Trạm xe điện cuối ngõ
Vưu Văn Tâm
Nhằm mùa dịch bệnh, trạm xe điện cuối ngõ thưa vắng bóng người. Nhờ vào hệ thống internet, người lớn làm việc ở nhà, học trò cũng học hành ở nhà để tuân theo lệnh giới nghiêm, giãn cách và ít ra góp được một bàn tay cho mầm bệnh bớt lây lan.
Cái kiosque nhỏ xíu tồn tại nơi đó qua nhiều năm tháng và hình như không màng đến nắng hạ hay mưa thu, mạnh giỏi hay “mắc dịch”. Ở đó, người ta có thế tìm thấy rất nhiều thứ cần thiết trong phút giây vội vã, để bắt kịp chuyến xe sớm mai hay mua vội chút gì và rảo bước về nhà trước khi hoàng hôn ngã bóng. Gần đó, một đám đàn ông, đàn bà tuổi tác đã quá “xồn xồn” tụ tập gần cả chục người quanh cái băng gỗ dài, tay này cầm điếu thuốc cháy dở, tay kia giữ chai bia mới vừa khui nắp, bọt sủi tràn trề. Họ “họp nhóm” hằng giờ, ngày này qua ngày khác, chén chú chén chị và hăng say nói cười, vui vẻ bất tận mà không kể gì đến mọi sinh hoạt xảy ra chung quanh cũng như luật giãn cách xã hội.
Một người đàn ông tuổi ngoài năm mươi, mái tóc trắng màu bông được cắt ngắn gọn, thường lảng vảng nơi đó và đi miệt mài trên những lối nhỏ, đường thuôn hay loanh quanh nơi khu mua sắm trong vùng. Cái áo khoác không bao giờ được kéo kín chắn gió hay che lạnh mà chỉ thay đổi dày, mỏng khi tiết trời trở đông hay chớm xuân. Anh vừa đi vừa ngó lên bầu trời cao hay nhìn xuống mặt đất và cười cười, nói nói, ca hát một mình. Ảnh dừng chân trước cái kiosque và nhìn chăm chăm vào bà chủ. Có lẽ đã quá quen thuộc với hình ảnh đó nên bà ấy vọng ra :
– Có ai muốn trả tiền ly cà-phê cho ông này không ?
Dăm ba người đang sắp hàng cách nhau một mét rưỡi trước kiosque để chờ đến lượt mình ngó nhau, tiếp tục vuốt cái cellphone trên tay và không nghe ai lên tiếng. Cậu thanh niên trong số đó đưa tay lên và nói :
– Tôi trả cho. Bà gói luôn cho ông ấy cái bánh mì kẹp thịt nguội nha !
Anh đón nhận ly cà-phê và khúc bánh mì, nhe hàm răng thưa thớt cười thật tươi với bà chủ rồi quay lưng đi tiếp.
Nghe bà chủ cái kiosque thuật lại, ảnh sống sót qua mấy trận dội bom ở Syria và đến được xứ này với thân thể nguyên lành nhưng vợ con không may đã qua đời trên đường đi lánh nạn. Từ đó, ảnh biếng nói siêng cười, đi lang thang suốt ngày nhưng may mắn thay, buổi tối cũng biết đường về nhà đứa cháu họ cách đó chưa đến một cây số.
Chiến tranh tàn nhẫn quá ! Người ta chỉ vì muốn hơn thua, nuôi mộng làm bá chủ mà gây ra thảm cảnh tương tàn, tang tóc. Ai thắng, ai thua, ai hưởng lợi lộc ít nhiều chưa kịp bàn đến, chỉ thương tội cho người dân muôn đời là nạn nhân của giành giật, xung đột. Bao nhiêu năm gầy dựng, đổ mồ hôi sôi nước mắt, bỗng phút chốc hóa tay không, nhà cửa nát tan, gia đình ly tán. Thân thể, da thịt nào chịu đựng nổi những lằn tên, mũi đạn vô tình. Hậu quả sau chiến tranh là những vết thương không bao giờ lành lặn, từ thân thể cho đến tinh thần. Vì muốn tiếp tục cuộc sống nên họ phải lìa quê xa xứ, đi tha phương cầu thực nơi miền đất mới. Từ đó, những hệ lụy cứ tiếp tục kéo dài và lòng tham con người mỗi ngày một lớn theo thời gian. Ngày lên, đêm xuống, cái kiosque vẫn nằm phơi nắng gió, trạm xe điện cuối ngõ vẫn sừng sững và chứng kiến mọi đổi thay trong đất trời, vạn vật.
20.05.2021