Sài gòn của mình – Những năm tháng không quên
Nguyễn Thanh Bạch
(Nguồn: Tạp chí Đi Tới “Sài gòn của mình” 2020)
LTS: Tác giả Nguyễn Thanh Bạch, Cao học Kinh tế, cựu Giảng viên đại học Vạn Hạnh, Cần Thơ, Hòa Hảo, Học viện Quốc gia Hành chánh, Phụ tá Tổng trưởng Thương mại tại Việt Nam trước 1975. Hơn 11 năm qua các trại cải tạo sau 1975. Định cư tại Montréal 1990, Cao học Thư viện & Khoa học Thông tin (MBSI) đại học Montréal 1995, cộng tác Đi Tới năm 2000.
Các cô cậu học sinh từ các tỉnh đến Sài Gòn để học, nếu không có bà con họ hàng cho tá túc thì đều biết chuyện “ăn cơm tháng” tuy rằng có người dùng từ ngữ khác, là ở “nhà trọ” hay “gác trọ”, như câu thơ sau đây của thi sĩ Thế Lữ
Rũ áo phong sương trên gác trọ
Lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang. (1)
“Ăn cơm tháng”, các cô cậu học sinh được chủ nhà cho ăn ở, mỗi tháng phải trả tiền, cơm ăn có thể là mỗi ngày ba bữa (hoặc hai), theo sự thõa thuận giữa đôi bên.
Mỗi cô cậu học sinh phải mang theo một chiếc ghế bố để nằm ngủ và phải xếp lại gọn gàng vào buổi sáng. Bàn ăn đặt ngay giữa nhà, dùng làm bàn học luôn. Phải sống chen chúc nhau, ăn và sống thanh đạm nhưng họ có chung cùng một ý nguyện là học hành cho thành tài, để trở thành người hữu dụng trong tương lai.
Khi mẹ tôi đưa tôi tới Sài Gòn, tôi mới 13 tuổi. Phải ở lại Sài Gòn để chăm lo đèn sách, nước mắt tôi chan hòa, văng vẳng bên tai còn nghe rõ lời nói âu yếm của mẹ tôi: “Con ráng học giỏi để mai sau nầy, tấm thân được nhờ, nghe con!”.
Tôi đứng im lặng, lòng tê tái nhìn theo chiếc xe đưa mẹ tôi đi, xa dần, xa dần, rồi mất hút trong đám bụi mờ. Đó là kỷ niệm đầu tiên khi tôi đến Sài Gòn từ một làng quê ở tỉnh Thủ Dầu Một (sau nầy gọi là Bình Dương), không bao giờ tôi quên. Năm 1947, tôi thi đậu vào trường Petrus Trương Vĩnh Ký, thứ hạng rất cao có học bổng, đáng lẽ được vào nội trú nhưng vào thời đó, trường còn tạm thời mượn một dãy nhà của trường nữ Marie-Curie để làm trụ sở nên học sinh phải tự tìm nơi ăn chốn ở. Đến năm sau, trường mới dọn về trụ sở thiệt thọ của mình, ở gần thành Ô Ma (Camp des Mares) là thành của lính Tây và sang năm thứ ba, trường mới có nội trú. Trong lúc chưa có nội trú thì học sinh phải “ăn cơm tháng”. Sau vụ học sinh biểu tình gây ra cái chết và đám tang của trò Ơn gây ra sự xáo trộn ở Sài Gòn thì chế độ nội trú bị chấm dứt luôn. Tính ra, thời gian tôi “ăn cơm tháng” kéo dài hơn 10 năm cho đến khi tôi lập gia đình. Tôi đã phải di chuyển chỗ “ăn cơm tháng” nhiều lần, ở nhiều nơi khác nhau.
Nơi tôi “ăn cơm tháng” đầu tiên là một căn phố ở trong ngõ hẻm đường Colonel Grimaud (sau nầy gọi là đường Phạm Ngũ Lão) ăn thông ra đường Galiéni (sau gọi là Trần Hưng Đạo). Không xa là xóm Sáu Lèo, là một xóm lao động nghèo. Xóm nầy bị hỏa hoạn thiêu rụi. Về sau, nhà cửa được xây cất lại khang trang hơn. Không xa, tại đường Galiéni, có phòng trà ca nhạc Tour d’Ivoire. Về khuya, trong khi học bài tôi thường nghe văng vẳng những bài hát trữ tình Nắng chiều, Dư âm, Dòng sông xanh, v.v…
Cũng không xa, còn có rạp hát Thành Xương, có gánh hát Năm Châu diễn tại đây, thường là diễn những tuồng xã hội có giá trị, phản ảnh cuộc đời thật. Nhà trọ của tôi cũng ở gần trường Tôn Thọ Tường là nơi ông Nguyễn Hữu Thọ hay đến diễn thuyết, tôi thường đến nghe (lúc đó tôi chưa biết ông theo Cộng sản hại nước hại dân).
