Phiếm về Tình Yêu Qua Ca Dao Tục Ngữ Miền Nam
Bác sĩ Phan Giang Sang
(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG II – VĂN HÓA & LỊCH SỬ 2010)
(Có bổ sung và hiệu đính tháng 12 2022)
Ðám trẻ con vui sướng chạy rong trên bờ đê, dưới nắng chiều êm ả, mặc cho tâm tư nó rong ruổi theo cơn gió mát thổi trên cánh đồng bao la, thơm bát ngát mùi lúa chín vàng. Bổng dưng có đứa phát lên:
Trời mưa lâm râm,
Cây trâm có trái
Con gái có chồng
Ðàn ông có vợ, đàn bà có con…
Thì ra có đứa trẻ ngây thơ ngắt lấy bông đuôi chồn, thắt hình con chó chơi, rồi hồn nhiên đưa tặng cho đứa con gái, đoạn bẽn lẽn bỏ chạy.
Ðây là những mối cảm tình đơn sơ, thơ ngây và mộc mạc của đám trẻ thơ ở đồng quê Miền Nam. Từ đó với thời gian trưởng thành nó mới phát hiện nên những lời, những câu ca dao, câu hò, điệu hát vang lên ngoài đồng trong những lúc cấy cày, gặt lúa hay trên sông, trên đường về làng sau một ngày làm lụng mệt nhọc ngoài đồng. Từ đó mới thành vợ thành chồng, sanh con đẻ cái, là riềng mối gia đình, quốc gia dân tộc.
Tuy vậy tính chất lãng mạn trong tình yêu được thể hiện qua những câu ca dao chất phác, mộc mạc, trữ tình, nhẹ nhàng của những thôn nữ và trai làng Miền Nam rất dễ thương. Tuy nhiên nó cũng không kém phần lãng mạn, phong phú và hóm hỉnh vui tươi.
Tình yêu
Tình yêu tuy không sắc không hương, nhưng hễ vướng vào nó, có ngày sẽ nếm đủ mùi vị đắng cay, ngọt bùi, bạc bẽo. Hễ lụy vào tình ái sẽ chịu lắm điều khổ đau, cho đôi bên nam nữ và những trẻ thơ, kết tinh của mối tình dang dở.
Tình yêu đã làm cho biết bao nhiều người vui sướng, khổ đau mà cũng làm không biết bao nhiêu người phải tự tử vì không trọn được ước mơ lấy nhau, sống với nhau trọn đời trọn kiếp. Nó cũng gây không biết bao nhiêu cuộc tình tan vỡ, trở nên điên dại… vì kỳ thị tuổi tác, môn đăng hộ đối, tôn giáo và sắc tộc.
Tình yêu trở thành một thứ đề tài được diễn tả bằng những áng thơ văn tuyệt tác trên thế giới.
Việt Nam ta có kiệt tác Kim Vân Kiều Truyện của thi hào Nguyễn Du. Nó tiêu biểu đủ hết những nét đẹp và xấu, niềm đau bể khổ mà kẻ đang yêu lặn hụp trong vũng bùn đó.
Chuồn chuồn mắc phải tơ vương,
Nào ai quấn quýt thì thương nhau cùng.
Từ chốn thôn quê sàn dã cho đến thị thành, dân quê dốt đặc cán cuốc hay kẻ học thức uyên thâm, cũng không sao tránh được tình yêu. Mọi người, mọi nơi bày tỏ nỗi lòng mình như nhau, chỉ khác ở lời tâm tình, hành động thân yêu dịu dàng hay thô lỗ mà thôi.
Tình yêu lại là bẩm tính của con người ở mọi nơi, mọi lứa tuổi, mọi thời đại và mọi giai cấp trong xã hội. Nó tươi đẹp ở tuổi mộng mơ của người con gái. Họ lo lắng cho số phận, tương lai qua ca dao…
Lênh đênh một chiếc thuyền tình
Mười hai bến nước biết gởi mình vào đâu?
hoặc
Gái thuyền quyên mười hai bến nước
Trong nhờ đục chịu, biết về tay ai.
Qua sự gần nhau hằng ngày trong cuộc sống, nó âm thầm len lỏi, từ từ xâm nhập, ăn sâu vào thâm tâm từ lúc nào không biết. Nó bắt đầu bằng sự thân thương trong trắng, để rồi đọng lại trong tâm hồn mãi mãi suốt đời không sao quên được. Nó thật là lãng mạn.
Ðôi ta như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu.
Có khi nó bồng bột, ầm ĩ, ào ào như sấm sét, cuồng phong tới tấp. Ðó là tình yêu vội vã, không kêu, không mời nó cũng tới. Đó tiếng sét ái tình.
