THẦY TÔI – THI SĨ TẠ KÝ
Phan Văn Thạnh
Khoảng tháng 7 năm 1979, dịp công tác HĐ chấm tuyển sinh TH Sư Phạm TP.HCM – được phân cặp chấm với thầy Nguyễn Văn Hiệp (gv Pétrus Ký – Lê Hồng Phong), tôi có dịp hỏi thăm về thầy Tạ Ký. Thầy Hiệp cho biết : trong lần về miền Tây thăm bà con thầy mất vì bệnh ở trại tạm giam (Chợ Mới-An Giang). Đầu óc lùng bùng, tôi sững sờ như hiểu ra điều gì. Thời điểm những năm đầu sau 75 vô cùng khó khăn, người đi, kẻ ở, người còn, kẻ mất, đau thương buồn chán rã rời. Bi kich lịch sử, số phận dân tộc đến lúc đó thực sự ngấm thuốc – người sống như tê liệt thần kinh không còn thiết tha gì nữa!
Lần về quá khứ xa lắc xa lơ, nhớ lại nhiều buổi sáng từ trên hành lang dãy lầu lớp Đệ Nhị A1 nhìn xuống khuôn viên trường rộng rợp cây xanh, bốn ô cỏ chia lối dọc ngang – giữa sân là bệ tượng danh nhân Petrus-Trương Vĩnh Ký, tôi không sao quên cái dáng ngất ngưởng liêu xiêu, tay xách cặp táp, pipe ngậm trên môi – trông rất phóng cuồng lãng tử đi về phía cuộc đời có thật để “rao giảng văn chương” cho trần thế của thầy tôi – thi sĩ Tạ Ký!
Giờ học với thầy đôi lúc như cái seminar “bỏ túi” tranh luận các vấn đề văn học, thời sự xã hội. Không hiểu sao bọn trẻ chúng tôi ngày ấy sớm suy tư trăn trở. Tôi còn nhớ khi học đến tác giả Nguyễn Khuyến, tìm hiểu lai lịch hành trạng cụ Nghè Yên Đỗ – từ quan về ở ẩn trước cảnh quốc phá gia vong, bọn tôi hăng máu bình bàn – có ý kiến chia sẻ cảm thông với tâm trạng “nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc…” của cụ nghè nhưng cũng có ý kiến phê phán cho rằng thái độ cáo quan của bậc đại trí thức khoa bảng, là quay lưng, chối bỏ trách nhiêm với đất nước. – (Đề vào mấy chữ trong bia/Rằng: “Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”- Di Chúc). Chắc có lẽ thầy thấy bọn học trò nó nói không sai – trong thầy dường như có tiếng thở dài – tình huống đất nước quá phức tạp dẫn đến nhiều thái độ chính trị phức tạp cứ đè trượt lên nhau …
Ngày ấy học thầy nhưng bọn chúng tôi hoàn toàn không hay biết mình đang thọ giáo một thi sĩ tài hoa. Cả lớp thỉnh thoảng được nghe thơ Tạ Ký – “Cái tôi cảm xúc” trong thơ thầy là nỗi buồn mênh mang – đám đầu xanh chúng tôi làm sao cảm-thấm hết tâm trạng nhà thơ ?
Đặt trong mạch cảm xúc thi ca thời đại, hình tượng nỗi buồn như một thứ tâm bệnh thấm sâu vào cảm quan nghệ thuật, tràn ngập thi đàn đương thời (nửa đầu thế kỷ XX): Lưu Trọng Lư như “con nai vàng ngơ ngác” (Tiếng Thu); Xuân Diệu rơi vào trạng thái “Con cò trên ruộng cánh phân vân” (Thơ Duyên); Huy Cận sầu mênh mang “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp”(Tràng Giang); Vũ Hoàng Chương than oán: “Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa/Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh/Bể vô tận sá gì phương hướng nữa/Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh ///Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ/Một đôi người u uất nỗi chơ vơ/Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị/Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ.” (Phương Xa – Thơ Say – 1940)…
Thơ Tạ Ký cũng không ngoại lệ – thi sĩ tin rồi vỡ mộng – uất hận vạch trời kêu :
… “Thuở xưa kia mười tám, hai mươi
Có chàng trai cười vẫn nở trên môi
Tin tưởng lắm chuyện trên trời dưới đất
Nhân Ái, Công Bình, Yêu Đương, Bất Khuất
Viết chữ hoa trong óc trẻ mười lăm!
