Sài Gòn – Gia Định qua mấy vần Ca Dao

BS Phan Giang Sang

(trích TUYỂN TẬP PHAN GIANG SANG III – Y HỌC VÀ ĐỜI SỐNG 2016)

Sai gon-Gia dinh 05

Tây đánh chiếm Sài Gòn Gia Ðịnh năm 1861 (Vikipedia)

Vùng đất Gia Ðịnh có được là nhờ công lao của ba vị chúa là:

  • Chúa Hiền hay Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687)
  • Chúa Nghĩa hay Nghĩa Vương Nguyễn Phúc Thái (1687-1691)
  • Chúa Minh hay Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725)

Vì muốn gây thế lực hùng mạnh hầu chống chọi với chúa Trịnh ở Ðàng Ngoài, năm 1620 để tạo mối giao hảo với Chân Lập, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1614-1635) gả công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn cho vua Chân Lập là Chey-Chetta II (trị vì từ 1618-1628), và công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Khoa cho vua Champa là Po Romé (1627-1651), vào năm 1631.

 Với tài khôn khéo của Ngọc Vạn xin Chey-Chetta nhượng cho Việt Nam khu dinh điền vùng Mô Xoài để canh tác năm 1623. Cùng năm đó chúa xin mở trạm thâu thuế người Việt vùng Prey Nokor và Kas Krobey tức Sài Gòn Gia Ðịnh. Từ đó chúa mở bàn đạp lấn chiếm Nam Bộ. Vùng đất Nam Bộ vào thời đó thường hay bị ngập lụt nên gọi là Thủy Chân Lập (Le Chan-la des eaux du Basse, Chochinchine). Thật ra trước đây vùng đất này của nước Phù Nam bị Lục Chân Lập (Le Chan-la des montagnes ou Cambodia) chiếm vào Thế kỷ thứ VI.

Theo Ðại Nam Thực lục Tiền Biên thì vào tháng Hai Mậu Dần (1698), Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất, cử vào kinh lưọc xứ Ðồng Nai. Theo đường biển, thuyền của Nguyễn Hữu Cảnh đi ngược dòng Ðồng Nai đến ở tại cù lao Phố, là một cảng sầm uất nhứt miền Nam bấy giờ. Ở đây, Nguyễn Hữu Cảnh ra sức ổn định nhân tình, hoạch định cương giới xóm làng. Lúc đó miền Nam chia thành ba dinh lớn:

  1. Trấn Biên dinh (Biên Hòa), có nghĩa là biên thùy
  2. Phiên Trấn dinh (Gia Ðịnh)
  3. Long Hồ dinh (Vĩnh Long)

 Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Ðồng Nai lập thành huyện Phước Long, Vùng Sài Gòn thành huyện Tân Bình. Hai huyện nầy được đặt dưới quyền của Gia Ðịnh thành. Theo cuốn Sài Gòn Năm Xưa (1960) của Vương Hồng Sển, thì người Chân Lập gọi là Sài Gòn, người Hoa thì gọi  là ‘Tây Cống hoặc Xây- Cóon, hay Xi- cóon’. Thật ra tên Sài gòn là tên của người Chân Lập.

Ông cho mở rộng, khai khẩn đất đai, cho chiêu mộ lưu dân từ Bố Chánh trở vô đến đây lập nghiệp. Ông đặt ra phường, ấp, xã, thôn, chia cắt địa phận, mọi người phân chia ruộng đất, chuẩn định thuế đinh, điền và lập bộ tịch đinh điền. Con cháu người Hoa ở nơi Trấn Biên thì lập thành xã Thanh Hà, ở nơi Phiên Trấn lập thành xã Minh Hương, rồi ghép vào sổ hộ tịch.

Năm 1679 bên Trung Quốc, dưới đời nhà Thanh, Khang Hy năm 18, các di thần nhà Minh không phục bỏ chạy sang Việt Nam như: Tổng binh Long Môn Dương Ngạn Ðịch và phó tướng Hoàng Tiến, và Trần Thượng Xuyên cùng phó tướng Trần An Bình không phục nên đem tùy tùng và gia quyến trên 3.000 người, trên 50 chiến thuyền chạy sang Việt Nam xin đầu chúa Nguyễn. Chúa Hiền chấp thuận và cho họ ở lại và cấp đất cho họ khai khẩn. Họ được đưa đi chiếm vùng Ðông Phố. Dương Ngạn Ðịch kéo xuống chiếm vùng Mỹ Tho, còn Trần Thượng Xuyên vùng Ðồng Nai mà họ đọc trại ra là ‘Nồng Nại’. Nhưng đến năm 1778, một nhóm ở Biên Hòa chạy xuống chiếm vùng Chợ Lớn làm ăn buôn bán cho tới ngày nay.

Người Minh Hương ra sức khai hoang khẩn đất, giúp chúa Nguyễn mở mang lãnh thổ, gây dựng làng xã. Triều đình được thêm dân, thêm đất và thêm thuế.

 Chúa Nguyễn bị Tây Sơn Nguyễn Huệ đánh bật khỏi Gia Ðịnh. Nhưng nhờ Cha Pigneau de Behaine mà Tây giúp chúa Nguyễn Phúc Ánh huấn luyện quân đội, tái chiếm Sài Côn, tức Gia Ðịnh Thành năm 1775. Ông cho xây Thành Gia Ðịnh (Citadel of Saigon) năm 1790, theo kiểu Tây Âu thật cao lớn, kiên cố, dài 1475m, có lúc làm cung điện, lại có hình bát giác, giống như con rùa, nên gọi là Quy Thành, để chống nhà Tây Sơn. Việc xây cất rất công phu và cần nhiều nhân công khắp nơi: Bắc, Nam, Tàu cho nên có câu:

Dân Bắc

Ðắp thành Nam                   

Nong đã là đông

Sầu Tây vòi vọi!

Sai gon-Gia dinh 06

Thiết kế của Olivier de Puymenel (nguồn: Vikipedia)

Người con trai tứ chiến lên giọng ta đây: tài cán, rành đời, cho đâu đâu cũng biết cả, dầu Trung (Phú Xuân tức Huế) hay Nam cũng đã biết luôn mới là kẻ mày râu.

Làm trai cho đáng nên trai

Phú Xuân cũng trải, Ðồng Nai cũng từng.

Sau khi lên ngôi năm 1802, vua Gia Long chia nước ta thành ba phần, để cai trị: Bắc Thành, Phú Xuân (Huế) và Gia Ðịnh Thành. Vua Minh Mạng phá bỏ Quy Thành năm 1935, sau 3 năm dẹp tan giặc Lê Văn Khôi, con nuôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt, vì thế mộ ông mới bị xiềng.

 Người Tây Ban Nha đã chiếm Phi Luật Tân từ năm 1571. Còn người Bồ Ðào Nha chiếm Mã Lai năm 1511. Chúa Nguyễn theo đuổi cuộc Nam Tiến, đẩy dân Chàm đi mãi tới đồng bằng sông Cửu Long. Vì là nơi ngập lụt nên gọi là Thủy Chân Lập (Le Chan-la des eaux du Basse, Cochinchine). Xưa kia vùng nầy của nước Phù Nam bị Lục Chân lập (Le Chan-la des montagnes ou Cambodge) chiếm vào thế kỷ thứ VI. Pháp phải mất 2 năm mới chiếm được thành Sài Gòn Gia Ðịnh:

Sai gon-Gia dinh 01

Lăng Ông ở Bà Chiểu

Sai gon-Gia dinh 02

Chùa cổ Ngọc Hoàng mà TT.  B. Obama viếng thăm ở Sài Gòn ngày 24/5/2016

Ngày 17.2. 1859, Ðô đốc Charles Rigault de Genoully dùng 14 chiến thuyền với 1.000 quân Pháp, nên ông phải mượn 1.000 quân nữa của Tây Ban Nha lúc đó có sẳn ở Hội An Tourane (Ðà Nẳng), gồm 550 cộng thêm 450 lính Phillipine vẫn thua. Ðô đốc Page lên thế. Nhưng ngày 21.9.1860, Ðô đốc Charner chỉ huy Liên quân Pháp-Tây Ban Nha, lại đánh phá nữa, cũng không thành công, vì sự kháng cự mãnh  liệt, và anh dũng của quân đồn trú do Tổng đốc Võ Duy Ninh chỉ huy. Phải đợi tới ngày 21 tháng Giêng 1861, với  70 tàu chiến và 3.500 quân rút từ Trung Hoa về, cùng số quân tuyển mộ ở Ma Cao, và nhờ sự chỉ dẫn của Lefèbre, Charner mới chiếm được thành. Trong trận này, Kinh lược Nguyễn Tri Phương bị thương ở đồn Kỳ Hòa (Chí Hòa).