Nó như cái duyên nợ mà người ta gọi là nhân duyên. Mối nhân duyên đó như sợi dây ràng buộc nhau truyền kiếp, như đã mắc nợ từ đời nào để rồi bây giờ phải trả.
Thác ba năm thịt đã thành bùn,
Ðầu thai con chim nhạn đậu nhánh tùng chờ em.
Thấy hông! Chờ tới chết rồi hóa kiếp khác cũng không quên, chờ cho bằng được chớ phải chơi đâu.
Chẳng thà lăn xuống giếng cái chùm,
Chết ngủm rồi đời.
Sống chi đây chịu chữ mồ côi,
Loan xa phượng cách biết đứng ngồi với ai?
Khi một người trai hay gái mà chết thì người kia thà nhảy xuống sông, xuống giếng chết cho rồi chớ không chịu sống cô đơn.
Giống dòng Lạc Việt ta cũng có huyền thoại Mỵ Nương- Trọng Thủy trong sử trước Công Nguyên.
Nói về tình nghĩa phu thê keo sơn gắn bó, thật ra con người khác hơn loài cầm thú ở chỗ tượng trưng cái hình ảnh thanh cao bằng đám cưới, ngoài loan phượng còn có cặp uyên ương nữa là đôi thiên nga. Ðây cũng là truyền thuyết vì khi một con thiên nga chết, thì con kia sẽ bay bổng lên thật cao rồi đâm đầu lao xuống tự thác. Loài cầm thú mà còn thủy chung, huống gì con người có quá nhiều tình cảm, có nhiều sự ràng buộc.
Tình yêu tuổi trẻ thời xưa còn chịu nhiều ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hóa, đạo lý Phật giáo, Khổng và Lão giáo. Chính vì vậy thanh thiếu niên còn bị lệ thuộc vào lễ giáo, phong tục và tập quán gia đình từng vùng quê nữa.
Tỏ tình
Việt Nam là nước nông nghiệp. Người dân quê quanh năm suốt tháng sống bên nhau trên cánh đồng lúa xanh bao la bát ngát, trong vườn cây trái xanh tươi, nên trong việc tỏ tình họ mượn hình ảnh trời mưa, trời gió, ruộng vườn, cây trái, hoa quả, con chim, con cá, bờ ao, con sông…
Họ ấp a ấp úng, úp úp mở mở, chớ không dám đi thẳng vào đề. Họ ngâm ca dao hay hò hát trong lúc làm việc, hay nghỉ mát sau khi làm lụng mệt nhọc cho khuây khỏa, hay trên đường về làng, về mái nhà lá xiêu vẹo dưới bụi tre, tàng cây bên bờ sông, hay lúc chèo ghe đi buôn, đi chợ.
Lời tỏ tình của người con trai có phần quê mùa, khờ khạo, nói đúng ra không biết cách “dê”. Mà trên đời nầy đâu có trường nào dạy “dê” đâu? Phải có hồi nhỏ tôi cũng ghi tên học!
Trời sanh bông trắng nhị huỳnh,
Ðội ơn bà ngoại đẻ má, má đẻ mình dễ thương.
Hồi nào mặt mũi tèm lem,
Bây giờ em trổ mã, anh thèm anh ve.
Thật ra chàng thanh niên khờ khạo không biết mở lời làm sao, đành nói loanh quanh, vòng vo tam quốc mới vô đề được. Thật là tội nghiệp! Hồi nhỏ chúng tôi thường đưa võng ru em như vầy:
Chợ Sài gòn xa, chợ Mỹ cũng xa,
Anh viết thơ thăm hết nội nhà,
Trước thăm phụ mẫu, sau đà thăm em…
(lại quỷ quái thêm:
Thăm em ba chữ tèm lem túa lùa..)
Chăn kia nửa đắp nửa hờ,
Gối kia nửa đợi, nửa chờ duyên em.
Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
Trúc xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh
Vì nó quá khôn ngoan nhẹ nhàng dễ thương, cho nên có cắt đứt ruột cũng không đau:
Phải chi cắt ruột đừng đau,
Ðể em cắt ruột em trao anh mang về.
“Bướm vàng đậu đọt cau tơ,
Sao anh cứ ở lắc lơ vậy hoài.
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai?
Muốn dê cũng phải coi chừng, đừng có đụng ai cũng mở miệng dê bậy dê bạ, có ngày bị mắng, đau lắm:
Dê xồm ăn lá hủ qua,
Ăn nhầm sâu rọm, chết cha dê xồm !
Sa kê ba lá sa kê,
Ông thần không vật mấy thằng dê cho rồi!
Tìm người xứng đáng để trao thân gởi phận.
Không thể nào ngồi chờ duyên phận đưa đẩy, thanh niên nam nữ cũng phải tìm người tài đức mà trao thân gởi phận chớ! Thời đại nầy đâu còn cảnh cha mẹ đặt đâu ngồi đó như xưa nữa.
“Lên non chọn đá thử vàng,
Thử cho đúng lượng mấy ngàn cũng mua”.
“Ngọc lành ai lại bán rao,
Chờ người quân tử em gieo nghĩa tình”.
“Chim khôn đậu nóc nhà quan,
Trai khôn tìm vợ, gái khôn tìm chồng”.
“Trai khôn tìm vợ chợ đông,
Gái khôn tìm chồng ở (giữa) chốn ba quân”.
Cũng không phải dễ dàng mà tán tỉnh các thiếu nữ gia phong, nghiêm nghị, kín cổng cao tường, khó lắm chớ phải chơi.
Thấy em như thấy mặt trời,
Thấy thời thấy vậy (mà) trao lời khó trao.
Xăm xăm bước tới cây chanh,
Lăm le muốn hái, sợ nhành chông gai.
Tìm em như thể tìm chim,
Chim bay biển Bắc, đi tìm biển Ðông.
Dầu có tìm được ý trung nhân đi nữa, cũng nên dò xem đức tánh, dịu hiền, hiếu thảo chớ đừng có a tùng phù nhào vô mà mắc lừa đấy.
Ðến đây dầu đói giả no,
Dầu khôn giả dại đặng dò ý em.
Biết khó mà chài không được, chàng lên mặt kẻ cả dạy đời, vừa khuyên mà cũng vừa lấy lòng hiếu thảo uy hiếp cho cô nàng thức tỉnh …
Con cá đối nằm trong cối đá,
Chim đa đa đậu nhánh đa đa.
Anh biểu em đừng lấy chồng xa,
Ở nhà cha yếu mẹ già,
Chén cơm đôi đũa, kỷ trà ai dâng.
Còn anh nầy si tình hết chỗ nói, thấy mà tội nghiệp. Cảnh nầy có phần hơi giống Tiết Ðinh San cầu Phàn Lê Huê: Ði một bước, lạy một cái.
Ði ngang nhà má,
Tay tôi xá, cẳng tôi quì.
Lòng thương con má, xá gì thân tôi.
Nhiều khi lại có đầu óc kỳ thị không thua bà Pauline Hanson:
Anh đứng làm trai, nam nhơn chi khí,
Em đứng làm gái, em chẳng biết suy,
Lấy Tây lấy Chệt làm gì?
So bề nhơn nghĩa, sao bì An Nam.
Còn đây là những câu ca dao mộc mạc chất phác của trai gái Triều Châu, tỏ tình cùng cô cậu Việt ở Bạc Liêu.
Chờ anh, em hết sức chờ,
Chờ cho ến xại, lên bờ khùi ui.
(Ở Việt Nam hay ở đâu cũng vậy, người Triều Châu chuyên nghề trồng rẩy, nên cô em thơ ngây đây chờ anh nhân tình lâu quá, như chờ rau muống (ến xại) bò lên bờ trổ bông (khùi ui) là vậy.)
Chim kêu Ngồ ố, Láng Dài,
A hia xủa bố, a mùi ùm chai.
(Có nghĩa là cô nàng trách sao anh đi cưới vợ mà không cho em hay.)
Nào khi ến thạo, hoan tùa,
Sùn hoang nguệch lão, xuốt quà thăm em.
(Anh chàng ta báo trước khi nào thấy gió xuôi, nước ngược anh chèo ghe ra thăm em nhé!)
Trời mưa ít dum hong tùa,
A hia phè chuối, xuốt quà thăm em.
(Trời mưa, trời tối, gió to anh chèo ghe ra thăm em.)
Vì xa quê hương, người Trung Hoa muốn con cái lập gia đình cũng là người Hoa.
Cả ba câu trên cho ta thấy anh Triều Châu nầy phải chờ trời tối, mưa to gió lớn, lén lút trốn cha trốn mẹ chèo ghe ra thăm người yêu. Nỗi gian truân này là do ngoài khuôn khổ lễ giáo còn là việc duy trì nòi giống. Vì xa quê hương, người Hoa muốn con cái lập gia đình với người cùng sắc tộc. Cũng vì vậy mà họ tập họp lại ở một nơi riêng, như Bạc Liêu hay Chợ Lớn. Cũng như chúng ta ở Cabramatta, Bankstown (Úc) hoặc Bolsa, Little Saigon bên Mỹ vậy.
Hễ con cái lấy người ngoại quốc là cha mẹ buồn. Tại sao vậy? Tại vì họ có ý đồ phục quốc, phò Minh phản Thanh. Cũng vì vậy mà họ được gọi là Minh hương, người Việt hay Tàu lai căng.
Ðã ba thập niên trôi qua, đồng hương chúng ta xa quê hương cũng còn mang theo cả bầu trời Việt Nam, mang cả phong tục và tập quán cổ truyền của bốn ngàn năm Văn hiến, mang nặng ý chí phục quốc, quang phục quê hương. Chính vì vậy mà gây cảnh chia ly làm khổ con cái một cách quá đáng, thật là tội nghiệp.
Lửa nhen vừa mới bén trầm,
Trách lòng cha mẹ nỡ cầm duyên con.
Củi đậu nấu đậu ra dầu,
Lấy em không đặng anh cạo đầu đi tu!
Nếu mà không lấy đặng em,
Anh về đóng cửa cài rèm đi tu.
Nhưng người con gái cũng không chịu thua. Chạy trời không khỏi nắng đâu bạn ơi.
Tu đâu cho thiếp tu cùng,
May ra thành Phật thờ chung một chùa.
Thấy chưa!

Nét đan thanh của người phụ nữ
Mặc dầu ai cũng biết “cái nết đánh chết cái đẹp”, nhưng trên thực tế người ta vẫn lựa sắc đẹp, chớ không ai “a tùng phù” nhào vô vớt Chung Vô Diệm (người phụ nữ rất ư là xấu nhưng rất tài trí), rước về nhà!
Như vậy ai cũng chọn sắc đẹp mà quên đi nết na, thùy mị. Kỳ thực sắc đẹp lại đứng hạng bị sắp như sau đây mới là lạ:
1. Nhứt là dáng:
Dáng đi, tướng đứng thướt tha, đều đặn trang nhã, quí phái, khiến gợi lòng ham thích, muốn chiếm lấy cho được.
Nước chảy liu riu, lục bình trôi líu ríu
Anh thấy em nhỏ xíu anh thương.
Em mặc áo bà ba đen
Nước da em trắng
Đôi má ngấn đồng tiền
Đêm nằm anh thao thức
Năm canh liền nhớ em!
2. Nhì bì:
Da dẻ mịn màng, tươi mát, thơm tho, trắng tinh như bong bưởi, ai mà không mê mệt.
Ai xui má đỏ hồng hồng,
Ðể anh nhác thấy đem lòng thương yêu.
Cổ tay em trắng như ngà
Con mắt em liếc như là dao cau”
“Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái khăn đội đầu như thể hoa sen.
(Dao cau là dao để gọt cau ăn trầu của các bà cụ, rất bén.)
3. Tam thanh:
Tiếng nói trong thanh, dịu dàng, ngọt ngào, êm tai mùi mẫn như là ca hát, tiếng cười dòn như Bao Tự. (Bao Tự là mỹ nhân tuyệt sắc là hậu của chúa Chu U Vương. Nàng ít cười nhưng hể thấy lửa là cười nên bọn nịnh thần bày kế cho nàng cười bằng cách “Phóng hỏa hí chư hầu” đốt lửa báo hiệu lâm nguy cho chư hầu đem quân cấp cứu. Thấy chư hầu tới nàng vui tươi cười dòn dã làm Chu vương mê mệt. Sau bị vây thành, đốt lửa báo hiệu, chư hầu tưởng chơi không cứu nên bị thất thủ.)
Người thanh tiếng nói cũng thanh,
Chuông kêu, sẽ (khẽ) đánh bên thành cũng kêu.
4. Tứ sắc:
Cái đẹp kiều diễm, mê hồn của Tây Thi…
Cây oằn bởi tại hoa
Anh thương em vì nết, mê say vì tình.
Thương em thương bóng thương dáng,
Thương dạng thương hình.
Thương từ lời ăn tiếng nói,
Anh thương mình khéo tay.
Thấy em nhỏ thó lại có hường nhan,
Chưn mày tầm, con mắt lộ.
Nội xứ này không ai ngộ bằng em.
Cô nầy có đôi mắt đẹp nhờ nó lộ tròn xoe, rất hấp dẫn. Nó trong sáng như đèn pha, nồng nàn dễ đốt cháy những trái tim đa tình. Mó méo nghề nghiệp, mắt này dường như bị bịnh Basedow hay Graves’s disease?
Gió xuân thổi ngọn phù dung
Lòng anh như sắt, em nung cũng mềm!
* Mắt
Người phụ nữ đẹp nhờ cặp mắt hiền từ dễ thương, long lanh, gợi tình. Chỉ cần liếc mắt cũng đủ thu hút tâm hồn. Còn liếc thêm nữa như dao cắt đứt những trái tim si tình. Mắt đa tình:
Đồng ruộng xanh
Gò má em đỏ
Cặp mắt đen huyền
Cái miệng hay cười chúm chím núm đồng tiền
Có phải thương anh, em ừ một tiếng anh chết liền cũng vui.
