TRƯƠNG VĨNH KÝ VỚI CÁC TẬP KỶ YẾU CỦA ỦY BAN NÔNG CÔNG NAM KỲ
Nguyễn Lục Gia(*)
Huỳnh Phạm Thu Phương
Dẫn nhập
Trước khi chiếm cứ toàn bộ lục tỉnh Nam Kỳ, thực dân Pháp đã từng bước ổn định chính quyền cai trị để vừa tiếp tục công cuộc chinh phục vừa tiến hành khai hóa thuộc địa. Ngày 16.6.1865, Đô – Thống đốc De La Grandière đứng ra thành lập Ủy ban Nông Công nghiệp Nam Kỳ, tập hợp những chuyên gia trí thức và khoa học, đồng thời xuất bản ấn phẩm dưới hình thức tập kỷ yếu, gọi là Le Bulletin du Comité agricole et industriel de la Cochinchine française/BCAI, cũng như tổ chức các cuộc đấu xảo hàng năm. Mục đích của kỷ yếu là để đăng tải các biên bản hay báo cáo của Ủy ban cùng những bài nghiên cứu liên quan đến hai lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Tập kỷ yếu chỉ được phát hành khi biên tập đủ số lượng bài viết và in tại Nhà in Hoàng Gia (l’Imprimerie Impériale). Ấn phẩm này đình bản năm 1881 để rồi tái bản vào năm 1888 khi Ủy ban được thành lập tại Bắc Kỳ.

Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) là người Việt đầu tiên và duy nhất được gia nhập vào Ban Chấp hành của Ủy ban Nông Công nghiệp Nam Kỳ vào ngày 08.3.1870 và từ đó hàng năm đều có hiện vật gửi đến hội chợ1. Riêng đối với các tập kỷ yếu phát hành bởi Ủy ban, có 5 bài khảo cứu mang tính cách dân tộc học của ông đã được đăng tải, cụ thể gồm: Kiến vàng và kiến hôi (1866), Hạt và gỗ nhuộm (1870), Tre và mây ở Nam Kỳ (1873), Ghi chú về các loại ghe thuyền ở An Nam (1875), Nói về rau câu (1876).
Quả thực, Trương Vĩnh Ký không chỉ là một học giả, triết gia, nhà ngôn ngữ học, nhà ngoại giao và chính trị gia lỗi lạc2 mà còn là một tài năng lớn trong lĩnh vực khoa học thực nghiệm. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin giới thiệu những nội dung chính yếu của các đề tài khoa học đăng tải vừa nêu, một số thể hiện dưới hình thức thư từ gửi cho các vị Chủ tịch của Ủy ban này.
Nội dung
1. Kiến vàng và kiến hôi3
Trước tiên, tác giả cho biết những kiến thức về loài kiến đã được thu nhận bởi điều kiện cảnh quan nào: “Ở tỉnh Vĩnh Long, đặc biệt là ở huyện Cái Nhum và Cái Mong quê tôi, tôi luôn thấy những người trồng cam quýt đặc biệt để ý về chuyện nuôi các tổ kiến vàng khi muốn nhân thêm các cây bụi. Tại sao vậy? Khi đó tôi còn quá trẻ để tò mò về nguyên do, cũng vì cái gì luôn nhìn thấy hàng ngày thì người ta sẽ không thấy ngạc nhiên nữa. Đến nay tôi đã có thể quan sát, suy ngẫm, cùng với kinh nghiệm của bản thân và của những người khác, tôi cho rằng kết luận rút ra sẽ được công nhận rộng rãi”.
Tiếp đó, thiên khảo cứu đề cập thủ phạm trực tiếp của hiện trạng và những mô tả bệnh lý rằng “Trong số đó tôi xin chỉ ra hai loài đặc biệt nguy hại ở Nam Kỳ là: giống kiến đen được gọi là kiến hôi và trên hết là một loại sâu nhỏ thường được người An Nam gọi là con rầy. Các loài thù địch thực vật này bám khắp cây, cành và quả. Thân và chồi cây phải chịu một loại chất kịch độc, ảnh hưởng trực tiếp đến quả cây; ngay sau đó chúng bắt đầu héo đi, vỏ quả dày lên trong khi thịt quả tiêu biến dần. Hiện tượng này được giải thích như sau: côn trùng hút nhựa cây, chất lỏng nuôi dưỡng quả, áp lực lên phần vỏ giảm khi chất dịch vào thịt quả không đủ, khiến cho vỏ nhũn, không còn chất lỏng khiến nó căng bóng và phát triển. Phần trong của vỏ dày lên trong khi bên ngoài không lớn thêm, khiến cho các múi quả teo dần và khô lại thay vì lớn lên. Vỏ ngày càng dày trong khi thịt quả teo tóp chính là hậu quả của việc côn trùng chỉ bám vào các mạch cây nuôi dưỡng quả và hút tinh chất để tạo quả trong khi thải ra những gì chúng không tiêu hóa được, như là chất đường để nuôi dưỡng phần vỏ. Con rầy còn gây hại nhiều hơn là giống kiến hôi. Cùng chung mục đích như nhau, chúng sống khá khôn ngoan”.
Từ đó, để trừ khử tác nhân gây hại cho cây cối, bài viết chỉ ra giải pháp về loài kiến vàng trong cuộc chiến giữa các loài với nhau rằng: “Kẻ thù duy nhất, kẻ thù không đội trời chung với chúng trong công cuộc phá hoại này chính là loài kiến vàng… Vốn yếu ớt và chậm chạp, các con rầy không thể nào chống chọi được với kiến vàng. Nhưng đối với kiến hôi, chúng luôn chống trả quyết liệt và đôi khi còn làm chủ trận chiến do có số lượng áp đảo. Vũ khí khủng khiếp nhất của chúng là phun chất thải vào kẻ thù, kiến vàng có thể bị mù và đau đớn đến chết. Do vậy, trước khi đặt ổ kiến vàng trên các cây cam và các loài cây khác, cần chú ý đuổi kiến hôi ra khỏi nơi đó. Biện pháp đơn giản nhất là để mồi trên thân cây, rồi dần dần nhử chúng đi xa khỏi cây. Để chuyển kiến vàng từ nơi này sang nơi khác, ta cần chuyển nguyên cả tổ kiến… Kiến cũng rất sợ tro than; trong trường hợp phải trèo lên một cây cam, xoài hay mít, cần lưu ý để một ít tro trong túi quần áo hoặc trong một túi nhỏ… từ đó ta có thể rút ra kết luận rằng loài kiến vàng không chỉ có ích mà còn không thể thiếu được trong ngành trồng trọt nếu ta muốn có những vụ mùa bội thu”.
Có lẽ đó cũng chính là quy luật tự nhiên mà con người cần nuôi dưỡng để hạn chế tác hại của một số loài sâu bọ trong bất kỳ điều kiện sinh thái nào.
2. Hạt và gỗ để nhuộm4
Bài viết đề cập đến các chất liệu nhuộm cùng các món pha chế áp dụng để tạo thành bốn màu sắc đặc trưng, bao gồm nhuộm đỏ, nhuộm vàng, nhuộm tím và nhuộm đen. Đây hẳn là một nền kỹ nghệ truyền thống được đúc kết từ kinh nghiệm dân gian trải qua hàng nghìn năm trong tương tác văn hóa giữa nhiều cộng đồng tộc người với nhau thuộc khu vực hoặc rộng xa hơn về không gian địa lý. Những ghi chép của tác giả thể hiện công phu sưu tầm về một lĩnh vực tạo tác mang ý nghĩa thẩm mỹ nhân văn tinh tế của các thành phần cư dân Việt nói chung chứ không riêng gì đối với người Nam Kỳ.
Để nhuộm đỏ, tác giả lưu ý: “Đồ nhuộm phải giặt thật sạch, đun sôi nắm lá dung, đem đồ nhuộm ngâm vào đó, cho thêm ít phèn chua, rồi ngâm vào nước có pha cánh kiến và một chút chanh; màu nhuộm sẽ bền vững không phai; nếu đồ nhuộm sau khi nhúng vào nước lá dung thì chuyển sang ngâm vào nước vang có pha phèn chua, màu sắc nhuộm sẽ đẹp đẽ hơn, nhưng không bền vững lâu dài như cách nhuộm thứ nhất”.