Mỗi sáng đến trường, tôi phải đi ngang qua chợ Bến Thành và vườn Ông Thượng, sau nầy gọi là vườn Tao Đàn. Tên vườn Ông Thượng xuất phát từ tên Thượng Công Lê Văn Duyệt, thời xưa làm Tổng trấn nơi đây. Những ngày nghỉ học, tôi rất thích đến vườn Ông Thượng vì có nhiều cây xanh bóng mát, hoa lá xinh tươi, có chim bay bướm lượn, gợi nhớ đến làng quê của tôi ở miền đông Nam Việt. Nhà trọ không có cho ăn điểm tâm. Mỗi sáng, gánh hàng rong đi qua, rao bán nào là xôi, bắp, bánh bèo, cháo huyết… là những món ăn của giới bình dân. Riêng tôi, thường mua hai củ khoai lang nóng hổi để vừa đi học vừa ăn cho tiện. Tôi không thích đi ngang qua đường Amiral Courbet (sau nầy gọi là đường Nguyễn An Ninh), bên hông chợ Bến Thành vì, vào buổi sáng, đi ngang qua đây, tôi thường đạp phải đồ dơ dáy của các cô gái điếm từ trên lầu quăng xuống. Sang năm sau, trường Petrus Ký dời về trụ sở chính thức, gần thành “Ô Ma”. Vào khoảng các năm 1948, 1949, khu vực nầy còn có cây cối um tùm. Trời mưa, nước ngập lai láng, tiếng ếch nhái kêu vang rền vào buổi sáng, gợi nhớ thôn quê.
Trong thời gia ‘‘ăn cơm tháng” tại đường Phạm Ngũ Lão, tôi bắt đầu làm quen với thành phố Sài Gòn, gắn bó với nếp sống văn minh. Từ nay, tôi đánh răng buổi sáng, tắm xong có khăn tắm để lau mình, có bàn là để ủi quần áo cho phẳng phiu; tôi hớt tóc mỗi tháng (ở nhà quê, đầu tôi cạo trọc), nghe nhạc radio, xem phim, v.v…
Học đến năm thứ ba trung học, trường Petrus Ký mở lại nội trú và tôi được vào. “Nội trú” là một hình thức “ăn cơm tháng” tươm tất, lịch sự và có kỷ luật, do nhà trường lo. Và, vì tôi có học bổng nên khỏi phải trả tiền mỗi tháng. Nhưng ba má tôi phải một phen chạy đôn chạy đáo lo mua sắm các vật dụng cho cái “trousseau” gồm có quần áo, mền mùng, gối chăn… bắt buộc phải có khi trình diện để vào nội trú. Nếp sống và việc học hành của học sinh nội trú phải theo khuôn khổ của nhà trường. Các buổi học ngoài giờ vào chiều tối có giám thị trông nom. Học sinh được cử đại diện để tham gia vào việc kiểm soát nấu ăn. Ngoài hai bữa ăn chính trưa chiều, còn có cả ăn sáng.
Có những buổi tập thể dục do huấn luyện viên hướng dẫn. Ngoài ra, còn có các hoạt động thể thao tự do như bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá tại sân vận động của trường. Thời đó, đội banh trường Petrus Ký rất nổi tiếng trong giới học sinh. Tôi còn nhớ, có lần cầu thủ của đội AJS * được mời đến, trong số đó có anh Maurice, dạy kỹ thuật đá và lối lừa banh tài tình của anh.
Học sinh cùng ở nội trú thường rất dễ kết thân với nhau và tình bạn cũng rất là đậm đà. Tình bạn bộc lộ rõ nhứt là vào mùa nghỉ hè hai tháng, vào mùa hoa điệp (hoa phượng) nở. Dọc theo các đường đi bên trong nhà trường, hoa phượng đua nhau nở, tạo nên nổi buồn hoa phượng khó quên. Tuy chỉ xa nhau hai tháng nhưng đi về quê, mỗi người phải đi một ngả,
Về quê gặp lại cha mẹ là điều họ mong muốn nhưng phải xa bạn thân thiết, thiếu bạn để tâm sự là một nổi buồn trống vắng. Những bản nhạc về mùa hoa phượng, không hẹn mà nên, đã làm xao xuyến biết bao tâm hồn non trẻ, làm dao động luôn cả những trái tim già cỗi đang sống lưu lạc xa quê hương.
Sau vụ trò Ơn, tôi học bổ túc ở trường tư thục (trường Huỳnh khương Ninh), học nhảy lớp, thi lấy bằng Thành chung (Diplôme) và thi đậu trở lại vào trường Petrus Ký để học tiếp hai lớp Seconde (Đệ tam) và Première (Đệ nhị).