Cho nên khi Pháp xây cất dinh Toàn Quyền, lại giữ hai mảnh đất nhỏ phía trước, để tỏ lòng biết ơn đồng bọn thực dân nhường nhịn và tương trợ lẫn nhau: Bên tay trái có tượng đài nhà bác học Petrus Ký là của Spain,  phía kia là Portuguese. Sau khi thành Gia Ðịnh thất thủ, Pháp chiếm gọn vựa lúa Miền Nam, Cochinchine. Ðề đốc Bonard vào cửa Mekong chiếm Ðịnh Tường. Ông ép phái bộ ta ký Hòa ước 1862 bắt nhượng ba tỉnh miền Đông: Biên Hòa, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường và Hòa ước 1864 nhượng tiếp ba tỉnh miền Tây: An Giang, Hà tiên và Vĩnh Long.   

Dinh Norodom của Toàn quyền Đông Dương. Ðại tướng Paul Ely trao cho Việt Nam sau hiệp định Genèvre 20/7/1954, thành Dinh Ðộc Lập của chánh quyền Cộng Hòa Việt Nam của TT Ngô Ðình Diệm   

Vì có mưu đồ xâm chiếm trước, nên khi vừa đổ bộ lên sông Bến Nghé ngày 22/2/1860, Pháp cho xây ngay cảng Sài Gòn để giao thương buôn bán, giao lưu văn hóa với Tây Phương. Ðây là hải cảng quốc tế đầu tiên với tên nhà Rồng. Từ đó các tàu buôn tứ xứ tấp nập lui tới nhộn nhịp.  

Sai gon-Gia dinh 03

Sai gon-Gia dinh 04

Tượng nhà bác học Petrus Ký

 Sai gon-Gia dinh 07

 Hạ Viện, Tượng người lính Thủy Quân Lục Chiến.

Sai gon-Gia dinh 08

Thượng Nghị Viện, Tượng An Dương Vương thời Việt Nam Cộng Hòa.

Hai tòa nhà này tượng trương chánh quyền tự do dân chủ theo Hiến Pháp.

Toà Ðô Chính, Nhà Hát Tây, Dinh Toàn quyền, Tòa án Sài Gòn, Thương xá Charner (1880) cũng được xây theo nét Tây phương pha lẫn nét Á đông rất tuyệt mỹ. Nhờ đó Sài Gòn rất xinh đẹp, phồn vinh đông đúc, phố xá khang trang, xây cất theo kiến trúc tao nhã, có cây xanh bóng mát hai bên vệ đường:

Ðường Sài gòn cây to bóng mát,

Ðường Chợ Lớn hột cát nhỏ dễ đi.

Sai gon-Gia dinh 09

Chợ Sài Gòn

Lá cây như lá phổi của đô thành. Cây xanh lá mát để hút thán khí, bụi bậm ô nhiễm biến mất, mà thế vào các cao ốc sừng sững, phải ngưỡng cổ, ngó lên làm mỏi cổ, không khí ngột ngạt, nóng bức khó thở.          

Tối đến có đèn neon  để quảng cáo xanh xanh, đỏ đỏ xinh đẹp chóp chóp đẹp mắt. Cảnh tượng tươi đẹp như cô gái dậy thì, duyên dáng, mỹ miều dễ mến, nên được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Ðông.

Ðèn Sài gòn ngọn xanh ngọn đỏ,

 Ðèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu.

 Anh về học lấy chữ nhu,

Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ.

Ngày nay nó mất đi cái đẹp duyên dáng mỹ miều, bởi vì là thành phố khô khan nóng bức, vì không có bóng mát, tàn cây cổ thụ che mát, không còn những vườn cây, như:

Thảo Cầm Viên có lịch sử lâu dài trên 140 năm cũng sắp bị xóa bỏ vào năm 2016, mất đi nơi dạo mát và giúp trẻ con nô đùa khỏe mạnh, cây cối, sinh động vật, nhất là mất đi khu vườn dược thảo đặc biệt để khảo cứu y học, độc nhứt vô nhị của nước nhà.

