TRƯỜNG TÔI

Nguyễn Ngọc René

Truong toi 01

Pétrus-Ký sắc hay không sắc ? (1)

Ngẫm sự đời đã đặt ra rồi !

Cãi nhau như lục bình trôi

Đâu là bến đỗ đứng ngồi dây dưa… .

*

Truong toi 02Cùng nhau uống nước dừa xứ Việt

Tranh luận thêm tha thiết tên Người

Thấy rằng không thể bỏ rơi

Cũng nhờ duyên cớ trao lời cho nhau… .

*

Qua bao cuộc trăm màu thay đổi

Chút tình chung tụ hội về đây

Hương xưa nghĩa cũ vơi đầy

Luận bàn để nhớ thơ ngây chốn này … .

*

Truong toi 03Từ xa thẳm hôm nay lại viết

Về thuở nào từ biệt ra đi

Chân trời góc bể vẫn ghì

Trường xưa ký ức dòng thi gởi về… .

*

Bạn ơi hỡi ! Vùng quê mạnh khỏe

Hay nghĩa trang buồn tẻ quạnh hiu ?

Người còn kẻ mất thật nhiều ?

Vào đây hội họp bao nhiêu cũng tình… .

*

Bạn có chết anh linh chứng giám

Những dòng này ảm đạm nhớ thương

Một thời cùng lớp chung trường

Bao năm cách biệt hoài hương học trò… .

*

Bao dâu bể cùng lo cơm áo

Giờ gặp nhau mạng ảo cũng vui

Nhớ nhiều thuở dại bùi ngùi

Rượu bình chia sẻ nào khui bắt đầu…

-N3- Nguyễn Ngọc René – 12/08/2016

(1) Cựu HS Pétrus-Ký bàn luận tên trường : Pétrus-Ký : có dấu sắc hay Petrus-Ký : Không có dấu sắc

 

TRƯỜNG TÔI

Thanh Hiếu diễn ngâm

Nguồn ảnh từ fb của Phuong Ztuong

Tác giả thơ + vidéo :  Nguyễn Ngọc René


Thầy Phan Thanh Sắc :

MỘT THỜI PÉTRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ
Tìm thấy trên FACEBOOK, ngày 01-4-2016, một bài viết của một đồng hương Gò Công, ghi tên
NGUYỄN NGỌC RENÉ, hiện ở Paris – France, và cái Thẻ Thư viện của Trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn, cấp cho NGUYỄN NGỌC NÊ, sanh ngày 9 – – 5…. ghi lớp 12 B4, thẻ cấp ghi ngày 29-10-1973. Thẻ nầy đủ cho biết, anh NÊ học lớp 12 Ban TOÁN, niên học 1973-1974. Anh sẽ thi Tú Tài IBM, khóa tháng 6 năm 1974, cái bằng IBM đầu tiên và cuối cùng của Miền Nam. Còn anh NÊ bôi bỏ tháng và năm sanh của anh, nhưng có thể đoán anh sanh năm 1956, hay trở về trước 1 hoặc 2 năm, 1955 hoặc 1954. Nhưng thử đoán: Vì năm 1956 Tổng thống Diệm của miền Nam ban sắc lệnh sửa các tên Tây (Pháp) ra tiếng Việt. Vậy anh Nguyễn Văn Nê phải sanh đầu năm 1956 hay 1955, gia đình đặt cho anh tên Tây là Nguyễn Ngọc René, nên theo Sắc lệnh Tổng Thống Diệm đổi tiếng Việt là Nguyễn Ngọc Nê (tự đổi tên gì cũng được) như thấy trên Thẻ Thư viện. Đoán trúng hay đoán trật cũng không sao, nhưng chuyện tôi trình bày như trên là phản ánh đúng thời cuộc năm 1956 ở miền Nam là như thế! 
Cám ơn anh NGUYỄN NGỌC RENÉ tức anh NGUYỄN NGỌC NÊ người Gò Công nhưng học Trường Trung học PÉTRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ, Sài Gòn. Nếu anh học ở Trung học Gò Công, thì anh sẽ học thuộc Khóa 13, cũng thi Tú tài IBM tháng 6, 1974. 
Tôi biết chi tiết nầy, tôi vui quá. Anh Nê giúp tôi sống lại thời xưa (mặc dù như Văn Cao trong bài Thiên Thai có câu nói tâm trạng của Lưu Nguyễn lạc Thiên Thai rồi trở về: Nhắc chi ngày xưa ấy …cho se buồn lòng ta!).
Tôi là người sanh năm 1936, tại làng Thành Phố, tỉnh Gò Công, thời thuộc Pháp
Suu khi học Cours des Certifiés A, École Primaire des Garçons de Go Cong, niên học 1948-1949, tôi là 1 trong mươi bạn thi đậu lên học bậc Trung học tại trường Pétrus Ký. Thuở đó trường Pétrus Ký dạy Chương trình 4 năm đầu là Chương trình Pháp Việt (Cours Complémentaires), cuối năm thứ 4, thi bằng Diplôme d’Études Primaires Complémentaires Indochinoises, gọi tắt là DEPCI, còn bên trường Chasseloup Laubat dạy bậc trung học Pháp (classes modernes), cuối Classe Troisième (cũng năm thứ 4 như Pétrus Ký), thi bằng Brevet d’Études du Premier Cycle, gọi tắt là BEPC. Cả 2 bằng xưa đó giờ tương đương học hết cấp 2. 
Niên học 1949-1950, tôi học Cours Première Année C, giờ tương đương lớp 6 …
Tên trường đầy đủ là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký.
Trường gọi Lycée vì có thêm lớp Seconde (tương đương Đệ Tam sau nầy), Première (tương đương Đệ Nhị), phải thi đậu BAC 1 (tú tài 1 Pháp) rồi học các lớp Terminales, (lớp cuối cấp như Đệ Nhất hay lớp 12 bây giờ), để thi BAC II: Science-Ex. (12 A), Math-élem. (12 B) và Philo. (12 C). Vậy anh NÊ học lớp 12 Toán, xưa thi Tú tài Toán (Math-élem).
Năm 1949, ở Sài Gòn chỉ có 3 trường Lycée: 
Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký, Lycée Chasseloup Laubat và Lycium Nguyễn Văn Khuê, đây trường tư thục gần Cầu Ông Lãnh 
Sau nầy đi dạy học ở Gò Công, tôi tự học và thi đậu Tú Tài I: Toán (1960), Tú Tài 2: Khoa học Thực nghiệm (1961) Qua dạy Trường Trung học Gò Công dạy Văn, Trung học Bán Công dạy Toán, Nghịch lý, dạy đủ môn, trước giải phóng nhiều năm, tôi đậu Cử nhân Văn khoa, ngôn ngữ, nên dạy Pháp Văn và Anh Văn bậc trung học.
Kỷ niệm với Trường Trung học Pétrus Ký. Tôi cứ nhấn mạnh Pétrus Ký, vì bây giờ khi nhắc đến ngôi trường nầy, người ta viết là PETRUS KÝ. Xin coi cuốn sách của học trò cũ của trường nầy, viết “Mùa hè năm PETRUS”! Họ không bỏ dấu sắc. 
Giờ với cái thẻ của anh Nguyễn Ngọc Nê, chắc không ai cải. Ai học tiếng Pháp cũng biết dấu “sắc” rất quan trọng. Tên cũ và bây giờ của anh Nguyễn Ngọc Nê là RENÉ. Làm ơn khi viết về ông Pétrus Ký, nên bỏ dấu sắc đừng viết trụi lủi Petrus!
Tháng 4 năm 1967, tôi đủ điều kiện, ứng thi bằng Khả năng sư phạm trung cấp để vào ngạch Giáo sư Trung học Đệ I cấp. Phần thực hành dạy chấp điểm: tôi dược chỉ định dạy Anh Văn (chứ không gọi Tiếng Anh như bây giờ), lớp Đệ Ngũ (lớp 8) tại trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn (Tôi còn giấy giới thiệu từ Hội đồng thi). Liên hệ trường ngày hôm trước, văn phòng trường cho biết lớp và bài dạy. Tôi dạy lớp Đệ Ngũ A và phòng học là phòng tôi học hồi xưa Cours Première Année C (1949-1950). Dạy bài thi, có 2 thầy giám khảo ngồi dưới chấm điểm. Học trò rất phấn khởi trả lời các câu hỏi của tôi..Giờ dạy thi qua mau và trọn vẹn. Trước khi ra khỏi lớp, tôi cám ơn lớp và xúc động nói cho các em biết, tôi từng là học sinh Pétrus Ký và từng ngồi học phòng nầy, qua 2 cửa sổ thấy vườn chuối và nghe tiếng xe lửa Sài Gòn- Mỹ Tho bên đường Hùng Vương chay rập rền,(nên thường lo ra, học không giỏi)…Cả lớp đứng lên vổ tay…tôi từ giã phòng học xưa, lớp dạy thi, nghẹn ngào cám ơn hai thầy giám khảo…khiến cho hai thầy cảm động, nói tôi đã dạy tốt bài thi…Từ đó, tôi, thầy giáo tiểu học lên ngạch giáo sư trung học, rồi làm hiệu trưởng một trường trung học công lập, trong tỉnh Gò Công đến ngày giải phóng. 
Năm 1974, em NÊ thi IBM, tôi được cử là Phó Chủ tịch Hội đồng Coi thi tỉnh bạn,
Rồi “nước chảy qua cầu”. “sóng Trường giang…lớp sau đè lớp trước….” 
Tôi không có duyên dạy được anh Nguyễn Ngọc René, nhưng chung tình nghĩa MỘT THỜI PÉTRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ
Tôi vào học Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký, năm 1949
Nguyễn Văn Nê vào học Trung học Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký, năm 1967
Cám ơn anh NÊ, viết bài trên Facebook, kèm tấm thẻ Thư viện quí giá. Tôi chép lại ghi để dành trong Computer
Tôi viết xong bài nầy ngày 03-04-2016
Phan Thanh Sắc – Gò Công
CÒN BÀI CỦA NGUYỄN NGỌC RENÉ
Nguyên Văn như sau
Hơn 40 … sau tú tài IBM , mạnh ai nấy dzọt …chẳng ai gặp lại ai…Không biết ai còn nhớ đến ai… Bao dâu bể… Mình chỉ còn kỷ niệm này !
MỘT THỜI PÉTRUS-TRƯƠNG VĨNH KÝ
Bao dâu bể một thời Vĩnh Ký ( 1)
Còn thẻ này là kỷ niệm thôi
Tú tài giã biệt bồi hồi
Mạnh ai nấy dzọt xa xôi dặm đường
.
Ai còn nhớ xưa trường chung lớp
Chốn mười phương tương hợp bao giờ
Bây chừ tóc bạc chơ vơ
Tuổi xuân đã mất bóng mờ nhân gian…
.
Bao năm đã mây ngàn theo lối
Có mấy ai lặn lội trở về
Nhìn nhau tương hội tỉ tê
Nỗi niềm xưa cũ đề huề thuở xưa
.
Về để uống nước dừa đất nước
Cùng hàn huyên thêm được bạn hiền 
Một thời áo trắng an nhiên
Học hành nào biết bạc tiền chén cơm
.
Chiều bóng ngả lưng khờm tuổi tác
Lữ khách buồn vị lạc chán chường
Có còn nhớ đến mến thương
Bạn hiền xưa cũ chung trường ngày nao
.
Cùng một thuở ngọt ngào xuân thắm
Nay xa xăm thăm thẳm nước nhà
Phương trời gió bụi cùng ta
Ai người ôm ấp ngọc ngà xa xưa.?..
-N3- Nguyễn Ngọc René – Paris – 01/04/2016
(1) Pétrus-Ký
Mặt sau chữ ký của nhà văn Duyên Anh , đến trường thuyết trình và giới thiệu truyện .