Tứ Trọng Ân
Đinh Tấn Sơn (PK 1966-73)
Người Việt Nam ta có câu ca dao sau đây:
“Con người có tổ có tông,
Như cây có cội, như sông có nguồn.”
Tất cả các chúng sinh nếu được sinh ra trên cõi đời này đều bắt đầu từ một cội nguồn và đó là một điều bất khả tư nghị. Cây cối thực vật cũng từ cội rễ mà ra. Sông, lạch, ao, hồ cũng bắt đầu từ nguồn trên núi cao hay mạch trong lòng đất mà ra để rồi tất cả đổ ra biển khơi. Con người cũng vậy được sinh ra có tổ tông, rồi ông bà cha mẹ từ đó mới sinh ra chúng ta. Kiếp nhân sinh từ lúc sinh ra, khôn lớn, trưởng thành rồi vãng sinh suốt cuộc đời đều trải qua nhiều giai đoạn trong cuộc sống. Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta tranh đấu để sống còn, cũng không khỏi nhờ vào những giúp đỡ của tha nhân và chúng sinh khác loại hay những lời chỉ dẫn, giảng dạy của những bậc thánh nhân hay xã hội đã tạo điều kiện giúp đỡ chúng ta trong viễn trình của đời sống. Cha mẹ cho ta một đời sống, Phật, Tổ, Thượng Đế hay đấng sáng tạo chỉ dạy ta lối sống đúng cách thuần hóa với mọi vật, xã hội cho ta một đời sống an toàn và vạn vật muôn loài cung cấp cho ta sức sống trong suốt cuộc đời.
Tôi muốn nói bốn ân nghĩa chính trong đời mà ta lúc nào cũng ghi nhớ, thường được gọi là tứ trọng ân: đó là ân sinh thành nuôi nấng của mẹ cha, ân chỉ dạy thánh thiện của Phật, Thầy, Tổ, ân bảo vệ của tổ quốc xã hội giúp đỡ và cuối cùng là ân của nhân loại chúng sinh muôn loài giúp ta duy trì cuộc sống. Tùy theo không gian và thời gian và kinh nghiệm viễn trình của đời sống, thứ tự sắp loại tứ trọng ân cũng thay đổi theo mỗi cá nhân và mỗi hoàn cảnh.
Trước khi đi sâu vào bình luận và giảng giải, chúng ta hãy định nghĩa tìm hiểu thế nào là tứ trọng ân, sự khác biệt và tương quan lẫn nhau và sau đó xếp hạng theo từng trường hợp. Tôi không muốn nói đúng sai tùy theo quan niệm và hoàn cảnh của mỗi người và thích hợp theo kinh nghiệm của cuộc sống mà mỗi cá nhân từng trải. Nhờ hiểu rõ, chúng ta mới quý trọng và đền đáp ân tình mà chúng ta đã và đang cưu mang. Đây là bốn ân nghĩa lớn nhất quang trọng nhất mà đời người không được quên và cố gắng đền đáp. Ân Thầy, Tổ, ân cha mẹ, ân vạn vật muôn loài, ân quốc gia dân tộc đều chung là một tấm lòng vị tha mà chúng ta phải kính trọng và cố gắng đền đáp. Tấm lòng đó theo nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là cần phải có trong cuộc sống:
“ Sống trong đời sống cần có một tấm lòng “…..
1. Tứ trọng ân bắt đầu là ân cha mẹ:
Gần như tất cả chúng ta đều thuộc lòng câu ca dao:
“Uống nước nhớ nguồn.
Làm còn phải hiếu.
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ, kính cha.
Cho tròn nhữ hiểu mới là đạo con”.
Chúng ta được sinh ra bởi lý nhân duyên kết hợp từ ông bà rồi cha mẹ, tiếp theo là con, cháu và cứ thế tiếp diễn đời đời. Đó là ân sinh thành từ người cha qua người mẹ chín tháng vật vã cùng đau đớn cưu mang ngày đêm lo lắng có khi phải hy sinh mạng sống để thành hình một đứa con khỏe mạnh. Theo kinh sách, mẹ là bậc ân đức cao cả mà chúng ta phải tôn trọng quý kính như một vị Phật. Chúng ta không làm tròn bổn phận của một người con hiếu đạo thì thật là hổ thẹn với tha nhân. Được phụng dưỡng cha mẹ là điều mày mắn nhất của người con, nhất là lúc về già.
Cha mẹ còn có ân nuôi dưỡng. Chúng ta lớn khôn trước nhất là nhờ bầu sữa mẹ, sau đó có cơm đủ ăn, áo đủ mặc, ngủ ấm êm, và tới tuổi được mẹ dẫn đến trường.
“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.” (Thanh Tịnh)
Lúc đau yếu có ân thuốc thang, mẹ lo đút từng thìa cháo. Khi bắt đầu tuổi mới lớn, cha mẹ có ân chỉ dạy cách lễ phép, cách xử thế ở đời, kính trọng người lớn tuổi và răn dạy ngày đêm để trở thành người hữu ích cho xã hội, cộng đồng mai sau. Nhiều lúc cha mẹ tự làm gương tốt để cho con cái noi theo. Vậy thì bổn phận làm con, chúng ta phải làm gì để báo đáp ân cha mẹ.
Chúng ta biết vâng lời, làm cho cha mẹ vui lòng cung kính và dưỡng nuôi cha mẹ dù bất cứ hoàn cảnh nào, cũng không phiền trách. Nếu chúng ta làm được điều đó, chúng ta tự tạo cho mình một đời sống đạo đức, có tình, có nghĩa sau này con cháu sẽ noi theo. Đây là đạo lý nền tảng giúp cho mọi người sống hoàn thiện chính mình, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Nếu chúng ta chỉ nuôi dưỡng cho cha mẹ bằng vật chất thì gọi là hiếu thế gian, còn những ai biết hướng dẫn cha mẹ quy hướng về Phật pháp, tin sâu nhân quả, tránh dữ làm lành là hiếu dưỡng cao thượng.Chúng ta sẽ được mọi người kính mến, thương yêu và dễ thành công trên đường đời. Chúng ta là những công dân tốt, ích lợi cho cộng đồng xã hội và xa hơn nữa vinh hạnh cho tổ quốc giống nòi.