Sai gon-Gia dinh 10

Thương xá Charner xưa có xe bò ở trước

Chợ Sài Gòn được gọi là chợ Bến Thành vì nó nằm gần thành Gia Ðịnh. Sau dời về bên rạch Xa Ngư, rồi về chợ cũ, cuối cùng mới tới chợ mới ngày nay. Chợ này được xây từ năm 1912-1914, sau ba lần thay đổi chỗ.

Sai gon-Gia dinh 11

      Tòa Thị Sảnh Sài Gòn

Sai gon-Gia dinh 12 

Phụ nữ trước 1975 rất đoan trang

              Ngó lên chợ Thành có nhiều nam thanh nữ tú,

              Ngó về chợ cũ đủ thứ chim,

              Trách ai non dạ kiêm tiền

              Ðem lời huyễn hoặc đổi niềm tóc tơ!

(Chợ cũ có bán nhiều chim để mua rồi phóng sinh, còn chim bồ câu của chùa Chà Và nhiều lắm…)

Bến Sông Sài Gòn

Bến sông Sài gòn là nơi mà chiều chiều nam thanh nữ tú dạo chơi hóng mát, cũng xa lạ, mất hết cái nên thơ của con đò Thủ Thiêm người qua kẻ lại nườm nượp ngày đêm, nhứt là vào giờ đi làm và tan sở. Dầu ai đi qua đi lại cứ đi, con đò cứ âm thầm đưa khách qua sông. Tuy rằng ngày nay hình bóng nó không còn nữa, nhưng nó vẫn còn mãi trong lòng mọi người dân Sài gòn:

Bắp non mà nướng lửa lò

Ðố ai ve được con đò Thủ Thêm?

Nhưng nó còn thật đau đớn lòng cho những trai thanh nữ tú si tình, xưa kia từng đến đây tỏ tình, hẹn hò những lời hoa mỹ, thề thốt, đã lỡ hẹn câu thề, vì:

Ngày đi trăm hoa hẹn hò,

Ngày về vắng bóng con đò Thủ Thêm!

Thương Xá Tax, trước kia là Charner (thọ 130 tuổi), một công trình đồ sộ cổ kính nhứt thành phố Sài Gòn để bán buôn đồ quý giá, cũng không còn. Hiện nay nơi đây được xây thành trạm đường hầm xe tram nối liền với trung tâm giải trí nào đó, làm mất đi mỹ cảnh thanh lịch của Ðô Thành, mất đi dấu ấn của Sài gòn

Sông Sài gòn.

Trước kia, trước chợ Bến Thành có con rạch, cho nên có tàu bè tới lui. Ðầu tiên nó nằm bên bờ rạch gần cột cờ Thủ Ngữ. Chính vì thế, xưa Chợ Bến Thành mới buôn bán phồn vinh, ghe tàu các nước tấp nập tới lui rất náo nhiệt. Cho nên mới có mấy câu ca dao trước như:

Mười giờ tàu lại Bến Thành

Xúp lê vội thổi bộ hành lao xao.

 

Xứ đâu thị tứ bằng xứ Sài gòn,

Dưới sông tàu chạy trên bờ ngựa xe.

Dưới sông tàu lửa đậu liền,

Từ đồn Gia Khẩu sắp lên Nhà Bè

Có Tàu Ðông Việt, có ghe Bắc Kỳ.

Tàu bè, ghe buôn các nơi muốn ghé bến Sài gòn phải vào cửa biển Cần Giờ, tới Soài Rạp, Lòng Tàu rồi Nhà Bè tẻ vào sông Sài gòn để lên Gia Ðịnh.  Sông Sài gòn dài 256 km, phát nguồn từ Hớn Quản tỉnh Bình Phước, qua Dầu Tiếng Tây Ninh rồi Bình Dương mới tới Sài gòn. Ðoạn sông Sài gòn dài 80km xưa kia có tên là sông Bến Nghé, hay bến trâu, vì trâu tụ nơi đây để uống nước. Theo Trịnh Hoài Ðức sông rộng 142 tầm, sâu 10 tầm, khi nước lên cao 13 thước ta (?). Từ đây nó lại chia thành hai nhánh: Sông Sài gòn và Ðồng Nai. Cho nên có ca dao:

Nhà Bè nước chảy chia hai

Ai về Gia Ðịnh Ðồng Nai thì về.

