TÌM HIỂU KÝ HIỆU Y KHOA
Bác sĩ Phan Giang Sang
(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG I – Y HỌC & ÐỜI SỐNG)
Trong đời sống hằng ngày, nhiều khi rất khó cho mình trình bày ra hết tất cả chi tiết. Giới y khoa nhiều khi rất khổ tâm đương đầu với sự thật, vì sự thật thì dễ mất lòng! Khổ tâm nhứt của bác sĩ, là làm sao cho bịnh nhân biết được, họ mắc phải bịnh nan y hay hiểm nghèo, như ho lao hay ung thư. Nói sao cho người bịnh hay gia đình họ không bị kích động. Nói sao cho họ không buồn rầu, chán nản, không ưu uất để ảnh hưởng tới bịnh tình của họ.
Chính vì vậy mà giới y khoa thường dùng ký hiệu TB, bịnh lao nhưng nếu làm ám hiệu (theta: j) nầy, thì người bịnh nhìn thấy mà không biết họ viết gì, họ định bịnh gì? Tuy nhiên cũng có những ký hiệu thông thường mà ai ai cũng biết, là nó tượng trương cho cái gì, nhưng không hiểu tại sao họ dùng nó.
Ðể giúp quí vị hiểu rõ, chúng tôi xin đơn cử ra đây vài dấu:
O->, O+, Dx, Px, Rx, TB (Φ) và CA (K).
PHÁI NAM
Vòng tròn có mũi tên O->, ám chỉ phái nam, male. (Chữ Latin = musculus).
Dấu O-> thì ai cũng biết, còn có những chữ ít ai biết được, vì nó chỉ dùng trong di truyền học, như định luật Mendel mà thôi, như:
O-> x O+ hay O—+—O.
Nhưng tại sao dấu vẽ O có mũi tên O-> nầy lại biểu tượng cho nam tính?
Nó phát nguồn từ đâu?
Từ cổ chí kim, hễ nói tới phái nam là người ta nghĩ ngay tới những bắp thịt vạm vỡ, phải có thân hình tráng kiện hình chữ V như Vọi, trong tiểu thuyết “Trống Mái” của Khái Hưng.
Tượng “David” của Michelangelo (1475-1564) đặt tại Florence, diễn tả một thân hình lực lưỡng, cân đối tuyệt mỹ. Hãy đến đó chiêm ngưỡng tuyệt tác trứ danh nầy mới được.
Theo Pháp, phái nam là phái trả tiền, phái “galant” hay “gentleman”. Theo các quyển từ điển Y học, thì phái nam là phái tạo ra tinh trùng.
Dầu ở thời thượng cổ bán khai, người đàn ông vẫn là con “voi đầu đàn” phải chịu đựng mọi gian nan, lo đi săn tìm món ăn, thức uống cho gia đình và bảo vệ đoàn thê nhi. Họ dùng đủ thứ vũ khí, mà vũ khí lợi hại nhứt là cây lao hay giáo, để phóng, đâm thú, đâm cá, đánh nhau hay dùng cung tên để đi săn thú, bắn chim muông hay kẻ địch, vân vân… Trong các hang động từ Âu sang Á, còn lưu lại những hình vẽ mũi tên, để nói tới đi săn. Các đồ mỹ nghệ cổ, cũng có những hình ảnh người đàn ông trần trụi giương cung bắn, như thần Apollo, thần Eros.
Từ xưa, người Ðông phương có quan niệm là con trai phải hùng dũng, oai nghi, với chí khí phấn đấu chớ không ủy mị như các “quần thoa thục nữ”. Làm trai phải cho xứng đáng với câu:
“Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan”.
Sau khi Hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị đánh đuổi tên Thái thú Tô Ðịnh bạo tàn lên làm vua (40-43). Nhà Ðông Hán cho Mã Viện, Phục Ba tướng quân, một lão tướng 70 tuổi, sang đánh chiếm nước ta, vì thua trận, cùng đường, Hai Bà Trưng phải nhảy xuống Hát Giang mà tự tử.
Mã Viện đầy tự đắc, cho là nước ta không thể nào đánh đuổi được họ, nên lập cột đồng trên có đề dòng chữ:
“Ðồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”.
Câu nầy có nghĩa là: nếu cây trụ đồng mà ngã thì người Giao Chỉ mất luôn. (Người Trung Hoa thường ngạo nghễ khinh khi các dân tộc khác, như gọi Pháp là bạch quỹ, người Anh là hồng mao. Theo nhân chủng học, anthropology, thì người mình có hai ngón chân cái giao nhau, nên họ gọi mình là giao chỉ). Dân mình sợ quá mới mỗi người ném một hòn đá, cuối cùng lấp mất cột đồng luôn, nên mới có câu:
‘Cột đồng Ðông Hán tìm đâu thấy,
Chỉ thấy Tây Hồ bóng nước gương’ .
Chính Mã Viện đã cho rằng, người con trai phải có chí, lập nên sự nghiệp hiển hách ngoài trận mạc và coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Là dân du mục, mỗi người một ngựa họ chỉ lo chinh chiến tìm đất, tìm dân liên miên, nên mới nói:
“Da ngựa bọc thây”
bởi vì:
“Cổ kim chinh chiến kỷ nhân hồi?”
Cụ Nguyễn Công Trứ đã luận về cái chí khí của người con trai rất hùng mạnh, qua nhiều vần thơ tuyệt tác. Cụ đã trình bày một cách xuất sắc, tuy có chỗ không hợp với thời đại ngày nay như trong bài
“Phận sự làm trai”
Vũ trụ chức phận nội,
Ðấng trượng phu một túi kinh luân.
Thượng vị đức, hạ vị dân,
Sắp hai chữ “quân thân” mà gánh vác.
Có trung hiếu, nên đứng trong trời đất,
Không công danh thà nát với cỏ cây.
Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây,
Phải hăm hở ra tài kinh tế.
Người thế, trả nợ đời là thế,
Của đồng lân, thiên hạ tiêu chung.
Riêng (hơn) nhau hai chữ “anh hùng”.
(Việt Nam Văn Học)
Người con trai phải tung hoành ngang dọc, chớ không phải ru rú ở nhà núp sau váy mẹ, cụ Nguyễn Công Trứ diễn đạt ý chí đó, qua bài
“Chí làm trai”:
Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc,
Nợ tang bồng vay trả, trả vay.
Chí làm trai nam, bắc, đông, tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
Ðã hẳn rằng ai nhục, ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.
Cũng có lúc mưa dồn, sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.
Chí những toan xẻ núi, lắp sông,
Làm nên tiếng phi thường đâu đấy tỏ,
Ðường mây rộng thênh thang cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo.
Thảnh thơi thơ túi, rượu bầu.
(Việt Nam Văn Học)
Trong những bài khác cụ viết:
‘Ðã mang tiếng ở trong trời đất,
Phải có danh gì với núi sông.
Trong lúc trần ai, ai dễ biết?
Rồi ra mới rõ mặt anh hùng’.
Người con trai phải có trọng trách:
Ðã đem thân thế hẹn tang bồng.
hay:
Ðã rắp điền viên vui tuế nguyệt,
Trót đem thân thế hẹn tang bồng.
thì phải làm xong trách nhiệm mới an hưởng tuổi già:
Sạch nợ tang bồng mới kể ngươi
hay:
Tiêu dao nơi hàn cốc, thanh sơn,
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.
Bà Hồ Xuân Hương cũng nói lên cái chí khí của đàn ông, qua bài tế chồng: “Khóc Ông Phủ Vĩnh Tường“
Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ơi!
Cái nợ ba sinh đã trả rồi.
Chôn chặt văn chương ba thước đất,
Tung hê hồ thỉ bốn phương trời…
Khi làm lễ mãn khóa Trường Võ Bị Thủ Ðức, người thủ khoa bước ra khỏi hàng, giương cung bắn tên bốn phương, để nói lên cái chí khí rồi đây người trai hùng sẽ tung hoành ngang dọc bốn phương, để lập công danh, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ của tiền nhân để lại.
Theo cổ tích bên Tàu, hễ đẻ con trai thì dùng cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn sáu phát ra bốn phương, lên trời và xuống đất. Nó có nghĩa, cha mẹ cầu cho con mình có chí lập công danh sự nghiệp, hiển hách với đời.
Như vậy, mũi tên tượng trưng cho người con trai.
Còn cái vòng tròn từ đâu mà có?
Nói tới giao tranh, thì phải có bên đánh, chém hay đâm bằng côn, gươm giáo hay cây nhọn như lao, thương hay mâu; còn bên kia bị tấn công tất phải đỡ. Muốn đỡ cho an toàn cần phải có cái gì che chở cho kín, đồ che chở đó không ngoài cái khiên bằng mây, mộc bằng cây hay cái thuẫn (shield).
Như vậy, ta thấy một vật tấn công và một vật chống lại, hay che chở cho an toàn, việc nầy phản ngược nhau gọi là “MÂU THUẪN”, câu chuyện “Bán mộc bán giáo” của Hàn Phi Tử trong Cổ Học Tinh Hoa.
Cái thuẫn hình tròn, còn cái mâu là vật dài nhọn. Nếu đem hai vật đó gần nhau ta sẽ thấy đúng là: hình tròn có mũi tên ở trên.
Theo thần thoại Hy Lạp, vòng tròn có mũi tên ở trên là cái khiên và cây thương và nó lại là biểu tượng của Thần Mars,
ông thần chiến tranh. Vì ông cũng tượng trưng cho zodiac, cho nên có người nghĩ mũi tên là cái hình của thằng “cu tí”.
Như vậy ta thấy đông tây cũng có nền văn hóa tương tự nhau. Thế thì đông tây cũng có thể gặp nhau, phải vậy không quý vị?
B A C
Hình vẽ người chiến sĩ A đang cầm cái mâu và thuẩn riêng ra, hình B mâu và thuẩn được kề nhau tạo thành hình tròn với mũi tên nhọn.
Hình C là bộ giáp và chiến cụ của chiến sĩ xưa ở Trung Hoa.
PHÁI NỮ
Còn về vòng tròn có dấu cộng ở dưới O+ là cái gì mà nó lại tượng trưng cho phái nữ?
Phái nữ: Female = L = femella, F = femelle, femina là người đàn bà. Phụ nữ là người sản xuất trứng hay noãn.
Có người cho đàn bà sanh con đẻ cái nên có dấu cộng. Ðiều nầy không ổn.
Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, bổn phận của người đàn bà chăm lo việc nhà, nâng khăn sửa túi cho chồng và nuôi nấng con cái, vì người đàn ông bận lo việc bên ngoài và lo phấn đấu bảo vệ gia đình. Người phụ nữ lại ham thích làm dáng, nũng nịu và trang sức cho nó tăng vẻ đẹp và hấp dẫn của mình, vân vân… Phụ nữ cần phải có Tứ đức: công, ngôn, dung và hạnh.
Dung là vẻ đẹp, có thể đẹp tự nhiên trời cho, mà cũng có thể nhờ thuật giải phẫu, trang điểm. Muốn trang điểm thì phải có đồ trang sức. Mà dầu có đồ trang sức, tô son điểm phấn, cũng không biết nó có đẹp không, hay lại bôi phết như hề, thì con ma nó coi chớ không ông nào dám nhìn cả. Muốn diện cho đẹp, muốn chải mái tóc cho xinh, người phụ nữ bắt buộc phải có cái gương để ngắm nghía. Cái gương đó phải có cái cán để cầm đưa qua, đưa đi, đưa lại, ngắm tới ngắm lui.
Theo cuốn từ điển Macquarie của Úc, thì cái gương có khung trang hoàng và đặc biệt có cán, chủ yếu để phụ nữ dùng (mirror: a reflecting surface set into an ornamental frame, esp. one with a handle, used chiefly by women). Cái gương đặc biệt nầy người Pháp gọi là: “kiếng thần Vệ nữ”, tức “miroir de Venus”, hay “kiếng chiếu yêu”.
Venus tượng trưng cho vẻ đẹp phụ nữ. Theo thần thoại La mã: Venus là mỹ nhân, là thần Vệ nữ hay thần Ái tình và dục
vọng. Venus cũng tượng trưng cho thần Hòa bình. Theo thiên
văn thì Venus là sao Kim tinh, một vì sao sáng gần trái đất sau mặt Trời (4). Mount of Venus là đồi Vệ nữ. Ðông phương cũng tương tợ như Tây phương, bằng chứng là chính vua Tự Ðức đã nói lên điều nầy trong mấy vần thơ:
“Khóc Bằng Phi“
Ðập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Trong y khoa, chúng tôi cho đây là bịnh về tâm lý, có tên là fetism.
Cụ Ôn Như Hầu ghi:
Biếng cầm gương, biếng đưa thoi,
Oanh đôi thẹn dệt, bướm đôi ngại thùa.
(Chinh phụ Ngâm)
Nhà thơ Nguyễn Bính, cũng có câu trong bài “Lỡ bước sang ngang“:
Một lần sẩy bước ra đi,
Em còn cho chị lược gương làm gì?
Người Nhựt có câu ngạn ngữ:
‘Thanh kiếm là linh hồn của người hiệp sĩ đạo,
Cái gương là linh hồn của người phụ nữ.’
‘The sword is a soul of the Samurai,
The mirror is a soul of the Women.’
LƯỠNG PHÁI NAM-NỮ
Dấu +O->, có mũi tên ở trên và dấu cộng ở dưới hay +OO-> thì gọi là gì?
Dấu hiệu nầy ám chỉ đứa trẻ sanh ra có bộ phận sinh dục mà không thể phân biệt được là trai hay gái: đó là ái nam ái nữ. Ngoài đời dấu nầy có nghĩa là bán nam bán nữ. Người miền Nam gọi là đồng bóng, lại cái và tiếng lóng là bê-đê.
Xưa kia người ta cho rằng: có thể đàn ông từ Hỏa tinh và đàn bà từ Kim tinh, nhưng khoa học mới đây lại có bằng chứng sinh học khác biệt giữa hai giống rất tế nhị, không như người ta từng nghĩ (1).
Chữ K hay CA để tượng trưng cho ung thư.
Tại sao?
Ung thư hay gọi là cancer, mà theo chữ Latin thì cancer lại có nghĩa là cua, mà cua tiếng Pháp lại là crab. Con cua thì bò ngang bò dọc tứ tung, khó mà biết được. Ung thư cũng vậy, nó nhảy ra chỗ nầy, chỗ khác, khó lòng mà đoán trước được.
TB là bịnh lao phổi, nó là chữ tắt của Tubercle Bacillus.
Tuberculosis: L: tuberculum, G: phthisis = pulmonary tuberculosis. Môn học bịnh lao, phthisiology. Vẽ ba phần tư vòng tròn rồi kéo thẳng xuống (j) là bắt chước chữ Greek. Dấu nầy chỉ có các bác sĩ Hồng Bàng mới biết, vì ở đây Úc gọi trung tâm bài lao là chest clinic, không có dùng dấu nầy, họ chỉ dùng TB. TB là chữ tắc của tubercle bacillus, vi trùng bịnh lao, mà trường phái Pháp gọi là bacille de Kock, để tri ơn nhà vi trùng học Ðức đã tìm ra nó.
Còn các dấu khác rất dễ biết vì nó là chữ viết tắt như:
D x = diagnosis, chẩn đoán
DDx = difference diagnosis, chẩn đoán phân biệt
Px = prognosis, tiên lượng
Mx = management, sự chăm sóc.
Rx = treatment, điều trị
I x = investigation, xét nghiệm tìm căn bịnh
Trên các toa thuốc, các bác sĩ thường viết dấu như: a.c, b.d hay b.i.d, p.r.n, và vân vân.
Một lần nữa, chúng tôi xin giải ra để quí vị hiểu mà dùng thuốc cho đúng, nếu không có thể dùng sai rất nguy hiểm:
-a.c. ante cibum = before meal: trước bữa ăn.
– b.d,b.i.d bis die/bis in die = twice a day: một ngày hai lần
– gtt gutta(ae) = drop(s) : giọt
– h.s hora somni = at bedtime: khi lên giường ngủ
– m mane = in morning: buổi sáng
– n nocte = at night: buổi tối
– n et m nocte et mane = night and morning: tối và sáng
– p.a.a parti affecti = to be applied on: thoa vào chỗ đau
Applicandus =affected parts
– p.r.n pro re nata =when necessary: khi thấy cần thiết
– q.d.s, qid quat in die = four times a day: bốn lần một ngày
– Rx recipe =take: dùng
– t.d.s,tid ter die sumendus=three times a day:ba lần một ngày
Hội Hồng Thập Tự
Hiện nay có nhiều người lạm dụng các dấu hiệu, chẳng hạn như chữ thập đỏ hay hồng thập tự, để cho biết đây là phòng mạch hay trung tâm y tế, vân vân… Việc nầy không đúng, vì chữ thập đỏ là dấu hiệu của “Hội Hồng Thập Tự“.
Hội Hồng Thập Tự đã được lập ra theo Qui ước Geneva 1864, có nghĩa là hội cứu người, cấp cứu thương binh trên chiến trận: các quân y, xe cứu thương vân vân …đều có dấu nầy để đối phương thấy mà: Không được bắn [Don’t shoot]
Nếu bắn sẽ phạm vào luật quốc tế : điều 38 Qui Ước Geneva 1949, để bảo vệ thương binh ngoài chiến trận, đoạn 15 Qui Ước Geneva (Khối Thịnh Vượng Chung) năm 1957.
Ở Trung Ðông, chữ thập đỏ được thay thế bằng: lưỡi liềm đỏ.
Như vậy chữ thập đỏ, không có nghĩa gì là phòng mạch cả.
- Nhà thuốc tây chỉ dùng chữ thập trắng nền xanh lá cây hay lục huyền bạch thập tự.
- Bịnh viện thì dùng chữ thập trắng nền xanh da trời hay thanh thiên bạch thập tự.
Xin đừng xài lầm màu sắc các chữ thập, coi chừng bị gặp khó khăn: phạm pháp hay có thể bị phạt tội đấy!
Hi vọng chút ít hiểu biết, cũng giúp quí vị hiểu rõ các ký hiệu và dấu hiệu, để khỏi bỡ ngỡ, thắc mắc tìm hiểu bịnh trạng và khi hữu sự muốn tìm nhà thuốc hay bịnh viện hoặc cơ quan cấp cứu, một cách dễ dàng nhanh chóng.
Sách báo tham khảo:
(1) Bob Beale, Male, female and other.
(2) Collins, Dictionary of Medicine.
(3) Gould Medical Dictionary.
(4) The Macquarie Dictionary.
(5) Văn Học Việt Nam, Dương Quảng Hàm.
(6) Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim.