ÐÀN ÔNG ĐI BIỂN CÓ ĐÔI

Bác sĩ Phan Giang Sang

(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG II – Y HỌC & ÐỜI SỐNG 2010)

“ÐÀN ÔNG ĐI BIỂN CÓ ĐÔI,
Ðàn Bà Đi Biển Mồ Côi Một Mình”.
(Ca dao)

Câu ca dao nầy nói lên số phận đau khổ lẻ loi mà người phụ nữ phải chịu đựng. Lúc vui vầy thì có vợ lẫn chồng bên nhau. Mà có gặp khó khăn đi nữa, đàn ông cũng có vợ hiền kề bên chia xẻ nỗi buồn. Nhưng khi người phụ nữ đi sanh đẻ, khó khăn, nguy hiểm thì chỉ có “thân gái dặm trường”! Không một ai, kể cả người chồng, kề cận bên nhau để chia xẻ niềm đau nỗi khổ nhứt đời, cũng không! Ðó là ý nghĩa câu ca dao nầy nói lên số phận đau khổ lẻ loi mà người phụ nữ phải chịu đựng.

Ðể giúp các ông chia xẻ nỗi đau đớn lúc sanh, ngày nay nhà bảo sanh thường khuyên các ông vào dự kiến nỗi đau đớn, để thương vợ con thêm. Nhưng rất ít người chịu vào chứng kiến, vì công vụ ở xa, hay bận việc làm ăn, mà cũng vì theo phong tục tập quán thì họ sợ mất hên. Cho nên có vào đi nữa, theo cuộc phỏng vấn trước đây, thì 10 người hết 8, đều cho họ không thấy, vì họ xây lưng hay nhắm mắt, họ chỉ mở mắt vui mừng khi nghe tiếng ré khóc của hài nhi!

Không phải người phụ nữ chỉ bị đau đớn không thôi, mà nhiều khi chỉ một chút sơ xuất trong lúc lâm bồn, thai phụ có thể chết dễ như chơi. Thật ra rất khó mà lường trước được.

Ðương lành mạnh lại có thể tịch luôn vì bịnh hoạn trước hay khi có thai như tiểu đường lên máu; hay lúc đang sanh khó, nhiễm trùng, nhau tách bong (abruptio placentae), sốc (shock); sau khi sanh bị làm băng, tử cung không co thắt, nhau không trốc (placentae accreta), rất khó mà lường trước được…Có một việc cần tránh là không nên nằm một chỗ sau khi sanh, nhứt là nằm lửa than ba tháng rất nguy hiểm, vì máu sẽ đông lại gây viêm tĩnh mạch sâu, có thể đưa tới bại xụi, chết oan…

Chính vì thế, chúng ta đã từng là con, là chồng hay là cha, hãy nghĩ tới niềm đau nỗi khổ của người mẹ, người vợ, người con trong lúc lâm bồn thập tử nhất sinh, mà thương yêu kính trọng, chăm lo cho họ.

Tôi luôn luôn tôn kính và tưởng nhớ tới những bà mẹ, nhứt là má tôi đã mang nặng đẻ đau sanh và dạy dỗ tôi, cho nên người. Má tôi sanh bảy lần được tám người con, bảy trai một gái.

Hình ảnh bà mẹ quê 60 năm về trước, nửa đêm chịu khó cầm cây đèn cốc leo lét, ra kiểm soát coi con ngồi học hay đọc sách nhảm nhí.

Hồi nhỏ tôi thường theo má đi chùa chiền, cúng mộ thanh minh đông chí. Ai có bịnh gì cũng kiếm má tôi, má giúp họ miễn phí. Ðiều làm tôi ngạc nhiên, kỳ lạ nhứt là có người bị mắt đỏ, mà má tôi cắt lễ trên lưng lấy con sâu ra lại hết bịnh?

Sau nầy khi học y khoa tôi hỏi Gs N Ð Các, ông cho biết đó là Gnathostomiasis. Ông có bài nghiên cứu nó trong khóe mắt (1).

Sở dĩ má tôi biết cũng nhờ theo ông ngoại tôi là thầy thuốc từ bên Tàu sang. Theo má tôi kể là ông rất nổi tiếng nhưng không truyền nghề cho người cậu duy nhứt về Tàu học lại ham mê cờ bạc, trác táng, không ra gì. Trước khi chết, ông đốt hết sách và cấm cậu làm thầy thuốc vì sợ cậu làm bậy, không tốt.