 

Ai về Gia Ðịnh thì về

Nước trong gạo trắng dễ bề làm ăn.

 Ðồng Nai gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó lòng không muốn về.

Hết gạo thì có Ðồng Nai,

Hết củi thì có Tân Sài chở vô.

Còn nữa muốn biết rõ hơn, xin đọc bài này:

Bán buôn vật nọ hàng kia,

Lao xao thương khách xiết vì là đông.

Chiếc qua chiếc lại đầy sông,

Mù mù khói tỏa, đùng đùng máy kêu.

Những tàu đồng dát sắt neo,

Càng nhìn tận mắt càng xiêu cả hồn.

Sợ chi nghịch thủy nghịch phong

Dầu lòng chạy ngược, dầu lòng chạy xuôi.

(Theo Một số văn hóa của sông Sài gòn)

Ngày xưa tàu (chaloup) chạy bằng củi cho nên khói đen bay ra ngập trời là vậy.

Bến tàu cũng là cảnh biệt ly sầu não của những cặp tình nhân Việt Âu sau đây rất ư quen thuộc lúc nhỏ:

Mười giờ, ông chánh về Tây

Cô Ba ở lại lấy thầy thông ngôn.

Thông ngôn ký lục bạc chục không thèm,

Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay

Cảnh biệt ly vào thời mới có bến tàu, kẻ đi người ở nó não nùng làm sao?

Tàu xúp lê một, còn thương còn nhớ

Tàu xúp lê hai, còn đợi còn chờ

Tàu xúp lê ba tàu ra biển Bắc

Tay vịn song sắt, nước mắt ròng ròng

Thương em từ thủa mẹ bồng

Bây giờ em lớn, em lấy chồng bỏ anh!

Ngày xưa trong Quốc văn giáo khoa thư có bài lính thú đời xưa nói: ‘chân bước xuống thuyền nước mắt như mưa’, ở đây:

 Anh đi lưu thú Bắc Thành

Ðể em ở lại như nhành cây khô.

Phụng hoàng lẻ bạn sầu tư,

Em đây lẻ bạn cũng như phụng hoàng!

Tại bến tàu có dựng cây cột cao báo hiệu, gọi là cột cờ Thủ Ngữ:

Gia Tân nền tan thuở xưa,

Ngày nay có dựng cột cờ gần bên.

 

(Ðất Sài gòn nam thanh nữ tú,

Cột cờ Thủ Ngữ cao thiệt là cao,

Em thương anh vàng võ má đào,

Tìm anh không thấy, vàng thau khó lường.

Sai gon-Gia dinh 13

Đây là cột cờ Thủ Ngữ ở bến tàu)

Cuối bến tàu có sở sửa chữa tàu gọi là sở Ba Son, vào thời Cộng Hòa, nó trở thành Trung tâm Hải Quân. Ðặc biệt chỗ này bờ sông có hàng dừa che mát, làm tăng thêm cảnh thơ mộng, và là nơi những tay câu cá thường tụ tập mỗi buổi chiều. Nó cũng là nơi hẹn hò lý tưởng của những cặp tình nhân:

Gặp em chưa kịp trao lời,

Kiểng Ba Son vội đổ rã rời đôi ta!

Kế bên có những vựa buôn bán cây trái, rau cải, bến Chương Dương có chợ như: chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Muối, là những vựa hàng hoa quả, từ các tỉnh chuyển về bằng xe hơi. Còn tàu bè nhỏ, nghe thương hồ từ Lục tỉnh lên cũng về các vựa trên.

Buôn bán khá giả nhưng đôi lúc cũng gặp nghịch cảnh gian nan, lỗ lã mất vốn, tử nạn vân vân…

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi,

Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê.

 

Ðạo nào vui cho bằng đạo đi buôn,

Xuống biển lên nguồn, gạo chợ nước sông.

 

Anh đi ghe gạo Gò Công,

Về Vàm Bao ngược gió giông đứt buồm.

Sai gon-Gia dinh 14

Các công nhân khuân vác nghèo khổ, ốm yếu, mình trần còng lưng khiêng vác các bao hàng hóa nặng trĩu, đi loạng choạng thấy thảm thương:

Ðừng ham hốt bạc ghe chài,

Cột còn cao, bao lúa nặng, cấm đòn dài khó đi.

Tình tự

Ở đâu có con trai con gái là ở đó có yêu đương, tình tự, nhớ nhung ly biệt não nùng:                 

Một mình vừa chống vừa chèo,

Không ai tát nước đỡ nghèo một phen.

 

Bới chiếc ghe sau chèo mau anh đợi,

Kẻo khuất bóng bần bờ bụi tối tâm.

                  

Em ngồi trước mũi ghe lê,

Gió xô sóng dập, anh ngồi kề một bên.

Ghe anh đỏ mũi tráng lườn,

Ở trên Gia Ðịnh xuống vườn thăm em.

Ai về Bà Ðiểm Hốc Môn,

Hỏi thăm người ấy có còn hay không,

Ðể tôi kiếm sợi chỉ hồng,

Chờ ông tơ bà nguyệt kết vợ chồng đôi ta.

 

Ai đem em đến Sài Thanh,

Phồn hoa ai khéo dỗ dành hở em.

 

Ðèn nào cao cho bằng đèn sân thượng,

Nghĩa nào nặng bằng nghĩa trượng phu.

Anh về anh học chữ nhu,

Chín trăng em cũng đợi, mười thu cũng chờ!

Câu ca dao này ngụ ý muốn khuyên bồ bịch, lên Sài thành để học hành, cho thành công chớ không phải ăn chơi lêu lỏng. Có vậy dầu em ở quê nhà, có chờ đợi anh chín tháng, hay mười năm đi nữa em cũng chờ! Bởi vì em yêu anh, sợ anh dễ bị gái Sài thành, tân thời xinh đẹp cám dổ:

Ðường Sài gòn cong cong quèo quẹo,

Gái Sài gòn không ghẹo mà theo.

Hay chuyện ba Tàu

Gái đàng mới xem tướng không mới,

Trai Bến Thành xét lại chẳng thành.

Ngày nay qua lại em anh,

Có xu, có lúi mới thành ngãi nhơn.

 

Tía một ly, con một ly,

Ngộ hòa nị then, ngô cái ché nị cái tô.

rượu vô thì lời ra.. mầy một ly, tao một ly.

Ghe lui khỏi bến còn dằm,

Người thương xa bến, chỗ nằm còn đây.

Sông Sài gòn, sông bao nhiêu nước,

Chợ Cũ Sài gòn, kẻ tục người thanh.

Mấy ai mà đặng như anh,

Người thương xa bến chỗ nằm còn đây.

                 (Dù cho xao xuyến cũng chơn thành với em).

Thuốc rê Gò Vấp rất nổi tiếng:

Trầu Bà Ðiểm xé ra nữa lá

Thuốc Gò Vấp hút đã một hơi

Buồn tình gá nghĩa mà chơi

Hay là anh quyết ở đời với em?

 Thuốc rê Gò Vấp nặng lắm, đến đứa nhỏ mồi thuốc cho ba nó cũng say luôn:

Thuốc rê chồng hút vợ say,

Thằng nhỏ mồi thuốc lăn quay chín vòng.

Nồi đồng lại úp vung đồng,

Con gái xứ Bắc lấy chồng Ðồng Nai,

 

Bao giờ cạn lạch Ðồng Nai,

Nát chùa Thiên Mụ mới sai lời nguyền.

 Trai Sài thành đàng điếm, không chung tình, chuyên dụ dỗ gái quê: 

Sáng nay đi chợ Gò Vấp

Anh mua một xấp vải đem về.

Cho con hai nó cắt, con ba nó may,

Con tư nó đột, con năm nó giềng.

Con sáu đơm nút, con bảy vắt khuy.

Anh bước ra đi

Con tám níu, con chín trì

Ớ em mười ơi!

Sao em để vậy còn gì áo anh?

Ðáng đời cho bỏ tật ma cô!

Thương nhau rồi lại bỏ nhau, gạt gẫm, tham danh lợi mà quên nghĩa tào khang.

Ghe Sài gòn quay mũi

Tàu Gia Ðịnh xúp lê

Giã cô em ở lại lấy chồng

Thuyền anh ra cửa như rồng phun mây.

 

Ghe lui khỏi bến còn dằm

Giã em ở lại vuông tròn

Anh về Gia Ðịnh không còn tới lui.

                  

 ‘Cầu Bình Ðiền xe lửa chạy nghiêng triền

Anh gặp em dưới thủy trên thuyền

Lời phân chưa cạn sao anh lại liền chia tay?