Trường hợp nhuộm vàng, tùy theo cách pha chế trong một danh sách gồm 6 chất liệu liệt kê, vải nhuộm sẽ có những màu sắc đậm nhạt khác nhau, gồm “lông kéc (lông con kéc), ngai (vàng xanh lơ), lục đậu (lơ nhạt), lá cam (vàng cam), quang lục (lơ bóng)”. Nếu nhúng vải nhuộm trong dung dịch “đun sôi hạt điều pha với cát lồi sẽ có được màu vàng chói hay vàng Tàu”.
Nhuộm tím được tiến hành tương đối đơn giản với hai loại chất liệu thông qua hai công đoạn: “Người ta nhúng vải vào nước pha cánh kiến, rồi vào dung dịch có chàm với liều lượng theo kinh nghiệm, với hai chất liệu đó người ta sẽ có các màu gọi là cổ vịt, tú đón, cán gáo, kiến gián và tím”.
Nhuộm đen được chỉ dẫn như sau: “Muốn nhuộm đen, người An Nam bắt đầu nhuộm vải ra màu xanh lơ bằng nước chàm, rồi đem nhúng vào dung dịch pha bằng lá tràm, sau cùng đem ngâm vào bùn nhão có pha thêm hắc phèn”.
3. Các loại tre và mây ở Nam Kỳ5
Bài viết được lập thành bảng kê với ba danh mục, bao gồm: 1) Loại tre lớn có cùi bao dày; 2) Trúc như tre nhỏ bé; 3) Mây.
Cho dù đề cập tre và mây trên địa phận Nam Kỳ, song tác giả cũng chỉ dẫn một số loại ở các vùng miền khác, như ở bảng kê danh mục thứ nhất có loại “Tre cam bồ ở Huế dùng làm quạt rất tốt. Tre lang nga (khá lớn có ở Tong (?) và Quảng Ngãi, dùng để đan sọt, làm kèo cột…); ở bảng kê thứ hai có “Giang, có nhiều ở Bình Định (… dùng làm nón cho nam giới và nữ giới); ở bảng kê thứ ba có “Mây rác ở tỉnh Nha Trang (nhỏ, dùng để đan phần nhẹ của các xe kéo hạng sang). Ngoài ra, có hai loại ngoại nhập là mây chốc từ Trung Quốc và tre trúc làm hàng rào từ Phi Luật Tân (Philippine). Ngược lại, một số loại tre mây Nam Kỳ được xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc theo chỉ dẫn của tác giả, rằng “… người Trung Hoa thường mua loại tre tầm vông mía của cư dân Thủ Dầu Một để dùng rất lợi ích; cũng như đối với loại mây”.
Nhằm ngăn ngừa tác hại của các loại côn trùng, tác giả lưu ý hai phương cách cùng một sáng kiến như sau: “Để tránh nạn mối mọt phát sinh từ bản thân cây, người ta đem ngâm dưới bùn trước khi sử dụng. Phương cách này làm cho mây tre vẫn giữ được độ tươi và tránh khỏi côn trùng phá hoại; có cách khác nữa là đem treo trên cao mặt bếp…”; “Một sự kiện kinh nghiệm cho biết đem vùi mây tre dưới đám phân trâu thì hơi nóng tác động ngoài vỏ cây và tạo lọc ra một chất nhựa độc giết chết sâu bọ sinh sống trong thân cây”.
Lợi ích của nghiên cứu về mây tre được tác giả chỉ ra ở phần kết luận rằng “Loại cây rỗng ruột này không đáng giá gì, nhưng có thể thành một ngành thương mại rất lợi lộc cho xứ ta”.
4. Chú giải về các loại tàu thuyền của An Nam6
Ngoài một số chỉ dẫn về các loại gỗ dùng để đóng tàu thuyền, bài viết tập trung vào sự định danh, mô tả cấu tạo và công dụng các loại tàu thuyền hoạt động trên vùng sông nước Việt Nam từ Nam Kỳ đến Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Khi căn cứ vào thủy trường tương tác, tác giả phân thành tàu thuyền đi biển và tàu thuyền đi sông; khi xét về chủ sở hữu, tác giả chia ra thành tàu thuyền của tư thương và tàu thuyền làm việc cho nhà nước.
4.1. Theo bảng kê 8 loại tàu thuyền đi biển, có các loại đặc trưng sau đây: ghe bầu, ghe cửa, nốc/giả.
“Ghe bầu là loại to hơn cả, dùng để đi xa. Mũi và đuôi nhọn, nhưng bụng thì phình rất rộng. Mép tàu uốn vào trong làm cho tàu như thu hẹp lại. Làm thế có mục đích tránh bị đánh thuế cao, vì việc đánh thuế tùy theo chiều ngang tàu đo ở nơi này. Cơ quan tính thuế không bị lừa, song việc đóng ghe bầu đã quen tạo tác như vậy. Ghe bầu được sử dụng từ Sài Gòn ra Huế”.
“Ghe cửa (ghe đi ở cửa biển) có hình dáng giống ghe bầu nhưng nhỏ hơn, dùng để chở gỗ, chở mắm, nước mắm, muối…”.
“Nốc hay giả là thứ ghe chuyên chở từ Huế tới ranh giới Trung Hoa. Từ lườn tới mép uốn cao của ghe đáng lẽ phải ghép bằng những tấm ván vắn gắn kết với nhau bởi những chốt gỗ, thì người ta lại ghép chúng bằng sợi dây tre luồn qua những lỗ nhỏ. Để trám những ghe này, người ta chỉ dùng vỏ tràm chứ không trát chai; cũng không bị thu hẹp ở vòng bụng như ghe bầu và được sử dụng như ghe bầu”.
4.2. Về thuyền buôn, bài viết liệt kê đến 16 loại, trong đó có các loại đáng chú ý là ghe lồng, ghe be, ghe gian, ghe đò.
“Ghe lồng là loại thuyền có làm một căn nhà lồng trên boong dành riêng cho thuyền trưởng và chứa những hàng hóa dễ hư hỏng (rộng từ 4 đến 10 sải chèo). Ghe lồng chui cũng làm như ghe lồng trên, nhưng nhỏ hơn, chỉ rộng 3 hay 4 sải chèo”.
“Ghe be là loại thuyền nhỏ hơn, thường cả thân thuyền là một cây gỗ, nhưng muốn chở được nhiều hàng hóa hơn, người ta be cho cao bên sườn bằng hai tấm ván dài làm cho đáy thuyền thêm rộng lớn”.
“Ghe gian là loại thuyền Cao Miên nguyên trước là kiểu Trung Hoa. Hai bên ghe có ghép những bó tre hay bương để giữ độ nổi của ghe. Từ mũi ghe tới cuối ghe, người ta làm kho chứa bằng tre lợp lá kín đáo để chuyên chở hàng hóa như bông vải, cá khô, đồ đất nung Cao Miên…”.
“Ghe đò là ghe chở hành khách qua sông thì gọi là đò ngang, chạy dọc theo sông thì gọi là đò dọc”.
4.3. Về ngạch tàu thuyền làm việc cho nhà nước, trong số 10 loại mà tác giả cho biết, đáng chú ý là ghe hồng, ghe diễu, tam bản bình kiện, hải vận, hải đạo.
“Ghe hồng là thuyền quốc gia, sơn màu hồng, dùng để chuyên chở sĩ quan và quan chức”.
“Ghe diễu có các mép cơi cao lên bằng chì, bằng sắt hay bằng thiếc, dùng để vận tải các đồ nặng như súng thần công, tảng đá lớn…”
“Tam bản bình kiện là tàu lớn với mép tàu phía mũi và phía đuôi đều cơi cao, dùng để vận tải mọi thứ cần thiết”.
“Hải vận là tàu chuyên chở của nhà binh trên đường biển”.
“Hải đạo là tàu thuyền lớn có mái che khá cao, để dùng trong chiến trận, đằng mũi cũng như phía hậu đều có đại pháo, bên phải có hai đại pháo, bên trái cũng có hai đại pháo. Các thủy thủ bơi chèo đều ở vị trí an toàn và kẻ địch không nhìn thấy”.
5. Rau câu7
Rau câu là một loại sản vật đặc biệt của biển khơi được tác giả cho biết có nguồn gốc chủ yếu ở An Nam, tức xứ Trung Kỳ, bởi “… người ta cũng thu lượm được ở vịnh Xiêm La gần Hà Tiên, nhưng không được bao nhiêu”. Hai địa điểm khai thác lý tưởng đó là “Trên các bãi đá ở cù lao Khoai (Poulo Ubi), trước hải cảng Mân thuộc [có lẽ là Mang Thit/Phan Thiết – TG] (tỉnh Bình Thuận)” và “Trên bãi đá ở cù lao Ré tọa lạc phía trước địa phận Quảng Ngãi”.