Chúng ta cũng kính dưỡng nuôi cha mẹ đầy đủ về phương diện vật chất từ thức ăn uống, chỗ ở cho đến thuốc thang mỗi khi bệnh hoạn hay những lúc già yếu. Báo hiếu nghĩa là một trách nhiệm thiêng liêng và cao quý của con cái, báo hiếu là truyền thống tốt đẹp, là một nếp sống đạo đức được truyền thừa lại cho con cháu. Nếu nói cho đúng nghĩa, báo hiếu là việc làm của người giác ngộ, của các vị Bồ-tát. Chính vì vậy, ai đã làm người phải xem việc báo hiếu là một nghĩa vụ thiêng liêng của đời mình
2. Tiếp theo là ân Thầy, Tổ, bạn bè.
Tục ngữ có để lại câu: “Không thầy đố mày làm nên.”
Từ lúc bắt đầu biết đi, cha mẹ cho ta vào lớp mẫu giáo, rồi 5 năm tiểu học, 7 năm trung học, tiếp theo tùy cơ duyên bước vào bậc đại học và sau đó có thể học cao hơn tùy theo trình độ của chúng ta. Đó là học đường, còn thêm có học đời và học đạo mà tôi sẽ bình giảng vào chi tiết.
Thầy dạy cho chúng ta công dân giáo dục biết đọc, biết viết, biết ăn ở hiền cốt để làm cho mình trở thành con người tốt, hữu dụng cho xã hội. Chẳng những Thầy dạy cho ta hiểu biết mà Thầy và Bạn tốt còn dạy cho ta biết nhận xét, lý luận làm cho trí hiểu biết của chúng ta đạt được sự thông suốt, chính xác và đúng đắn. Nhờ có Thầy và Bạn tốt luôn luôn khuyến khích, chúng ta làm những điều tốt đẹp trong cuộc đời, nhờ đó chúng ta mạnh dạn tiến bước, làm được những điều hay, lẽ phải cho bản thân và xã hội.
Bình giảng đến đây tôi nhớ câu tục ngữ: “Học Thầy không tày học bạn”. Câu này ý nghĩa thật là lý thú, có thể hợp lý hay không tùy theo cách suy diễn. Tại sao như vậy? Như vậy là đúng hay sai?. Học bạn như thế nào lại hơn thầy được. Để lần sau có dịp chúng ta bình luận nhiều hơn.
Ngoài ân thầy, ân của Thượng đế, Phật, Tổ, hay bất cứ các tôn giáo nào khác đều giảng dạy chúng ta cách sống đạo đức giúp ta vượt qua mọi nghịch cảnh để làm mới lại chính mình bằng trái tim thương yêu và hiểu biết. Tất cả chân lý của các tông giáo đều chỉ là một.Từ kinh Phật, kinh Thánh, kinh đạo Hồi, đạo Ấn Độ, Tân đạo ở Nhật Bản, Cao Đài, đức thầy Huỳnh Phú Sổ đều dạy cho ta cùng chung một chân lý đó là biết ăn ở hiền lành, phải đạo làm người, biết những điều hay lẽ phải, cốt để làm cho mình trở thành người tốt, có ích cho gia đình, xã hội.
Tôi là người chịu ảnh hưởng của đạo Phật nên xin chép thêm về ân của Phật Tổ. Đối với ba ngôi Tam bảo Phật-Pháp-Tăng, người Phật tử có những trọng ân như sau:
– Vì sự khổ đau của chúng sinh, Thái Tử Tất Đạt Đa đã đi tìm con đường giải thoát mọi ràng buộc khổ đau. Là Phật tử chúng ta phải nhớ đến ân đức của Ngài. Ngài đã bỏ từ bỏ tất cả vinh danh phú quí trên đời lìa xa cha mẹ, vợ con để đi tìm con đường giải thoát mọi đau khổ cho chúng sanh. Ngài tham thiền và chứng đắc Phật quả, rồi đem chân lý ra giảng dạy cho chúng sinh từ tập để giải thoát luân hồi sanh tử. Nếu Ngài không giáo hóa làm gì chúng ta biết được chân lý như ngày nay?
– Nhờ có kinh điển, ngày nầy chúng ta mới biết giáo lý của Đạo Phật, chúng ta hiểu được cuộc đời là vô thường, giả tạm, sinh lão bịnh tử, nên cần phải tự chứng đạt đến Niết Bàn để giải thoát mọi khổ đau. Đức Phật còn ghi lại những phương pháp tu học để được giải thoát. Đức Phật dạy lánh ác làm thiện, giữ gìn ngũ giới, mọi người phải từ bi, nhân ái sống với nhau trong xã hội, nhất là hàng ngày hàng giờ cho tận cùng hằng sát na giữ cho tâm ta an lạc từng cá nhân, tất cả mọi người như thế thì lo gì thế giới chẳng hòa bình.
Tăng là những bậc đã lìa bỏ gia đình để tu giải thoát cho mình và cứu giúp mọi chúng sinh. Những vị Tăng duy trì chính pháp, giữ gìn giới luật, từ bi, bố thí những điều làm cho giáo lý của Phật tồn tại ở thế gian, nhờ đó chúng ta mới biết Đạo Phật, biết phương pháp tu học giải thoát. Tăng là những Sứ giả của Như Lai, giúp chúng ta quy y Tam Bảo.
3. Ân Quốc Gia Xã Hội
Sống trong một đất nước, đời sống chúng ta được yên ổn, ấm no và hạnh phúc; quốc gia và xã hội đem lại những điều ấy cho chúng ta. Nhờ có quốc gia giữ gìn, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. trong đó có ân của các anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống để đất Việt Nam được tồn tại và thống nhất đến ngày hôm nay. Vậy thì chúng ta phải làm gì để đáp lại ân trên. Trước tiên chúng ta làm tròn bổn phận công dân, đóng góp vào việc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, sự độc lập của quốc gia, dân tộc, góp phần bảo vệ các quyền lợi chánh đáng của người dân. Phát huy sáng tạo kỹ nghệ, kinh doanh thương mại làm cho đất nước ngày càng phát triển hưng thịnh, bền vững và lâu dài. Sau đó là phát huy văn hóa và bảo vệ những truyền thống tốt đẹp dân tộc Việt Nam, một đất nước có trên bốn ngàn năm lịch sử văn hiến, và lấy đạo thờ ông bà tổ tiên làm nền tảng, duy trì di sản văn hóa ông cha ta để lại, chúng ta cần phải gìn giữ và phát huy thêm những truyền thống tốt đẹp đó.
Đất nước ta trải qua bao cuộc chiến tranh do giặc ngoại bang xâm lược, nhưng cuối cùng bị bại trận bởi sự lãnh đạo tài tình của các anh hùng kiệt, cùng với sự đoàn kết đại dân tộc toàn dân.
“ Toàn dân! nghe chăng? Sơn hà nguy biến!