Đổi nhà trọ là chuyện dễ dàng vì tài sản chỉ có chiếc ghế bố và một cái va li. Năm cuối cùng học tại trường Petrus Ký (lớp Đệ nhị), nhờ có duyên may, tôi về ở trọ ngay tại nhà của ông Économe (hội kế viên) của trường. Nhà nằm trong khuôn viên của trường, tôi khỏi phải cuốc bộ xa, tiện cho việc học hành. Các buổi chiều, sau giờ tan trường, nhà trường trở nên vắng vẻ, tôi tự do đi lại dọc các hành lang, học bài, đọc sách.
Có mấy cô học sinh trường Marie-Curie, quê từ Tây ninh, Châu đốc, Cần thơ cũng được cha mẹ gởi gắm “ăn cơm tháng” nơi đây. Vì trường học ở cách xa, mỗi buổi sáng, các cô phải đạp xe đi học.
Các cô học sinh trẻ đẹp, gọn gàng với áo đầm xinh xắn, vui vẻ đạp xe đi học, đối với tôi, tạo nên một hình ảnh đẹp của Sài Gòn, từ nay gắn bó trong tâm tưởng của tôi.
Sau lớp Première (Đệ nhị), và thi đậu Tú tài phần nhứt, tôi được chuyển qua trường Pháp Chasseloup-Laubat vì năm đó trường Petrus Ký không có lớp Đệ nhứt. Lại một lần nữa, phải dọn đi, đổi nhà trọ khác.
Nhà trọ cuối cùng kết thúc quảng đời 10 năm “ăn cơm tháng” của tôi là trường tiểu học tư thục “Thanh Bạch”, đường Trần Quang Khải, vùng Đa Kao, gần rạp hát Văn Hoa. Người ăn cơm tháng ở trên lầu, gồm có học sinh lẫn những người tuy còn trẻ nhưng đã đi làm, có cả nam lẫn nữ. Vì có sự chung đụng nên đã có một mối tình nẩy nở giữa một nam một nữ, về sau trở thành vợ chồng! Tôi đã biết được Tình Người của Sài Gòn.
Thời gian ăn cơm tháng tạo nên sự gắn bó định mạng của tôi với thành phố Sài Gòn mến yêu, “Sài Gòn của mình” trong vòng hơn 20 năm tới!
Những năm đầu, tôi vừa là một viên chức hành chánh vừa là một sinh viên quốc gia hành chánh và là một sinh viên trường luật. Chỉ có một thời gian ngắn tôi gia nhập quân ngũ, xa Sài Gòn nhưng rồi tôi lại trở về Sài Gòn, vừa làm công chức vừa làm giảng viên chuyên khoa tại các trường đại học.
o0o
Tôi đã vào đời, sống hết mình với Sài Gòn, trải qua những cuộc biến đổi có vui có buồn của Sài Gòn.
Sài Gòn trở thành thủ đô của nước Việt Nam Cộng Hòa độc lập, tự do dân chủ không thua kém các nước lân bang. Có thể nói tôi là một trong triệu triệu viên gạch góp phần xây đắp nên nước Việt Nam Cộng Hòa.
Nhưng định mạng hẩm hiu của đất nước đã lôi cuốn số phận của tôi và hàng triệu người khác vào vòng lao lý khổ sai, ở nơi rừng núi lam sơn chướng khí từ Bắc vào Nam.
Có những lúc, giữa đêm khuya, giữa rừng núi, nghe tiếng kêu não nuột của con chim “bắt cô trói cột”(2) (tù cải tạo gọi trại là “khó khăn khắc phục”, theo cách nói của người Cộng sản), hay tiếng của con vượn “còn khổ”.
Không ngủ được, anh em tù cải tạo quây quần bên nhau, nhớ tới Sài Gòn, kể cho nhau nghe những chuyện về Sài Gòn hay hát cho nhau nghe những bài hát trữ tình của Sài Gòn, cho đỡ nhớ. Tưởng như là Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt! Sài Gòn của mình!
NGUYỄN THANH BẠCH
(Montréal, 1.1.2020)
(1) Bài thơ “Giây phút chạnh lòng”, Thế Lữ viết tặng tác giả “Đoạn tuyệt.”
(2) Tên gọi, trong một bài của tập san “Tiểu thuyết thứ bảy” xuất bản trước năm 1945.
(*) Đi Tới ghi thêm: Đội banh Ngôi sao Gia Định thành lâp năm 1908 tại Sài Gòn; giải tán vào năm 1954, các cầu thủ gia nhập vào các đội AJS (Association de la Jeunesse Sportive) và Cảnh sát Đô Thành.