Trả lại nhân văn cho đại lộ “dài nhất” Sài Gòn

Phúc Tiến (PK 1973)

(nguồn: http://nguoidothi.net.vn/tra-lai-nhan-van-cho-dai-lo-dai-nhat-sai-gon-11495.html ngày 27/11/2017)

Không phải dài nhất về địa lý mà là dài nhất về lịch sử! Sài Gòn có một đại lộ chạy dài từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XXI mang trên nó đầy đủ những chuyển động tiêu biểu của lịch sử thành phố. Một đại lộ bắt đầu từ không tên và rồi có bốn tên khác nhau. Trải qua bao truân chuyên, dù mang tên gì đi nữa thì đó vẫn là đại lộ lịch lãm nhất, sang trọng nhất, duyên dáng nhất của không chỉ xứ sở này.

Đại lộ của kinh đô mới

Năm 1790, Sài Gòn trở thành kinh đô mới của Đàng Trong, mang tên Gia Định Kinh. Sài Gòn thuở đầu là cấp huyện rồi cấp tỉnh và là thủ phủ của miền đất Nam bộ mới khai phá. So với Phú Xuân (Huế, nhà Tây Sơn) hay Thăng Long (Hà Nội, vua Lê chúa Trịnh), Gia Định là kinh đô mới hẳn về nhiều mặt. Đó không chỉ là thành phố hành chính trung ương đơn thuần mà còn là một thành phố đa năng, một sức mạnh kết hợp chính trị – kinh tế và quốc phòng.

Thực vậy, Gia Định có cái thế và thực lực “rồng chầu, hổ phục” rất ngoạn mục. “Rồng” ở đây là phố thị, chợ búa, đặc biệt là Chợ Lớn, đồng thời là sông nước và bến cảng đi ra biển rất gần. Còn hổ là các làng nghề tiểu thủ công nghiệp và dân cư mang tính tứ xứ, hợp chủng, đa miền. Các yếu tố cảng thị và căn cứ công nghiệp, căn cứ quân sự, cùng với vị thế của một kinh đô, đã làm Sài Gòn trở thành một đô thị đặc biệt chưa từng có trong lịch sử Việt Nam.

Dai lo dai nhat SG 01
Bản đồ và chú giải Thành Gia Định do nhà giáo, nhà báo Petrus Trương Vĩnh Ký thực hiện trên cơ sở so sánh với các con đường cuối thế kỷ XIX đầu XX. Boulevard Norodom là đại lộ Lê Duẩn ngày nay. Vị trí đánh dấu A là cung điện chúa Nguyễn (nay là phần đất khách sạn Inter Continental và tòa nhà German House). Ảnh: TL

Kinh đô mới còn “mới” ngay cả về tòa thành và quy hoạch xây dựng tương lai. Thành Gia Định là tòa thành lớn được xây dựng theo thiết kế tân kỳ, kết hợp giữa triết lý và phong thủy Á Đông với quan niệm quân sự và công nghiệp châu Âu (Vauban). Dân ta gọi đó là Thành Bát quái hay Thành Quy vì hình dáng đầy góc cạnh chưa từng thấy.

Đại lộ trung tâm Hoàng thành Gia Định

Khuôn viên của Thành Quy chạy dọc theo những con đường hiện nay: Nguyễn Đình Chiểu (Bắc), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Tây), Lê Thánh Tôn (Nam) và Nguyễn Bỉnh Khiêm (Đông). Thành là nơi đặt cung điện của nhà vua và hoàng tộc, kho bạc, kho lương thực, kho súng đạn, kho quân nhu, trại lính… Đồng thời, trong Thành còn có bệnh viện, trường học, trường thi… Chạy dọc theo những kiến trúc này và nằm ở vị trí trung tâm là một con đường lớn kết nối hai trục Đông – Tây và Nam – Bắc. Sau năm 1838, phần cuối của con đường này (đoạn từ giao lộ Lê Duẩn – Lê Văn Hưu – Mạc Đĩnh Chi đến Đinh Tiên Hoàng hiện nay) trở thành một phần của tường Thành Phụng. Cổng phía Đông Nam của Thành Phụng chính là giao lộ Lê Duẩn – Đinh Tiên Hoàng, nơi quân Pháp đổ bộ tấn công tháng 2.1859.

