TIẾT ÐỘ VÀ TIẾT CHẾ ÐỜI SỐNG
Phan Giang Sang
(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG I – Y HỌC & ÐỜI SỐNG)
Ngày nay khoa học giúp ta hiểu biết đủ thứ, khuyên ta cữ ăn uống cái nầy, cái nọ để ngăn ngừa bịnh tật, thật là rắc rối phiền phức. Có nhiều người liều lĩnh, nói rằng sống mà không cho hưởng thụ, thì thà chết sướng hơn. Họ lý luận gàn là: ông bà ta ngày xưa chả kiêng cữ cái khỉ gì hết, họ cũng sống nhăn răng. Tại sao ta phải kiêng cử. Thoáng nghe qua lời nói trên dường như có lý lắm, nhưng suy ra nó hoàn toàn không đúng và bướng bỉnh.
Thật ra từ xưa ông bà ta đã biết thuật kiêng cữ, để có đời sống khỏe mạnh, sống lâu, cho nên ta thường nghe nói:
“Bán dạ tam bôi tửu,
Bình minh độc ẩm trà
Thất nhựt nhất dâm độ,
Lương y bất đáo gia.”
Bài thơ nầy có nghĩa là:
Tối uống nhăm nhi ba chung rượu, sáng sớm uống một bình trà, bảy ngày làm tình một lần, thì bác sĩ không bao giờ đến nhà thăm làm chi cả. Ý muốn nói là nếu mình ăn ở cho có điều độ, uống rượu cho có chừng mực vào buổi cơm chiều, hay sáng sớm uống trà tẩy độc, long đàm, nhuận trường, làm tình cho có điều độ để được khỏe mạnh, tất nhiên không cần bác sĩ tới nhà xem mạch, chữa bịnh chi hết.
Xin thử xem coi lời nói trên đây của ông bà ta ngày xưa có đúng cho ta noi theo không?
BÁN DẠ TAM BÔI TỬU
Rượu có từ ngàn xưa ở tất cả các nước trên thế giới. Rượu được dùng trong mọi lễ nghi, chúc tụng, tiệc tùng kể cả kết nghĩa bè bạn. Trong thuật giao tế, nếu không biết uống hay từ chối uống rượu, bị coi như khinh khi người ta, dễ làm mất lòng người ta.
“Nam vô tửu, như kỳ vô phong”
Con trai mà không biết uống rượu như cờ không gập gió: bị coi là dở, là hèn.
Những người có tửu lượng cao, cho không uống rượu ngon, không phải vì họ không tiền mua rượu, mà vì không có bạn hiền đối ẩm:
‘Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua, không phải không tiền không mua’
Uống rượu phải cho có chừng mực. Uống như hũ chìm, say sưa vừa không tốt vừa có hại cho sức khỏe. Chẳng những thế, nó còn đưa tới ăn nói không chừng mực vì không kềm chế được:
‘Rượu vào lời ra’.
Rượu làm tay chân run rẩy, cử chỉ vụng về, phản xạ chậm, không điều khiển tay lái chính xác nên lái xe bất cẩn, dễ gây tai nạn làm hại bản thân và người khác.
Rượu làm mất lý trí và sự sáng suốt, hành động không kềm chế, đưa tới lỗ mãng, bạo hành trong gia đình, làm những điều phi pháp, giết người, gây tội phạm, mà không hay biết, lúc tỉnh ra ăn năn, thì đã muộn rồi.
Ðàn ông uống rượu nhiều cũng làm bất lực, trí óc lu mờ, con cái ngu dốt…Ðàn bà uống rượu nhiều làm hư thai, sanh non, con không thông minh.
Uống chút ít rượu rất là tốt, nhứt là uống trong buổi cơm tối. Khởi đầu các nhà khoa học lấy làm lạ, là người Pháp có truyền thống uống rượu chát đỏ và ăn rất nhiều cheese và butter mà họ ít bị đau tim, hay máu nhồi cơ tim, trái lại người Mỹ lại bị bịnh nhiều hơn.
Hiện nay các nhà nghiên cứu đều công nhận là rượu chát đỏ rất có lợi cho sức khỏe, vì nó loại bỏ được chất già nua trong người, tức nó có tánh cách antioxidants.