Hận thù đằng đằng! Biên thùy rung chuyển…
Muôn Năm Lừng Uy!! “
Chúng ta nên nhớ công ơn bảo vệ và giành chủ quyền độc lập đất nước, để nhắc nhỡ hàng hậu học về lịch sử chói sáng của cha ông ta ngày xưa.
4. Cuối cùng là Ân nhân loại chúng sinh muôn loài: Cuộc sống này không phải chỉ có một cá nhân mà tất cả như là một chuỗi liên kết với nhau, kẻ cho qua người cho lại mà tạo nên sự thăng bằng cuộc sống. Ta không làm ruộng nhưng vẫn có cơm ăn, ta không làm thợ hồ hay thợ mộc nhưng vẫn có nhà ở. “Ta không làm phụ nữ nhưng vẫn biết cách để có thằng cu Tý, cái Nhớn, cái Bé.”.( Đây là câu của các bác xóm nhà lá ngồi cuối lớp). Thế cho nên từ loài người cho đến thiên nhiên, cỏ cây hoa lá đất trời muôn vật nương tựa vào nhau mới bảo tồn mạng sống. Từ góc độ này mà chúng ta phải biết dù chỉ là một hơi thở, chúng ta phải bảo vệ làm ân đức cho niềm vui, sự sống của hôm nầy và sự sinh tồn cho thế hệ mãi sau.
Nhờ sự tiến triển của kỹ thuật, nhân loại đã nâng đỡ mọi tiện nghi trong đời sống hàng ngày. Từ mọi nơi trong thành phố đến các nông thôn hẻo lánh, sự phát minh ra điện đem ánh sáng đến muôn nhà. Hệ thống nhà cửa tân kỳ và phát minh những vật liệu xây cất để cải thiện thêm đời sống của mọi tầng lớp người dân trong xã hội. Từ khi biết xài than đá, dầu cặn, khí đốt nhà nhà đều có máy sưởi ấm để tránh khỏi những mùa đông tuyết giá. Từ xe ngựa, xe bò kéo, giờ đây chúng ta xe gắn máy, xe hơi xe lửa và máy bay để tiện việc giao thông. Tất cả những kỹ thuật, khoa học cùng với phát triển ngành y khoa đã giúp con người gia thêm tuổi thọ và duy trì sức khỏe đến mức hoàn hảo. Những chứng bịnh nan y giờ đây cũng có thể chữa trị hoàn toàn. Tóm lại nhờ những khám phá của những bậc vĩ nhân loại này, đời sống chúng ta có thêm phẩm chất hạnh phúc hơn và ta phải tưởng nhớ và mang ân họ.
Ngoài chúng sinh muôn loài, tôi thiết nghĩ cũng cần nên nói về địa cầu của chúng ta. Địa cầu cho ta môi trường sống đầy đủ với bầu khí quyển, nước ngọt, cây cối và thực vật xanh tươi. Chúng ta sống cần oxygen để hít thở. Không khí càng trong sạch, có thể chúng ta sẽ khỏe mạnh và bớt ốm đau. Do đó chúng ta phải bảo vệ môi trường mình đang sống. Ân điển này được ít nhắc đến nhưng chúng ta cũng không thể quên và làm thế nào để bảo vệ địa cầu và môi trường xung quanh.
Cùng với tiến triển của kỹ thuật và xã hội tiện nghi, nhiều loại khí thải và rác tiêu thụ đã làm hư hại địa cầu. Các nhà khoa học trên thế giới lo ngại rằng biến đổi khí hậu không những sẽ diễn biến rất nhanh mà còn vô cùng thảm khốc và không thể xoay chuyển được nữa. Đã có những dấu hiệu chứng tỏ thời điểm nguy hiểm này đang đến gần, các cuộc khảo sát cho thấy sông hồ và những nơi khác đang sủi bọt khí mêtan, loại khí vốn được nén giữ an toàn dưới lớp hàn băng của Địa Cầu.
Các ảnh hưởng mang tính hủy diệt khác của biến đổi khí hậu cũng đã và đang diễn ra: Theo tiến trình này, lớp băng phản xạ nhiệt ở Bắc cực sẽ dần biến mất hoàn toàn vào một mùa hè gần nhất; mực nước biển dâng cao khiến nhiều hòn đảo bị đe dọa hoặc có nguy cơ bị nhấn chìm. Do nồng độ khí CO2 quá cao, nhiều vùng biển chết đang bị axit hóa trầm trọng đến mức không còn sự sống; nạn cháy rừng xảy ra ngày một thảm khốc và thường xuyên hơn; các loài hoang dã trên toàn cầu đang bị tuyệt chủng. Những cơn bão dữ dội và tàn khốc xuất hiện nhiều hơn; muỗi truyền bệnh lan tràn khắp nơi do nhiều khu vực đang ấm lên; sông băng trên thế giới dần biến mất; hàng chục ngàn sông hồ đang khô cạn hay bị xóa sổ và tình trạng sa mạc hóa ngày càng gia tăng. Sở dĩ như vậy là từ ngành công nghiệp chăn nuôi cung cấp thực phẩm cho nhân loại tạo nên nạn hâm nóng toàn cầu.
Chấm dứt sản xuất thịt là giải pháp nhanh nhất để cắt giảm khí thải nhà kính, đồng thời ngăn chặn được vô số thiệt hại về môi trường, từ biến đổi khí hậu tới lạm dụng đất đai và nguồn nước, nạn ô nhiễm, tổn thất các loài động vật hoang dã cùng các nguy cơ về sức khỏe của nhân loại. Mặc khác, số đông chúng ta mắc bệnh béo phì và các căn bệnh khác liên quan đến việc ăn uống quá mức hoặc tiêu thụ quá nhiều thịt. Để đáp lại ân đối với địa cầu và các chúng sinh khác nhờ vào đó mà chúng ta duy trì cuộc sống, chúng ta cần phải nên sống hòa hợp với thiên nhiên giúp địa cầu trở về với trạng thái trung hòa lúc ban sơ. Chúng ta sẽ giảm thiểu việc sát hại chúng sinh nhất là vì miếng ăn để sống, chúng ta phải giảm thiểu việc đốt rừng, đốn cây. Bao nhiêu đất hoang rừng cây đã bị đốn xuống để cung cấp cho việc chăn nuôi. Chúng ta ít dùng giấy, plastic và nếu có thể dùng loại tái biến chế để cứu địa cầu. “Ăn chay, Sống xanh, Cứu địa cầu.”
5. Bình giảng, xếp hạng tương quan:
Chúng ta đã định nghĩa, phân tích cùng bình giảng tứ trọng ân và những điều nên làm để đáp lại bốn ân trên. Sau đây ta hãy bình giảng thêm và xếp hạng tùy theo viễn trình của cuộc sống và kinh nghiệm hay lối sống của một số tiêu biểu cá nhân.
Con người theo tôi nghĩ được chia làm bốn giai đoạn chính trong cuộc đời. Từ nhỏ được sinh ra nuôi nấng dạy dỗ lúc ban sơ bởi cha mẹ, lớn lên được đi học nhân lễ nghĩa trí tín và tạo cho mình một tương lai. Sau đó giai đoạn trưởng thành, đem những kinh nghiệm từ học đường dạy dỗ cùng với ảnh hưởng của Phật Thầy vào môi trường làm việc kiếm miếng ăn rồi lập gia đình, tiếp tục truyền thống nhân duyên sinh ra thằng cu, cái bé cùng con cháu. Giai đoạn cuối cùng là lúc nghỉ hưu, về già hướng về đời sống tâm linh nhiều hơn.
-Tùy theo mỗi giai đoạn trong cuộc sống và hoàn cảnh, thông thường giai đoạn ban sơ, ta đặt ân cha mẹ là trên hết vì nhờ đó ta có một cuộc đời, ta được sống là ưu tiên hàng đầu. Có mạng sống trước rồi, nhờ các chúng sinh muôn loài lớn khôn trưởng thành, tranh đấu tạo cuộc sống vững vàng, nhờ ân giảng dạy của Thầy, Phật tổ, nghĩa bạn để duy trì một lối sống đạo đức và đóng góp làm cho xã hội quốc gia được hoàn thiện hơn.
Cũng có vài trường hợp đặc biệt, nhiều trẻ sinh ra không biết cha mẹ là ai, nhiều em phải sống nhờ vào các nhà từ thiện, viện tế bần, được cha mẹ nuôi đem về, có cha mẹ nhưng bị vứt bỏ vì tật bẩm sinh, cuộc sống thiếu tính thương, vv.. ân đầu tiên phải được kể là từ xã hội quốc gia kế theo là nhân loại chúng sinh muôn loài. Nếu mà sống được đến giai đoạn lớn khôn tiếp theo phải nhờ vào ân Thầy dạy dỗ và cuối cùng phần nhỏ mới là ân cha mẹ. Cũng có thể đặt ân Thầy vào loại thứ hai trước chúng sinh muôn loại để tạo cho các em thiếu ân sinh thành một lối giáo dục lành mạnh và giúp ích cho xã hội mai sau khi lớn khôn.
– Tiếp theo là giai đoạn được đi đến trường học. Nơi đây ta học được lối sống đạo đức, học công dân giáo dục, học mở mang kiến thức để có sự hiểu biếu căn bản, học chuyên môn về các khoa học kỹ thuật hợp với khả năng của mỗi người. Ân Thầy, nghĩa bạn được đặt trên hết. Chúng ta tuổi vẫn còn nhỏ vẫn phải nhờ gia đình cha mẹ để có một cuộc sống ấm no và nghe lời chỉ dẫn mỗi ngày nên kế là ân cha mẹ. Thứ ba phải kể đến ân xã hội quốc gia. Sống trong một đất nước, đời sống chúng ta được yên ổn, ấm no và hạnh phúc; quốc gia và xã hội đem lại những điều ấy cho chúng ta. Nhờ có quốc gia giữ gìn, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ vùng trời, đất, biển cả và bảo toàn sự độc lập. trong đó có ân của các anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống để đất Việt Nam được tồn tại và thống nhất đến ngày hôm nay. Và cuối cùng là ân của nhân loại chúng sinh muôn loài. Còn những trường hợp đặc biệt thì sao?. Như đã nói trên một số chúng ta sinh ra phải sống nhờ vào ân sinh xã hội, cộng đồng giáo chúng, thì ân xã hội quốc gia lại là trên hết kể đến ân chúng sinh muôn loại thì mới có được cuộc sống và nhờ vào giảng dạy giáo dục của thầy và trường học mới được nên người và ân cha mẹ sẽ là cuối cùng hay gần như không hiện hữu. Và nếu không được đến trường học thì ân muôn loài chúng sinh sẽ được xếp lên thứ nhì, ân cha mẹ vẫn là cuối cùng.
– Giai đoạn thứ ba là tuổi trưởng thành, học xong bậc trung học hay có một số tiếp tục học đại học và số đông chúng ta vào chuyên khoa, đi du học hay học nghề để tự tạo cho mình một tương lai khả quan. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Nghi lễ thường tình, lời thầy giảng dạy, bạn bè chỉ dẫn, chúng ta khả dĩ có một trình độ hiểu biết chọn lựa đúng sai cho cuộc đời của mình. Một số lập gia đình và tiếp tục truyền thống ông bà. Một số có thể quy y theo Phật xuất gia vào chùa tu luyện hay tu theo nhà dòng chúa Cứu thế. Một số có thể đăng tên nhập ngũ theo đường binh nghiệp. Cũng có thể một số cà lơ phất phơ không biết rõ chí hướng chỉ sống bám vào cha mẹ qua ngày trước khi định cho mình một lối đi. Tóm lại bất cứ hoàn cảnh nào, tứ trọng ân cũng tùy theo đó mà thay đổi xếp hạng.
Thông thường đối với đại đa số trong giai đoạn này, xã hội quốc gia tương đối quang trọng hơn và xếp hạng đầu tiên. Ơn cha mẹ, tình thầy trò đã thuộc về quá khứ, mặc dù chúng ta có liên đới bổn phận nhưng đối với xã hội và quốc gia đang sống, chúng ta phải gìn giữ chúng ta phải biết ơn Tổ quốc, quê hương ta. Nói tóm lại là những người có công bảo vệ cho tổ quốc chúng ta an ổn, để người người, nhà nhà có thể sống, làm việc và tu hành. Nếu không có họ thì chúng ta không thể an ổn mà sống, nói chi là tu hành. Xếp hàng thứ hai, tôi nghĩ là Phật Tổ và câu hỏi là tại sao phải là Phật, Tổ, Thầy mà không phải là ông bà, cha mẹ trước và sau cùng là nhân loại chúng sinh?
Ta nên biết, ta có mặt trên đời này là do nhân duyên và nhân quả của nhiều đời trước. Thân khẩu ý và hành động của ta hôm nay sẽ quyết định tương lai của chúng ta đi về đâu. Do vậy, đời này ta là con cháu của ông bà, cha mẹ ta. Rồi đời sau, ông bà, cha mẹ sẽ có khi trở thành con cháu chúng ta. Cứ như vậy, qui luật lặp lại nhiều đời nhiều kiếp, cho đến khi hết duyên nợ với nhau, gọi là “Nhân quả Luân hồi”. Không thể thoát ra được. Đức Phật dạy: Nước mắt chúng sinh trong nhiều đời gộp lại nhiều hơn nước của bốn biển. Đó là nói lên cái khổ của con người. Thật khủng khiếp!
-Giai đoạn cuối cùng của cuộc đời là về hưu và sống trong tuổi già. Giai đoạn này cũng có nhiều trường hợp. Nhiều người còn có cha mẹ già để nuôi dưỡng nên ơn cha mẹ phải đứng đầu. Những chiến sĩ với tinh thần bất khuất, họ vẫn đặt ơn tổ quốc lên trên. Những đứa trẻ mồ côi như đã nói đến bên trên trong thời ban sơ vẫn đặt ân xã hội lên trên vì đã bao bọc chúng suốt cuộc đời, có chăng sau này được thấm nhuần triết lý sống của nhà Phật, chúng có thể đặt ơn Thầy lên trên.
Tóm lại theo đa số, khi về già ta thường hướng về đời sống tâm linh nhiều hơn nên ân Phật Tổ là trên hết vì lúc đó họ đã thấm nhuần lý nhân duyên. Do vậy, Đức Phật, Tổ, Thầy là những vị chỉ cho chúng ta nhận ra được những chân lý. Chỉ con đường chúng ta vượt thoát khỏi quy luật Nhân quả Luân hồi. Giúp ta vĩnh viễn vượt thoát khỏi khổ đau. Trở về với nguồn cội của Phật tánh chúng ta từ bể tánh thanh tịnh Phật giới. Nếu không có họ thì chúng ta cũng sẽ không biết đường thoát ra được qui luật này. Cứ mãi theo qui luật Sinh, Lão, Bệnh, Tử mà thôi. Do vậy, Ơn của Phật, Tổ, Thầy phải đặt lên trên.
-Nói riêng về cá nhân tôi trong giai đoạn hiện tại. Tôi được may mắn có mẹ hiện còn sống, mặc dù thân già, yếu đuối và mang nhiều chứng bịnh nghiệt ngã, cần có tôi săn sóc ngày đêm nên tôi đặt ơn Cha Mẹ lên trên hết. Tôi lại thấm nhuần đạo Phật và theo Thầy học đạo, tu hành mỗi ngày luôn nhớ câu:
” Nhất nhân chứng đắc cửu huyền thăng”.
Ý nghĩa câu này là nếu có ngày được liễu ngộ thoát vòng sinh từ luân hồi, không chỉ mình được đạt cảnh giới cao mà cha mẹ chín đời nhờ đó cũng được thăng hoa theo. Có được như vậy, tôi phải trường chay trong suốt cuộc đời này, giữ gìn ngũ giới một cách nghiêm chỉnh và thiền định mỗi ngày theo lời Thầy dạy. Tiếp theo tôi đặt ơn chúng sinh muôn loại và cuối cùng là quốc gia xã hội. Chúng sinh muôn loài giúp ta sức sống và có sống mới có thể tu hành. Quốc gia, đấu tranh để giữ gìn bờ cõi và biên giới giữa các nước không còn là yếu tố quang trong. Biên giới chỉ là một lằn chia vô tình chia rẽ nhân loại và gây thêm chiến tranh vì sự giành giựt một còn một mất. Tại sao chúng ta không thể sống chung trong hòa bình như cộng đồng châu Âu xài chung một ngoại tệ là đồng Euro và tự do cư ngụ tại quốc gia mình muốn. Tại sao chúng ta phải nỗ lực xây bờ thành ô nhục ngay tại biên giới để chống ngoại xâm. Chúng ta đang sống trong thời kỳ hoàn kim không cần một Vạn lý trường thành của mấy ngàn năm về trước.
6. Bình giảng thêm nạn đại dịch COVID-19 toàn cầu:
Với thời điểm hiện đại và nạn đại dịch COVID-19 toàn cầu, chúng ta có cùng chung một kẻ thù nên tất cả quốc gia cùng nhân loại phái đoàn kết với nhau. Chứng bịnh quái ác này đã làm đảo lộn cả thế giới ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của mỗi chúng sinh ngay thời gian hiện tại và có thể trong tương lai. Mặc dù trong nay mai, chúng ta có thể hết bịnh nhưng những yếu tố khác của căn bịnh có thể duy trì và tàn phá cơ thể của chúng ta trong vài năm tới hay có thể suốt đời. Vậy thì ngừa bình hơn chữa bịnh, những quốc gia tiên tiến cùng những công ty dược phẩm, Pfizer, BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson đã và đang thí nghiệm điều chế ra chất kháng thể , gọi là vắc xin để chích thẳng vào cơ bắp chúng ta hầu ngăn chặn phần nào sự lan truyền của con corona vi rút kinh khủng này.
Giờ phút này, chúng ta không nên kết tội bàn luận tại sao lại có nạn đại dịch này hay ai đã tạo ra mầm khủng hoảng, gây tan thương chết chóc cúng gia đình ly tan cho cả thế gian. Có thể sau khi đại nạn chấm dứt, con người sẽ đứng ra và xét xử dựng tòa án quốc tế để luận tội và có thể dùng hình phạt cho những ai tạo ra một thế chiến thứ ba không qua súng đạn, bom nguyên tử mà dùng qua thế chiến sinh vật. Chúng ta hiện tại nên đoàn kết và dùng lại hịch của ông bàn gày xưa là “ Toàn dân nghe chăng, Sơn hà nguy biến.. mà nên chụm lại đối diện cùng chung một kẻ thù Corona virus. Vì vậy đây là tình trạng đồng nhất và ta đặt ân quốc gia tổ quốc lên trên hết. Chúng ta phải tuân theo chỉ thị của giới lãnh đạo, của những khoa học gia, tài năng và kiến thức chế tạo ra thuốc chống lại vi khuẩn, thuốc chích ngừa hàng năm. Chúng ta phải cách ly, không tụ tập đám đông, hy sinh những đòi hỏi tự do cá nhân mà đồng tâm hiệp lực để ngăn chặn sự lan tràn của sinh vật làm đảo lộn mọi hoạt động trên thế giới. Chúng ta phải đặt sự quan trọng của tổ quốc xã hội lên trên tất cả, bỏ qua sự khác biệt về chính trị, tôn giáo và triệt để thi hành. Chúng ta phải đặt ân của các bác sĩ, y tá, nhân viên nhà thương, viện dưỡng lão, những ban làm việc về an ninh trật tự, họ là những người trực tiếp đối diện với bao hiểm nguy, hy sinh sự an toàn cá nhân cùng gia đình để chặn đứng đại dịch vi khuẩn tấn công lan tràn khắp mọi nơi trên thế giới. Đó là ân chúng sinh muôn loài. Tiếp đến sẽ là ân thầy, tổ, và ân sinh thành sẽ đặt sau cùng. Nếu chúng ta là người có đạo tin tưởng vào đức Phật từ bi, đức Chúa vĩnh hằng thì hãy cùng nhau cầu nguyện cho hòa bình trên toàn thế giới, cầu nguyện ngưng giết hại những thú vật dã man để nuôi sống nhân sinh, chấm dứt nạn đốt rừng, nạn hâm nóng toàn cầu.
Nhưng một số khá đông, cho đến hôm nay theo dư luận trên mạng, các đoàn thể không đồng ý với lời kêu gọi của quốc gia, hội đoàn CDC việc chích ngừa chống loại vi rút này. Các bạn cùng tôi thử tham khảo lý do tại sao họ chống đối và không muốn đem cơ thể của họ làm vật thí nghiệm. Hành động của một số người này đúng hay sai và quyết định của họ có thể gây ảnh hưởng như thế nào đối với gia đình, người thân, bạn hữu cùng cộng đồng mà họ tham gia sinh hoạt.
Vậy thì nguyên do gì một số người quyết định không tham gia vào chương trình chích ngừa loại miễn nhiễm này:
– Không tin tưởng vắc xin này có hiệu lực ngăn chặn chận vi rút vì chưa được hoàn toàn thông qua bởi các hội đoàn y sĩ trên thế giới.
– Thí nghiệm chưa được hoàn tất kết quả vì các loại miễn nhiễm trước đó cần đòi hỏi thời gian thử từ 1 đến 2 năm hay lâu hơn, giả dụ như chất kháng thể bịnh đậu mùa, cảm cúm, quai bị…
– Họ không muốn đem cơ thể của chính mình làm vật thí nghiệm. Các công ty dược phẩm Pfizer, Moderna, J&J, etc. không chịu trách nhiệm trước pháp luật, bồi thường nạn nhân nếu có chuyện gì xảy ra sau khi tiêm chất kháng thể vào người và gây nên những phản ứng phụ. Họ sẽ không mạo hiểm sức khỏe và tính mạng của mình khi một thiết bị y tế mới, thử nghiệm khi những người đứng sau nó không chịu trách nhiệm.
– Họ không cho đây là loại vắc xin theo đúng ý nghĩa của nó. Theo định nghĩa, vắc xin cung cấp khả năng miễn dịch đối với một căn bệnh. Trong trường hợp tốt nhất, nó chỉ làm giảm khả năng nhiễm một trường hợp vi rút nghiêm trọng nếu một người mắc phải nó. Do đó, đây là một phương pháp điều trị y tế, chứ không phải là vắc xin. Họ không muốn đi chữa bệnh cho căn bệnh mà họ không mắc phải.
– Các công ty dược phẩm, chính trị gia, cơ sở y tế và phương tiện truyền thông đã hợp lực để gọi đây là một loại vắc xin, với mục đích lôi kéo mọi người cảm thấy an toàn hơn khi trải qua một đợt điều trị y tế. Bởi vì đây là chiến dịch lừa dối, và họ không muốn liên quan đến việc điều trị y tế nầy.
– Một số đông thương gia nổi tiếng không vội chích ngừa thì tại sao số đông chúng ta lại vội và không bắt chước họ, chờ đợi đến lúc cuối cùng coi thử phản ứng của mọi người ra sao rồi hãy quyết định.
– Có một chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ để mọi người thực hiện phương pháp điều trị này. Các chính trị gia và người nổi tiếng đang tự chụp ảnh mình bị tiêm (có lẽ trong một số trường hợp giả vờ đi tiêm), các phương tiện truyền thông đang thổi phồng đây là điều tuyệt vời nhất, thông mình nhất, vui vẻ và thú vị nhất. Đây là chiến dịch tiếp thị rộng rãi nhất trong lịch sử, không phù hợp với bất kỳ phương pháp điều trị y tế nào.
– Quần chúng đang theo sau, đăng tải những bức ảnh về việc họ bị tiêm thuốc, tạo áp lực cho bạn bè cùng trang lứa để làm điều tương tự. Có điều gì đó rất đáng báo động và bệnh hoạn về điều này.
– Chính phủ và các hội đoàn thương gia, hàng không và du lịch cho là cần phải chích ngừa mới được tự do di chuyển, hoạt động liên quan và bảo toàn sự an ninh của người khác. Một số đông nếu không tham gia có thể bị bắt nạt, vu khống, chế giễu, kiểm duyệt, tẩy chay, đe dọa và có thể bị sa thải khỏi công việc. Khi chích ngừa là tạo nên một áp lực thì điều này vi phạm đạo đức y tế và nền tảng của xã hội dân chủ.
– Liên quan đến tôn giáo, một số đông tín đồ đặt niềm tin vào Chúa. Họ sẽ sử dụng tâm trí mà Ngài ban phước và tin tưởng vào bản năng tự nhiên của chính họ. Họ có thể giảm nguy cơ bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch của mình một cách tự nhiên. Có những loại vitamins và các loại thuốc tốt đã có kết quả tuyệt vời trong việc đẩy lùi bệnh tật, mà không có những rủi ro và ẩn số của phương pháp điều trị y tế chích ngừa này.
– Liên quan đến tín ngưỡng Phật, một số không muốn lợi dụng và sống nhờ những vi rút nầy chích vào người để duy trì sinh mệnh của chính mình. Dùng sinh mệnh của chúng sinh khác, mặc dù nhỏ hay lớn cũng là một nghiệp có vay thì phải trả. Vắc xin được tạo ra là một cách cung cấp mã di truyền (DNA, mRNA) và Vắc xin COVID-19 được sản xuất theo cách này. Một khi hệ thống miễn dịch nhận ra protein này là “ngoại lai”, nó sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại nó, bao gồm cả trí nhớ miễn dịch, vì vậy lần tiếp theo, một người tiếp xúc với vi rút thật, hệ thống miễn dịch sẽ sẵn sàng đáp ứng nhanh chóng.
KẾT LUẬN:
Tôi xin nhắc lại câu “Uống nước nhớ nguồn” là văn hóa gốc của người Việt Nam về đạo thờ ông bà tổ tiên, sống hiếu thảo biết kính trên nhường dưới, tôn trọng và quý kính những người đã có công dựng nước, giữ nước trong 4000 năm văn hiến với tinh thần biết ơn và đền ơn. Điểm đặc biệt của đất nước chúng ta là Phật giáo luôn kề vai sát cánh với dân tộc trong mọi thời đại. Từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta trong những năm đầu Công nguyên, dân tộc ta đã tiếp thu nền Phật giáo chân chính, biết kết hợp hài hòa với đạo thờ ông bà tổ tiên để xây dựng giềng mối đạo đức, bằng tình người trong cuộc sống.
Cổ nhân giảng: “Bách thiện hiếu vi tiên” là có ý nói rằng trong trăm cái thiện thì chữ hiếu là đứng đầu. Cho nên, làm con đối với cha mẹ phải tận hiếu. Con người bất luận là giàu hay nghèo, địa vị cao sang hay thấp hèn thì đều là do cha mẹ sinh ra, do cha mẹ nuôi dưỡng.
Người không có lòng trung thành thì sẽ không có uy tín và được mọi người tin tưởng. Đối với quốc gia, đối với nhân dân phải tận trung. Kỳ thực, một người không thể sống không nhà, không nước, càng không thể sinh sống trong “chân không”. Mà dinh dưỡng về vật chất và tinh thần để nuôi sống mỗi người đều là lấy từ đất nước mà ra. Nhưng, trung ở đây trước hết phải hiểu đạo lý, thuận theo đạo lý thì mới thực sự là trung.
Đối với bạn bè phải chân thành, thành thật. Trên đời này, tinh lực, năng lực, tài lực, vật lực, học thức…đều có tính cực hạn lớn, không thể là vô tận. Bất luận là ai, cho dù là thiên tài quý tộc hay cao nhân thế ngoại đi chăng nữa cũng không thể cô lập một mình được.
Đối với sự nghiệp, quốc gia, xã hội phải tận tâm. Con người sống trên đời này, sự giàu có, địa vị xã hội, năng lực là khác nhau nhưng ai cũng đều phải dựa vào làm việc để mưu sinh và phát triển. Cho dù rất nhiều lúc, công việc và sự nghiệp thành hay bại không phụ thuộc vào ý nguyện của con người mà thay đổi được. Nhưng, chỉ cần chúng ta tận tâm tận lực làm thì dù cho có thất bại hay khó khăn cản trở thì hy vọng thành công vẫn vĩnh viễn tồn tại.
Lời bàn thêm:
Viết bài bình giảng có vẻ nghiêm trọng ít giỡn cợt tiếu lâm mấy ngày nay và đã xong phần kết luận, tôi cảm thấy tứ trọng ân này là thuộc về thế hệ cổ hủ do ông bà tổ tiên chúng ta ngày xưa thường nói và để lại làm điều răn cho con cháu. Tôi xin các bạn cho tui làm cuộc cách mạng vì chúng ta sống trong thế hệ hiện đại, nam nữ bình quyền và lắm khi vị trí và tình nghĩa của vợ chồng phu thê là trên hết. Tôi xin được đổi lại là ngũ trọng ân và có thêm do tình nghĩa vợ chồng thay vì tứ trọng ân.
Tình nghĩa vợ chồng không thể thiếu trong cuộc sống và mấy ai trong chúng ta dám không đặt mấy bà lên trên hết. Chúng ta hãy hỏi thử BDKh, PVDn, nhân vật tài hoa của 12B2 năm nào thử xem!! Đội bà trên đầu là chuyện thường tình, đặt bà ở dưới là chuyện bất đắc dĩ, trừ trường hợp lúc được “ơn mưa móc, hì hục ân huệ” thì không tính vì vốn dĩ là như vậy.
Có lần tôi có xem qua một chuyện tiếu lâm trong lớp học, vị giáo sư kêu một trò lên bảng và yêu cầu viết tên những người không thể thiếu trên đời và sau đó xóa đi những nhân vật ít quang trọng chỉ còn lại những nhân vật chính theo ý của anh SV. Cuối cùng anh SV chỉ còn để lại 4 người, cha, mẹ, con và vợ. Giáo sư kêu anh tiếp tục gạch bỏ nhân vật kế tiếp, anh loại cha trước sau đó loại mẹ và con, cuối cùng chỉ còn chữ vợ trên bảng. Làm xong anh đừng ngây người dáng điệu rất là mắc cở khổ sở. Có thương yêu vợ cũng nên về nhà lên giường lên chiếu rồi hãy nói chứ trước đám đông bao nhiêu kẻ xa lạ mà đội vợ lên đầu thì rất ư là mất mặc. Vị giáo sư chờ cho anh bình tĩnh lại hồi lâu và hỏi: “Lẽ ra người thân thiết nhất với em, phải là cha mẹ và đứa con, bởi cha mẹ, là người sinh thành và dạy dỗ em nên người, đứa con là do em dứt ruột sinh ra, còn người vợ thì có thể tìm người khác thay thế được, vậy tại sao, với em người vợ lại là người khó dời xa nhất?”. Anh SV bình tĩnh và từ tốn nói:” Theo thời gian, cha mẹ sẽ qua đời mà đi, con cái khi trưởng thành, cũng chắc chắn sẽ rời tổ ấm xa tôi, rồi bạn bè dù thân cách mấy cũng có đời sống riêng của bạn, người luôn ở bên, làm bạn với tôi suốt đời, thực sự chỉ có vợ tôi, có phúc cùng hưởng, có nạn cùng chịu, có sướng cùng sướng, và muốn xe chạy tốt thì tôi phải trưởng dưỡng bảo trì hàng ngày, sao mà gạch bỏ được!”.
Một câu danh ngôn phương tây đã nói lên sự thật của người phối ngẫu:
-” Đằng sau những thành công của người chồng, đều có bóng dáng của người vợ.”
Cứ nhìn vào các tổng thống Mỹ các thế hệ gần đây. Sự thành công của J.F. Kennedy chắn chắn phải có sự phối hợp chặt chẽ của bà Jacqueline, và sự thành công của Bill Clinton cũng do sự đóng góp của bà Hillary, bởi vì bà đã giúp ông rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ của mình và đã chống đỡ ông khi xì căng đan tình cảm lem nhem của ông bùng nổ, bằng không thì ông dám đă bị đi đoong lắm. Và gần đây, sự đắc cử tổng thống của ông George Bush cũng có những góp phần của bà Laura, của ông Obama cũng cần có phu nhân Michelle.
Thành ra ân của vợ cũng là một ân lớn và tôi xin đối lại là ngũ trọng ân.
– Thứ nhất, nếu không có vợ thì ai là người đẻ con cho bạn, rồi cùng với bạn nuôi dưỡng những cái Nhớn, cái Bé, thằng Cu tí hầu bạn có được niềm vui – khi lên chức…ba bày trẻ, bố xấp nhỏ.
– Thứ hai, nếu không có vợ có con làm sao bạn hiểu và làm được những công việc không tên của người phụ nữ, như bếp núc, giặt giũ, rửa bát, pha sữa.
– Thứ ba, vợ là người chăm lo cửa nhà sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Điều lạ là những vật dụng cá nhân của bạn đi hoang, bất kể chỗ nào trong nhà cũng được vợ để vào vị trí cũ và chỉ cần bạn hỏi vợ : “Chìa khóa, cái bóp của anh đâu rồi ”? Lập tức vợ bạn sẽ trả lời vanh vách như thuộc lòng.
– Thứ bốn, nếu bạn thích ngủ chung với những con vật cưng như con chó, con mèo…khi còn độc thân, thì bảo đảm trong vòng tay ấm áp của vợ, và được cưng chìu mỗi đêm thi bạn sẽ cảm thấy tuyệt vời hơn nhiều.
– Thứ năm, vợ là người nhắc nhở khi bạn “lầm đường lạc lối” trong công việc hay trong chuyện tình cảm, hoặc nhắc bạn đi cắt tóc khi tóc bạn dài, mua sắm quần áo, nón mũ, giày dép…giúp và soạn cho bạn bộ đồ vía để bạn đi hội họp hay đi dự tiệc.
– Thứ sáu, bạn sẽ được thưởng thức những bữa ăn ngon và có sức dũng mãnh để hầu lại bà, vì vợ luôn biết rằng : “ Đường đến trái tim của người đàn ông phải đi qua bao tử.” và có thêm sức khỏe để mà “mần việc ấy” hầu tăng thêm hạnh phúc . Vợ chồng cũng vậy, có qua có lại mới toại lòng nhau. Trường hợp tôi cũng vậy, hôm nào có món ăn ngon đặc biệt như tô phở, bún bò, đĩa bánh xèo chay nghi ngút khói thì tôi cười vui vẻ và mách nhỏ bà xã sao tối này có “âm miu” gì đây mà cho đồ ăn bổ dưỡng như vậy ta!! Và khi “trái gió trở trời” vợ có thể cạo gió, hấp cho nồi xông, nấu cho bạn tô cháo nóng để bạn giải cảm. Khi lỡ xỉn, vợ phá cho bạn ly nước đá chanh để…giã rượu và bớt lè nhè.!!
– Thứ bảy, điều quan trọng là lấy vợ rồi, bạn sẽ có thời gian đầu tư vào sự nghiệp, quỹ tiết kiệm có thêm chút tiền còm để vợ mua sắm.
– Thứ tám, sau cùng người ta có vợ thì bạn cũng phải có vợ để khỏi thua sút và khỏi trả lời với thiên hạ là mình không bị chứng bịnh ấy.
Có một bài thơ đã định nghĩa…vợ như sau, (nguồn từ Internet) :
“ Vợ là mẹ các con ta.
Thường kêu bà xã, hiệu là phu nhân.
Vợ là tổng hợp : bạn thân,
Thủ trưởng, bảo mẫu, tình nhân, mẹ hiền…
Vợ là ngân khố, kho tiền,
Gởi vô nhanh gọn, hơi phiền rút ra.
Vợ là biển cả bao la,
Đôi khi nổi sóng khiến ta chìm phà,
Vợ là âm nhạc, thi ca,
Vừa là cô giáo, vừa là luật sư.
Cả gan đấu khẩu vợ ư ?
Cá ươn không muối, chồng hư cãi vờ (vợ).
Chồng ơi! Đừng có dại khờ,
Không vợ, đố biết cậy nhờ tay ai ?
Vợ là phước lộc thọ tài…
Thuộc trăm định nghĩa, trả bài vợ khen.”
Tuy nhiên, nói gì thì nói, nghĩ gì thì nghĩ, bàn dân thiên hạ đều phải công nhận sự đóng góp không nhỏ của vợ vào sự nghiệp của chồng, như tục ngữ đã bảo :
“ – Của chồng, công vợ.
– Chồng như đó, vợ như hom.
– Giàu vì bạn, sang vì vợ.
– Chồng sang vì bởi vợ ngoan.
– Gái ngoan làm quan cho chồng.”
“ Vợ ngon như sữa đậu nành,
Uống rồi cứ muốn để dành uống thêm.
Đêm đông vợ ấm hơn mền,
Không cho chị gió vén rèm chui vô.
Vợ như thóc lúa đầy bồ,
Chẳng sợ bỏ đói, tha hồ rong chơi.
Không vợ cực lắm ai ơi,
Phải làm tất bật bở hơi tai…hà.
Có vợ như có vườn hoa,
Hương thơm “nồng nặc” thở ra hít vào.
Vợ là “lãnh đạo” tối cao,
Đôi khi nổi dóa hết gào lại rên.
Vợ là cỗ máy loại bền,
Đa năng đa dạng cộng thêm mượt mà.
Nàng là cố vấn của ta,
Tiền lương nộp đủ bài ca ngọt ngào.
Trên trời có mấy vì sao,
Dưới đất chẳng có chỗ nào thiếu em.
A-di-đà-phật…Xe duyên,
Cho tôi vớ được cô tiên “vợ nhà”.
Vợ là cơm nguội của ta
Nhưng là đặc sản thằng cha láng giềng.
Ra đường sợ vợ liếc trai
Đi bơi sợ vợ khoe hai cặp đùi
Đi chơi sợ vợ ham vui
Đi làm sợ vợ thủi thui một mình
Đi xa, chẳng sợ vợ mình
Sợ cha hàng xóm, thiệt tình sợ hơn!” (sưu tầm Internet)
Đinh Tấn Sơn (Búa Tạ Giang)
Petrus Ký (67-73) – 12B3
Tài liệu tham khảo:
– Thuvienhoasen.org
– DaoPhatngaynay.com
– Từ Khủng hoảng đến Hòa bình (Master Ching Hai)
– Cadaotucngu.com
– Rongmotamhon.net
– Tuoitrephatgiaohoahao.com
– http://daibaothapmandalataythien.org
– Baomoi.com