Khi ba mươi biết được chuyện xưa lầm
Thì đau khổ đã hằn trên trán nhỏ
Thì uất hận vạch trời nhưng chẳng tỏ
Rồi cô đơn như một trẻ chăn cừu
Trên đồi cao nhìn tinh tú luân lưu
Tôi hốt hoảng như một người phạm tội
Tôi muốn chạy nhưng mà đường nghẽn lối
Chúa thì xa Phật cao vút từng không
Phật tại tâm nhưng tâm đã bềnh bồng
Tiếng chuông Chúa không ru hồn kẻ khổ
(Một chiếc linh hồn mang mang thiên cổ)
(Thêm buồn)
Bài Anh cho em mùa xuân là nỗi hoài nghi đau đắng ,thất vọng – “Hút thuốc trong bóng tối /Khói có bay lên không ?”.
Mỗi đêm một gói thuốc
Hút nhiều nứt cả môi
Nỗi buồn không nói được
Nỗi buồn ăn vào tôi
Trời mùa đông rừng núi
Đời mùa đông vô cùng !
Bánh xe nào tung bụi
Nhịp chim nào đã ngưng
“Anh cho em mùa xuân”
Giọng ca buồn quá sức !
Cô gái đầu cúi gục:
-Anh cho em mùa xuân
Mớ tóc xanh đã bạc
Mớ môi hồng đã phai
Anh cho em gió lạ
Anh cho em mưa dài !
Trời mùa đông rừng núi
Đời mùa Đông vô cùng
Hút thuốc trong bóng tối
Khói có bay lên không ?
(Tặng Phạm Công Thiện)
Qua internet tình cờ được đọc bài “Tạ Ký, Thể Phách và Tinh Anh” của Phạm Phú Minh, tôi được biết rõ thêm cuộc đời và số phận đã khiến thầy Tạ Ký rời khỏi trần gian mà chất ngất sầu buồn ở lại !
Thầy sinh năm 1928, làng Trung Phước, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam – là một nhà thơ sáng tác rất sớm – giữa thập niên 50 thơ Tạ Ký được nhiều người biết đến khi xuất hiện trên báo chí Saigon (các tờ Đời Mới, Văn Nghệ Tiền Phong…). Năm 1952 rời vùng kháng chiến “nhảy đồn” về thành – học nốt những năm cuối bậc trung học trường Khải Định- Huế. Năm 1956 đậu Tú Tài vào Saigòn theo học Văn Khoa và Luật – dạy văn chương tại trường Pétrus Ký – bị động viên vào khóa 14 sinh viên sĩ quan trừ bị Thủ Đức – vẫn tiếp tục làm thơ, cuối thập niên 60 in tập Sầu Ở Lại, được trao giải TT.VNCH đầu thập niên 70.
Sau 1975 đi cải tạo (hai năm) diện biệt phái ngành giáo dục – khi về vẫn được dạy lại. Năm 1978 thầy thôi việc. Tìm cách ra đi, về Chợ Mới tá túc nhà bạn đồng hương (anh Cả Triêm) – ngày 25/12/1978 bị bắt về tội cư trú bất hợp pháp – vào trại khai tên khác, bị nghi ngờ và giữ lâu trong trại – Do bệnh xơ gan cổ chướng tái phát nặng, mất lúc 13 giờ, thứ Hai,19/3/1979 (nhằm ngày 22/2 Kỷ Mùi) tại bệnh xá huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Hơn hai mươi năm sau – dịp Thanh Minh Tân Tỵ (ngày 5/4/2001), hài cốt thầy Tạ Ký được mang về cải táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức, cạnh mộ thi sĩ Bùi Giáng.

– Phạm Phú Minh đại diện “trần gian” nói lời cuối cho vẹn ân tình: “Linh hồn anh từ lâu chắc đã tìm thấy sự yên ổn, sau khi thoát cuộc đời với nhiều bệnh hoạn, sầu muộn, sợ hãi. Và chúng ta, sau khi đã tìm lại được anh, đặt anh lại vào một chỗ tương xứng trong cuộc đời cũng như trong lòng người, chúng ta cũng thấy yên ổn. Bậc tài hoa thường cho đời nhiều hơn là nhận lãnh về phần mình, vậy đời, về phía mình, cũng phải biết trân trọng phần thể phách lẫn phần tinh anh của bậc tài hoa”.
Tạ Ký – một tiếng thơ buồn thủng thấu trời xanh!
Riêng tôi kính nhớ thầy – xin thắp muộn nén hương lòng.
Phan Văn Thạnh
(Saigon, 02/9/2013- viết lại 2018)