chiến trường giữa hai bên. May là gia đình tôi chạy được lên cửa tiệm, trên ngả ba Cần Thơ. Lại có xung đột nơi đây sau đó, mấy anh em thiết giáp biết tôi và thương tôi, nên vào cứu gia đình ba má tôi đến nơi an toàn. Rất cảm ơn các chiến hữu đã cứu gia đình tôi. Cũng may là tôi vắng nhà, nếu tôi có ở nhà lúc đó cũng không biết sẽ có chuyện gì sẽ xẩy ra cho tôi?
Cuối năm Mậu Thân, lại chuyển về Quân Y Viện Long Xuyên, lên Ðại úy (1968-71). Ðã từng nếm cảnh xa vợ lúc sanh nở, nên tôi nghĩ mình phải làm cái gì đó bù đấp lại công lao người chiến sĩ tiền tuyến, ngoài tiền đồn biên cương. đèo heo hút gió. Tại đây, tôi nhận thấy binh sĩ là lớp trai tráng, luôn luôn đi chiến đấu để vợ mang nặng, đẻ đau, thai nghén lẻ loi một mình ở nhà, không ai chăm sóc, không tiền thuốc thang khám bịnh, nhứt là không an tâm mà chiến đấu, nên đề nghị Quân y viện xin Cục Quân Y cho thành lập thêm trại Sản phụ khoa cho họ. Thấy ý kiến này hữu tình, hữu lý cho nên Y sĩ Trưởng Quân Y Viện Long Xuyên, là Thiếu Tá Trương Ngọc Tích (Y sĩ TT Nguyễn Nguyên phụ tá, hiện nay ở Sydney) đệ đơn lên Cục Quân Y xin phép, Cục Quân Y chấp nhận ngay.
Tuy nhiên, mọi việc không đuợc dễ dàng như ta tưởng, vì gặp sự đối kháng mãnh liệt của Ty Y tế Long Xuyên, có lẽ vì đụng chạm đến quyền lợi riêng tư gì đó? Nó làm tôi thất vọng, vì chạm lý tưởng tốt đẹp đầy mộng tưởng của mình. Có nhiều bạn khuyên thôi nhịn đi, nhưng tôi không đồng ý. Tới đâu thì tới, mình không có làm gì sai, mình muốn giúp đỡ gia đình các quân nhân, để họ an tâm mà chiến đấu. Nhưng rồi mọi việc cũng được thỏa thuận im thôi, bởi nhu cầu của quân đội là thiết yếu. Mỗi bác sĩ giữ một trại, riêng tôi được giao cho đảm nhận thêm trại này cùng với trại ngoại khoa. Về sau, tôi được biệt phái sang Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa Long Xuyên và làm trưởng trại Nhi khoa (1971-75).
Ngay ngày 29 tháng Tư 1975, chúng tôi chạy về Sài Gòn, mong cùng với mấy anh em trong gia đình, tìm cách tẩu thoát. Nhưng bất thành, bởi chúng tôi bị mắc kẹt tại ngả ba Trung Lương, đành quẹo vào Mỹ Tho đi ngả Gò Công, lại kẹt tại cầu bắc tỉnh này vì lý do gì đó không biết. Sáng ngày 30.4.75, chúng tôi qua sông rồi lại bị kẹt nữa, đành phải quay trở về Long Xuyên. Trên đường về vắng vẻ quá, làm lòng tôi rất hồi hộp và lo sợ.
Nên khi về tới nhà chúng tôi sợ quá, phải bỏ nhà, lẫn trốn trên lầu cửa tiệm của một người bạn thân, cách phòng mạch mấy căn, ngay tại chợ không dám đi làm, hay lú đầu ra ngoài. Lúc này cả thành phố Long Xuyên trông rất ảm đạm, u buồn vắng vẻ nặng nề, như tang tóc cho nền tự do dân chủ từ đây. Thành phố bỏ ngỏ, Lực lượng Hòa Hảo canh gác các cầu, MTGP sợ không dám vào thành.
Nhưng chiều lại chiêng trống múa lân rộn lên, theo sau chiếc xe tăng có cờ MTGPMN và rất nhiều cờ VC, có heo quay, vài giáo sư và mấy anh ba Tàu thương buôn, mấy anh ba mươi nối giáo cho giặc, đeo súng lục lủng lẳng hí hửng theo sau, chỉ chừng vài trăm mạng. Cuộc diễn hành trong lạnh nhạt, không có dân chúng hoan hô, tặng hoa như cảnh giải phóng thời Thế chiến II, không có trẻ con chạy theo lân múa… vì mọi người đều khiếp sợ, lo trốn.
Trông thấy cảnh tượng này làm chúng tôi đau buồn, tức tối cho bọn phản bội, hại dân, hại nước a dua theo địch, thương buôn tiếp tế, đóng thuế, giúp tay cho giặc. Chúng tôi buồn quá cầm lòng không nổi, ứa nước mắt ôm nhau khóc nức nở, vì ước mơ của chúng tôi tiêu tan. Chúng tôi khóc cho tương lai đen tối của đất nước, khóc vì không biết rồi đây tương lai con cái chúng tôi sẽ ra sao? Bởi vì tôi đã từng thấy cảnh chết chóc, nghèo nàn đói khát, năm 1945 khi Việt Minh nắm chính quyền.
Hôm sau, xe phóng thanh kêu gọi nhân viên công chức nguỵ quyền phải trình diện làm việc. Chuyện đầu tiên, là mọi nhân viên phải vào họp, nghe huấn lệnh, chửi bới tơi bời, răn đe đủ điều. Xong rồi, trở về trại vì tôi là bác sĩ nên không biết cực khổ, chưa nếm mùi lao động là vinh quang, nên phải làm vệ sinh nhà cầu, cấm không cho ai giúp đỡ, người nào giúp sẽ bị phạt!