Rất tiếc, các tư liệu và những khảo sát về Hoàng thành Gia Định đến nay chưa nhiều. Theo các bản đồ xưa còn giữ được của các chuyên viên Pháp theo giúp Nguyễn Ánh (1790-1795), Trần Văn Học (1815), John White (thuyền trưởng Mỹ 1820) và các sĩ quan viễn chinh Pháp (1859) thì cả Thành Quy và Thành Phụng đều là những công trình lớn. Đặc biệt, bên trong Thành Quy có đầy đủ tiện nghi của một cấm thành (giống Đại Nội Huế sau này).

Điều cay nghiệt, sau khởi nghĩa Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng đã cho san bằng Thành Quy, thay bằng một thành mới với một quy mô nhỏ hơn (Thành Phụng). Khi Pháp vào năm 1859, Thành Phụng cũng bị phá bỏ. May mắn thay, có một người Sài Gòn đã cất công tìm kiếm, ghi chép và phác họa lại bản đồ của cả hai Thành Quy và Thành Phụng: Petrus Trương Vĩnh Ký. Nếu không có Petrus Ký thì ký ức về Sài Gòn trước khi Pháp vào, với nhiều chi tiết quý giá sẽ không được các thế hệ đời sau biết đến.

Đại lộ của “Tổng hành dinh xanh”

Sau khi chiếm đóng được Sài Gòn, chính quyền quân quản Pháp đã lấy ngay khu vực Hoàng thành Gia Định làm khu vực tổng hành dinh quân sự và hành chính. Họ giữ nguyên và nối dài đại lộ trung tâm Hoàng thành cũ thành đại lộ trung tâm của khu vực đầu não chính quyền mới. Lúc đầu, đại lộ này mang tên là đại lộ Chính Phủ, về sau đổi tên là đại lộ Norodom (tên một nhà vua Campuchia từng đến thăm Sài Gòn năm 1888).

Đại lộ Norodom bắt đầu từ Dinh Chính phủ (lấy một phần vườn Ông Thượng – vườn của Tổng trấn Lê Văn Duyệt, nay là vườn Tao Đàn) chạy dài ngang qua cổng Thành Phụng xưa (Thành Phụng trở thành khu vực trại lính trung đoàn thuộc địa 11) đến khu vực vườn tược dọc rạch Thị Nghè (được quy hoạch làm vườn Bách thảo và Sở Thú).

Dọc theo đại lộ, những vị trí cũ như kho bạc, kho quân nhu, trại lính của nhà Nguyễn đều được dùng để xây dựng các kiến trúc mới có cùng công năng. Có lẽ vì thời kỳ đầu là chính quyền quân quản (các soái phủ) nên nhiều vị trí dọc theo đại lộ được ưu tiên sử dụng cho các cơ quan quân đội. Chẳng hạn tòa nhà Hội đồng quốc phòng (nay là nơi đặt Tổng lãnh sự quán Mỹ), dinh Tư lệnh quân đội (tư dinh Tổng lãnh sự Pháp), Câu lạc bộ sĩ quan (trụ sở UBND quận 1). Mặt khác, có nhiều vị trí dành cho tôn giáo như tòa Tổng giám mục (nay là trụ sở Sở Ngoại vụ), Nhà thờ Nhà nước (từ 1959 gọi là Nhà thờ Đức Bà), nhà thờ Anh giáo (nay là khuôn viên Nhà văn hóa quận 1 và trụ sở đoàn Đại biểu Quốc hội).

Vào đầu thế kỷ XX, dọc đại lộ, đã có thêm một số tòa nhà thương mại hay văn hóa, mang kiểu dáng kiến trúc Pháp nhiệt đới và Pháp – Việt mỹ lệ. Đó là Garage Jean Comte (Diamond Plaza ngày nay), hãng xăng dầu Pháp Á (nay là trụ sở Petrolimex), Bảo tàng Hội nghiên cứu Đông Dương (tòa nhà Ngân hàng Dầu khí đã bị phá bỏ oan uổng năm 2014), Bảo tàng Lịch sử và Đền tưởng niệm cùng khuôn viên với Sở Thú.