Má thấy tôi siêng mà hiền quá, nên mới dạy tôi rất nhiều điều, trong đó có nói giá trị con người không phải là mảnh bằng bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, xe hơi, nhà lầu giàu sang… mà là tấm lòng bao dung, quảng đại biết thương yêu người cơ hàn, già yếu, hoạn nạn. Má nhắc nên vui trong niềm vui nhỏ của kẻ khác, mà mình đã giúp…

Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
(Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Nhân mùa Vu Lan tôi càng nhớ má, rất tiếc là giờ đây má không còn nữa để dẫn dắt con thêm.

Ba tôi thì cho tôi “giúp cho người ta ăn là mình ăn lá”. Ba (cũng là Hải Nam từ bên Tàu sang) chỉ dạy cho tôi thêm câu “Trung thư hữu mỹ nhân” (2), mà nay tôi cũng truyền lại các con tôi chỉ vỏn vẹn câu nầy.

Còn người y sĩ cần nghĩ tới việc phải làm gì, để giúp cho thai phụ được “Mẹ tròn con vuông”? Ðó là tâm niệm mà người có tâm đạo luôn luôn ôm ấp tận đáy lòng, để lo cho họ vơi đi niềm đau nỗi khổ lúc sang biển. Mà biển, dầu thấy êm đềm, xanh tươi mát đẹp đẽ, không cơn sóng, lại hay nổi cơn thịnh nộ lôi đình bất thần, không biết đâu mà lường, đến đài khí tượng còn không đoán ra. Nên nó nhận chìm xuồng, thử hỏi coi làm sao thai phụ yếu đuối với cái bầu có thể vượt qua biển được? Chỉ có người y sĩ ra tay nghĩa hiệp giúp họ thôi…

Sau đây là vài bịnh đe dọa sinh mạng thai phụ.

Xin tóm tắt trường họp sinh tử:

Một hôm có ông nhà quê, ăn mặc lôi thôi, nghèo nàn gỏ cửa nài nỉ xin vào thăm, lại có mang cái bị bố, làm tôi sợ mất hồn vía.

Thiệt mà nói, kể từ ngày học tập cải tạo về, cái gì cũng làm tôi sợ, cả người thân cũng không dám tin. Ơng nài nỉ ỷ ôi tặng cho một chục quít nhà để cám ơn cứu mạng vợ ông. Có từ chối cũng không được, làm tôi hết sức cảm động. Một người nhà quê còn biết ơn, có tình, có nghĩa, bất chấp khó khăn nguy hiểm, trong lúc tôi còn bị quản chế (tức quản thúc trong nhà, không được ra khỏi nhà, không được giao thiệp với ai cả).

Số là vào năm 1974, ông mang bà vợ đang hấp hối, không ai buồn mổ cho bà. Ông khóc và van xin cứu mạng vì còn năm đứa con nhóc nheo ở nhà. Thấy ông năn nỉ lạy lục quá, tơi cầm lòng không đậu, đành liều ra tay cứu giúp. Tôi xin anh trưởng khu giải phẩu để thử coi có giúp gì cho bà. Khi đẩy bà vào phòng mổ, có tiếng văng vẳng “điếc không sợ súng!”.

Mạch không có, phải cắt tỉnh mạch chân truyền nước biển mà bà không biết đau. Không gây mê được, đành mỗ sống. Đứa bé trai đã chết. Tôi hết sức lo sợ và hòan tòan thất vọng. Cầm máu xong. Trong lúc may thành bụng, bà hơi cử động. Mọi người rú lên mừng. Cơ Lệ chuyên viên gây mê (hiện làm việc tại bịnh viện St Vincent Melbourne) cho ngửi chút Ether, nếu không, khó mà đóng bụng được. Sau khi đưa bà ra tới cửa phòng mỗ, cô Bảy Minh, y tá phòng hồi sinh (hiện sống ở St Johns Park, Sydney) đưa bà về phòng…Ai hỏi, tôi chỉ biết nói “tôi làm, trời cứu bà”

Sở dỉ tơi liều vì tôi còn nhớ là thầy Trần Đình Đệ, Gs Sản phụ khoa Từ Dũ, sau làm cho WHO, đã dạy: dầu chỉ có dao phay cũng phải mổ cứu người!

