Rạp hát Quốc Thanh, trăm nỗi phôi phai

Vưu Văn Tâm

Rạp Quốc Thanh ra đời giữa thập niên sáu mươi, được “sanh sau, đẻ muộn” so với hai rạp hát cải lương bề thế thời bấy giờ là Nguyễn Văn Hảo và Hưng Đạo nằm trên đại lộ Trần Hưng Đạo. Để không bị “thua chị, kém em”, vợ chồng người chủ rạp là ông Tôn Ngọc Chắc và bà Tiêu Thị Mai đã bỏ vốn xây dựng một rạp hát tân kỳ và đặc biệt dành cho giới cải lương với cả ngàn chỗ ngồi cùng những tiện nghi bậc nhất. Tọa lạc ở số 271 trên đường Võ Tánh, thuộc “xóm Mả Lạng” nối liền trung tâm Sài-Gòn đô hội và khu Chợ Lớn phồn vinh, tấp nập.

Sau biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, sinh hoạt nghệ thuật cải lương đã đi vào ngõ cụt. Nhiều gánh hát đại ban, trung ban lần lượt tan rã vì tình hình chiến sự rối rắm. Sự xâm nhập như vũ bảo của phim võ hiệp Hong Kong khiến cho những rạp hát cải lương dần dần biến thành rạp ciné cùng những ưu đãi đặc biệt. Với tấm lòng tha thiết với cải lương, ông bà chủ rạp đã từ chối những lời gọi mời, những ưu ái “tài lộc” vì muốn giữ lại một mảnh đất dụng võ cho cải lương giữa cơn thoái trào. Bên cạnh gánh Dạ Lý Hương treo bảng hát thường trực, ông bà cũng lập thêm hai gánh hát Thái Dương 1 và 2 để tiếp sức cho cải lương cũng như trang trải ít nhiều cuộc sống cho nhiều nghệ sĩ hữu danh.

Bà Mai không may bị ám sát năm 1971 nên những hoài bão nghệ thuật hãy còn dang dở. Hai gánh hát gia đình bị giải tán nhưng ông Chắc vẫn giữ lại rạp hát cho đến hai thập niên sau mặc cho bao đổi thay trong xã hội.

Bước qua thế kỷ hai mươi mốt, sân khấu cải lương lại lao đao vì sự xuất hiện của nhiều hình thức giải trí mới mẻ và hấp dẫn. Rạp hát ngày xưa bị biến dạng, một nhà hàng tiệc cưới đã mọc lên trên nền đất cũ. Bao nhiêu hoài vọng của ông bà chủ rạp hết lòng với cải lương đã theo những biến thiên của thời cuộc mà tan tành theo mây khói.

Mấy chục năm sao dời vật đổi, khung cảnh quen thuộc ngày nào đã theo thời gian xa xôi hun hút. Cô đào hát xinh tươi như mộng của một thuở vàng son đã trở thành một lão bà ngót nghét tuổi tám mươi. Đôi chân run rẩy lần dò từng bước trên lối xưa mà nghe lòng bồi hồi, xúc cảm. Cánh tay phải vịn vào vai đứa cháu đi bên cạnh và đôi mắt cố nhướng lên để tìm lại cảnh cũ, mong mỏi thấy được người xưa. Mái tóc xanh mịn màng thời son trẻ đã rụng rơi gần hết và phôi phai theo tháng ngày gió xóa.

Trước mắt bà, rạp hát cải lương lớn nhất nhì Sài-Gòn một lần nữa được khoác lên mình một diện mạo mới mẻ và hiện là chùm rạp chiếu phim tân kỳ với cái tên thời thượng “cinestar cinema Quốc Thanh”. Khoảng đất trống mênh mông đối diện mặt tiền rạp thường được treo những tấm quảng cáo tuồng tích và tên tuổi nghệ sĩ với sắc màu sặc sỡ được thay bằng một dãy nhà lớn nhỏ nằm san sát bên nhau. Từ hơn chục năm nay, cái tên “xóm Mả Lạng” bị xóa sổ trên bản đồ đô thành và được thay thế bởi những ngôi nhà khang trang còn nồng thơm mùi vôi mới hay các cửa hiệu thời trang rực rỡ. Sau mùa đại dịch dài đăng đẳng, chủ nhân đã cố gắng tân trang cửa tiệm và chong đèn thêm sáng sủa để có thể tiếp tục sống còn giữa thời bão giá.

Quán ‘billards’ bên cạnh rạp hát cũng mất luôn dấu tích. Còn đâu nữa bóng dáng của cậu Mười, chú Bảy, anh Hai .. Nhiều gương mặt đã khuất núi từ lâu và kẻ còn tại thế cũng đem theo trí nhớ về một cõi mênh mông, xa vắng. Cà-phê quán cóc ở đầu con hẻm là nơi chốn tụ tập thường trực của những tay nhà báo hay ký giả kịch trường. Họ nghe ngóng, săn lùng những tin tức sốt dẻo của làng hia mão hay đợi chờ cơ hội chớp liền những bức ảnh sống động để tạo ‘scandal’ và kịp thời cung cấp cho các nhật báo nơi đô thành.

Đứa cháu trai cố gắng dìu bà đi tiếp vào con hẻm sâu. Nhà cửa lụp xụp năm xưa cũng được “lên đời” giữa xã hội nhập nhằng gạo châu, củi quế. Chốn này là chỗ ở của nhiều gia đình bám theo cuộc sống về đêm nơi rạp hát. Dù không là nghệ sĩ nhưng những công việc hậu đài, gác cửa hay dọn dẹp vệ sinh trong rạp hát và bán quà vặt trước cửa rạp đã giúp họ có được miếng cơm manh áo cũng như cải thiện được ít nhiều cuộc sống nơi mảnh đất Sài-Gòn ngựa xe chộn rộn. Cánh cửa vào hậu trường rệu rã và phai màu theo thời gian đã bị khóa kín. Tranh thủ tìm được chút chỗ trống, chiếc xe hủ tiếu mì mượn tạm nơi đó dừng bến, lấp luôn cánh cửa hậu trường và đợi khi xế chiều mới đến giờ xuất phát. Vài bậc trưởng lão có lẽ đã trú ngụ nơi này khá lâu và nhận diện được cô đào hát tiếng tăm lừng lẫy năm xưa. Họ trao nhau những câu chào hỏi chân tình và cho biết thêm những con người sinh sống theo rạp hát ngày trước đã không còn tại thế. Vì cuộc sống, đám cháu con cũng đã dời nhà đi nơi khác, tha phương cầu thực.

Thời gian không là liều thuốc tiên như sách vở thường hay nhắc nhở. Những gương mặt quen thuộc và những tuổi tên nức tiếng cũng phai mờ theo khói bụi thành đô. Cô đào hát sáng giá năm nào, thường hiện diện rực rỡ dưới ảo đăng và luôn được đón nhận những tràng pháo tay đến vỡ nóc rạp mỗi khi cất tiếng ca như chuông vàng ngân trên điện thánh đã xa rồi trong cõi nhớ. Phấn son đã nhạt màu và y trang cũng mục nát giữa không gian vắng lặng với những tấm màn nhung treo nửa giùn nửa thẳng. Cảnh cũ đã thay màu mới, người xưa như tăm cá bóng chim, tiếng đờn như lạc điệu và những câu “xuống hò” đã lỗi nhịp song loan. Thời gian cứ mãi miết trôi đi như những dòng sông phân nhánh và không trở lại bao giờ. Nắng chiều chưa tắt, nhưng hoàng hôn đã bao trùm những lối cũ, đường quen.