Như tiếng sét đánh bên tai, cả bầu trời đen tối sụp xuống. Bác sĩ là người học cao trọng vọng, đáng kính nể vì họ đem hết tài năng và tâm huyết để cứu chữa bịnh nhân, trong mọi tình thế khó khăn. Như quý vị đã thấy con người của tôi qua mấy quyển sách Tuyển Tập I, II và III này, cũng hiểu lòng tôi, thật thà chất phát, từ tốn chỉ biết có sách vở, gia đình và bịnh nhân. Luôn luôn coi bịnh nhân là trọng như người thân trong gia đình. Chỉ biết làm việc suốt ngày, vậy mà bọn họ coi là không lao động. Họ có biết chăng, họ là lao động tay chân, còn người trí thức, giáo viên, công chức, kỹ sư nhứt là bác sĩ lao động chẳng những bằng trí óc, mà còn bằng bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn để mổ xẻ, cứu mạng sống con người.
Ai ai cũng van nhờ bác sĩ giúp đỡ chớ không ai đi sĩ nhục, hạ bệ, đày ải làm chuyện đê tiện, còn thời giờ đâu mà chăm sóc, cứu chữa bịnh nhân cho chu đáo? Thật sự việc làm đó đâu cần tới bác sĩ? Việc đó là bổn phận của y công mà. Rồi đây ai sẽ lo cấp cứu bịnh nặng, bịnh hấp hối nếu không có bác sĩ chăm sóc bịnh nhân sẽ chết một cách oan uổng, ai sẽ chịu trách nhiệm? Hơn nữa họ có biết chăng, nếu bàn tay bác sĩ dơ bẩn sẽ là mầm lây bịnh tật cho trẻ con, hay con bịnh, và là sát nhân?
Họ hoàn toàn không có lương tri, độ lượng của con người. Họ không biết suy đoán đâu là lẽ phải. Họ chỉ biết sắt máu, chém giết. Họ không có tình thương yêu và kính trọng con người tài năng. Họ chỉ biết có hận thù và lòng ganh ghét, chà đạp, đạp đổ tất cả kẻ sang giàu, quyền quý, và mọi tôn giáo.
Lòng tự trọng bị chà đạp mà không cưỡng lại được, bởi vì lý lẽ của kẻ thắng trận, kẻ có vũ lựctrong tay lúc nào cũng đúng (?). Họ mang trong tâm, một não trạng kiêu căng của kẻ thắng, đỉnh cao trí tuệ loài người! Họ không cần nhân tài, kỹ thuật cái gì hết, họ chỉ cần người biết tuân mệnh lệnh, cho nên mới đưa đất nước tới chỗ suy đồi thê thảm trong bốn mươi năm qua! Từ tự do dân chủ rồi đây sẽ đưa đến.. cúi đầu nô lệ. Cho nên không cần cưỡng lại kẻ quê mùa, vô lương tri để làm gì. Thật đau lòng! Căm tức, ứa nước mắt, tủi thân, lủi thủi đi.
Tôi giận cho tôi khờ dại sao không nghe lời mấy bác sĩ bạn từ Sài Gòn chạy về rủ đi qua Rạch Giá, Hà Tiên mà vượt biên cho rồi, để ở lại gặp nghịch cảnh đau lòng! Phải chăng đây là lỗi lầm to lớn, cho số phận nghiệt ngã trong đời tôi?
Phải chăng đây là cuộc đấu tranh giai cấp đê tiện? Một cuộc trả mối hận thù người trí thức được nhiều ưu đãi? Nhưng tôi tự an ủi, Khổng Tử, người thầy muôn thở còn bị cho là cục phân kia mà! Tôi nhớ một vị tướng của Pháp có nói câu này: ‘La guerre c’est la guerre, après la guerre on receive l’enemie come on ami’, ‘Chiến tranh là chiến tranh, sau trận chiến ta phải tiếp đón kẻ địch như người bạn’. Ngay trong thời chiến, chánh sách của chánh phủ Quốc Gia rất ôn hòa, nhận kẻ đầu hàng qua chánh sách Chiêu Hồi, đầy nhân đạo của thuyết Cần Lao Nhân Vị, của cố TT Ngô Dình Diệm. Còn đàng này bọn họ coi ta như kẻ thù vạn kiếp, đày ải chúng ta qua học tập cải tạo gầy mòn, gian lao rủng chí anh hùng đến chết… trong tủi nhục và đói khát, trong ngục tù cải tạo, không biết ngày về!
Mấy nữ bác sĩ ở lại bịnh viện làm việc, còn nam bác sĩ chúng tôi: ban ngày bị nhốt trong khám lớn Long Xuyên học tập cải tạo, ban đêm phải về gát toàn bịnh viện cả mấy tháng trời. Sau bị đưa đi cải tại ở trại Trà Nốt, Cần Thơ, dành cho cấp Ðại úy.
Chỉ có mấy tháng thôi mà nhiều bạn tù bị thiếu ăn, chân cẳng bị tê và phù thũng, đi đứng khó khăn, lê lết rất nặng nề, thê thảm, rất tội nghiệp. Cắc kè, rắn mối đều bị bắt làm thịt ăn hết. Trong số đó có bác sĩ Ð. phải gài bẩy bắt chuột cống ăn, còn bác sĩ khác bắt chước ăn vào bị dị ứng ngứa ngáy, nổi mề đai đầy người, phát sợ. Lúc này sinh tố B1 thật quý báo còn hơn vàng, vì nó là thần dược cứu mạng sống nơi này!
Trong trại không có thuốc men, nên phải nghĩ cách dùng thuốc Nam, cho ăn rau cải thế thuốc. Tôi mới khuyên trồng rau cải, rau sam, rau đắng, khoai lang lấy lá, củ ăn cho có viatmin B1, cho khỏi bị tê liệt, dây nhãn lồng (họ valeranaceae) làm thuốc an thần, để ngủ bởi anh em xa nhà, nhớ vợ con, nhớ những chuyện xa xưa… làm mất ngủ. Nó cũng giúp hạ huyết áp nhờ lợi tiểu cho anh em nào mắc bịnh cao huyết áp. Rau má trị đau khớp xương, rau rấp cá trị trỉ vân vân. Thầy Tây trở thành thầy lang ta!
Năm sau được cho xuất trại. Chưa xong, tôi còn bị quản chế tại gia một năm. Trong lúc khó khăn này, lại có người đàn ông ăn mặc lôi thôi gõ cửa, nài nỉ vào thăm, tay cầm bao bố làm tôi càng run sợ thêm, vì không biết nó chứa cái gì trong đó. Không ngờ trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng nầy, mà còn người nhớ ơn xưa cứu mạng vợ khi bà đang hấp hối, và biếu cho chục quít nhà, để cám ơn đã cứu mạng vợ ông.
Thì ra,ông nài nỉ ỷ ôi thăm và tặng chục quít nhà, đền ơn cứu mạng vợ ông, lúc bà ta hấp hối không ai cứu chữa trong thời gian trước 1975. Tôi hết sức cảm động trước tấm lòng của người dân quê mùa, luôn nhớ đến người ơn đã cứu tử mình!
Người nghèo họ có tình có nghĩa, bất chấp hiểm nguy, đến thăm với tấm lòng biết ơn sâu xa. Làm tôi nhớ lại tác giả bài ‘Thu điếu’, về hưu, nghèo đói rét, có người tới tặng miếng thịt mà không dám ăn.
“Tay cầm mặt cúi, ròng ròng lệ rơi
Gặp khi loạn lạc tơi bời
Lại thêm đói kém cho người khó khăn
Ơn người có ý ân cần”
Vì thiếu người, họ gọi tôi vào làm việc lại tại bịnh viện Ða khoa Long Xuyên. Bịnh viện xuống cấp, bác sĩ nhân viên thiếu, bịnh nhân tăng gấp đôi, thuốc men thiếu thốn, dân không tiền đóng lệ phí, mọi thứ thuốc men, ăn ở đều phải trả bằng tiền mặt, chớ không được miễn phí như thời Cộng Hòa. Thật là đau xót cho người dân nghèo đói, khốn khổ! Thật là vô tâm!
Chịu cực khổ làm việc còn chịu đựng được, nhưng không thể nào chịu nổi sự kèm kẹp, ngày chí tối bị theo dõi, báo cáo lung tung đến không tin cậy cả bạn bè, người thân. Có lần tôi bị họ rút súng hăm dọa vì cho thiên vị lo cứu chữa con em nguỵ quân, nguỵ quyền … Thật ra bác sĩ chỉ làm việc theo lương tâm chức nghiệp, không thiên vị, giàu nghèo, cứu giúp mọi bịnh nhân như nhau. Con ai cũng là con người. Con cái họ quý, còn con kẻ khác là rơm rác hay sao?
Còn họ cho là cộng sản công bằng, bình đẳng, bình quyền, nhưng thật sự chẳng có bình đẳng chút nào, nó còn phân biệt giai cấp gấp bội lần, độc tài, độc ác, độc đảng bội phần hơn ai hết, nói ra không sao hết được.
Thế là tôi đành phải đau lòng, âm thầm gạt lệ ôm gói, đùm bọc gia đình tìm cách lìa bỏ quê hương mến yêu, bỏ lại cha mẹ già kính thương, bạn bè thân thích, những kỷ niệm thời niên thiếu không thể nào quên được, để ra đi tìm chân trời mới xa lạ, đất nước tự do, dân chủ thật sự không chút đắn đo.
Một hôm, Dược sĩ Ðoàn Thế Khiêm tìm kiếm chúng tôi, để môi giới vượt biên, mà chỉ sắp xếp có vài ngày thôi. Như người chết đuối chụp được cái phao, chúng tôi mừng quá nắm lấy không một chút do dự. Chúng tôi không bao giờ quên ơn này. Chủ tàu có 2 chiếc để vượt biên, chỉ dành cho người trong gia đình, dòng họ thôi, trong đó có đứa dâu mang bầu con so, sắp sanh. Cũng vì thế nên họ tìm tôi thương lượng vượt biên. Họ đòi cả gia đình một vợ ba con chúng tôi là 30 cây vàng, với điều kiện phải sanh cho đứa con dâu trong lúc vượt biên.
Chúng tôi chấp nhận không so đo, kèo nèo chi cả, dầu đó là cả tài sản mà chúng tôi đã dành dụm. Họ có cho hai mẹ con bà mụ vườn miễn phí, vì là dòng họ theo phụ. Gia đình chủ tàu cộng thêm gia đình DS Ðoàn Thế Khiêm, em rể, và gia đình chúng tôi chỉ có 87 người, vừa lớn nhỏ. Vượt biển trên 2 tàu đánh cá khá rộng lớn 18,5 x 3,5m số VNKG0928, còn chiếc kia nhỏ hơn một chút 15,5 x3.5m. Với cở hai chiếc tàu này có thể chở ít nhứt là 300 người.
Lúc 5 giờ sáng ngày thứ Hai14/4/1978, lên tàu ra biển. Tàu bị mắc cạn, bọn đàn ông phải nhảy xuống rạch đẩy. Trong lúc đó, các xuồng mua cá tưởng ghe cá về bu lại mua, làm ai nấy đều điếng hồn, sợ muốn chết. Ngó ngược lên bờ là cầu Rạch Sỏi có chòi canh của công an, bộ đội, càng muốn tè ra luôn… Cũng may là nước lớn lên, tàu vù ra biển không sóng gió, nước trong xanh thả neo ngừng lại. Trên tàu chỉ có tài công, thân nhân những người đánh cá, không có chủ tàu, hay gia đình tôi và gia đình DS Khiêm ở đâu cả. Vì vợ con chúng tôi đi ngày trước, nên không có trên tàu.
Nỗi băn khoăn sợ hãi gia tăng, một là sợ bị bắt lại, hai là không có gia đình càng lo sợ thêm. Hỏi DS Khiêm thì cho biết chiều mới gặp. Vẫn chưa an tâm, cơm nước nuốt không vô. Mặt cứ ủ rủ, chỉ ngồi bí xị.
Ðến gần 5 giờ chiều, chiếc ghe đánh cá thứ hai đi biển về, các ghe nhỏ đổ xô nườm nượp như chợ nổi, họ nhào lên ghe.Bà xã cùng với ba đứa con tôi cũng nhào qua bên này. Còn các chiếc ghe kia tản ra chạy vào bờ hay đạp bỏ giữa biển.
Tuy nhiên có một chiếc ghe đánh cá nhỏ, xối xả từ xa rượt theo, làm chúng tôi sợ VC đuổi theo. Chủ tàu đánh cá và vựa nước mắm nhận diện được đó là ghe của anh hai mình. Thấy anh ta kêu xin thê thảm, Bà Mười không đành bỏ con lại, cầm lòng không nổi, ra lịnh cho rước anh ta, anh ta liền đạp bỏ ghe nhào lên tàu.
Hai chiếc tàu xả hết tốc lực chạy song song, làm sóng đánh, tàu lắc lư, nhiều người ngả nghiêng say sóng, nôn ói, lại ngợp thở vì đứng ngồi, và phải trốn dưới hầm cá, thiếu không khí và ánh sáng.
Như còn nặng nợ với nghề nghiệp, nên chỉ có 6 giờ sau khi vượt biên, giữa biển khơi tăm tối bao trùm, trong lúc con tàu lắc lư, thì bà bầu lại chuyển bụng. Thế là tôi phải lấy đồ nghề đơn sơ, kẹp, kéo, ống cao su, kim chỉ, khăn gạt (compress) đã khử trùng. Tôi cũng khử trùng đôi bàn tay kỹ lưỡng bằng cồn. Cái đèn dầu treo lủng lẳng, leo lét cũng lắc lư, tôi ngồi trên sàng ghe không vững, té lên té xuống, canh bụng bà ta suốt đêm, khó khăn như vậy không biết phải làm sao sanh đây. Lâu lâu không quên khấn Trời Phật cho bà ta mẹ tròn con vuông, cuộc vượt biên thành công suông sẻ.
Ðến gần sáng khi bà ta chuyển bụng, mới khám kỹ bụng dạ lại, mới cho bà ta rặn. cũng may là bà ta sanh đứa con trai đầu lòng sau 5 tiếng đồng hồ đau bụng, cả gia đình xúm lại mừng và cám ơn. Vì bé sanh giữa biển khơi nên được đặt tên là Hải. Riêng tôi rất mừng là làm tròn nhiệm vụ một cách an toàn. Cái may là mẹ tròn con vuông, không làm băng mới lạ.
Nghĩ lại tôi quá táo bạo, nhận ẩu làm việc mà không hề biết gì hết về bà ta, đã có thai bao lâu, thai ra sao. Nếu gặp trở ngại, trắc trở như sanh ngược hay làm băng, không biết sẽ ra sao vì không có nước biển mà chuyền cấp cứu. Chắc chỉ có nước chết thôi. Thật ra vì quá nao núng vượt biên, trốn khỏi ngục tù mà chúng tôi chấp nhận không một chút suy nghĩ, chớ đâu ngờ chỉ có vài giờ là bà ta sanh như vậy. Cũng may nhờ phước đức của ông bà phù hộ che chở!
Nhớ lại cũng vui thú và an toàn, nhờ có ân trên phù hộ che chở, rất cảm kích và luôn luôn cầu nguyện Trời Phật và biết ơn. Cũng lạ hơn những câu chuyện rất thương tâm của những người khác bạc phước, phải gặp nghịch cảnh và có người thân bị cướp bóc, bị hải tặc hành hạ tàn nhẫn, xâm phạm tiết hạnh một cách dã man, chịu đói khát hay bỏ mình trên biển cả hay hoang đảo.
Thật tình mà nói chúng tôi được nhiều may mắn, vì trong suốt cuộc hải trình, tuyệt nhiên không hề gặp hải tặc, mà cũng lạ là không thấy tàu ngoại quốc nào chạy ngang qua để xin cứu vớt. Chúng tôi chỉ thấy có trời xanh, biển rộng mênh mông bao la lại im lặng y như đồng ruộng xanh rì, mênh mông cò bay thẳng cánh, uốn mình theo cơn gió thoảng nơi quê nhà. Biển im lành, hiền hoà như bà mẹ hiền từ, chào đón đứa con lao đao trên sóng nước, tìm tự do!
Giữa biển khơi chỉ có thấy hải âu lượn tới lui tìm mồi, nhứt là cá dauphin biểu diễn, nhào lên, lộn xuống trên mặt nước xung quanh tàu, làm trò vui cho chúng tôi xem, bọn trẻ con rất thích thú, đỡ buồn sợ giữa biển khơi ngàn trùng. Chúng tôi lại được nuôi cơm nước ngày ba bữa, với cá nhám nướng trui, chấm nước mắm me, thơm ngon đáo để, uống nước đá cục (chưa muối cá), như đi du lịch. Chắc quý vị cho chúng tôi nói xạo! Cũng vì vậy mà chúng tôi chưa bao giờ kể ra.
Bảy ngày sau lên đảo. Trên đảo có 6 bác sĩ, họ lại bầu tôi làm trưởng ban y tế chăm sóc sức khỏe trên đảo Pulau Tanga. Khổ nổi là ban ngày khám bịnh cho thuốc, đêm sau, có bà bầu thứ hai trong chuyến vượt biên chuyển bụng, thế là họ cậy nhờ tôi đưa bà ta qua bịnh viện quận Mersing sanh. Sau khi đưa bà ta vào nhà thương, tôi trở lại ghe mệt quá ngủ luôn, chờ sáng bác tài đưa trở về đảo.
Trong cái gian nan lại gặp cái hên là chỉ có một tuần sau, phái đoàn Úc chấp nhận, và đưa chúng tôi qua trại chờ đợi ở Kuala Lumpur ngày 28/4/78. Trong lúc đó có người phải ở đây chờ tới trên 2 năm, muốn rục xương, nghe phát sợ. Nhưng mãi đến 22/5/78 giữa trời giá lạnh, máy bay đáp xuống sân bay Brisbane, được đưa về cư ngụ tại Hostel Waco gần cả năm trời.
Tới trại có mấy tuần thôi, Châu bị đau bên tai phải, lên sốt phải nhờ BS khám và chuyển vào bịnh viện. BS ở đây chẩn đoán là viêm màng não, mê sảng do siêu vi trong lổ tai, viral labyrinthitis làm mê đạo (labyrinth) tai trong hư nghe không được. Chắc phen nầy tiêu tùng, hoặc chết hay không còn trí nhớ nữa. Rồi đây ai sẽ lo săn sóc, chăm lo cho con cái. Cũng may nhờ trời độ, tai qua nạn khỏi, Châu bình phục trở lại. Tâm trí vẫn bình thường, mới đi học được, nhưng phải chịu điếc cho đến bây giờ. Cũng chưa xong, lại bị bứu chướng tử cung phải vào bịnh viện giải phẩu. Kế đến đứa con lớn chơi đá banh bị trặt chân, lại phải vào bịnh viện sửa chân. Thật trăm chiều gian nan, khổ nhọc nó ập tới tấp trong lúc này!

Chúng tôi phải khổ cực, học lớp vỡ lòng Anh văn trong trại, rồi ra City trong suốt 4 năm mà vẫn nói ngọng, nói đớt không đúng như bọn trẻ con, bởi chữ Anh chữ Pháp đều giống nhau nhưng khác giọng. Bà xã học Khoa học về Y khoa (Medical Science). Tôi học lớp hướng dẫn viên đời sống ở Úc để được học Anh văn. Học xong làm hướng dẫn viên giúp đồng hương mới định cư, đi khám bịnh để kiếm cơm. Mỗi lần như vậy, lòng tôi xót xa, đau buồn cho số phận hẩm hiu, gian nan khổ cực. Có nghề nghiệp mà cũng như không. Có lúc u buồn, ngồi nhớ lại tự nhiên nước mắt tuôn trào mà không hay! Kể như từ đây, tôi không mong gì trở lại nghề y sĩ nữa?
Thấy không tương lai, còn các bác sĩ khác ở Sydney được học lại, vì mỗi năm DHYK ở đây chỉ lấy có một BS trẻ vào thôi, nên tôi cấp tốc chuyển về Sydney (20/12/1982), học Anh văn thêm để dự thi vào ÐHYK. Thế là một lần nữa phải gian nan lăn lộn và mài đũng quần trở lại ở trường Y khoa UNWS từ năm 1984-1989 vì phải ở lại năm thứ tư, vừa học, vừa theo lớp Anh văn của cô gíao ASL. Tại đây, tôi học hỏi thêm cái hay, cái mới lạ hiện đại ngày nay, để rồi đến 55 tuổi mới nhận bằng MBBS vào tháng 2/1990.
Thật ra Y khoa mỗi nơi đều có cái hay cái lạ của nó. Ở Việt Nam thì trường ốc, bịnh viện, dụng cụ máy móc thiếu thốn, nhưng sinh viên được thực tập nhiều hơn, gặp nhiều bịnh phức tạp và nặng vì bịnh nhân thường đến bịnh viện quá trể, hay từ các vùng xa xôi chuyển về
Hơn nữa cho thuốc trụ sinh quá liều, hai hay ba loại trụ sinh một lượt gọi là chài. Nếu không trúng thuốc này, thì cũng trúng thuốc khác. Chính vì vậy họ dễ bị lờn thuốc. Còn nữa, liều lượng rất cao, cho nên rất khó trị theo phương thức ở đây. Sống tại đây trong 40 năm qua mà họ vẫn còn tật cố hữu, bịnh gì cũng đòi trụ sinh mạnh, liều cao mới chịu, giải thích thế nào họ cũng không nghe. Thật khổ tâm cho người y sĩ!
Việt Nam là vùng nhiệt đới với những bịnh nhiệt đới do vi trùng hay ký sinh trùng sinh ra như: bịnh ho lao, bịnh kiết lỵ, bịnh thương hàn, sốt rét rất thông thường. Ở Úc rất hiếm thấy các bịnh này, có chăng chỉ ở người đi du lịch trở về, nhiều nhứt là di dân từ Trung Quốc, Á Ðông kể cả Việt Nam tới.
Ở Úc trường ốc, máy móc, thư viện, cái gì cũng tối tân dư thừa, giáo sư cũng nhiều, học hỏi nhiều kỹ thuật mới, dạy kỹ lưỡng hơn, và ít có bịnh vùng nhiệt đới. Nhưng môn cơ thể học, mình hơn họ, vì mình có xác chết nhiều giúp mổ xẻ dễ dàng. Cho nên có nhiều bác sĩ mình được giảng dạy cơ thể học.
Ngay ngày đầu, tôi rất vui mừng và hãnh diện như con nít, được đeo bảng tên trước ngực, được khám bịnh như mọi sinh viên Úc. Chúng tôi được chia thành nhóm nhỏ có 10 sinh viên, được đưa vô giảng đường nhỏ, có nhân viên trịnh trọng mang ra cái mâm có nấp đậy. Giảng viên giải thích, các em phải nhìn kỹ, vì có thể suốt đời chưa bao giờ có dịp thấy nó. Mọi sinh viên ráng ngưỡng cổ nghiêng mình xem, khi ông mở nấp ra, thì ra con lải đủa chết cứng mà ông gấp trong ruột một bịnh nhân. Sau đó ông giảng giải về bịnh này.
Kế đến lại bỡ ngỡ tập khâu vết thương dưới kiếng hiển vi. Tuy nó phóng đại rất rõ, dễ thấy, nhưng kỳ thật là khó khăn, bởi không thấy bàn tay mình, để định vị phương hướng, phải xoay trở như anh hề câm, một lúc sau mới quen.
Môn Ký sinh trùng (Parasitology) và Vi trùng (Microbiology) chỉ được học có vài giờ là hết sạch. Trái lại môn Dược học (Pharmacology) và Cơ thể bịnh lý (Histopathology) được dạy rất kỹ suốt năm thứ ba. Có nhiều cái mới lạ khó nuốt đối với tuổi tóc muối tiêu như tôi. Ðã vậy còn bị khó khăn về sinh ngữ, phát âm không đúng, loạn xà bần tiếng Pháp tiếng Anh, phải ở lại. Năm sau vừa đi học vừa học Anh văn với cô giao chuyên kèm sinh viên ở ÐH.