Yêu nhau con mắt liếc qua,
Kẻo chúng bạn biết, kẻo cha mẹ ngờ.
Cầm vàng ném xuống vực sâu,
Mất vàng không tiếc, tiếc đôi mắt bồ câu hữu tình.
Thấy chưa, dầu anh có cứng rắn, oai phong anh hùng mã thượng như Từ Hải cũng chết vì hồng nhan mà, đã nói mà không tin!
* Tóc
Ông bà mình nói: “Cái răng cái tóc là gốc con người”. Thật vậy, vì ngày nay người ta dùng DNA của tóc để tìm thủ phạm. Ngay cả việc truy nã tìm ra nguyên nhân cái chết cũng vậy. Cái chết bí ẩn mấy trăm năm của Napoleon cũng phơi bày ra ánh sáng, bởi vì viện nghiên cứu Mỹ đã tìm ra chất arsenic trong mấy sợi tóc đó hay sao?
Tóc em dài, em cài bông hoa lý
Miệng em cười để ý anh thương.
Bới tóc cánh tiên, bỏ vòng lá liễu,
Thấy miệng em cười, trời biểu anh thương.
* Răng…
Ngày xưa phụ nữ chải chuốt, trang điểm má hồng nhưng không quên nhuộm răng đen. Nhuộm răng rất công phu khổ cực nhưng vì muốn đẹp nên họ không có màng.
Thấy em đẹp nói đẹp cười,
Ðẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng.
Vậy nên anh gởi thư sang,
Tình cờ anh quyết lấy nàng mà thôi.
Ðây cũng là một đặc tính miền Nam, vì vào thời 1950-60, dầu răng không hư không đau, nhưng các cô gái quê lại ưa thích bịt răng vàng để … cười lên đi cho răng vàng sáng chói…
Cái duyên dáng của người phụ nữ
Trời sanh ra người phụ nữ nào cũng có duyên dáng mặn mòi, đặc biệt riêng tư mà người khác không có.
Người xấu duyên lặn vào trong,
Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài.
Lễ giáo ngày xưa
Người Việt Nam lúc nào cũng noi theo Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo nên coi trọng hiếu thảo và đạo nghĩa ở đời. Chính vì vậy mà con cái phải tuân lời cha mẹ dạy bảo. Cha mẹ là quyền tối thượng, coi như lúc nào họ cũng đúng bởi họ có quá nhiều kinh nghiệm sống ở đời. Hễ họ phán ra, đặt đâu ngồi đó không được cãi, vì áo mặc không qua khỏi đầu. Trong việc dựng vợ gả chồng, hễ cha mẹ ưng đâu là con cái phải nghe theo, không được cãi. Thậm chí có khi trà dư, tửu hậu vui miệng vừa mới sinh con là gả hỏi cho con rồi.
Phụ mẫu sở sanh, để cho phụ mẫu định.
Trong việc vợ chồng, chờ lịnh mẹ cha.
Ba bốn nơi sang cả phụ mẫu em đành gả,
Em chấp tay khoan đã, chưa tới căn phần.
Phụ mẫu em nói: bất tuân giáo huấn,
Ðem treo cây bần cho kiến nó bu.
Anh thương em, thủng thẳng em ừ,
Anh đừng thương vội, phụ mẫu từ nghĩa em.
Nhiều khi cũng muốn đi lấy chồng, nhưng vì lòng hiếu thảo lại sợ bỏ mẹ già không ai săn sóc.
Ðèn nào cao bằng đèn Châu Ðốc,
Ðất nào dốc bằng đất Nam Vang.
Một tiếng anh than hai hàng lụy nhỏ,
Có chút mẹ già biết bỏ cho ai!
Con cái hiếu thảo, khi cha mẹ qua đời, phải để tang, thờ cúng hương khói ba năm sau, xả tang mới được ghép duyên chồng vợ.
Ba năm tang khó mãn rồi,
Vườn hoang cỏ rậm, bậu ngồi chờ ai.
Vì sông nên phải lụy đò
Vì chiều tối, phải lụy cô bán hàng
Vì tình nên phải đa mang
Vì duyên thiếp biết nay chàng ở đâu.
Tuy nói vậy chớ nhiều khi yêu vội sống cuồng, bồng bột tuổi trẻ đôi khi cũng quên hết lễ nghĩa:
Quan cưới em bằng kiệu em cũng không thèm,
Anh cưới em bằng xuồng ba lá,
Em cũng nguyền theo không.