  (Trước 1957, có đường xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho, chay ngang qua đây)

Chợ Bến Thành đèn xanh đèn đỏ,

Anh nhìn cho tỏ đèn màu.

Lấy em anh đâu kể sang giàu,

Rau dưa mắm muối, có nơi nào hơn em?

 

Chợ Bến Thành dời đổi,

Người sao khỏi hợp tan.

Xa gần nghĩa tào khang,

Chớ tham quyền quý, phủ phàng nghĩa xưa.

(Chớ ham nơi quyền quý, mà đá vàng xa nhau?)

 

Sông Sài gòn, cầu Bình Lợi,

Tôi tưởng mình là chồng, tôi là vợ,

Tôi chờ tôi đợi hết hơi,

Không dè anh kiếm chuyện nói chơi qua đường.

 

Này em Tám ơi! Chợ Sài gòn cất mới

Ghe tàu lui tới tứ diện rất xinh

Thấy em đẹp dáng tốt hình

Chẳng hay em có chung tình đâu chưa?

                  

Chợ Sài gòn cẩn đá

Chợ Rạch Giá cẩn xi măng

Dù cho xao xuyến cũng một lòng với anh.

 

Con trai khờ khạo, cưới vợ về mà không biết vợ có bầu, lại chắc chiêu ôm con người ta nuôi mà chưa hay:

Bờ bụi tối tâm, anh quơ nhằm tô bể,

Cưới vợ có chửa về thổi lửa queo râu!  

    

Nhân tài

Sài Gòn Gia Ðịnh là trung tâm văn hóa Miền Nam, từ mấy trăm nay trước đã từng qui tụ rất nhiều nhân tài như bốn danh sĩ nổi tiếng là: Trịnh Hoài Ðức, Võ Trường Toản, Ngô Nhân Tịnh và Lê Quang Ðịnh. Dưới thời vua Minh Mạng nổi tiếng nhứt là nhóm Gia Ðịnh Tam Thi gia. Họ lập hội quán cùng nhau trao đổi, tranh luận văn chương: Trịnh Hoài Ðức, Ngô Nhân Tịnh và Lê Quang Ðịnh.

Ngoài ra Gia Ðịnh còn có ba vị anh hùng lịch sử hết lòng phò vua giúp chúa, còn ghi danh trong lịch sử, gọi là Tam Hùng:

Biên Hòa với Ðỗ Thành Nhân

Gò Công với Võ Tánh

Tân An với Nguyễn Huỳnh Ðức

 Muốn hiểu hãy lắng nghe điệu hò Miền Nam sau đây:       

Con gái:

Hò ơ…

Nghe anh lào thông lịch sử,

Em xin hỏi nhất đất Nam Trung.

Hỏi ai Gia Ðịnh Tam Hùng,

Mà ai trọng nghĩa thủy chung một lòng? Hò. .. ơ..

Lời người con trai

         ‘Hò.. ơ..

Ông Tánh, ông Nhân cùng ông Huỳnh Ðức,

Ba ông hết sức phò nước một long.

Nổi danh Gia Ðịnh Tam hùng:

Trọn nghĩa thủy chung có ông Võ Tánh.

Tài cao, sức mạnh, trọn nghĩa quyên sinh,

Bước lên lầu bát ngát thiêu mình như không!.. Hò.. ơ..

Họ là những hiền tài liều thân phò chúa Nguyễn. (Xin nhắc lại vào thời đó Gia Ðịnh bao gồm luôn Biên Hòa, Ðồng Nai, Bình Dương và Tây Ninh)

Sài gòn có bốn nhà giàu nổi tiếng như: Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường và tứ Ðịnh.

Nhất Sĩ tức Lê Phát Ðạt làm thông ngôn tiếng Latin, học tại Penang. Ông giàu nhờ Tây cắt đất bán không ai mua, Tây bắt ông mua. Khá giả ông xây nhà thờ gọi là nhà thờ Huyện Sĩ.

Nhì Phương tức Tổng đốc Ðỗ Hữu Phương, Chợ Lớn.

Tam Xường tức Ba hộ Xường, tên thiệt là Lý Tường Quan, người Minh Hương, xuất thân là thông ngôn.

Tứ Ðịnh là Ba hộ Ðịnh, nhà thầu.

