Tết Ta và Tiết Nguyên Đán

Nguyễn Văn Ưu

1. Ở Cữ và Nàm Bếp

Vào thời xa xưa, tại nhiều nước ở Đông Á, người đàn bà sinh con xong thường phải trải qua một thời gian gọi là ở cữ, kéo dài có khi đến cả tháng, với mục đích chính là giúp phục hồi sức khoẻ. Ở Cữ tại những xứ lạnh, ngày xưa thường đi kèm với một lò bếp than để cạnh giường cho ra hơi ấm.

Dưới đề ngữ chữ B, tự điển Alexandre de Rhodes [1] có ghi hai chữ bếp nàm bếp, bếp mang hai nghĩa chính, bếp nấu ăn (cozinha, Bồ), và sinh đẻ (parida, Bồ). Còn hai chữ bếp nàm bếp được ghi chung tiếng Bồ là parida, mang nghĩa sinh sản, được chuyển ngữ sang tiếng Việt [1] là đẻ, ở cữ, sinh nở. Khoảng gần 2 thế kỉ sau tự điển Alexandre de Rhodes, chữ nàm bếp được Taberd [2] ghi lại là nằm bếp ứng với chữ puerpera tiếng Latin, có nghĩa sau khi sinh hay 産後 [chanhou] sản hậu, hoặc after childbirth (xem Google Translate). Tự vị Huình Tịnh Của [3] ghi nằm bếp nằm lửa, nằm xó, với có vẻ như thuần Nôm, nhưng mang âm rất gần với [cu] tiếng Hẹ và Nam Quảng Đông, ứng với chữ trù 廚 [chu] mang nghĩa bếp, nhà bếp. Và chữ cữ trong ở cữ rất có khả năng ứng với chữ cử (dấu hỏi) ứng với 舉 [ju], mang rất nhiều nghĩa, trong đó có sinh đẻ, nuôi dưỡng [4]. Cữ mang dấu ngã, trong ở cữ, ứng với kiêng cữ, và học thuật trước thế kỉ 21, rất có khả năng, hạn chế ở chỗ cho biết là kiêng cữ là từ thuần Nôm, không có tương ứng trong các tiếng khác.

Thế nhưng, tự vị Huình Tịnh Của [3] ghi một nghĩa của cữ kiêng nhịn, và như vậy cữ sẽ ứng với 拘 [ju] mang âm [cù] [cử] gần một số tiếng phía Bắc, như [koe][kư] Thượng Hải, [kü] Nam Quảng Đông [5], và mang nghĩa hạn chế, theo sát một qui chế, trong khi kiêng trong kiêng cữ, sẽ ứng với 减 [jiǎn], có thể đọc như [kiêng] theo quốc ngữ, mang nghĩa giảm bớt, ứng với cặp âm tương ứng [jiàn] và [kiện] cho chữ 健 [kien] âm Hakka. Và như vậy, nghĩa đơn sơ của kiêng cữ sẽ là giảm bớt, hạn chế.

Trở lại chữ 2 âm nàm bếp [1] mang nghĩa giống như ở cữ. Trước hết chữ nàm có âm rất gần [nam] (south) và kí âm theo kiểu tiếng Quảng Đông dùng Hán tự là 𥈶 [nam], viết bằng chữ 目[mu] (mắt) kẹp với 南 [nam] cho âm, mang nghĩa ngủ say, như ghi trong tự điển tiếng Quảng Đông [6]. Âm [nam] (𥈶) hay [nàm] nầy ứng với ນອນ [nɔ́ːn] tiếng Lào, hoặc [nɔn] tiếng Shan, mang hai nghĩa nằm ngủ [7]. Tin liệu ở thế kỉ 21 còn cho biết là ngày xưa, khi ngủ tuyệt đối không quay đầu về hướng Bắc (xem Google), và như vậy, chữ nàm (𥈶) (nằm ngủ), viết với 南 [nam], hướng Nam, rất có khả năng mang ngữ âm và ngữ nghĩa của [nam], hướng Nam, với ý nghĩa, khi nằm ngủ, nên quay đầu về hướng Nam. Còn biến đổi từ nàm ra nằm, có khả năng là biến đổi của thiết kế Taberd, xem từ vựng thông thường mang tính trơ, tương phản với hữu cơ, hữu cơ mang liên hệ mật thiết đến sinh tồn và sự sống. Giống như chữ dù / ô mang tính trơ, trong khi vũ tản, 雨傘 [yu san], hay vũ già/vũ che 雨遮 [yu zhe]. mang tính hữu cơ, có nghĩa thẳng là đồ che mưa. Giống như chữ lơ xe, xuất từ contrôleur (người soát vé) tiếng Pháp, với chữ mang tính trơ. Nhưng cũng cần để ý chữ quốc ngữ mang tính song thể (A là B) cũng như độc thể (A là A), trong khi chữ Nôm vẫn có thể xem như mang nhiều tính trơ, và còn rất nặng tính phi song thể (non-dualism). Phi song thể (non-dualism) của chữ Nôm và tiếng Nôm, ở đây xin hiểu đơn giản là một từ có nhiều cách viết, nhiều ngữ âm khác nhau, và có thể mang nhiều ngữ nghĩa, có khi khác nhau, nhưng thường nằm trong một ví phỏng trường. Thí dụ về ví phỏng trường là chữ wǽt tiếng Anh cổ, tức wet ngày nay, ứng với tiếng Việt UỚT (tức wớt) [1], và ướt [2][3], có âm gần với wæter (nước) [8], tức water; hoặc nằm mơ với nói mớ, hay nàm có nghĩa là nằm ngủ, hoặc bánh tráng trang giấy1, hay miệng nước miếng (ăn khớp với tɨk moat (nước miếng) tiếng Khmer [7], với tɨk=nước, moat=miệng).

Chữ bếp trong nàm bếp [1] mới thật li kì, bởi tính độc thể của quốc ngữ, các sách vở và tự điển tiếng Việt ngày nay chỉ còn giữ một nghĩa duy nhất của bếp nhà bếp (kitchen), chứ không phải hai nghĩa khác nhau (nhà bếp nàm bếp) như trong tự điển xuất bản năm 1651 [1]. Nghĩa sinh đẻ, nhất là sau khi sinh đẻ, của bếp chỉ có thể tìm lại trong thế kỉ 21, bằng cách phối hợp các tự điển trực tuyến tìm thấy trên mạng với tự điển Alexandre de Rhodes biên soạn cách đây gần 400 năm, trong khi tạm gác lại các định luật về ngôn ngữ nhất là lối phân biệt Hán Việt và Thuần Nôm. Đặc tính chính của chữ quốc ngữ và chữ Nôm, với lí do chính là thiếu thốn phương tiện nghiên cứu trong nhiều năm trước, là tính trơ của từ vựng, thường kéo theo liên hệ độc thể (monism) hay song thể (dualism) giữa ngữ từ, ngữ âm, và ngữ nghĩa. Tính độc thể nầy, theo thiển ý, rất phù hợp với các nguyên lí và định luật, nhấn mạnh về phát âm dựa sát theo phép ráp chữ (orthography), và rất có khả năng, đơn giản hóa vấn đề ngôn ngữ, nhất là trong việc nghiên cứu. Tình trạng nầy có vẻ rất tốt cho việc phát triển tự nhiên cho ngôn ngữ theo chiều hướng dân tộc, nhưng rất khó dựa vào để nghiên cứu tiếng Việt thời xưa, nhất là trước khi có quốc ngữ, hoặc nguồn gốc của ngôn ngữ nói chung. Bởi thực tế tiếng Việt thời xưa là thực trạng của phi song thể (non-dualism), bắt nguồn từ chuyện số người biết chữ viết (Nôm hay Hán) quá ít, cũng như có khả năng có nhiều cách viết chữ Nôm cho cùng một ngữ từ, cũng như nhiều cách phát âm khác nhau cho một ngữ từ, mà ngày trước, qua nhiều thiên niên kỉ, hoàn toàn không có máy ghi âm. Thực trạng về ngôn ngữ nầy ngày nay vẫn có thể kiểm chứng dễ dàng bằng cách so sánh phát âm của cùng một từ giữa những thứ tiếng gắn liền với chính quyền hoặc sách vở, báo chí, hay truyền thanh, truyền hình, với những thứ tiếng không có dính dáng đến chính quyền, hoặc các cơ quan truyền thông. Thí dụ như so sánh giữa tiếng Hẹ và tiếng Quảng Đông [5], hay giữa các tiếng như Mon hay Bahnar hoặc Palaung, với tiếng Khmer [7]. Điểm quan trọng có thể rút tỉa từ thực trạng nầy là rất khó truy tầm từ nguyên của một từ như nàm bếp khi dựa vào sách vở của ngữ học hay Hán Nôm học, một khi không biết liên hệ chính xác của ngữ âm và ngữ từ, viết theo chữ Nôm hoặc quốc ngữ. Như vậy, cũng có thể nói là liên hệ ngữ âm / ngữ từ / ngữ nghĩa, dựa vào chữ Nôm hay quốc ngữ, theo sách vở, là một cấu trúc đơn giản chỉ thích hợp cho tiếng Việt từ cuối thế kỉ 20, khi đã bắt đầu mang tính qui ước, chứ trước đó, muốn tìm hiểu ngữ từ tiếng Việt, có lẽ bắt buộc phải dựa vào những cấu trúc khác.

Một cấu trúc xin được nhắc lại là cấu trúc dù / ô. Cấu trúc này, còn gọi là cấu trúc ăn khớp, thật ra khác với lối truy tầm từ nguyên từ thống kê hay từ phiên thiết, hoặc theo thuyết cấu trúc (structuralism). Lối tìm phát âm bằng phiên thiết (反切 [fǎn qiè]), sẽ được trình bày phía sau. Còn structuralism (thuyết cấu trúc), có vẻ như kiểu tìm ra kiến thức mới dựa vào kiến thức có từ trước của một cấu trúc chạy song song với cấu trúc ngôn ngữ đang được tìm hiểu. Thí dụ cấu trúc một dân tộc một ngôn ngữ là cấu trúc ngoại suy của cấu trúc một bộ lạc một thứ tiếng, theo một quan sát thường có xưa nay. Thí dụ khác, khi muốn tìm cách phát âm của một từ tiếng Hoa ở thời nhà Đường, cách phát âm sẽ được lồng vào cấu trúc ngôn ngữ, và cấu trúc ngôn ngữ sẽ được “suy đoán” từ cấu trúc lịch sử thời đó. Như vậy phát âm một từ ở thời nhà Đường được cho là từ bên Trung Hoa đem sang nước Nam và giữ y như vậy, cho mãi về sau nầy khi từ đó đổi sang một phát âm khác ở Trung Hoa, thì phát âm cũ vẫn còn nằm ở nước Nam, dưới dạng là phát âm Hán Việt. Trong khi ở nước Trung phát âm ở thời nhà Đường có thể thay đổi, về sau. Thí dụ như chữ nguyệt (月) mang nghĩa mặt trăng. Thuyết cấu trúc (structuralism), ít ra dùng trong kiểm chứng, có thể cho rằng phát âm [yuè] (月) thời nhà Đường (618-907), đại khái gọi Middle Chinese (Trung Cổ nước Hoa) (xem Wikipedia), có thể là [nguyệt] hay [ŋjwet] theo phiên âm quốc tế IPA (xem [10]), được chuyển sang nước Nam, rồi giữ nguyên như vậy, trong khi phía Bắc nước Trung về sau chuyển thành âm [yuè] (月). Cấu trúc nầy dựa vào rất nhiều giả định, và lướt qua phát âm nhiều thứ tiếng ở nước Trung ngày nay, rất gần âm Nôm hoặc âm Hán Việt. Như âm [nguyệt] (月) rất gần với âm [ngiet] tiếng Hẹ, [nguat] tiếng Mân Nam, [ghuêh] tiếng Triều Châu, và [jyut] tiếng Quảng Đông, ngày nay. Thí dụ nữa, âm [er] 二, mang nghĩa hai (2) được cho là phát âm như [nji] (phiên âm quốc tế giống [nhị]) ở thời nhà Đường [12], đem sang nước Nam và giữ nguyên là nhị (二) cho tới ngày nay, trong khi âm Trung (quan thoại) biến thành [er]. Với kiến thức khá đầy đủ trong thế kỉ 21, có thể thấy âm [nyi] hay [nhị] còn có trong tiếng Sulung ở Ấn Độ mang nghĩa số 2 [11], trong khi âm [er] (2) có âm gần với [a:r[ tiếng Bantu (Phi Châu) [11] hay [aar] tiếng Khasi hoặc [ə̄r] hay [ar] tiếng Palaung [7].

Nói về âm Hán Việt hay Nôm gần với âm tương ứng các thứ phương ngữ ngày nay, có thể xem chữ lấy trong lấy vợ có âm ứng với [lei] (缡) tiếng Quảng Đông, với âm Hán Việt [lí] rất gần âm [li] của rất nhiều tiếng, kể cả tiếng phổ thông. Hoặc chữ đẻ đản (誕) có âm [đẻ] giống âm [deh] Hải Nam, [te] tiếng Thượng Hải, [dɛh] tiếng Bahnar, và [đản] giống [dan] tiếng Hakka, Phổ Thông, [daan] tiếng Quảng Đông, [dang] tiếng Nam Kinh, ngày nay, tất cả viết bằng Hán tự là 誕 [dan]. Hoặc chữ kiếm (劍) gần âm Triều Châu [giem] hay Hakka [giam], trong khi gươm gần âm Mân Nam [giam]. Cũng như chưng trong bánh chưng có âm gần với [zung] 粽 (nghĩa: bánh gạo nếp có nhân), trong các tiếng như Hẹ, Triều Châu, Quảng Đông, với âm Hán Việt [tống] gần với âm [tson] tiếng Ngô Việt [4][5][6]. Có thể bánh chưng không liên hệ đến văn hóa phồn thực như bánh tét, tức được phát minh không cùng thời hay cùng chỗ với bánh tét (xem phía sau), nhưng bánh chưng vẫn có thể mang biểu tượng của đất, mặt đất, bằng dáng hình vuông. Âm [chưng] gần với âm [zhĕn] (轸), mang nghĩa vuông, và cũng gần âm [chén] 尘, mang nghĩa đất. Nghĩa nôm của bánh chưng dính đến cách nấu (hoặc hấp) trong nước sôi trong một thời gian thật dài, chưng, tương đương với Hán tự 蒸 [zhēnɡ], mang nhiều phát âm giống như [chưng] trong các phương ngữ tiếng Trung.