Phòng thực tập cơ thể bịnh lý như cái rừng: một bảo tàng viện Museum of pathology. Phải nhận diện cơ thể, từng tạng phủ, giải thích bệnh lý và cách điều trị của từng bịnh…Phải có trí nhớ nhại bén, bài vở phải thuộc vanh vách.
Cũng may là dầu gian nan lận đận, cũng phải ráng sức già, cố công học nhưng không quên bỏ ngày Chủ nhựt chơi với vợ con và nhứt là cùng các con đi đánh banh. Nhờ bền tâm, bền chí mới thành công, ra trường được, cũng còn hơn nhiều sinh viên trẻ giỏi Anh Văn vào học không nổi, phải bỏ cuộc, drop out!
Bốn mươi mấy năm trước không ai biết tới Y khoa Úc, bây giờ nó rất nổi tiếng. Nhân tài Úc cũng nhiều dầu đất rộng người thưa, nhưng những danh tài lãnh giải Nobel của Úc hầu hết về lãnh vực Y khoa và Khoa học. Úc không còn bị miệt thị là miệt vườn, miệt dưới (down under) nữa. Chỉ có một thời gian ngắn, Úc đã ngoi lên, chen chân với đàn anh Mỹ, Anh, Pháp, Ðức, Nhật chớ phải chơi.
Sau khi ra trường, đi làm việc tại Bịnh viện Sutherland, rồi mới mở phòng mạch 25 năm nay tại Cabramatta, Sydney, từ tháng Tư năm 1991. Trước kia, khi ở Long Xuyên tôi có mở phòng mạch rất khá nhờ bà con tin tưởng và mến phục; cho tới giờ này vẫn còn có nhiều gia đình còn tiếp tục đến khám ba, bốn và năm đời, tức tới đời nội, ngoại, cháu chắt lận
Chưa hết, tuy làm việc phải luôn luôn cập nhật mỗi tuần vài tạp chí y khoa, và những buổi học thêm cập nhật nữa. Gần như suốt đời phải học và đọc sách thêm. Một tháng không học kể như mình chậm trể đi cả nửa năm! Tôi viết bài đăng báo địa phương, nói trên đài phát thanh SBS hay truyền hình Vietface là phải đọc thêm sách vở, đào sâu hiểu biết.

Xưa kia trước khi mở phòng mạch, phải tìm hiểu những khó khăn, nghịch cảnh qua những bộ sách như: Les homes en blanc (Người áo trắng) của A. Soubiran, Les Verte Années de Cronin (Thời niên thiếu của BS Cronin), A fin que nul ne meure (Ðể rồi không ai chết cả) của Slaughter G Frank, cho thấy hể bác sĩ mà ham danh lợi thì sẽ xa rời y khoa, y đạo, quên đi chức năng của người y sĩ, xa rời tâm đạo, dễ đưa tới bại hoại thanh danh.
Nhà trường chỉ dạy và hướng dẫn những bịnh căn bản, còn ngoài đời có rất nhiều khó khăn phức tạp. Không phải nghe kể bịnh rồi ra toa trị bịnh, mà phải ngẫm nghĩ cân nhắc suy nghĩ mới chẩn đoán. Ra toa cũng vậy phải làm sao, thuốc trị hết bịnh, vừa rẻ, vừa công hiệu, mà lại không hại cho bịnh nhân về sau. Thuốc hay như steroid uống hay chích, mạnh hết bịnh ngay nhưng về sau lên cân phì mập, lên máu tiểu đường, loãng xương, gẫy xương vân vân…trẻ con dùng Redipred giọt phải tránh trừ khi nào bất khả kháng như suyễn nặng, dị ứng nặng, hoặc muốn đông khách!
Hồi xưa khi còn đi học, muốn có nhiều kinh nghiệm, tôi phải tình nguyện làm nội trú, ăn ở luôn trong Bịnh viện Nhi Ðồng. Anh em sinh viên muốn nghỉ trực gác vui chơi nhảy nhót cuối tuần là tôi thế ngay, có lần Bs Dương Quỳnh Hoa mang cho hộp bánh Trung thu, nhờ gác hộ vì bà mắc bận (phải chăng bà đi họp với VC, để mưu đồ cướp Miền Nam, để rồi sau 75 ân hận, bị cho ra rìa, chịu không nổi, ăn năn phải từ bỏ đảng CS?). Tối ngủ thường bị…ma lắt giường, không phải ma của BS Liêu Vĩnh Bình, mà mấy bà y công gọi! Chỉ có ngày Tết là thiêng liêng, tôi phải đeo xe đò (vì không mua được vé, mà còn mắc hơn vé chính thức), về quê ăn Tết, thăm ba má, anh em tụ tập gia đình. Vì vậy tôi mới được các giáo sư thương mến chỉ dạy…
Từ lúc còn ở quê nhà, cũng bao năm qua, chúng tôi chỉ nói cho các con chúng tôi biết rõ là ba má không có tiền, của cải để lại cho các con. Các con chỉ có cố gắng học hành tạo nên sự nghiệp, giúp đời, nghề gì cũng được, miển không làm gì phi pháp phương hại tới ai, và đủ để sinh sống là được.
Cũng mừng, là nhờ ơn Trời Phật, nhứt là công lao của người bạn đời, Dược sĩ Tô kim Châu, đã tận tụy hy sinh lo chăm sóc con cái, nhờ đó chúng cũng ăn học thành tài, thành danh, trở nên người hữu dụng, góp phần đền ơn đáp nghĩa cho đất nước này. Và cũng may là chúng đã lập gia thất cùng nghề dễ hiểu biết, thông cảm khó khăn nghề nghiệp, và sanh con trai con gái đề huề. Chúng tôi cũng được lên chức ông bà nội ngoại, ở tuổi gần đất xa trời bảy mươi.
Nhưng có điều là ở đất nước này không có đại gia đình như ở quê nhà, các con nó ra riêng, vì mỗi đứa đi làm việc mỗi Tiểu bang, thành ra chỉ có hai vợ chồng già hiu quạnh như hai con khỉ già, ngồi nhăn nhăn với nhau tối ngày trong chuồng. Thật buồn nên phải cậm cụi đi làm cho vui, vui trong cái vui của bịnh nhân hết bịnh, bạn bè thân nhân cho qua ngày tháng! Bởi vì đã mang lấy nghiệp vào thân, thì phải trả cho hết kíếp này, mê say rồi phải tiếp tục làm việc vì:
‘The true ground of Medicine, is love’
(Ý nghĩa sâu sa của y khoa là tình thương)
Paracelsus
Rảnh rang, chúng tôi cũng không quên làm việc thiện, xã hội, cứu trợ, cùng chùa Phước Huệ, SBS radio, Hội Y Tế VAHPA để cứu trợ bão lụt, hỏa hoạn tại Úc, gây quỹ cho BV Westmead. Chúng tôi truyền bá Y học thường thức suốt 26 năm qua trên đài phát thanh SBS và báo địa chí phương.
Vào năm 2001, cùng các anh em đồng hương khác, chúng tôi lập Hội Ái Hữu An Giang để tương thân, tương trợ đồng hương xa nhà, cứu nạn nhân bão lụt, cứu trợ học sinh nghèo quê nhà, phong trào học Việt Ngữ vân vân… Tám năm sau mới nhường lại anh em trẻ. Rất mừng là tới giờ này Hội vẫn còn hoạt động.
Năm 2003, tham gia với hội: Vietnam Vision Project VVP của Bs Võ Văn Phước để hằng năm về Việt Nam mổ mắt cờm đá, đem lại ánh sáng cho người mù nghèo khổ, thấy dân tình làm lụng gian nan, cực nhọc mà không tiền cứu chữa ở quê nhà, cho tới nay hội đổi tên là VVPA. Tuy nhiên chỉ đi có ba chuyến thôi rất vui mà cũng cực khổ, đầy gian nan làm sống lại cảnh 1963-65, đời sinh viên Y- Dược chúng tôi đi cứu lụt khám bịnh ở Sài Gòn, Gia Ðịnh, Ðà Nẳng và Huế. Nhận thấy cảnh đau lòng của bịnh nhân, người khuyết tật, cùi hủi, tâm thần bị bỏ rơi chớ không như bên đây, được chăm sóc rất chu đáo. Họ thật là đáng thương!
Tôi hồi tưởng lại ngay chuyến đi mổ mắt lần đầu vào tháng 6 năm 2005, là tôi gặp nạn. Lúc 5 giờ sáng, bà xã đi xe nhỏ với TS Hồng ra phi trường, tôi đi xe tải với bác tài, chở thuốc men và dụng cụ từ nhà. Khi xe chạy vào đường hầm sân bay bon bon ngon lành, bổng xẹt lửa trước mặt, khét nghẹt, khói bay lên. Bác tài la cháy máy! cháy máy! Tôi hết hồn, sợ muốn chết. Chắc phen này phải bỏ mạng quá trời. Khi xe ngừng tôi mở cửa nhảy ra. Ở Úc mà xe bị cháy thì quá hi hữu và nguy hiểm nhứt là trong đường hầm chen chút xe vào buổi sáng Chủ nhựt.
Bác tài rà xe đậu vào lề, tắt máy và liên lạc với chủ xe nhờ cho xe khác tới kéo. Xe canh chừng đường hầm tới hối tìm cách di chuyển gấp để khỏi kẹt đường vào buổi sáng. Khi xe khác tới để kéo, lại không có dây kéo, chỉ có mấy sợ dây cũ để cột đồ. Nhân viên canh đường hầm cho sợi dây kéo xe ra khỏi đường hầm tới Hilton Hotel, thấy được ánh sáng ban mai, thở được không khí trong lành, chưa kịp mừng thì dây kéo lại đứt khi sắp lên cầu vô phi trường. Thật là gian nan cực khổ, vì dây chỉ đủ sức kéo cho xe du lịch thôi!
Vì sợ anh em chờ đợi sốt ruột, sợ trể chuyến bay hư hết mọi việc, nên yêu cầu chuyển đồ qua xe mới chạy cho kịp. Cũng may tới phi trường lúc 8 giờ, mọi người mừng rỡ, phụ nhau chuyển thuốc men vào cho kịp chuyến bay.
Ði công tác thật là vui, nhưng cũng thật là gian truân khổ cực, chớ đừng tưởng là như đi du lịch, du hí. Thấy cảnh thôn quê nghèo khổ, thiếu thốn mọi mặt, người cùi, người điên loạn bị bỏ rơi, mình cũng buồn!
Hợp tác với V-AMA (Vietnamese-Australia Medical Association), BS Liêu Vĩnh Bình, ra Lưỡng nguyệt san Y học và Ðời sống 12 năm qua, gây quỹ giúp Bịnh viện Liverpool, Bankstown, Ðóa Hồng Tri Ân với chủ trương ‘Ăn trái nhớ kẻ trồng cây’, cứu trợ bão lụt, hỏa hoạn cháy rừng vân vân…
Riêng cá nhân chúng tôi xuất bản Tuyển Tập Phan Giang Sang 1, nói về bịnh tật, để đồng bào hiểu biết thêm về y tế công cộng, theo kịp văn minh tiến bộ, ngỏ hầu gia nhập vào cộng đồng nơi đây. Ca dao tượng trưng cho túi khôn và sắc thái dân tộc, truyền khẩu đời này qua đời nọ, cái triết lý nhân bản cần phải biết. Ngân lượng thu được dùng góp phần nhỏ ủng hộ xây cất Trung Tâm Văn Hóa Cộng Ðồng. Tuyển Tập 2 nói về y tế, văn hóa phong tục, tập quán cỗ truyền ta, để sửa đổi cho nó phù hợp với cộng đồng ở đây. Có thế mới sống lâu, sống khỏe, hầu dưỡng già, vui chơi với con cháu. Tiền dùng ủng hộ chương trình nghiên cứu ung thư của Viện nghiên cứu Garvin. Quyển Tuyển Tập 3 này cũng nói về y tế, ca dao, sáu mươi năm hành nghề y sĩ, kinh nghiệm sống đời sống lứa đôi, làm sau tránh tai hại phòng the, ngân lượng chắc sẽ cho quỹ nghiên cứu ung thư.
Hợp tác với Thượng Nghị sĩ Chris Hayes trong chương trình bài trừ thuốc lá, nhứt là kêu gọi lòng nhân đạo, hiến tặng tạng phủ lúc cuối đời để cứu được mười mạng sống, trong cộng đồng người Việt. ‘ Organ Donor Save Life’. Sống trong cộng đồng cũng nghĩ tới giúp cộng đồng lớn mạnh, đừng để mang tiếng xấu.
Kết luận
Nghề Y có danh, có tiền tuy không bằng các nghề khác như: dược, thương buôn… lại hết sức cực khổ, đôi khi ngày lễ, ngày nghỉ, đêm khuya giá lạnh, mưa gió phải ba giò bốn cẳng chạy cấp cứu. Làm bác sĩ phải yêu thương nghề nghiệp, tận tâm hết lòng giúp nổi khổ đau của họ, thường thường vui khi định đúng bịnh, mừng khi trị hết bịnh, bịnh nhân và gia đình họ vui là mình vui lây theo. Có thế đấng thiêng liêng mới ban phước cho ngón tay, bàn tay huyền diệu sờ tìm ra bịnh tật, xoa hết niềm đau, nổi khổ của bịnh nhân, làm cho họ lành mạnh, cứu được họ khỏi cơn đau đớn, mất mạng. Nhưng nếu mãi theo vật chất, xa rời tâm đạo, hủ hóa bán linh hồn cho quỷ sứ, thì bàn tay trở nên độc hại, nguy hiểm, và làm ô danh. Bác sĩ muốn làm giàu chỉ cần đổi làm thẩm mỹ, thương buôn, tiền vô như nước!
Nhưng hãy coi chừng vì dễ bị lôi thôi, vì tiền tài và sắc đẹp nó hại thân xác.
‘Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.
Mừng cây rồi lại mừng cành,
Cây đức lắm chồi, người đức lắm con.
Ba vuông sánh với bảy tròn,
Ðời cha vinh hiển, đời con sang giàu.‘
Ca dao
Xin lỗi quý vị tôn giáo kính nến, thật ra nhiều khi bác sĩ không những chỉ thuần túy chữa trị bịnh nhân, khuyên bảo, chỉ dẫn cách ăn uống để trị và ngừa bịnh tật thôi. Ðôi khi còn còn là cha mẹ, là tu sĩ, nhà xã hội hướng dẫn, khuyên bảo mọi việc, giúp đỡ bịnh nhân trong việc giấy tờ, đời sống vân vân…cũng có người lợi dụng, biết nhưng không nói, thà né tránh xa họ.
Thật tình mà nói, nhờ có làm việc mà tôi mới có cơ hội gặp nhiều bạn bè cũ mới, xa gần, gặp lại họ mới biết mình còn sống tới tuổi này, học hỏi ở các bậccao minh nhiều điều mới lạ, rất hữu ích, mới biết mình còn dốt.
Và cũng nhờ vậy mà tôi mới còn hơi sức vui tươi, liên tục làm việc, đã trên 60 năm qua mà chưa chán với những chuyện vui buồn, mà quý vị sẽ đọc tới trong những bài khác ở đoạn sau.
Tiếp tục làm việc vì nghĩ tới bịnh nhân mà giúp đỡ, nghĩ tới đồng nghiệp mà tương trợ, không nên choảng nhau làm mất đi hòa khí. Sau khi đọc quyển ‘The Art of Happiness của His Holiness The Dalai Lama and Howard C. Cutler’ giúp cho tôi học được nhiều niềm vui sướng, đâu là hạnh phúc, nhứt là lòng nhân đạo và tâm từ bi vị tha… mà ĐứcĐạt Lai Lạt Ma ẫn ý dẫn dạy. Vậy xin tất cả mọi anh em y sĩ hãy cổi bỏ hết tị hiềm, vui sướng cùng nhau hòa hợp, thẳng tiến trên đường y nghiệp.
Có người tặng tôi mấy câu sau đây để khuyên tôi, xin ghi ra đây:
‘Nhịn đời hạnh phúc tấm thân yên,
Nhịn sự hơn thua khỏi lụy phiền.
Nhịn kẻ hung hăng lòng độ lượng.
Nhịn lòng hiếu thẳng cỏi thần tiên.
Nhịn cha nhịn mẹ người con hiếu.
Nhịn anh, nhịn chị anh chị hòa.
Nhịn vợ, nhịn chồng nhà hạnh phúc.
Nhịn xóm láng giềng nghĩa thâm giao.‘
Nhưng chúng tôi thiết tưởng cũng đến lúcphải nghỉ dưỡng hưu, mặc dù biết rằng nghỉ ở nhà an dưỡng là ích kỷ, là quên đi chức vụ thiêng liêng là cứu giúp người hoạn nạn, cũng là mất cái niềm vui đã được rèn luyện từ Việt Nam sang Úc, 60 năm qua. Nhưng chúng tôi vẫn phải nghỉ là vì sức khỏe không cho phép. Và từ đây sẽ thương tiếc không được gặp bịnh nhân vui tánh dễ thương, cũng như những bịnh nhân khó khăn, lợi dụng đòi hỏi kỳ lạ. Nghỉ ở nhà sẽ mất hết bạn thân, hết gặp nhau kể chuyện văn chương, văn hóa, buồn vui tuổi già.
Nếu có chi sai trái, xin quý vị cao niên và Nha Y Dược sĩ cao minh, tân tiến giúp sửa đổi cho toàn hảo.
Chúc quý vị an khang hạnh phúc, nhiều sức khỏe luôn luôn vui vẻ, để khỏe mạnh sống với gia đình, con cháu và phát huy sự nghiệp.
Thân kính chào quý vị.
BS Phan Giang Sang
Sydney ngày 1 tháng Mười Hai 2016