Ngày xưa bên Trung Hoa cũng có rượu nho, bằng chứng là họ có câu: ‘Bồ đào mỹ tửu…’ đó quý vị.
Giáo sư Robert Casper của Đại học Toronto tìm thấy resveratrol và chất kháng nấm trong rượu chát đỏ. Chúng nó có tánh chất của dioxin antagonist. Ngoài ra chúng còn làm giảm cholesterol trong máu, để máu dễ lưu thông.
Theo Bác sĩ Morton Gronback, thuộc Viện nghiên cứu Y khoa phòng ngừa ở Copenhagen, nhận xét qua 12000 người lớn thì người có uống rượu lại khỏe mạnh hơn người không có uống rượu. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đều công nhận là rượu nào cũng được hết kể cả beer nữa, nhưng rượu chát đỏ là tốt hơn hết.
Uống bao nhiêu là tốt?
Bác sĩ Morton Gronback nhận thấy uống rượu cho có chừng mực là tốt nhứt. Riêng rượu chát đỏ, thì chỉ uống có 1 hay 2 ly (100ml) là tốt. Những người uống trên 3 ly thì không tốt.
Tại sao uống như hũ chìm, thì không tốt?
Rượu sẽ làm đau gan, xơ gan và một số ít có thể bị ung thư gan không có cách chữa trị.
Phải uống lúc nào?
Tốt nhứt là phải uống lúc ăn tối. Uống rượu lúc khác không có lợi. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, uống chút rượu để ăn ngon và ngủ ngon. Hiện nay bên Anh, các phụ nữ lớn tuổi được khuyên uống chút ít rượu chát đỏ, để đỡ bị gãy xương và đỡ bị sa sút trí tuệ (dementia). Như vậy là ông bà mình ngày xưa khuyên rất đúng. Uống chút ít rượu và điều độ rất tốt. Chỉ có cái là họ không giải thích rõ ràng, bởi họ không biết khoa học, mà chỉ dùng kinh nghiệm bản thân, dùng óc nhận xét sự việc mà thôi.
BÌNH MINH ÐỘC ẨM TRÀ
Sáng sớm uống một bình trà thì có chi là lạ, là lợi?
Ngày xưa cứ múc nước sông, nước suối, nước giếng, nước ao tù uống, nên dễ bị bịnh chết. Các thứ nước nầy tuy thấy trong, nhưng hoàn toàn không tinh khiết. Nó chứa rất nhiều vi trùng, độc chất vân vân. Các thứ nầy là mầm mống bịnh tật. Uống các thứ nầy thế nào cũng mắc bịnh chết là chắc. Ông bà ta cho là: rừng thiêng nước độc.
Nếu lấy nước đó đem đun sôi lên uống sẽ không bị bịnh. Nhưng uống như vậy nó nhạt nhẽo, không thơm ngon, không hạp khẩu vị, nên người ta mới bỏ lá cây nầy nọ vào, nhưng chỉ có lá trà là được ưa chuộng thôi.
Trà có lợi gì mà người ta ưa thích thế?
Trà làm dễ tiểu tiện. Nhờ đó mà các chất độc được bài tiết ra ngoài, còn tránh được táo bón. Muốn pha trà, nước phải được đun sôi, nhờ đó một số vi trùng và siêu vi bị tiêu diệt, như vậy có thểù sẽ ngăn ngừa được nhiều bịnh tật. Hiện nay có một môn phái sáng nào cũng uống 1 lít nước lạnh, cũng không ngoài ý đó. Riêng người Nhật, có môn phái uống trà một cách rất cầu kỳ pha lẫn triết lý nữa: Trà đạo.
Tuy thế nước trà còn có một ích lợi khác quan trọng hơn, đó là nó có thể ngăn ngừa được ung thư phổi. Các nhà nghiên cứu nghiệm thấy người Nhật hút thuốc lá như điên, mà sao họ ít bị bịnh ung thư. Sau thời gian tìm tòi họ mới khám phá ra, là trà giúp người hút thuốc lá chống lại ung thư phổi.