Bánh Zongzi (粽子) ở Trung Quốc và bánh Bah-Chang (肉粽) ở Mã-Lai và In-đô-nê-xia (bánh nếp nhân thịt) đều làm bằng nếp và có âm giống như [chưng] trong bánh chưng. Nhưng cần để ý, bánh zongzi của Trung Hoa thường làm trong dịp tiết Đoan Ngọ (端午) mồng 5 tháng 5 Âm Lịch, cũng là lễ hội đua thuyền tưởng niệm công thần Khuất Nguyên (屈原) nước Sở thời Chiến Quốc.

Thí dụ nữa là chữ canh, mang nghĩa canh, món nước ăn với cơm, hoặc canh trong bánh canh, hay canh trong canh một, canh hai, canh ba, canh trong 10 Thiên Can (Giáp Ất Bính Đinh Mậu Kỷ Canh Tân Nhâm Quí), v.v.. So với chữ Hán, canh (súp) có thể đọc là [gang] (羹) tiếng Hẹ, rất giống từ 梗, cũng phát âm [gang], mà ở đây xem như tương đương với phát âm quốc ngữ canh, giống âm [canh] trong bánh canh. Cả hai từ 羹 và 梗 mang phát âm [geng] và [ɡěnɡ], theo thứ tự, trong tiếng phổ thông, nhưng cùng một âm [kan] trong tiếng Thượng Hải. Bánh canh cũng có thể có giải thích là bánh làm bằng bột gạo ăn với nước canh. Kiểu giải thích nầy đưa từ canh (súp) thành từ chính yếu trong bánh canh, bánh với canh (羹), bánh với nước súp trong. Chữ canh nếu xem như viết bằng từ 梗 [ɡěnɡ], sẽ mang nghĩa cọng, hay sợi to, rất giống như sợi mỳ (hay bún) udon (Nhật). Âm [don] trong udon (うどん/ 饂飩) chính là đồn 飩 trong hồn đồn 餛飩, tức wonton, hoành thánh. (Để ý chữ 餛飩 [hun tun] nầy có vẻ là kí âm dùng Hán tự cho ngữ từ / ngữ âm địa phương, dùng để chỉ món vằn thắn.) Phát âm Hán Việt của canh trong bánh canh ngạnh khá tối nghĩa, và xa lìa với âm bình dân canh trong bánh canh, tức bánh gạo sợi to, bánh cọng gạo, bánh cọng, …bánh canh. Âm tiếng Thái mang nghĩa cọng / que là [gaan] rất gần với âm [canh] trong bánh canh. Nếu xem âm của từ canh cành, khác nhau bằng thinh (tone), thinh ngang và thinh huyền, có thể thấy kích cỡ bình quân của cành cây hay nhánh cây cọng bánh canh gần bằng với nhau. Canh trong bánh canh mang nghĩa gốc rất gần với cành hay cọng. Và bánh canh mang nghĩa là bánh cọng gạo, bánh cọng hay bánh canh.

Cấu trúc dù / ô hay ăn khớp, không thông qua phiên thiết hay thuyết cấu trúc (structuralism), mà là cấu trúc bắt nguồn từ tìm thấy sự trùng hợp giữa âm [dù] và âm [ô], với hai âm [yu] và [hO] hay [ou], trong ngữ âm chỉ cây dù / cái ô là [yu san] (Phổ Thông) và [hO san] [ou san] (Phúc Kiến/ Triều Châu), cùng viết 雨傘 [vũ tản]. Cấu trúc dù / ô (thay cho vũ tản) rất giống tên gọi tắt tiếng Pháp télé thay cho TV, thay cho television (Tivi). Cấu trúc dù / ô cũng đã được dùng để tìm từ nguyên của biển bể, hoặc của chồng, chàng, hay dượng. Theo cấu trúc nầy, có thể thấy chữ biển hay bể rất có khả năng là từ thu gọn của chữ 海边 [hai bian] hoặc 水边 [shui bian], có ngữ âm [bian] tương ứng với [biển], hay theo tiếng Quảng Đông 海皮 [hoi pei], với âm [pei] gần bể, tất cả mang nghĩa bờ biển, vùng biển, vùng đất ven biển, vùng biển ven đất, với chữ 边 [bian] (biên) có phát âm tiếng Hẹ rất gần [biển], và âm Ngô Việt2 giống như [bể]. Âm [bể], thay cho [biển], cũng rất gần 皮 [pei], trong海皮 [hoi pei] tiếng Quảng Đông (bờ bể, ven bể), ứng với [pe] tiếng Phúc Kiến, pế tiếng Mường (rêu pế= rêu bể/ rêu biển), và [bỉ] tiếng Ngô Việt. Nhớ là thiết kế Taberd hoàn toàn không cho phép ráp vần âm đầu [p] theo sau bằng nguyên âm, như [pể]. Tức phụ âm môi-môi đi trước nguyên âm, phải là [b] (bể) hoặc [ph] (phê). Thí dụ nữa là chữ đậu phộng tức lạc hay đỗ lạc, ngày nay có thể truy ra lạc=phộng=bổn, bằng ý nghĩa noumenon phối hợp với hiểu biết về dụng ý của thiết kế Taberd, không cho phép ráp vần chữ [p] theo sau bằng nguyên âm. Nghĩa bản thể (noumenon) của đậu phộng cho biết đó là một thứ đỗ / đậu dính chùm với rễ cây. Chữ rễ trong tiếng Thai là [raak], với âm đầu có thể biến chuyển qua lại giữa [r] và [l], cả hai đều là âm nứu (alveolar), thành ra [lạc] (thứ đậu mọc ở rễ). Lạc=rễ có thể kiểm chứng qua chữ phộng, đậu phộng, bởi phộng là kí âm theo thiết kế Taberd bắt buộc âm đầu [p] đổi thành [p] hơi thở, tức [ph], như phải trái (Mường: phái tlải), hoặc đổi ra [b]: bưng bít (Mường: pâng pít). Chữ rễ ứng với chữ 本 [běn], tức bổn, bản, vốn, có hai nghĩa chính, gốc rễ, và có nhiều phát âm khác nhau tại những thứ tiếng địa phương, như [ben], [beng], [bung], [bun], [pen], [pon], và ngữ âm như [pen] hay [pon], hoặc [pong], kí âm theo thiết kế quốc ngữ Taberd sẽ, rất có khả năng, trở thành phộng, mang ngữ nghĩa là rễ, giống như lạc, đậu phộng, do đó, có thể gọi là lạc.

Xin nhấn mạnh một lần nữa là cấu trúc ăn khớp nầy đòi hỏi phải có ít nhất hai âm tương ứng, như ô, biển bể, phộng lạc. Thí dụ về cấu trúc dù / ô, tức ăn khớp, xuyên qua trên 2 ngữ âm, còn có thể kể chữ Dượng (chồng của Cô). Chồng của Cô (Dượng) ứng với 姑父 [gu fu] hay 姑丈 [gu zhang], hay cô phu hoặc cô trượng, trong đó [zhang] đọc tiếng Việt là trượng ứng với [ziang] Triều Châu, [zhang] phổ thông, ứng với [chàng] tiếng Việt, với [chong] tiếng Hẹ (chồng), và ứng với [zoeng] Quảng Đông (dượng), hoặc [jan][dzan] Ngô Việt (tức dôn (chồng) tiếng Huế). Tất cả những âm Hán Việt hay thuần Nôm trong chữ 丈 [dượng] nầy đều có thể tìm thấy trong các thứ tiếng trong cùng khu vực. Tức ranh giới giữa Hán Việt và Thuần Nôm, trở nên hết sức mơ hồ, theo những tin liệu tìm thấy dễ dàng ở thời internet. Đặc biệt là liên hệ ngữ âm kiểu nầy là tương âm giữa những thứ tiếng trong khu vực, ngày nay, chứ không phải liên hệ kiểu từ vay mượn của ngữ học, hay khẳng ngôn thường thấy cho rằng âm Hán Việt là do tiền nhân sáng tác cho hợp khẩu vị tiếng nước Nam, theo Hán Nôm học, không dính dáng gì đến các thứ phát âm của từ vựng của những thứ tiếng địa phương ở phía Bắc.

Thật sự, dưới một góc nhìn từ bên ngoài mô pháp (paradigm) của khoa học,, rất khó nói những từ như dù, ô, chồng, dôn, dượng, biển, bể, gươm, v.v., là những “từ vay mượn” của tiếng Việt từ tiếng Trung. Với rất nhiều lí do, trong đó quan trọng nhất là cấu trúc của tạo chữ, hoàn toàn là cấu trúc của người nói tiếng Việt vào thời xưa, hiện đại hóa từ thế kỉ 19 bằng phép ráp chữ của quốc ngữ, với những phát âm khác nhau (như dù, ô, vũ), rất giống từ télé tiếng Pháp dùng để gọi tắt television (Tivi). Những ngữ âm Việt nầy gần với âm các phương ngữ bên Trung Hoa, ngày nay. Thứ hai, bên cho vay và bên đi mượn, nếu có, chỉ được định nghĩa chiếu theo ranh giới địa lí ngày nay, chứ vào lúc biến chuyển xảy ra từ chữ như trượng sang chồng, vũ tản thành dù / ô, hoàn toàn không có chứng cớ rằng lúc đó là lúc nào, và phát âm theo tuồng chữ quốc ngữ (chồng, dù, ô) là phát âm của tiếng Hẹ hay tiếng Quảng, hoặc tiếng Mân hay Tiều, ứng với phát âm [zhang] hoặc [yu] (trong [yu san] 雨傘) của âm Bắc Kinh, trước hoặc sau khi hội nhập sang tiếng Việt, hoặc ngay cả, từ âm Việt cổ nào đó hội nhập vào các tiếng ở phía nam Trung Hoa. Tức trên căn bản chứng cớ, chỉ có chứng cớ là âm [chong] Hẹ, âm [chồng] hoặc [chàng] tiếng Việt (ngày nay), ứng với âm [zhang] tiếng phổ thông, viết bằng chữ 丈 [zoeng] [diong], với âm [zoeng] là âm tiếng Quảng Đông, [diong] là âm Phúc Kiến, giống âm [trượng] và [dượng] tiếng Việt, và đa phần những người xử dụng các ngữ âm nầy, rất có khả năng, không biết chữ viết của chúng là 丈 [zhang], giống như không biết chữ dù / ô có chữ viết là 雨 [yu] trong 雨傘 [yu san] (dù / ô), với âm [vũ] (雨) mang nghĩa mưa, giống âm [u] hay [wu] của phương ngữ tiếng Triều Châu. (Những mối liên hệ ngữ âm nầy chỉ có thể tìm ra sau khi có những tự điển trực tuyến trên mạng). Thứ ba, chuyện từ vay mượn là một hệ luận của “nguyên lí” cơ bản về một dân tộc một ngôn ngữ, đi song song với mô hình Cây và Cành [16]. Tự nó, hệ luận nầy không phải là một công thức truy bằng lô-gich vững chắc hay dữ liệu của thực nghiệm. Hệ luận nầy luôn luôn phải phối hợp với thuyết cấu trúc (structuralism) cho là có một hiện thể lịch sử cho hai dân tộc nói hai thứ tiếng khác nhau, giao tác với nhau, thí dụ như chuyện dân tộc nầy kéo quân sang đô hộ lãnh thổ của những nhóm dân khác, kéo theo truyền bá về ngôn ngữ. Hệ luận nầy có vẻ không để ý đến khác nhau giữa từ vựng cơ bản có sẵn ở bên thu nhập (như trời, trăng, ngày, đêm, tay, chân, ông bà, cha mẹ), và từ vựng từ bên truyền chuyển, liên quan đến sản phẩm mới (như dù / ô, phanh, củ dìa, ga), hoặc ý niệm về cơ cấu quan quyền. Hệ luận có vẻ đã lướt qua lối ráp vần của Taberd đã xóa bỏ rất nhiều phụ âm kép, thí dụ như [bl] [tl] và thay thế bằng [tr], như blăng / tlăng biến đổi thành trăng. Và hệ luận nầy cũng bỏ sót giao tác ngôn ngữ theo kiểu Pidgin Creole (hỗn ngữ và nhập ngữ), nói đơn giản là từ vựng ban đầu chuyển từ tiếng nầy sang tiếng kia qua dã ngữ của tiếng nói (vernacular) trong trao đổi hàng hóa, và nhu cầu của đời sống, rồi sau một hai thế hệ, hoàn toàn nhập vào tiếng bản địa (xem [21]) như kiểu dù / ô đã nhập luôn vào tiếng Việt, từ ngữ âm ban đầu là [yu san] 雨傘. Như vậy, công thức hay định luật về từ vay mượn vẫn không chứa đựng một cấu trúc khoa học vững chắc, để có thể suy đoán rộng rãi là khi hai từ có phát âm gần giống nhau mang cùng một ngữ nghĩa, thì từ nầy chắc là từ vay mượn của từ kia. Và cho dù, phối hợp giữa cấu trúc (structuralism) với hệ luận từ vay mượn, là một kết luận khoa học vững chắc, phối hợp nầy vẫn không thể trở thành một công thức như kiểu toán học, cứ đưa vào hai từ vựng của hai tiếng khác nhau, rồi sẽ cho ra ngay, kết quả từ nầy là từ vay mượn của tiếng kia, tức đó không phải là liên hệ giữa nguyên nhân hậu quả, trong cách áp dụng. Nói một cách khác, khi nói từ A2 là từ vay mượn từ A1, thì khẳng ngôn nầy giống với biến chuyển nhảy vọt từ một giả thuyết (lexical borrowing hypothesis) sang thành định luật hay áp dụng của một định luật. Nói một cách khác nữa, công thức đưa đến kết quả từ vay mượn xem ra rất đơn giản, nhập giả thuyết ứng dụng lại làm một, hay ít ra thuộc kiểu 1-chiều, so với lối phân tích đa chiều dính liền với tính hữu cơ của ngôn ngữ, mà kết quả thường là giao điểm, hay ăn khớp, của nhiều chiều hướng phân tích khác nhau, như trong những thí dụ trình bày ở đây. Kiểu phân tích hữu cơ đồng thuận nhiều hơn với mô hình Cây và Đất [16], để ý đến đóng góp từng phần, từ những tiếng láng giềng, bản địa, hoặc ngay cả xa xa.

