Tưởng niệm ngày tử tiết của cô Nguyễn thị Giang, 18-6-1930
Sưu tập: Võ Phi Hùng, PKý 67-74
Vào ngày 18-6-1930, sau khi Nguyễn Thái Học, đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng, hy sinh thân mình cho đại cuộc, thì người hôn thê là cô Nguyễn thị Giang cũng đã tự kết liễu đời mình ở quê quán của ông. Cô có để lại hai bức thư ngắn như sau [1]
Bức thư thứ nhất.
Ngày 17 tháng 6, 1930
Thưa Thầy Mẹ,
Con chết là vì hoàn cảnh đã bó buộc con: Không báo thù được cho nhà, rửa được nhục cho nước! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở đền Hùng, giờ con tìm về chỗ quê cha, đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con!
Đứa con dâu thất hiếu kính lạy.
Bức thư thứ hai.
Anh đã là người yêu nước!
Không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước, Anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về mà chiêu binh, rèn lính ở dưới suối vàng!
Phải chịu đựng nhục nhã, mới có ngày mong được vẻ vang! Các bạn đồng chí phải sống lại sau Anh, để đánh đổ cường quyền, mà cứu lấy đồng bào đau khổ!
Thơ:
Thân không giúp ích cho đời!
Thù không trả được cho người tình chung!
Dẫu rằng đương độ trẻ trung,
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.
Con đường tiến bộ mông mênh,
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao!
Bây giờ hết kiếp thơ đào
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây!
Dẫu rằng chút phận thơ ngây,
Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên!
Chết đi dạ những buồn phiền,
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình!
Quốc kỳ phất phới trên thành,
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ.
Cực lòng nhỡ bước sa cơ!
Chết sầu, chết thảm, có thừa xót xa!
Thế ru ? Đời thế ru mà ?
Đời mà ai biết ? Người mà ai hay ?
Sự hy sinh tự kết liễu đời mình để theo người yêu đã được nhiều người dân ca tụng và biết ơn đến. Xin ghi lại nơi đây bài học thuộc lòng của những năm 60 ở miền Nam.
Ai qua Nguyễn Thái Học
Ai lại đường Cô Giang.
Nhìn tên anh tên chị
Oai hùng và hiên ngang
Suốt đời anh tranh đấu,
Cả đời chị hy sinh
Cho Việt Nam yêu dấu
Để nòi giống quang vinh.
Ngày mười bảy tháng sáu,
Anh vĩnh biệt chúng tôi
Anh đi đền nợ nước
Nụ cười nở trên môi,
Đau thương hờn căm uất
Chị về quê hũy mình
Chuyện không thành hậm hực,
Cho vẹn toàn tiết trinh
Nguy nga rừng Yên Bái,
Cách mạng dẫu không thành,
Tên anh và tên chị
Đẹp huy hoàng sử xanh…
(nguồn: Nguyễn Đình Hoà)
Nhiều tên đường ở Saigon đã được mang tên các vị, và cũng trùng hợp thay khi hai đường Cô Giang và Cô Bắc cùng giao điểm trên đường Nguyễn Thái Học. Ngày nay vẫn còn đông người tấp nập qua lại trên ba con đường này ở gần Cầu Ông Lãnh, quận 1, nhưng thử hỏi có ai biết đến sự kiên cường đóng góp của hai cô trong vai trò liên lạc và tiếp vận vũ khí cho cuộc khởi nghĩa Yên Báy, theo như cụ Hoàng Văn Đào cho biết trong quyển VNQDĐ Lịch sử đấu tranh cận đại [2]. Sau cuộc khởi nghĩa thất bại và Nguyễn Thái Học không may bị bắt giam, cô Giang làm người liên lạc giữa Nguyễn Thái Học và Nguyễn Hữu Cảnh người kế vị chức vụ Đảng trưởng, để tiếp tục công việc cách mạng. Theo cụ Đào, cô Giang còn làm cố vấn cho Đảng và được mọi người nghe theo tới ngày cô chết. [3]
Lời viết trên đã sao lại từ Louis Marty, chánh sở Mật thám Đông Dương, đúc kết trong quyển tường trình cho nhà nước Pháp [4]. Tài liệu mật thám này còn cho biết thêm là cô Giang còn chủ mưu các vụ ám sát những người bội phản Đảng, và nguy hại hơn hết là dự định sát hại Vi Văn Định, tổng đốc Thái Bình, và toàn quyền Đông Dương Pasquier. Những điểm này cho thấy cô không phải là nữ nhi thường tình, mà có dũng khí – không hề sợ hải và tiếp tục can trường chống chọi trước sức mạnh của kẻ thù.