Mới đây bên Hong Kong, Bác sĩ Iris Benzie, Giáo sư Đại học Ða khoa, sau khi nghiên cứu các loại trà, từ trà thường cho tới linh chi, nhận thấy trà có chứa rất nhiều antioxidants hơn linh chi. Trà chứa từ 228 tới 960 mmol cho mỗi gram lá trà khô. Linh chi chỉ có chứa 128 mmol/gr mà thôi. Trà tốt hơn linh chi tuy quí giá. Chỉ có tội là nó rẻ tiền nên người ta đánh giá nó thấp:
Trà xanh chứa rất nhiều antioxidants.
Tuy vậy theo giáo sư I.Benzie, rượu chát đỏ vẫn tốt hơn trà:
- Cứ 200ml trà thì có 650-1.920mmol antioxidants.
- Còn 200ml rượu chát chứa 2.900mmol, Cabernet sauvignon lại chứa tới 5,262mmol. Như vậy rượu chát đỏ nầy là tốt hơn hết.
Nếu không tiền và không quen uống rượu, thì ta nên uống trà nhiều một chút.
Chọn trà nào mới được đây?
Người Nhật thích nhứt là trà xanh (chè xanh). Pháp thì gọi là trà xanh của Tàu (thé vert de Chine); còn Anh gọi là green tea of China. Tôi nghĩ trà xanh Việt Nam cũng thế thôi vì hiện nay người Nhật nhập cảng trà xanh của ta. Nên nhớ là trà xanh vùng Thái Nguyên không khác trà Tàu vì nó nằm kế bên dãy núi Vân Nam, tức cùng giống cây, khí hậu và độ cao.
Ðã trải qua biết bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu thiên niên kỷ, giờ đây người ta mới phát hiện được điều mà ông cha ta đã biết trước từ lâu. Ðặc biệt Mao Trạch Ðông không bao giờ đánh răng. Ông ta chỉ súc miệng bằng nước trà mỗi sáng và sau khi ăn mà thôi.
THẤT NHẬT NHẤT DÂM ÐỘ
Phần đông các sách vở đều cho là số lần làm tình trong tuần, thay đổi tùy theo tuổi tác. Thanh niên có nhiều sức lực có thể sinh hoạt nhiều lần trong ngày hay tuần.
- Cỡ trung niên 40 và 50 tuổi chừng 2 lần, một tuần.
- Lão tướng 60-70 tuổi, 1 lần, 1 tuần.
Như vậy, câu nầy có thể để áp dụng cho người lớn tuổi hơn là tuổi trẻ.
Theo thuyết vô vi của Lão Tử, mà Trang Tử, đệ tử ruột của ông ghi lại trong ‘Nam Hoa Kinh’ là muốn tu luyện, phải dưỡng sinh, dưỡng khí và dưỡng thần. Họ bảo vệ tinh khí không nên hoang phí. Tinh khí giúp ta bảo vệ sức khỏe, bảo tồn sự sống và gia tăng tuổi thọ:
‘Trích tinh như trích ngọc’
Khi nó hết thì người ta chết. Chính vì vậy, Ðạo Lão khuyên nên tiết độ trong việc giao hơïp. Các đạo sĩ luyện cách giao hơïp nhiều lần mới cho xuất tinh.
Khổng giáo cũng dùng thuật nầy gọi là bế tinh (coitus reservatus), không cho nó xuất ra mà cho nó chạy theo cột sống lên nuôi dưỡng não bộ và các tạng phủ gọi là:
‘Hoàn tinh bổ não’
Nghe nói võ khí công có thể luyện được phương thức nầy. Hư thiệt xin hỏi võ sư khí công là Bác sĩ H H L thì rõ.
Ở mọi lứa tuổi, nếu thái quá sẽ hao mòn sức lực và nghị lực, không đủ sức để làm việc và chết yểu.
Những người phóng túng thì cho là còn nhỏ, trẻ tuổi mà không ăn chơi, tới già đâu còn sức mà hưởng thụ. Nên:
“Xuân bất tái lai”,
hay
“Chơi xuân kẻo hết xuân đi,
Cái già sồng sộc nó thì theo sau”.