Về phân loại và giá cả, rau câu khai thác ở cù lao Ré được xếp chất lượng cao nhất với hạng nhất và hạng hai, trong khi rau câu ở hòn Khoai chỉ đứng vào hạng ba. Tác giả phân định chi tiết: “Sản phẩm của cù lao Ré chia ra hai hạng. Hạng nhất có tên theo hình dung của sản phẩm gọi là rau câu chơn [chân] vịt. Thứ này trắng hơn và trong hơn loại rau hạng nhất của cù lao Khoai. Thứ này bán được 50 phờ-răng một tạ 60 ki-lô. Hạng hai có tên thường là rau câu chỉ bán được 25 hay 30 phờ-răng một tạ 60 ki-lô. Cù lao Khoai chỉ sản xuất được thứ rau câu của Bình Thuận và thường chỉ bán được 25 hay 27 phờ-răng một tạ 60 ki-lô”.
Nghiên cứu cũng chỉ ra cách thức sử dụng rau câu trong việc chế biến ra thành phẩm của người Việt và người Hoa khác nhau dưới đây.
5.1. Đối với người Việt hay người Nam, có hai cách.
Cách thứ nhất trải qua bốn công đoạn rằng:
“1. Người ta ngâm sạch rau câu vào nước vo gạo độ 12 tiếng đồng hồ để tẩy rửa cho thật sạch.
2. Sau đó để cho ráo khô và rửa bằng nước lã.
3. Người ta nấu chín bằng nước thường dùng.
4. Người ta đổ tất cả vào một nồi đất, và để cho nguội đi.
Sản phẩm tự đông lại, sau đó người ta cắt ra từng miếng bằng những mảnh tre sắc, rồi đem ra bán để người mua ăn pha với đường. Sản phẩm với dạng đó gọi là xoa xoa.
Có cách thức thứ hai làm cho sản phẩm đó trắng hơn, trong sáng hơn, đông đặc hơn. Cách này khác với cách thứ nhất là đun sôi nhiều lần và chế thêm nước thay cho nước bị bốc hơi. Người ta pha đường ngọt vào phần nước cho thêm lần cuối cùng. Sau đó đổ vào khuôn và để cho đông lại. Người ta cũng có thể chế vào sản phẩm này những màu sắc khác nhau. Sản phẩm chế theo cách thức mới này thì hơn hẳn theo cách thức thứ nhất. Loại sản phẩm mới thường làm bằng rau câu hạng tốt nhất của cù lao Ré. Sản phẩm mới gọi là bánh trong.
5.2. Đối với người Trung Hoa, “Với cùng một thứ sản phẩm đó, người Tàu chế biến thành những sợi dài và vương, rồi bao vào hộp, coi như vật phẩm từ Bắc (Trung Hoa) đưa tới. Cũng thường khi người Tàu mua hàng của An Nam rồi chế biến lại, làm thành khuôn khổ khác, rồi bao bì mới và đưa ra bán với giá cao lắm, giống như họ thường mua tơ lụa đã dệt thành tấm của Bắc Kỳ rồi mang sang Trung Hoa đóng gói lại theo nhãn hiệu Tàu để được coi như hàng Bắc và bán rất đắt”.
Kỳ thực, những phương cách thực hành trong đời sống dân gian đã được chắt lọc thành kỹ nghệ chế biến thực phẩm hoàn bị để nâng tầm giá trị sản vật. Trường hợp rau câu là một điển hình cho tính cách đa dạng lẫn biểu trưng của sản vật nước Nam ta.
Kết luận
Trương Vĩnh Ký là một tên tuổi lớn trong sinh hoạt học thuật văn hóa nước Đại Nam nửa sau thế kỷ XIX. Hiện diện trong sứ đoàn của triều đình Huế tại Pháp quốc từ cuối năm 1863 với vai trò thông ngôn lúc mới 26 tuổi, ông được giới học giả Tây phương nhận định là một trong những người sở hữu nhiều kiến thức sâu sắc và biết nhiều ngôn ngữ Á – Âu nhất lúc bấy giờ, đồng thời “… thông thạo tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ mình vậy”8. Mười năm sau, Tạp chí Le Biographe vinh danh rằng Petrus Ký là nhà ngôn ngữ nổi tiếng của Nam Kỳ, thông thạo 18 ngôn ngữ Á – Âu, là một trong 18 học giả hàng đầu thế giới9.