Trở lại việc tìm mối liên hệ giữa bếp mang nghĩa bếp nấu ăn, bếp mang nghĩa chung trong nàm bếp chỉ thời gian ở cữ sau khi sinh sản. Trước hết dùng lí luận ví phỏng, sẽ thấy theo hoàn cảnh kinh tế thời xưa, nàm bếp rất có khả năng là nằm ngủ ở trong nhà bếp, bởi nơi đó mới có hơi ấm thường xuyên. Theo phân tích ngữ từ, cấu trúc để tìm ra từ nguyên cho chữ bếp trong nàm bếp [1], mang hai nghĩa nhà bếp, sinh đẻ dựa vào phát âm giống nhau giữa hai chữ 孢 [bao] (sinh đẻ) và 庖 [pao] (nhà bếp). Chữ 孢 [bao] mang nghĩa sinh đẻ [6], không có đề ngữ trong các tự điển tiếng Việt, cũng như nhiều tự điển Anh Trung trên mạng, so với chữ thường gặp, có nghĩa gần giống là bào 胞 [bao] như trong bào thai. Hai chữ 孢 [bao] (sinh đẻ) và 庖 [pao] (bếp), còn có âm gần giống nhau như [bao] 孢và [bao] 庖 trong tiếng Mân Việt (Phúc Kiến), hoặc [buɔ] 孢 và [buɔ] 庖 tiếng Ôn Châu (Wenzhou 温州3), hay [bo] 孢 và [po] 庖 tiếng Shanghai [5]. Âm tiếng Ôn Châu hay Thượng Hải cho 孢 [buɔ] và 庖 [buɔ], cả hai thuộc Ngô Việt, rất gần với âm quốc ngữ [bếp], và [bếp] mang nghĩa nhà bếp, lò nấu có âm gần với [tapeːh] tiếng Chứt, [bəːw] tiếng Khmu, [kapəːp] tiếng Bahnar [7], hoặc [hbəl] tiếng Laven, [bəːw] tiếng Khmu, mang thêm nghĩa là kiềng 3 chân (tripod), có một nghĩa như lò nấu. Với nghĩa tripod (kiềng 3 chân), các ngữ âm nầy gần với âm chỉ số 3 như [baj] hay [*pəːj] tiếng Khmu, [pɔeʔ] tiếng Mon [7], theo liên hệ ví phỏng. Ngữ âm [bếp] (kitchen) cũng rất gần với âm [bép] tiếng Lao [7], mang nghĩa nấu, và nhà bếp có thể thay bằng nhà nấu, chỗ nấu ăn, lò nấu ăn, với nghĩa ví phỏng, giống kiểu cuisine (bếp) và cuisiner / cuire (nấu) tiếng Pháp. Nếu xem hiện tượng nằm bếp hay nằm xó (xó=bếp), tức ở cữ, được xảy ra trong tầm ý phổ (spectrum of meaning) dựa vào ví phỏng, thì chữ bếp trong nằm bếp sẽ đảm nhận vai trò ngữ nghĩa của sản hậu (産後), thời gian dưỡng sức sau khi sinh đẻ, hay nói gọn là sinh đẻ, tức dính dáng đến sinh đẻ. Và như vậy bếp trong nằm bếp có thể mang hai nghĩa là bếp than sinh đẻ, giống như hai từ 庖 [buɔ] (bếp) và 孢 [buɔ] (sinh nở), cùng một phát âm [buɔ] tiếng Ôn Châu. Để ý cấu trúc ăn khớp và cấu trúc ý phổ hay ví phỏng thường đi đôi hay hỗ trợ lẫn nhau, và cả hai nằm trong nguyên lí ngôn ngữ mang tính hữu cơ, tức dính liền với sinh hữu của loài người, có thể suy đoán từ kiểu kiến thức tiền định (a-priori knowledge), tức không cần thông qua chứng liệu.

Ngôn ngữ hữu cơ có thể hiểu đơn giản là phát minh ngôn ngữ xuất hiện cùng một lúc với loài người, tức ngôn ngữ dính liền với sự sống và sinh tồn. Tính hữu cơ của ngôn ngữ cũng dựa vào quan sát và nhận xét muôn thuở là loài người cần một thời gian dài, có thể đến 10 năm hoặc hơn, để tập sự sống, dưới chỉ dẫn của người lớn, so với rất nhiều sinh vật khác. Như cá heo, sau khi sinh ra, có thể bơi ngay theo mẹ để kiếm ăn. Thời gian tập sự nầy chỉ có thể thực hiện nếu loài người có ngôn ngữ dù bất cứ dưới một hình thái nào, ngay vào thời tiền sử. Nhìn kỹ sẽ thấy nguyên lí hữu cơ mang tương phản mạnh, và đồng thời cũng hỗ trợ, với nguyên lí một dân tộc một ngôn ngữ, thường xử dụng trong các ngành học về ngôn ngữ. Nguyên lí hữu cơ nầy cũng có thể hiểu như kiến thức tiền định (a-priori knowledge), có thể biết với độ chính xác khá cao mà không cần xuyên qua chứng cớ của thời xa xưa.

2. Những từ ví phỏng chung quanh số năm (5)

Chữ nằm trong nghĩa nằm nghỉ, nằm ngủ, viết và kí âm như nàm vào thế kỉ 17 [1]. Âm [nàm] nầy rất gần âm [nam] chỉ hướng Nam, và tin liệu ở thế kỉ 21 cho biết rất có khả năng, người xưa khuyên khi ngủ nên nằm cho đầu quay về hướng Nam, và liên hệ giữa [nàm] (nằm) và [nam] chính là liên hệ của ví phỏng trường (metaphorical field), một lối tạo nên từ mới, rất phổ biến trong ngôn ngữ. Thử tiếp tục quan sát kiểu tạo từ theo ví phỏng, xây dựng chung quanh âm [năm] mang nghĩa số 5, thứ 5 trong tiếng Việt.

Trước hết, năm mang nghĩa 5 sẽ ứng với bàn tay với 5 ngón tay. Từ nghĩa bàn tay của năm sẽ chóng sinh ra nắm, như nắm tay, một nắm đất. Chữ nắm ngày xưa dùng để đo lượng thuốc, và tiếng Khmer có ngữ âm [tnam], có âm rất gần [nắm], mang nghĩa thuốc (trị bệnh) có ngữ nghĩa (ví phỏng) giống như nắm thuốc. Trong tiếng Anh, và nhiều tiếng khác, như trình bày trong Bảng Đối Chiếu, đa phần truy từ Google Translate, có một mối liên hệ ví phỏng giữa từ tiếng Anh Hand mang nghĩa bàn tay, với hold (nắm / cầm), handle (cái cán), và handful (nắm). Để ý từ cầm đồng nghĩa với nắm, có liên hệ với các ngữ âm tiếng Lao [kɔːn] [kàm] [kâ:n] (hand, hold, handle) dựa vào cấu trúc ví phỏng. Nhưng để ý, ngữ âm [kam] trong các tiếng Lao, Khmer, mang nghĩa như nắm, nắm tay, trong tiếng Việt. Tức tiềng Việt có thể dùng cầm thay cho nắm, nhưng khi nói tới một nắm tay, thì chỉ dùng nắm, chứ không dùng cầm (xem Bảng Đối Chiếu).

BẢNG ĐỐI CHIẾU: Từ ví phỏng của Nắm (Tay, Nắm, Cán)

EnglishLuxembourghItalianChineseFrisianGerman
HandHandMano手 shouHânHand
holdHalenTenere1手 shouhâldenHalten
HandleHandtakManiglia把手 ba shouHondsetHenkel,Griff2
handfulhandvollmanciata滿手man shou3hânfolHandvoll
DanishKhmer [7]IcelandicLao [7]HmongMalagasy
Håndករ kɑɑHendiກອນ kɔːnTesTanana
holdeកាន់ kanhaldaກ ຳ kàmtuavMitana
Håndtagដៃ day4handfangiກ້ຳນ kâːn 5KovMitantana
håndfuldកំបង់ kɑmbɑŋhandfylliກ ຳ kàmtxhais tesVitsivitsy

GHI CHÚ: 1. Giống tenir (Pháp); 2. Grip (Anh); 3. một nắm: 一把 yi ba; 4. [day] = tay, cán (tay cầm), vòi con voi; 5. [kam]= cầm; [kâːn]= cán= khán (Lao);

Hiểu theo ví phỏng, chữ năm hiểu như bàn tay năm ngón, bàn tay, và như vậy năm sẽ dẫn đến nắm (hold), nắm tay (handful0, trong khi handle (tay cầm) sẽ dựa vào âm [kam] tiếng Lao (hold), tức cầm tiếng Việt (xem Bảng Đối Chiếu). Chữ tay cầm đồng nghĩa với cán cán có âm gần với âm [kâ:n] tiếng Lao (handle) và gần âm [kan] tiếng Khmer (hold).

Số năm và chữ Năm (12 tháng)

Thử khảo sát chi tiết của lối tạo nên từ năm mang nghĩa năm gồm 12 tháng (year). Trong các chữ dùng để chỉ năm (year), còn có chữ 稔 [nian], viết với chữ 禾 [he] (thóc, lúa) đặt ở bên trái, và chữ 念 [nian], mang những nghĩa không liên hệ đến năm như: ý niệm, nghĩ ngợi, nhớ mong, đọc sách, học hỏi, và như vậy chữ 念 [nian] dùng để cho ra âm [nian] cho chữ 稔 [niệm] chỉ năm, đọc theo tiếng Triều Châu / Phúc Kiến là [liem] cho thấy biến đổi qua lại giữa âm đầu [l] [liem] và [n] [niệm] hay [nim][nam] Quảng Đông, giống như mười lăm mười năm (15). Có hai lối đọc xem như là Hán Việt ghi trong các từ điển có trên mạng, là [nhẫm] và [nẫm]. Trước thời internet, chỉ có 2 cách dẫn tới hai ngữ âm [nhẫm] và [nẫm] cho chữ稔 [nian] (và phát âm khác là [rěn]), và hai cách nầy đều khác với cách thức ghi trong một số sách vở là tiền nhân đã biến đổi phát âm tiếng Hán của người Hán, sang phát âm Hán Việt cho hợp “khẩu vị” của người nước Nam. Hai phương cách cho ra âm Hán Việt là:

Cách thứ nhất gọi là phiên thiết (反切 [fǎn qiè]), đại khái, tách 1 từ thành 2 từ rồi hợp âm lại với nhau tìm ra cách đọc của từ, thí dụ ngoan (頑), viết bằng hai chữ ngô 吳 và hoàn 完, gộp lại, sẽ có hợp âm của ngô 吳 và hoàn 完, thành ra ngoan [4]. Đáng để ý là, ở thời internet, có thể thấy phiên âm tiếng Phúc Kiến theo kiểu phiên thiết, áp dụng cho trường hợp nầy, cho ra kết quả gần đúng hơn tiếng Việt: 頑 [nguan]= 吳 [ngo]+完 [uan] (xem [5]). Cũng giống chữ bằng 甭, nghĩa không cần dùng đến, xem như hợp âm, hợp từ, hợp nghĩa của bất (不) và dùng / dụng (用), có âm ráp vần rất gần tiếng Hakka [bung]=[but]+[yung], hay tiếng Triều Châu [bêng]=[bug]+[êng]. Cách phiên thiết thường dùng cho những trường hợp người xử dụng chữ Hán muốn tìm cách đọc theo kiểu Hán Việt, ráp vần bằng quốc ngữ, hoàn toàn không thể kiểm chứng. Đây cũng là kết quả của áp dụng kỹ thuật ráp vần của tiếng Hán có từ thời xa xưa, tức một cấu trúc cho tiếng Hán chữ nghĩa, để tạo ra ngữ âm cho những chữ Hán mới lạ đối với người Hoa, cũng như cho từ “Hán Việt”.

Cách thứ hai, là cách phát âm theo một kiểu phát âm biết trước, đã có người Việt, hoặc người chung quanh, hay người nhập cư, đọc ra như vậy, thí dụ như chữ 天 [tian] đọc là thiên. Trước thời internet, cả hai cách đọc ra âm Hán Việt cho một từ viết bằng chữ Hán, thường được cho là cách đọc từ Hán Việt, hay từ vay mượn từ chữ Hán. Cách thứ nhất (phiên thiết), rất khó nhớ bởi không tự nhiên, thông thường truyền bá qua lớp học, và chỉ có giới ê-lít mới biết. Cách thứ hai, có vẻ dễ hấp thụ hơn, là dựa vào chuyện nghe được kiểu phát âm của ngữ từ, trong giao tế hằng ngày. Nhưng rất nhiều dữ kiện rất dồi dào có thể tìm ra trên mạng cho thấy, rất thường, cả hai thứ ngữ âm Hán Việt thuần Nôm, đều mang tương ứng với các âm địa phương ở phía Bắc, ngay cả vào thời bây giờ, ứng với Hán tự viết bằng chữ Hán. Như thí dụ ở trên, ngữ âm [ngoan] rất gần với âm Phúc Kiến [nguan] cho chữ 頑 [wan], như biệt danh Lão Ngoan Đồng (老頑童 [lǎowántóng]) của Châu Bá Thông trong một truyện chưởng của Kim Dung. Còn ngữ âm thiên (天) lại rất gần các ngữ âm có thể viết như [thiên] của các tiếng như Triều Châu hoặc Hakka. Những chữ như đò hay phà, thông thường và nhất là phà, có thể cho là thuần Nôm, với lí do đơn giản của học thuật ngày trước, không thể tìm ra những chữ Hán có vần tương tự, hoặc vai trò ngữ pháp tương đương, với phà / đò, trong các sách vở hay tự điển Hán Việt. Cần nói ngay là ngữ nghĩa cơ bản của phà khác với đò, điển hình là có thể nói (đúng) xe đò chứ không nói xe phà. Tóm tắt chữ dùng để chỉ ferry là 擺渡 [pha du] (phà đò) phát âm theo tiếng Ngô Việt (thuộc địa bàn của nước Việt của Câu Tiễn năm xưa), hoặc [baai dou] tiếng Quảng Đông, rất gần với bãi độ (Hán Việt kí âm theo quốc ngữ), và chính là phà đò theo phát âm trong quần chúng. Chữ phà (擺) chỉ động tác chạy qua chạy lại, giống như quả lắc đồng hồ (pendulum), còn đò tương đương với độ (渡) mang nghĩa chính là chuyên chở và có thể có nghĩa chuyên chở từ bờ bên nầy sang bờ bên kia. Do đó, xe đò mang nghĩa đúng là xe chuyên chở / xe vận tải, bởi không mang nghĩa qua lại như phà, và không thể thay bằng xe phà.

