Tôi là học sinh Petrus Ký
Trích hồi ký của GS Lê văn Đăng
Tôi vào trường Petrus Trương Vĩnh Ký học năm thứ nhất ban Cao Đẳng Tiểu học lớp A niên học 1950-1951.
Nhân biến cố Trò Ơn, trường Petrus Ký tựu trễ mấy tháng. Ban Giám Đốc gồm Thầy Kiêm Hiệu trưởng, Thầy Huấn Giám học và Tổng Giám Thị là một thầy người Pháp mà tôi không nhớ tên. Giám đốc Thể thao là Thầy Mai ( quí Thầy moniteurs gồm Thầy Bích, Thầy Sửu, Thầy Quí ) . Vị giáo sư đầu tiên của lớp tôi là Cô Lâm Thị Dung . Cô giảng thao thao bất tuyệt bằng tiếng Tây ngót hai giờ ròng rã. Bài học Histoire-Géo hôm đó quá cao so với các bài như Nos ancêtres étaient des Gaulois mà chúng tôi đã học qua nơi trường Tiểu học. Tôi không phải là tay gạo, nên không mấy phấn khởi với môn học này. Tuy nhiên, là chuyên viên chép bài cho Cô Dung lên bảng, tôi được một đặc ân hiếm có và hình như không ai biết. Số là mỗi tháng một học sinh phải lên trả bài ít nhất một lần để có điểm trong cột Sử Địa. Không biết Cô hỏi bài lúc nào nên thông thường phải thuộc bài trước khi vào lớp. Riêng tôi, Cô chỉ gọi lên trả bài một lần trong tháng nhằm ngày cuối của tuần cuối và hình như là đứa cuối cùng trong lần hỏi bài. Nhờ vậy mà tôi biết chắc lần nào đến phiên tôi. Trong hai năm học với Cô, không lần nào sai chạy. Cô không bao giờ nói ra điều đó, nhưng nhờ không tối dạ lắm nên tôi khám phá ra công thức nói trên sau vài tháng học với Cô. Chưa hết đâu, khi đọc bài nhiều lúc quên một đoạn tôi liếc vào tâp đọc tiếp, cô cứ lờ đi như không hay biết gì. Chắc cũng vì vậy mà tôi thành ra hư hỏng, không lần thi lục cá nguyệt nào tôi được điểm cao, cứ quanh quẩn ở 10- 12 điểm ! Lần điện đàm mới đây với ông bạn già Khổng Thông được biết Cô Dung hiện cư ngụ tại Gia Nã Đại. Lên troisìeme, Thầy Tâm dạy Sử Địa các lớp A và B. Đến năm cuối của ban Cao Đẳng Tiểu học chúng tôi học Histoire -Géo với Thầy Toản.
Về môn Quốc văn, chúng tôi học với Thầy Lân, Thầy Sơn, Thầy Thiều và Thầy Thơ. Gần nhà tôi có mấy anh học trước tôi bốn năm lớp, đó là các anh Nguyễn Đồng Lạc, Nguyễn Thuyết Du và Phan Như Hiên, anh Hiên sau là Thiếu tá huấn luyện viên tại trường Võ bị Thủ Đức, anh Du rất xuất sắc về Pháp văn và Quốc văn. Các anh cho tôi biết là trường có Thầy Nho dạy Quốc văn hay lắm. Tôi rất ái mộ Thầy Nho, mong sau được học với Thầy, nhưng tôi không được cái hân hạnh đó! Hồi học với Thầy Lân, chúng tôi được nghe Thầy không ngớt tán tụng truyện Kiều và mạt sát thậm tệ cụ Đồ Chiểu qua tác phẩm Lục Vân Tiên. Cụ là một bậc hàn nho mù lòa mà tôi hằng quí trọng. Nguyễn Đình Chiểu là một tác giả có trong chương trình học mà Thầy chê bai quá nghiêm khắc làm học sinh hoang mang, trong đó có tôi là một. Trước Thầy, ông Phan Thanh Giản đã nói với cụ Đồ về Lục Vân Tiên: ” Sách này để ru em ngủ cũng được ” Dù sao tôi cũng rất mến Thầy Lân, Thầy rất tận tâm, hiền lành và vui tính. Thầy Sơn là Thầy trẻ nhất trong số Thầy cô dạy các lớp A và B. Thầy đọc rất rõ, phân biệt các dấu hỏi ngã, chữ có g chữ không g ở cuối, các chữ tận cùng bằng chữ c hay t, vv.. Khi thi , phòng nào được Thầy Sơn đọc chính tả chắc là hết xẩy.
Nhắc lại các buổi học Quốc văn, chúng tôi không thể nào quên được thầy Thiều. Trong chuyến thăm quận Cam hồi tháng 7 rồi, tôi đã gặp lại các bạn cũ, cùng học lớp A, các anh Cấn Anh Túy, Đỗ Xuân Thuận, Trần Văn Pierre tức thiếu tá Khánh của cổng trại Phi Long. Trong các cuộc gặp gỡ này, mỗi lần chúng tôi đều nhắc đến thầy Thiều. Ta thường nghe nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò. Nay tôi xin thêm thứ tư có Khánh, do câu chuyện sau đây: Trong một buổi học với thầy Thiều, cả lớp đang im lặng nghe thầy giảng, bỗng nhiên trò Pierre đứng dậy khoanh tay dõng dạc thưa: ” Thưa Cụ, con thương cụ lắm cụ ạ ! ” Quả là một tuyệt chiêu, chưa từng xuất hiện trên giang hồ, chiêu này đã đưa Thầy vào thế chẳng đặng đừng. Thầy thừa biết tên này đang giở trò phá rối đây, nhưng phải phạt nó thế nào cho phải lẽ. Nhưng rồi đâu cũng vào đó , Thầy lại giảng bài tiêp. Lâu nay tôi nhớ lắm, gán cho anh Đỗ Xuân Thuận là thủ phạm, mãi đến cuộc hop mặt trong tháng 7 vừa qua , anh Khánh mới nhận tội.
Trong một buổi học về thơ Đường, Thầy Thiều có làm bài tứ cú sau đây :
TRƯỜNG TÔI
Trường tôi ở tại lối Nancy,
Trung học đường kia có bảng ghi.
Mượn hiệu người xưa Trương Vĩnh Ký,
Lẫy lừng danh tiếng đã bao thì.
Tôi có đọc bài này cho anh Dương Tử ở quận Cam và anh Việt Chi Nguyễn Hữu Quang ở Toronto chép. Việt Chi học ban moderne, cũng là môn đệ của Thầy Thiều, cùng lớp với Tô Hòa Dương, sau nhảy lớp học chung với Tô Dương Hiệp, hai anh này là con của nhà văn Bình Nguyên Lộc Tô Văn Tuấn. Còn nhớ trong một giờ Quốc văn, Thầy giảng qua về chữ Nôm,và cả lớp lần lượt mang tập lên để Thầy viết tên mình vào. Tôi nhớ được hai tên một của anh Nguyễn Sum, chữ Sum gồm ba chữ mộc, và tên của tôi.
Hỏi về hai câu ở cổng trường, Thầy cho biết là do Thầy đề nghị và ông Hiệu trưởng Phạm Văn Còn chọn. Thay thế Thầy Khiêm vào chức vụ Hiệu trưởng Petrus Ký, ông Còn, một viên chức cao cấp ở Xã Tây, được ân thưởng Légion d’honneur hình như cấp chevalier hay officier gì đó tôi không nhớ rõ (có tất cả 5 cấp: grand-croix, grang officier, commandeur, officier, chevalier và Ruban rouge). Ngoài công ơn đem trật tự lại cho trường, ông Hiệu trưởng mới còn chỉnh trang trường sở như xây cổng trường, dựng hàng rào gạch thay thế hàng rào bông bụp ở trước trường, xây nhà để xe cho học sinh. Trước đó học sinh để xe tại hành lang chính, nối liền phòng Hiệu trưởng và phòng họp giáo sư, thực là hỗn độn.
Khổng Mạnh Cương Thường Tu khắc cốt
Tâu Âu Khoa học Yếu Minh Tâm
Về môn Vẽ tôi còn nhớ thầy U Văn An, thầy tốt nghiệp trường Mỹ thuật Hà nội, dạy chúng tôi năm premìere année. Anh Đoàn Trung Nghĩa có dự một buổi đấu giá từ thiện tại rạp Nguyễn Văn Hảo, trong đó một số họa sĩ vẽ truyền thần người mẫu nghệ sĩ Phùng Há với thời hạn định sẵn. Thầy An không quen lối vẽ chụp giựt nầy nên đến hết giờ mà Thầy chưa kịp cho bóng. Cuối cùng không ai trả giá bức họa của Thầy và tác phẩm của họa sĩ Văn Đen được giá cao nhất. Khi nghe chuyện nầy tôi có ý trách Nghĩa, sao không trả giá ít nhất một lần để mua tác phẩm của Thầy! Giá mà Nghĩa được bức họa đó đem đấu giá lại tại quận Cam gây quĩ xây tượng Petrus Ký thì hay biết mấy !
Chúng tôi học Sciences Naturelles et Sciences Physiques với Thầy Cao, Thầy Mai, Thầy Tước. Thầy Cao dạy anglais tại các lớp khác- rất hiền lành ít nói. Thầy chép bài trên bảng rất mau, vẽ hình rất đẹp. Học với Thầy phải giữ tập thật sạch. Thầy xét tập và cho điểm hàng tháng, nhờ đó tôi luôn có điểm cao với Thầy, dù rất ghét học bài thuộc lòng. Về phần thầy Tước, nhóm Đỗ Xuân Thuận – chiếm hai bàn cuối, phía cửa sổ, trong đó có Trần Văn Pierre, Lê công Thình, Nguyễn Ảnh Tước (hình như Huỳnh Hữu Bạc cũng thuộc nhóm này) – là có nhiều kỷ niệm nhất. Thuận chuyên chọc các bạn cười với những phương pháp tân kỳ trong lúc quí Thầy giảng dạy- nhất là Thầy Thiều, Thầy Giao, Thầy Tước – nhưng cứ tĩnh bơ ngồi khoanh tay ngó thẳng về phía trước, trông rất ngoan! Nhóm này thường ăn me trong giờ học, có lần Thầy Tước bắt gặp nhưng bỏ qua, sau này Thuận nói với tôi: ” tao thấy ổng chảy nước miếng ! ”
Với Thầy Mai, trước là directeur des Sports, tôi còn nhớ kỷ niệm sau đây. Hôm đó Thanh tra Nghị xét lớp có cả ông Đốc Còn nữa. Thầy bắt đầu hỏi bài kỳ trước: Propríétés physiques des métaux. Thầy cốt ý gọi mấy đứa giỏi để lòe quan khách và tôi được gọi tên trước. Thầy có biết đâu, dù có điểm rất cao với Thầy, tôi chỉ đọc sơ qua bài trước khi vào lớp chớ không bao giờ học thuộc lòng, nhất là bài hôm đó cần phải học thuộc lòng mới nói được. Tôi lên đọc ấp a ấp úng cho hết bài, tới chỗ le fer est malléable tôi đọc là le fer est mallable. Thầy nhắc tôi chỗ đó, nhưng ông Đốc không chịu bỏ qua, hỏi tôi: ” Que signifie malléable ? ” Một lần nữa Thầy khéo gỡ tôi ra chỗ kẹt. Thầy gọi tiếp Thuận, nếu tôi không lầm. Thuận cũng không hơn tôi mấy. Sau đó Thầy giảng bài mới. Valence, trong bài có phần …. Dans une formule chimique, les valences des deux composés doivent être égales, autrement la formule est fausse … Giảng xong bài, Thầy Nghị viết lên bảng O4Fe3 và hỏi: ”Cette formule est vraie ou fausse ?” Đây quả là một độc chưởng của Âu dương Phong, tưởng đã thất truyền nay Thầy đem dùng rất chính xác. Tôi, vì thiếu kinh nghiệm giang hồ đâu thấy cái độc của chưởng đó, bèn giơ tay hứng chưởng, mong lấy chút công chuộc lại lỗi lầm vừa rồi. Thầy Nghị cho phép tôi trả lời câu hỏi. Biết rằng O có valence 2, Fe có valence 2 hoặc 3, phần O4 là 8, phần Fe 3 là 6 hoặc 9, câu trả lời của tôi là: ”Cette formule est fausse!” Thầy Nghị chỉ nói vỏn vẹn có mấy chữ: C’est une formule composée ” tôi mới vỡ lẽ ra, Thầy Mai giảng sót chỗ đó (O4Fe3 gồm OFe và O3 Fe2) Một lần nữa tôi đã hại Thầy . Chắc là giờ hạn của Thầy hôm đó ngộ hãm địa tinh Phục binh, Kình đà, Thất sát cũng nên.
Chúng tôi học Toán với Thầy Hòa, Thầy Thử và Thầy Cang. Thú thật trong suốt thời gian từ Premìere année tới Math elem tại Petrus Ký tôi thụ căn bản Toán ở Thầy Thử nhiều nhất. Thầy giảng xong bài, về nhà khỏi học lại chỉ cần đọc sơ qua trước khi đến trường là đủ, cách này rất hợp với tính rắn đầu biếng học của tôi. Với Thầy trống tan học không có nghĩa là hết giờ: Một trong chúng tôi phải đọc ít nhất một théorème, corollaire hay définition xong Thầy mới cho ra về. Thầy còn dùng phương pháp này khi đi thanh tra toán tại các trường trung học nữa. Nhân một chuyến thanh tra của Thầy tại trường Lê Văn Duyệt, cô Nguyễn Thị Sinh cho học sinh ra về sau hồi chuông tan học, Thầy có nhận xét: ”Sao cô cho học sinh ra sớm vậy ?” Sinh chưa biết Thầy, nếu là tôi chắc là thầy không bắt giò được ở điểm này.
Lên năm Quatrìeme chúng tôi học với Thầy Ferdinand Nguyễn Văn Cang. Điểm Thầy cho trong lớp thường ở hai thái cực: zéro hay vingt. Có lần Thầy giảng Extraction de la racine carrée, gọi anh Trần Henri lên bảng, Thầy cho thí dụ số 12 để phân tích, Henri viết 12 = 2×6, Thầy bèn cho zéro đuổi về chỗ, không một lời giải thích. Khi xuống anh ấy vẫn chưa biết tại sao mà mình phải ăn trứng ngỗng, tôi chỉ dám rỉ tai là 3×4 , đến giờ chơi Henri vẫn còn thắc mắc, nói với tôi là 2×6 có khác gì 3×4 đâu? Tôi phải giải thích thêm, Henri mới vỡ lẽ. Học giờ Thầy Cang ăn trứng ngỗng là việc thông thường. Có lần thầy gọi anh Hồ Văn Minh lên hỏi bài. Minh lấy giẻ lau bảng, lau xong, vì có hơi chậm , nên được Thầy cho ”zéro , à ta place !” (Minh sau tốt nghiệp y khoa có lúc làm Phó chủ tịch Quốc hội). Thầy cho zéro quá nhiều nên nguyên tắc có ba zéros trong một tuần bị automatique consigne có ngoại lệ: không tính zéro của Thầy Cang. Tại mỗi lớp Thầy có đề cử một anh giữ sổ điểm, anh nầy có phận sự ghi điểm theo lệnh Thầy. Tại lớp A, anh Đức ngồi ngay bàn Thầy nên được giao quyển sinh sát ấy. Đừng tưởng đóng vai nầy là khoẻ re. Có lần Thầy cho một anh ba cặp trứng trong một buổi, Đức vì thương bạn trong cơn hoạn nạn nên ghi vào có hai cặp thôi. Một lúc sau vì động mối từ tâm Thầy có ý giảm tội cho anh bạn kém may mắn kia, bèn gọi Đức đưa sổ cho Thầy sửa lại. Chắc các bạn cũng đoán được là việc phải đến sẽ đến: ”Donne à toi deux zéros !” Thầy hét lên như thế. Chắc là hôm đó Đức có cả trứng luộc lẫn trứng chiên trong bữa tối. Thường Thầy chỉ mặt gọi lên bảng chứ không gọi tên (chắc Thầy ít biết tên học trò). Lúc Thầy giận chúng tôi không hiểu bài, phóng zéros tứ tung: Thầy cứ chỉ mặt kèm theo tiếng toi, là y như có một tên xấu số bị Không Âm Chỉ Pháp ngã xuống sau vài câu ấm ớ. Đôi khi vì tình đồng môn tôi đánh liều dùng Nhất Chỉ Hướng Thiên đứng lên hóa giả thế Không Âm Chỉ Pháp. Lúc đó Thầy hết giận: ”Phải có mấy thằng như vậy mới đỡ cho tao“. Chuyện của Thầy Cang kể sao cho xiết. Xin nhắc lại một buổi hội ngộ với Thầy Hoàng Cơ Nghị. Nguyên lúc đó Thầy Nghị là Inspecteur en Math et Sciences Physiques, có phận sự xét lớp Thầy Cang. Hai Thầy gặp nhau tay bắt mặt mừng, Thầy Cang nói cười vui vẻ ngót hai tiếng đồng hồ, quên hẳn đám học trò ngoan đang im lặng chờ thầy giảng bài. Hết giờ Thầy Nghị đứng dậy đi ra, Thầy Cang đưa tận cửa, còn nói vói theo một tràng nữa mới chịu trở vào lớp. Thầy có phân trần với chúng tôi bằng tiếng Việt: ”Lâu lâu nó mới tới chơi một lần, không lẽ tao phải dạy cho nó coi sao ?” Thầy Cang cũng như Thầy Nghị, đậu licence d’enseignement tại Pháp, được bổ professeur licencíe du cadre normal. Ngoài ra Thầy còn được Chevalier de la Légion d’honneur . Tính đến ngày chúng tôi học không biết thầy đã dạy mấy chục năm rồi? Có lần Thầy nói trong lớp: ”Il y a des types dont j’ai enseigné le père, maintenant je dois enseigner le fils”. Cấn Anh Túy không mấy vui vì lẽ ông Cụ của Túy trạc tuổi với Thầy. Dù Thầy có giai phong đến đâu cũng có khắc tinh, đó là Cô Tư Mỹ bên Collège Gia Long (CGL đối với LPK) , các bạn cứ tùy hứng đọc mấy chữ nầy để kỷ niệm cái tuổi dại khờ). Trong kỳ thi oral Diplôme, cô Sinh, nay là nội tử, học trò cưng của Cô Tư, thi Math với Thầy; bận ăn quà vặt Thầy quên cho điểm. Điểm thi oral với Thầy tệ nhất là 16/20, thường là 20/20. Đến gần hết ngày, Thầy cho máy phóng thanh trường thi gọi Sinh vào thi, quá hạn sẽ bị zéro. Không may, Sinh đã về nhà, các bạn của Sinh bèn tìm Cô Tư báo cáo tự sự, Cô Tư nổi giận: ”Thằng cha già đó không nên thân, ham ăn, con người ta thi mà không cho điểm. Ổng dám cho con Sinh zéro tao xé xác ổng ra“. Thế là cô Tư đến cật vấn Thầy, các đệ tử phái Nga Mi vây chặt vòng ngoài, Ở đây âm khí nặng nề, lại không có một tên đệ tử Võ Đang nào tiếp sức, vì thế cô sức yếu Thầy đành thâu hồi Không Âm chỉ . Khoá đó Sinh đậu thủ khoa với mention Bien.
Hai lớp A và B có cùng ban giảng huấn. Chúng tôi chỉ học anglais có một năm đầu với Thầy Sang, dùng quyển 6ème Blue. Khi thi, chúng tôi đa số chọn Vietnamien làm sinh ngữ 1, cho đến năm tôi thi Bac chưa cần đến sinh ngữ 2. Français là môn học chính, chúng tôi có Thầy Bảo, Thầy Giao, Thầy De Lagoutte (tôi không chắc đã ghi đúng tên Thầy) . Thầy Bảo rất hùng biện, dạy năm Premìere année. Thầy có dạy thêm tại nhà và cho tôi học miễn phí. Lớp được trên dưới hai mươi học sinh, đa số là học sinh Petrus Ký, con nhà khá giả và yếu Français. Về phần tôi chắc Thầy thương tôi nghèo và chăm học, lại nữa Thầy cũng muốn trong thành phần môn đệ có ít tay chiến tướng cho lớp học thêm phần náo nhiệt. Hai năm kế chúng tôi học với Thầy Giao. Tôi còn nhớ trong một bài rédaction tôi có viết courir après les jupons mà Thầy gạch đỏ với lời phê trivial. Tôi có thưa là chính Thầy đã nói câu đó trong lớp. Thầy giải thích thêm đại khái là chỉ nên nhớ điều hay, không nên bắt chước điều dở. Cha tôi cũng có dạy tôi một câu tương tự: Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư, trạch kỳ thiện giả nhi tùng chi, kỳ bất thiện giả nhi cải chi. Đến năm cuối, lớp tôi có nhiều thay đổi . Hồ Văn Minh chỉ học có tháng đầu, xong lên Seconde moderne vì Minh đã đậu Brevet hồi cuối năm trước , hình như Huỳnh Hữu Liêm cũng bỏ năm nầy, giống như Minh. Bù lại, có Phú Văn Biên từ một lớp bị giải tán bổ sung vào. Biên rất xuất sẳc về Français như Đào Công Hai tức Hai Bò, Trần Henri, Đỗ Xuân Thuận… Học được vài tháng biên tìm ra chân lý. Vào lối giữa năm, sau một bài học Histoire, vì không chịu nổi phương pháp giảng dạy của Thầy Toản, nên tôi đã thất kính với Thầy và bỏ học , mặc dù Thầy Giám thị rất thương tôi đã hết sức khuyên can.
DẤN BƯỚC THĂNG TRẦM
Cha tôi mất vào khoảng cuối năm Premìere année, mẹ tôi phải vất vả suốt ngày từ bốn giờ sáng, buôn tảo bán tần để nuôi chúng tôi. Tôi còn hai cô em, một bà chị và một ông anh. Dù còn ở dưới một mái nhà, anh tôi đã có gia đình. Vậy tôi là niềm hi vọng duy nhất của mẹ tôi. Nếu ở tại Mỹ thì việc drop out from high school không lạ mấy, nhưng ở bên nhà vào thời đó, một học sinh từng được Prix du tableau d’honneur của một trường lẫy lừng danh tiếng đã bao thì mà bỏ học giữa năm của lớp thi Diplôme thì quả không tha thứ được. Đúng là trẻ người non dạ . Nằm nhà lối một tuần, nhờ anh Chánh (sau là nhạc sĩ Ngọc Chánh được biết qua các băng nhạc Shot Gun) giới thiệu với một ông hàng xóm hầu đưa đi xin việc tại hãng ERG (Etablissement des Réserves Générales) của quân đội Pháp trên Hạnh Thông Tây. Sau ngót hai ngày sát hạch (lại thi nữa) , tôi được nhận và phải trình diện tại Bộ Chỉ Huy ở Ngã Bảy. Tại đây ông Lieutenant Trưởng phòng Kế toán trung ương, sau khi xem xét hồ sơ của tôi gồm mấy bài thi và lời phê của ông Adjudant Chef giám khảo (sau này tôi được đọc lời phê là: Il est très intelligent, et sera un excellent secrétaire. Pour les épreuves, je l’ai un peu forcé), giữ tôi lại đó làm, không phải lên Hạnh Thông Tây, điều nầy rất tiện lợi cho tôi, sáng không phải dậy thật sớm đón xe đi làm. Năm đó, dù phải đi cày một ngày tám tiếng, tôi đậu bằng Brevet d’Etudes du Premier Cycle không khó, nhưng không thi Diplôme. Trước ngày thi oral Diplôme một hôm, Phú Văn Biên đến nhờ tôi dạy Math để sáng thi. Với Thầy Cang, Biên đồng nghĩa với zéro. Do đó Biên cương quyết không thèm học Math, đợi nước tới trôn mới nhảy. Tôi thức suốt đêm đó với Biên, ôn trọn chương trình Math. Biên rất thông minh, có thể so với Đoàn Dự khi học Chân Kinh Lục Mạch Thần Kiếm. Hôm sau, Biên thi oral Math không gặp trở ngại, và đậu Diplôme hình như với mention Bien hay Assez Bien gì đó tôi không nhớ rõ. Năm đó tôi có thi vào một trường phi công tại Fez, dường như dân Petrus Ký chỉ có Huỳnh Hữu Liêm và tôi đậu vào trường nầy. Tuy nhiên tôi không đi Fez vì lẽ mẹ tôi không muốn tôi đi xa. Từ dạo ấy đến nay tôi có gặp Liêm một lần trong buổi họp mặt Petrus Ký tại qúan Mây Bốn Phương Trời trong cổng trại Phi Long của Vưu Đại Vĩnh ( cũng dân lớp A).
Tôi xin vào lớp Mathelem, sau hơn một niên học xa trường. Năm đó trường thiếu Thầy Math, Thầy Censeur Huấn xuống tận Mỹ tho mời Thầy Ất, nhưng Thầy Ất không nhận. Cuối cùng Thầy Huân cũng tìm được Thầy Math cho chúng tôi: Thầy Nghiêm xuân Thiện, lúc đó là chủ nhiệm kiêm chủ bút nhật báo Thời Luận, mỗi ngày Thầy phải viết article de fond, bài học Anh ngữ, không kể bài dịch một tác phẩm từ anh ngữ. Thầy Thiện tốt nghiệp kỹ sư Hóa học tại Địai Học Cammbridge, dường như Thầy chưa hề dạy Math. Thầy Huấn quen Thầy Thiện tại Chùa Xá lợi. Thầy Hoàng Cơ Nghị dạy Sciences physiques, Thầy có phép phân thân: buổi sáng dạy Petrus Ký bằng tiếng Tây rặt, buổi chiều dạy Chu Văn An ròng bằng tiếng Ta (tình cờ tôi có dự một buổi Vật Lý lớp 12B với các Anh Chu Văn An tại Ampli-lúc đó Chu Văn An còn ở trọ Petrus Ký-Thầy giảng tiếng Ta cũng hay như tiếng Tây vậy). Cô Tiếng dạy Sciences naturelles, năm đó tôi vào oral gặp Cô, và được Cô cho phép nói bài nào cũng được! Thầy Cường dạy một phần Philo, phần còn lại do một Thầy người Pháp tên là Quillet, agrégé de philo, ancien élève de l’Ecole Normale Superieure de Paris từ Pháp mới qua. Histoire-Géo do Thầy Dufeil agrégé, Thầy cũng dạy tại Faculté des Lettres. Thầy thích dạy Géographie hơn Histoire, Thầy giảng rất hăng về Islam, phần lớn ngoài chương trình. Cuối năm Thầy cấp cho chúng tôi một mảnh giấy nhỏ ghi đại khái là :..”Prìere à nos collègues de ne pas interroger nos élèves sur …” Không biết có anh chị nào dám dùng tờ đó không, riêng tôi thì tờ ấy được cất ở nhà làm kỷ niệm. Thầy Quế dạy Việtnamien, Thầy là một chức sắc Đạo Cao Đài, hiền lành bậc nhất, có lần Thầy mặc quốc phục trắng đi dạy.
Lớp Math có bốn chị (Hồng, Hoài, Tiếng và Thu Vân), phía cột đột tôi còn nhớ Trần Thành Minh, Cam Duy Lễ, Võ Kỉnh Đức, Phạm Thanh Dân, Nguyễn Văn Thành, Trần Kim Qui, Nguyễn Văn Đoàn, Nguyễn Quang Vũ. Bên Philo có mọt chị ,bà phó Huệ Chi ( phó trưởng lớp, anh Nguyễn Thanh Liêm trưởng lớp), về các Anh tôi chỉ nhớ có ba anh Thanh Liêm, một anh sau này dạy Đại Học Văn Khoa, anh khác sau là một giáo sư Triết học lỗi lạc của một trường Dại Học tại Hawaii, anh Liêm thứ ba sau là phụ tá Tổng Trưởng giáo dục Ngô Khắc Tỉnh. Lớp Math chúng tôi có bài vè độc đáo, rất tiếc tôi chỉ nhớ bập bẹ vài câu,anh nào còn nhớ đủ cho tôi xin một bản thật là vạn hạnh.Bài vè bắt đầu như sau:
Nghe vẻ nghe ve,
Nghe vè lớp math
Học dở như đách,
Phá phách hơn ma,
Chơi giởn cửa cha,
Học giành cửa chú
Từ thằng còn bú ( Đoàn,Minh con)
Tới chú đầu bờm (Thành mập)
Nhai bánh luôn mồm
………………..
Trong bài này Trần Kim Qui có tên mới là Khình..
Khen Hoài đầu tốt,
Khình nói băm lăm (35)
Tao đâm chết tía…
( Chị Lữ Thị Hoài vừa mới uốn tóc, rất xinh, còn ai khen xin dành riêng kỷ niệm này cho anh chị em lớp Math, không tiện nhắc lại)
Trên đây tôi thử đố các bạn có biết tỷ lệ nam-nữ của trường Petrus Ký là bao nhiêu không?. Nếu các bạn chịu thua tôi xin trả lời ngay: ba trai một gái! Còn thắc mắc xin xem giải thích ở phần kết.
Còn nhớ một Thầy giám thị mà chúng tôi gọi là Thầy Pétain. Thầy có biệt hiệu đó không chỉ vì Thầy nói tiếng Tây như Tây mà là không khi nào Thầy nói tiếng Việt. Lớp đến phiên Thầy coi mà có giờ permanente thì y như được học thêm giờ Francais vậy. Đứa nào hỏi Thầy bằng tiếng Việt thì không bao giờ được Thầy trả lời. Đến lúc về hưu, mỗi sáng Thầy chống gậy đứng trước cộng trường, đợi khi học sinh vào lớp mới chịu đi. Có lần tôi gặp Thầy vào giờ tan học. Nghe nói Thầy coi trường Petrus Ký như là gia đình của Thầy vậy.
(3 hình trắng đen là lơp math elem năm học 1955-1956 của chúng tôi và hình màu là GS Lê Văn Đặng & phu nhân Nguyễn Thị Sinh)
TÔI DẠY HỌC
Sau năm Mathélem anh chị em tản lạc ít khi gặp lại nhau. Trong số may mắn thi đậu tôi còn nhớ Dân học Luật, Thành học Kỹ sư được một lúc, Đoàn du học ở Paris, Đức, Minh, Lễ, Qui và Lâm Lý Hùng- anh nầy không có học Petrus Ký – xin dạy giờ tại trường trung học Búng thuộc tỉnh Bình Dương. Năm sau ông Hiệu trưởng Nguyễn Văn Trương đổi về Petrus Ký đem theo toàn ban giáo sư trẻ gồm các anh Quyện, Bá thuộc trường Kiến Trúc, Phi Hùng ở Y Khoa, Minh, Hùng và tôi học trường Khoa học. Dạy tại Petrus Ký được vài năm, anh Trần Đình Thám rủ tôi xuống dạy trường nữ trung học Mỹ Tho – sau lấy tên Nữ Trung học Lê Ngọc Hân – bà Hằng, nguyên giáo sư Gia Long, làm Hiệu trưởng. Tôi dạy Vật lý tại trường nầy, đồng thời ghi tên học ban Toán tại Đại học Sư phạm. Dạy được vài năm, tôi quyết định chú tâm thi tốt nghiệp Sư phạm, qui chế được bảo đảm hơn tình trạng dạy giờ. Tôi có báo cho bà Hiệu trưởng biết trước khi tốt nghiệp là không thể dạy Vật lý tại đây được nữa. Bà Hiệu trưởng muốn tôi tiếp tục dạy tại trường, dạy Toán càng hay. Tôi đồng ý ở lại trường Nữ Trung học Mỹ Tho và Bà lên Bộ Giáo dục xin cho tôi được chuyển về đó. Gần đến ngày tựu trường, khi nhận sự vụ lệnh tôi thấy có một thay đổi nhỏ: tôi sẽ dạy tại Trung học Nguyễn Đình Chiểu, thay thế Thầy Lê Thái Ất, lên Saigon phụ trách lớp Huấn luyện cấp tốc Giáo sư Trung học Toán, vào buổi tối. Trước đây, Thầy Huấn đã tam cố thảo lư mời Thầy Ất lên Petrus Ký dạy Mathélem nhung thầy chê không nhận. Năm đó Thầy Lê Ngọc Toản cũng mới đổi về làm Hiệu trưởng Nguyễn Đình Chiểu. Chắc tôi còn thiếu Thầy một món nợ hồi học 4ème année A tại Petrus Ký, bây giờ phải trả đây! Thật là: Nhân quả dở dang. Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao? Nói cho vui vậy chớ Thầy rất tốt với tôi, đâu có sá gì tên tiểu bối ngông cuồng độ nào! Trong thời gian giảng dạy tại Mỹ Tho, tôi đựơc đề cử đọc diễn văn thường lệ trong một lễ phát thưởng long trọng cuối niên học. Điều nầy nhắc lại mơ ước của tuổi học trò, khi tôi dự một buổi lễ tương tự tại trường Petrus Ký, với Thầy Cang đọc discours d’usage.
LẠI TRỞ VỀ TRƯỜNG CŨ
Dạy ở Mỹ Tho được lối bảy năm ( 1962-1968), hai bạn Lễ và Minh rủ tôi trở về Petrus Ký trước là học cho xong bằng Cử nhân giáo khoa tại trường Khoa học (tôi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm ban Toán và có thêm ba trong bốn chứng chỉ của bằng Cử nhân giáo khoa tại trường Khoa học), sau là lo việc soạn thảo một bộ sách Toán. Năm 1968 cả ba chúng tôi đều học xong bằng Cử nhân Giáo khoa: Minh và Lễ toán, còn tôi vật lý. Đối với chúng tôi văn bằng nầy chỉ có thêm cho vui vậy thôi chứ không giúp gì trong việc thăng tiến cần lao của chúng tôi cả- tập lần giọng nói cách mệnh vì tôi dự tính về thăm trường Petrus Ký một chuyến! Trần Thành Minh, Phan Lưu Biên và tôi đã soạn chung mấy bộ sách toán cho các lớp 11, 12 thuộc các ban A, B,C,D (được trên dưới 12 quyển) do hai nhà Trường Thi và Trí Đăng xuất bản. Có sự ưng thuận của Minh và Biên – tôi có soạn riêng với vợ tôi, cô Nguyễn Thị Sinh, quyển Toán 12A do nhà Trí Đăng xuất bản. Hợp tác với nhà Trí Đăng còn có một số anh em Petrus Ký khác như Tạ Ký, Vũ Ký, Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Ngọc Nam, Dương Hồng Phong, Trần Xuân Tiên …. Anh Trí Đăng Nguyễn Liên là một nhà trí thức chân chính, nhân hậu và khoáng đạt.
Tôi có dự khóa huấn luyện căn bản quân sự tại Quang Trung, thuộc Tiểu đoàn Giáo chức Trần Quốc Toản. Sau chín tuần, tôi tốt nghiệp với cấp bậc Binh Nhì, và được trả về trường cũ. Khi tiếp chuyện với Tạ Ký về đời sống nhà binh, bậc đàn anh nầy có nói một câu khá độc đáo: ”Mầy chưa đi lính thì chưa phải là con người, và đã vào đời lính thì mầy không còn là con người nữa!” Chữ không còn không mấy chính xác, vì theo Tạ Ký, tôi chưa có dịp là con người có đâu mà còn với không. Tôi gặp Tạ Ký lần cuối vào tháng 11 năm 1974, trước khi sang Pháp, và không bao giờ gặp lại thằng bạn lưu linh nầy nữa! Cầu mong Tạ Ký bây giờ là một con người, dù là người chết, nhưng vẫn còn một con người Tạ Ký đang sống mãi trong lòng các bạn hữu.
Đến năm 1970-71, theo dự án cải tổ lề lối thi ở bậc Trung học, tôi đượ thuyên chuyển qua Nha Khảo Thí, theo khóa huấn luyện soạn thảo đề thi Toán cho các bậc Trung học, theo lối trắc nghiệm. Lương hằng tháng vẫn do trường Petrus Ký đài thọ và tôi vẫn còn là nhân viên Petrus Ký. Ngoài ra tôi có dạy phụ với Trần Thành Minh, lúc đó là Giám học, một số giờ Toán lớp 12B. Trước khi nhận lấy trách nhiệm tại Nha Khảo Thí, tôi có gặp anh Liêm, Phụ tá Tổng Trưởng, tại văn phòng của anh. Còn nhớ câu anh than phiền: ”Tụi bây – ý nói anh em Petrus Ký – không chịu giúp tao …” Ngoài ra tôi có cho anh biết là tôi hịên có một lớp dạy Toán Lý Hóa tại nhà do vợ tôi đảm trách, và đang hợp tác với Minh, Biên trong mấy bộ sách Toán. Anh đã khẳng định: ”Mầy cứ tiếp tục các công việc đó, tao không thấy có gì trở ngại cho công tác tại Nha Khảo Thí.” Khi nhận chức vụ mới, tôi cũng xin trước là chỉ giữ một nhiệm kỳ thôi sau đó sẽ nhường lại cho người khác. Một khi Ngân hàng Câu Trắc nghiệm được thiết lập, người kế vị chỉ bổ túc theo chiều hướng đã định. Anh Liêm đồng ý trên nguyên tắc và việc đó sau sẽ tính. Trong một thời gian ngắn, tôi phải hoàn thành các bộ đề thi và chịu mọi trách nhiệm về sự chính xác và hoàn toàn bảo mật. Công việc quá ư bề bộn nầy lại được pha thêm một việc bực mình mà tôi gọi là một điểm đen trong tổ chức giáo dục thời đó. Số là có một vị phụ huynh – tất nhiên có thế lực -gặp ông Tổng Trưởng xin cho con ông ta được phép dự thi, vì mấy cô cậu gì đó là thần đồng ( !!! ) , chưa đủ tuổi thi. Thế là hai ban Toán và Lý Hóa trong nhóm soạn đề thi có thêm một công tác đặc biệt: soạn bộ trắc nghiệm để thử thần đồng ! Trước sự tối ư vô lý nầy tôi có xin ý trở về trường cũ học cày cho xong. Tôi nghĩ một vị Trưởng phòng nào đó tại Nha có thừa thẩm quyền quyết định đơn xin miễn tuổi đi thi. Đến tay ông Giám đốc đã là một sự hi hữu rồi, sao lại đến tận tay Tổng Trưởng? Lệnh này đến chúng tôi qua ông Phụ tá, một chuyên viên giáo dục! Vị phụ huynh đó có đến thăm ông Phụ tá chăng? Vị đó được phép thăm chúng tôi nơi chúng tôi làm việc. Tôi có trình thắc mắc lên anh Thọ, Trưởng nhóm soạn đề thi, và cứ thi hành lệnh trên. Tôi chưa hề được danh dự đánh giá một thần đồng – xin đừng lầm với tiểu đồng của Vân Tiên – nên không có chút kinh nghiệm, mặc dù tôi xuất thân và giảng dạy tại một nơi qui tụ vô số tinh hoa của đất nước! Tôi soạn bài trắc nghiện nầy theo trình độ hai lớp Đệ Tam, Đệ Nhị. Em học sinh được tôn là thần đồng trả lời đúng đa số các câu Đệ Nhị, và rất ít câu Đệ Tam. Tôi nghĩ em chỉ đáng bậc thần cây (đại lâm mộc) thôi, chưa lên đến bậc đồng. Cứ vào Petrus Ký tuyển các em từ Đệ Ngũ đến Đệ Tam, dạy thêm lối sáu tháng, ta sẽ có biết bao nhiêu em giỏi hơn em thần cây nói trên nhiều. Cứu cánh của giáo dục mà qui tụ ở miếng da lừa thì thật đáng buồn. Tôi trình thượng cấp kết quả phần Toán với lời phê đại khái như: Theo độ khó của bài thi sắp tới, em nầy có thể thi đậu, bài thử cho thấy em khá nhưng thiếu căn bản. Theo kết quả phần Lý Hóa, em là thần đồng thực sự chứ không là thần cây như tôi đã lầm. Xin thêm: anh Trưởng ban Lý Hóa trước có dạy tại mộ tư thục ở Đà Lạt mà vị phụ huynh cao quí kia là chủ, tôi hi vọng điều nầy chẳng ăn nhậu gì đến hiện tượng thần đồng hay thần cây nói trên. Thế là em đó được phép thi và đã thi đậu! Năm đó mọi việc được thuận buồm xuôi gió. Tỷ lệ học sinh thi đậu cao hơn các năm trước. Tại Petrus Ký có nhiều lớp đậu 100%. Tùy theo bạn lạc quan hay bi quan mà trình độ học sinh được thấy là tiến hay thoái .
CÁC BẠN PETRUS KÝ CỦA TÔI
Sau 30 tháng 4 năm 1975, hầu hết anh em Petrus Ký đã ra đi kẻ trước người sau, lưu lạc khắp bốn phương trời. Lê công Thình lập nghiệp tại Vancouver, Tô Hòa Dương và Võ Kỉnh Đức cư ngụ tại Cali. Cấn Anh Tuý hiện dạy electronics tại một trường kỷ thuật. Đỗ xuân Thuận làm chủ nhà hàng Thanh Thế tại Quận Cam. Trần văn Khánh bay qua Mỹ năm 1975,làm ăn phát đạt, con cháu đầy nhà, vứa ngã bệnh chắc nay đã mạnh. Phạm Ngọc Đảnh sang Đức. Hồ văn Nguyên không biết qua Mỹ hồi nào hiện đang gỏ đầu trẻ tại Oklahoma City. Nguyễn Tạ Hùng trốn đâu ở Florida nên chưa liên lạc được. Hùng, Thuận và tôi nối khố từ trường Tân Định. Hồi ở Pháp tôi có gặp Lê văn Tiết tại Nancy. Tiết dân lớp A có Doctorat d’Etat en Geologie, sau làm việc tại Côte d’Ivoire. Cùng xóm tôi có anh Quách sĩ Minh, học lớp F, rất thông minh, giỏi tất cả các môn, đậu vào trường rất cao nhưng chưa học hết premiere année bị bạo bệnh mà chết. Trước khi vào Petrus Ký hai đứa tôi thường đi bộ từ Bàn Cờ ra nhà sách Albert Portail đọc sách cóp như tạp chí Tin Tin chẳn hạn. Xóm Bàn Cờ còn có Bùi Doãn Khanh, sau tôi ba bốn năm gì đó, có Doctorat d’Etat en Math hiện giảng dạy tại Université Pierre et Marie Curie de Paris. Bác sĩ Hồ văn Minh hết làm chính trị, trở lại phòng khám bệnh, phát tài, phát tướng vẫn còn giúp đở anh em Petrus Ký (theo báo cáo của Lê Công Thình). Vào đầu tháng 11 năm 1994, tôi có được thơ của Trần Thành Minh từ bên nhà. Được biết Ông Đạo Nguyễn Ngọc Nam đã nghỉ dạy hơn mười năm rồi, nay đang tịnh tại một thảo lư trên Đà Lạt. Nam là một giáo sư Vạn Vạt rất nghiêm túc, học sâu hiểu rộng môn mình giảng dạy . Sau 1975 Cam Duy Lễ và Trần Thành Minh vẫn còn dạy tại Petrus Ký. Phan Lưu Biên dạy tận Thủ Đức.Đ ến 1980 Minh được cử làm Hiệu Phó phụ trách chuyên môn,mãi đến 1989 mới xin được Biên trở về Petrus Ký. Đến 1992 Lễ xin đổi về trường Nguyễn Hiền Quận 11. Hiện Minh va Biên cũng tiếp tục soạn sách Toán như chúng tôi đã làm trước 1975. Thay chỗ của tôi là một giáo viên trẻ cùng trường, cũng là một cựu học sinh Petrus Ký,học trò cũ của chúng tôi.Trong những người còn ở lại xin kể Thiều Quang Nghĩa,sau Mathelem Nghĩa học luật,sỉ quan quân cảnh ngụy,sau 75 học tập non ba năm nên Mỹ cho đi H.O nhưng vẫn ở lại VN .Võ Đình Ái,dân lớp B,sau học Mathelem tại J.J.Rousseau,tốt nghiệp ĐHSP ban Lý Hóa, một thời tùng sự tại Nha khảo thí, sau 75 về dạy Thủ Đức với Phan lưu Biên và nghỉ hưu non, bệnh mất hơn năm nay.Huỳnh Quang Thiệu vất vả với nghê gỏ đầu trẻ, năm rồi anh ngã bệnh nặng.Trần Kim Qui, có bằng Tiến sĩ Quốc Gia Hóa Học do giáo sư Lê văn Thới bảo trợ, ngoài công việc dạy tại truờng Khoa học,Qui còn là mọt nhà kinh doanh có uy tín tại Saigon.