Nỗi nhớ nhung xa cách người yêu
Đã không vướng thì thôi, một khi đã vướng vào yêu đương thì lòng cứ thơ thẩn, hững hờ như kẻ mất hồn đâu đâu, đứng ngồi không yên, làm gì cũng không xong. Tâm tư lúc nào cũng nghĩ tới người yêu. Đến tối ngủ cũng còn mơ thấy người yêu.
Ðêm nằm tơ tưởng, tưởng tơ,
Chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không.
Em ôm bó mạ xuống đồng,
Miệng ca, tay cấy mà lòng nhớ ai.
Phù sa nước đục khó dòm,
Nhớ anh em khóc đỏ lòm con ngươi
Vắng cơm ba bữa còn no,
Vắng em một bữa giở giò không lên.
Tôi xa mình hổng chết cũng đau
Thuốc bạc trăm không mạnh, mặt nhìn nhau mạnh liền.
Ước gì có cánh như chim,
Bay cao liệng thấp đi tìm người thương!
Phòng loan trải chiếu rộng thình,
Anh lăn qua đụng cái gối, tưởng bạn mình em ơi!
Ai đem em đến Sài Thành,
Phồn hoa ai khéo dỗ dành hở em?
Bông trang trước cửa, ai sửa bông trang vàng,
Ngày thời chuyện vãn nên tối mơ màng thấy em.
Nhớ anh như bút nhớ nghiên,
Như mực nhớ giấy, như thuyền nhớ sông.
Chiều chiều ra đứng ngõ trông,
Ngõ thời thấy ngõ, người không thấy người.
Núi cao chi lắm núi ơi,
Núi che mặt trời chẳng thấy người thương.
Ðèo treo ngọn ái
Nước xoáy ngọn ân
Em thương anh thì xích lại gần
Kẻo mai xa vắng, hai đứa thầm nhớ nhau.
Giả đò mua khế bán chanh,
Giả đi đòi nợ, thăm anh kẻo buồn.
Đã sa vào lưới tình rồi thì trước sau vì cũng lụy vì tình. Trăm người như một bể buồn tình làm nư, mượn hơi men giải sầu. Mà càng giải sầu, sầu lại càng nặng thêm chớ không vơi.
Anh say rượu ngày mai sẽ tỉnh
Kẻ say tình, mãi không tỉnh đâu em.
Lòng thủy chung
Dầu cho có hòa hợp, đầm ấm, khổ cực, gian truân đến đâu cũng có lúc gặp điều trắc trở, ráng mà nhịn nhục cho qua cơn sóng gió. Có như vậy thì trên mới thuận, dưới mới hòa, sống bên nhau đời đời kiếp kiếp.
Tay nâng chén muối đĩa gừng,
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau!
Lòng qua như sắt, nói chắc một lời,
Bạc tiền chẳng trọng, chỉ trọng người tình chung
Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành,
Tàu Tây liệt máy em mới đành phụ anh
Thuyền ơi có nhớ bến chăng,
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền!
Mặc cho cha đánh mẹ treo,
Ðứt dây rớt xuống cũng theo chung tình.
Anh đừng tham cái bông quế, bỏ phế cái bông lài,
Mai sau quế rụng, bông lài còn thơm xa”.
(Anh đừng ham bông quế mà bỏ phế bông lài,
Mai sau quế rụng, bông lài còn thơm).
Bậu với qua gá nghĩa chung tình,
Dầu ăn cơm quán ngủ đình cũng cam.
Ghen tương, hờn dỗi
Hễ thương nhau thì không thể nào chia sẻ tình yêu cho ai hết. Không thể nào có kẻ khác xen vào được. Vì vậy, có yêu thương tức có ghen ghét, đau khổ, thù hận, tàn sát, chết chóc vân vân và vân vân…
Anh ra về, em nắm vạt áo em la làng,
Duyên đây không kết, kiếm đàng đi đâu?
(Anh về, em nắm vạt áo em la làng,
Phải bỏ chữ thương chữ nhớ giữa đàng cho em)
Ðêm năm canh nghe con dế thốt
Ngày sáu khắc lần đốt ngón tay
Hởi ai, duyên cớ ai bày?
Duyên trăm năm lại bỏ, nghĩa một ngày lại theo?
Ðũa mun bịt bạc anh chê,
Ðũa tre lau canh anh mê nổi gì?
Cam sành chê đắng chê hôi,
Hồng rim anh chê lạt, cháo bồi anh khen ngon!
Thương nhau tức có ghen tương, hờn dỗi.
Bần gie đom đóm sáng ngời,
Lỡ duyên tại bậu trách trời sao đang.
Ở nhà quê, tối tới là đom đóm bu đầy mấy cây bần. Muốn bắt cứ tới đó tha hồ mà bắt chơi.
Lời dối trá và cạm bẫy
Ở đời nếu nhẹ dạ, thiếu suy tính, dễ tin, không khôn dễ sa chân vào cạm bẫy thì ân hận suốt đời. Người con gái khôn nên nghe lời cha mẹ là người từng trải chỉ dẫn là tốt nhất. Chính trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư có câu:
Con ơi muốn nên con người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha…
Mà cũng không nên khờ dại nghe lời ngọt dịu, dễ lầm đường lạc lối.
May không chút nữa em lầm
Khoai lang khô xắt lát em tưởng Cao ly sâm bên Tàu.
Khi chưa cầu lụy trăm đàng,
Ðược rồi thì lại phủ phàng làm ngơ.
Tìm bạn tìm kẻ nho gia,
Những người cờ bạc trăng hoa chớ gần.
Chớ nghe quân tử ỉ òn
Mà rồi có lúc ẳm con một mình.
Khôn ba năm, dại một giờ là vậy! Phải vững tâm trí mới được:
Dầu ai nói ngửa nói nghiêng,
Lòng ta đứng vững như kiềng ba chân!
Trách móc
Khi cơm không lành canh không ngọt, gây gổ thậm chí có thể xa nhau, họ cũng không hối tiếc…
Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài,
Dè đâu giếng cạn, tôi tiếc hoài sợi dây.
Anh đừng thấy đó bỏ đăng,
Thấy lê bỏ lựu, thấy trăng bỏ đèn.
Nắng lên cho héo lá lang,
Cho đáng kiếp chàng phụ rẫy tình xưa.
Nắng lên cho héo ngọn dừa,
Ðánh chết cái nết chẳng chừa đổi thay.
Ở xa không biết nên lầm,
Bây giờ rõ lại vàng cầm cũng buông.
Cần Thơ là tỉnh
Cao Lãnh là quê
Anh đi lục tỉnh bốn bề
Mảng lo buôn bán không về thăm em.
Chưa chi anh đã vội về!
Ðã đi, đừng vội, vội về đừng đi.
Trách người quân tử bạc tình,
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao!
Trai tơ ơi là trai tơ
Ði đâu mà vội mà quơ nạ dòng?
Nạ dòng vớ được trai tơ
Ðêm nằm hí hửng như vơ được vàng.
Trai tơ vớ phải nạ dòng
Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu.
Cách tán gái liều lĩnh, táo bạo
Tuy chất phác thật thà, nhưng ca dao cũng hóm hỉnh quê mùa, đượm mùi lãng mạn, mà nhiều khi cũng táo bạo, sỗ sàng ngang tàng không thua gì các chàng cowboy.
Dao phay kề cổ, máu đổ không màng,
Chết thì chịu chết, buông nàng anh không buông.
Em thương anh công khai, không còn sợ lộ
Dầu cho dao phay kề cổ
Dầu cho cha mẹ đánh trăm roi
Chết thì chịu chết, lìa đôi không lìa!
Canh mướp nấu với mùng tơi,
Húp vô một miếng, chàng ơi em nè!
Thấy không canh mướp nấu với mùng tơi nó ếp phê lắm đấy các bạn ơi, đâu có cần tới Viagra!
Cô kia bới tóc đuôi gà,
Nắm đuôi cô lại hỏi nhà cô đâu?
Thôi thôi buông áo em ra,
Ðể em đi bán kẻo hoa em tàn.
Hoa tàn thì mặc hoa tàn,
Anh mới gặp nàng, nàng bảo anh buông!
Con ếch ngồi dựa gốc bưng
Nó kêu cái “quệt”, biểu ưng cho rồi.
Anh thương em, thương quấn thương quít,
Bồng ra gốc mít, bồng xích gốc chanh,
Bồng lui sau lái, bồng bậy vô mui,
Bồng lủi sau lái, bồng ngoái trước mũi,
Bồng chúi vô mùng, thương lún thương lụn,
Thương lột da óc, thương trốc da đầu,
Ngủ quên thời nhớ, thức dậy thời trông.
Mối tình câm
Ngày xưa muốn cưới vợ phải ở rể, kể như làm việc không công. Sau ba năm thử thách mới biết được nàng ưng hay không, hay phải ôm móp về quê. Thiệt là quê chết đi thôi.
Ban ngày dang nắng, tối lại dầm sương,
Công lao tôi khổ mình thương không mình.
Gá duyên chẳng đặng hội nầy,
Tôi chèo ghe ra sông cái, nước lớn đầy… tôi chèo vô!
Buồn vì thất tình muốn tự tử nhưng vì sợ chết nên chèo ghe vô…
Thương nàng đi xuống đi lên,
Nát bờ cỏ chỉ chưa nên vợ chồng.
Em như trái phật thủ khác gì,
Ðẹp thì thấy đẹp, ăn thì khó ăn.
Ðờn độc huyền nhỏ tiếng kêu thanh
Anh bỏ em đi cưới vợ sao đành
Em kêu trời một tiếng chim trên cành phải rơi.
Có yêu thì nói rằng yêu,
Chẳng yêu thì nói một điều cho xong.
Làm chi dở đục, dở trong,
Lờ lờ nước hến cho lòng tương tư!
Bao nhiêu lời nói những hồi, Bỏ vô nồi nấu sôi rồi đổ đi.
Còn có nhiều câu ca dao nói về tình yêu, nhưng không thể đem hết ra đây, xin chỉ ghi những câu đặc biệt trên đây thôi.
Những câu đó thật là hóm hỉnh vui tươi, lại chứa không những là tình yêu mà còn chứa nhiều triết lý về nhân sinh, đạo nghĩa và lẽ sống trong tình trường. Tuy nó ngắn gọn lại hàm chứa những lời giáo huấn đáng học hỏi.. Nó giúp ta học được cái hay, cái xấu, cái đẹp và lẽ phải trong tình trường mà theo.
Ðố ai quét sạch lá rừng
Ðể ta khuyên gió, gió đừng rung cây.
Rung cây, rung cột, rung cành
Rung sao cho chuyển lòng anh với nàng.
Hay
Quạ kêu nam đáo nữ phòng,
Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương.
Chỉ điều ai khéo vấn vương,
Mỗi người mỗi xứ mà thương nhau đời.
Hể tâm đầu ý hợp, đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn là vậy.
Mặc dầu vợ chồng sống chung với nhau mấy chục năm với bầy con khôn lớn, nhưng trước sự suy đồi của nền văn hóa Khổng Mạnh, lối sống kim tiền đầy vật chất, coi nhẹ sự trung tín và liêm sĩ, lòng dạ con người thay đổi… nên cô nàng lo sợ ngày nào đó có nguy cơ mất chồng. Để ăn chắc, cô đánh bạo hỏi thử lòng chàng trong ba điều kiện: bên nghĩa, bên tình và quốc gia đại sự, anh thử coi anh chọn điều nào đây mà anh cho là quan trọng?
Xin anh hãy bình tỉnh mà nghe và suy nghĩ kỹ lưỡng đây:
Quân thần cang, Phụ mẫu cang, Phu thê cang
Thiếp với chàng vốn thiệt vô can,
Ðêm nằm hoài vọng mơ màng nghĩ chi?
– Ủa, sao hôm nay em hỏi kỳ vậy? Vậy mấy chục năm nay em biết rõ tánh tình anh nhiều mà. Anh thiệt hết lòng thương yêu em mà!
– Thôi đi anh ơi, thời buổi này khó mà tin mấy ông lắm. Biết đâu đùng một cái anh về Việt Nam đem cô nào về đây, chết đời mẹ con em!
Thật là khó cho chàng trả lời, bởi vì làm con phải lấy hiếu đạo làm đầu, thờ cha kính mẹ là lẽ đương nhiên rồi. Mà làm người trung cang phải nghĩ tới đất nước, phải làm tròn nghĩa vụ quốc gia dân tộc. Còn đạo vợ chồng là giềng mối gia đình xã hội rất là quan trọng mà không giữ được thì còn gì là hạnh phúc gia đình, con cái, rồi làm sao mang trọng trách quốc gia dân tộc.
Thật là khó xử quá. Lớ quớ là bị mắc bẫy. Nguy hiểm quá đi thôi. Sau khi đo đắn, ông chồng sẽ trả lời sao cho vẹn toàn đây:
Làm trai giữ trọn ba giềng,
Thảo cha, ngay chúa, vợ hiền chớ vong.
Ước mong những câu ca dao trên giúp quý vị học hỏi được tình đời, cách cư xử ở đời sao cho nó vuông tròn, thì tình yêu không thể nào sứt mẻ được.
Nếu có chi sơ xuất, xin quý vị chỉ cho chúng tôi sửa lại.
Rất cám ơn.
Sách đọc thêm:
1. Ðào Văn Hội: Phong Tục Miền Nam qua mấy vần Ca Dao, Ðại Nam. Sàigon 27/9/1958.
2. Ðoàn Thị Thu Vân: Chất hóm hỉnh trong Ca Dao – Tình Yêu Nam Bộ (www.thoangsaigon.com)
3. Mã Giang Lân: Tục Ngữ Ca Dao Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh Niên.
4. Tinh Tuyến: Ca Dao dân ca Việt Nam…
5. Võ Thành Tân: 1001 câu ca dao về người phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh Niên.
6. Vương Kim Hùng ghi mấy câu ca dao “Tiều Châu”. Rất cám ơn.