Có một vài ngoại lệ cho ra âm tiếng Việt, không giống với 2 cách trên. Nguyên do chính vẫn là dã ngữ (ngôn ngữ dùng trong dân gian, vernacular) ngày trước đa phần truyền chuyển bằng tiếng nói. Thí dụ như chữ quyến trong tên thành phố Thâm Quyến tức Shenzhen (深圳), phía nam Quảng Đông, gần Hongkong. Chữ quyến xem như chuyển ngữ từ âm [zhen] (圳), mang nghĩa rãnh nước ngoài đồng (furrow in the field). Nhưng âm [zhen] nầy thường ứng với [chân] hay [chấn] hoặc [chẩn] trong tiếng Việt, cũng như ứng với các âm [zen] [cen] [tsaŋ] [zang] [tsen] [zun] [zung] [zan] [tzen] trong các phương ngữ bên Trung Hoa [5], hoàn toàn không giống hay gần âm [quyến] (圳) tiếng Việt. Rất có khả năng, do đó, âm [quyến] là âm chuyển từ một âm khác là [quyến] viết bằng một chữ khác畎 [quăn] [juăn], mang nghĩa ngòi nước trong ruộng, ứng với âm [hyun] Quảng Đông và âm [kien] Hẹ, và [quăn] [juăn] tiếng phổ thông, tất cả hợp lại, hoặc gần với, âm [quyến] tiếng Việt. Âm [quyến] cho chữ [zhen] (圳), rất có khả năng, là âm chuyển từ [quyến] của một từ mang cùng nghĩa với quyến 圳 [zhen] là 畎 [quăn] [juăn] (quyến). Chứ âm của chữ 圳 [zhen] trong Shenzhen (深圳) rất khó chuyển thành [quyến] tiếng Việt.

Tính chất chính của âm Hán Việt và âm thuần Nôm, tìm ra ở thời internet ngày nay là một số âm thường xem là thuần Nôm thật ra là một cách phát âm giống âm Hán Việt, ứng vào một thứ chữ viết Hán Tự, nhưng được phát âm trong những thứ tiếng địa phương khác nhau, hay những ngữ âm xử dụng trong nước Việt cổ, có chia sẻ với ngữ âm những nơi khác, bằng hỗn hợp hay du nhập ngữ từ và ngữ âm, không qua môi trường chữ viết. Đa phần phát âm của những từ vựng nầy (Nôm và Hán Việt) thuộc vào cách thứ hai, tức dựa vào phát âm cho ngữ từ và nói lên ngữ nghĩa, dựa vào phát âm có sẵn từ trước. Kiểu nầy thường tồn tại dài lâu, và nhiều người biết đến chứ không giống như những từ có âm suy ra bằng lối phiên thiết thường chỉ lưu hành trong giới ê-lít, và thường rất khó nhớ. (Giống như từ vựng của môn Triết Học, cùng một lúc chuyên chở ý niệm mới và ngữ từ với ngữ nghĩa mới, rất khó nhớ.) Cũng có thể nói, nhiều khi ngữ âm được truyền bá qua lại hoàn toàn dựa vào tiếng nói, chứ không dựa dẫn từ ngữ tả tức chữ viết. Cũng cần nói là ngữ âm tương đương giũa Nôm và Hán Việt, có lẽ đầu tiên được ghi lại bởi Lê Quý Đôn (1726–1784) (xem Vân Đài Loại Ngữ [14]), khi ông ghi là quả bồ hòn (Nôm) tương ứng với lối gọi theo chữ Hán là vô hoạn (無患), với nghĩa có thể tiêu trừ, hoặc tránh được, hoạn nạn, tà ma. Ở thời internet, với các tự điển trực tuyến có đầy dẫy trên mạng, có thể thấy ngữ âm [bồ] trong bồ hòn, ứng với phát âm [bhu] tiếng Triều Châu, ứng với chữ 無 [wu], tức (vô hoạn), và có âm rất gần với [vu] trong các tiếng Hẹ và Ngô Việt. Trong khi hoạn trong vô hoạn (無患) có âm gần với [huan] trong các tiếng Nam Kinh, Triều Châu, Quan Thoại, Phúc Kiến, hay [waan] tiếng Quảng Đông, và [huan] / [hoạn] có thể biến chuyển qua lại với [hun], tức hòn (bồ hòn), trong các tiếng Mân (Phúc Kiến) và Triều Châu. Biến chuyển qua lại giữa hòn hoạn giống như kiểu hai âm Hán Việt [hỗn] và [hoạn] ứng với hai âm pinyin [hùn] và [huán] của từ 圂 [hỗn], mang nghĩa hỗn loạn.

Khám phá bồ hòn=vô hoạn của Lê Quí Đôn có lẽ chỉ được nhiều người biết đến qua bản dịch bằng chữ quốc ngữ của Vân Đài Loại Ngữ [14], với toàn lối phát âm của bồ hòn vô hoạn được định bởi những quy luật ráp vần và ráp âm của quốc ngữ, liên tục phát triển trong suốt thế kỉ 20. Và kiến thức về Việt ngữ dường như dừng lại chỗ đó, trong hàm ý là bồ hòn là tiếng Nôm và vô hoạn là từ Việt gốc Hán, cả hai được ráp vần, ráp âm theo kiểu chữ quốc ngữ. Điểm rất quan trọng trình bày nhiều lần ở đây, là các ngữ âm [bồ hòn] hay [vô hoạn], cũng như [mì chính] và [vị tinh] thường ứng với ngữ âm của các thứ tiếng trong vùng, ứng với chữ 味精 [wei jing], tức bột ngọt hay MSG, Mì chính hay Vị Tinh mang nghĩa chính là vị tinh khiết, và ba âm [mi], [mui] hay [vị[ mang hai nghĩa thường dùng trong tiếng Việt là mùi vị, viết bằng 1 chữ Hán là 味 [wei], với mùi ứng với âm [mui] tiếng Hakka hoặc tiếng Đài Loan, (mì chính) ứng với [mi] tiếng Phúc Kiến và Ngô Việt, cũng như [mi] tiếng Hàn, và vị ứng với quan thoại [wei], hay [vi] các thứ tiếng trong nhóm Ngô Việt (Chiết Giang / Tô Châu / Thượng Hải, v.v.). Cả hai ngữ âm [mì] và [vị] đều ứng với cùng một chữ viết là 味 [wei][mei]. Còn chữ chính (精) trong mỳ chính, mang nghĩa tinh túy, tinh khiết, tinh hảo, ứng với âm [ceng] hay [jeong] tiếng Hàn, và gần giống nhất các âm như [zing]. [zin], hay [tzin] trong các tiếng Quảng Đông, Phúc Kiến, và Ngô Việt. Trong khi âm [tinh] trong vị tinh (味精), rất có khả năng, là âm quốc ngữ ứng với âm [tsin] trong tiếng Tô Châu và Hàng Châu. Có nghĩa cả hai chữ vị tinh mì chính đều có ngữ âm tương ứng với âm của các thứ tiếng trong vùng, giống y như âm [mi ceng] (味精) của tiếng Hán Hàn (Sino-Korean).

Trở lại hai ngữ âm [nhẫm] và [nẫm] ứng với từ 稔 [rěn][nian] dùng để chỉ năm (year). Tìm hiểu hai từ Hán Việt nhẫm nẫm (稔) theo hai cách tạo nên ngữ âm Hán Việt, tóm tắt ở trên, sẽ cho thấy ngữ âm [nhẫm] có chứa ngữ âm của từ 念 [niệm] (viết ở bên phải chữ稔 [nian]), phát âm là [nian] theo quan thoại, nhưng có phát âm giống như [nyậm] (nhậm) hay [nyẫm] (nhẫm) tiếng Hẹ, từ đó dẫn đến ngữ âm Hán Việt [nhẫm] cho chữ 稔 [nian], mang nghĩa năm. Cách đọc [nhẫm] liên hệ đến [rěn] 稔 cũng giống như [nhân] (người) liên hệ đến âm Quan thoại [rén] 人. Biến chuyển giữa nhẫm nẫm cũng có thể thấy trong tiếng Việt, qua nhăm năm (và nhiều khi: lăm): năm (5), mười lăm (15), ba mươi nhăm (35). Hai ‘m nhăm= hai ‘m lăm (25). Những âm như [‘m nhăm] hay [‘m lăm] là kí âm phỏng theo kí âm / ngữ từ như mnhầm hay mlầm (lầm), hoặc mlời / mnhời (lởi), ghi trong tự điển Alexandre de Rhodes, hoàn toàn xóa bỏ trong tự điển Taberd. Ngữ âm Hán Việt thứ hai của chữ 稔 [nian] là nẫm rất gần với âm Nôm [năm] cũng như âm Quảng Đông [nam], hoặc âm Hakka/ Taiwan [nem], và rất giống [nam]/[lăm] ghi trong tự điển Alexandre de Rhodes, cho chữ 稔 [nẫm]. Chữ niên (稔) có phát âm quan thoại [nian] giống như chữ thường dùng 年 [nian] cũng mang nghĩa năm (year). Chữ 年 [nian] nầy có một dạng khác là 秊 [nian] viết bằng chữ 禾 [hé], mang nghĩa lúa thóc, viết trên chữ 千 [qian] (1000), mang ý nghĩa vô số thóc lúa, tức mùa gặt. Với phương tiện internet ngày nay, có thể truy tìm ngày đầu Xuân (tương đương với Tết) của rất nhiều dân tộc trong vùng, từ Khmer đến Lào, Thai và Lahu, hoặc Dai (Vân Nam), hay Choang (Tráng) (Quảng Tây), thường nhằm vào tháng Tư Dương Lịch4, tức khoảng tháng 3 Âm Lịch ngày nay. Tháng 3 Âm Lịch ngày nay ứng với tháng 5 Âm Lịch dùng tháng Tý tức tháng 11 âm lịch là khởi đầu của chu kì 1 năm gồm 12 tháng. Và tính theo lịch xưa (lịch nhà Châu), với tháng Tí là tháng thứ 1, thì ngày Tết cổ thời, tức ngày đầu năm, ứng với khoảng tháng 5, tính tháng Tí (11) là tháng 1. Như vậy, chữ năm dùng để chỉ year, có xuất xứ từ tháng 5 đánh dấu khởi sự của những ngày lễ lớn của cộng đồng, thường ứng với ngày đầu xuân (thời xa xưa), mà 12 tháng nữa mới có lại như vậy.

Xin tóm tắt thêm về các thứ âm lịch cổ thời. Chu kì 12 tháng thường bắt đầu bằng tháng Tý tức zi yue (子月) (con Chuột), và tháng Tí ứng với tháng 11 âm lịch, và giờ Tí kéo từ 11 giờ đêm tới 1 giờ sáng. Tháng cuối của chu kì nầy là tháng Hợi tức hai yue (亥月) (con Lợn/ Heo). Nhớ là ý niệm tên thứ tự 12 tháng, rất có khả năng, xuất hiện trước tên gọi ứng với 12 con giáp, tính theo chu kì 12 năm. Theo chu kì tháng âm lịch bắt đầu bằng tháng Tí, thì tháng Tí bắt đầu vào ngày ứng với trăng non (new moon) ngay trước ngày đông chí (winter solstice), thường là vào ngày 22 Tháng 12 dương lịch mỗi năm, ở Bắc Bán Cầu, và vào ngày 21 tháng 6 ở Nam Bán Cầu. Đó là ngày có ban ngày ngắn nhất và ban đêm dài nhất trong năm. Quan trọng nhất và cần nhớ là nhà Châu (周) (khoảng 1045-256 TCN) dùng tháng Tí là tháng bắt đầu cho chu kì 12 tháng, tức tháng 11 âm lịch ngày nay là tháng 1 theo lịch nhà Châu, và lịch nầy hiện vẫn còn được xử dụng trong một số cộng đồng người Hmong. Trước nhà Châu, nhà Thương (商朝), (khoảng 1556-1046 TCN), dùng lịch dựa vào trăng non (new moon) ngay sau đông chí (winter solstice), tức xử dụng tháng Sửu tức chou yue 丑月 (con Trâu), tức tháng Chạp âm lịch ngày nay, làm tháng 1. Kiểu dùng tháng Sửu làm tháng 1 trong năm (lịch nhà Thương) sẽ cho ra tháng Dần hay tháng Giêng là tháng thứ 2, và trong tiếng Lao, tháng Dần (Giêng), hay năm Dần, còn có tên là [ɲīː] (~ Nhị), với nghĩa chính là thứ 2, tháng thứ 2 [7]. Vào lúc thống nhất Trung Quốc, từ khoảng năm 265 TCN, nhà Tần 秦 (221-206 TCN) hiệu đính lịch theo trăng, và cho tháng Hợi tức hai yue亥月 là tháng đầu năm. Tháng Hợi là tháng trước tháng Tí, chạy vào tháng 10 âm lịch ngày nay. Nhưng lịch phổ biến nhất và xử dụng cho tới ngày nay là lịch phát minh từ thời nhà Hạ (夏) (khoảng 2070-1600 TCN), trước cả nhà Thương, Châu và Tần. Lịch nầy về sau được nhà Tây Hán (西汉) (206 TCN-9 SCN) hiệu đính lại, và lịch nầy chính là âm lịch còn phổ biến cho tới ngày nay. Lịch nhà Hạ hoặc Tây Hán bắt đầu với tháng 1 nhằm vào trăng non thứ 2 sau đông chí (winter solstice), với đông chí có đêm dài ngày ngắn. Ngày trăng non thứ 2 sau đông chí chạy vào ngày “tiết nguyên đán”, nhằm ngày mồng một tháng Dần tức yin yue (寅月) (con Cọp), tháng thứ 3 kể từ tháng Tí. Dần trong tháng Dần có âm y hệt [yan] trong tiếng Quảng Đông, và ứng với âm tiếng Hẹ là [zin], và [zin] chính là Giêng tiếng Việt, Chiêng tiếng Tay-Nùng, kí âm theo thiết kế Taberd. Để tránh lộn xộn, người Hoa không gọi tháng 1 là tháng Dần (Giêng) mà lại gọi là tháng chính tức zhèngyué 正月 hay chính nguyệt, và những tháng kế tiếp được gọi theo số thứ tự, chứ không dùng tên theo kiểu 12 con giáp. Nhưng, tên gọi giờ theo kiểu một ngày có 12 giờ, cho tới một hai thế kỉ gần đây, vẫn gọi theo tên gọi của 12 tháng âm lịch.

Trở lại chuyện năm (12 tháng) ứng với tháng thứ 5 kể từ tháng Tí (11) xem như tháng 1, trong lịch nhà Châu. Ngữ âm gần như [năm] dùng để chỉ năm (12 tháng) cón có thể thấy như [nəm] trong tiếng Lawa, [cnam] tiếng Khmer, [hnam] tiếng Mon [7]. Tóm tắt, chữ năm dùng để chỉ năm 12 tháng (year) chính là tháng thứ 5 nhằm vào ngày trong tháng bắt đầu một năm mới, ngay sau mùa gặt. Tháng thứ 5 nầy ứng với tháng 3 âm lịch ngày nay, nếu kể tháng Tí (tháng 11) là tháng bắt đầu chu kì một năm 12 tháng. Kiểm chứng dùng ăn khớp sẽ thấy ngữ âm dùng để chỉ năm (12 tháng) trong tiếng Thai là [bpee], và trong tiếng Lao là [pi:]. Lễ lớn hằng năm, giống như Tết, trong văn hóa Thai (Songkran) – Lao (Pi mai5), bắt đầu vào khoảng tháng 3 âm lịch kể từ tháng Giêng (Dần), và số 3 trong nhiều thứ tiếng trong khu vực như Mon / Khmer có ngữ âm gần như [pii] [pi?] [pei] [piq] (xem [11]), rất gần với [bpee] và [pi:] dùng để chỉ năm trong tiếng Thai, Lao. Ngày dầu xuân (Tết) theo âm lịch ngày nay tính vào tháng Giêng thật ra không phải là đầu mùa xuân bởi tháng Giêng hãy còn mùa Đông ở Bắc Bán Cầu. Đầu mùa xuân, theo nông lịch ở Trung Hoa ứng vào tiết lập xuân, một trong 24 tiết khí của năm. Ngày đầu xuân, thật ra trùng hợp với ngày Xuân Phân (Spring Equinox hoặc Vernal Equinox), theo dương lịch Tây Phương, khi mặt trời vượt đường xích đạo và chuyển sang phía Bắc, ngày và đêm dài như nhau. Và tiết Thanh Minh (lễ tảo mộ tổ tiên) nhằm vào tháng 3 âm lịch, tức tiết thứ 5 trong 24 tiết của năm, tiếp ngay theo tiết Xuân Phân và trước tiết Cốc Vũ (tiết mưa rào, 谷雨 [guyu]), Rất có khả năng, ngày đầu xuân, tức Tết, thời xa xưa bắt đầu bằng tiết Xuân Phân và kết thúc bằng tiết Thanh Minh, tập trung vào tháng 3 âm lịch. Tháng 3 âm lịch là tháng thứ 3 [bpee] [pi:] (Thai-Lao) tính từ tháng Giêng, và là tháng thứ 5 (năm) tính từ tháng Tí tức tháng 11 âm lịch, là tháng thứ 1 theo lịch nhà Châu. Nhắc lại, lịch nhà Hạ và Tây Hán dùng tháng Giêng tức tháng Dần làm tháng 1, còn lịch nhà Châu dùng tháng Tí, tức tháng 11 âm lịch ngày nay (lịch nhà Hạ / Tây Hán) làm tháng thứ 1.

Số 5 và Hướng Nam

Xin xem tiếp mối liên hệ giữa chữ NAM (hướng Nam) và năm (5). Có 2 lối giải thích. Lối thứ nhất là xem hướng Bắc là hướng phía sau lưng đối với một người đứng ở Bắc Bán Cầu, nhìn vào phía Nam. Chữ lưng tiếng Anh là back có âm rất gần với [bak] 北 các thứ tiếng Mân Nam, Quảng Đông, v.v., mang nghĩa phương Bắc. Ngay ở chữ viết Hán tự 北 [Bắc] cũng vẽ hình hai người ngổi đâu lưng với nhau, nhấn mạnh Bắc mang nghĩa phía sau lưng. Ngữ âm [bak] còn mang nghĩa vác trên lưng trong nhiều tiếng, như tiếng Bahnar [7]. Trước mặt do đó phải là hướng Nam, tiêu biểu bằng bàn tay, và bàn tay tiêu biểu bằng số năm cho 5 ngón tay. Lối thứ hai, là lối định vị theo chữ Sud (Nam) và Nord (Bắc) trong tiếng Pháp, rất có khả năng bắt nguồn từ nghĩa gốc là vị trí mặt trời ở trên (Sud), chỉ về phía Nam, và điểm đối ứng dưới mặt đất (Nord), dưới gót bàn chân, chỉ về hướng Bắc, theo một người đứng đâu đó ở Âu Châu, nhìn vào mặt trời vào khoảng giữa trưa, vào lúc mặt trời thường ở bầu trời phía Nam của Âu Châu, và ở trên cao. Có nghĩa hướng mặt trời ở giữa trưa, ở phía trên, chỉ hướng Nam. Chữ Sud tiếng Pháp giống chữ Sur (hướng Nam) tiếng Spanish, và âm [sur] trong tiếng Pháp mang nghĩa ở trên, phía trên, giống với dessus. Kiểm chứng cho mẫu thức NAM mang ý nghĩa hướng Nam là hướng chỉ vị trí mặt trời nằm trên cao của bầu trời phương Nam, có khả năng, được thể hiện bằng những ngữ âm gần âm NAM trong tiếng Việt, với nghĩa cao, trên cao, nhưng thuộc các thứ tiếng bản địa và hạ tầng, tức có rất lâu và xưa ở vùng đất đó. Những ngữ âm gần với [nam] nhưng mang nghĩa cao, trên cao, gồm có: [tnom], [neng], [neɲ] tiếng Khasi, [nɯŋ] tiếng Palaung, [nɤ̀ɤn] tiếng Mon, và [nu:n] tiếng Khmu [7], âm rất giống noon tiếng Anh6, với nghĩa đúng ngọ. Giữa tiếng Việt và tiếng Hoa, âm {Nam] chỉ hướng Nam, gần với âm [năm] chỉ số 5. Hồi thời xa xưa, số 5 dùng chung nghĩa với vị trí thứ 5, giờ thứ 5. Mỗi giờ kiểu xưa ở Trung Hoa ứng với 2 tiếng đồng hồ thời nay, bắt đầu bằng giờ kéo từ 11 giờ tối đến 1 giờ sáng. Và giờ thứ 5, tính từ giờ Dần (3-5 giờ sáng), chính là giờ Ngọ (午), đọc theo phổ thông là [wŭ], mang nghĩa đúng ngọ (noon), tức giữa trưa. Âm [wŭ] tiếng phổ thông cũng là âm của chữ 五 [wŭ], mang nghĩa số 5. Theo ví phỏng, giờ ban trưa tức giờ Ngọ cũng là thời điểm mà mặt trời nằm ở bầu trời phía Nam, và ở trên cao, đối với một người đứng ở Âu Châu hay ở Trung Hoa. Tức Ngọ hay 5 biểu hiệu cho vị trí mặt trời ở phía Nam, và ngay cả biểu tượng cho mặt trời. Ngọ (午) biểu tượng cho mặt trời ở trên cao, trong lúc đúng ngọ, và ứng với giờ Ngọ tức giờ thứ 5 kể từ giờ Dần (3-5 giờ sáng), cũng như cùng âm với 五 [wŭ], mang nghĩa số 5. (Âm [ngọ] 午 và [ngũ] 五 tiếng Việt cũng giống như âm [ngo] và [ngou] các tiếng Mân Nam (Phúc Kiến) hay Ngô Việt (Chiết Giang)). Phần còn lại, rất có khả năng, âm [năm] ngày xưa thật xưa, vào thời chưa có chữ viết, hay chữ viết hiếm hoi hơn tiếng nói, hướng mà ngày nay người ta gọi là hướng Nam đã có một thời rất lâu gọi là hướng Năm, hay hướng Ngũ, hoặc hướng Ngọ, tức âm [năm] và âm [nam] biến chuyển qua lại với nhau, và cả hai ứng với giờ Ngọ, đúng ngọ, ứng với lúc mặt trời ở trên cao ở bầu trời phía Nam. Lí giải cho Nam Năm biến chuyển qua lại với nhau, khó phân biệt nhau, vào thời chữ viết còn khiếm khuyết trong đa số quần chúng, rất đồng thuận lí giải cho rằng Bắc ứng với sau lưng, Nam sẽ ứng với phía trước, tiêu biểu bằng bàn tay 5 ngón, hay nắm tay, có âm [nam] [năm] [lam] ở trong đó, và âm [nam] khó phân biệt với [năm], hay ngược lại, trong môi trường dùng thuần tiếng nói.

Định vị kiểu nhìn vào mặt trời vào lúc giữa trưa, lúc mặt trời ở trên cao, từ một nơi nào đó ở Bắc Bán Cầu, có thể thấy thể hiện trong nhiều tiếng ở Âu Châu, sau khi gạt ra ngoài ý nghĩa trơ của từ vựng và chỉ chú trọng đến nghĩa ví phỏng (metaphornym). Đó là mô hình định vị phương hướng bằng một người đứng nhìn về hướng Nam, theo ví phỏng sẽ dùng từ chỉ mặt trời, biến đổi chút ít, để chỉ hướng Nam, hay ngược lại. Dấu vết còn thấy ngày nay là hai âm ví phỏng với nhau, sẽ có âm gần giống nhau, như kiểu Sun / South (mặt trời / hướng Nam). Như thấy trong tiếng Icelandic có: Sól / Suður, tiếng Norwegian có: Sol / Sør, tiếng Luxembourg, Sonn / Süden, tiếng Portuguese, Sol / Sul, tiếng Spanish, Sol / Sur, và tiếng Turkish, Güneş / Güney. Rõ nét nhất trong mối liên hệ ngữ âm giữa từ chỉ mặt trời hướng Nam, là hai cặp Sol / Sul Güneş / Güney, trong tiếng Portuguese và tiếng Turkish.

Toàn bộ lí giải dùng để liên kết chữ năm (5) trong tiếng Việt, và hướng Nam đã dựa vào “phương pháp” ăn khớp (fit-in) chứ không phải lô-gich hay thống kê, bởi cả hai thứ, lô gich và thống kê, đòi hỏi sự hỗ trợ của ngôn ngữ, giống như lô gich toán học cần được hỗ trợ bằng ngôn ngữ toán học. Trong khi ăn khớp thì không hoàn toàn lệ thuộc vào ngôn ngữ khoa học và mô pháp hiện hành. Nói một cách hết sức đơn giản, ăn khớp giống như kiểu hỏi đố ở cấp tiểu học là điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa. Cần để ý là ăn khớp bắt buộc phải đi đôi với mô hình Cây và Đất [16], thường bao gồm so sánh giữa những ngôn ngữ khác nhau, nhiều khi chỉ dựa trên một cấu trúc ví phỏng tương tự nhau, bất kể đến khoảng cách lịch sử và địa lí.

Tóm tắt là chữ năm (5) trong tiếng Việt có thể có nhiều âm khác nhau, nhất là trước thời có quốc ngữ, như: năm, lăm, nhăm, Nam, nàm, nằm, nắm, nôm, na, nồm, …. Về nghĩa ví phỏng, qua nhiều tầng lớp, năm có khả năng đã sinh ra những từ như: năm (12 tháng), Nam, nàm/nằm, gió Nồm, chữ Nôm, Nôm na (xem [15]). Với những mối liên hệ ví phỏng khá khúc chiết, cũng như mang nhiều tính hữu cơ, giữa năm (5) năm (12 tháng), cũng như Nam (hướng Nam), có thể tạm kết đoán là những từ như Nam (South) năm (year) là những từ mang gốc gác của những thứ tiếng Việt cổ, có thể được xử dụng ở nhiều nơi ở Trung Hoa, Nam Á, và khu vực Đông Dương (xưa) vào thời xa xưa, có thể cách đây vài thiên niên kỉ, vào lúc sáng tác ra những từ như năm (year) Nam (South). Liên hệ hữu cơ và ví phỏng trong tiếng Việt chung quanh năm (5) không thấy phản ánh trong tiếng Hoa giữa [wu] 五 (5), [nian] 年/秊 (12 tháng), và [nan] 南 (hướng Nam).

Thử xem ảnh hưởng của Việt ngữ ở cổ thời qua năm thứ chức tước thời xưa: Công Hầu Bá Tử Nam, tức 公侯伯子男 [Gong] [Hou] [Bo] [Zi] [Nan]. Năm tước nầy có tương đương trong tiếng Anh, theo thứ tự, là Duke, Marquis, Count, Viscount, Baron. Không kể tới Công Hầu, ba chức tước theo sau có âm và ngôi thứ rất giống và gần với Ba Tư Năm (3 4 5), tức số 3, 4, 5. Như vậy, Công Hầu ắt sẽ mang nghĩa ví phỏng ứng với Một (1) và Hai (2). Trước hết, âm chữ Công (公 [gung]) cũng là âm chỉ ngón tay cái trong tiếng Quảng Đông (手指公 [sau zi gung]), tức ngón tay số 1. Nghĩa thường dùng nữa của chữ 公 [gong], dùng để chỉ giống đực của chim hay thú: 公羊 [gong yang], cừu đực, với giống đực ứng với một, và giống cái ứng với hai. Trong khi, ngữ âm [hou] 侯 (tước Hầu), có âm gần như [hou] 后, mang những nghĩa chính nghiêng hẳn về ý nghĩa của số 2, hoàng hậu, phía sau, về sau. Một ngữ âm nữa là [hou] 猴, có chữ viết giống như 侯 (tước Hầu), thêm vào bộ 犭(犬) [quan] bên trái, mang nghĩa chính là con chó, và toàn bộ chữ [hou] 猴 (hầu) nầy mang nghĩa là con khỉ. Con Khỉ ứng với tuổi Thân, hay tháng Thân nhằm vào tháng thứ 7 kể từ tháng Dần hay tháng Giêng, và số 7 chính là số 2, hay ngón tay thứ 2 ở bàn tay kia. Rất ngộ là năm Thân viết theo tiếng Trung là 申 [shen] ứng với phát âm [sin] tiếng Hẹ và Phúc Kiến, và âm [sing] tiếng Triều Châu. Âm [sin] là ngữ âm nhiều tiếng ở Mesopotamia (Lưỡng Hà) ngày xưa mang nghĩa thần mặt trăng thường đứng ở vị trí thứ 2, cho ra nhiều ngữ âm mang nghĩa số 2 như šinā (Akkadian), sin (Berber) [11]. Còn âm [sing] tiếng Triều Châu ứng với tuổi Thân rất gần ngữ âm [singe] tiếng Pháp mang nghĩa con Khỉ của năm Thân.

3. Từ Nguyên theo đa chiều

Truy tìm từ nguyên đa chiều xử dụng trong bài nầy và những bài tương tợ, thật ra chỉ có thể thực hiện được vào thế kỉ 21, khi tin liệu về một dữ kiện được trình bày dưới nhiều chiều hướng khác nhau, có thể được tìm ra dễ dàng từ những trang mạng. Xin thử trình bày chi tiết về đa chiều bằng cách dùng chữ đôi đũa (chopsticks) làm thí dụ. Có chừng 3 chữ viết tiếng Trung tương đương với ngữ nghĩa của đũa, là: 筷 [kuài], 箸 (筯) [zhù], và 梜 [jiá]. Riêng chữ 箸 [zhù] (trợ, trứ) có nhiều tài liệu cho là âm Trung Cổ (Middle Chinese) của từ nầy là [dua] rất gần [đũa]. Thật ra, theo [27] âm Trung Cổ Ban Đầu (Early Middle Chinese) của từ nầy là [driă] cũng gần với [đũa], và âm thời nhà Nguyên (1271–1368) bắt đầu cho âm tiếng Bắc Kinh là [tʂy’] có vẻ gần với âm quốc ngữ [trợ] hay [trứ], và những âm tái thiết nầy theo [27] đều có kiểm chứng với âm Hán Việt [trợ] [trứ], viết bằng quốc ngữ, và có khi với âm Việt là [đũa]. Phân tích đa chiều, như trình bày sau đây, cho thấy ngữ âm [đũa] ứng với ngữ âm của những từ mang nghĩa số 2, cũng như ngữ nghĩa ví phỏng cơ bản dùng miêu tả đũa cũng xuất phát từ số 2.

– Theo chiều hướng từ nguyên, chữ 箸 [zhù], viết bằng bộ trúc [𥫗] [竹], với nghĩa tre / trúc, trên chữ 者 [zhě] [zhū] (giả), cho ra âm cho 箸 [zhù] (đũa) [28]. Nhưng âm của chữ 者 [zhě] [zhū] (giả), nhất là [giả], có vẻ như không gần âm Trung Cổ Ban Đầu Early Middle Chinese [tɕia’], hoặc âm thời Nguyên [tʂia ̆], theo [27].

– Theo chiều hướng ngữ âm các tiếng địa phương, chữ 箸 (hay 筯) [zhù] [trợ] [trứ] (đũa) có âm tiếng Đông Mân (Phúc Kiến) là [du] rất gần với [đũa], cũng như âm [de] tiếng Triều Châu, trong khi âm Quảng Đông, Hẹ là [zyu] gần với [trứ] hay [trợ]. Còn âm Ôn Châu [tsei] có vẻ gần âm [tʂy’] thời Nguyên cho chữ 箸 [zhù].

– Theo chiều hướng ví phỏng về ngữ nghĩa và ngữ âm, chữ đũa có liên hệ mật thiết với 2 (số hai / thứ hai), bởi 1 chiếc đũa có thể hiểu như một cây que ngắn, và có khả năng, không dính dáng tới đũa. Rất nhiều chữ chỉ số 2 của nhiều tiếng trên thế giới, mang ngữ âm gần [đũa], như [dua] tiếng Malay, [dwa][dua] tiếng Chăm, [dva] tiếng Nga, duo tiếng Latin, [duo] 多 tiếng Trung, với nghĩa thường biết là nhiều. Chữ [duo] 多, viết bằng 2 chữ 夕 [xi], mang nghĩa thông thường là mặt trời lặn, và, rất có khả năng 2 so với 1, mang nghĩa là nhiều. Tức [duo] 多 có khả năng, có nghĩa ban đầu, hay xuất phát từ ý niệm con số 2, và viết bằng 2 chử 夕 [xi].

– Ý nghĩa ví phỏng của đũa 2 còn thấy từ một chữ cổ mang nghĩa đũa là 梜[jia], viết bằng chữ 木 [mu] (cây/gỗ) bên cạnh chữ 夾 [jia] (giáp) mang nghĩa gắp, kẹp, cắp (sách), có âm [giáp] giống với [jap] Nam Kinh, [cắp] giống [kaq] Thượng Hải, [kẹp] giống [gep] Quảng Đông, và [gắp] giống [gap] Quảng Đông / Vi Đầu. Âm [jia] hay [giáp] nghĩa cơ bản hay ví phỏng, là 2 (xin xem âm [jia] trong các tự điển Anh Trung có trên mạng), điển hình là giáp trong ất giáp: Nó không biết ất giáp gì cả. Còn chữ 夾 [jia] (giáp) có vẻ như viết bằng 2 chữ nhân 人 ren] ở hai bên chữ 大 [dai], giống như hình vẽ của gắp hay kẹp. Như vậy, danh từ 梜 [jia] (đũa) mang nghĩa ví phỏng trực tiếp từ động từ 夾 [jia] (giáp) (gắp / kẹp), với chữ viết theo hình vẽ là 2 vật thể giống nhau (人 [ren]) kẹp 1 vật thể khác (大 [dai]) ở giữa.

– Chuyện ví phỏng từ một từ nói về 2 vật thể hoặc hai tay nhặt lấy một đồ vật còn thấy trong chữ 掇 [duo], có ngữ âm [duo] giống duo (2) tiếng Latin, và viết bằng 2 chữ 双 [shuang] (đôi) (âm [saawng] tiếng Thái mang nghĩa số 2), viết cạnh chữ 扌[shou] mang nghĩa tay. Nghĩa ví phỏng của 掇 [duo] là nghĩa tượng hình của 2, trong khi ngữ âm [duo] của từ nầy là âm của [đũa] gần với âm [dua] hay [duo] của nhiều tiếng mang nghĩa số 2.

4. Tiết Nguyên Đán và Tết Ta

Sách vở tiếng Việt trong suốt thế kỉ 20, thường cho rằng chữ Tết là chữ đọc trại, hay âm Nôm, của Tiết (节 hay 節) trong Tiết Nguyên Đán, trong khi tư liệu internet có trên mạng cho rắng ngữ âm [tết] giống với ngữ âm tiếng Hoa thời nhà Đường, rồi do quan quân nhà Đường đem truyền sang An Nam, rồi giữ nguyên như vậy cho tới ngày nay. Trong khi tại Trung Hoa, về sau, ngữ âm [tsɛt], tương đương với [tết] quốc ngữ, đồi thành [jie] (节) hay [tiết], thường dùng để chỉ phân đoạn thời gian có chung một khí hậu (tiết khí 节气 [jieqi]). Với tin liệu khá dồi dào ở thế kỉ 21, có thể thấy âm [jie] 节 không có âm [-t] ở cuối giống kiểu âm mở (open syllable) tiếng Mãn Châu (xem Wikipedia), còn âm cho chữ 节 [jie] (tiết) ở những khu ngôn ngữ nước Trung ngày nay, nhất là ở phía Nam, thường gần với các âm như [tsit] [zik] [tsih] [ziet] [ziat] [tziet] [5], có thể tạm cho là gần với kí âm [tiết] của quốc ngữ, chứ không gần [tết]. Nghĩa chính của Tết thật ra lại giống một nghĩa của tiết (節), khi cho là một ngày lễ hội, lễ lớn của cộng đồng, tức 節日 [jie ri] (tiết nhật), như tết trung thu, trung thu tiết, tết nguyên đán, nguyên đán tiết. Nhưng tết không đồng nghĩa với tiết trong ngữ nghĩa của tiết khí, tức một khoảng thời gian có chung một thứ thời tiết hay khí hậu, như tiết lập xuân, tiết xuân phân, tiết đông chí, tiết thanh minh, v.v., thuộc 24 tiết khí trong năm. Hoặc rất ít khi nghe nói chữ tết dùng trong tết Thanh Minh, tương đương và thay cho tiết Thanh Minh: Thanh Minh trong tiết tháng ba (Kiều). Tết cũng không chia sẻ với tiết (節) trong những ngữ nghĩa khác của tiết, tức không thể thay tiết bằng tết trong những chữ như: tiết kiệm, chi tiết, tiết mục. tiết tấu, v.v..

Thiếu thốn tin liệu ở thế kỉ trước, không xác nhận được mối liên hệ ngữ âm của Giêng trong tháng Giêng, với Dần trong tháng Dần, của lối gọi 12 tháng âm lịch hồi xưa (xem phía trên). Thiếu thốn tin liệu nầy cũng đã dẫn tới việc cho Tết là lối đọc trại của tiết, tiết là một âm Hán Việt do tiền nhân tạo phát âm cho chữ 節 [jie] cho hợp với “khẩu vị” của người nước Nam, chứ không phải như có nhiều âm gần với [tiết] ứng với chữ 節 [jie], trong nhiều tiếng địa phương ở phía Bắc, ngày nay. Nếu thử tìm lí giải về khác nhau giữa tết tiết, có lẽ, cần phải để ý đến một vài tiền đề thường nằm chính giữa Hán Nôm học, cũng như ngữ học Tây Phương. Trước hết là tiền đề về tính định để (arbitrary) của từ vựng, hiểu trên phương diện của đa số người xử dụng ngôn ngữ, và nhiều khi kể luôn cả học giả nước ngoài khi nghiên cứu về tiếng Việt. Tiền đề nầy có thể tóm tắt là dù là dù, dù là ô, tết là tết, tết là tiết, chú trọng nhiều đến ngữ âm hay cách phát âm, và ngữ tả tức chữ viết. Chứ rất ít khi, để ý đến những từ nầy đã biến chuyển từ, hay dựa vào những từ có trước đó, hoặc trước trước đó, rất nhiều khi có ngữ nghĩa không giống với ngữ nghĩa của từ đang được quan sát. Thí dụ như liên hệ giữa dù / ô với vũ tản, hay télé với television (TiVi). Tiền đề quan trọng kế tiếp là tiền đề về một dân tộc một ngôn ngữ, hoặc một ngôn ngữ nằm trong nhóm ngôn ngữ. Tiền đề nầy dính liền với mô pháp (paradigm) và tự nhiên sẽ tạo giới hạn cho nghiên cứu ngôn ngữ trong vòng nhóm ngôn ngữ, hay liên hệ của ngôn ngữ với một vài tiếng láng giềng chung quanh. Tiền đề nầy cũng giống như kiến thức tiền định (a-priori knowledge), theo Immanuel Kant [29], thường không cần chứng minh hay trải nghiệm. Một hệ luận của tiền đề nầy là giao tác lịch sử, sẽ nhấn mạnh ở chỗ có giao tác lịch sử (như chiến tranh, chiếm đóng) giữa những cộng đồng nói những thứ tiếng khác nhau, theo quan sát thời nay dựa vào sách vở. Nhưng cũng do quy ước hay qui luật nằm trong mô pháp, hệ luận hay tiền đề nầy sẽ dễ dàng lướt qua những gì không có ghi chép trong sử sách, như dời cư vì kinh tế, hay loạn lạc, nạn đói, hoặc chiến tranh, giặc giã, gông cùm của kiếp nô lệ, v.v.. Tóm tắt là từ vựng thường mang tính trơ, chứ không phải hữu cơ hay dính liền với sinh hữu, với sự sống.

Nếu quan sát chữ Tết theo kiểu hữu cơ, cần để ý là theo quyển tự vị của Lê Ngọc Trụ [19] bánh tét còn có tên gọi là bánh tày, tét có đồng nghĩa hoặc âm gần là tết. Âm [tày] trong bánh tày tức bánh tét rất gần với [ti:] hay [đây] trong tiếng Khmer, mang nghĩa đất. Âm [tày] cũng rất giống tiếng Hangzhou [tay] cho chữ Hán 地 [di], tức địa (đất), phát âm [tuē] hay [tè] trong tiếng Phúc Kiến (Mân Việt). Âm tày trong Tiếng Mường của Tết là Thết, thật ra gần với ngữ âm tiếng Thái [thaat] [25], tiếng Lao [tʰȃːt] [7]. mang nghĩa đất, dùng trong thuyết Ngũ Hành. Trong đa phần các ngôn ngữ dựa vào a-b-c âm [d] gọi là tắc âm tỏ (voiced stop) và [t], tắc âm điếc (unvoiced stop) [20]. Nhưng trong nhiều tiếng không dựa vào kí âm theo kiểu Latin a-b-c, như tiếng Thái và tiếng Trung, hai âm đầu [d] (tức đ tiếng Việt) và [t] ưa biến chuyển qua lại với nhau. Như tàu hủ với đậu hủ hay đậu phụ, hoặc ba đào với Ba Tàu [15]. Lối viết chữ Đ tiếng Việt giống với chữ cái Đ (hay ð hoặc đ) trong các tiếng như Iceland (Đ / ð đọc [eð]) và Croatia (Đ / đ đọc [d͡z]), và âm của hai tiếng nầy không giống âm [đ] tiếng Việt. Âm chữ đ trong tiếng Việt gần với âm d trong tiếng Anh, tiếng Pháp: demand/demander: đòi. Thí dụ: ca sỹ đoản mệnh Teresa Teng (tức 邓丽君 Đặng Lệ Quân) có phát âm quan thoại là [Dèng Lìjūn] và âm Taiwan là [Teng Li-yun]; hoặc hướng Đông 東 [dong] ngày xưa đọc theo phiên âm Wade Giles là [tung]. [Deng] và [Teng], [dong] hay [tung], có nghĩa âm đầu [d] và [t] biến chuyển qua lại với nhau, trong ngôn ngữ không dựa vào a-b-c. Từ đó có thể thấy khả năng, thời chưa có chữ viết, có thể kéo dài hằng nghìn hay hằng chục ngàn năm, chữ tét trong bánh tét có thể phát âm như đét. Tức tét ứng với đét, đét tương đương với đất. Chuyện này thật ra rất khả thi khi nhớ tới Trời và Đất là hai thực thể linh thiêng nhất trong sinh tồn, xưa cũng như nay. Và Trời-Đất có thể gọi bằng Chèng Đét theo tiếng Việt “cổ”: trời đất ơi tức là chèng đét ơi (hay mèn(g) đét ơi) suy đoán theo kiểu ăn khớp.

Đét tét (tết), đất, nhưng móc nối giữa chèng với trời thì ra sao? Chèng cho ấn tượng là một thứ từ bản địa nhưng có thể có liên kết với các ngôn ngữ chung quanh bời nhân loại đều có chung một bầu trời và một Ông Trời (hay Bà Trời). Theo kiểu chồng=trượng (phu), chèng có thể mang âm gần với [zhong][chong] (trùng/trọng) 重 trong cửu trùng (九重 – chin tầng mây), hay [tian] (thiên) 天 trong cửu thiên (九天 – trên trời cao), hoặc mang nghĩa trực tiếp với Trời qua 天上 [tian shang], bao gồm các ngữ nghĩa: bầu trời, thượng đế, ông trời, trời. Cả hai âm pinyin quan thoại [tian shang] 天上, chuyển qua phương ngữ có thể đọc gần như chèng, như [tiêng ziên] tiếng Tiều hay [zhan] 上 (giống chèng) trong tiếng Wuxi (無錫) ở tỉnh Giang Tô (xem Wikipedia).

Thường thấy trong các từ liên quan đến tư tưởng hay tâm linh, một hay hai ngữ từ có thể liên kết đến cả chùm ngữ nghĩa, như kiểu ngũ hành (thí dụ: hành Mộc chỉ hướng Đông, màu xanh, gỗ và cây cối, mùa xuân, v.v.), hoặc những từ như dukkha, dharma, v.v.. Ở khía cạnh này, Chèng đét có thể là âm quốc ngữ “dính líu” tới tiếng Thái [chaawng khlaawt] (tức chèng hay yoni), và [gra daaw] (tức đét hay linga), nằm trong văn hóa phồn thực. Chèng đét do đó đồng nghĩa với nõn nường hay nõ nường (nường=chèng; nõn=đét), trong lễ hội nõ nường. (Để ý lễ hội nõn nường của văn hóa phồn thực có liên hệ ít nhiều đến tín ngưỡng cộng đồng, vào thời đại chưa có sự cạnh tranh của Khổng giáo.) Trong ngữ bản thời phồn thực, đét tức đất có thể tiêu biểu bằng nõn hay (linga) và do đó mang hình dáng giống hình trụ, giống bộ phận sinh dục người nam, giống cái nêm có hình lăng trụ, và giống bánh tét. Đất do đó mang giống đực (dương), và bánh tét, biểu tượng cho đất giống đực, phải có dạng hình trụ của nõn tức phallus. Bành tét móc nối với văn hóa phồn thực khác với một thứ bánh khác, cũng tiêu biểu cho Đất hay thần đất bánh chưng luôn dùng hình vuông. Để ý là văn hóa phồn thực phải có trước các thứ văn hóa tránh né và kiêng kị nõn nường sau nầy (như văn hóa Khổng Mạnh), và đó có thể là lí giải cho bánh đất hình trụ (bánh tét) khác với bánh đất hình vuông (bánh chưng), và văn hóa dùng hình vuông biểu tượng cho đất, có sau văn hóa dùng hình trụ thay cho đất hay tét, hoặc nõn trong lễ hội nõn nường. Chuyện nầy có lẽ cũng giống như lễ Giáng Sinh, vào thời xa xưa, có dạng là lễ hội nhằm vào khoảng giữa mùa Đông của giới pagan (vô thần). Tương tự, chèng (yoni) mang giống cái (âm), chỉ mặt trời, hình tròn, nang, mo nang, tương đương với nường (yoni). Thứ tự hai từ chèng đét (trời đất) khác với tương đương nõn nường (đất trời) có lẽ liên hệ đến vai trò quan trọng của dương khí hay âm khí tùy với cộng đồng và/hay thời đại. Nếu mặt trời là biểu tượng âm khí thì thần mặt trời phải là nữ phái, như Amaterasu tức Thái Dương thần nữ (Ōhirume-no-muchi-no-kami (大日孁貴神)), hay Thiên Mẫu. Tại nhiều cộng đồng trên thế giới, đấng linh thiêng biểu tượng bằng mặt trời được xem là phái nam, như Ông Trời, Thượng Đế hay Trời Cao (Le Ciel). Trong khi tiếng Đức cho mặt trời Die Sonne giống cái, ứng với thần mặt trời Sól hay Sunna thuộc phái nữ. Cũng trong tiếng Đức, quả đất Die Erde giống cái, có lẽ theo ảnh hưởng của cổ tích Old Norse (Bắc Âu cổ) với thần đất Jörð, phái nữ, mẹ của thần Thor (Wikipedia). Còn mặt trăng Der Mond giống đực, có lẽ theo thần trăng Máni, phái nam.

Kiểm chứng bằng lối thay chữ hay ăn khớp sẽ thấy mèn(g) tương đương với chèng, bởi mèn đét ơi có thể thay cho chèng đét ơi, trời đất ơi. mèn mang nghĩa trời có thể móc nối với một từ hơi xưa là旻 [mín], mang nghĩa trời, bầu trời, và hiện thường dùng chỉ mùa thu, trời mùa thu. Trong tiếng Cua (Mon-Khmer) có từ kí âm là [mɨŋ] [7] mang nghĩa vươn lên trời. Con dế mèn theo sinh vật học cùng giống với châu chấu, cũng gọi là ngựa trời. Dế mèn tức dế nhũi (mole cricket) có thể gọi theo tiếng Hoa là 天蝼 [tianlóu], với [tian] (thiên) mang nghĩa Trời. Do đó mèn hay chèng là những âm “xưa” có thể thay nhau với Trời, Trời đất ơi tương đương với Mèn(g) đét ơi hay Chèng đét ơi.

Từ mối liên hệ giữa Tết tét trong bánh tét, cũng như tục lệ nấu bánh tét, bánh chưng (mang một nghĩa là bánh đất, xem ở trên), vào ngày Têt, có thể đưa ra một giả thiết là ngày Tết liên quan đến đất hay thần đất, Tết là một lễ hội quan trọng chung quanh việc cúng tế thần đất, cám ơn cho vụ mùa vừa rồi và cầu khấn thần tiếp tục trừ khữ tà ma, xui xẻo, hay dàn xếp cho được khí hậu tốt vào vụ lúa tới. Tết cũng luôn luôn dính liền với việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Chữ Tết tiếng Việt do đó mang nghĩa cơ bản của canh nông, văn hóa canh nông, và dính liền với đất hay thần đất. Ngày xưa thật xưa, và có thể trước cả ấn định cho tiết nguyên đán nhằm vào ngày mồng một tháng chính (tháng Giêng) của âm lịch, Tết ta rất có khả năng xảy ra vào khoảng mùa Xuân ở khu vực nam Trung Hoa, kéo sang Thai / Lao và bao gồm nhiều khu vực sắc tộc ngày nay, như Lahu, Đai (Tai), vào khoảng tháng 3 âm lịch hay tháng thứ năm tính từ tháng Tí là tháng 11 âm lịch ngày nay. Chuyện ngày Tết là ngày vui chơi của cộng đồng, sau một vụ mùa còn có thể thấy trong cộng đồng người Miao ở Quế Châu (Guizhou / Kweichow 贵州), với Tết vào khoảng tháng 10 Dương Lịch, tức sau Tiết Thu Phân một tí. Tiết Thu Phân gọi là Autumn Equinox (Anh), có ngày và đêm dài bằng nhau, như tiết Xuân Phân (Spring Equinox), và Tiết Thu Phân thường xảy ra vào khoảng tiết Trung Thu (xem Wikipedia), cũng là một ngày lễ lớn của cộng đồng sau tiết nguyên đán.

Nhưng ý nghĩa chính của Tết vẫn là đất, và cũng ở lí do nầy, có thể thấy việc nấu bánh chưng, bánh tét cho ngày Tết quan trọng hơn việc là làm bánh dày (giầy) hay bánh ú, cả hai thứ nầy thiên về biểu tượng cho Trời. Mặc dù, ở nhiều nơi người ta cúng với bánh tét bánh ú vào ngày Tết, tức cúng Trời Đất, cúng Trời Đất một lượt với nhau. Bành giầy (dày) mang ngữ âm gần với giời (trời), và cần nhớ là giời không phải là lối đọc trại hay nói ngọng, hoặc không chuẩn của trời, bởi trời giời có liên hệ khác nhau với các tiếng khác. Chữ giầy trong bánh giầy ứng với nhiều ngữ nghĩa, nhưng chính yếu, ngữ âm [giầy] rất gần với âm [giời], tức trời. Trước hết, bánh giầy là thứ bánh làm bằng bột gạo nếp, hình tròn và dẹp biểu tượng cho mặt trời, và ngữ âm [giầy] hay [dày] rất gần với âm tiếng Thai [jee] mang nghĩa một thứ bánh làm bằng bột gạo, cũng như chữ 糍 [ci] (âm Ngô Việt [dzy]). mang nghĩa bánh nhân cũng làm bằng bột gạo xay nhuyễn. Ngữ âm [giầy] cũng rất gần với âm [zai] (霁) tiếng Quảng Đông, gần [giời], mang nghĩa chính là bầu trời, bầu trời quang đãng, hay [ji:s] tiếng Phong [7] mang nghĩa mặt trời. Và [giời] cũng mang âm gần với [jo:l] tiếng Pear, hay [ju:j] tiếng Chong (phía Tây nước Khmer), cả hai mang nghĩa bầu trời. Nhớ là trong nhiều ngôn ngữ, những ngữ nghĩa bầu trời, mặt trời, ông Trời, Thiên Mẫu, trên trời (thiên đường), thường hoán chuyển với nhau.

Chữ trời, trong lối ráp chữ quốc ngữ, thật ra là một sáng tác của Taberd [1][2], khi thay thế toàn bộ các âm đầu có trong tiếng Việt và Mường, như tl hay bl thành ra tr, như blăng / tlăng=> trăng; blời / tlời=> trời; tlứng=> trứng, tlốc=> trốc (đầu), tlai / blai => trai, v.v. Âm đầu [bl] như trong blời (trời) có thể ứng với [pl] như [pləːj] tiếng Pong [7]. Âm theo dạng [bl] hay [tl] hoàn toàn không hợp với “khầu vị” của tiếng Trung hay tiếng Pháp, hoặc ngược lại có thể âm đầu [bl] hay [tl] là thích hợp với khẩu vị người bản địa và do đó ứng với các từ lân cận mang âm đầu là âm chữ [l]. Theo [22], người Hoa vào khoảng thế kỉ 15 (An Nam Dịch Ngữ [24]) đã dùng chữ 雷 [lei], mang nghĩa sấm sét (từ trên trời) để kí âm cho blời hay tlời. Trong khi tự điển Nôm trực tuyến [23] kí âm chữ blời như 󰅴, bao gồm chữ 巴 [baa] (thay cho [b]) viết trên chữ 俐 [lei] ([lị][lợi], gần âm quốc ngữ [lời]), [baa] và [lei] là âm Quảng Đông, ứng với hai âm Việt là [ba] và [lị], tức viết theo Nôm, blời=b+lời, 󰅴 [blời]= 巴 [b] + 俐 [lời], có vẻ như một sáng tác mới sau khi chữ Nôm được viết trên máy điện toán dùng kỹ thuật số, tức rất khó dùng trong “khảo cổ”. Nhưng kí âm Nôm chỉ được biết nhiều sau nầy, qua kí âm viết theo ráp chữ của quốc ngữ, chứ không nói lên ngữ nghĩa, nhất là nghĩa ví phỏng, hay nghĩa xa xưa, nghĩa ban đầu, như kiểu nói mớ khi nằm mơ, hoặc dù / ô là âm tương đương với (mưa) trong vũ tản -雨傘. Chữ 雷 [lei] hay [lôi] dùng ở thế kỉ 15-16 (xem [24]), mang ý nghĩa ví phỏng sấm xuất phát từ trên trời, rất có khả năng là một trong những ngữ âm ban đầu liên hệ đến ngữ âm blời hay tlời, mang ngữ nghĩa của trời theo phép ráp chữ của Taberd. Ngữ âm [lei] 雷có thể mang liên hệ với 雷公 [leoi gung] (Lôi Công) tiếng Quảng Đông, hiểu như Ông Thiên Lôi. Một ứng viên khác về ngữ âm đưa đến ngữ âm [lời] trong blời là âm [luo] của chữ 落 [luo] trong 日落 [ri luo], mang nghĩa mặt trời lặn. Âm [luo] 落 nầy ứng với các phát âm [laai] Quảng, [loh] Tô Châu, Triều Châu, [lou] Mân Việt, [lo] hay [la] Ôn Châu, tất cả có thể tương đương với âm quốc ngữ [lời] dẫn đến blời. Còn một ứng viên khác là chữ 日 [rì][mì] (mặt trời), có âm tương đương trong tiếng Mân là [lit] theo biến chuyển qua lại giữa âm nứu (alveolar) [r] và [l], và [lit] gần với [lị], hay [lih] tiếng Palaung (mặt trời mọc), và [li] 利 ứng với âm quốc ngữ [lợi], tương ứng với [lời] trong blời. Chữ 日 [rì][mì] có phát âm như [nieh] Vô Tích (Ngô), [yäk] Nam Quảng Đông, rất gần với âm quốc ngữ [nhật], trong khi 日 [nyit] Tô Châu, [gnit] Hẹ lại gần với [nhựt]. Âm chữ 日 [rì][mì] (mặt trời) trong tiếng Ôn Châu (Chiết Giang) chính là [zai], và âm Ngô Việt là [zeq] hay [zheh], tiến đến [zời] hay [giời] rất dễ. Đối với người Pháp, âm đầu [bl] và [tl] hoàn toàn xa lạ, nên có thể hiểu, rất có khả năng, đó là lí do đưa Taberd đến thay thế toàn bộ các âm đầu [bl] và [tl] trong tiếng Việt ra [tr]. Cũng cần nhớ là trong một quyển sách xuất bản năm 1922 (Les Origines de la Langue Annamite (Variétés Tonkinoises – Bắc Kỳ Tạp Lục)), chữ mặt trời được viết là mặt lời, giống một kí âm chữ Nôm cho [lợi] hay [lệ] (例), và có vẻ các tác giả người Pháp thường xuyên dị ứng với phụ âm [bl] hay [tl], hoặc [kl] mà tiếng Pháp không có.