Ông Diệp văn Cương vợ là Công chúa sanh ra ông Diệp văn Kỳ (Cử Nhân Pháp) một nhà báo Miền Nam.

Ðinh Thái Sơn v.v.

Kháng chiến

Nhà tan nước mất ai ơi,

Cái thân nô lệ sống đời cu ly!

Sài Gòn Gia Ðịnh không những là trung tâm văn hóa mà còn ổ kháng chiến chống thực dân Pháp đặt nền móng cai trị bóc lột dân lành, thì dân quân kháng chiến nổi lên kháng cự bằng đủ cách: gươm giáo, văn hóa vân vân.

Bến Nghé tàu phung khói mịch

Chợ Bến thành súng nổ vang

Cả tiếng kêu các tổng, các làng

Ðứng lên đuổi bọn xâm loàng về Tây.

Hay

Binh tướng có hãy đóng sông Bến Nghé

Ai làm nên bốn phía mây đen

(Ý nói khói tàu phun đen cả bầu trời tối thê thảm..)

‘Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây

Bến Nghé của tiền tan bọt nước

Ðồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây.

Hởi trang dẹp loạn rày đâu vắng?

Nở để dân đen mắc nạn này!

    (Thơ cụ Nguyễn Ðình Chiểu trong bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc)

Nhà tan nước mất anh ơi

Cái thân nô lệ, sống đời cu ly!

Cụ cử Phan Văn Trị:

Thương thay đất Gia Ðịnh!

Tiếc thay đất Gia Định!

Vực hóa nên cồn

Ðất bằng nổi sóng

Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt bến trâu.

Trong những năm dài chinh chiến, nhà thơ Xuân Miển cho:

 ‘Bạn đã nghe An Phú Ðông

Một làng nho nhỏ ven sông

Một năm chinh chiến! Ôi chinh chiến

Sông nước Sài Gòn nhuộm máu hồng’

Còn bọn cường hào ác bá bán nước hại dân, họ chỉ lo trấn lột dân lành tận xương tủy. Cho nên tuy Miền Nam sung túc, dư thừa lúa gạo, nhưng không phải ai cũng có gạo mà ăn, muốn biết hãy nghe đây để thấu nỗi lòng người nghèo, câm thù bọn họ, như sau:

Xay lúa giã gạo Ðồng Nai,

Gạo thóc về ngài, tấm cám về tôi.

 Pháp có ra mấy tờ báo: Journal officiel de l’Indocine Francaise, Le Mekong, Le Courier de Saigon, La Semaine Coloniale

Sau có nhiều nhà văn nhà báo Việt, đầu tiên và kỳ cựu là cụ Trương Vĩnh Ký. Kế đến các nhà văn nhà báo gốc Gia Ðịnh, rồi các nhà tranh đấu du học từ Pháp về Nguyễn An Ninh với tờ báo La Lutte, Trần Văn Thạch vân vân.

Ngày nay vật đổi sao dời, Sài Gòn thân yêu đã mất hết cái duyên dáng, mỹ miều ngày xưa, ta cũng mất luôn Sài Gòn, nhưng ta chỉ còn thương tiếc Sài Gòn mãi mãi trong tâm trí qua bài ca của Phạm Duy:

Sài Gòn đẹp lắm,

Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!  

Sách đọc

  1. Hòa Ða: Ca Dao Miền Nam, Nhật báo Chiêu Dương 9 /12/ 06 tr50
  2. Huỳnh Minh: Lược Khảo lịch sử Gia Ðịnh, Nhật báo Chiêu Dương, 28/9/06 tr50
  3. Nhóm Sơn Hội, Bình Dương Thi Xã, Báo Chiêu Dương, 12/tháng Tám/2006
  4. TS Nguyễn Hữu Phước, Nhớ Sài gòn qua ca dao
  5. Việt Sử Toàn Thư. Phạm Văn Sơn
  6. Phan An: Người Hoa ở Nam Bộ, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội   
  7. Toan Ánh: Ca dao tục ngữ về Sài gòn. Báo Dân Việt 17.6.11, tr 37
  8. Trần Gia Phụng: Sài Gòn mãi mãi là Sài Gòn, báo Việt Luận, số 2073,12 /2606 Tr 48
  9. Vương Hồng Sển: Sài Gon năm xưa, Nhà xuất bản Thành Phố HCM
  10. Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản.