TIỂU SỬ TRƯƠNG VĨNH KÝ
Đoàn Trung Còn
(nguồn: Lục Tỉnh Tân Văn, trong 2 số ra ngày 7 & 8 tháng 4 năm 1927, rút trong tạp chí Rạng Đông)
Từ năm 1863 đến năm 1875, ông Petrus Ký in ra mấy pho sách rất bổ ích cho người đương thời, nào là sách mẹo quốc ngữ dịch ra chữ Pháp và mẹo Pháp dịch ra chữ quốc ngữ, nào là sách quốc âm để dùng trong trường thông ngôn ký lục, nào là mấy pho sơ học vấn đáp xuất bản liên tiếp nhau từ năm 1871 đến năm 1894.
Qua năm 1875 ông viết hai cuốn sách rất quí báu là Địa dư xứ Nam kỳ (Basse Cochinchine) và pho quốc sử để dạy các trường trong Nam.
Chẳng những là hai thứ sách ấy để chỉ bảo cho trẻ em nơi học đường mà thôi lại còn dìu dắt phần nhiều dân giả trong xứ và nhứt là mấy người ngoại quốc mới tới xứ ta. Địa dư thì nói tỏ rõ phong thổ địa thế xứ Nam kỳ và bản đồ rành rẻ hơn bản đồ của quan Dayot và Le Brun hồi thế kỷ thứ mười tám. Còn sử thì lược biên những chuyện xưa tích cũ ta rất là giản tiện dễ nhớ.
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký lại còn dịch và bàn nhiều vấn đề rất cao thượng, bởi thế bên Pháp cùng bên Nam, mấy nhà văn sĩ đều kính trọng ông, như ông dịch bài văn tế của quan Nguyên soái Nguyễn Phước khóc ba quân tử trận trải mật trung mà thờ chúa Nguyễn Ánh (Gia Long), ông đặt nhiều bài diễn thuyết bằng chữ La tinh: như bài Epistola de conpessoribus Cochinchine occidentalis et de bello gallico; ông có viết bằng chữ Y pha nho về câu chuyện ông đi qua Âu Tây (Alsunas reflexiones de suviaje por Europe); ông có gởi đến hội Canh nông những vấn đề khảo về tre trúc, tàu thuyền, kiến vàng kiến hôi mà chúng tôi đã nói trong tạp chí số đầu.
Qua đến năm 1878 ông xuất bản pho tự vị chữ Pháp dịch ra chữ quốc ngữ và chữ quốc ngữ dịch ra chữ Pháp, là cái công lao to lớn của ông trong sáu năm trường (khởi sự hồi năm 1871) cuốn sách ấy đến nay ta hãy còn thông dụng.
Ông Trương Vĩnh Ký chẳng những là một vị văn nhơn có danh, mà lại là một vị văn quan chánh trực, thanh liêm hay lo cho nước cho nhà, và là một giáo sư đủ trí, tài biết lấy cái sự học rộng rãi của mình mà truyền bá cho học sanh và mấy viên giáo chức, như sách để mấy thầy trường sơ học dùng in năm 1878, mẹo chữ quốc âm, sách dạy vấn đáp, và sách chỉ cách học tiếng An nam.
Ông nhờ tính sốt sắng nên cái học thức ông càng cao rộng, ông thường muốn đến phương xa cho biết thêm những điều trông thấy, như khi ông đi Âu tây và Trung quốc; năm 1876 ông ra Bắc kỳ có ý tìm những sách quí, sử gốc để bổ vào các sự nghiệp trước thuật của mình, song lúc ấy phía Bắc còn đương rối nên ông chỉ ở ít lâu rồi trở về. Khi ông trở về Saigon thời quan Duperré cử ông làm hội đổng thành phố.
Từ ấy ông choán một ngôi cao quí nơi hàng chánh trị, mà ông vẫn lãnh chức giáo sư và kiểm điểm những pho sách quốc văn in ra phát cho các học đường, còn có thì giờ thời ông lại viết và dịch sách, như ông viết ra chữ quốc ngữ quyển Kim vân Kiều cùa cụ Nguyễn Du, pho sử Nam và nhiều kho sách khác in năm 1876.
Qua năm 1880 ông Trương Vĩnh Ký, tuổi quá tứ tuần, vì gặp những sự lo lắng trong gia đình; năm ấy ông vừa cưới vợ cho con là Trương Vĩnh Thế, được ít tháng thì bằng hữu của ông là quan huyện Doãn từ trần. Qua năm sau, con trai thứ bảy của ông là Félix Trương Vĩnh Ký được ba tuổi thì thác nhằm ngày lễ Chánh Chung kỷ niệm (14 Juillet 1881). Đến năm 1882 ông viết nhiều quyển sách bổ ích và dịch ra quốc văn nhiều bài rất hay, có thể giúp vui được như sách Trương lương tùng xích tòng tử, Chuyện khôi hài, Kiếp phong trần, Bất cượng, Nữ Tắc, Thơ dạy làm dâu, Huấn nữ ca, Phép lịch sự An nam, Gia huấn ca, Học trò khó, Thạnh suy bĩ thới, v.v…
Qua năm 1882 nhằm ngày 22 tháng mười, con thứ tám của ông là Trương Vĩnh Tiên lọt lòng mẹ chưa được bao lâu thì cũng thác.
Ông gặp cơn gia biến như vậy, nên đau lòng rối dạ, khiến ông khó cầm bút mà viết sách bàn văn.
Năm 1883 nhằm ngày mười bảy tháng năm, có giấy bổ ông dự vào thi văn tại Hàn lâm viện nước Pháp. Sau khi vua Tự Đức băng (ngày 6 tháng bảy) và sau khi tỉnh Bắc Ninh và Sơn Tây bị quân Pháp chiêm thì ông lại sanh được một người con trai thứ chín là Trương Vĩnh Tống.
Ông Petrus Trương Vĩnh Ký tuy ở nước nhà, song thường giao thiệp với những hàng văn nhơn bên Pháp, vì khi ông đi sứ bên Pháp, ông làm quen được với nhiều bực thượng lưu trí thức, từ ấy ông bằng thơ từ đi lại như ông Ernest Renan, Littré và Paul Bert. Ernest Renan hằng đem văn thi và sách vở của ông mà khoe với mấy vị văn tài bên Pháp, cũng có dịch cuốn tự vị của ông Littré ra chữ quốc ngữ hầu để giúp ích cho dân trong nước. Còn ông Paul Bert thì qua năm 1886 nhằm cuối tháng giêng, được bổ sang làm Khâm sứ Trung kỳ và Bắc kỳ, tới Hanoi nhằm ngày mồng tám tháng tư. Ngài lấy làm hân hạnh mà tái hiệp với ông Petrus Ký, nhứt là ngài được vui lòng vì có người giúp việc cho mình, quan Khâm sứ Paul Bert bèn đòi ông Trương Vĩnh Ký ra Huế và chọn ông vào trong Cơ mật.
Từ đấy trong hai người, dây bằng hữu càng thêm chặt, tình hữu ái càng thêm nồng, gần nhau thì trò chuyện bàn việc nước với việc văn, xa nhau thì thơ từ chẳng ngớt. Chẳng bao lâu quan Khâm sứ Paul Bert tạ thế, nhằm ngày 11 tháng Novembre 1886, tính lại thì ngài vào Đông Pháp có bảy tháng mà thôi. Ông Trương Vĩnh Ký lấy làm thương tiếc một người bạn đồng tâm hạp chí với mình ?…
Ông Trương Vĩnh Ký là một người rất nên khẳng khái, ngay thẳng. Ông tuy giao thiệp với nhiều quan Lang sa, được người yêu chuộng và kính phục, mấy viên quan ấy thường khuyên ông nhập tịch dân Pháp, song ông chẳng chịu ngay và trả lời rằng: “Tôi không khứng nhập tịch dân Pháp vì tôi là dân An nam, tôi không hề đổi dạ, không quên lời hứa với đồng bào tôi, nếu tôi thành dân Pháp thì mấy kẻ đố kỵ với tôi cho tôi là muốn lấy quyền thế người Pháp và muốn kiếm thêm mồi phú quí, tôi mà nhập tịch dân Pháp thì tôi cư xử với nươc Pháp chẳng tròn, tôi chỉ là dân có tên tuổi đó thôi, vả lại Vua cùng đình thần và dân Nam chừng ấy đâu còn cho tôi là một người xứng đáng với nước non nầy”.
Ông Trương Vĩnh Ký rất nên thanh liêm chánh trực, ông làm quan lâu mà chỉ vừa đủ đắp đổi qua ngày tháng đó thôi; cho đến khi ông hưu trí năm 1890 thì ông chẳng có dư dả được nhiều. Lúc ấy ông đã yếu đuối nhiều, chẳng những là thân thể ông trở nên gầy ốm, mà ông lại phải ôm ấp nhiều mối khổ tâm, song ông cũng ráng viết sách vở đặng bán mà tiêu xài. Lúc bấy giờ trường thơ ký đã phế đi, ông phải từ chức giáo sư, nhưng cũng nhờ mấy vị quí hữu của ông ở Pháp tiến cử giùm, cho nên ông được bổ làm giáo sư chuyên dạy khoa chữ Nho và chữ Cao mên, mỗi năm lương ông là một ngàn tám trăm đồng; ông dạy vậy cho đến lúc mãn phần.
Lương bổng thì hẹp hòi, đã vậy một viêng iám đốc lại còn truất bớt của ông, nhưng vậy mà ông vẫn không phàn nàn. Ông thường hay buồn cười vì thấy nhiều bọn dưới tay ưa kiếm đều châm chích, chúng nó sợ ông xong ghét ông, xúm nhau mà cho ông là người phàn chúa khi quân muốn đem nước nhà mà giao cho người ngoài.
Ông vì năng lo lắng cho dân tình, năng chịu đều nhọc trí mà viết sách, lại thêm cả trăm mối khổ dồn dập vào, nên đến năm 1898, ông phải tạ thế nơi nhà ở Chợ quán, lúc ấy ông tuổi được sáu mươi hai. Vừa hay tin buồn ấy thì nào là bà con, nào là dân trong xứ, nào là quan Tây-Nam, đều đưa đón coi rất oai nghi tề chỉnh. Cho đến ở nhiều xứ ngoài như Cao mên, Xiêm, Ấn độ, Miến điện và Âu châu, cũng có nhiều vị gởi thơ đến chia buồn với bà vợ ông và tặng ông trong nhiều lời rất trân trọng. Nhiều báo Tây, Nam ở Saigon cũng để lời khen ông và gia quyến của ông. Lúc ấy, trong báo Courrier de Saigon “Saigon thời báo”có đăng mấy hàng như vầy: Trong thời kỳ này, khó gặp đặng người quí như một viên chí sĩ mới khuất ngày mồng ba tháng chín năm 1898 đây. Tánh tình người, học thức người và ý tưởng sâu xa của người có thể xấp vào hạng thông minh trí tuệ trong cỏi Á đông này.
Ông Trương Vĩnh Ký chẳng những là được người Á đông kính phục mà lại người Âu tây cũng mến tài, vì lấy ông mà làm gương: ông là ngươi Nam kỳ, song chẳng nhượng mấy bực bác sĩ bên Âu, văn ông đã cứng, bàn luận lại thẳng ngay, cao thượng bực thường nhơn khó sánh tài. Tánh tình ông như mực thẳng như thuốc đắng, lấy đêu phải lẽ ngay mà cư xữ với người, bởi thế nhiều viên quan chưa rõ ông cùng là không chánh đáng hay nghịch và ghét ông.
Ông Petrus Ký biết đọc và nói mười lăm thứ tiếng và chữ xưa “langue morte” và hiện thời “langue vivente” bên Âu tây; ông biết được gần hết mấy thứ chữ bên cỏi Á đông gồm đặng mười một thứ; ông lại viết văn Pháp dễ như quốc văn, và ông viết báo Tàu, Xiêm, Cao mên, La tinh, Ý đại lợi và Y pha nho chẳng kém mấy vị chủ bút mấy tờ báo ấy.
Còn về việc trong gia đạo thì ông là một ông cha hiền hậu, hay lo lắng và dạy dỗ con; bà vợ ông cũng là người có tư chất, năng săn sóc cái gia quyến đông đảo của họ Trương.
Suốt một đời ông hình như có định rằng ông là người tiên giác, cái trách nhiệm lớn lao này ông phải thọ lãnh lấy, vì là phận sụ và lương tâm buộc ông phải chịu nhọc nhằn, chớ không thì ông hưởng cái thanh nhàn của ông nơi quê quán, khi rượu lúc cờ, ngâm thơ dưới nguyệt, khẩy đờn trên non, khi hứng cảnh đẹp dưới trăng thanh, lúc lại vui vầy trong gia đạo.
Song cái thời kỳ ông là lúc phải ra mà giúp dân khuyên chúng, chớ không phải là một thời kỳ yên ổn nên anh tài không lẽ lúp ló trong gia đình mà hưởng mấy cái phước cỏn con nho nhỏ.
Cả tám kỳ ai cũng đều nhận rằng ông Petrus Ký là người tiên giác, đại bổ ích cho đường học vấn. Bởi thế nên bàn hội đồng có xin dựng hình ông làm kỷ niệm tại Saigon. Tốt đẹp thay, quí hoá thay, gương một người Nam như ông Petrus Trương Vĩnh Ký.
Đây là những sách chánh của ông viết và dịch, xin kể ra sau này:
Văn tế quân lính tử trận, của Nguyên soái Nguyễn Phước làm
Chuyện đời xưa, lựa lấy những chuyện hay và có ích
Mẹo luật An nam (Abrégé de grammaire Annamite)
Sách dạy chữ quốc ngữ (Cours pratiques de langue Annamite)
Mẹo luật dạy tiếng Pha lang sa (Grammaire Francaise en Annamite)
Kim Vân Kiều
Đại nam sử ký diễn ca (Histoire Annamite de vers)
Sách dạy chữ nho
Mạnh thượng tập chí
Sơ học vấn đáp
Trương Lương tùng xích tòng tữ du phú (Retraite et apothéose de Trương Lương)
Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất hợi (Voyage du Tonkin en 1876)
Bất cượng (chớ cượng làm chi)
Kiếp phong trần (Évènements de la vie)
Huấn nữ ca của Đặng huynh Tung làm (Défaults et caractères des filles et des femmes)
Thơ dạy làm dâu (La bru)
Chuyện khôi hài (Passe temps)
Gia định phong cảnh vịnh, Gia định thất thơ vịnh (Saigon d’Autrefois)
Trương lương hầu phú (Apologie de Trương Lương)
Thơ mẹ dạy con
Nữ tắc (Devoirs des filles et des femmes)
Sách tập nói chuyện tiếng An nam và tiếng Lang sa (Guide de la conversation Annamite)
Gia huấn ca (Ecole domestique ou un père à ses enfants)
Học trò khó phú (Un lettré pauvre)
Thạnh suy bỉ đới (Caprices de la fortune)
Phép lịch sự An nam (Les covenances et les civilités annamites)
Thầy trò về luật mẹo léo lắt tiếng Pha lang sa (Maitre at élève sur la grammaire de la langue Francaise)
Huấn mông khúc ca, sách dạy trẻ nhỏ học chữ nhu (Chanson pour l’instruction des enfants)
Tam tự kim quốc ngữ diễn ca
Tiểu tự vị Tây – Nam (Petit Dictionnaire Francaise-Annamite)
Sơ học vấn tân quốc ngữ diễn ca (Répertoire pour les nouveaux étudiants)
Bài hịch con quạ (Proscription des corbeaux)
Ngũ tiều trương điệu (Pêcheur et buˆcheron)
Phú bần diễn ca (Riche at pauvre)
Cờ bạc nha phiến (Jeux de hasard et de l’opium)
Lục súc (Les six animaux domestiques)
Lục súc tranh công (Dispute de mérite entre les six animuax domestiques)
Dư đồ thuyết lược (Précis de géographie)
Tam thiên tự giải âm
Lục vân tiên truyện
Tứ thơ (Quatre livres classiques)
Phan trần truyện
Minh tâm bửu giám (Le pre1cieux miroir du coeur)