Trở lại chuyện bánh dày và bánh ú là hai thứ bánh tượng trưng cho mặt trời. Bành dày hình tròn biểu tượng hình dáng của mặt trời, nhưng bánh ú có hình dáng bên ngoài, hình khối bốn góc (tetrahedron), giống như bánh ít, và cùng tượng trưng cho bầu trời, hay 4 chân của bầu trời, hay vòm trời, hoặc tượng trưng cho trời, cho mặt trời. Trong huyền thoại xa xưa có bà Nữ Oa (女娲 [Nüwa]), đã bỏ công sửa chữa 4 chân trời đã xập, thay thế bằng 4 chân con rùa lớn khủng. Hình bốn góc của bánh ú có 4 góc biểu tượng cho 4 chân của vòm trời. Ngữ âm [ú] rất gần với với âm Nam Kinh hoặc Ngô Việt [u] hay [oh] cho chữ 屋 [ốc], mang nghĩa mái nhà, căn nhà hay vòm che (vòm trời, dome). Chữ 屋 [u] nầy tương đương với ngữ âm [u] trong tiếng Akha trong cùng khu vực, mang nghĩa bầu trời. Xa xa, ngữ âm [ú] cũng có thể có liên hệ với âm [u] hay [ud] chỉ mặt trời, trong tiếng Sumer [26] ở khu Lưỡng Hà (Mesopotamia) cách đây khoảng 7 thiên niên kỉ. Tiếng Sumer, cũng có âm [mu] mang nghĩa đàn bà giống chữ Mụ tiếng Việt, hay ngữ âm [ne] (respect) mang nghĩa rất giống nể (nể nang / kính nể) tiếng Việt. Còn chữ ít trong bánh ít mang ngữ âm gần với chữ East tiếng Anh, mang nghĩa nơi mặt trời mọc, hay Ất (hướng Đông) trong Ất Giáp (cũng có nghĩa là một hai, 1-2), hay [aad] trong [aadityaa] tiếng Sanskrit, mang nghĩa mặt trời, hay ngữ âm [is], rất giống East (Đông), trong tiếng Aslian ở khu vực Malay, mang nghĩa ban ngày. (Chữ ngày tiếng Việt, có ngữ âm rất gần các âm Mon / Khmer như [tngaj] hay [thngay], hoặc Khasi như [sngi] mang hai nghĩa ví phỏng nhau là mặt trời ban ngày. (Để ý trong tiếng Pháp mặt trời le soleil, trong khi ngày le jour, nhưng ngữ âm [jua] (gần jour) ứng với mặt trời trong tiếng Swahili). Tóm lại, hai chữ ú ít mang ngữ âm quốc ngữ ứng với bầu trời, vòm trời hay mặt trời và có hình dáng tetrahedron (khối 4 mặt) với bốn góc tượng trưng cho bốn cột trụ của bầu trời.

Theo lí giải dùng nhiều chiều hướng khác nhau vừa trình bày, chữ Tết có ngữ âm “thuần Việt”, chỉ dính dáng với tiết trong cách dùng tương đương với tết nguyên đán tết trung thu. Ở những ngữ nghĩa bên trong, tết liên hệ đến tét, đét, đất, hay thần đất, trong khi tiết nguyên đán mang nghĩa trực tiếp là ngày đầu năm (âm lịch). Chuyện Tết ta (xưa) dính liền với lễ tế thần đất cũng phù hợp với lễ hội lớn về vụ mùa Gạo (Rice Harvest Festival) ở Bali thuộc Indonesia. Lễ Mùa Lúa nầy cũng có mục đích chính là khấn xin thần ra tay bài trừ ma quỷ ra khỏi đất canh tác, tổ chức vào đầu năm, trước mùa gặt (xem Wikipedia). Khoảng thời gian người xưa ăn Tết (ta), rất có khả năng, ứng với khoảng tháng 3 âm lịch, trước tiết Thanh Minh, và trong khoảng tiết Xuân Phân. Tháng 3 chính là tháng 5 kể từ tháng Tí xem như tháng đầu tiên (1) của một thứ lịch cổ thời, tức lịch nhà Châu. Tháng 5 ăn Tết ứng với việc tái tân (renewal) cho một chu kì 12 tháng, sau mùa gặt, và do đó đánh dấu năm mới bằng chữ năm (tháng thứ 5 của lịch nhà Châu). Tháng 5 nầy thật ra ứng với tháng 3 kể tháng Giêng (Dần) là tháng 1, theo lịch nhà Hạ và nhà Tây Hán (xem phía trên). Tháng 3 ứng với ngữ âm [bpee] tiếng Thái và [pi:] tiếng Lao, mang nghĩa số 3 trong các tiếng láng giềng, tức, rất có khả năng là tháng thứ 3 kể tháng Giêng là tháng 1. và cũng mang nghĩa là năm (year) trong tiếng Thai / Lao. Lễ hội lớn vào khoảng tháng 3 âm lịch cũng thấy trong cộng đồng Thai / Lao, Dai (Tai), Lahu, Miao, Zhuang (Tráng / Choang). Trong khi tiết nguyên đán đơn thuần là ngày đầu năm của âm lịch nhà Hạ và Tây Hán, tức ngày mồng 1 tháng chính (zhèngyué 正月), tức mồng 1 tháng Giêng hay tháng Dần theo lịch nhà Hạ và Tây Hán.

Cuối tháng 11, 2022

Nguyễn Văn Ưu


1 Bánh đa đồng nghĩa với bánh tráng, với chữ đa có âm gần âm Triều Châu [dua] ứng với chữ 单 [dan] mang một nghĩa là sheet (tấm mỏng) giống như tráng (trang 张: sheet)  

2 Ngô Việt tức 吳越 [Wuyue] được xem như một thứ tiếng có nhiều người nói ở nước Trung ngày nay. Địa bàn tiếng Wuyue trùng hợp với địa bàn hai nước Ngô và Việt ở thời Chiến Quốc (475-221 TCN), ở khu vực Chiết Giang, Giang Tô ngày nay. Chữ 越 [Việt] nầy cũng là chữ Việt dùng cho Việt Nam, và Ngô là tên gọi nước Trung của người Việt cho tới thế kỉ 19 [9]. (Xem Wikipedia về Việt Vương Câu Tiễn).  

3 Ôn Châu (Wenzhou 温州) nằm ở phía Đông Nam của Chiết Giang, có tiếng nói xếp vào Ngô Việt (Wuyue), có thể xem như giống tiếng của người Việt ở nước Việt của Câu Tiễn (Goujian 句踐, 496-465 TCN) thời Xuân Thu Chiến Quốc xa xưa (xem Wikipedia).  

4 Thailand thay đổi từ Âm Lịch sang Dương Lịch vào năm 1889 dưới thời Vua Chulalongkorn (Rama V) (xem Wikipedia), và vẫn giữ Songkran (tháng 4 Dương Lịch) làm lễ hội chính.  

5 Songkran có gốc từ saṅkrānti tiếng Sanskrit mang nghĩa di động (của mặt trời). Tên gọi năm mới tiếng Lao là Pi Mai (ປີໃຫມ່), với [Pi:]= năm, và [mai]= mới. Ngày mai = ngày mơi = ngày mới.

 6 Theo [18], chữ noon tiếng Anh có cùng gốc với nine (9) chỉ giờ thứ 9 kể từ rạng đông (6 giờ sáng), tức noon ban đầu có nghĩa là 3 giờ trưa. Chuyện lùi lại từ 3 giờ trưa thành 12 giờ trưa xảy ra vào khoảng thế kỉ 12-14.  

———

THAM KHẢO

1. Alexandre de Rhodes (1651) Dictionarium Annamiticum – Lusitanum – Latinum. Hiệu đính: Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính. Tái bản: Viện Khoa Học Xã Hộii – HCM 1991.

2. A J. L. TABERD (1838) Dictionarium Anamitico-Latinum. Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học – Nhà Xuất Bản Văn Học tái bản (2004). Bản Điện Tử: The Vietnamese Nôm Preservation Foundation:

http://nomfoundation.org/nom-tools/Taberd-Dictionary?uiLang=vn

3. Huình Tịnh Paulus Của (1895) Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Imprimerie Rey, Curiol & Cie. Re-published by Nhà Xuất Bản Trẻ, 1998.

4. Từ Điển Hán Việt Trích Dẫn: http://www.vietnamtudien.org/hanviet/

5. http://cn.voicedic.com

6. CantoDict Project: Cantonese-Mandarin-English Dictionary – http://www.cantonese.sheik.co.uk/scripts/wordsearch.php?level=0

7. SEAlang Mon-Khmer Languages Project:

http://sealang.net/monkhmer/dictionary/

8. The Old English Dictionary: https://old-engli.sh/dictionary.php

9. Quán Văn: “Chuyến Đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi” của Petrus Trương Vĩnh Ký https://tiinz.com/2022/05/27/chuyen-di-bac-ky-nam-at-hoi-1876/

10. Axel Schuessler (2009) Minimal Old Chinese and Later Han Chinese – A Companion to Grammata Serica Recensa. University of Hawai’i Press (Honolulu)

11. Numbers in 5020 languages: http://www.zompist.com/numbers.shtml

12. http://www.zdic.net (Chinese Dictionary)

13. Nguyễn Văn Ưu (2022) Quan Sáy về Cái Con. Firmament, Vol.15, No. 2, July 2022, pp 103-115.

14. Lê Quý Đôn (1726-1784) Vân Đài Loại Ngữ (bản dịch: Tạ Quang Phát (1995)). Nxb Văn Hóa Thông Tin.

15. Nguyễn Văn Ưu (2022) Nôm na là Cha Mách Qué. Firmament, Volume 15, No. 3, October 2022, pp 182-199

16. Nguyễn Văn Ưu (2022) Thử tìm nghĩa gốc của vài từ ngữ quen thuộc. Firmament, Volume 14, No 4, January 2022, pp 64-74

17. Beata Stawarska (2015) Saussure’s Philosophy of Language as Phenomenology: Undoing the Doctrine of the Course in General Linguistics. Oxford University Press. 286pp

18. Online Etymology Dictionary: http://www.etymonline.com

19. Lê Ngọc Trụ (1959) Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị. Nxb Thanh Tân (Sài Gòn), 562pp

20. André-Georges Haudricourt (1954) De l’origine des tons en vietnamien, Journal Asiatique 242: 69-82 (1954).

21. Nguyễn Văn Ưu (Nguyên Nguyên) (2022) Ngôn ngữ và Ngôn ngữ. Dạng bản thảo: https://www.dropbox.com/s/71oukdu8pih2fx2/23-nom-na.pdf?dl=0

22. Trần Văn Giáp (Lê Văn Đặng thực hiện) (2002) Lược khảo vấn đề Chữ Nôm. Ngày Nay Publishing 2002. 238pp

23. Vietnamese Nôm Preservation Foundation – Tự Điển Chữ Nôm Dẫn Giải:

http://nomfoundation.org/nom-tools/Nom-Lookup-Tool/Nom-Lookup-Tool?uiLang=en

24. An Nam Dịch Ngữ: Vương Lộc giới thiệu và chú giải (1995). Nxb Đà Nẵng & Trung Tâm Từ Điển Học (Hà Nội).

25. http://www.thai-language.com/dict/search

26. John A. Halloran: Sumerian Lexicon (Version 3.0):

Click to access sumerian.pdf

27. Edwin G. Pulleyblank (1991) Lexicon of Reconstructed Pronunciation in Early Middle Chinese, Late Middle Chinese, and Early Mandarin. UBC Press (Vancouver). 497pp

28. Chinese Etymology: https://hanziyuan.net/

29. Paul Guyer, Ed. (2010) The Cambridge Companion to Kant’s Critique of Pure Reason. Cambridge University Press. 470pp