Dai lo dai nhat SG 02
Cao ốc mọc lên ở cuối đại lộ Lê Duẩn, khu vực trước Thảo Cầm Viên. Ảnh: PT

Điều độc đáo, ở cả khu vực này, tất cả nhà cửa xây dựng đều nằm trong bóng cây xanh và không có công trình nào cao hơn tháp nhà thờ Đức Bà (khoảng 60m). Phía trước Dinh Chính phủ (sau này đổi tên là Dinh Toàn quyền Đông Dương), người Pháp thiết kế một công viên lớn hơn 3,5ha trồng các loại cây cao, to khỏe. Bản thân Dinh Norodom là một lâu đài đồ sộ xây dựng cùng thời và có tính cạnh tranh với Dinh Toàn quyền của người Anh ở Singapore. Đại lộ Norodom không chỉ là con đường “trang nghiêm” dành cho các cuộc đi lại, đón rước quan chức lớn hay diễu binh. Từ năm 1900, tại đây đã tổ chức diễu hành xe hoa, lễ hội hoa tươi theo kiểu châu Âu. Đây là một lễ hội rất đáng tái tạo bắt đầu từ đại lộ này, lan tỏa đến các con đường chính khác của thành phố!

Đại lộ đầu não chính trị và ngoại giao 

Sau đại bại ở Điên Biện Phủ, người Pháp rút khỏi Việt Nam. Năm 1955, đại lộ Norodom đổi tên là đại lộ Thống Nhất. Suốt 20 năm sau đó, khu vực đại lộ Thống Nhất trở thành khu vực đầu não chính trị và ngoại giao của chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Dinh Norodom được đổi tên là Dinh Độc lập, trở thành Dinh Tổng thống. Tòa nhà Câu lạc bộ Hải quân Pháp (do KTS. Huỳnh Tấn Phát thiết kế những năm 1940) được sử dụng làm Dinh Thủ tướng. Tòa nhà Câu lạc bộ sĩ quan Pháp trở thành trụ sở Bộ Tư pháp. Các trụ sở Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Đài Phát thanh và rồi Đài Truyền hình cùng nhiều cơ quan cấp quốc gia đều đặt chung quanh đại lộ Thống Nhất.

Dai lo dai nhat SG 03
Đại lộ Norodom 1955, thảm cây xanh hầu như bất tận không còn nữa. Ảnh: Raymond Cauchetier

Trụ sở Câu lạc bộ Cựu chiến binh Pháp được cải biến thành rạp Thống Nhất, sau này sử dụng chủ yếu cho xổ số kiến thiết. Dọc theo đại lộ Thống Nhất, ngoài sứ quán Pháp và tư dinh Đại sứ Pháp, từ những năm 1960 các phần đất trống được quy hoạch làm trụ sở các sứ quán Mỹ, Anh, Đức… Sau năm 1963, chính quyền quân sự Sài Gòn có một quyết định “ngoạn mục” là cải biến khu trại lính Thành Cộng Hòa thành khuôn viên các trường Dược khoa, Văn khoa và Nông Lâm Súc, biến khu vực quân sự thành khu vực học đường. Cũng từ đấy, nhiều cuộc biểu tình của sinh viên chống chính quyền, chống chiến tranh đã diễn ra trên đại lộ này.

Năm 1962, Dinh Độc lập bị lực lượng chống đối Tổng thống Ngô Đình Diệm ném bom. Sau đấy, một dinh thự hiện đại do kiến trúc sư Việt Nam thiết kế (Ngô Viết Thụ) được xây dựng thay thế. Chính tại tòa nhà mới này, cuộc chiến Việt Nam dai dẳng cuối cùng đã kết thúc vào ngày 30.4.1975. Cũng từ đấy, đại lộ Thống Nhất được đổi tên là đại lộ 30 Tháng 4 (từ năm 1987 đổi thành đại lộ Lê Duẩn).

Đại lộ thương mại và nhan sắc mới

Lịch sử sang trang, đại lộ này không còn là đại lộ đầu não chính trị và ngoại giao. Dáng vẻ của nó cũng không mấy thay đổi, những hàng cây trang nghiêm sau chiến tranh đã trở lại vẻ hiền hòa. Ngoài những cuộc diễu binh, diễu hành trong các ngày lễ lớn, trong ngày thường đây là con đường dập dìu sinh viên, con đường thơ mộng của tình yêu đôi lứa. Khi kinh tế thị trường trở lại, đầu tư nước ngoài bắt đầu đổ bộ mạnh từ cuối những năm 1990, đại lộ Lê Duẩn nhanh chóng chuyển hóa thành một đại lộ thương mại tấp nập. Song đó là một đại lộ song hành nhiều niềm vui và nỗi lo giữa những đánh đổi giữa kinh doanh và văn hóa.

Dai lo dai nhat SG 04
Bảo tàng Hội nghiên cứu Đông Dương. Ảnh: TL-PT

Thoạt đầu, chỉ một vài tòa cao ốc xuất hiện nhưng càng về sau, nhất là những năm đầu thế kỷ XXI, đã mọc lên một loạt nhà cao tầng bỏ xa chiều cao của tháp nhà thờ Đức Bà và bắt đầu chia cắt khoảng không gian xanh không còn là vô tận của con đường này. Tòa thương xá và căn hộ cao tầng Diamond Plaza, xây dựng năm 2000, lúc đầu còn được xây lùi vào để phần ngoài còn giữ phần nào dáng dấp của tòa nhà xưa Garage Jean Comte. Nhưng rồi, những năm sau, các khách sạn năm sao, các cao ốc văn phòng, các phức hợp thương mại với những trợ lực “lợi ích nhóm” nào đấy, đã nghiễm nhiên “phá rào”, thay đổi mạnh mẽ cảnh quan con đường. Thậm chí, tòa nhà PG Bank, nguyên là Bảo tàng của Hội nghiên cứu Đông Dương (bên cạnh Diamond Plaza), một kiến trúc Pháp rất đẹp vừa được trùng tu, đã bị phá thành bình địa vào năm 2014 để xây cao ốc căn hộ mới. Mới đây, tòa nhà Hữu Nghị (một kiến trúc đẹp xây năm 1973-1975) ở phía trước Tổng lãnh sự quán Mỹ, cũng bị phá bỏ để xây cao ốc văn phòng.

Dai lo dai nhat SG 05
Tòa nhà Ngân hàng PG, trước là Bảo tàng Hội nghiên cứu Đông Dương (ảnh trên), trước khi bị đập bỏ năm 2014 để xây cao ốc căn hộ. Ảnh: TL-PT

Nếu không được điều chỉnh, cơn lốc thương mại sẽ mau chóng “tân trang nhan sắc” và làm “biến thái” đại lộ Lê Duẩn, giống như tình trạng tận dụng theo kiểu “mì ăn liền” các khu đất vàng ở trung tâm xưa, các con đường đẹp, các bờ sông hiếm hoi sẵn có của Sài Gòn. Các nhà quy hoạch, các đại gia địa ốc xin đừng chuyển hóa đại lộ Lê Duẩn từ một con đường hài hòa thiên nhiên và lịch sử cho toàn bộ người dân, thành một nơi chốn thưởng ngoạn và sinh sống năm sao cho một giới “thượng lưu” thiểu số. Hãy tìm cách khôi phục và tôn tạo các yếu tố, chứng tích lịch sử rất giàu có của con đường này, thành phố này. Hãy phủi đi những lớp bụi mờ thời gian hiu hắt và những quan điểm xô lệch về những thế kỷ đã qua ở một xứ sở quá nhiều truân chuyên. Có như thế mới sửa lại lỗi lầm đã có và tạo ra những giá trị mới vừa sinh lợi kinh tế, vừa nuôi dưỡng văn hóa cho một đô thị đang mất mát rất nhiều đời sống nhân văn mà nó từng có và phải có!

Phúc Tiến