Trước tác của Trương Vĩnh Ký chắc chắn rất đồ sộ, bao gồm đa lĩnh vực nghiên cứu và trải nghiệm. Ông là vị chủ bút thứ hai tờ Gia Định báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, đồng thời là nhà báo tiên phong và uy tín trong làng báo tam ngữ Việt – Pháp – Nho đương thời. Với tư cách thành viên người Việt duy nhất đầu tiên trong Ủy ban Nông Công nghiệp Nam Kỳ, tăm tiếng của Trương Vĩnh Ký càng vang xa hơn bởi bề dày kiến thức về dân tộc học mà ông đúc kết như những gì vừa đề cập trên đây, từ tri nghiệm dân gian trừ diệt bọ rầy đối với cây ăn quả, phương thức chế biến rau câu, bảo vệ vật liệu xây dựng và đan lát tre mây cho đến quy trình pha chế hoạt chất màu nhuộm hay chú giải về các loại tàu thuyền hoạt động trên khắp các miền sông nước Việt Nam từ vịnh Xiêm La trải tới biên giới Trung Hoa. Các công trình khảo cứu dạng này tuy không nhiều, nhưng nó chứng tỏ sinh hoạt tri thức của ông hết sức đa dạng lẫn thâm sâu.
Năm 1927, phát biểu tại Trường Đại học Đông Dương trong lễ kỷ niệm 90 ngày sinh của “Petrus Trương Vĩnh Ký – Nhà ái quốc và học giả An Nam”, Lê Thành Ý đã đề cao các bài viết đăng trong BCAI là một trong những hoạt động học thuật của tác gia như sau: “Ông trao đổi với các cộng đồng khoa học về giống tre, các loại tàu thuyền, loài kiến đỏ và đen, món vịt sấy và về sự tương đồng giữa các ngôn ngữ và chữ viết phương Đông”10.
Trong một tiểu luận học thuật đánh giá về Trương Vĩnh Ký đăng tải trên tập san Trí Tri năm 1937 đề cập đến lĩnh vực nghiên cứu mang tính khoa học thực nghiệm hay thường thức như đã nói, học giả Nguyễn Văn Tố cho rằng “… có lẽ sẽ là bất công nếu không biết đến giá trị to lớn của các công trình khác của ông, viện cớ là các công trình này nằm ngoài lĩnh vực quen thuộc của ông, và chỗ này chỗ khác tuy còn có một số điểm yếu kém hay còn có những lý thuyết có phần liều lĩnh! Mặc dù những nghiên cứu về nông nghiệp và công nghiệp và một số sách khác của ông có thể có vài chỗ chưa ổn (xem bức thư của ông về “Kiến vàng và kiến đen”…; “Thư về cây tre và cây mây ở Nam Kỳ”…; “Ghi chú về các loại thuyền khác nhau của An Nam”…; “Hạt và gỗ để nhuộm”…; Thư ngày 30 tháng 5 năm 1876 về “Rau câu”…), nhưng điều khiến các công trình này vẫn còn giá trị, có thể là giá trị lâu dài, chính là tính trung thực tuyệt đối của việc ông làm. Không bao giờ lướt bỏ khó khăn, không bao giờ dùng những xảo thuật của ngôn từ để che đậy sự bất lực hay tư duy nghèo nàn, không bao giờ bỏ qua những văn bản có thể gây khó chịu hay xin xỏ, như ở những tác giả khác”11. Phải chăng đó cũng chính là bản lĩnh văn hóa Trương Vĩnh ký, mà “… về cuộc đời có thể tóm gọn trong ba từ: khoa học, lương tri và khiêm tốn”12.
Hậu thế xin ngưỡng mộ ông như một nhà bác học trứ danh thời tiền hiện đại.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Đình Đầu (chủ biên) (2016), Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ, Nxb. Tri Thức, Hà Nội.
2. Petrus Trương Vĩnh Ký (1866), “Les fourmis rouget et noires”, BCAI, tập I, số IV.
3. Petrus Trương Vĩnh Ký (1870), “Graines et bois de teinture”, BCAI, số XI.
4. Petrus Trương Vĩnh Ký (1873), “Lettre de M. Truong Vinh Ky sur les bambous et rotins de Cochinchine”, BCAI, tập I, số II.
5. Petrus Trương Vĩnh Ký (1875), “Notes sur les diverses espèces de bateaux annamites”, BCAI, tập I, số IV.
6. Petrus Trương Vĩnh Ký (1873), “Lettre de M. P. Truong Vinh Ky sur le rau cau en date du 30 Mai 1876”, BCAI, tập I, số V.
7. Nguyễn Văn Tố (1937), “Petrus Ký (1837-1898)”; trong: Bulletin de la Société d’enseignement mutual du Tonkin (Tập san Trí Tri), số tháng 1 và tháng 6 năm 1937, bản dịch của Nguyên Ngọc.
(*) Tiến sĩ, Khoa xã hội-Nhân văn, Đại học Thủ Dầu Một. ĐT: 0973433617
Email: vanjack.nguyen@gmail.com
1. Nguyễn Đình Đầu (chủ biên) (2016), Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ, Nxb. Tri Thức, Hà Nội, tr.228-229.
Tại đấu xảo quốc tế ở Lyon năm 1872, Ủy ban Nông Công Nam Kỳ tham dự với hiện vật của ba người, gồm:
Mourin d’Afeuille với một thanh kiếm có vỏ bọc cẩn vàng do hoàng đế Tự Đức ban tặng.
Thái Văn Thông với các loại đường cát, đường phèn, đường phổi ở Biên Hòa.
Petrus Trương Vĩnh Ký với nhiều loại hiện vật: trang trí giường nằm (đồ thêu chăn màn Bắc Kỳ), trang trí bàn thờ (đồ thêu Bắc Kỳ), nón đàn ông (các loại: sơn quang dầu, có dải lụa, có quai lụa bạch), nón đàn bà (các loại: thường dùng, nón chao có nan đồi mồi chỉ dùng trong ngày cưới, nón Cu (?) với dải lụa vàng, nón Khoi-xanh (?)), gối lá sách, gối dựa, bình xông hương và phụ kiện bằng đồng, 1 hộp cẩn xà cừ nổi, 1 khay cẩn xà cừ, 1 khay cờ tướng bằng ngà và sừng trâu, 2 bộ bài (Tứ sắc và Bài chòi), 1 bộ Bài phụng, đờn tam cẩn xà cừ, đờn cò cẩn xà cừ, đờn kìm cẩn xà cừ, đờn tranh cẩn xà cừ.
2. Lê Thành Ý (1927), “Petrus Trương Vĩnh Ký – Nhà ái quốc và học giả An Nam”, tr.327-342; trong: Nguyễn Đình Đầu, Sđd.
3. Petrus Trương Vĩnh Ký (1866), “Les fourmis rouget et noires”, BCAI, tập I, số IV, tr.51-52.
4. Petrus Trương Vĩnh Ký (1870), “Graines et bois de teinture”, BCAI, số XI, tr.134-139.
5. Petrus Trương Vĩnh Ký (1873), “Lettre de M. Truong Vinh Ky sur les bambous et rotins de Cochinchine”, BCAI, tập I, số II, tr.106-109.
6. Petrus Trương Vĩnh Ký (1875), “Notes sur les diverses espèces de bateaux annamites”, BCAI, tập I, số IV, tr.222-226.
7. Petrus Trương Vĩnh Ký (1873), “Lettre de M. P. Truong Vinh Ky sur le rau cau en date du 30 Mai 1876”, BCAI, tập I, số V, tr.271-272.
8. Tạp chí Hội Địa lý Paris, cuối năm 1863; dẫn theo: Nguyễn Đình Đầu, Sđd, tr.296.
9. Le Biographe, Année 1873-1874, Premier volume, Dixième Livraison;
Trong bảng Tiểu sử nhân vật này, hình ảnh và tên tuổi của Trương Vĩnh Ký được xếp ở vị trí số 17 theo vần ký tự Latin với danh xưng Petrus-Ky.
Dẫn theo: Nguyễn Đình Đầu, Sđd, tr.312.
10. Lê Thành Ý (1927), Sđd.
11. Nguyễn Văn Tố (1937), “Petrus Ký (1837-1898)”; trong: Bulletin de la Société d’enseignement mutual du Tonkin (Tập san Trí Tri), số tháng 1 và tháng 6 năm 1937, tr.25-67, bản dịch của Nguyên Ngọc.
12. Nguyễn Văn Tố, Sđd.