Những năm gần đây hơn, qua sự tham khảo thêm tài liệu từ Archives Nationales d’Outre-Mer (ANOM), giáo sư Sử học Micheline Lessard đã cho ta biết thêm một vài dữ kiện mới: Louis Marty nói rằng VNQDĐ có những chi bộ phụ nữ và những người trong đó đóng một vai trò “không thể bỏ qua”. Đặc biệt đối với cô Nguyễn Thị Giang, Marty mô tả là người có “hoạt động cách mạng vượt qua Nguyễn Thái Học”. Một trong những vai trò quan trọng của cô Giang là người lo việc tuyên truyền, và nó rất đa dạng gồm chính việc viết truyền đơn, xuất bản và phổ biến sách, tạp chí định kỳ và các tập sách nhỏ giải thích các mục tiêu và tôn chỉ của đảng. Cô Giang thường đi về các làng xã cùng với người chị mình là cô Bắc trong việc tuyên truyền lôi cuốn người tham gia. Sở Mật thám (Sûreté) đã thừa nhận sự thành công của VNQDD khi đã lôi kéo được nhiều thành phần như các giáo viên, học sinh, và quân lính thuộc địa [5]. Bài viết được kết thúc như sau:
“Given her prominence and her level of activity within the VNQDĐ, Nguyen Thi Giang should be given, at the very least, equal consideration to that of Nguyen Thai Hoc. Nguyen Thi Giang’s contributions to the Vietnamese nationalist cause deserve to be part of the historical landscape. While sources are scarce and varied, they nonetheless clearly point out that she was a patriot and that she had chosen the VNQDĐ as a means towards national independence. The evidence also demonstrates that she was an important and influential member of the party.”
Võ Phi Hùng
(18-6-2021)
***********************************************************
Chú thích:
[1] Nhượng Tống. Nguyễn Thái Học. Hà Nội, 1945[ https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/11/09/sach-nguyen-thai-hoc-1902-1930-nhuong-tong/#2 ]. Xem chương XXXXIII: Chị Giang. Dựa vào lời bức thư thứ nhất với lời xưng là thầy mẹ, nên có thể kết luận cô Giang là vợ của Nguyễn Thái Học.
[2] Hoàng Văn Đào. VNQDĐ Lịch sử đấu tranh cận đại (1927-1930). Saigon: Khai Trí, 1970 [ https://tusachtiengviet.com/images/file/ZEGz08bn1QgQAEA6/viet-nam-quoc-dan-dang.pdf ], trang 108
[3] Hoàng Văn Đào, Sđd, trang 143
[4] Tài liệu của sở Mật thám Đông Dương. “Việt Nam Quốc Dân Đảng (1927-1932)”. Tập san Sử Địa số 6 (tháng 4, 5, 6 1967), trang 116. Dịch giả: Long Điền, từ Louis Marty, Contribution à l’histoire des mouvements politiques de l’Indochine française, Vol. II Le Viet Nam Quốc Dân Đảng ou Parti National Annamite au Tonkin (1927-1932)
[ https://issuu.com/nvthuvien/docs/su-dia-6?mode=window&viewMode=doublePage ]
[5] Micheline Lessard. “ ‘I Die Because of My Circumstances’: Nguyen Thi Giang and the Viet Nam Quôc Dan Dang”
https://www.jstor.org/stable/pdf/j.ctv1qv1g3.7.pdf?refreqid=excelsior%3A49cb299104d521ecd862800b97734f3f