Hãy nhìn kỹ lại coi, các vương tôn công tử vang bóng một thời, rồi cũng tiêu tan như Hắc công tử và Bạch công tử. Cho tới giờ nầy không biết có kiện tướng nào đã thực hiện câu sau đây chưa, hay là chỉ nghe nói vậy thôi:
“Ðêm bảy ngày ba, vào ra không kể”.
hay
‘Nhứt dạ lục giao sanh ngũ tử’
Trong một đêm, ngủ với 6 bà mà 5 bà có con, thì thật không thể nào không phục được, phải không quý vị? Nhưng họa chăng có mấy bà song thai? Nghe nói vua Minh Mạng rất hào hoa phóng túng. Ông rất nổi tiếng trong việc gối chăn.
Lịch sử cũng chứng minh cụ thể, là các bậc vua chúa nào hoang dâm quá độ đều chết yểu. Việt Nam ta có một ông vua, ngày đêm chỉ lo trác táng nên mỗi khi lâm triều, đi không nổi phải nằm trên cáng. Ðó là vua Lê Long Ðỉnh. Ông được gán cho biệt hiệu là ‘vua ngọa triều’ và ông cũng chết đi rất sớm.
Bên Tàu có ông vua nổi tiếng nhứt là Tần Thủy Hoàng. Lúc mới 13 tuổi, vừa được tấn phong lên ngôi, là ông ta hoang dâm với các cung nữ… Chính vì vậy mà sau khi gồm thâu lục quốc, ông không được thọ để tận hưởng ngôi báu.
Hoang dâm quá độ sẽ làm cho chết sớm. Tiết độ là điều tốt nhứt. Không có liều thuốc nào hay bằng nó cả. Hầu hết các phương pháp trường sinh, thường khuyên điều độ sắc dục và ăn ở có vệ sinh là quan trọng nhứt.
Lịch sử cho thấy, chỉ có các ông thái giám là sống thọ nhứt. Người thái giám cuối cùng của Trung Hoa vừa mới chết năm 2000 gần 100 tuổi.
Muốn đạt được võ công thượng thặng, cũng cần hy sinh ‘của quí’ như trong:
‘Tịch tà kiếm phổ’.
Ngày nay nhờ có thuốc Viagra, Cialis, Levitra mà người ta mới biết ân ái sẽ làm mắt mờ và bị loạn sắc. Ông bà ta không có kiến thức khoa học, nhưng có nhận xét đứng đắn, nên đã biết trước từ khuya. Tục ngữ có câu:
“Sướng cu, mù mắt”
Làm tình nhiều, sức lực hao mòn, sáng ra mắt mờ. Còn các ông hào hoa phóng túng, bị bịnh lậu không trị cho dứt, ăn ở thiếu vệ sinh, lấy tay dơ bẩn dụi vào mắt, làm mắt bị nhặm,
dễ đưa tới mù mắt. Con của họ sinh ra, nếu mắt bị nhiễm trùng lúc sanh, cũng dễ bị mù lòa mới thảm thương. Chính vì vậy ngày xưa, người ta phải nhỏ thuốc vào mắt bé sơ sinh ngay sau khi lọt lòng mẹ, để ngừa bịnh nầy.
LƯƠNG Y BẤT ÐÁO GIA.
Nếu ta biết tiết chế cho điều độ trong ăn uống, cũng như trong tình dục, thì ít khi mắc phải bịnh tật. Sức khỏe dồi dào thì bịnh tật khó xâm nhập. Ðã không bịnh tật, thì đâu cần bác sĩ tới nhà để xem mạch và trị bịnh.
Nói thì dễ, chứ còn thực hiện thì thật là khó. Mèo thấy mỡ mà không ăn thì không được, phải không quý vị?
Chỉ có mấy người già yếu, bịnh tật hay liệt dương mới chê thôi. Còn thì dù sang hay hèn, ý thức duy trì nòi giống trong niềm vui chăn gối, nếu lạm dụng, không tránh nổi thì mại vô.
Câu nầy phải sửa lại:
“Nhất nhật dâm nhứt độ,
Lương y tất đáo gia”.
Nếu không chừa, bớt không nổi tất nhiên sẽ hao mòn sức lực, tất nhiên dễ mắc bịnh tật, thì không sớm thì chầy có ngày chết yểu vậy.
Mọi việc đều phải cho có chừng mực. Muốn sống thọ và khỏe mạnh thì nên ăn ít lại, đừng để tới no hay quá no. Chỉ có ý chí mới giúp ta kiên trì, gìn giữ tiết dục và ăn uống điều độ để sống khỏe sống thọ.