LÊN MÁU LÚC MANG THAI

Gần đây bịnh cao áp huyết gia tăng không những ở người thường, mà nó còn gây nhiều khó khăn cho thai phụ. Ðang mang thai mà bị lên máu rất ít xảy ra ở các nước tân tiến. Tuy vậy nó có rất nhiều đối với các cộng đồng Á Châu như Việt Nam, Trung Hoa và vân vân…

Tại Úc, 10% thai phụ bị lên máu thì có 3% bị biến chứng.

Hằng năm có 8000 người bị động kinh. Phương pháp điều trị bịnh trạng nầy khác hơn người thường và biến chứng của nó khó mà lường trước được, cho nên quý bà nào có thai xin đừng có khinh thường, mà nên cẩn thận là hơn.
Một trong những nguy hại là bị kinh phong lúc mang thai. Nó sẽ đưa tới tử vong hoặc cho con, hoặc mẹ hay tại hại nhứt là mẹ lẫn con.

Chính vì vậy mới có câu ca dao nầy:
‘Ðàn ông đi biển có đôi,
Ðàn bà đi biển mồ côi một mình’

Tại sao cộng đồng chúng ta lại bị bịnh nầy nhiều hơn người bản xứ? Thật ra người Việt chúng ta có tập quán, thói quen ăn mặn “càng mặn mà, càng ngon”. Cách nấu các món ăn cổ truyền cho thai phụ và sản phụ rất mặn: cá lóc hay thịt kho khô, kho quẹt, thơm ngon đáo để, nhắc tới đã thèm rồi, nhưng nó mặn ư là mặn.

Còn nữa, nhiều thai phụ rất chểnh mảng trong việc đi thăm thai, vì cho là mất công, mất thì giờ vô ích. Họ cho là chỉ có cân đo, thử nước tiểu đâu có gì đâu mà cứ bắt đi thăm hoài. Ở nhà may thêm mớ đồ kiếm tiền hay hơn? Ý nghĩ nầy hoàn toàn không đúng, rất nguy hiểm. Họ nên đến bác sĩ gia đình cân, đo máu và thử nước tiểu thường xuyên, là điều tối cần thiết. Chỉ có bác sĩ gia đình là người theo dõi, phát hiện máu lên sớm nhứt và trước nhứt ngỏ hầu điều trị kịp thời để tránh tai họa hiểm nghèo, cho thai phụ và thai nhi.

Có nhiều loại lên máu, lúc có thai:

1. Lên máu trước khi có thai. Nó rất khó điều trị và gây rất nhiều tai biến.
2. Lên máu vì bịnh thận mà ra.
3. Lên máu sau tuần thứ 20/40 của thai kỳ. Lên máu lúc mang thai thuộc gestational hypertension có tiên liệu tốt. Còn kiểu tiền làm kinh pre-eclampsia thì xấu.
4. Lên máu làm kinh (eclampsia).

Thế nào là lên máu lúc mang thai?

Máu lên khi nào huyết áp cao trên 140/90. Khi thu tâm, tim bóp tống máu ra để luân lưu khớp nơi trong cơ thể trên 140 và trương tâm lúc máu chạy vào tim trên 90. Cũng có thể theo trường phái xưa là thu tâm lên cỡ 30mmhg, hay trương tâm lên trên 15mmhg.
Thí dụ: trước 110/ 75 bây giờ 145/75 hay
trước 120/75 bây giờ 120/92 hay cả hai

Nên nhớ là áp huyết ở thai phụ có khác hơn lúc bình thường một chút. Tốt nhứt là đo bằng máy dùng mực thủy ngân mới đúng.

Chính vì khi mang thai máu bị lên và sau khi sanh, máu mới trở lại bình thường, cho nên người ta nghi nó là do lá nhau, tức do progesteron. Sự thật cho tới giờ nầy, phụ nữ bị lên máu lúc mang thai vẫn còn là điều bí ẩn.

Yếu tố nguy hiểm dẫn đến làm kinh

• Có thai lần đầu, mà cũng có thể có thai nhiều lần.
• Lần đầu không có, nhưng lần sau có vì đổi phối ngẫu.
• Lần trước có, lần sau có thể có lại.
• Tiền sử gia đình có bịnh nầy.
• Người mập mạp, đau thận, tiểu đường dễ bị hơn.
• Bịnh miễn nhiễm: SLE (systemic lupus Erythomatosis) Ðông máu.

Làm thế nào biết bị bịnh nầy?

Bịnh nhân thường than:
• Ðau bụng vùng trên, giật run…
• Nhức đầu, mắt thấy đốm đen, có chỉ máu ở đáy mắt, co giật.
• Thai chậm lớn.
• Thử máu, tìm coi lượng huyết sắc tố, tiểu cầu.

• Thận: Suy thận cấp tính, creatinine, uric acid, potassium…
• Gan: diêu tố hay men gan và mật (đởm).
• Thử nước tiểu: protein…(chất đạm)
• Chân: sưng, co giật, phản xạ nhanh

Ba triệu chứng rất quan trọng đưa tới làm kinh là:
1. Lên máu.
2. Protein trong nước tiểu.
3. Sưng chân.

Thai phụ khi thấy ba điều nầy, phải đến bác sĩ gia đình ngay, để chữa trị hoặc vào bịnh viện điều trị cho kịp thời.

Chữa trị bịnh lên máu lúc có thai

Các loại thuốc khác không được dùng. Tỉ dụ như đương dùng Betalock, phải đổi thành Labetolol hay Methyldopa.

Tuyệt đối không được dùng thuốc của bất cứ ai chỉ dẫn, hay cho mình, bởi vì bệnh của người nầy không giống bệnh của người kia. Phải nhờ bác sĩ gia đình hướng dẫn.

Bịnh nặng phải nhập viện, để chích gân IVI Hydralazine và uống Nifedipine. Bịnh nhân được theo dõi xem thận có bị suy yếu hay không, xem có triệu chứng thần kinh hay không. Khi có triệu chứng thần kinh thì Magnesium sulfate được chuyền ivi ngay. Nếu cần phải cho sanh sớm liền.

Thuốc chánh Lượng thuốc Biến chứng
Methyldopa 0.5-2g khô miệng, buồn ngủ, trầm cảm.
Oxprenolol 80-480mg chiêm bao, cuống phổi co thắt.
Labetolol 0.2-1.2g mệt, cuống phổi co thắt.
Thuốc phụLượng thuốc Biến chứng
Hydralazine 25-200mg mặt phừng đỏ, nhức đầu, nôn ói, sưng chân.
Prazocin 1-15mg áp huyết thấp, sưng mình mẩy tay chân
Nifedipine 40-100mg phừng mặt, nôn mửa, nhức đầu…

Tiên lượng

Có người bị lên máu nhẹ, chỉ cần cử ăn mặn, còn lên vừa vừa thì vừa cữ kiêng vừa uống thuốc như trên. Có triệu chứng làm kinh, tiên lượng cũng tốt, tuy nhiên trong thời kỳ thai nghén: 50% bị lên cơn cao huyết áp nặng, 20% bị suy thận, gan bị xáo trộn, tiểu cầu thấp, xáo trộn thần kinh…

Nếu bịnh nặng, thường hay gọi là thai độc, thai phụ hay thai nhi, hay cả hai có thể chết dễ dàng trong khi làm kinh, mặc dầu ở Úc có đầy đủ phương tiện.

Sau khi sanh, số tử vong ở sản phụ nầy rất cao, tới ba lần cao hơn sản phụ bình thường.

Nếu không có gì khó khăn, thì sau khi sanh xong họ sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, nên đến bác sĩ gia đình và nếu cần phải nhờ bác sĩ chuyên khoa về thận để theo dõi trong ba tháng đầu.

Chính vì những lý lẽ trên, xin đừng có khinh thường việc cân, đo máu, thử nước tiểu thường xuyên trong thời kỳ thai nghén. Chỉ có việc nầy mới phát hiện sớm triệu chứng lên máu, và tiền làm kinh, để chữa trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

BỊNH TIỂU ĐƯỜNG LÚC MANG THAI

Ngày nay bịnh tiểu đường gia tăng rất nhiều nhứt là khi có thai và sau khi có thai hơn xưa. Riêng chúng tôi nhìn thấy rất nhiều sản phụ mình tại đây bị bịnh tiểu đường rất nhiều, mà chúng tôi ít thấy ở VN. Đây là do hậu quả của sự thay đổi nếp sống, môi sinh và đồ ăn thức uống nơi nầy. Tại Úc nó gia tăng tới sáu lần từ năm 2000 tới 2007.

Tính tới tháng 12/2006, thì có 10.000 sản phụ mắc bịnh tiểu đường. Như vậy theo sự ước tính chắc đến năm 2012, sẽ có ít nhứt là 90.000 sản phụ mắc bịnh nầy.

Theo sự nghiên cứu của Gs Norm Beischer, đại học Melbourne, trong Tập san Sản phụ khoa Úc NZ, thì bịnh tiểu đường (Gestational Diabetes Mellitus GDM) ở sản phụ Á Châu gia tăng rất nhiều, nhứt là người Việt Nam mà ông đã từng theo dõi trên 2 thập niên qua. Theo ông thì 1521 sản phụ VN đi sanh có 126 người mắc GDM tức 7.8%, so với Úc chỉ có 4.3% thôi.

Nguy cơ mắc bịnh loại II tiểu đường lúc có thai lên tới 25% trong thập niên tới, riêng người Indian và Pakistani tới 80%.

Ðây là vấn nạn quốc gia, ông Tony Abbott kêu gọi nên tổ chức Hội đồng chánh phủ về loại II tiểu đường, và BS Gary Deed làm hội trưởng. Gs Chris Nolan, Hội trưởng bịnh tiểu đường ở phụ nữ mang thai rất hoan nghinh và đề nghị sẽ cho thử máu đường dung nạp Glucose Tolerance Test (GTT) cho họ mỗi 2 năm, như thử tìm dò ung thư cổ tử cung. Gs Jonathan Shaw, Phó Hội trưởng quốc tế về bịnh tiểu đường cũng hoan nghinh, nhưng ông đề nghị tìm phương hướng cho bịnh thai nghén tiểu đường, tìm bịnh, giáo dục, đường dây website và giáo dục ở học đường nữa. (MO 6/4/07 p.1)

Phụ nữ bị bịnh GDM có nguy cơ mắc bịnh tiểu đường loại II sau nầy 10 lần nhiều hơn người thường. Từ 10 tới 50% GDM sẽ mắc loại II tiểu đường trong vòng 10 năm. Sở dĩ có việc nầy là vì sau khi sanh, họ bận bịu hy sinh lo việc gia đình và con cái, mà quên đi bản thân. Hy vọng quý bà quý cô nên thận trọng chăm sóc mình, để có sức lo cho gia đình.

Định nghĩa GDM

GDM có thể định nghĩa là bất cứ mức độ nào đường không dung thứ nhận thấy lần đầu ở sản phụ. Như vậy có thể họ có trước mà không biết, hoặc người mới thấy lần đầu, hoặc đã từng bị trước. Có thể là lần đầu tiên biết được loại I, mà cũng có thể là loại II chưa được định bịnh, hay là tiểu đường gây ra do thai nghén trước và sau khi sanh.

Sản phụ mắc GDM là do lá nhau tiết chế kích thích tố hormones để nuôi dưỡng cái thai. Ðó là chất placental lactogen, nó giúp thai nhi tăng trưởng. Nó biến đổi năng lượng của mẹ để giúp sự tăng trưởng của thai nhi, nhưng nó ngăn chặn hoạt động của insulin cho cơ thể của bà mẹ. Việc nầy đưa tới hiện tượng lờn insulin, thành ra cơ thể của bà mẹ không dùng được insulin.
Muốn vượt qua trở ngại nầy, bà phải cần số lượng insulin ba lần nhiều hơn mới được.

GDM bắt đầu khi cơ thể sản phụ không dùng được hay không tiết chế đủ insulin. Vì thiếu insulin nên lượng đường trong máu cứ gia tăng mãi.

Khi nào phát hiện lượng đường cao?

Phần nhiều GDM được phát hiện vào đệ nhị hay đệ tam cá nguyệt, tức từ 24 tới 28 tuần. Sau khi sanh nó sẽ trở lại bình thường, tuy nhiên có một số ít tiếp tục bị bịnh tiểu đường (DM).

Muốn biết được GDM cần phải thử nước tiểu, nhưng muốn chắc chắn phải thử máu, vì nước tiểu cho biết có bị bịnh tiểu đường hay không thôi. Theo tiêu chuẩn của Úc, GDM phải ít nhứt là 5.6mmol/L khi nhịn ăn, hoặc 8mmol/L 2 giờ sau khi uống nước đường dung nạp (Australian criteria). Muốn khơii sự dùng insulin phäi thử máu ba lần cao hơn 8mmol/L (hiện nay có trường phái cho rằng chả cần +/-7mmol/L là đủ cho thuốc rồi).

Tại Úc, tất cả sản phụ phải thử đường  vào tuần thứ 24, 28 và 40.

Tỉ lệ ở Úc là 4-8%. Theo sắc dân thì nhiều nhứt theo thứ tự là Ấn Độ, Trung Hoa, Thổ Dân, dân các đảo Thái bình Dương, Việt Nam, Trung đông…

Ngòai sắc dân còn có những yếu tố nguy hại khác như:
• Tiểu Ðường
• Trên 30 tuổi phì mập
• Gia đình sử có DM
• Lần sanh trước có GDM

• Lần trước sanh con to lùn, nước ối nhiều, thai nhi chết trước hay sau khi sanh

Ảnh hưởng GDM

GDM rất tác hại chẳng những đối với bà mẹ còn đối với thai nhi nửa.

a. Người mẹ:
Nguy cơ bị mổ bắt con, sanh giục vì thai nhi to lớn khi sanh.
Nguy cơ trong tương lai xa, gần sẽ bị bịnh tiểu đường
Nguy cơ phì mập do chuyển hóa đưa tới bịnh tim mạch, máu nhồi cơ tim và tiểu đường.

b. Thai nhi:
Thai nhi to bự hơn tuổi của nó
Thai nhi tử vong trước hay sau khi sanh.
Về sau gì cũng bị phì mập do dễ bị bịnh chuyển hóa, nguy hại cho tim mạch.

Điều trị và Phòng ngừa

Muốn điều trị GDM không gì hơn là phải giữ cho lượng đường ở mức độ bình thường. Ðể đạt kết quả đó phải:

• Ăn kiêng và chích insulin. Phải làm sao cho đường lượng trở về bình thường trên dưới 6 mmo/L.
• Ăn kiêng là phần tối cần thiết. Kiêng cữ đồ ngọt, dầu mỡ thái quá có thể bị ketone trong máu và xuống kg. Tuy kiêng nhưng vẫn phải có đầy đủ các chất đạm, calcium, folic acid.
• Nên ăn chút ít, ăn nhiều lần trong ngày, tự thử máu luôn để theo dõi đường lượng trong máu.
• Ăn healthy food như rau cải, trái cây… không sao. Mục đích của kiêng cữ là để tránh những tai hại cho thai nhi đã lược kê ở trên.
• Các phương cách trên tránh được sanh con to quá kí, nhưng vẫn dễ bị mỗ bắt con.
• Nếu theo dõi, điều trị đúng phương pháp, con sanh ra hiếm có dị tật. Nếu không trị hay không hay, con dễ bị to, đường lượng trong máu thấp, nhứt là thở khó sau khi sanh.
• Thể thao thể dục nhẹ, vừa vừa, bơi lội, đi bộ 30 phút mới thôi.
• Nếu muốn có thêm con cái cho vui nhà vui cửa, thì nên cho thử máu coi có lờn insulin không?
• Kiêng cử hút thuốc, uống rượu, dùng thuốc có hại cho sức khỏe cũng dễ bị nhiễm trong khi mang thai.
• Tránh thuốc hạ cholesterol statins, thuốc hạ huyết áp ACE.
• Không dùng thuốc metformin mà chỉ chích Insulin thôi.

Sau khi sanh, bịnh tiểu đường sẽ hết ngay, tuy nhiên có một số ít vẫn còn bị bịnh. Muốn phòng ngừa thì phải theo dõi, thử máu nhứt là các kỳ thai sau phải cẩn thận theo dõi… tại vì trong tương lai những người nầy rất dễ mắc bịnh tiểu đường. Chơi thể thao và kiêng cữ mới tránh được bịnh nầy. Có thế khi mang thai cũng giúp tránh bị nguy hiểm trầm trọng vì thai nhi.

Chúc các thai phụ và các bà mẹ mọi sự an lành và nhiều sức khỏe để dưỡng dục con cái cho nên người.

Chú giải

1. Gnathostomiasis: Ðây là loại lải gnathostoma spinigerum của chó mèo thường thấy ở Ðông Nam Á Châu. Trứng nở dưới nước qua trung gian loài ốc nhỏ và cá. Nếu ăn cá sống hay uống nước phải nhằm cyclops. Lải nằm trong tế bào phổi, thân, não và mắt. Lải cũng có thể thấy nằm dưới da. Thật ra thử nghiệm kháng thể mới biết được.

2. Nhà văn Phan Lạc Phúc cho “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc” mới đúng. Xin cám ơn bác.

Tài liệu:

1. Gestational diabetes mellitus, Pr. Aidan McElduff, Dep. Endocrinology, Royal North Shore Hoap. St Leonards, NSW. MO 24/03/06, p29.

2. What you can do to lower your risk of gestational diabetes, Dr David Knight. Gynaecologist, Repprodructive endocrinologist 2007